Thursday 30 June 2011

Lm Frank Doyle sj: “Lưu luyến gợi nhung nhớ"


Mt 11: 25-30

Hẳn nhiều người cũng như nhà thơ, thường hay hỏi: giòng đời có nặng gánh nỗi oan khiên? Và còn nói: tình mình đoạn cuối, dấu chân buồn trên lối nhỏ, rất thương? Nơi nhà Đạo, lối hỏi và kiểu nói ấy, có thể là ý tưởng gợi nhớ từ trình thuật được thánh sử đề cập, vào buổi lễ hôm nay?

Trình thuật hôm nay, có thánh sử Mat-thêu cũng đã hỏi và đã nói bằng một khẳng định thoạt nghe tưởng như mâu thuẫn, ở đâu đó. Mâu thuẫn chăng, ở Tin Mừng dạo trước Chúa vẫn bảo: “Ai trong anh em không từ bỏ những gì mình có, thì không thể làm môn đệ của Tôi.” (Lc 14: 33)? Và hôm nay, Chúa còn thêm: “Ai đang vất vả gánh nặng, hãy đến với Tôi, Tôi sẽ cho bổ dưỡng… anh em đựợc nghỉ ngơi, bồi sức.” (Mt 11: 29).

Thật ra, khẳng định của Chúa vẫn gọi mời ta từ bỏ. Từ và bỏ, không như một khước từ/chối bỏ chính bản thân. Nhưng, như phương cách để tìm được bản chất đích thực của chính mình. Và cũng biết được Thiên Chúa là Đức Chúa cực kỳ nhẫn nại, rất vô song. Ngài rất có lòng từ bi thương xót. Thương xót con người và người con của Ngài, đã hơn một lần sai phạm. Vấp ngã. Đã ngưng đọng mọi kết hợp toàn bộ cả con người mình. Với Ngài.

Chủ đề hôm nay, còn là ý tưởng chủ lực về niềm bình an, có uỷ lạo.

Ở bài đọc 1, ngôn sứ Zakaria đề cập đến chuyện “vị vua” ra đi về với Giê-ru-sa-lem, trên lưng lừa. Nhỏ bé. Khiêm tốn. Cảnh trí câu truyện, coi như một sỉ nhục đối với “vua”. Nhưng vẫn êm đềm. Bình an. Bởi, khiêm hạ ngồi trên mình lừa, “vị vua” vẫn “quét sạch các chiến xa và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem; cung nỏ chiến tranh bị người bẻ gãy.” (Za 9: 10). Nhỏ và bé, nhưng “vị vua” cao cả vẫn “công bố Hoà Bình cho muôn dân”. Vẫn kêu gọi người người “Hãy mừng vui!”. Hoan hỉ.

“Vua” Giê-su cũng thế. Yêu cầu Ngài đặt, thoạt nghe có vẻ khó. Nhưng, chủ yếu điều Ngài muốn gửi đến muôn người, chính là nguồn ủi an, nhiều khích lệ. Là, những thứ tha. Hoà hoãn. Dù ta ra thế nào đi chăng nữa, Ngài vẫn thế. Vẫn ở bên ta. Vỗ về. Giùm giúp. Có thể, ta không đạt yêu cầu Ngài mong muốn, ngay tức thì. Nhưng, Ngài vẫn kiên nhẫn chẳng vội đi, khi ta gặp nỗi khó khăn, cần Ngài giúp.

“Giòng thời gian mỏi mòn bước cô liêu”, mà nhà thơ hỏi ở trên còn là kinh nghiệm Ngài từng trải. Ngài từng sống rất trung thực. Sống đơn độc, giáp mặt với khổ đau. Buồn chán. Đắng cay. Tất cả những “hương xưa buồn lắng đọng” mà nhà thơ nói, Ngài đã nếm. Đủ cả. Nhưng, đã vượt qua. Bởi, bên Ngài luôn có Cha. Bởi, với Ngài vẫn có quyết tâm: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha." (Mt 26: 39). Quyết tâm nói lời “Xin vâng!”, nay truyền lại cho dân con đồ đệ. Đáng mến.

Chúa “xin vâng”, cả khi Cha Ngài như lặng lẽ. Vẫn để mặc, một mình Ngài giáp mặt với thời gian. Với không gian, đầy ắp những lo sợ việc sắp đến. Nhưng, khi trỗi dậy từ lòng quyết tâm, Ngài đã trở thành người khác hẳn. Người biết ”từ bỏ những gì mình có, làm tôi Cha theo ý Cha nhân hiền.” Và, nơi Ngài đã hiển hiện phẩm cách huy hoàng có sức “quét sạch chiến xa và chiến mã” của những lạm dụng. Tủi nhục. Chết chóc. Và khi từ bỏ ý định rất riêng, Ngài “sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… vì Ngài có lòng hiền hậu và khiêm nhường “ (Mt 11: 28-29), hết mọi người.

Bài đọc 2, thánh Phao-lô cũng thuật lại nỗi niềm “vất vả và gánh nặng” đậm đặc những đắng cay, bị bỏ lại: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.” (2Cr 12:8). Và, thánh nhân cũng đã nguyện cầu. Cầu rất nhiều, nhưng vẫn có tiếng trả lời: “Ơn Thầy đã đủ, vì sức mạnh Thầy biểu lộ trọn vẹn nơi kẻ yếu." (2Cr 12: 9). Cũng từ đó, thánh nhân tháo bỏ hết buồn đau, nên cương quyết: “tôi sướng khi thấy mình yếu đuối, bị sỉ nhục; bị hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô.” (2Cr 12: 10). Và thánh nhân, đã tìm ra niềm riêng an bình có bổ sức, nên đã quyết: “Khi tôi yếu, đó là lúc tôi trở nên mạnh mẽ.” (2Cr 12: 10).

Kinh nghiệm thánh Phao-lô đã minh chứng cho thấy: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng."(Mt 11: 29). Ta chỉ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, khi có quyết tâm thay đổi lối sống. Đổi cả con người mình. Tuy nhiên, có những điều ta không thể thay và đổi; nhưng vẫn chấp nhận, để vui sống. Có như thế, bình an mới thành tựu. Chỉ thành tựu, khi ta nói lời “xin vâng!”. Nguyện theo ý thánh Cha, suốt đời mình. Chính lúc ấy, ta sẽ được bổ dưỡng. Bình an. Và, an bình chỉ đến khi người người ứng đáp ý định của Cha. Trong hân hoan. Tích cực.

“Anh em hãy mang lấy ách Tôi… vì ách Tôi êm; và gánh Tôi nhẹ”, thoạt nghe những lời như thế, người người cứ tưởng là lời lẽ vu vơ không thuyết phục. Nhưng, hãy tìm hiểu thêm điều thánh sử Gio-an từng ghi chép: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được? Vậy, nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước, thì sao? Thần khí mới làm cho ta sống, chứ xác thịt chẳng ích gì. Lời Thầy nói với các anh là Thần khí và Sự sống.” (Ga 6: 60). Hiểu lời Ngài, ta mới nhận chân rằng: chẳng có con đường nào ngoài việc sống trong tự do. An bình. Như Thầy mình quả quyết.

Để hiểu được ảnh hình điều Chúa nói: “ách của Tôi”, hãy thử nghĩ về ách nhân tăng gấp đôi, vẫn choàng lên cổ của hai chú bò. Cả hai sẽ thực hiện cùng một công tác. Cả hai sẽ chung lưng làm cùng một việc. Ta cũng thế, nếu ta cùng chung công tác gánh lấy ách của Thầy, hẳn rằng lời khuyên ở trên sẽ trở thành mệnh lệnh: “Hãy san sẻ chung cùng một ách với Ta…” Chung như thế, ta sẽ cùng đến bất cứ nơi nào Ngài đã đi. Chung như thế, ta nhận ra ách Thầy gửi, sẽ êm nhẹ. Dễ mang.

Cuối cùng, trọng tâm Trình thuật nay có nghĩa: ta được gọi mời bước theo lối mòn, Đường Chúa đi. Được gọi mời chấp nhận thị kiến đời Ngài đã sống. Chấp nhận tiêu chuẩn, giá trị Ngài mang đến. Chấp nhận, vô điều kiện. Và, chấp nhận Lời Thầy một cách giản đơn. Và, rộng mở con người, cả con tim, tâm tư lẫn với người con. Rộng mở để rồi coi đó như cội nguồn mọi êm ái. An hoà. Nguồn giải thoát, cho mọi người.

Hôm nay, có thêm hiến chương Nước Trời Ngài gửi đến: “Phúc cho ai biết mặc lấy cung cách của Phúc Âm.” Chính đó là bí quyết để sống vui và sống khoẻ. Sống nhẹ nhàng, như bí kíp con dân của Chúa cần tìm đến. Cứ tìm, sẽ khám phá nhiều điều để sẻ san, với muôn người.

Lm Frank Doyle sj

MaiTá lược dịch

Saturday 25 June 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc KHải Cứu Rỗi (tiếp theo)


Công thức tuyên tín trong Tân Ước (tiếp theo)

Điểm chủ yếu của lòng tin Kitô giáo theo những tuyên tín tiên khởi

Chúng ta đã thấy muốn giải thích Kinh thánh Tân Ước cần phải biết điều gì là căn bản, trung tâm nhờ đó các điều khác được cắt nghĩa. Điều căn bản đó đã được thu lại nơi lời tuyên tín. Lời tuyên tín lại phát triển tuỳ theo hoàn cảnh cần phải đối phó lại: lời tuyên tín càng ngày càng nên đủ hơn. Bởi một tuyên tín đã nên đầy đủ như “tín biểu của các tông đồ”, chúng ta lại phải đặt lại vấn đề như đã đặt về Kinh thánh nói chung: trong tín biểu của các tông đồ, điều nào là căn bản cho Kitô giáo:

Câu trả lời nhất thiết phải dựa trên trình tự lịch sử chúng ta đã thấy phác hoạ trên kia: trình tự đó cho ta biết các tác giả thần hứng của Tân ước sẽ hiểu các lời tuyên tín theo một trung tâm nào: phân tích các lời tuyên tín tiên khởi, chúng ta sẽ nhận ra “Hch tử” do đó mà phát triển ra những tín biểu đầy đủ hơn sau này: các lời tuyên tín tiên khởi cho thấy những điểm nào là điểm chung, được lặp lại mãi, không thể không có, những điều đó phải nhận là những điểm chủ chốt của Tín thư Tin Mừng như Hội thánh tiên khởi đã hiểu: công việc trở về nguồn của ta sẽ đạt thấu chính “mạch”. Chúng ta sẽ lấy “tín biểu của các Tông đồ” làm căn cứ để bình luận.

“Tín biểu của các Tông đồ” gồm có 3 khoản đem về Chúa Ba Ngôi.

Khoản 1 (đem về Thiên Chúa Cha) và khoản 3 (đem về Thánh Thần)

Khảo sát lịch sử cho ta thấy: mọi lời tuyên tín đều nói đến Chúa Kitô, nhưng chỉ có ít lời tuyên tín nói đến Thiên Chúa, thế thì phải kết luận: “Hạch tử” tín điều là lòng tin vào Chúa Kitô.

Tín biểu dành khoản 1 cho Thiên Chúa Cha có tính cách hệ thống muộn thời. Muốn hiểu nhằm theo tinh thần Tân Ước thì không phải là đi tự lòng tin vào Thiên Chúa Cha để đến lòng tin vào Chúa Kitô, nhưng ngược lại tín hữu đi đến cùng Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô. Coi:

2C 13: 13 Ân sủng của Chúa Yêsu Kitô được đặt trước lòng mến của Thiên Chúa. Êp 1: 5t (một lời tuyên tín hoạ hiếm có nói đến Thiên Chúa): lại nói đến vì Kyrios (Chúa) trước khi nói đến Thiên Chúa độc nhất và Cha mọi người. 1C 8: 6 : có nói đến Thiên Chúa trước nhưng lại nhấn vào địa vị trung gian của Chúa Kitô cho mọi người, và cho cả tạo thành (một điều có khác với “tín biểu của các tông đồ”, đặt việc tạo thành trực tiếp với Thiên Chúa Cha, như thể Chúa Kitô không có vai trò gì đối với tạo thành. Muốn hiểu theo đạo lý Tân Ước thì phải giữ luôn ý tưởng Chúa Kitô là trung gian cho tất cả tạo thành, như Co 1: 16t; Yn 1: 1t; Hr 1: 2tt)

Vậy muốn cắt nghĩa các Kinh Tin Kính cho nhằm tinh thần Tân Ước, cần thiết phải khởi sự tự khoản 2 về Chúa Kitô: chính vì tín hữu tiên khởi tin vào Chúa Kitô, mà họ tin vào Thiên Chúa và Thánh Thần.

Thời các Giáo phụ, tinh thần đó vẫn còn được duy trì: họ tuyên tín về Thiên Chúa như Đấng đã dùng các tiên tri mà báo trước về Chúa Kitô (Justinô, Irênê, Tertulianô).

Trong “tín biểu của các Tông đồ“, khoản 3 muốn hiểu cho nhằm tinh thần Tân Uớc, thì cần phải biết rằng: khoản đó phát xuất tự “thanh tẩy” nhân danh Chúa Kitô để được ơn tha tội và nhập vào Hội thánh, mà ơn tha tội đó trước tiên là một điều đã được hoàn tất “duy chỉ một lần” nhờ Chúa Kitô trên thập giá (coi 1C 15: 3; 1P 3: 18; 1Tm 2: 6). Và việc sống lại ngày tận thế đầu tiên cũng được đặt liên lạc trực tiếp với sự sống lại của Chúa Kitô.

Xét theo trình tự lịch sử thì phải kết luận khoản 1 và 3 và phụ thuộc đối với khoản 2 (đem về Chúa Kitô)

(còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng dạy, phổ biến nội bộ)

Thursday 23 June 2011

Lm Frank Doyle sj: “Thắp hai hàng cây cây bạch lạp”


Ga 6: 51-52

Mới chỉ xin, thắp hai hàng cây bạch lạp” thôi, mà nhà thơ đã “sốt sắng, đê mê nguyền ước”. Hẳn là khi, mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, sẽ có “cả Hàn Giang nhân loại, thiên không”, tràn trái đất? “Đê mê ngập tràn” - “lút trí khôn”, “ám ảnh hương lòng”, là tâm tình người dự Tiệc vẫn có, thấy lâu nay. Trình thuật lễ Mình Chúa hôm nay, thánh Gio-an ghi: “Ai ăn thịt và uống máu Ta, sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6: 54)

Thoạt ngày đầu, Lời Chúa không nói về “Tiệc Thánh Thể” hoặc rước lễ, nhiều cho lắm. Người Do Thái lúc trước đều không muốn dính vào máu. Họ cho rằng, máu động vật là thứ gì ô uế, không được đụng đến, huống hồ là ăn hoặc uống. Chí ít, là hàng tư tế. Có lẽ vì thế nên, ở truyện người Sa-ma-ri-ta-nô hiền, cả vị thượng tế lẫn Lê-vi dù thấy người bị nạn sõng xoài trên vũng máu, vẫn bỏ đi. Bỏ mà đi, không phải vì họ vội vã lên đền thờ kịp dâng lễ; nhưng vì, không muốn dính đến người có vấy máu.

Ai ăn thịt và uống máu Ta, trước nhất nên hiểu theo nghĩa liên kết/tháp nhập Lời Chúa. Có thị kiến Ngài ban cho. Và, thấy được giá trị của máu. Có như thế, mới hiểu thấu ý nghĩa và mục tiêu của sự sống, thật đúng cách. Khi hiểu rồi, ta sẽ nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà chính là Đức Kitô sống trong tôi.” (Ga 3: 22); hoặc: “Anh em hãy mặc nơi mình, tâm tư vẫn có trong Đức Kitô Giê-su.” (Pl 2: 5). Tâm tư vẫn có trong Ngài, chính là điều ta suy nghĩ. Là, mộng ước ta xây. Và là, ý nghĩa của lời khuyên nhủ: hãy ăn thịt và uống máu Chúa, tức: hiệp thông liên kết qua động tác nghĩ và sống đời cộng đoàn.

Khi nói: ăn Thịt và uống Máu Chúa, thánh Gio-an không có ý nói thân xác/thể hình khi Ngài chết trên thập giá. Cũng chẳng là, máu đào rỉ tuôn từ nương long, nơi xương thịt. Thân Mình Đức Chúa Phục Sinh hôm nay, gồm tất cả đồ đệ người thân của Đức Chúa. Cả những người đã và đang liên kết với nhau trong cộng đoàn tình thương, trên thế giới. Ngài là Đầu. Còn ta, qua kỹ năng đa dạng của mỗi người, là tứ chi nơi Thân Mình Ngài. Thân Mình Ngài cùng với tứ chi, có trọng trách yêu thương, phục vụ và chăm sóc lẫn nhau. Yêu thương, hầu làm chứng để thế giới biết đến Ngài. Yêu thương, chứng tỏ Chúa sống nơi mình.

Thêm vào đó, ta có Bí tích Mình Máu Chúa, nữa. Nếu không biết yêu thương/phục vụ cộng đoàn, thì Mình Máu Chúa chẳng đem cho ta ý nghĩa nào hết. Hoặc có chăng, cũng rất ít. Nói cách khác, không biết rõ Đức Kitô hoặc chối từ nhận lãnh thị kiến Ngài trao, ta sẽ chẳng thể nào “ăn Thịt và uống Máu Ngài” được. Và như thế, tham dự Tiệc Thánh chỉ là thói quen vô bổ. Và như thế, những ai cho rằng mình là kẻ bước theo chân Chúa, vẫn tham dự đều Tiệc Thánh, một cách năng động hay thụ động, mà lại không tha thiết làm thành viên cộng đoàn tình thương của Chúa, ắt chỉ hưởng lợi ích của Bí tích Thánh Thể, rất ít.

Tham dự Tiệc Thánh, còn là hành vi cảm tạ. Bởi, nếu tầm nguyên ngôn ngữ, ta sẽ thấy cụm từ “Thánh Thể” (eucharistia) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, mang ý nghĩa của một cảm tạ. Nên nhớ là, trong mọi việc, Thiên Chúa thể hiện tình thương cho ta qua sự sống của Đức Giê-su, và Lời Ngài dạy. Qua nỗi đau, cái chết và sự sống lại của Ngài, mà thôi. Bởi thế nên, khi tham dự Tiệc Thánh, ta nhớ đến Đức Chúa của Tình Yêu. Nhớ, để cảm tạ. Nhớ, để yêu thương. Cảm tạ, vì ta đã được Tình yêu Chúa đánh động, và đi vào cuộc sống của ta. Đánh động, qua kinh nghiệm bản thân, của mỗi người. Dự Tiệc Thánh, là đi vào với chiêm ngắm và cảm tạ mọi phúc lành, Ngài ban cho sự sống.

Dự Tiệc Thánh, còn là cử hành sự kiện mình trở nên thành viên đích thực của cộng đoàn. Vì thế, ta sẽ cử hành trong vui tươi, đậm nét thân thương tình bằng hữu. Vui tươi, vì Tiệc Thánh Thể, tự bản chất, không tạo ra cộng đoàn. Nhưng, khi dự Tiệc Thánh, ta biết rõ ràng cộng đoàn có mặt ở đó, đang quây quần tề tựu, rất tươi và rất vui. Tham dự Tiệc Thánh, không chỉ có nghĩa là “xem lễ”, bước đến nhà thờ để “đi lễ”, rất cá thể. Dự Tiệc Thánh, cũng chẳng cốt để giữ điều răn Hội thánh, là: “Hãy giữ ngày Chúa Nhật”. Dự Tiệc Thánh, hay giữ ngày Chúa Nhật, không thể là như đi xem hát/diễn kịch, để giải trí. Không phải để ta lãnh nhận điều gì có lợi, dù vật chất hay tinh thần. Nhưng tham dự Tiệc, là cho đi. Cho rất nhiều. Cho toàn bộ con người mình, hầu liên kết hiệp thông.

Tiệc Thánh là một Bí tích, điều này có ý nghĩa còn lớn hơn cả ý nghĩa đến dự chỉ để dâng lên đồ cúng kiến, tế thần. Tiệc Thánh, là thước đo chất lượng của tình bằng hữu, nơi cộng đoàn. Đo, là đo cả bản chất và tình trạng của cộng đoàn, nữa. Cộng đoàn nào sinh động, ắt không thể cử hành Tiệc Thánh theo cách lê thê, đáng chán. Nơi nào, không có tinh thần cộng đoàn theo đúng cách thì nơi ấy không thể có Tiệc theo đúng nghĩa. Dù nguyện đường có hoành tráng. Phẩm phục có uy nghi. Ban hợp xướng có tiếng hát thanh trong thiên thần đi nữa, thì Tiệc Thánh ta dự vẫn không mang ý nghĩa đích thực được.

Có giáo dân đến dự Tiệc Thánh rất thường nhưng vẫn tự hỏi: sao cứ phải “đi lễ”, mà không thể cầu nguyện ở nhà? Đúng thế. Ai cũng có thể ở tại nhà, mà nguyện cầu. Nhiều khi, nhà là chốn ấm nguyện cầu, rất tốt. Nhưng, Tiệc Thánh đâu chỉ là thời gian để nguyện cầu. Thánh lễ chính là Bữa Tiệc. Là, mảng thời gian để ta vui mừng với cộng đoàn thân thương, ta lui tới. Và tiệc vui thánh, không thể thực hiện một cách riêng lẻ, ở tại nhà. Mà, chỉ có thể thực hiện trong chung vui, với nhau. Chung cộng đoàn. Cùng cộng đoàn.

Bài đọc hai, thánh Phao-lô nói: “Khi nâng chén chúc tụng cảm tạ Chúa, há chẳng là ta dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh, há chẳng là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi, chỉ một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, ta vẫn chỉ là một thân thể.” (1Cr 10: 16-17).

Tiếc thay, dĩa thánh đựng Mình Chúa còn hơi nhỏ, khó có thể diễn tả phương cách để cộng đoàn ta cùng vui sẻ san Mình Máu Chúa, trong hiệp thông. Nên cũng tạo phần nào giảm sút ý nghĩa trọng tâm của Tiệc ThánhThể. Và cũng còn khiến cho sự kiện đón nhận Mình Máu Chúa như là chỉ là việc riêng tư, cá thể. Nhưng kỳ thực, dự Tiệc Thánh là có Chúa đến với ta. Ở nơi ta. Ngài đến, như thành phần của cộng đoàn thân thương, đang vui sống.

Bởi thế, những gì ta cử hành khi tham dự Tiệc Thánh, vẫn nói lên kinh nghiệm sẻ san, cùng đem cho nhau tư cách vui tươi, của cộng đoàn. Và khi bắt đầu phần rước Chúa vào lòng, cộng đoàn ta cùng nhau dâng lên lời nguyện cầu mà Đức Giê-su đã chỉ dạy. Đó chính là lúc, ta ngỏ lời với vị Cha Chung của ta ở trên cao, chứ không phải với người cha riêng của một ai. Qua ngỏ lời, ta cầu Chúa ban cho mọi người có đủ cơm bánh hằng ngày. Cầu mong cho nhau, được ơn tha thứ, biết làm hoà. Làm hoà, bằng cử chỉ tay trong tay nắm thành vòng. Và làm hoà, bằng lời chúc bình an cho nhau. Tức, cử chỉ của sự thân thương tình bằng hữu. Của tình an hoà biết thứ tha hết mọi người, trước khi bước lên bàn thánh đón Chúa vào ngự trong cung lòng của chúng ta.

Thực hiện động tác an bình hài hoà, tất cả chúng ta sẽ nhớ lại Lời Ngài ở Núi thánh: “Vậy, khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ người anh em đang có chuyện bất bình với anh, hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh/em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5: 23-24).

Nói cho cùng, nếu không chuẩn bị, ta không thể có được tình an hoà bằng hữu, khi đến với cộng đoàn, ở nhà thờ. Đến dự Tiệc, là ta đã sẵn sàng mang niềm vui tặng trao mọi người. Giáo xứ nào, nếu chỉ lo tổ chức thánh lễ rềnh rang cho có mà chẳng thiết tha gì chuyện buồn/vui xảy đến, với người xứ mình. Thì nơi ấy, sẽ trở thành giáo xứ khô cằn, rẫy chết. Tiệc Thánh lúc đó, chỉ là thói quen nhàm chán, đáng từ bỏ. Tiệc Thánh, phải là Tiệc sinh động của cộng đoàn. Cho cộng đoàn. Và do cộng đoàn thực hiện.

Giáo xứ năng động, không chỉ là toà kiến trúc, nguy nga có thánh lễ, có bài giảng và có đàn hát, rất hăng say. Nhưng, là cộng đoàn tươi vui, biết dựng xây tình yêu thương con cái Chúa, trong hiệp nhất. Và, Tiệc Thánh, là dấu chỉ của cộng đoàn vui tươi sinh động, ở giáo xứ . Ở nơi đây, Đức Kitô đang hiện diện sống động trong mọi người. Qua mọi người. Ngài hiện diện, như một tổng thể có Thân Mình rất Thánh, hiệp thông. Liên kết. Hiểu được ý nghĩa đích thực của Tiệc, ta sẽ nhận ra Lời Ngài vẫn chờ và vẫn đợi mọi người. Cả vào lễ Mình Máu Chúa, rất hôm nay.

Tham dự Tiệc hôm nay, ta cầu cho dân con nhà Đạo thấm nhuần ý nghĩa của Tiệc Lòng Mến đích thực. Rất cộng đoàn.

Lm Frank Doyle sj

MaiTá lược dịch

Saturday 18 June 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


Các Lời tuyên tín biến chuyển làm sao về hình thức?

Trong Tân ước:

Theo việc liệt kê các lời tuyên tín trên kia, chúng ta nhận thấy: đại đa số các lời tuyên tín đều đem về Chúa Kitô (tuyên tín một khoản) – hoạ lắm mới có lời tuyên tín hai khoản (về Thiên Chúa và về Chúa Kitô: 1C 8: 6; 1Tm 2: 5; 6: 13t; 2Tl 4: 1t) – không có một lời tuyên tín ba khoản nào cả (lời tuyên tín theo biểu thức tín biểu các Tông đồ, theo công thức thanh tẩy Mt 28: 19)

Thời các Giáo phụ:

Thoạt tiên cũng chỉ thấy tuyên tín một khoản nơi thánh Ignatiô thành Antiôkia. Tuyên tín ba khoản thấy lần đầu tiên nơi thánh Justinô và một trước tác vô danh (thư của các thánh Tông đồ) tức là vào giữa thế kỷ thứ hai.

Vậy phải nhận có biến chuyển đi từ công thức Kitô-luận thuần tuý đến những công thức gồm nhiều khoản hơn.

Tuyên tín tiên khởi:

Chúng ta có lý mà kết luận rằng đầu tiên công thức tuyên tín một khoản, tuyên tín về Chúa Kitô phổ thông hơn cả. Các tín hữu tiên khởi coi sự tuyên xưng lòng tin vào Chúa Kitô là cốt tuỷ của lòng tin. Họ là Do thái, lòng tin vào Thiên Chúa là lẽ tất nhiên. Muốn nói lên điểm trung tâm của lời rao giảng Kitô giáo thì chỉ cần xác định lòng tin vào Chúa Kitô. Với lòng tin đó, các tín hữu đã đọc Cựu ước, lúc bấy giờ cũng là sách thánh độc nhất của Hôi thánh. Cứ thành thực mà nói thì lòng tin vào Thiên Chúa là tuỳ thuộc vào lòng tin vào Chúa Kitô. Một tế nhận khác làm sáng tỏ thêm điều đó: công thức tuyên tín hai khoản (có nói đến Thiên Chúa) đều do việc giảng đạo giữa người ngoại mới xuất hiện: Trước người ngoại tin có nhiều thần, thì trước khi nói đến lòng tin vào Chúa Kitô, cần phải nhắc đến đạo lý căn bản Cựu ước: chỉ có một Thiên Chúa. Các lời tuyên tín hai khoản chỉ xuất hiện khi phải đối chiếu tuyên tín của Hội thánh với hoàn cảnh ngoại giáo (điều chúng ta thấy được nơi 1C 8: 6; 1Tm 2: 5; 6: 13t; 2Tm 4: 1t). Về thời các Giáo phụ tuyên tín hai khoản cũng có thể xuất hiện vì phải chống lại lạc đạo.

Còn tuyên tín ba khoản (như trong tín biểu các Tông đồ) lại phát xuất từ tuyên tín hai khoản, nhân việc sử dụng vào nghi lễ thanh tẩy được thành một việc tái sinh (sinh lại trong nước và Thánh Thần Yn: 3:5), đó là ơn chịu lấy khi chịu thanh tẩy. (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng huấn lưu hành nội bộ)

Thursday 16 June 2011

Lm Frank Doyle sj: “Khắp đất trời mới mẻ lạ lùng sao”


Ga 3: 16-18

“Điều huyền bí được sinh ra”, còn là ý nghĩa nội dung mà trình thuật hôm nay muốn gửi đến, hết mọi người. Trình thuật thánh Gio-an, một lần nữa, đề cập đến nội dung làm nền của niềm tin ta vẫn có. Nội dung, là tín lý nền tảng nơi Lời dạy, rất khó diễn đạt. Khó diễn tả, bằng ngôn từ. Khó đạt đến, qua vốn liếng tư duy của nhân sinh. Nhưng, nội dung trình thuật hôm nay thôi thúc ta giữ vững niềm tin vào huyền nhiệm Ba Ngôi Đức Chúa.

Có sẵn nơi Giao Ước của người Do Thái, cụm từ “huyền nhiệm” trước tiên không qui về những điều tăm tối, khó hiểu. Nhưng, cốt ý nói về những gì trước đây được giấu kín, nay tỏ lộ cho những người sống ở “bên trong”. Nếu Ngài không biểu lộ, ta chẳng tài nào nhận biết được nội dung huyền nhiệm.

Huyền nhiệm Chúa Ba Ngôi là ví dụ, rất điển hình. Qua huyền nhiệm, ta được bảo: Đức Kitô, Ngài vừa là Chúa, vừa là phàm nhân, mang thân phận phàm trần, giống như ta. Đó là nhiệm tích Chúa làm người.

Đáp ứng với huyền nhiệm, người đời thường lãnh đạm, chẳng thiết tha. Quan tâm lắm, cũng chỉ tìm cách tinh giản, hạ thấp những gì khó hiểu nơi nhiệm tích hầu đặt ngang hàng tầm mức của đặc thù nằm lặng im nơi phần sâu thẳm, của tri thức.

Để hỗ trợ lòng hăng say tìm kiếm sự thật, và hiểu thêm đôi chút về Ba Ngôi Đức Chúa, cũng nên cố gắng đào sâu huyền nhiệm theo khả năng Ngài đã ban. Nhưng dù thế, vẫn cứ phải minh định ngay từ đầu, rằng: ta chẳng có ý đối phó với các mâu thuẫn ngay lập tức. Cũng chẳng tìm cách tin tưởng vào những gì không thể xảy ra. Hoặc cố tình hoá giải công thức 3 = 1.

Lâu nay, người người được yêu cầu hãy tin vào Hữu Thể Huyền Nhiệm, của Ba Ngôi Đức Chúa. Tự thân, đó là quả quyết mà ta không thể khẳng định hoặc chối bỏ, trên căn bản luận lý. Quả quyết như thế, không buộc ta phải cam kết về một Đức Chúa siêu việt, về hình tượng. Nhưng trái lại, hãy khiêm tốn lắng nghe lời kinh mà các linh mục vẫn dâng lên Cha vào mỗi Buổi Tiệc Bẻ Bánh. Lời kinh dâng lên, là các linh mục vẫn thân thưa: Ba Ngôi đồng uy nghi, không phân ly vẫn huy hoàng, Ngài Thiên Chúa duy nhất, chúng con thờ.”

Hay hơn cả, cũng đừng tìm cách cột mình vào mối giây thòng thần học, đầy khúc mắc. Nhưng, cứ để lòng mình đọng lắng trong nguyện cầu với các bài đọc, rất thành kính. Các bài đọc hôm nay, mang tính chú giải hoặc biện luận, khó hiểu. Vì thế, cũng chẳng nên chú tâm vào các giới từ ở thể hỏi đáp, như: Là gì? Tại sao? Cách nào?…Tốt hơn hết, nên theo cách thiết thực, mà sờ chạm vào Bản vị của Ba ngôi Đức Chúa. Đấng luôn hiệp thông, tương quan với chúng ta.

Tín thư của các bài đọc hôm nay, muốn nói lên rằng: Đức Chúa của ta, Ngài không ở đâu xa. Ngài không là các ông “ngáo ộp” chỉ nuốn nhảy bổ vào mình, mỗi khi ta phạm lỗi. Tín thư về Ba Ngôi Đức Chúa, thật ra Kinh Thánh muốn nói là: Thiên Chúa, Ngài là Đấng gần gũi bên ta. Ngài chăm nom săn sóc mỗi người chúng ta, từng chút một.

Bài đọc thứ nhất từ sách Xuất Hành, Môsê được bảo cho biết: Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, vẫn nén cơn tức giận, giàu lòng nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34: 6). Ta cần lắng nghe lời Ngài căn dặn, mỗi khi có khó khăn, gian khổ.

Những năm về trước, nhiều người rủ nhau xem phim “E-va, ba bộ mặt”. Truyện phim kể về một người đàn bà có ba cá tính khác biệt, nhập chung trong một nhân vật. Trên sân khấu cổ điển La - Hy, người ta vẫn có thói quen cho diễn viên đeo mặt nạ ngõ hầu diễn tả một cách sâu sát hơn diện mạo của nhân vật, mình thủ vai. Kịch nghệ Trung Hoa, cũng có thói quen bôi vẽ lên mặt tài tử bằng nhiều mầu sắc, mỗi khi họ diễn xuất. Tiếng La tinh, ta gọi đó là persona – Bản vị. Với Chúa, ta có thể nói: Ngài có ba Bản vị, tức Ba Ngôi, trong cùng một tính cách của Đức Chúa. Với ngành kịch nghệ, mỗi vai trò/bản vị chỉ kéo dài suốt buổi diễn, cho đến khi hạ màn là chấm dứt. Nhưng với Chúa, Ba Ngôi Vị vẫn cứ dính liền, không ly tán. Không nhạt phai.

Cũng nên xét đến các Ngôi Vị của Đức Chúa, diễn bày trong Kinh Thánh:

Chúa Cha. Theo truyền thống người Công Giáo, Giao Ước nói về Chúa như người Cha. Ở đây, ta hiểu rằng: Kinh Thánh không phân biệt giới tính của Thiên Chúa. Chính vì thế, ngày nay có người còn coi Thiên Chúa như Mẹ Hiền Phúc Hậu. Ở cả hai trường hợp, ta vẫn nhận thấy Chúa chính là Đấng Có từ buổi đầu. Ngài là Nguồn Gốc. Là, Đấng Duy Trì Bảo Quản Sự Sống của tất cả mọi sinh vật, đang hiện hữu.

Sách Tông Đồ Công Vụ, có đoạn viết: “Nơi Ngài, ta được sống, được chuyển động và có mặt bằng Bản vị chủ thể.” Nhưng Thiên-Chúa-là-Cha, không phải là con rối động đậy ở trên cao, chín tầng mây mù mịt ấy. Ngài chính là Đức Chúa cùng chung cơ ngơi, vẫn ở cùng với ta. Ta vẫn kiếm ra Ngài ở mọi nơi. Với mọi vật. Mọi vật do Ngài dựng nên, vẫn duy trì bản thể. Từ vật nhỏ mọn đơn thuần, cho chí hữu- thể-làm-người đầy sáng tạo. Cùng với tổ phụ Môsê, ta xin thưa: “Lạy Chúa, xin Người cùng đi với tôi.”

Chúa Con. Nếu bảo Thiên Chúa là Cha, thì cũng phải nói Người Con duy nhất của Ngài chính là Chúa Con. Chúa Con, cùng Bản Thể. Một Ngôi Vị. Là, Đấng Nhập Thể làm Người, Ngài mang thân phận “Người”, nhưng không có nghĩa là nam nhân, hay nữ giới. Như Kinh Tin Kính khởi đầu viết bằng tiếng La-tinh nhấn mạnh “et homo factus est” – Bản Thể Người.

Ta biết được “Chúa Con”, ngang qua Đức Giê-su, Con của Đức Maria. Nơi Ngài, ta có được tổng hợp thiên tính và chất người phàm trong cùng một Ngôi Vị. Sự Thật này, vượt quá sức hiểu biết như chính Ba Ngôi Đức Chúa. Chỉ cần tin.

Đức Giê-su là món quà tặng rất quý cho con người. Bởi, nơi Ngài, ta có được một phần mặc khải về tính cách hạn chế của người phàm mà Đức Chúa chấp nhận mặc lấy cho Ngài. Tín thư thần thánh bộc lộ cho ta biết về tình Chúa yêu ta, mà thánh Gio-an ghi rất rõ trong trình thuật hôm nay: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3: 17).

Chúa Thánh Linh. Thiên Chúa dựng lều ở với con người qua Ngôi vị Chúa Thánh Linh. Thánh Linh, được diễn tả bằng ngôn từ thần học như tình thương yêu vô tận giữa Chúa Cha và Người Con của Ngài. Lại nữa, không thể nói về Ngài mà không nói về Tình Yêu, không giới tính. Trên thực tế, Thánh thần Chúa chính là Đức-Chúa-dựng-lều-ở-cùng-chúng-ta, nơi mọi vật. Và, Ngài tỏ lộ chính mình Ngài qua việc “ở-cùng” ấy.

Nơi nào có sự thật, tình yêu hoặc chân-thiện-mỹ dù nơi thiên nhiên hay con người, ở đó có Thần Linh Chúa. Mỗi tác động của sự thật và vẹn toàn, mỗi động tác của tình yêu hoặc lòng xót thương, mỗi cử chỉ cảm thông, kết đoàn, của tha thứ, đón nhận và công minh, chính đó là thần Linh Chúa tác động trong ta, và ngang qua ta. Và, mỗi khi động tác này kéo dài, chính đó là dấu hiệu mọi người đang có ảnh hưởng tác động của Thánh Thần Chúa.

Cảm nhận được điều đó, thánh Phao-lô đã nhắn nhủ Hội thánh Chúa ở Cô-rin-thô: “anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em. (2Cr 13: 11). Và rồi thánh nhân, kết thúc lời lẽ tâm tình ấy bằng lời cầu và chúc tụng cùng Chúa Ba Ngôi: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.” (2Cr 13: 13).

Lm Frank Doyle sj

MaiTá lược dịch

Sunday 12 June 2011

Lm Chân Tín CSsR: Công an triệu tập


Anh chị thân mến,

Giấy triệu tập “lần thứ hai” này cũng giống như giấy triệu tập lần thứ nhất có mục đích gọi là “giải quyết đơn tố cáo của ông Trần Quang Châu” vị lãnh đạo của Giáo hội Cao đài miền Trung. Theo như tôi được biết, sau ngày cụ Trần Quang Châu, 84 tuổi, đã sáng suốt ký vào “Lời kêu gọi của các tôn giáo về tự do tôn giáo ở VN” cùng với Hoà thượng Quảng Độ (GHPGVN Thống nhất), cụ Lê Quang Liêm (GHPG Hoà Hảo) và linh mục Chân Tín (phản ánh đòi hỏi của người Công giáo), Công an thành phố đến nhà cụ Trần Quang Châu làm áp lực để cụ phủ nhận chữ ký của cụ. Cụ đã khẳng khái trả lời:

“Lời kêu gọi ấy quá đúng, sao lại phủ nhận chữ ký của tôi?

Muốn bắt tôi thì cứ bắt, cứ còng hai tay tôi.”

Sau đợt này, Công an lại đã tìm cách chia rẽ:

“Cụ không nên hoạt động với ông Lê Quang Liêm.”

Chia rẽ bất thành, Công an lại tấn công đợt 3. Cụ Châu cho biết:

“Ngày ngày, Công an ba bốn người, sáng chiều đến ép tôi tố cáo cụ Lê Quang Liêm và linh mục Chân Tín đã ép tôi ký. Quá mệt nhọc vì già yếu và bệnh hoạn, nên tôi đã ký đại cho rồi, vì ai cũng hiểu ai làm áp lực, ai ép tôi.”

Có được “đơn tố cáo” này, Công an coi như có bửu bối. Họ triệu tập cụ Lê Quang Liêm, cụ Tạ Thành Nhân. Cụ Lê Quang Liêm từ chối lên Công an. Công an đành tới “làm việc” với cụ Liêm tại nhà cụ. Và họ cắt điện thoại của cụ. Rồi đến lượt tôi. Cách đây một vài tuần, anh công an khu vực đem tới “giấy triệu tập” lần thứ nhất. Tôi trả lời: “Tôi không đi”. Và còn nói thêm: “Lúc nào còng tay tôi kéo đi, tôi sẽ đi.” Sau đó ông Ba Phương, hình như phụ trách khối công an chuyên “chăm sóc” người Công giáo, đến gặp linh mục Phạm Huy Lãm, Phó Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế và bề trên tu viện Kỳ Đồng, phàn nàn linh mục Chân TÍn không đi theo giấy triệu tập và nói hôm sau sẽ nhờ linh mục Phạm Huy Lãm trao tận tay tôi một tờ giấy triệu tập khác. Hình như mấy ngày sau đó ông Ba Phương này cũng có đến gặp linh mục Phạm Huy Lãm, nhưng lại không trao giấy triệu tập.

Thế rồi ngày 4.1.2000, cơ quan an ninh điều tra của công an thành phố HCM đưa linh mục Phạm Huy Lãm, “Chủ hộ, Bề trên Nhà Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng…” thư “đề nghị…” kèm theo “Giấy triệu tập Lần thứ 2” mà tôi gửi theo đây để anh chị thưởng lãm. Cùng ngày, linh mục Phạm Huy Lãm đã ghi trên “thư” gửi cho mình ở chỗ đề sẵn: “Người nhận đưa giấy triệu tập ký tên”:”Tôi đã trao tận cho cha Chân Tín giấy triệu tập” và ký tên. Ngay cạnh đó, ở chỗ đề sẵn: “Người nhận giấy triệu tập ký tên”, tôi đã viết ngắn gọn: “Tôi đã nhận giấy, nhưng không đi” và ký tên.

Các ông Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh đã nhận “Lời kêu gọi” do tôi gửi bảo đảm. Các văn phòng liên hệ có trả lời là đã nhận được thư bảo đảm của tôi. Nhưng các ông ấy im lặng. Các ông không thể phủ nhận những quyền tự do căn bản của các tôn giáo bị vi phạm, tước đoạt. Các ông lại khó chấp nhận huỷ bỏ Điều 4 Hiến pháp là chỉ còn dành riêng Điều 4 ấy cho đảng viên Cộng sản, không còn áp đặt Điều 4 ấy trên đầu trên cổ 99% người dân Việt Nam và như vậy cũng là chấp nhận đa đảng, chấp nhận dân chủ.

Đảng và Nhà nước không nuốt nổi, nên lại cố chia rẽ các tôn giáo, làm áp lực để các tôn giáo tố cáo nhau và như vậy hoá giải những đòi hỏi tự do tôn giáo. Nhưng cách hoá giải này thật ấu trĩ, lố bịch, tuy vẫn là “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như kinh tế thị trường rừng rú hiện tại.

Ai ép cụ Trấn Quang Châu? Hai cụ già ép một cụ già tuổi đều đã trên 80? Hay Công an ép một cụ tố cáo hai cụ kia ép mình? Chuyện rõ như ban ngày mà còn bày ra triệu tập này triệu tập nọ, hết triệu tập cụ này rồi đến cụ khác. Chưa kể còn bày trò ép một linh mục bề trên vô can ép linh mục Chân Tín khi không thể căn cứ trên Giáo luật hay Luật Dòng. Họ vẫn làm như có thể lấy thịt đè người và đè luôn cả lương tri, lẽ phải!

Chúng tôi chỉ yêu cầu Đảng và Nhà nước trả lời về tự do tôn giáo cũng như về những quyền tự do căn bản khác chứ đừng tiếp tục dùng bộ máy công an cán nát ý chí của người dân.

Lm Chân Tín CSsR

Sàigòn ngày 6.1.2000

(trích Tin Nhà số 42-2000)

Saturday 11 June 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


Bàn Về Ít Tân Ước (tiếp theo)

Công thức tuyên tín trong Tân Ước

Bởi kinh Tin Kính không có tư cách đại diện cho sự tuyên tín của Hội thánh tiên khởi, nên chúng ta phải dựa vào chính Tân ước để được biết các Tông đồ đã lấy gì làm căn bản cho lời rao giảng của các ngài

Các lời tuyên tín đó chìm nghỉm giữa những suy diễn đạo lý nhưng có những nét đặc sắc làm ta có thể hội ra được đó là công thức của Hội thánh chứ không phải là câu văn của tác giả.

Theo những kết luận của bình luận, chúng ta có thể nhận những xuất xứ sau này là lời tuyên tín:

Cv 8: 37 “Tôi tin Yêsu Kitô là Con Thiên Chúa” (một di bản cựu trào).

1P 3: 18-22 (chúng ta gặp những kết quả chính của phần 2 trong tín biểu của các Tông đồ): Chúa Kitô chết vì ta, xuống với các “thần linh” trong tù ngục, sống lại, lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa.

Ep 4: 5-6: Một Chúa, một Thiên Chúa.

Ph 2: 6-11 (một ca vịnh tiên khởi dùng trong phụng vụ): nhắc đến việc làm người, hạ mình đến chết Thập giá, được tôn dương, và nhất là lời hoan hô: Yêsu Kitô là Chúa.

1C 15: 3-5 (chiếu theo lời thánh Phaolô, đây là một lời tuyên tín và cũng là lời toát yếu của công việc rao giảng): Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta theo lời Kinh thánh –Ngài đã bị chôn cất – Ngài đã sống lại ngày thứ ba theo lời Kinh thánh – và Ngài đã hiện ra cho Kêpha, rồi cho nhóm Mười Hai.

1Tm 6: 12-16 (chúng ta cũng có thể rút tự những lời này một lời tuyên tín, có lẽ thuộc về hoàn cảnh cấm cách), nhất là câu 13: Thiên Chúa là Đấng tác sinh muôn loài, và Đức Kitô Yêsu Đấng đã làm chứng trước mặt Pontiô Philatô (làm chứng trước mặt quan quyền, tức là sẽ phải mang lấy hình vạ, và như thế đồng nghĩa với “chịu nạn”).

1C 12: 3 Chúng ta cũng có một lời tuyên tín “Yêsu là Chúa” đối với những trường hợp cưỡng bách bắt tín hữu nguyền rủa (Cv 26: 11) và kêu lên “Yêsu, Đồ chúc dữ”).

1Yn 4: 2 (cũng có thể là một lời tuyên tín gồm có 2 vế: Yêsu là Chúa – “Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết”.

Một lời tuyên tín cho ta biết rõ hơn “Yêsu là Chúa” nghĩa là gì.

Rm 1: 3-4 (cũng là một lời tuyên tín cựu trào, của cộng đoàn, thánh Phaolô đã đem vào nhập đề thư).

Chúng ta có thể thêm 1C; 1Tm 2: 5; 2Tm 4: 1t.

Các lời tuyên tín đó thuộc những hoàn cảnh khác nhau trong sinh hoạt của Hội thánh tiên khởi, tức là nhập đạo (thanh tẩy, dạy đạo) – phụng vụ (các cuộc hội, tiệc ly Thánh Thể), có cả những việc trừ quỷ - và việc đối xử với người ngoài Hội thánh (nhất là cấm cách, và biện bác với lạc đạo); bởi hoàn cảnh đó nhiều hình thức, nên các lời tuyên tín cũng mặc nhiều hình thức.

Lm Nguyễn Thế Thuấn

(trích tài liệu giảng huấn lưu lành nội bộ)

Friday 10 June 2011

Lm Bill O’Shea : Thắc Mắc Của Người Công Giáo (tiếp theo)


Câu hỏi #10:

Phải chăng đoạn sau đây là phác họa của những gì mà Giáo Hội Công Giáo ngày nay đang giảng dạy, hay đã từng giảng dạy? Nếu Giáo Hội đã từng giảng dạy những điều này, nhưng ngày nay không còn giảng dạy như vậy nữa, thì Giáo Hội đã ngưng việc đó vào lúc nào?

“Vào một thưở xa xưa khi đó chỉ có một mình Thiên Chúa hiện hữu. Người đã tạo ra sự hiện hữu của các thiên thần, mặc dù Người biết là:

(a) Một số các thiên thần này sẽ nổi loạn phản lại Thiên Chúa, nhưng không thành công;

(b) Người sẽ tạo ra Hỏa Ngục để ‘giam cầm’ những thiên thần đó;

(c) Một trong số các thiên thần đó sẽ thành công trong việc dụ dỗ những nguyên tổ của loài người làm việc tội lỗi, và do đó gây ra Tội Nguyên Tổ và việc nhân loại bị mất ân sủng;

(d) Và điều này sẽ bắt buộc Con Thiên Chúa phải trở thành phàm nhân, chịu khổ hình, và chịu đóng đinh.”

Câu đáp:

Nói chung thì bản tổng kết gồm bốn điểm của bạn là một lời tường trình chính xác giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về sự hiện hữu vĩnh hằng của Thiên Chúa, việc Thiên Chúa tạo dựng một vũ trụ vật chất và tâm linh, nguồn gốc của tội lỗi, việc nhân loại bị mất Ân Sủng và cần phải được cứu chuộc, và công trình cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa.

Đây đúng là những chân lý vĩnh hằng của đức tin, và Giáo Hội chưa bao giờ ngưng việc giảng dạy những điều này.

Khi khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã làm một việc phân biệt quan trọng giữa chân lý của đức tin và cung cách mà những chân lý này được hình thành.

Thánh Kinh dùng ngôn ngữ và hình tượng – mà ngôn ngữ và hình tượng là một phần trong văn hóa và tâm lý của các tác giả thánh kinh, mà tác giả thánh kinh lại là những người thuộc về thời đại của họ – để chuyển tải những chân lý vĩnh hằng này.

Khi linh hứng cho các tác giả thánh kinh truyền đạt những mặc khải của Người, Thiên Chúa chắc hẳn đã tôn trọng cung cách nói năng, ghi chép, và giảng dạy mà các tác giả thánh kinh có thể hiểu.

Để khám phá những sự thật đích xác mà Thiên Chúa muốn truyền đạt, thường thì người ta cần phải tìm hiểu những điều ẩn giấu dưới lớp ngôn ngữ và tư tưởng thần thoại mà các tác giả thánh kinh đôi khi sử dụng, và rồi hình thành những chân lý đó bằng loại ngôn ngữ và những khái niệm dễ được chấp nhận hơn, và dễ hiểu hơn đối với những nền văn hóa và tâm lý khác.

Nếu như điều này đúng với Thánh Kinh, thì nó cũng đúng với những giáo huấn của Giáo Hội xuyên suốt chiều dài lịch sử.

Chân lý thì không thay đổi, nhưng ý nghĩa của từ ngữ thì thay đổi và cách suy nghĩ con người cũng thay đổi. Cung cách mà một chân lý đức tin được hình thành vào thế kỷ thứ 10 thì không hẳn là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để diễn tả cùng một chân lý đó trong thế kỷ thứ 20.

Đây là điều mà Đức Giáo Hoàng Gio-an đang nghĩ đến khi ngài bày tỏ niềm hy vọng là Công Đồng Vatican II sẽ tìm được những cách thức để diễn tả chân lý thánh thiêng trong một hình thức hợp thời hơn cho những người nam người nữ của thời hiện đại.

Tôi không rõ là tôi có đang giải đáp được gì cho câu hỏi mà bạn đặt ra hay không. Theo như thư của bạn thì tôi nghi là bạn đang lo ngại là tôi đã gây hoang mang về một số tín điều căn bản của Ki-tô Giáo mà bạn nêu ra.

Tôi sẽ đặt câu hỏi về cách mà bạn bày tỏ luận điểm thứ hai của bạn: rằng Thiên Chúa đã tạo ra Hỏa Ngục để ‘giam cầm’ những thiên thần nổi loạn làm phản.

Hỏa Ngục có thể được hiểu cách tốt nhất là một trạng thái hay hoàn cảnh mà một cá nhân bị xa cách và xa lạ với Thiên Chúa – một trạng thái hay hoàn cảnh tự chính mình gây ra mà những hữu thể có-trí-khôn đã tự do chọn lựa qua việc chối bỏ Thiên Chúa.

Nếu như Hỏa Ngục là do sự tạo dựng của bất cứ một ai, thì đó là sự tạo dựng của những người chối bỏ Thiên Chúa với tất cả tri thức và chủ tâm của họ.

Sau hết, tôi muốn minh họa những điều vừa nói ở trên về tư tưởng và cách diễn đạt trong Thánh Kinh, và về cách thức mà Chân Lý của Thiên Chúa được chứa đựng trong đó, bằng cách tham chiếu một trình thuật trong Thánh Kinh về việc nhân loại đánh mất ân sủng – đề tài mà bạn đã nói đến ở luận điểm thứ ba trong bản tổng kết của bạn về giáo huấn của Giáo Hội về tội lỗi và sự cứu chuộc.

Thánh Kinh trình bày câu chuyện của đôi vợ chồng nhân loại đầu tiên do Thiên Chúa tạo dựng để hưởng một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu. Thánh Kinh mô tả một cõi địa đàng, một khu vườn hạnh phúc đầy những cây cối xinh đẹp xum xuê hoa quả.

Thánh Kinh cũng tường thuật một mệnh lệnh từ Thiên Chúa là đôi vợ chồng không được ăn trái của một loại cây đặc biệt – trái của cây cho biết điều thiện điều ác.

Câu chuyện tiếp diễn với việc một con rắn cám dỗ người đàn bà làm trái lệnh Thiên Chúa và ăn trái cấm. Rồi người đàn bà đưa trái cấm cho người đàn ông cùng ăn.

Hậu quả là hai người bị mất những đặc ân mà Thiên Chúa đã ban, thay vào đó họ phải sống một cuộc đời đầy đau đớn khổ ải.

Câu chuyện là như vậy. Còn chân lý là gì? Khi chúng ta nhận ra rằng chữ Adam là tiếng Do-thái, có nghĩa là man – người đàn ông, nghĩa là chủng loại loài người, và chữ Eva có nghĩa là life – sự sống, nguồn của mọi sự sống, thì ta có thể bắt đầu nhận ra chân lý hàm chứa trong câu chuyện.

Tội lỗi của ông A-đam và bà E-và là khuôn mẫu nguyên thủy của tất cả mọi tội lỗi của nhân loại. Các yếu tố của tất cả mọi tội lỗi đều được thấy trong câu chuyện này: sự kiêu ngạo và sự bất tuân phục.

Sự kiêu ngạo được thể hiện nơi việc ông A-đam và bà E-và, “những người đại diện của toàn thể nhân loại”, đã không chịu chấp nhận tình trạng của mình là những tạo vật và địa vị cao trọng của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của họ.

Sự lựa chọn ăn trái từ “cây biết thiện biết ác” là cách mà tác giả Thánh Kinh nói rằng tổ tông của loài người muốn tự mình quyết định điều gì đúng, điều gì sai, mà không cần biết đến thánh ý hay luật lệ của Thiên Chúa.

Đó chính là bản chất của tội lỗi của con người.

Không một thiên thần thất sủng nào được nhắc đến trong trình thuật Sáng Thế này. Trái lại con rắn là một biểu tượng thánh kinh được chấp nhận như là quyền lực của ác thần.

Điều không rõ là trình thuật Sáng Thế này có đòi hỏi chúng ta phải tin là cái quyền lực của ác thần đó là phát xuất từ ngoại tại loài người hay không, hay quyền lực ác thần đó tồn tại ngay trong quả tim con người.

Trong một ý nghĩa nào đó, món quà tự do của Thiên Chúa là một nguy cơ có tính toán. Sự tự do mà chúng ta có nhờ món quà của Thiên Chúa ban cho loài tạo vật con người thì luôn luôn có nguy cơ bị lạm dụng. Nhân loại đã luôn lạm dụng món quà đó; họ đã lạm dụng món quà đó ngay từ thưở ban đầu.

Câu chuyện của ông A-đam và bà E-và là câu chuyện tội lỗi của nhân loại, câu chuyện đó đưa tới nhu cầu cần được cứu chuộc, mà sự cứu chuộc đó chỉ có thể đến từ một Thiên Chúa nhân ái và khoan dung.

Niềm tin Ki-tô Giáo của chúng ta là sự cứu chuộc đó được thực hiện qua món quà của Thiên Chúa là chính Con Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô, đặc biệt là qua cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô.

Lm Bill O’Shea, Queensland, Úc

Bản tiếng Việt: Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn

Thursday 9 June 2011

Lm Frank Doyle sj: “Cả không gian là bể sáng tràn lan…”


Ga 20: 19-23

Cả không gian là bể sáng, khi Thần Linh Chúa, hiện đến. Ngài đến, trong chính phẩm, linh thiêng như mây nước. Có muôn lòng phát tiết cả uy nghi. Có tình tự của thi nhân, diễn tả hết nét đẹp, với muôn người. Phải chăng, đây cũng là ý nghĩa mà trình thuật lễ Ngũ Tuần, đã ghi lại.

Trình thuật lễ Ngũ Tuần hôm nay, thánh sử Gio-an viết về công trình tổng thể khởi từ tuần thánh. Tổng thể công trình, gồm cuộc Vượt Qua, tiến đến sự chết. Có Phục Sinh. Có Thăng Thiên. Có lễ Ngũ Tuần, ngày Thần Linh Chúa ngự đến, rất đầy đủ. Tất cả, nói lên thực trạng công trình cứu độ, luôn soi rọi tâm can con người, trong hành trình hiệp thông với Chúa, vào mỗi ngày.

Như đã thấy ở trình thuật ngày Thăng Thiên tuần trước, truyền thống giáo lý Hội thánh thời tiên khởi có khuynh hướng thẩm định ý nghĩa của lễ Ngũ tuần, qua các chương đoạn rút từ sách Công vụ Tông đồ. Điều này, được bộc lộ rõ nơi bài đọc thứ nhất. Trong khi đó, Tin Mừng thánh Gio-an cho thấy: Đức Kitô, trước khi Ngài về trời, đã trao ban Thần Linh Chúa cho các đồ đệ. Đồng thời, Ngài còn uỷ thác cho các thánh sứ vụ rao truyền Tin Vui Cứu Độ đến với mọi người.

Hai trình thuật sử dụng phương cách khác nhau, để nói lên cùng một thực tại. Thực tại này, không đặt nặng về thời gian và nơi chốn/địa điểm xảy ra công trình cứu độ, Ngài đem đến.

Theo Tin Mừng, sự kiện này xảy đến vào ngày thứ nhất trong tuần, tức Chúa Nhật Phục Sinh. Vào tình huống lúc ấy, các môn đệ co cụm trong phòng kín, e rằng sẽ có ruồng bắt, hành hình hoặc tệ hơn. Nhưng bất chợt, Chúa đã hiện diện giữa các thánh. Ngài chào hỏi mọi người bằng những lời chào thân thương: “”Shalom” - Bình an cho các con”. Lời chào, còn là lời chúc phúc an lành. Bởi, Đức Chúa của Bình An đang ở giữa các thánh, không còn gì phải sợ hãi. Và, niềm vui đã đến với mọi người.

Chúa đến, Ngài đem Hoà Bình lẫn An Vui hoà lẫn nơi tâm hồn mọi con dân, cần thương mến. Và cũng vào lúc ấy, Chúa uỷ thác các công việc linh thiêng trọng đại: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” Như thế, là mọi người nay đã có công tác để làm. Không còn thu người lại mà ẩn lánh. Nhưng, hiên ngang nhận bài sai dấn bước ra đi, làm việc nghĩa. Việc nghĩa ở đây, là: thiết lập Vương Quốc Nước Trời, ở nơi nào mình đặt chân đến.

Cùng với bài sai Ngài trao, Đức Kitô còn thổi hơi vào người các môn đệ. “Hơi thở” “thần khí”, bên tiếng Hy Lạp đều một nghĩa. Chúa thở hơi, để dân con đồ đệ nhớ việc Gia-vê Thiên Chúa dùng hơi sự sống thổi vào cõi bụi mù, đưa con người vào chốn ngàn năm, hiện diện. Ở đây nữa, khi thở làn hơi sống động vào người, Chúa tái tạo đồ đệ thành con-người mới. Con-người, mà thánh Phao-lô có nói trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-thô, tức người con đầy Thần Khí Chúa nhận hiệu lệnh tiếp tục rao truyền Bình An và Niềm Vui sống, đến muôn dân.

Thực thi hiệu lệnh, các thánh có toàn quyền thứ tha tội nhân và hoà giải đưa họ về lại trong tương quan mật thiết với Chúa. Với mọi người. Để mọi người trở thành những người anh người chị, và con em có cùng một Cha. Hoà giải còn có nghĩa, chữa lành vết thương đau ẩn tàng dưới mọi hình thức của những rẽ chia. Hận thù. Đây là công tác mà thành viên Nước Trời đều được mời gọi, để thực thi.

Bài đọc thứ nhất, thánh Lu-ca thuật lại kinh nghiệm mà thành viên Nước Trời thời tiên khởi đã từng trải. Đôi khi, kinh nghiệm từng trải này được coi như Xuất Hành lần nữa. Xuất Hành là bởi, làm ta nhớ việc Gia-vê Thiên Chúa giải thoát dân Do Thái khỏi vòng vây nô lệ, xứ Ai Cập. Trong Xuất Hành lần nữa, cũng có hai sự kiện tương tự: cơn gió Thần Khí Chúa, mà Tin Mừng thánh Gio-an gọi là “hơi thở”. Và, có cả lửa ngọn theo hình lưỡi , phủ trùm hết cả mọi người có mặt.

Như một Xuất Hành đích thực, có quyền năng Thiên Chúa đang phủ trùm, và hiện hữu. Xuất hành có lửa ngọn phủ trùm, làm mọi người nhớ lại tình huống khi xưa mỗi lần Gia-vê phán bảo điều gì với tổ phụ Mô-sê, Ngài đều ra hiệu lệnh đi đến với dân mình. Lửa ngọn, còn làm ta liên tưởng đến các cột lửa dẫn dắt dân con người Do Thái băng qua sa-mạc. Lửa ngọn hay cột lửa, vẫn cho thấy con cái của Chúa chẳng hề bị bỏ rơi, bao giờ.

Kinh nghiệm tiếp cận với Chúa, đã giúp dân con đồ đệ không còn biết hãi sợ. Nhưng, nay đã biết san sẻ các kinh nghiệm cho mọi người. San sẻ, cả kinh nghiệm có chung với Đức Kitô, cả vào giai đoạn chịu hành hình, tù tội. Nay không còn biết sợ.

Cùng lúc với kinh nghiệm được sẻ san, là quyền năng ban cho các thánh được hiệp thông, trao đổi. Tín thư hiệp thông ấy, đã được đón nhận và mọi người đều đã hiểu. Đến độ, các rào cản Babel về ngôn ngữ đã bị bẻ gãy. Đây không chỉ là đặc sủng về khoa ăn nói, nhưng còn là cách thức cho thấy tín thư của Đức Chúa đã được chuyển tải và mọi người đều đón nhận. Nhận với tất cả tấm lòng, như Sách đã viết: “Tâm hồn ta sẽ chẳng được nghỉ yên cho đến khi lửa Thần Khí yên nghỉ trong ta.”

Khi lửa Thần Khí ở trong ta, là ta được mời dự phần sống trong Nước Trời, có Thần Khí. Và, kinh nghiệm sống trong Nước Trời có Thần Khí, được thánh Phao-lô diễn tả trong bài đọc 2 như sau: “Không ai có thể nói: Đức Giê-su là Chúa”, nếu họ không ở trong Thần Khí Chúa” (1Cr 12: 3). Nói: Đức Giê-su là “Chúa”, không chỉ là lời nói lên lòng sùng Đạo, nhưng còn hàm ngụ niềm tin vào Ngài. Tin, và chứng tỏ niềm tin của mình, bằng cách sống cho ra sống.

Sống chứng tỏ có Thần Khí Chúa ở với mình, còn là ân huệ mà thành viên cộng đoàn Nước trời đều nhận lĩnh. Thần khí Chúa, là nguồn ân sủng vẫn hiệp nhất nối kết những ai nhận lĩnh ơn ấy về sống với nhau, thành cộng đoàn. Ơn Thần Khí ban cho, không là ân huệ riêng tư cho mỗi mình. Nhưng, là khả năng đặc biệt giúp ta phục vụ nhu cầu của người khác trong cộng đoàn Nước Trời, nữa. Xem như thế, sử dụng ân đặc sủng để cùng làm việc với nhau ngõ hầu dựng xây cộng đoàn mình đang sống.

Tính theo số lượng, chúng ta là đám đông, số nhiều. Nhưng qua tác động của Thần Khí, ta trở nên một tổng thể, trong cùng Thân Mình Đức Kitô. Chỉ một Chúa. Như thánh Phao-lô đã xác định: “Vì trong Thần Khí độc nhất, hết thảy ta được thanh tẩy mà nhập vào Thân mình độc nhất, dù là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do; hết thảy ta được cùng uống Thần Khí độc nhất.” (1 Cr 12: 13)

Thần Khí Chúa, là con đường của tự do và giải thoát. Thần Khí Chúa không là đường dẫn đến tình trạng nô lệ, dù đó là nô lệ thân xác, tiền của và tham vọng. Bằng vào Thần Khí, và qua Thần Khí ta được hiệp thông tương quan với Chúa, Đấng cho phép ta gọi Ngài là “Abba” (Cha/Ba). Ngập tràn thần Khí, ta thực sự là con cái Chúa theo nghĩa đầy đặn nhất. Và, là ảnh hình sống động của Cha ta. Thần Khí biến ta thành đồng-thừa-tự với Đức Kitô để cùng chịu khổ hình và cùng vinh quang với Ngài.

Có được Thần Khí Chúa ở cùng, ta toả sáng Thần Khí bằng lời nói và gương sống lành mạnh. Để rồi, mời gọi người khác san sẻ đặc sủng ấy. Ta vẫn biết, đặc sủng Thần Khí không để ta hưởng một mình, nhưng sẻ san. Như đã thấy, đồ đệ Đức Kitô sau khi nhận lĩnh Thần Khí, đã không ở lại trong phòng kín hưởng thụ. Nhưng, đã bung đi khắp nơi. Đi, mà kể cho thế giới biết tình Chúa thương yêu mọi người. Và, ta muốn mọi người có kinh nghiệm về tình thương yêu ấy.

Lm Frank Doyle sj

Mai Tá lược dịch