Saturday 1 January 2011

Lm Mai Văn Thịnh DCCT: SỐNG ĐỨC TIN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH





Khi nói đến hôn nhân, chúng ta ngạc nhiên về bíến cố hai người nam nữ găp và dẫn nhau đến hôn nhân. Hoàn cảnh tạo nên gặp gỡ nhìều khi rất tầm thường. Mái tóc huyền, cử chỉ lịch thiệp, nụ cười duyên, chiếc răng khểnh, hành động nghĩa hiệp, tai nạn bất ngờ hay tiệc vui nào đó…. đều có thể là cơ hội dẫn họ gặp nhau. Hoàn cảnh tạo nên cuộc tao ngộ tuy tầm thuờng. nhưng quan trọng là chỉ hai người trong cuộc mới khám phá ra sự ngẫu nhiên đó. Từ đó, họ cảm thấy ngẩn ngơ đến nhớ nhau rồi bị cuốn hút vào nhau như một định mệnh. Tôi thường nghe nhiều người giải thích đó là việc của ông tơ bà nguyệt hay Nguyệt lão se duyên. Mà đã là duyên phận thì bạn hay tôi có chạy đi đâu cũng không tránh được nhau. Chỉ một chuyện duy nhất cần làm là chấp nhận và cùng nhau đi đến hôn nhân.

Thật ra, hôn nhân còn một yếu tố khác, sâu xa hơn. Yếu tố này gắn chặt đời hai người. Đó chính là tình yêu. -Tình yêu trao cho nhau trước khi bước vào cuộc sống lứa đôi. Nhưng, có nhìều trường hợp tình yêu trao ban sau ngày cưới lại có hiệu quả hơn.- Mà tình yêu nơi mỗi người là sức mạnh kỳ diệu và phi thường, có khả năng vượt qua mọi trở ngại, ràng buộc. Chẳng đầu óc tinh khôn nào iải thích được lý lẽ của tình yêu. Tuy vậy, ta vẫn có thể tìm ra đuợc câu giải thích chính xác về tình yêu và hôn nhân theo truyền thống Thánh Kinh. Trong trình thuật tạo dựng, đặc biệt việc Thiên Chúa dựng nên con người, có hai yếu tố đáng để ta quan tâm: “Ngài dựng nên con người giống hình ảnh Ngài” và “Ngài dựng nên họ có nam, có nữ.” Mà Thíên Chúa là đấng thiêng liêng. Vậy hình ảnh của Ngài là gì? Thánh Gioan định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu. Thế nên, ta hiểu được tình yêu trong ta chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Chính vì thế, ta mới thấy tình yêu như một mầu nhiệm. “Và người đàn ông bỏ cha mẹ mà luyến ái với vợ của minh và cả hai trở nên một thể xác”

Đã có Thiên Chúa liên quan đến tình yêu và hôn nhân, nên hôn nhân không còn là kết hợp tự nhiên giữa người nam và người nữ về thể xác. Hôn nhân là một giao ước, trong đó hai người tuyên thệ sống trọn đời bên nhau và chia sẻ mọi buồn vui, suớng khổ trong trách nhiêm vợ chồng, làm cha làm mẹ. Nhiệm vụ đó tuy cao cả nhưng thật nặng nề, đôi khi vượt chính khả năng hiểu biết của con người. Vì thế, phải có sự can thiệp của Thiên Chúa. Ngài tạo dịp để ban ơn đặc biệt cho đôi bạn qua bí tích, dấu chỉ mà Chúa thiết lập để ban cho vợ chồng ơn chung thủy, trở nên cha mẹ có trách nhiệm.

Chinh Thiên Chúa lập nên bí tích, nên Ngài cũng ràng buộc Mình vào bí tích đó. Vì vậy, hôn nhân không còn là giao ước song phương và tự nhiên được hai người ký kết, mà là giao ước tam phương vì có Chúa hiện diện. Vậy, sống trọn vẹn bí tích hôn phối còn có nghĩa là sống đức tin trong sinh họat lứa đôi và việc sinh sản, giáo dục con cái.

SỐNG ĐỨC TIN TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

Tình yêu và sự tin tưởng trong đời sống vợ chồng là hai mặt của một đồng tiền. Khi tình yêu bị phai nhạt thì niềm tin cũng suy giảm; và gia đình có nhiều nguy cơ bị đổ vỡ. Nhưng, chúng ta cần phân biệt đức tin với sự tin tưởng mà vợ chồng dành cho nhau. Bởi vì, hôn nhân Kitô giáo không đặt nền tảng trên sự tín nhiệm của hai người. Đây là sự tín thác vào ơn Chúa. Trong đời sống gia đình, với tất cả lòng thành, tư họ có thể chấp nhận và chung thủy với nhau trong những điều kiện thuận lợi. Nhưng trên thực tế, hòan cảnh mưa thuận gió hòa lại rất hiếm. Và khi có những thử thách, nghi ngờ, bất hòa hay tai họa xẩy đến, vợ chồng dễ bị lung lạc để tìm cách xa nhau. Không cần chờ đến lúc gặp phong ba bão tố họ mới chạy đên với Chúa như nguồn sinh lực mới để nối kết họ lại với nhau. Tiên vàn mọi sự, họ cần sống tin vào Chúa qua thăng trầm của đời sống gia đình. Chính sự tín thác vào Chúa là nền tảng giúp ta tin tưởng lẫn nhau hơn. Và, chính vì sự tin tưởng này mà họ có thể sống tách biệt nhau, chấp nhận những khác biệt của nhau trong cuộc sống hằng ngày. Họ cũng nhận thức rằng mỗi người đều có cá tính riêng. Sự riêng biệt này cần có để bổ sung và xây dựng cho nhau. Cả hai cần phân biệt yếu tố hiệp nhất và đồng hóa. Hiệp nhất là tôn trọng cá biệt của nhau; và, đồng hóa là biến người khác giống như mình. Nhưng, làm thế nào vợ chồng có thể đồng hóa với nhau? Tôi thường nghe nói, trong bất kỳ tổ chức nào khi hai người đồng ý với nhau thì như tổ chức đó dư một người. Đời sống vợ chồng cũng thế, dù yêu nhau đến đâu, họ vẫn không thể làm chủ được tâm hồn của nhau.

Lý tưởng của hôn nhân là “mình với ta tuy hai mà một”. Nhưng trên thực tế ‘ta với mình tuy một mà hai”. Tuy cá tính của hai người đã thay đổi khi sống chung. Nhưng, cả hai vẫn còn nhiều khác biệt. Chàng vẫn là chàng. Và, nàng vẫn là nàng.

Phương thức tốt nhất để khỏi bị dằn vặt và nghi ngờ nhau là tinh thần tin vào Chúa. Bởi, một khi “anh em đã nhận Đức Giêsu Kitô làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hiệp với Người. anh em hãy bén rể sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ” (Côlôsê 2: 6-7). Hãy phát huy lòng đạo đức của mình bằng cách mặc lấy lòng từ bi nhân hậu của Chúa. “Mỗi người đừng tìm kiếm lợi ích cho riêng mình, những hãy tìm lợi ích cho người khác…. Anh em hãy có tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.” (Philiphê 2:5) và “Anh em hãy có tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em thì anh em cũng phải tha thứ cho nhau.”(Côlôsê 3: 13)

Đó là cách tốt nhất để vợ chồng chung thủy với nhau. Thật vậy, trước khi vợ chồng mất niềm tin nơi nhau, phản bội nhau; họ đã mất niềm tin và phản bội Chúa trước. Nếu đời sống vợ chồng đặt niềm tin vào Chúa và thực hiện những huấn lệnh Ngài truyền thì họ chẳng thể nào họ lỗi lời thề nguyền. Sự chung thủy trong đời sống vợ chồng là họa ảnh của lòng trung tín của Thiên Chúa đối với nhân lọai. Ơn gọi này thật là cao cả.

SỐNG ĐỨC TIN TRONG NHIỆM VỤ CHA MẸ

Trước tiên, vợ chồng phải nhận ra rằng con cái là ân huệ, là quà tặng cao quí nhất Thiên Chúa ban cho họ. Con cái thuộc về cha mẹ mật thiết hơn mọi của cải, vật chất. Cha mẹ có bổ phận giáo dục con cái theo đường lối nào mình thấy là tốt nhất. Cha mẹ nào cũng muốn con cái có một đời sống tốt hơn của mình. Tuy nhiên trên thực tế, bậc làm cha mẹ thường trao ban cho con mình những thứ y hệt như họ đã lãnh nhận. Mẩu đối thọai sau đây có thể minh họa điều vừa được trình bày.

  • Mẹ có biết là từ khi có trí khôn đến giờ cuộc sống của con rất đau khổ không?
  • Mẹ hiểu và lấy làm buồn vì những chuyện ấy đã xẩy đến cho con.
  • Con đã lập gia đình 3 lần. Chẳng lần nào thấy hạnh phúc; còn mấy đứa nhỏ chẳng đứa nào lên hồn. Lỗi này do ai?
  • Nhìn hòan cảnh của con, mẹ cũng đau khổ lắm.
  • Mấy tháng nay con tìm đến văn phòng tâm lý khai minh để nhờ giúp đỡ. Cả họ lẫn con đồng ý là cuộc đời của con do mẹ tạo thành. Chẳng bao giờ Mẹ dành thời gian cho con khi con cần mẹ. Tất cả đều giả dối. Thực tâm, mẹ đâu muốn có sự hiện diện của con trong cõi đời này. Mẹ chỉ coi con như con búp bê biết đi và biết nói mà thôi. Mẹ áp đặt hôn nhân đổ vỡ của mẹ với ba trên cuộc đời thơ ấu của con. Trong gia đình chẳng ai thương con hết. Vì thế con cứ mò mẫm đi tìm nó. Đã 3 lần lập gia đình, lần nào cũng đổ vỡ. Tất cả do lỗi mẹ.
  • Ối trời! làm sao con lại có thể nói những điều như thế với mẹ. Con có biết là mẹ đã gắng hết mình không?
  • Đúng vậy, bà chỉ muốn làm theo ý bà. Có bao giờ bà để ý đến tôi đâu!
  • Nghe đến đó, người me ngất lịm ôm ngực than đau, và người con vội vàng nhào đền hỏi mẹ có sao không?

Giáo dục con cái là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi cha mẹ cần tín thác vào Chúa. Vì thế, song song với việc chăm sóc, gìn giữ và giáo dục chúng nên người, cha mẹ cần giáo dục niềm tin, hướng dẫn đạo đức và đời sống tâm linh cho chúng. Đó là trách nhiệm cao quí Thiên Chúa uỷ thác cho cha mẹ.

Sự sa đọa của con cái có thể do nhiều yếu tố ngoại lai, như tình trạng băng hoại của xã hội, môi trường thế tục thường bị ảnh hưởng bởi lối sống sa đọa của bạn bè. Tuy thế, cha mẹ nào tránh được một phần trách nhiệm. Nhiều khi vì quá bận rộn với việc làm giàu nên họ quên lãng sự hiện diện của con cái trong gia đình. Thay vì cho con cái một số vốn, cha mẹ nên biết cách chuẩn bị hành trang để giúp chúng vào đời và chính bàn tay chúng sẽ tạo nên sự nghiệp sau này. Chúng sẽ biết quí trọng những gì mình tạo ra. Cũng có thể vì nuông chiều quá đáng, nên cha mẹ khiến cho con cái đâm hư hỏng? Mặt khác, đường lối giáo dục quá nghiêm khắc cũng khiến con cái ra bịnh hoạn? Đi tìm một giải pháp thích hợp trong việc giáo dục đức tin cho con cái là nhiệm vụ tiên quyết mà cha mẹ cần khám phá; đôi khi tiến trình này kéo dài trọn cả kiếp sống. Không ai làm thay cho họ được.

Tâm tình đầu tiên cha mẹ dành cho con cái là đón nhận con trong yêu thương. Đề nghị này nghe qua có vẻ hơi thừa, vì có cha mẹ nào lại không thương con! Nhưng tâm tình chúng ta muốn bàn, không chỉ là tâm tình dành cho các cháu trong chốc lát, nhưng là hành trình đón nhận yêu thương cả đời cha mẹ. Trên thực tế, có nhiều bậc cha mẹ yêu con một cách vụng về. Yêu con, mà không dám dành thời gian cho con, lại nói là yêu sao? Hơn nữa, tình yêu cha mẹ dành cho con cái cần phải đồng đều. Đừng làm cho con cái hiểu lầm là chúng không được yêu thưong như anh em chúng. Điều này chỉ tạo nên ghen tương thù ghét nơi con cái.

Với đức tin, chúng ta biết mọi người sinh ra đều được Chúa ban cho sứ mạng đặc biệt. Chúng ta chỉ có thể cộng tác với Thiên Chúa trong việc này chứ không thể tự mình định đọat một cách tuyệt đối được. Vẫn biết rằng, vợ chồng cần tính tóan trong việc sinh con; theo giáo huấn của Giáo hội. Nhưng thực tế thì khác, nhiều em bé sinh ra ngòai kế họach của cha mẹ. Vẫn biết đó là ‘sự cố’; nhưng không vì thế mà cha mẹ được quyền từ khước sự hiện diện của con cái. Tôi vẫn xác tín rằng “nếu con cái không được quyền chọn cha mẹ thì cha mẹ cũng không được phép từ khươc con”. Xua đuổi chúng là một hành vi tội lỗi. Và có hành vi nào tàn nhẫn hơn khi người con vô tội bị hất hủi ngay từ trong lòng mẹ, chưa được mở mắt chào đời, chưa được hưởng không khí yêu thương đã bị tống xuất khỏi cung lòng người mẹ. Chẳng có lý do nào chính đáng để bào chữa cho hành động này nơi bậc cha mẹ. Nhưng cha mẹ có đủ lý do để tín thác vào Chúa khi sinh con.

Nhiều bà mẹ Việt Nam học hành tuy chẳng đến đâu, nhưng lòng đạo của các bà đã trở thành gương sáng cho con cái. Các bà, ngay từ thủa ấu thơ, đã biết dậy đạo cho con, tập cho con làm dấu Thánh Giá trước khi cho con bú, đưa con đi nhà thờ dậy cho con biết nghiêm trang cung kính thờ phượng Chúa. Thật vậy, niềm tin và lòng đạo đức của các bà như giòng sữa tuôn đổ vào tâm hồn con cái. Trái lại, cha mẹ khô khan nguội lạnh mà cón dám than thở về sự biếng nhác trong việc sống đạo của con cái, thì quả là điều khó hiểu.

Vẫn biết rằng những điều nói trên khó thực hiện tại các quốc gia trong đó con người đang quay cuồng với thế giới vật chất. Nhiều cha mẹ than thở là: họ không còn thời gian cho bản thân mình thì làm gì còn thời gian cho con cái. Đây là một thách đố mà hầu hết các bậc cha mẹ tai quốc gia này cần chọn lựa: con cái hoặc của cải, điều nào quan trọng hơn. Của cải nay còn mai mất, nhưng nếu hy sinh cho con thì chẳng cha mẹ nào bị thiệt. Sự thành công trên đường đời sau này của chúng là ước mơ của mọi bậc cha mẹ. Tôi thiết nghĩ, sống trong hoàn cảnh thế tục mà con cái mình dễ bị ảnh hưởng, thì cha mẹ nên dành nhiều thời giờ mà huấn luyện niềm tin và lòng đạo cho con cái. Lối sống đạo của chúng ta còn được như ngày nay phần lớn dựa vào gương sáng và lời dậy bảo của cha mẹ chúng mình, vậy tại sao chúng ta lại ngần ngại trao cho con mình những điều hay mà chúng ta đã được lĩnh nhận. Hòan cảnh càng khó khăn, chúng ta càng phải nỗ lực hơn trong việc giáo dục niềm tin cho con cái mình.

Nếu gia đình còn giữ được những giờ kinh tối bên nhau, chia phiên cho con cái điều khiển những buổi kinh trong gia đình, tập cho các cháu đọc kinh trước các bữa ăn, v.v.. thì niềm tin sẽ triển nở. Tôi tin chắc rằng với bầu khí cầu nguyện trong gia đình như thế, niềm tin của con cái ít bị chao đảo.

Tuy còn trẻ, chưa đủ ý thức về những việc được dậy bảo; nhưng nhìn vào gương sáng qua kinh nguyện và tham dự những nghi lễ phụng vụ của cha mẹ mình thì chắc chắn các em sẽ cảm nhận được Đạo. Việc giữ đạo như thế chưa đủ, cha mẹ còn phải biết dậy con sống rộng rãi với tha nhân, tôn trọng công ích, đối xử công bằng với mọi người. Thật khó giải thích khi cha mẹ vừa ăn thất nghiệp vừa làm chui, rồi lại dậy con về đức công bằng? Cha mẹ có lý do để làm như thế, nhưng lối sống và lời dậy bảo này có thể được coi là gương sáng không?

Với tất cả lòng thành, các bậc cha mẹ đã cố chu tòan bổn phận giáo dục niềm tin của con cái minh bằng những phuơng thức hữu hiệu nhất. Nhưng không vì thế mà cha mẹ có thể cưỡng đọat quyền của Thiên Chúa trên con cái mình. Mỗi người con là một tác phẩm tuyệt hảo của Thuên Chúa, Ngài trao vào tay cha mẹ để làm cho tác phẩm đó tốt đẹp hơn. Vì thế, cha mẹ cũng phải nhận ra giới hạn của chính mình. Bổn phận của cha mẹ là hướng dẫn và chỉ bào đường ngay lẽ phải để chúng đi theo. Nhưng khi đến tuổi lớn khôn, chúng có quyền suy nghĩ để chọn lựa con đường của mình.

Mỗi người, dù là cha mẹ hay con cái đều phải chọn lựa con đường của mình. Nhiệm vụ của cha mẹ là giúp cho con mình đạt được cứu cánh đó. Điều này chỉ có thể thức hiện khi cha mẹ cố giúp con mình xây dựng đức tin của mình được bén rể sâu trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, cũng có bậc cha mẹ chỉ biết tìm mọi cách để con mình thành công: có xe, có nhà, có công danh sự nghiệp vững chắc… còn chuyện đạo đức, lại thờ ơ. Đó là sai lầm lớn. Thiếu căn bản đức tin và không có lòng đạo ngay từ nhỏ, con cái dù thành công cách mấy trên đường đời, cũng chưa hẳn tìm được hạnh phúc đích thực.

Với lòng thành và thiện chí, các bậc cha mẹ đã cố mình hết sức để giáo dục con cái mình, nhưng không phải mọi ước mơ được hoàn thành như ý mình. Đôi khi, trong gia đình cũng có những người con ‘trở chứng’ xem như bất trị. Trong hoàn cảnh đó, cha mẹ không nên nản chí. Bởi, dù các cháu là con của ta, nhưng đích thật chúng là con của Chúa. Chúng ta lo một, Chúa lo muời. Tình yêu của Chúa sẽ giúp các em hối cải. Nên, hãy trông cậy vào Ngài và làm những điều Chúa dậy trong lối sống đức tin dựa trên nền tảng là Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương cả những kẻ làm hại mình. Cho nên, dù cuộc sống của con cái đến thế nào chúng vẫn là con Chúa. Hãy để con cái ở trong quĩ đạo tình thuơng của Chúa. Ngài có muôn ngàn cách lôi kéo chúng trở về, phần chúng ta hãy tin tưởng và phó dâng chúng vào lòng nhân hậu của Chúa.

KẾT LUẬN

Tóm lại, Đức tin là nền tảng của đời sống vợ chồng. Nhờ niềm tin nơi Chúa cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc giáo dục và đào luyện con cái theo đúng ý Chúa.

Vì thế, dù thành công hay gặp bất hạnh, vợ chồng không thể thiếu Chúa trong hành trình hôn nhân. Thiếu Chúa, họ đang xây nhà trên cát, một cơn sóng nhỏ cũng làm tiêu tan.

Hãy để Chúa đồng hành với cha mẹ trong sinh sản và giáo dục con cái. Chỉ có Chúa mới giúp con người hoàn thành sứ mạng. Ai trông cậy và tin tưởng vào Chúa có bị Ngài bỏ rơi bao giờ. Cầu chúc mọi người xây dựng gia đình mình trên nền tảng này.

Kew, 18 tháng 7 năm 2006

Mai Văn Thịnh

No comments: