Thursday 12 February 2015

Lm Vĩnh Sang DCCT "CÓ NHỮNG NIỀM RIÊNG LÀM SAO NÓI HẾT…"



"CÓ NHỮNG NIỀM RIÊNG LÀM SAO NÓI HẾT…"
Sáng ngày 8.1.2015, có một cuộc gặp gỡ thú vị, đó là cuộc gặp gỡ của một số anh chị em nghệ sĩ với Đức Cha chủ tịch Ủy Ban Giám Mục về Nghệ Thuật Thánh, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Cuộc gặp gỡ quy tụ một số ít nghệ sĩ Công Giáo đến từ ba miền đất nước, và số nghệ sĩ này cũng thuộc nhiều thành phần, họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư, nhiếp ảnh nghê thuật, đồ họa… Có những người còn rất trẻ, những sinh viên còn đang ngồi trên ghế giảng đường, và cũng có những bậc thầy trong lãnh vực nghệ thuật, những nghệ sĩ tên tuổi hoặc những giảng viên của các trường đại học.
Trong cuộc gặp gỡ, ngoài những chia sẻ có tính cá nhân hoặc nhóm, anh chị em nói lên những băn khoăn thao thức và những ước mơ của mình. Nói về ước mơ thì có lẽ không ai ước mơ nhiều bằng giới nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ sáng tác, có thể nói là đầy ắp ước mơ. Có những ước mơ để mà ước mơ, có những ước mơ được đeo đuổi để thể hiện và có những ước mơ cứ mãi làm trăn trở thao thức khôn nguôi.
Có những tâm tình vui mừng tạ ơn, nhưng cũng có những nỗi niềm day dứt. Có những bằng lòng với hoàn cảnh thuận lợi, nhưng cũng có những vùng vẫy với cảm giác vô vọng. Có những thành công trên con đường nghệ thuật tôn giáo, nhưng cũng có những tổn thương làm đau đớn lòng nhiệt thành. Tuy nhiên, nhìn chung anh chị em vẫn cố gắng tự thân vận động, như là một duyên phận, như là một ơn gọi mà không thể là khác được.
Như bối cảnh chung của xã hội, những hoạt động nghệ thuật một khi bị thống trị bởi những điều không phải là nghệ thuật, những sản phẩm – không thể gọi là tác phẩm – thể hiện sự què quặt ngay trong hình tượng của nó. Có một thời nghệ thuật được sử dụng như một công cụ thuần túy tuyên truyền của chế độ. Xã hội thay đổi, mở cửa cho cả thế giới ùa vào, chắp cánh bay ra biển lớn, xu thế không thể đảo ngược, anh chị em nghệ sĩ có cơ hội vươn tầm. Không kể những cuộc chảy máu nghệ thuật, ngay trong nước, một số anh chị em nghệ sĩ có cơ hội trình làng thế giới những tác phẩm để đời, khẳng định tài năng và bản lĩnh nghệ thuật của mình.
Tài năng và sự sáng tạo của anh chị em được thế giới công nhận một khách quan, giá trị tác phẩm của anh chị em đươc khẳng định, chấm dứt ( tuy chưa thoát ra khỏi nhưng đã hết rồi ) một thời kỳ nghệ sĩ bị coi rẻ và phải làm theo ý kẻ có quyền hoặc có tiền nếu muốn tồn tại. Trong lãnh vực tôn giáo thì sao ? Vẫn tiếp tục là những lời kêu ca của những anh chị em thành tâm thiện chí, tha thiết dùng tài năng của mình để đóng góp xây dựng Hội Thành. Điêu khắc, hội họa, kiến trúc… nhưng những lời than van về kiến trúc thì cay đắng và nhiều hơn cả.
Anh chị em tha thiết muốn được tôn trọng tài năng để dùng tài năng đó đóng góp vào sự nghiệp chung của Hội Thành. Giáo Hội đã từng dưỡng nuôi nghệ thuật, nhờ Giáo Hội, nghệ thuật thăng hoa vươn mình làm phong phú Giáo Hội, sản sinh ra những nền văn hóa tuyệt vời của nhân loại, biến ngôi nhà nhân loại thành một vùng không gian được tái tạo một cách tài hoa đáng sống. Buồn tủi thay, đó đây vẫn còn nhiều lắm những vị Giáo Sĩ làm “thầy cả” trong mọi sự, ứng xử theo kiểu "tôi bỏ tiền, anh phải làm theo ý tôi", cộng thêm sự thao túng của những đại gia thừa tiền thiếu tâm, muốn sử dụng mọi sự dưới uy lực của tiền bạc, huênh hoang tuyên bố tài trợ hay cho tiền những ai làm Nhà Thờ theo ý họ, mà ý họ là ý của những kẻ hoàn toàn nằm ngoài chuyên môn của mọi lãnh vực thuộc Nhà Thờ, kết quả là Giáo Hội đang sở hữu khá nhiều Nhà Thờ được xây dựng một cách tùy tiện bừa bãi, nếu không muốn nói là kệch cỡm !
Anh chị em kiến nghị với Bề Trên một cơ cấu nào đó khả dĩ giúp cho nghệ thuật có chỗ đứng trong việc xây dựng Thánh Đường, các mô hình quản lý Nghệ Thuật Thánh của Phương Tây rất hay, nhưng hẳn nhiên không thể áp dụng vào xã hội chúng ta một cách rập khuôn. Thiết tưởng 15 căn bệnh mà Đức Thánh Cha vừa nói với chúng ta khi ngài gặp Giáo Triều dịp đầu năm là những lưu ý, và là những phương thuốc giúp chúng ta chữa trị não trạng "thầy cả" của chúng ta thật hiệu nghiệm…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 9.1.2015

No comments: