Saturday 4 December 2010

Lm Richard Leonard sj: Sám hối và thương yêu, chuyện bình thường ở huyện

Nơi nhà Đạo hôm nay, người người vẫn cho là chuyện bình thường nếu Giáo hội sở tại quyết tâm mướn công ty tư vấn giúp tìm kiếm công ăn việc làm cho những người trong giáo phận. Đây là ý kiến hay. Và, mọi người vẫn thường làm. Bởi lẽ, các công ty tư vấn này thường hoàn thành công tác, tìm được người tốt việc tốt, giúp ích chung.

Mới đây, tôi gặp được một khuôn mặt vị tư vấn từng giúp tìm ra vị chưởng ấn. Vị này là giáo dân của Giáo phận, nơi tôi ở. Xưa nay, ta thừa hiểu là các vị chức sắc ấy phải là trụ cột của Giáo hội. Nhưng, tôi còn được bảo thêm là: chính Đức Giê-su xưa kia có thể cũng đã bị thử thách xem Ngài có chu toàn bổn phận rao giảng của Ngài, hay không.

Muốn trở thành chức sắc trong Hội thánh, điều kiện tiên quyết là phải có bằng về dân luật và luật của Hội thánh. Đương đơn đăng ký, phải có niềm tin trổi bật của người Công giáo. Và, phải tỏ ra là người mẫu mực, về lòng Đạo. Về quá trình bản thân, người ấy không tạo cho Hội thanh những phiền toái, gây tai tiếng về sau.

Ít ngày sau khi được tin trên, tôi được đọc một báo cáo lạ kỳ của một nhà tư vấn nọ về những người từng hướng dẫn Hội thánh Chúa, thời tiên khởi, như sau:

“Thánh Gio-an Tiền Hô: Ông nói ông ta là người chuyên lo Thanh Tẩy. Nhưng, lối ăn mặc của ông lại chẳng giống các thừa tác viên đặc trách rửa tội, một chút nào. Ông có thói quen quanh năm suốt tháng, ăn ngủ ngoài trời. Ăn, thì chỉ thích ăn món lạ, chưa ai từng biết đến. Giữa nơi công cộng, ông hay khích bác lãnh tụ tôn giáo cùng thời.

Thánh Phêrô: Ông này tính nết cực kỳ lạ lùng. Đôi khi, hay tỏ ra giận dữ, báng bổ. Ông này từng bất đồng ý kiến với thánh Phao-lô, hồi hai người còn ở An-ti-ô-ki-a. Thánh Phêrô rất háo thắng. Về luật lệ, lại không mấy rành rọt, nên cũng hơi bất tiện.

Thánh Phao-lô: Ông này rất có uy. Thuộc tầm cỡ Giám Đốc Điều Hành công ty lớn, chứ chẳng chơi. Đây đích thị là, nhà giảng thuyết số một có khả năng lôi cuốn người nghe, rất nổi tiếng. Nhưng, lối xử sự của ông lại không khéo, cho lắm. Ít khi ông tha cho thừa tác viên trẻ nào, bê bối. Ông thuộc loại người khắc nghiệt. Lừng danh trong việc giảng dạy suốt cả đêm.

Đức Giê-su: Thời đó, Ngài rất nổi tiếng. Ngài được mọi người mến mộ. Người người nô nức theo chân Ngài. Con số, có lúc lên đến 5000. Đức Giê-su từng làm cho nhiều người sửng sốt. Về cuối đời của Ngài, con số những người theo Ngài thấy có nhiều phụ nữ rất tin tưởng. Các vị ấy là những người bạn thân thiết với Ngài nhất. Có khi Ngài ở tại một địa điểm, cũng khá lâu.

Giu-đa: Nói đến anh này, ai cũng đều biết đến. Đây là một tay rất bảo thủ. Anh có quan hệ rộng rãi với nhiều người. Anh là người biết cách tiêu pha tiền bạc. Nên tuyển dụng anh vào làm cho công ty…ở giáo phận.

Trình thuật hôm nay, ta nghe thấy có một nhân vật khá nổi bật vừa xuất hiện, là thánh Gio-an Tẩy Giả. Thánh nhân từng làm cho bè Xa-đốc và Pha-ri-sêu cứng họng. Thời bấy giờ, đó là các bè nhóm hăng say tích cực với những chuyện đi nhà thờ, nhà thánh. Họ thường là những người đạo đức giả. Họ là những người rao giảng một đằng, còn hành động là đằng khác. Ta thường thấy các vị này đòi dân Do Thái làm những điều mà chính họ không bao giờ bận tâm. Như chuyện sống đạo đức làm gương cho người khác. Chẳng thế mà, thánh Gioan không ưa họ.

Cách giữ đạo của mấy bè nhóm này chỉ như một trò chơi chữ. Họ chú trọng vào nhu cầu riêng tư, đến linh hồn họ. Và, chỉ biết tìm ơn cứu rỗi cho riêng mình, mà thôi. Họ muốn rằng chỉ mình họ là vào được nước Thiên Đàng. Còn người khác, đều là những người đáng bị nguyền rủa! Họ dám cả gan theo chân các thánh vào nơi hoang vu sa mạc, để đòi được thanh tẩy.

Tựa như ngày hôm nay, người người thích đến các trung tâm thương mại hoặc cứu tế lớn, dù chỉ mua mỗi thứ một ít, cho khỏi thiếu. Còn ngoài ra, chẳng lưu tâm đến một ai. Thánh Gio-an Tẩy Giả hằng công kích hạng người này, một cách mạnh mẽ. Thánh nhân kết án lối giữ đạo theo kiểu “bán cho tư nhân”. Thiếu trách nhiệm chung. Chẳng lý gì đến mọi người trong xã hội.

Nơi Đạo Chúa, có sự khác biệt rõ giữa niềm tin và quyền tư hữu cá nhân. Niềm tin cá nhân là biết Chúa đang gần gũi, mật thiết với mình. Biết rằng, Ngài là Đấng chúng ta mừng kính vào Lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, với người Kitô hữu, chẳng nên có chỉ một niềm tin riêng rẽ, cá nhân mà tôi. Vì lý do này, ta cũng nên cẩn thận khi hát bài “Ta và Đức Giê-su, chống lại thế giới.”

Vốn thừa hưởng lời Ngài đã hứa với giòng dõi Israel, là mẫu mực cho các người con của Đức Chúa, ta tin chắc rằng ta được cứu rỗi theo tứ cách MỘT DÂN TỘC. Đối với người Công giáo chúng ta, lẽ đáng ra phải nói, là “ta và Đức Giê-su quyết phục vụ thế giới.”

Nếu ta thấy không thích thú gì trong việc tìm kiếm công bình, phát triển cho mọi người; cũng như tạo hòa bình cho thế giới hôm nay; nếu ta chẳng thấy cần phải đoái hoài đến người anh người chị, bạn bè trong giáo xứ của mình; và, nếu, ta chỉ có mỗi một điều mình muốn có là một thân một mình đến dự lễ, đọc kinh cho riêng mình, cứu rỗi mỗi linh hồn mình mà thôi, thì hãy nên nghe lại câu chuyện về ngày Chúa Giáng Sinh, nhiều lần nữa. Có như thế, mới nhận chân ra rằng mình sống là sống cho mọi người. Vì mọi người. Chí ít, là người nghèo đói, tất bật.

Cầu mong sao, Mùa Vọng này ta gặp gỡ được thánh Gio-an Tẩy Giả, để làm điều tốt đẹp, là: “an ủi những người ưu phiền và gây ưu phiền cho người vẫn thoải mái, chẳng cần ủi an”.

Lm Richard leonard, sj

Mai Ta lược dịch

No comments: