Monday 27 September 2010

Lm Chân Tín, CSsR: Một biến cố đầy ý nghĩa


Trong mấy tháng vừa qua, báo chí thế giới đã bàn tán sôi nổi về thoả ước đã được ký kết giữa Toà thánh và nước Nam Tư. Đây là thoả ước đầu tiên Toà thánh đã ký kết với một Quốc gia Cộng sản, sau Công đồng và trong tinh thần đối thoại của Công đồng.

Thỏa ước này đã được sửa soạn kín đáo từ hai năm nay. Ngày 25.06.1966, tại thủ đô Belgrade, Đức cha Casaroli, chính thức đại diện Toà thánh, cùng với ông Maratcha, đại diện chính phú Nam Tư, đã ký vào bản thoả ước, làm căn bản cho những cuộc ký kết sâu rộng hơn trong tương lai. Bản thoả ước này ghi rõ rằng:

Đây là quyết định của đôi bên, tuy chưa tiến tới sự giải quyết mọi vấn đề, ít ra là tiến tới công cuộc giàn xếp thoả đáng những mối quan hệ giữa Giáo hội Công Giáo và Cộng hoà Xã hội Liên bang Nam Tư”.

Chính phủ Nam Tư ghi nhận căn bản pháp lý của các tôn giáo dựa theo hiến pháp và luật lệ của Nam Tư. Hơn nữa, chính phủ thừa nhận thẩm quyền của Toà thánh Vatican trên Giáo hội Nam Tư và cam đoan để cho các giám mục Nam Tư được tự do liên lạc với Toà thánh.

Nguyên tắc phân biệt Đạo và đời đã được đôi bên chấp thuận: Các giáo sĩ sẽ chỉ ở trong phạm vi tôn giáo và được tự do truyền bá giáo lý, công khai tổ chức các nghi lễ tôn giáo và ban các phép bí tích. Chính phủ Nam Tư cam kết sẽ luôn tôn trọng những hoạt động tôn giáo của hàng giáo sĩ.

Trên thực tế, nếu có một vụ tranh chấp hoặc vi phạm nào, đôi bên sẽ giải quyết những khó khăn trong tinh thân thông cảm. Trong những môi trường hoạt động có lợi cho đôi bên, chính phủ Nam Tư và Toà thánh sẽ cùng nhau tham khảo ý kiến. Và để thực hiện ý định này, Cộng Hoà Xã Hội Liên Bang Nam Tư và Toà thánh đồng ý gửi đại diện cạnh Vatican và Belgrade, với cấp bậc đại sứ, được hưởng quyền lợi ngoại giao theo các hiệp định quốc tế hiện hành.

Nhìn qua nội dung của bản thoả ước trên, chúng ta nhận thấy rằng đây là một thành công của Công đồng Vatican II và một thành quả của tinh thần đối thoại. Kinh nghiệm của quá khứ cho ta hay sự cứng rắn của Giáo hội trong hai thế kỷ qua không muốn đối thoại với một cách mạng 1789 của Pháp hay với một chính quyền Ý xâm lăng đất đai Toà thánh, đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại cho tín hữu Pháp và Ý. Trong một thời gian khá lâu, Giáo hội tẩy chay chế độ cách mạng Pháp và Ý, tín hữu không được tham gia vào đời sống chính trị. Thái độ cứng rắn đó lại gây thêm nhiều căm phẫn nơi chính quyền khả dĩ làm cho tình thế càng thêm căng thẳng. Nhận thấy sự bất lợi đó, Giáo hội đã dần dần trở nên mềm dẻo và đã chấp nhận chế độ hiện hữu. Nhờ mối bang giao được nối lại giữa Toà thánh và hai chính phủ Pháp, Ý, mà ngày nay các tín hữu Pháp, Ý mạnh mẽ hoạt động trong mọi lãnh vực chính trị, văn hoá, xã hội của quốc gia. Và họ đã trở thành men trong bột, khử trừ những gì là bất hảo của những chế độ đó.

Đối với các chế độ Cộng sản, dưới đời Piô XII, thái độ của Giáo hội rất cứng rắn. Nhưng với Gioan 23 và Phaolô VI của Công đồng Vatican II, tinh thần đối thoại này ngày một bành trướng mạnh mẽ. Giáo hội muốn đối thoại với hết mọi người, kể cả những người vô thần. Đã hẳn, dưới triều đại Piô XI, Piô XII cũng như triều đại Gioan 23 và Phaolô VI, Giáo hội vẫn luôn luôn lên án lý thuyết vô thần duy vật của Cộng sản. Trên phương diện đó, Giáo hội vẫn luôn luôn trung thành với chân lý và coi chủ nghĩa Mác là phản nghịch với giáo lý Kitô giáo. Nhưng đối với những phong trào, những chế độ Cộng sản, Giáo hội của Vatican II đã có một thái độ mới: Giáo hội muốn đối thoại với những con người Cộng sản vô thần, Giáo hội muốn chung sống hoà bình với những chế độ Cộng sản vô thần, vì dù muốn dù không Giáo hội vẫn phải ở trong những chế độ ấy. Với thái độ mới đó, hàng trăm triệu tín hữu sống bên kia bức màn sắt, sẽ có liên lạc với Toà thánh, không còn sống chìm đắm trong lẻ loi, thầm lặng. Bản thoả ước với chế độ Cộng sản Nam Tư là bằng chứng cho thấy Giáo hội sau Vatican II muốn chung sống hoà bình với chế độ Cộng sản, nếu chế độ đó đã được thiết lập.

Chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia Cộng sản sẽ theo gương nước Nam Tư nhận định lòng chân thành của Giáo hội, để cùng Giáo hội đi đến những thoả ước tương tự khả dĩ đem lại nền thông cảm giữa Toà thánh và các quốc gia Cộng sản.

Một kỷ nguyên đối thoại mới, rất mạo hiểm, nhưng đồng thời cũng rất đầy hứa hẹn, đã khơi mào. Giáo hội của Vatican II sẵn sàng đối thoại với mọi chế độ, kể cả những chế độ Cộng sản vô thần, vì Giáo hội có sứ mạng đem Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người của mọi chế độ và thu họp tất cả về với Chúa Kitô.

Lm Chân Tín CSsR

1966

No comments: