Một lần nữa tôi có dịp theo chân một đoàn từ
thiện đến Tây Nguyên. Tìm được địa điểm để có thể tiếp cận được đồng bào nghèo
không phải dễ, những phẩm vật mang theo muốn trao đến trọn vẹn cho đồng bào
nghèo càng không dễ chút nào. Chẳng biết cái cơ chế nào, cái luật lệ nào, cái
thủ tục nào cứ phải phần trăm cho “các cấp, các ban ngành đoàn thể”, chẳng hiểu
cái truyền thống hào hùng nào, cái đạo đức cách mạng nào biến những kẻ mang của
cải chia sẻ cho người nghèo phải biết ơn “các cấp, các ban ngành đoàn thể” vì
họ bố thí cho chúng ta cái quyền... làm từ thiện ! Nhưng thôi, tất cả cái gian
lao đó, tôi đã thấy, nó không làm chùn chân những anh chị em Giáo Dân quảng
đại, từ bi và nhân ái.
Tôi học được nơi họ – những người thiện nguyện – rất nhiều, sự hy sinh,
can đảm, kiên nhẫn và khôn khèo. Họ không nề hà gian khổ, không kìm nén cảm xúc
và không thu vén cho họ, không tìm danh lợi. Chẳng ai, chẳng nơi nào lưu dấu
tên họ, chẳng ai biết họ là ai. Sau những chuyến xe gập ghềnh gian lao, những
công việc nặng học vất vả, những buổi thăm viếng bị vắt kiệt sức, trở lại phố
thị, vệ sinh gột rửa bụi bặm, họ trở nên thoải mái khi trút sạch những gì không
có nơi đô thị trừ một cái, họ vẫn còn mang theo vào bữa ăn tối những giọt nước
mắt hào sảng dành cho những thân phận nghèo hèn, kém may mắn, mà họ đã gặp nơi
các buôn làng, họ đã khóc thật nhẹ nhàng, thật thoải mái khi cùng nhau nhắc lại
những cuộc gặp gỡ vừa qua.
Những buôn làng tôi đã đi qua, thật nghèo, cái nghèo cùng kiệt không tả
hết, những mái nhà hiu quạnh, rách nát, những con heo tộc bụng gần sát đất rong
chơi tìm kiếm thức ăn cùng với những đứa trẻ mặt mày lem luốc ngơ ngác, những
cái váy khô cứng xếp lớp như những miềng nhựa quấn quanh người, những cái đầu
tóc không thể nào bay cho dù gió đại ngàn có cuồn cuộn kéo ngang, nó bện vào
nhau, vàng cháy, khẳng khiu như những nhánh rễ cây đan quyện trên mặt đất.
Những mái đầu ấy nếu được tắm gội, được chải chuốt, được đặt lên đó một nhánh
hoa rừng, nếu những vòng tay đen cáu được sạch sẽ, được mang sách vở đến
trường, được những miếng bánh mì lót lòng buỗi sáng, nếu những bàn chân trần có
được đôi dép, tung tăng những bước chân chim với bạn bè, xếp hàng ngay ngắn
trước thầy cô, hẳn số phận họ được thay đổi...
Những căn nhà bằng gỗ tồi tàn không còn nguyên vẹn, dáng kiểu nghiêng
nghiêng như những triền dốc của núi đồi, hợp thành một bức tranh lạ kỳ, màu đen
mốc thếch như những vạt đồi xa xa còn trơ lại đất cát sau những đám cháy nhuộm
đen những gốc cây trơ trọi. Cái nghèo không thể xiết !
Chúng tôi mang đến một số phần quà như đã được nhóm tiền trạm báo trước,
không ngờ số người đến nhận lại vượt quá con số dự trù. Tìm hiểu mới biết số
người tăng thêm đến từ các buôn làng khác. Dân thành phố mình quen tính toán,
thi nhau đưa ra giải pháp, bớt mỗi phần bao nhiêu ký để có thêm số phần cho đủ,
nhưg người dân tộc tính khác, họ bảo: “Đổ chung đi, rồi cứ chia đều, thế là tốt,
cùng là đồng bọn mà !” Chân chất và thật thà đến ngạc nhiên. Chúng tôi học được
nhiều bài học từ núi rừng, hồn nhiên và trong sáng như thế đó...
Về lại thành phố, lòng tôi vẫn còn vương vấn, chuyến đi chớp nhoáng,
thật nhanh và rút gọn, không biết lần sau có đến được vùng này nữa không, tai
tôi vẫn còn ray rứt lời dặn của người môi giới: “Phát quà thôi, không được nói
gì về tôn giáo”. Và một lời khác nữa của già làng: “Cán bộ dặn là không theo
đạo để được là xã anh hùng !” Chúng tôi có nói gì về đạo đâu nhỉ, chỉ xin chia
sẻ trong tình nghĩa làm người với nhau mà cũng khó dễ sao !?!
Bao giờ thì... "gió sẽ mừng vì tóc em bay ?"
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 23.2.2014
No comments:
Post a Comment