Monday 4 February 2008

NHỮNG CỤ GIÀ “ĐI BỤI”

NHỮNG CỤ GIÀ “ĐI BỤI”

Họ phải làm đủ thứ nghề để sống qua ngày, từ bán vé số, ăn xin, thậm chí cả nghề... “hai ngón” (móc túi). Những chuỗi ngày cơ cực, lấy vỉa hè, công viên làm nhà. Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi...

Lang thang đầu đường xó chợ

Cứ mỗi buổi sáng tinh mơ nhiều người ở khu vực phường 7, quận 3, Sài-gòn, đã thấy bà Hai “ve chai” tay xách nách mang chiếc bị đi nhặt những thứ phế thải có thể bán được. Lúc đầu mọi người cứ ngỡ là do hoàn cảnh khó khăn nên phải lặn lội vào Sài-gòn làm nghề ve chai để sống. Nhưng không, bà có ba người con đều thành đạt và khá giả ở một tỉnh miền Tây. Khi còn sống ở quê, bà sống với người con gái út, nhưng do gia đình thông gia thường có những lời qua tiếng lại nói xấu nên bà chịu không nổi, bà đã bỏ lên đây kiếm sống.

Khi được hỏi: “Sao bà không sống với người con khác ?” Bà rưng rưng: “Hai thằng con trai đầu đều sợ vợ, chúng sống chẳng khác nào cái bóng trong gia đình. Vợ bảo gì nghe nấy không hó hé lấy một câu. Thực tế chúng nó cũng thương tôi lắm, nhưng vợ chúng nó thường cho tôi là người vô tích sự, chẳng làm được việc gì nên hồn. Cứ về đến nhà là nói bóng nói gió với chồng là bà ở nhà chùi cái nhà không xong, rửa cái chén cũng chẳng sạch, còn nấu ăn thì lúc mặn nhạt thất thường”.

Giận con dâu bất hiếu, bà Hai bỏ lên thành phố làm nghề ve chai. Bỏ nhà đi đã lâu nhưng con cái bà vẫn chẳng quan tâm mẹ mình đi đâu, làm gì. “Lên thành phố làm cũng kiếm được năm, sáu chục ngàn một ngày coi như cũng đủ sống qua ngày và trả tiền phòng trọ. Tự làm ăn kiếm sống tôi lại thấy lòng thanh thản”, bà Hai tâm sự.

Không may mắn như bà Hai “ve chai”, bà Nguyễn Thị Lợi, 74 tuổi, quê ở Hải Phòng trong một lần vào thăm con gái lấy chồng ở Nha Trang vì mất địa chỉ con, đã lạc vào Sài-gòn. Vào thành phố không người thân thích, không một xu dính túi lại mang chứng bệnh đãng trí nên bà không còn nhớ rõ quê quán để liên lạc.

Ngày ngày bà đi khắp nẻo đường xin ăn sống qua ngày, ban đêm gặp đâu ngủ đó. Cuộc sống của bà Lợi vật vờ trôi tháng này qua tháng khác “tối đâu là nhà, ngả đâu là giường”. Năm 2004 trong một lần ngủ vật vờ trong công viên

Lê Văn Tám, bà Lợi đã được công an đưa về Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Chánh Phú Hoà để an hưởng tuổi già.

Không còn nhớ đường về quê

Các cụ ở Trung Tâm Chánh Phú Hoà luôn mong ước được đoàn tụ với gia đình.

Tại Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Chánh Phú Hòa, tỉnh Bình Dương, cụ Nguyễn Thị Hai, sinh năm 1928, sụt sịt khóc: “Nhớ nhà, nhớ quê, nhớ con cháu quá!”. Hỏi quê ở đâu thì cụ không nhớ được, chỉ nhớ nhà ở cạnh chùa Năm Hương, trong xóm có ông Sáu Khê, ông Chín Khương. Ngay cả lý do đi lạc, cụ cũng lẩn thẩn không nhớ ra. Khi thì cụ bảo vào thành phố thăm con, không kiếm được nhà, lúc thì cụ nhớ đi chùa rồi không tìm được lối về...

Ký ức người già thường lẫn lộn, nhớ, quên là chuyện thường nhưng đối với những người già đi lạc sao

mà bi kịch và thương tâm đến vậy. Chuỗi ngày thất lạc của mỗi bà là một câu chuyện đẫm nước mắt.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Nụ, sinh năm 1938, gốc Bắc, một người đàn bà thuần nông, cả đời chưa bước chân ra khỏi luỹ tre làng. Nhưng rồi nghịch cảnh xô đẩy, năm 1954, hai đứa con của bà, đứa nhỏ 1 tuổi, đứa lớn vừa lên 2 bị một đôi vợ chồng người Pháp cướp khỏi tay.

Trong nỗi đau mất con, bà Nụ đã dò hỏi khắp nơi và biết được đôi vợ chồng nọ cùng 2 đứa trẻ mua vé bay vào Sài-gòn. Bà đi tìm con theo bản năng của một người mẹ khổ đau. Đi, đi mãi... Năm 1976 bà được đưa vào Trung Tâm, ký ức về người thân, quê quán đã bị xoá sạch.

Cụ nói: “Nhà tôi ở cạnh bờ đê một con sông lớn, phía trước là đồng ruộng mênh mông...” Làng quê Việt Nam ở đâu mà chẳng có sông, có đồng ruộng, quê bà biết tìm đâu bây giờ ?

Bà Phạm Thị Lan, 70 tuổi quê Yên Mỹ, Hưng Yên vì chán cảnh không có con nên đã bỏ nhà ra đi vào Sài-gòn sống bờ, sống bụi. Bà kể: “Lúc còn là thiếu nữ tôi lấy chồng và có công việc ổn định ở một nông trường, nhưng khổ nỗi không sinh lấy nổi một mụn con để nối dõi tông đường nên ông ấy đã bỏ tôi đi lấy vợ khác. Sau đó tôi có hai đời chồng nữa cũng không sinh được con, chán đời tôi đã phải bỏ quê”.

Cuộc sống tha hương cầu thực nay đây mai đó đã biến bà từ một con người thật thà hiền lành trở thành một người chuyên trộm cắp lúc nào không hay. Bà bảo: “Tôi bất mãn vì cuộc sống. Người đàn ông nào lấy tôi đều muốn sinh con đẻ cái cho họ. Còn tình cảm thì không. Tôi là người phụ nữ cũng khao khát được làm mẹ, nhưng ông trời không cho. Xin con nuôi các ông chồng của tôi đều không đồng ý. Chính vì hoàn cảnh éo le như vậy đã biến tôi thành một con người khác”.

Cuộc đời còn lại bà Lan chỉ mong được về quê mở một một tiệm tạp hoá sống với bà con làng xóm. Nhưng khổ nỗi không ai bảo lãnh cho bà. Chỉ có một người anh trai ở quê nhưng quá nghèo không thể vào để đưa bà về được...

Ông Đoàn Thanh Liêm, ở khu người già, Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Chánh Phú Hòa, cho biết: “Hiện nay trung tâm chúng tôi có trên 100 cụ già đều bị thất lạc quê quán. Một số người không muốn trở về quê sống với con vì phải chịu cảnh là “người vô dụng, ăn bám” trong gia đình. Chính vì vậy họ thường khai những địa chỉ ma. Khi chúng tôi cho nhân viên đem thư, thậm chí về tận địa chỉ mà họ khai nhưng đều là giả mạo”.

Cuộc sống của những người già nơi đây đang rất cần nhận được sự quan tâm chăm sóc của xã hội không chỉ vật chất mà cả tinh thần.

No comments: