Friday 3 June 2011

Lm Bill O’Shea : Thắc Mắc Của Người Công Giáo (tiếp theo)


Câu hỏi #8:

Tại sao cha dùng chữ “có lẽ”? Chắc chắn là Thánh Kinh hễ nói điều gì là phải đoan chắc điều đó chứ? Nếu cha đem chữ “có lẽ” vào cuộc tranh luận, thì còn tranh luận gì được nữa.

Câu đáp:

Dường như bạn cho rằng chữ “có lẽ” gần như là một từ ngữ dơ bẩn – hay ít nhất là một từ ngữ không nên có chỗ đứng trong bất cứ cuộc thảo luận nào về các vấn đề tôn giáo.

Nếu vậy thì tôi phải không đồng ý. Theo ý tôi thì đó chỉ là một thái độ thành thật và khiêm tốn khi thú nhận rằng có những câu hỏi mà chúng ta không có, và không thể có câu trả lời xác quyết.

Điều này lại càng đúng khi nói về kiến thức của chúng ta về các bộ Sách Thánh, lãnh vực mà tôi đặc biệt thích nghiên cứu và cũng là lãnh vực chuyên môn của tôi.

Tôi biết rằng một người không cần phải là bậc chuyên gia mới hiểu nổi tổng thể Thánh Kinh. Thánh Kinh hàm chứa lương thực tâm linh, lương thực này cung cấp sự bổ dưỡng cho ngay cả những người đọc chất phác và ít học nhất.

Tuy nhiên, đó sẽ là một ý tưởng điên rồ nếu bảo rằng tổng thể Thánh Kinh là một quyển sách đơn giản. Sau cả nửa đời người nghiên cứu Thánh Kinh, tôi không thể tuyên bố là tôi hiểu thấu xác quyết về ý nghĩa của từng đoạn từng lời trong đó.

Bạn có thể nói rằng nếu một người có đức tin đủ mạnh mẽ, thì không cần lo ngại gì về những khó khăn đó.

Mặc dù điều đó đúng, nhưng sự thật thì Thiên Chúa cũng không muốn chúng ta có một đức tin mù quáng. Trí thông minh của nhân loại là một trong những món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa đã ban cho, và chắc hẳn đó là điều đúng đắn khi chúng ta vận dụng trí thông minh của mình để cố gắng đạt tới một nền tảng cơ bản hợp lý cho những điều mà chúng ta tin.

Nói như vậy không có nghĩa là nên lẫn lộn giữa lý luận và đức tin. Tôi biết rất rõ là một người thất học, thậm chí mù chữ, cũng có thể có một đức tin sâu sắc hơn một nhà thần học sáng giá nhất hay một nhà học giả chuyên về thánh kinh.

Thật vậy, người ta có thể thuộc làu Thánh Kinh từ đầu đến đuôi và có thể am hiểu rõ ràng rành mạch những giáo huấn của Giáo Hội – nhưng lại không tin một chữ nào trong đó cả.

Nhưng một lần nữa tôi khẳng định thật mạnh mẽ nhu cầu giáo dục đức tin cho những người trưởng thành nào có khả năng học hỏi thêm.

Điều quan trọng là người Công Giáo chúng ta phải hiểu một cách thật rõ ràng điều gì là chân lý vĩnh hằng, điều gì là sự thật phổ cập tồn tại muôn đời, và mặt khác, điều gì là thuộc về những lãnh vực mà ta được tự do suy diễn.

Thật ra Giáo Hội chỉ công nhận ý nghĩa của hai hoặc ba đoạn trong Sách Thánh là tín điều.

Phần còn lại thì Giáo Hội để cho các tín hữu tự do tìm kiếm ý nghĩa cho riêng mình, với điều kiện là những diễn giải đó không đi ngược lại với những nền tảng cốt yếu của đạo Công Giáo.

Dựa vào tất cả những gì mà tôi đã nói, tôi không thể thấy tại sao bạn lại thiếu kiên nhẫn như vậy về việc tôi sử dụng chữ “có lẽ”. Tôi cũng không hiểu ý bạn là gì khi bạn nói rằng nếu như chúng ta đem chữ “có lẽ” vào cuộc tranh luận thì còn tranh luận gì được nữa.

Trái lại tôi nghĩ rằng điều này cung cấp những nền tảng phong phú cho việc tranh luận, và chính lá thư của bạn có lẽ dường như đã chứng minh luận điểm của tôi.

Từ những gì tôi đã nói, ta có thể suy ra rằng có những đoạn trong Sách Thánh chứa đựng và giảng dạy những chân lý muôn đời, trong khi có những đoạn khác không mang tính chất đó.

Không ai mà lại nên đặt giả định là sự hiện hữu của thiên thần là một chân lý có tầm quan trọng ngang hàng với giá trị cứu chuộc của cái chết và sự Phục Sinh của Đức Ki-tô.

Lm Bill O’Shea, Queensland, Úc

Bản tiếng Việt: Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn

No comments: