Wednesday 8 September 2010

Lm Richard Leonard: Đánh mất thiên đường


Thiên đường đó xa rồi anh đơn lạnh

Thích lang thang, thích ngổ ngáo với đời

Thích hoang đàng, thích phiêu bạt rong chơi

Vì mất em – chẳng còn gì hạnh phúc.

(thơ Nguyễn Trung Nghĩa)

(Lc 15: 1-32)

Chẳng còn gì hạnh phúc, vì em đánh mất thiên đường. Thiên đường tình yêu kia đã mất, nay em tỉnh giấc, quay về với vòng tay âu yếm của Cha. Đánh mất Thiên đường Tình yêu của Cha nay đã gặp, là tâm tình được thánh Luca ghi lại nơi dụ ngôn “người em đi hoang”, nơi trình thuật.

Trình thuật hôm nay thánh Luca diễn tả về chuyện đánh mất. Mất chiên, mất tiền, mất người con yêu, nay về lại. Dụ ngôn “người em đi hoang” đã trở về với niềm vui của Cha, là chủ đề chính được mô tả rất kỹ. Mỗi chi tiết, từ ý tứ đến lời văn, nhất nhất qui về niềm vui của Cha khi tìm được những gì đã mất.

Ở bài đọc thứ nhất, Môsê đã tìm được tâm tình yêu thương nhân hiền của Đức Chúa, sau cơn lôi đình Người nổi giận vì dân Do Thái vô ơn, bạc phước. Ở bài đọc thứ hai, tình yêu đại lượng của Đức Kitô trao ban trở lại cho thánh Phao-lô, sau khi thánh nhân tìm được niềm tin yêu đánh mất. Và ở bài Phúc Âm, niềm vui mừng cao điểm khi người mục tử tìm được chiên lạc, người phụ nữ tìm ra tiền lạc mất. Và, Cha mở rộng vòng tay đón người con đi hoang, nay trở về.

Ở trình thuật hôm nay, Cha Nhân Hiền đóng vai trò trọng tâm trong dụ ngôn. Dù người con yêu cầu phân chia gia sản, vung tiền ăn chơi trác táng, mất đi “thiên đường” của giòng họ, Cha vẫn chờ, không giận dữ, chẳng tiếc nuối đã lỡ thương. Chẳng lên án con bất hiếu, hỗn láo. Cha vẫn chờ con về để rộng lòng xót thương, vỗ về.

Đọc dụ ngôn theo nhãn giới thời bây giờ, hẳn mọi người đều thấy đúng thái độ của anh hai. Là con ngoan, bổn phận phục vụ Cha luôn chu toàn, không màng danh lợi cùng trọng thưởng, chỉ chí thú một đời làm lụng, không đi hoang phá họai. Các đặc tính ấy không cò gì đáng chê trách. Nhưng, thái độ bất đồng của anh, ganh tị với em, hẹp hòi không chịu vào nhà chung vui với mọi người. Đây, chính là thái độ tiêu cực, không được Cha cổ võ.

Cân nhắc - phẩm bình, là chuyện rất nên. Nhưng quan trọng hơn cả, là: nghe dụ ngôn, phải đặt mình vào bối cảnh của truyện. Dụ ngôn “người em đi hoang” đựoc mở đầu bằng câu: “Các người thu thuế và tội lỗi đều tìm đến Đức Giê-su để nghe Ngài giảng.” Ở đây, dụ ngôn làm nổi bật hai mức độ/lĩnh vực có liên quan hỗ tương. Trước tiên, là sự đối chọi giữa hành vi của người cho mình đạo đức chính trực với tư thế của người bị coi là ngoại cuộc, do thái độ đạo đức của họ. Thứ đến, là thái độ của con dân Đức Chúa (mà đại diện là người con cả “chả bao giờ trái luật”) với người “ngoài Đạo” được đánh giá là người vô luân và phi luân lý (mà người con thứ là đại diện).

Các cụm từ chính được dùng ở đây, là: “tìm đến” và “nghe giảng dạy” tất cả mọi người –chẳng cần biết trước đây và bây giờ có thái độ thế nào- nếu chủ tâm biết “tìm đến” Đức Giê-su và ước ao được “nghe Ngài giảng”, thì nhất định không thể là người tội lỗi. Bởi vì, nếu định nghĩa cho chính xác, thì chỉ là người tội lỗi, những ai ngưng không “tìm đến” Đức Giê-su và thôi không muốn “nghe Ngài giảng dạy” nữa, mới đúng. Thật ra, Đức Giê-su vẫn thấy nơi những người tụ tập quanh Ngài, là những người thực sự “tìm đến” Ngài , và muốn “nghe Ngài giảng dạy”, để rồi sẽ đổi thay.

Trong khi đó, nhóm Pharisêu và các kinh sư đều nhìn tất cả mọi người ở ngoài nhóm của mình đều rập khuôn mang nhãn hiệu “kẻ tội lỗi”. Chính vì thế, họ mới xầm xì về Đức Giê=su, rằng: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15: 2). Đối lại, Đức Giê-su không tranh luận với họ bằng những giải thích giông dài thần học. Ngài dùng dụ ngôn để kể. Và hôm nay, vì họ “đánh mất thiên đường, nơi anh có em”, nên có đến ba bài dụ ngôn được Ngài kể. Cả ba, đều qui về một chuyện: Đức Chúa yêu thương hết mọi người. Ngài mong mọi người quay về với Ngài. Nếu họ làm thế, cả khi phạm tội tày trời, Ngải vẫn giang tay nghênh đón.

Tuy nhiên, ở đây dễ hiểu lầm mà cho rằng, dù ta làm gì tệ phạm đi nữa, cuối cùng rồi Chúa cũng xót thương, tha thứ. Vậy nên, cứ tha hồ làm điều xấu. Trong tương quan với Đức chúa, có hai việc cần minh định. Trước nhất, Chúa yêu thương mọi người chúng ta. Tình yêu của Ngài không mang điều kiện nào hết. Chẳng cần biết ta là ai? Ta có làm gì chống Chúa, chống anh em? Tình yêu Ngài đối với ta, tuyệt nhiên không suy xuyển.

Thứ đến, có điều chắc chắn, là: chẳng phải vì ta hiền lành/thánh thiện mà Ngài sẽ yêu hơn hoặc nếu ta phạm lỗi, Ngài yêu ít đi. Thiên Chúa là Tình yêu. Tình Ngài yêu ta rất trọn vẹn. Dù là, đối với các vị thánh như Mẹ Têrêsa. Hoặc, với các kẻ độc tài, hình sự. Bởi nếu không, thì Ngài cũng thiên vị, như ai. Chính vì thế, Ngài mới bảo: “Có là người bệnh mới cần đến thầy lang.”

Dầu sao, Việc Chúa thứ tha mọi tội, là hành xử vô điều kiện. Điều này thấy rõ nơi dụ ngôn “người em đi hoang” có thái độ của người con đã trót dại: “thích lang thang, ngổ ngáo với đời” và “thích phiêu bạt rong chơi”, như nhà thơ diễn tả. Dù rồ dại, Cha vẫn yêu đứa con “hoang tàng”. Cha không mang thành kiến, hoặc kỳ thị các con: “mãi từ xa trông thấy, Cha đã chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ người con, và hôn lấy hôn để…” Tình yêu của Cha là như thế. Nhưng tình thương yêu tha thứ của Cha chỉ nên trọn vẹn, khi con biết tỉnh giấc, quay về. Nói khác đi, chỉ có thứ tha trọn vẹn khi có hoà giải. Khi vết thương chia cách được chữa lành. Đây chính là ý nghĩa của bí tích hóa giải, thứ tha.

Trong hòa giải với Chúa, bước dấn thân đầu tiên như “người em đi hoang” đã nghĩ là bước quan trọng. Quan trọng, vì biết chắc Cha sẽ giang rộng đôi tay già ra chào đón ta trở về. Chẳng còn chữ “nếu”, chữ “nhưng”. Chẳng điều kiện, cũng không dè chừng. Không hình phạt, cũng chẳng bổ sung, bồi thường. Điều này, được thánh Phao-lô mạnh dạn nói rõ: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô Giê-su đã đến thế gian, để cứu người tội lỗi, mà kẻ đầu đàn là tôi.” (1Tm 1: 15)

Cũng thế, đường lối Chúa đón nhận “người em đi hoang” trở về, phải được chứng xác bằng tương quan ta có với người khác nữa. Trong lời cầu Chúa dạy, rõ ràng ta vẫn quyết: “Xin tha cho con mọi lỗi lầm trót phạm, cũng một kiểu như con đã làm cho người anh em.”

Cuối cùng ra, khi đã được tha thứ, cũng nên nhớ thêm Lời Ngài đã phán: “Hãy trở nên trọn lành, vì Cha của chúng ta trên trời là Đấng trọn lành”. Điều này mang ý nghĩa rất sáng tỏ: hãy yêu thương hết mọi người, một cách vô điều kiện, như Chúa hằng yêu ta. Và, hãy sẵn sàng tha thứ cũng như hòa giải với từng người như Ngài đã từng làm như thế, với từng người một.

Việc này không dễ. Nhưng không phải là chẳng thể làm được. Nhưng với sự trợ giúp của Cha, ta luôn hy vọng.

Vào tiệc lòng mến hôm nay, ta cứ hân hoan và hy vọng. Hy vọng là Chúa vẫn thứ tha. Hy vọng là ta cũng sẽ tha thứ hết mọi người. Từ “người em đi hoang” thích phiêu bạt giang hồ, cho chí người anh “vẫn hầu hạ Cha, chẳng khi nào trái lệnh”, và tất cả mọi người.

Trong hy vọng “thiên đường – nơi có anh có em, từ nay không đánh mất”, ta cứ hân hoan cùng với các người anh, người chị khắp nơi hát lên lời của người nghệ sĩ hôm nào:

Bạn ơi, xin hãy vứt hết nỗi buồn,

Xóa tan đi bao đêm trường,

Bước ung dung trong cuộc đời … hạ ơi.

(Lê Hựu hà – Vào hạ)

Hân hoan, hy vọng. Và vứt đi bao nỗi buồn. Dù buồn khi vào hạ; hay niềm vui khi người em đi hoang phá tán, nay trở về. Hãy cứ bước ung dung trong cuộc đời, đã có Cha. Có Cha Nhân Hiền luôn mở vòng tay tha thứ. Rất yêu thương. Rất “thiên đường nay không còn mất nữa”. Thiên đường ấy, đang ở đây. Bây giờ.

No comments: