Tuesday 14 December 2010

CHÍNH SÁCH CỦA BẮC KINH ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở ĐÔNG NAM Á


LÊ VĂN KHUÊ 1979

(đăng trong tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 3 – tháng 5-6/ 1979

I. TỔNG QUÁT NGƯỜI HOA Ở ĐÔNG NAM Á (1)

1. Số lượng, thành phần dân tộc của người Hoa ở Đông Nam Á

Thực khó có được con số chính xác về lượng người Hoa hiện nay ở Đông Nam Á. Trước hết là không có một cuộc điều tra dân số toàn bộ và cùng một lúc tại các nước ở khu vực này. Con số chính thức mới nhất dựa trên các cuộc điều tra dân số mà chúng ta có được là vào những năm 1930 (2). Thứ đến, khái niệm “người Hoa” lại có tính chất hàm hồ; nó có thể chỉ định những người có quốc tịch Trung Hoa hoặc cũng có thể bao gồm toàn bộ những người có chút huyết thống Trung Hoa nhưng lại lấy quốc tịch địa phương. Do đó các cuộc điều tra mới đây ở một số nước Đông Nam Á cũng không phản ánh đúng thực tại số lượng người Hoa tại vùng này. Ngay trong một bài viết gần đây nhất (năm 1974) về người Hoa ở Đông Nam Á (3), Milne cũng dựa vào con số do Purcell đưa ra vào năm 1960 (4). Riêng trong năm 1978, do ảnh hưởng của vấn đề người Hoa ở Việt Nam, nhiều tạp chí đã nói tới người Hoa ở Đông Nam Á, nhưng cũng không đồng nhất với nhau về số lượng người Hoa ở đây, thậm chí cách biệt nhau gần mười triệu người. Chẳng hạn, báo “Tin Tức” của Liên Xô đưa ra con số là 25 triệu người Hoa ở hải ngoại (5), mà theo Andreyev (6), người Hoa ở Đông Nam Á chiếm 95% hoặc theo Stephen Fitzgerald, chiếm 90% tổng số (7) thì con số tính được phải lên tới hơn 23 triệu hay hơn 22 triệu người. Trong khi đó, tạp chí Asiaweek (8) chỉ đưa ra con số ước đoán là 14,5 triệu người. Theo con số chính thức do Trung Quốc đưa ra trong cuộc điều tra dân số vào năm 1953 thì có 11,7 triệu người Hoa ở Đông Nam Á (9). Nhưng con số này bây giờ cũng đã lỗi thời. Để có thể tạm thời ước tính số lượng người Hoa ở Đông Nam Á hiện nay, chúng ta hãy lấy số lượng dân số của các nước ở vùng này vào năm 1975 (10), chia cho số bách phân do Milne đưa ra vào năm 1974 và như thế chúng ta có:

Dân số các nước ở Đông Nam Á

Bách phân người Hoa

Số lượng người Hoa

Campuchia:

7.300.000 người

Inđônêxia:

129.000.000 người

Lào: 3.260.000 người

Malaixia:

11.100.000 người

Philippin:

41.200.000 người

Singapore:

2.200.000 người

Việt Nam:

Miền Bắc:

25.000.000 người

Miền Nam:

24.000.000 người

6,5%

2,5%

2%

34%

1,5%

75%

0,5%

5,5%

474.500 người

3.725.000 người

65.200 người

3.774.000 người

432.000 người

1.650.000 người

125.000 người

1.320.000 người

Tổng cộng: 15.978.700 người

Những con số trên đây ở mỗi nước gần sát với số lượng mà các tác giả của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (11) đưa ra vào tháng 6-1978. Như vậy chúng ta có thể tạm thời chấp nhận có 16 triệu người Hoa ở Đông Nam Á, trong đó 80% cư ngụ tại bốn nước là Indonexia, Malaixia, Thái Lan và Singapore.

Mười sáu triệu người Hoa này tuy có số lượng lớn, nhưng không phải hoàn toàn đồng nhất với nhau thành một khối duy nhất. Về ngôn ngữ, họ được phân thành năm cộng đồng chính: người Phúc Kiến, người Triều Châu, người Quảng Châu, người Hẹ và người Hải Nam. Người Phúc Kiến có số lượng lớn nhất tại Malaixia, Singapore, Indonexia, Miến Điện và Philippin, trong khi đó người Triều Châu chiếm đa số tại các nước Thái Lan, Campuchia và Lào. Người Quảng Châu nhập cư nhiều nhất ở Việt Nam, thứ nhì ở Singapore, Campuchia, Lào và Malaixia. Người Hẹ có mặt nhiều nhất tại Bornéo, Sarawak, Brunei (thuộc Indonêxia) và thứ nhì ở Java, Sumatra và Thái Lan (12). Người ta cũng thường phân biệt hai loại người Hoa ở Đông Nam Á theo thời gian: người Hoa sinh tại chỗ và người Hoa sinh tại Trung Quốc, và hiện nay người ta ước tính có khoảng 80% số người Hoa sinh tại chỗ, số còn lại thì di dân đến đây vào đầu thế kỷ 20, loại người này đang biến dần với thời gian.

2. Các đợt di dân của người Hoa đến Đông Nam Á.

Nhưng không người Hoa phải chỉ mới đến Đông Nam Á vào đầu thế kỷ 20. Việc di dân của họ đến khu vực này có một lịch sử rất xa xưa. Có thể nói họ có mặt tại đây, ở các nước giáp với Trung Quốc cũng như ở các quần đảo phía Nam, từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên (13); tuy nhiên mãi cho đến thế kỷ 15 sau công nguyên họ mới lui tới nhiều tại các nước này. Trong khoảng thời gian đó, người Hoa chủ yếu lui tới bằng đường bộ để buôn bán, để xâm chiếm hoặc định cư tại các nước giáp giới. Dưới thời nhà Tống và nhà Nguyên, việc đi lại buôn bán với các quần đảo Nam Dương đã được tiến hành, nhưng vào đầu đời nhà Minh mới được phát triển mạnh nhờ việc nhà Minh chú trọng xây dựng lực lượng hàng hải của Trung Quốc. Đến 1661 khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh ở Trung Quốc thì làn sóng di dân và định cư của người Hoa đạt tới quy mô lớn. Sự đàn áp của nhà Thanh tại các tỉnh miền Nam Trung Quốc, nơi có phong trào “kháng Thanh phục Minh” mạnh, và tình trạng chiến tranh tại đây là nguyên nhân chính của đợt di dân và định cư này. Đợt di cư dân lớn thứ hai nữa diễn ra vào thế kỉ 18 khi sự hiện diên của người Tây phương lớn dần ở vùng Đông Nam Á. Từ khi người Hà Lan làm chủ ở Đông Ấn thì khu vực này là trung tâm buôn bán và định cư của người Hoa, nhưng thực ra khi Penang (1785), Wellsley (1800), Singapore (1819) và Malacca (1825) được thiết lập như là những thuộc địa của người Anh thì bán đảo Mã Lai mới trở thành trung tâm buôn bán và di dân của người Hoa. Họ không chỉ đi theo lá cờ Anh quốc ở Mã Lai mà còn ở Sarawak (1841), Bắc Borne1o (1881) (14). Vào năm 1871, có khoảng 10 vạn người Hoa đã cư trú tại các thuộc địa của Anh ở vùng eo biển. Từ căn cứ này, người Hoa di chuyển đến các nước khác. Riêng Thái Lan là nước giáp giới với Trung Quốc, vào năm 1850, người ta ước tính đã có tới 1,5 triệu người Hoa trong tổng số dân số 6 triệu người (15). Đợt di dân lớn thứ ba sau các đợt trước là vào đầu đời nhà Thanh và khi các đế quốc Tây phương có mặt. Đó là đợt di dân để khai phá các thuộc địa của các đế quốc này. Trong những đợt trước, thành phần di dân người Hoa chủ yếu là thuộc giới buôn bán, nhưng từ năm 1850 trở đi, đa số di dân là giới lao động và nông dân nghèo được chiêu mộ từ các làng mạc thuộc hai tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông (16). Đợt di dân này gặp những điều kiện thuận tiện, một mặt là vì có cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc (1850-1856), mặt khác là vì luật lệ cấm di cư của nhà Thanh được bãi bỏ do áp lực của Tây phương (17) và do các chính quyền thuộc địa ở Đông Nam Á cổ vũ.

Andreyev (18) đã phân chia ra ba cách thức di dân trong giai đoạn này. Hình thức thứ nhất là di dân tự do, nghĩa là người đi phải tự trang trải mọi sự chi phí để di cư chứ không do chính quyền đài thọ. Như vậy khi đến các nước này, họ giữ được sự tự do cư trú và hành nghề. Hình thức thứ hai là ký hợp đồng trực tiếp với các chính quyền thuộc địa để làm việc ở bất cứ nơi nào mà người ta cần tới. Hình thức này không phải tất cả các chính quyền thuộc địa đều áp dụng, và nó chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn, sau đó nhường chỗ cho hình thức thứ ba. Hình thức này gọi là di cư theo tín dụng (emigration on credit). Người nông dân nghèo khổ ở các tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông không có khả năng trả chi phí di chuyển của bản thân và của gia đình đành phải chấp nhận tín dụng của những tổ chức chiêu mộ nhân công do những người Hoa cầm đầu, để đến làm việc ở các đồn điền hoặc ở các công trường hầm mỏ của chính quyền thuộc địa. Số tín dụng này họ phải trả lại với một mức lãi rất cao sau khi đã có công ăn việc làm tại nơi nhập cư. Lối làm ăn bóc lột này là một trong những cơ sở của quyền lực kinh tế hiện nay của giai cấp tư sản người Hoa ở Đông Nam Á.

Trong đợt di dân thứ ba này, đặc biệt là từ năm 1920 trở đi, có một đặc điểm lớn là phụ nữ người Hoa bắt đầu di chuyển đến Đông Nam Á với số lượng lớn hơn. Do sự kiện này, tỷ lệ giữa nam và nữ trong cộng đồng người Hoa đã trở thành bình thường hơn và việc hôn nhân giữa người Hoa với người địa phương cũng suy giảm. Tại Thái Lan, vào năm 1919, trong một cộng đồng người Hoa, người ta thấy có 205.470 nam thì chỉ có 54.724 nữ, trong khi đó, vào năm 1947, trong một cộng đồng khác, có 319.196 nam thì có 157.386 nữ (19).

Cũng cần kể tới một đợt di dân khác gần đây hơn là vào những năm nội chiến ở Trung Quốc giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân Đảng, và ngay sau năm 1949 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc dành được chính quyền. Số lượng di dân đợt này hẳn không phải là ít, đặc biệt là trong giới tư sản. Trong những năm gần đây, làn sóng di dân của người Hoa đến Đông Nam Á hầu như tạm ngừng lại vì sự hạn chế của các nước Đông Nam Á và vì chính sách cấm đoán của Trung Quốc.

Đặc điểm lịch sử di dân của người Hoa đến Đông Nam Á, theo C.P.Fitzgerald phân tích, là một công cuộc tự phát ngay từ đầu và đã tiếp diễn suốt trong 200 năm hoặc hơn nữa. Đó là sự di dân của những nhà buôn, nhà tu hành, nhà mạo hiểm, của những người tỵ nạn chính trị, của những người nông dân; họ không phụ thuộc vào chính sách của các giới cầm quyền đương thời, thậm chí họ bất chấp cả sự cấm đoán, hạn chế của chính quyền. Nếu chính quyền can thiệp để hỗ trợ thì thường rất chậm hoặc thất bại (20). Do đó vấn đề đặt ra là sự ngừng trệ vĩnh viễn hay tạm thời? Theo C.P.Fitzgerald, “tình trạng chính trị không ổn định và thay đổi của thời đại chúng ta khó có thể đảo ngược hay làm ngừng trệ vĩnh viễn một công cuộc đã tiếp diễn suốt hơn 2000 năm, một công cuộc không bao giờ đi đôi với sự chỉ đạo chính trị, sự kiểm soát hay hạn chế của các chính quyền (21). Nhưng trong trường hợp sự di dân lại được chỉ đạo bởi chính sách bành trướng và bá quyền Trung Quốc hiện nay thì sao? Chúng ta phải xác định rằng nếu người Hoa đến Đông Nam Á với tinh thần nhờ vả, hữu nghị như trong quá khứ thì họ sẽ được nhân dân địa phương vui vẻ chấp nhận và được tạo những điều kiện thuận lợi để sinh sống. Nhưng nếu họ đến các nước láng giềng với ý đồ xâm lược, kể cả với sự hỗ trợ của tập đoàn phản động trong chính quyền Trung Quốc hiện nay thì như lịch sử đã chứng minh họ sẽ bị thất bại.

Người Hoa khi vừa đến Đông Nam Á thường dựa vào cộng đồng theo ngôn ngữ của họ để làm ăn sinh sống và phát đạt. Họ lại thường chọn nghề nghiệp điển hình của cộng đồng ngôn ngữ của họ để bắt đầu cuộc sống mới, như người Hẹ làm nghề nông, người Hải Nam buôn bán cà phê, người Triều Châu buôn bán tạp hóa. Có khi họ lại tìm kiếm những công việc mà nhân dân địa phương ít quan tâm tới, như nghề buôn bán ở Thái Lan. Vì thế đa số người Hoa ở Thái Lan làm nghề buôn bán. Ở Inđônêxia hiện nay 70% ngành bán lẻ và phân phối nằm trong tay người Hoa không những vì lý do trên mà còn vì chính quyền thuộc địa Hà Lan không cho phép họ có ruộng đất, không chấp nhận họ vào các cơ quan chính quyền, duy trì họ thành một cộng đồng biệt lập với nhân dân địa phương, sử dụng họ làm môi giới kinh tế giữa giới tư bản thuộc địa và nhân dân địa phương (22). Do đó người ta thường nói kiểu mẫu điển hình của người Hoa ở Đông Nam Á là những nhà thương mại, những nhà tài chánh, những người buôn bán lẻ, “những người biết sử dụng tiền tệ và tổ chức con người trong quan hệ với tiền tệ” (23). Nhận xét này thật xác với thực tế, tuy nhiên ở các nước mà người Hoa chiếm tỷ lệ cao, họ còn làm những nghề nghiệp khác nữa. Chẳng hạn ở Malaixia, sau thế chiến II, nông nghiệp là công việc quan trọng nhất của người Hoa ở các tiểu bang khác ngoài Penang. Ở đây họ chiếm 20% diện tích trồng dừa và chè, 26% diện tích trồng cao su (24). Người Hoa làm nghề nông ở Saba và ở Sarawark cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Và, ngay ở Inđônêxia nơi mà từ lâu người Hoa không có quyền sở hữu ruộng đất, tại các đảo Đông Sumatra, Tây Borneo, người Hoa cũng được sử dụng trong nông nghiệp (25).

Trong những năm gần đây khi các nước Đông Nam Á bắt đầu đi vào con đường phát triển công nghiệp thì số lượng người Hoa bỏ vốn đầu tư và số lượng nhân công người Hoa trong các xí nghiệp công nghiệp càng ngày càng gia tăng. Ví dụ ở Campuchia vào năm 1967, 98% các xí nghiệp đều nằm trong tay người Hoa (26). Ở Thái Lan trong 100 công ty công nghiệp chế biến lớn nhất thì 63% là do người Hoa trực tiếp kiểm soát (27). Ngoài ra trong các ngành dịch vụ như ngân hàng, giao thông vận tải, người Hoa cũng chiếm một vị trí rất quan trọng. Ở Thái Lan, ngân hàng Bangkok của tên trùm tư bản người Hoa Tang Pik Ching (tên Thái là Chin Sopopanich) có 14.000 nhân viên đa số là người Hoa và kiểm soát 30% thị trường ngân hàng Thái Lan. Ở Inđônêxia, ngân hàng trung ương châu Á của trùm tư bản người Hoa là Liêm Sieo Liong, cố vấn kinh tế của Tổng thống Suharto, là ngân hàng tư nhân lớn thứ hai ở đây với số vốn lên tới 99 triệu Mỹ kim. Ở Singapore, công ty Robin Holdings của tư bản người Hoa là Robin Loh đã đầu tư vào các ngành sửa chữa và đóng tàu thủy, thiết bị khoan dầu, hàng không, xây dựng và ngân hàng (28).

Do làm những nghề nghiệp kể trên, người Hoa ở Đông Nam Á thường tập trung ở các đô thị lớn hoặc ở những khu trung tâm, ngoại trừ số người làm nông nghiệp. Do đó họ khiến cho du khách nước ngoài có cảm tưởng họ sống biệt lập với nhân dân địa phương. Thực ra họ đã đồng hóa với xã hội địa phương ở nhiều mức độ khác nhau, tùy theo thời gian và không gian. Trước năm 1920, người ta nhận thấy họ dễ dàng đồng hóa với xã hội địa phương hơn là ngày nay. Bởi lẽ vào thời đó số lượng phụ nữ Hoa nhập cư rất ít so với số lượng nam, do đó họ thường kết hôn với người địa phương. Điều này được biểu hiện rõ ràng trong trường hợp những người Hoa được gọi là “Baba” ở Malaixia hoặc trong cộng đồng người “Peranakan” ở Inđônêxia. Những cộng đồng này là con cháu của những người Hoa nhập cư lâu đời tại đây, đã kết hôn với phụ nữ địa phương và có nhiều trường hợp cũng đi theo Hồi giáo. Họ nói tiếng địa phương, có quốc tịch địa phương và thường không có ý định trở về Trung Quốc. Tuy vậy, họ cũng hoàn toàn không phải là người Inđônêxia, hoặc ngược lại, người Malaixia cũng hoàn toàn không phải là người Trung Quốc (29). Bên cạnh “cộng đồng thổ sinh” này, còn có cộng đồng mà người Inđônêxia gọi là “Totok” (nghĩa đen là không pha lẫn dòng máu khác) gồm có những người Hoa nhập cư trong khoảng thời gian tương đối gần đây. Họ thường sống tập trung với nhau và kết hôn trong nội bộ cộng đồng. Họ chịu khó và tháo vát hơn người Hoa “thổ sinh”, có thể “làm việc từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày” (30).

Về không gian, mức độ đồng hóa của người Hoa với xã hội Thái Lan có lẽ là hoàn chỉnh nhất là vì ở Thái Lan không có chính quyền thuộc địa Tây phương, do đó họ có thể tham gia vào giới cầm quyền Thái; điều này khó có thể xảy ra nếu giới cầm quyền là người Anh, người Pháp hay người Hà Lan như ở các nước Đông Nam Á khác. Ở Thái Lan, chính sách ban chức triều đình cho người Hoa cũng được thực hiện từ những triều đại xa xưa, có lẽ từ thế kỷ 15. Trong thế kỷ 17, có nhiều người Hoa đã được bổ nhiệm làm thống sứ hoặc chánh án. Cũng trong thế kỷ này sự hợp tác kinh doanh giữa triều đình Thái với thương gia người Hoa được phát triển mạnh, đặc biệt là dưới triều đại vua Prasat Thong (1629 - 1656). Do đó nhiều cuộc hôn nhân giữa gia đình người Hoa thượng lưu với gia đình giới cầm quyền Thái – hôn nhân giữa tiền tài và quyền lực - đã diễn ra. Hậu quả là khi “nhận lãnh những chức tước trong triều đình, giới thượng lưu người Hoa đã làm suy yếu ý thức trách nhiệm của họ có thể có đối với cộng đồng người Hoa”. Tệ hại hơn nữa “họ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội kiếm lợi từ đồng bào của họ” (31). Đến năm 1910, vua Vashiramut lên ngôi đã mở đầu chiến dịch bài xích người Hoa tại Thái Lan với bài viết cho rằng người Hoa là “người Do thái tại ở phương Đông”. Chiến dịch bài xích này được tiến hành mạnh mẽ đến mức một một học giả đã phát biểu: “Chủ nghĩa dân tộc Thái xuất phát từ thái độ chống đối thiểu số người Hoa” (32). Đến năm 1920, phụ nữ người Hoa bắt đầu nhập cư vào Thái Lan với số lượng lớn thì người Hoa ở đây đã có cơ sở để phát triển một cộng đồng riêng biệt. Tuy nhiên trong giới thượng lưu người Hoa, sự liên kết với giới cầm quyền Thái vẫn được duy trì thông qua những cuộc hôn nhân giữa tiền tài và quyền lực. Như thế sự đồng hóa của người Hoa với người Thái Lan thực sự ở mức độ cao ở nước này có lẽ chỉ được thực hiện trong giai cấp thượng lưu, chứ không diễn ra trong các giới khác, mặc dầu tính đến năm 1976 chỉ có 309.941 người Hoa đăng ký là người nước ngoài (33). Những cuộc xô xát giữa hai cộng đồng người Hoa và người Thái ngày nay vẫn còn tiếp diễn (34).

Tuy vậy phải công nhận sự đồng hóa của người Hoa với nhân dân Thái Lan có mức độ sâu rộng hơn so với những nơi khác. Còn ở Inđônêxia thì lại hoàn toàn trái ngược là vì giai cấp thống trị lâu đời ở đây là người Hà Lan chứ không phải là người bản xứ, và chúng ta không hề thấy có cuộc hôn nhân nào giữa người Hoa thượng lưu với người Hà Lan. Trong các nước khác, mức độ nhập tịch cũng không được như ở Thái Lan. Vào năm 1977, vẫn còn có 972.000 công dân Trung Quốc ở Inđônêxia và có khoảng 800.000 người Hoa không có quốc tịch nào trong tổng số 3,8 triệu người (35). Tại Philippin có 300.000 người Hoa trong tổng số 650.000 người không chịu gia nhập quốc tịch địa phương (36).

3. Thái độ của người Hoa ở Đông Nam Á đối với Trung Quốc

Mặc dù người Hoa ở Đông Nam Á có quốc tịch địa phương hay không và đồng hóa sâu rộng vơi nhân dân bản địa đến đâu, họ vẫn cảm thấy cần phải có mối liên hệ với Trung Quốc. Mối liên hệ này có nhiều mức độ khác nhau, từ sự trung thành triệt để về chính trị, một lòng một dạ hướng về tổ quốc, cho tới một sự liên hệ mơ hồ về văn hóa.

Sự trung thành chính trị này được bắt đầu biểu hiện vào thời kỳ người Mãn Châu lật đổ nhà Minh để thiết lập triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc. Phong trào “kháng Thanh phục Minh” ở miền Hoa Nam đã lan tới các cộng đồng người Hoa ít ỏi qua sự trung gian của những đợt người Trung Quốc bỏ trốn ra nước ngoài để tránh sự đàn áp của nhà Thanh. Các nhóm người Hoa ở đây đã trở thành hậu phương yểm trợ cho cuộc kháng Thanh hoặc là nơi tỵ nạn chính trị an toàn cho những người kháng chiến. Ngay sau khi cuộc kháng chiến công khai chống nhà Thanh chấm dứt vào năm 1680, tình cảm chống Thanh vẫn còn tồn tại và được cơ chế hóa trong các hội kín của các cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á. Khi các dân tộc ở châu Á thức tỉnh trước chủ nghĩa dân tộc thì các cộng đồng người Hoa ở đây cũng bắt đầu quan tâm tới đời sống chính trị của Trung Quốc. Sự thức tỉnh này được biểu hiện rõ rệt trong việc người Hoa tích cực học tiếng “Quốc Ngữ”, một thứ tiếng hầu như xa lạ đối với họ mà đa số là người Phúc Kiến và Quảng Đông. Đồng thời, với lực lượng kinh tế mạnh, họ cũng trở nên cơ sở quan trọng cho cuộc cách mạng Tân Hợi. Tôn Dật Tiên đã gọi họ là “mẹ đẻ của cách mạng” (37). Do cuộc cách mạng Tân Hợi thành công, người Hoa ở đây dần dà tự coi “chính bản thân họ như là một thực thể có những quyền lợi và nghĩa vụ đối với tổ quốc mình” (38). Trung Quốc đã trở thành trọng điểm chính trị và mẫu mực văn hóa của họ. Vì thế trước Thế Chiến thứ II, nghe theo lời kêu gọi của chính quyền Trung Quốc, người Hoa ở các nước Đông Nam Á đã triệt để ủng hộ chiến dịch tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản. Về mặt văn hóa, họ hăm hở tiếp thu tất cả những thứ gì mang từ Trung Quốc đến, đặc biệt là chương trình giáo dục mới với hàng trăm, hàng ngàn giáo viên từ lục địa gửi đến để truyền bá. Một tác giả đã nhận xét: “Những thứ gì từ Trung Quốc tới liền được người Hoa ở đây chấp nhận mặc dầu trước đó những thứ này đã đến với họ qua con đường Tây phương rồi, nhưng lúc đó họ chưa tin tưởng” (39). Trung Quốc thực sự đã trở thành “thước đo tiêu chuẩn cho sự phán đoán về văn hóa và nơi dẫn chiếu cho tư tưởng chính trị của họ” (40).

Lòng trung thành với Trung Quốc còn được thể hiện qua số tiền gửi về nước. Số tiền này trước Thế Chiến thứ II hàng năm lên tới 100 triệu Mỹ kim, một nguồn ngoại tệ đứng thứ nhì của Trung Quốc sau ngoại thương (41). Số tiền này chỉ giảm sút khi cuộc tranh chấp giữa Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Quốc Dân Đảng xảy ra. Trong giai đoạn này tình cảm và tư tưởng chính trị của người Hoa ở Đông Nam Á đã trải qua một cuộc giằng co gay gắt mãi cho tới khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc lên cầm quyền. Cả Bắc Kinh lẫn Đài Loan đều nỗ lực thu phục sự ủng hộ của họ. Nhưng dần dà Bắc Kinh chiếm được ưu thế. Theo Lea. E. Williams (42), vào những năm 50, trong cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á có 10% ủng hộ Bắc Kinh, 10% ủng hộ Đài Loan và 80% không có thái độ rõ rệt. Nhưng vào những năm 60 thì có 2/3 số người Hoa theo Bắc Kinh và 1/3 theo Đài Loan (43). Ở Thái Lan, theo thống kê của Andreyev hiện nay trong người Hoa có 60% ủng hộ Bắc Kinh, 30% theo Đài Loan và 10% không rõ rệt. Tại Philippin nơi có đa số người Hoa ủng hộ Đài Loan trong những năm 50 và 60 thì nay Đại sứ quán của bọn Tưởng bị thu hẹp vào một căn phòng nhỏ và lấy tên là “Trung tâm kinh tế và văn hóa Thái Bình Dương” trong tòa nhà cũ của “Câu lạc bộ báo chí hải ngoại” (44)

Trên đây là thái độ của người Hoa ở Đông Nam Á đối với hai phe Bắc Kinh và Đài Loan. Nhưng ngay đối với Bắc Kinh, không phải là không có sự phân hóa về tình cảm trong cộng đồng người Hoa ở đây. Theo Milne, “nhiều người Hoa ở đây đã có một sự tách biệt khỏi Trung Quốc đủ để trở thành trước tiên họ là “người ủng họ người Hoa ở hải ngoại”(pro-overseas chinese)” (45). Thực vậy, theo một cuộc điều tra của phân xã ở Đông Nam Á, “nhiều người Hoa trong vùng này không tích cực hòa mình (với Trung Quốc) và họ chỉ lo làm giàu hơn là chịu sức ép từ Trung Quốc” (46). Một quan chức trong phòng thương mại người Hoa ở Philippin đã nói rằng: “Chúng ta không sợ (sức ép từ Trung Quốc), chúng ta chẳng phải quan tâm tới. Chúng ta là người Philippin” (47). Nguyên bộ trưởng bộ ngoại giao Thái Lan, ông Phichai Raltakul, một người Hoa thuộc thế hệ thứ tư của một gia đình Hoa nhập cư tại đây đã tuyên bố: “Nếu Thái Lan trở thành cộng sản, tôi tin mọi cách mạnh mẽ rằng sẽ có cuộc ra đi hàng loạt của người Hoa. Nhưng họ sẽ không đi Trung Quốc đâu vì hầu hết họ là người tự do kinh doanh” (48).

Nếu người Hoa ở Đông Nam Á thực sự bị phân hóa về mặt chính trị đối với Trung Quốc thì về mặt tình cảm và mối liên hệ văn hóa phải nói là sự đồng nhất triệt để nơi họ, trong giới lao động cũng như trong giới tư sản. Theo Donald E. Willmott, phải phân biệt giữa một bên là “chủ nghĩa dân tộc văn hóa” và “chủ nghĩa dân tộc chủng tộc” và một bên là “chủ nghĩa dân tộc chính trị” (49). Có thể có một số người Hoa ở Đông Nam Á không trung thành với Bắc Kinh về mặt chính trị, nhưng bao giờ họ cũng ôm ấp một tình cảm, trong nhiều trường hợp, rất mơ hồ về Trung Quốc như là tổ quốc của họ; bao giờ họ cũng hãnh diện họ là người Trung Quốc. Có những người mà gia đình của họ đã sống ở Đông Nam Á trải qua mười một thế hệ nhưng họ vẫn tự coi mình như là người sinh trưởng ở một thôn xã tối tăm nào đó ở miền Hoa Nam (50). Một chủ báo trẻ người Hoa ở Đông Nam Á đã nói: “Chống Cộng chẳng có nghĩa lý gì cả nếu Cộng sản không đụng đến chúng tôi. Nên nhớ rằng đối với chúng tôi, tiếng quan trọng nhất trên đời này là tổ quốc. Ngay khi con cái chúng tôi biết bập bẹ nói, chúng tôi đã dạy chúng nói: chúng tôi là người Trung Quốc” (51). Mối liên hệ này của người Hoa đối với Trung Quốc, theo Elegant (52), rất sâu sắc vì nó đã “vượt lý tính”, hay theo Milne vì nó “không thể giải thích được” (53). Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, sự liên hệ này được xác định như là sự liên hệ về văn hóa, mặc dù họ rất mơ hồ về bản chất của văn hóa Trung Quốc. Một trí thức người Hoa ở Inđônêxia đã nói: “Nếu người ta hỏi chúng tôi văn hóa Trung Quốc là gì thì chúng tôi không thể trả lời được. Chúng tôi không thể định nghĩa nó một cách chính xác được, nhưng chúng tôi chỉ biết rằng chúng tôi thích nó và và muốn duy trì nó. Một phần vì tiếng nói. Chúng tôi cho rằng con cái chúng tôi trong xứ này nên đi học trường của nhà nước nhưng chúng tôi cũng lại muốn chúng học tiếng Trung Quốc. Chúng tôi muốn chúng trung thành với Inđônêxia như là tổ quốc của chúng, nhưng chúng tôi cũng hy vọng rằng chúng không quên văn hóa Trung Quốc” (54)

Ngoài lòng trung thành về chính trị, mối liên hệ về văn hóa và tình cảm đối với quê cha đất tổ, có lẽ còn có những lý do khác khiến cho người Hoa ở Đông Nam Á hướng về Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang dần dần trở thành một cường quốc, điều này vừa làm cho họ hãnh diện vừa gây cho họ một hy vọng sẽ được Trung Quốc bảo vệ, nhất là về quyền lợi kinh tế, trong trường hợp bị các chính quyền địa phương hạn chế hoặc đàn áp, thậm chí nếu bị bắt buộc phải di tản toàn bộ thì họ cũng hy vọng Trung Quốc sẽ là nơi họ có thể trở về an toàn (55). Còn một lý do nữa, lý do kinh tế, là việc buôn bán của Trung Quốc với Đông Nam Á đều qua trung gian của những công ty của người Hoa ở đây, do đó viễn tượng lợi nhuận cao cũng có thể là động lực khiến cho một số người trong họ hướng về Trung Quốc.

Về phía Bắc Kinh, cộng đồng đông đảo người Hoa ở Đông Nam Á có những khả năng gì, có những lợi điểm gì cho Bắc Kinh? Có thể tóm tắt theo Hinton như sau: “Họ có thể được sử dụng như yếu tố mặc cả trong việc Bắc Kinh thảo luận với các chính quyền địa phương về quan hệ bình thường với Trung Quốc. (Họ) có thể giúp cho Trung Quốc duy trì sự liên lạc với các Đảng Cộng sản địa phương, tài trợ và gây ảnh hưởng với các Đảng này thường do người địa phương kiểm soát. Sự quan tâm về buôn bán của họ đương nhiên đem đến cho Trung Quốc những cơ hội quý giá để phát triển xuất khẩu và là nguồn nhập khẩu quan trọng. Họ cung cấp cho Trung Quốc một số nhân lực lành nghề dưới hình thức những Hoa kiều trở về nước và những sinh viên du học tại Trung Quốc” (56). Nhưng có lẽ lợi điểm quan trọng nhất của người Hoa ở Đông Nam Á đối với Trung Quốc là quyền lực kinh tế của họ, quyền lực này một mặt có thể cung cấp cho Trung Quốc một nguồn ngoại tệ quan trọng, mặt khác lại có khả năng thao túng thị trường kinh tế và lũng đoạn chính trị rất lớn tại địa phương.

Tuy nhiên sự hiện diện và thái độ của người Hoa ở Đông Nam Á không phải chỉ có mang lại những thuận lợi cho Trung Quốc. Vì khả năng thao túng thị trường kinh tế và lũng đoạn chính trị rất lớn ở địa phương, vì khuynh hướng ủng hộ Bắc Kinh, họ đã tạo nên sự nghi ngờ và đố kỵ của chính quyền cũng như của nhân dân địa phương, do đó họ có thể gây trở ngại cho Trung Quốc trong việc bang giao với các chính quyền ở các nước này hoặc có thể làm tăng thêm sự kháng cự đối với ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt là ở những nước chưa lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ngay nơi bản thân họ, thái độ chính trị đối với Bắc Kinh cũng chưa đồng nhất đến mức độ họ chịu đồng hóa quyền lợi của họ với quyền lợi của Bắc Kinh, đặc biệt là trong giới tư sản. Trước thực tại phức tạp này, Bắc Kinh đã có những chính sách gì, có những biện pháp nào để vừa phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc vừa đáp ứng được quyền lợi của họ?

No comments: