Thursday 13 January 2011

Lm Mátthêu Vũ Khởi Phụng CSsR: COME BE MY LIGHT, CUỐN SÁCH MỚI VỀ MẸ TÊ-RÊ-SA CALCUTTA ( tiếp theo )


“Như đất hạn, nẻ khô, không nước...” ( Tv 63, 2 )

Và Mẹ Tê-rê-sa đã đi tìm. Dưới sự hướng dẫn của các vị linh hướng, mẹ đi tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tâm linh của mình. Có một lúc mẹ tưởng đã được giải thoát. Tháng 10 năm 1958, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII qua đời, khắp nơi trên thế giới người ta dâng lễ cầu hồn và ca ngợi công đức của ngài. Mẹ cầu nguyện với Đức Cố Giáo Hoàng xin Thiên Chúa ban cho một “bằng chứng rằng Ngài hài lòng với Hội Dòng”. Bỗng nhiên Mẹ cảm thấy lòng nhẹ bẫng: “Ngay lúc ấy, cái bóng đen triền miên, những đau khổ kỳ lạ suốt 10 năm vụt biến”. Mẹ cảm thấy thật vui. Nhưng than ôi, niềm vui ngắn ngủi gang tấc, chỉ năm tuần sau, Mẹ lại ở trong “hầm tối”.

Mẹ đi tìm nhiều người dẫn đường. Vị linh hướng có ảnh hưởng quyết định đối với Mẹ có lẽ là cha Joseph Neuner, một nhà thần học có danh tiếng. Mẹ gặp cha Neuner vào cuối thập niên 50. Vào khoảng năm 1961, Mẹ viết cho cha Neuner: “Con không biết lấy lời gì diễn tả lòng biết ơn đối với cha... Nhiều năm rồi, đây là lần đầu tiên con biết yêu sự tăm tối, bởi vì bây giờ con tin rằng đó là một phần rất, rất nhỏ của những khổ đau tăm tối Chúa Giê-su đã phải gánh chịu ở thế gian này. Cha đã dạy con chấp nhận nó là “phương diện tâm linh của công tác” như lời cha viết. Hôm nay con thật sự cảm nhận niềm vui sâu xa rằng Chúa Giê-su không còn kinh qua cơn đau hấp hối nữa – nhưng Chúa vẫn nếm trải nó ở nơi con”.

Cha Neuner đã làm cho Mẹ Tê-rê-sa nhận thức rằng Mẹ cảm giác Chúa xa vắng không có nghĩa là Chúa không ở đấy với Mẹ. Trái lại, sự khát khao cầu cạnh Chúa đến mức bỏng cháy mà vẫn không cảm thấy Chúa đâu chính là một “triệu chứng”, một “dấu chỉ chắc chắn” rằng Thiên Chúa đang “tiềm ẩn” trong Mẹ. Cho nên cảm giác Chúa xa vắng lại chính là phương diện tâm linh của một cuộc đời đã tận hiến để phục vụ Chúa. Về sau cha Neuner viết: ”Khi Mẹ chân nhận được rằng sự tăm tối trong lòng Mẹ chính là phần dành riêng cho Mẹ để Mẹ được tham gia vào cuộc khổ nạn của Chúa, thì đó chính là trải nghiệm về mầu nhiệm cứu chuộc trong đời Mẹ”.

Trong mức độ mà người phàm có thể tìm hiểu phần nào về những linh hồn được Chúa ưu tuyển vào cuộc sống huyền nhiệm và dưới sự chỉ dẩn của cha Neuner, ta bắt đầu “ngộ ” ra rằng Mẹ Tê-rê-sa đã đi vào thế giới tâm linh của một số ít các nhà thần hiệp được sống cái kinh nghiệm được gọi là “đêm đen của linh hồn ”, theo lối dùng từ đã thành kinh điển của một bậc thầy là Thánh Gio-an Thánh Giá ( 1542 – 1591 ).

Thánh Gio-an Thánh Giá ghi rằng: “Những sự thuộc về thiên giới tự thân càng trong sáng hiển nhiên bao nhiêu, thì đối với bản tính tự nhiên của linh hồn ta, những sự ấy lại càng tối tăm tiềm ẩn bấy nhiêu. Cũng giống như ánh sáng tự nhiên vậy, càng sáng thì càng làm cho con ngươi của chim cú quáng quàng chuếnh choáng bấy nhiêu; Ta càng muốn nhìn thẳng vào mặt trời, thì càng bị choáng mắt, càng mất hút ánh sáng; Bởi vì ánh sáng ấy vượt quá sự yếu hèn của con mắt. Cũng vậy khi thiên quang trong cơn chiêm niệm đã vây bọc linh hồn nào còn chưa được soi sáng hoàn toàn, thì khiến cho linh hồn ấy đi vào vùng tăm tối tâm linh, bởi vì thiên quang không chỉ vượt quá sức linh hồn, mà còn làm cho linh hồn mất đi tuệ giác tự nhiên của mình khiến cho mọi sự đều tăm tối. Vì thế nên Thánh Denisyo và các nhà thần học huyền đồng khác gọi sự chiêm niệm là một tia tối ”.

Theo Thánh Gio-an Thánh Giá, sở dĩ linh hồn đi vào tăm tối, vì đã đến lúc linh hồn phải được tách rời ra khỏi mọi khả năng tự nhiên mà con người vẫn dựa vào để nhận thức các sự thiêng liêng. Từ nay những khả năng tự nhiên ấy như bị tước bỏ, duy một mình Thiên Chúa tác động lên linh hồn đang ở thế thụ động, vì thế linh hồn đi qua một chặng đường dài đau khổ và cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Nhưng thật ra cõi tăm tối đó chính là lúc linh hồn được tham gia, được huyền đồng với sự chết của Chúa Ki-tô. Và cũng chính nhờ sự chết đó mà người ta có thể mang tình yêu của Chúa đến cho muôn muôn người khắp thế gian.

Năm 1926, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI đã phong tặng Thánh Gio-an Thánh Giá tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh, có nghĩa là những điều Thánh dạy, trong đó có cảm nghiệm của người về đêm tối tâm linh, là những điều có cơ sở vững chắc cho người tín hữu dõi theo nếu được Chúa gọi vào con đường ấy. Thánh Gio-an Thánh Giá nhắc đến “Thánh Denisyo và các nhà thần học huyền đồng khác”, như vậy hiện tượng đêm tối tâm linh vẫn có từ xa xưa, mặc dù không phải là sự dễ hiểu. Hai vị nêu danh tính dưới ở đây là những trường hợp minh họa:

Xin được nhắc tới Thánh Phao-lô Thánh Giá (1694 – 1775 ) là người cũng được Thị Kiến về Chúa Ki-tô Khổ Nạn và được kêu gọi lập Dòng Khổ Nạn ( Passionnistes ) để cổ võ lòng sùng kính cuộc Khổ Nạn của Chúa. Vị Thánh này cũng chìm vào đêm tối tâm linh lâu tới 45 năm. Thánh nhân từng viết: “Những ai yêu mến Đấng chịu đóng đinh sẽ mừng kính Thập Giá bằng sự chịu đựng âm thầm, với sắc mặt vui tươi và bình an sao cho thập giá được giấu kín đối với người đời, và chỉ mình Thiên Chúa tối thiện biết được mà thôi”.

Gần và thân quen với chúng ta hơn có Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su. Người ta cứ tưởng tâm hồn vị Thánh trẻ trung nhí nhảnh này chỉ toàn hoa gấm và mộng đẹp, nhưng thật sự đấy chỉ là phần đầu của con đường thơ ấu thiêng liêng. Từ Lễ Phục Sinh năm 1896 đến khi qua đời ngày 30.9.1897, Thánh Tê-rê-sa cũng rơi vào đêm tối. Trong tự sự gửi mẹ Marie de Gonzague ( giới chuyên môn gọi là Bản Viết Tay C – Manuscrit C ), Tê-rê-sa ghi lại:

“Xưa kia con có được một Đức Tin thật sống động, thật xán lạn, cứ nghĩ đến Thiên Đàng là thấy hạnh phúc tràn đầy, con không thể nào tin rằng có những kẻ vô đạo không có Đức Tin. Con tưởng rằng họ dối lòng khi họ không nhận có Thiên Đàng...

Vào những ngày thật vui của Mùa Phục Sinh, Chúa Giê-su đã cho con cảm thấy rằng quả thật có những tâm hồn không có Đức Tin... Ngài cho phép tâm hồn con ngập tràn bóng tối hết sức dày đặc; Thiên Đàng đối với con trước kia êm đềm là thế, nay chỉ còn là một cuộc đấu tranh quay quắt... Cơn thử thách này kéo dài không chỉ vài ngày, vài tuần; chỉ khi nào đến giờ Thiên Chúa nhân lành đã định thì nó mới tắt lịm đi, mà giờ ấy thì vẫn chưa đến... Con muốn làm sao diễn tả được những điều con cảm, nhưng than ôi, xem ra không sao làm được. Chỉ khi nào đi qua cái đường hầm tối đen đó mới hiểu được nó đen tối tới mức nào. Tuy vậy, con xin thử so sánh để giải thích.

Giả dụ con sinh ra trong một xứ sở sương mù dày đặc bao phủ, chưa bao giờ con được chiêm ngắm cảnh thiên nhiên xinh tươi, nắng sáng chứa chan rực rỡ; thật ra từ ngày còn bé con đã nghe nói về những cảnh kỳ diệu ấy, con biết con đang sống trong một xứ sở không phải là quê hương mình, có một xứ sở khác con luôn phải ngưỡng vọng tìm về...

Con cảm thấy một vùng đất khác mới là nơi một ngày nào đó con sẽ định cư, nhưng đột nhiên sương mù bao quanh thêm dày đặc, nó nhập vào hồn con, bao chặt con lại đến nỗi không sao tìm lại được hình ảnh Quê Hương thân yêu, tất cả đã biến tan rồi ! Khi đã mệt nhoài vì bóng tối, con muốn hoài tưởng quê hương xán lạn mến yêu cho lòng được nghỉ ngơi, thì hình như bóng tối trùng điệp mượn lời của các người tội lỗi để lên tiếng chế nhạo con: Mi mơ tưởng ánh sáng, một tổ quốc ngát hương, mi mơ tưởng sẽ muôn đời có được Đấng Tạo Hóa của những điều kỳ diệu ấy, mi mơ tưởng có ngày sẽ ra khỏi những tầng tầng lớp lớp sương mù, thì mi cứ việc tiến bước, cứ tiến đi, cứ mừng vì sẽ được chết đi, cái chết sẽ cho mi không phải điều mi hy vọng, nhưng là một đêm tối thẳm sâu hơn nữa, đêm tối hư vô...”

Chính đó là lúc Tê-rê-sa Hài Đồng mô phỏng một tứ thơ của Thánh Gio-an Thánh Giá để viết nên câu thơ:

“Dựa vào nơi chẳng có gì để dựa...
Thân tôi tàn tạ trong Tình Yêu...”
( Appuyée sans aucun Appui...
Je vais me consumant d’Amour... )

Nghĩa là lúc ấy chỉ có phó thác trong lòng tin yêu, ngoài ra thì chẳng còn gì để sáng soi, an ủi. Đã mấy ai ngờ Tê-rê-sa Hài Đồng viết văn tình cảm như cô tiểu thư nhà lành chính hiệu, lại cũng là người thích đọc thơ của Thánh Gio-an Thánh Giá !. Và cũng như Gio-an Thánh Giá, Tê-rê-sa Hài Đồng cũng được Hội Thánh phong tặng danh hiệu tiến sĩ. Chị cũng trở nên một bậc thầy cho rất nhiều tâm hồn.

Trong bóng tối Đức Tin kéo dài nửa thế kỷ, Mẹ Tê-rê-sa Calcutta có cảm tưởng mình thật cô quạnh. Là vì bóng tối hãi hùng kia không cho Mẹ nhìn thấy trước Mẹ đã có nhiều vị Thánh đi sâu vào vùng tối lạnh lẽo ấy. Và không chỉ các vị Thánh mà thôi, Thánh Gio-an Thánh Giá đã chỉ ra rằng đó là lúc linh hồn được hòa quyện với sự chết của Chúa Giê-su.

Khi ấy tiếng kêu của Chúa trên thập giá: “Cha ơi, cha ơi, tại sao cha bỏ con ?” không còn là một lời để mình suy niệm nữa, nó đã thành máu thịt của chính mình, đồ đệ của Chúa đã nhập thể vào Lời của Chúa. Và như thế tiếng kêu trên đỉnh cao ấy cũng thu góp nơi nó biết bao nhiêu tiếng kêu khác mà Thánh Kinh đã tiếp nhận, nào là “hồn tôi khao khát Chúa, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hạn khô cằn, không giọt nước” ( Tv 63, Tv 143 ). Nào là “con bị lún sâu xuống hố sình lầy, chẳng biết đứng vào đâu cho vững. Thân chìm ngập trong dòng nước thẳm, mặc cho sóng trào cuốn trôi. Kêu hoài kiệt sức, họng đã ráo khô. Trông chờ Chúa mãi mắt đã mỏi mòn...” ( Tv 69 ). Nào là: “Phải chăng Chúa ruồng bỏ đến muôn đời, chẳng bao giờ còn dủ lòng thương đoái ? Tình yêu Chúa phải chg cạn hẳn, và Thánh Ngôn chấm dứt đời đời ? Hay Thiên Chúa đã quên không thương xót, vì giận hờn mà khép kín từ tâm ? Tôi đau đớn vì Đấng Tối Cao chẳng còn ra tay nữa” ( Tv 77 ), và cả những tiếng than bi ai của ông Gióp v.v...

Người đi vào thần hiệp nên một với Chúa Giê-su Khổ Nạn thì cũng mang trong lòng mình những con người rách nát của muôn phương mà Chúa Ki-tô Khổ Nạn đi tìm. Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su khi đã cầu nguyện cho kẻ tội lỗi và muốn làm thừa sai loan truyền Chúa cho khắp thế giới, thì cảm thấy mình đã mất niềm hy vọng, y như những kẻ quay quắt ở đời mà không có Đức Tin an ủi. Mẹ Tê-rê-sa Calcutta sau khi đến với những người bị bỏ rơi, bị đầy đọa nhất trên đời, thì cũng mất hết mọi cảm giác phấn chấn trong lòng tin. Các Thánh, cũng như Chúa Ki-tô, phải dãi dầu thử thách “nên giống người ta về mọi sự, trừ tội lỗi” ( Dt 4, 15 ).

Và cũng chính từ đấy, Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng mở ra con đường thơ ấu phó thác cho rất nhiều tâm hồn. Mẹ Tê-rê-sa Calcutta thì đến được với người nghèo khắp hành tinh.

Từ khi được cha Neuner hướng dẫn, Mẹ chấp nhận con đường thanh luyện của mình. Nhìn các Nữ Tu của mình lâng lâng hạnh phúc trong đời thánh hiến, mẹ nói với cha Neuner: “Con thì chỉ có mỗi một niềm vui là được chẳng có gì, kể cả cảm thấy Chúa đang hiện diện ( trong Bí Tích Thánh Thể ) cũng không”. Nhưng: “Con đón nhận ý Chúa, không phải trong tình cảm, nhưng trong ý chí của mình – Con xin đón nhận ý Chúa”.

Và Mẹ nói một câu có ý vị rất “bồ tát”: “Nếu có bao giờ tôi làm Thánh, thì chắc chắn tôi sẽ là một vị Thánh của bóng tối. Tôi sẽ luôn ở xa Thiên Đàng, để thắp sáng cho những người đang ở trong bóng tối trần gian”. Đến như lời Mẹ viết: “Tôi muốn đau khổ đời đời kiếp kiếp, nếu có thể được”, thì trong lịch sử Giáo Hội chỉ có một vài vị Thánh đã gần đỉnh cao huyền đồng nói như thế.

Tuần báo Time của Mỹ, trong số ra ngày 3.9.2007, đã cô đọng cuốn sách của cha Kolodiejchuk và đưa chân dung Mẹ Tê-rê-sa lên trang bìa. Đề tài chủ lực của số báo về Mẹ Tê-rê-sa do David van Biema chấp bút là một bài báo rất phong phú và cô đọng, và cho ta nhiều thông tin đậm đà, ngoài những điều cha Kolodiejchuk đã sưu tầm. Có một câu chuyện rất thú vị về Mẹ Tê-rê-sa và nhà văn kiêm đạo diễn người Anh là ông Malcolm Muggeridge.

Muggeridge là người chủ trương thuyết vô tri ( agnostic ) nhưng ông lại tha thiết tìm kiếm những giá trị tâm linh. Năm 1968, ông đến Calcutta làm phim và có ấn tượng sâu sắc về con người và sự nghiệp của Mẹ Tê-rê-sa.

Một hôm Mẹ viết cho ông mấy hàng: “Trong thâm tâm anh khát khao Thiên Chúa rất mực, vậy mà Ngài lại cứ lảng xa anh. Nhưng Ngài phải ép mình mà làm như thế là vì Ngài quá yêu anh – tình yêu Chúa Ki-tô dành cho bản thân anh thì vô biên vô hạn. Còn những khó khăn nho nhỏ anh cảm thấy đối với Giáo Hội thì hữu hạn. Anh hãy lấy cái vô hạn mà khắc phục cái hữu hạn”.

Muggeridge đã trở lại đạo Công Giáo năm 1982. Còn cuốn phim của ông, tựa đề “Something beautiful for God” và cuốn sách cùng một nhan đề do ông viết, đã góp phần làm cho mẹ Tê-rê-sa được khắp nơi ngưỡng mộ. Thì ra ý tưởng “lấy cái vô hạn mà khắc phục cái hữu hạn” không chỉ là một lời khuyên suông, nó phản ảnh kinh nghiệm cả một đời Mẹ, cùng với cái ”thâm tâm khát khao Thiên Chúa rất mực” của Mẹ.

Mẹ Tê-rê-sa lúc sinh thời muốn đốt hết các thư tín của mình, vì như lời Mẹ nói với cha linh hướng ( về sau là Hồng Y ) Picachy, “Con muốn mọi sự đều là việc của một mình chúa thôi”, còn nếu phổ biến các thư ấy thì “người ta sẽ nghĩ đến con nhiều hơn nghĩ đến Chúa Giê-su”.

Tác giả van Biema trong bài viết trên báo Time nhận xét rất hóm hỉnh: “Những người thánh thiện khác thường cũng chỉ như chúng ta thôi, họ cũng thường phán đoán sai về các diễn biến của lịch sử, hoặc cũng có thể nói là về sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Tê-rê-sa tưởng rằng bà cảm thấy Thiên Chúa xa vắng thì đó là một chuyện kín đáng hổ thẹn nhất trong đời bà, nhưng rồi ra bà sẽ học biết rằng có thể coi đó là quà tặng để yểm trợ ơn gọi của bà. Nay nếu những điều bà lo ngại về việc công bố câu chuyện đó hóa ra lại là sai lầm nữa – nếu một quyển sách gồm những chuyện ghi chép vội vàng trong tâm trạng bồn chồn bất an hóa ra lại mở đường tâm linh giúp cho hàng ngàn bạn đường Đức Tin, thì cũng chẳng việc gì đáng phải hổ thẹn vì đã sai lầm, mà may thay, thậm chí sai lầm một cách tuyệt diệu, những hai lần”.

Xin được kết thúc câu chuyện về những trăn trở nội tâm của Mẹ Tê-rê-sa bằng vài câu thơ dịch của Thánh Gio-an Thánh Giá:

“Tôi đã biết rồi, dòng suối trào lên, dòng suối vụt xuôi
Nhưng trong đêm tối mịt mù thôi.
Dòng suối vĩnh hằng, ẩn mình khe kín
Tôi đã tìm được dòng nước rồi
Nhưng trong đêm tối mịt mù thôi
Đêm tối mịt mù, lưu đầy khổ ải
Dòng suối mát lòng tin tôi đã biết rồi
Nhưng trong đêm tối mịt mù thôi
Tôi đã biết rồi chẳng gì tốt đẹp sánh bằng
Đã biết trời đất về đây uống nước
Nhưng trong đêm tối mịt mù thôi
Tôi đã biết rồi, chẳng bao giờ ai tìm thấy đáy
Chẳng một chỗ nông cho ai lội qua
Nhưng trong đêm tối mịt mù thôi...”

VŨ, Sài-gòn 13.10.2007

No comments: