Saturday 18 December 2010

Lm Mai Van Thinh, CSsR: AI SẼ XÂY NHÀ CHO TA?

Lm Mai Van Thinh, CSsR

Trong những chủ nhật vừa qua, chúng ta đã cùng nhau suy niệm và cố gắng sống những lời giảng dậy của Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia nhằm nâng cao niểm hy vọng, biến những ngày tháng u buồn thành niềm vui để đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ngự đến. Với thánh Gio-an tẩy giả, chúng ta nhận ra ơn gọi cao quí của mình là Chúa muốn đến trú ngụ nơi bản thân của con người và khiến họ trở thành khí cụ giới thiệu Chúa cho nguời khác; và một khi Chúa đã đến với tha nhân thì chúng ta phải lu mờ.

Chủ nhật thứ tư này chúng ta thường được mời gọi suy gẫm về hành trình sống đức tin của Đức Maria. Tuy nhiên, hôm nay tôi lại bị thu hút bởi một câu mà Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Nathan nói cho Vua Đa-Vít trong bài đọc I, bài trích sách Sa-mu-en 2: “Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao? (2 Sam 7:5).

Vua Đa-vít là gương mặt nổi bật nhất trong lịch sử của dân Do Thái. Từ tình thế tan tác và lỏng lẻo giữa các bộ lạc với nhau, ông đã lãnh đạo họ thành một quốc gia thái bình với nền chính trị vững bền. Lúc này kẻ thù đã bị đập tan. Vua ngự trị trong một cung điện nguy nga tráng lệ; mà Chúa vẫn còn bị ‘nhốt’ trong ‘hòm bia giao ước’ nơi lều trại. Vì thế, ông dự định xây cất đền thờ cho Chúa ngự. Nhưng ý định của Thiên Chúa vựợt xa những dự tính của con nguời; cho dù đôi khi những ưu tư đó thật chính đáng. Vì thế, Người đã nhắc cho Vua biết rằng chính Người có trách nhiệm trên dân tộc và đất nước Do thái chứ không phải là Vua. Từ một kẻ chăn chiên Người đã uốn nắn ông thành Vua. Thiên Chúa mới là người lãnh đạo, là nguyên nhân của sự thành công, là thành lũy che chở giúp họ chiến thắng các kẻ thù địch và ban cho họ nền hòa bình và thịnh vượng. Và nếu trong quá khứ Thiên Chúa đã bảo vệ dân riêng của Người, thì chính Người chứ không phải Vua hay bất cứ ai khác có thể bảo đảm tương lai của họ.

Hẳn anh chị em còn nhớ, chính trong hoang địa của hành trình tiến về Đất Hứa, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với dân Do Thái: “Các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi.” Còn họ thì cảm nghiệm là Thiên Chúa cùng đi với họ. Người ngự giữa họ. Điều quan trọng mà chúng ta nên nhớ là không ai được phép cầm giữ Thiên Chúa cho riêng mình; và cũng không một tổ chức nào được phép nhân danh Chúa mà nói là Thiên Chúa chỉ thuộc về riêng nhóm của chúng tôi mà thôi. Tất cả những ý tưởng đó đều sai lạc với ý tưởng của Thiên Chúa. Đừng nhốt Thiên Chúa trong những cơ cấu do con người nặn ra. Sự tích ‘con bê bằng vàng’ là bài học đích đáng dành cho những ai muốn nặn một Thiên Chúa cho nhóm mình.

Sau này khi dân Do Thái bi lưu đầy bên Ba-by-lon và trong thời gian đó đền thờ không còn. Nơi mà họ thờ phương đã bi phá hủy. nhưng họ lại cảm nghiệm một cách sâu xa là Thiên Chúa vẫn ngự trị giũa họ, cùng đồng hành với họ trong hòan cảnh tang thuơng mà họ đang phải gánh chịu. Tương quan của Thiên Chúa dành cho con người là mối tương quan linh họat và sống động. Tương quan đó phát sinh từ Thiên Chúa; nên chúng ta không được phép nhốt Người ở một nơi chốn cố định nào. Nhà của Thiên Chúa là bản thân của mỗi nguời. Người họat động và cùng di chuyển với con người. Đó là bài học cho chúng ta.

Trong lúc suy nghĩ đến điều này, tôi chợt nhớ đến hiện tượng xây nhà thờ tại Việt nam trong vòng hơn một thập niên qua. Vẫn biết rằng bất kỳ cộng đồng nào cũng cần nơi để dân chúng thờ phượng. Nhưng nếu một ngôi nhà thờ được xây dựng nguy nga với những trang hoang lộng lẫy, lại tọa lạc giữa những mái nhà dột nát thiếu ăn thiếu măc của dân chúng thì cũng nên xét lại. Chưa kể đến óc não ‘tranh đua’ của chúng ta. Nhà thờ bên cạnh có tháp chuông cao, bàn thờ bằng đá cẩm thạch thì bên này cũng phải cố gắng bằng hoặc hơn bên kia. Thậm chí, tại một vài nơi, nhà thờ còn tạm dùng được lại bị phá đi để xây nhà thờ mới. Cuối cùng việc xây nhà thờ chỉ làm thỏa mãn những tham vọng ‘hơn thua’ của các vị lãnh đạo. Còn dân chúng đã khổ sở lại càng khốn khổ thêm vì những lần quyên góp, những tặng vật cần phải có trong những dịp khánh thành từng chặng. (tại một vài nơi, nhiều nhà thờ được xây cất theo từng giai đọan. Sau khi hoàn tất giai đọan nào thì tổ chức tạ ơn, khánh thành để thực hiện giai đọan tiếp theo. Những người khách được mời vẫn là giáo hữu; dân khố rách áo ôm; đã rách lại còn rách thêm!)

Song song với những hiện tượng tiêu cực nói trên. Vẫn còn có những con nguời, tổ chức sẵn sàng hy sinh thời giờ và tiền của để giúp đỡ những người khốn cùng như các trung tâm dành cho những nạn nhân bị bịnh liệt kháng, giúp đỡ các anh em thuơng binh, trẻ mồ côi, khuyết tật và những đồng bào dân tộc thiểu số, v.v.

Lịch sử đã khẳng định một điều thật hiển nhiên là bất cứ một triều đại nào dù vững bền đến đâu mà do con người dựng nên cũng có ngày bị sụp đổ; chỉ có triều đại của Thiên Chúa là bền vững qua muôn thế hệ. Thật vậy, sau khi loan tin cho Đức Maria về việc sinh hạ Đức Giê-su, sứ thần khẳng định thêm là triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận.(Lc 1: 31-33) Triều đại của Thiên Chúa đã viên mãn qua cuộc sống sứ vụ của Đức Ki-Tô, Đấng đã trở thành giống như người phàm (Phi-lip-phê 2:7). Nói cách khác, qua Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã xây một ngôi đền vĩnh cửu qua muôn thế hệ. Ngài đã cắm lều giữa chúng ta (Gio-an 1:14). Và qua ngôi đền của Đức Chúa (Gio-an 2: 21), nhân lọai lại được phép giao hòa với Thiên Chúa.

Như vậy, qua việc hân hoan đón nhận chuơng trình của Thiên Chúa thực hiện nơi bản thân mình, Đức Trinh Nữ Maria đã cộng tác để đem ơn cứu độ đến cho nhân lọai. Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta vừa là sứ điệp vừa là một thách đố đòi hỏi sự cộng tác trong vâng phục của chúng ta. Từ đó, qua cách hành xử trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn là đền thờ của Thiên Chúa mà nhiều người đang mong đợi. Trong niềm hân hoan mừng Lễ Giáng Sinh năm nay, Thiên Chúa cũng mời gọi các tín hữu ý thức được ơn gọi của mình là hãy sống xứng đáng trở thành Đền Thờ của Chúa và qua lối sống của chúng ta Đức Giê-su tiếp tục được giáng sinh cho tha nhân. Amen
Kew 16.12.2005

No comments: