Wednesday 6 February 2008

Khi các bác tài - Nguyễn Ngọc lan Chi

Khi các bác tài

bỏ tay lái

để… xuống đường

Ngyễn Ngọc lan Chi

Pháp vốn nổi tiếng quán quân thế giới về… đình công, biểu tình với những đợt « xuống đường » qui tụ hàng triệu người như vào tháng 5 năm 1968 hay gần đây nhất là làn sóng chống điều luật lao động CPE vào tháng 3, tháng 4 năm 2006, từng làm chao đảo chiếc ghế quyền lực của cựu thủ tướng D.Villepin. Trong số các ngành thích « tay giương biểu ngữ, miệng hô khẩu hiệu » thì ngành giao thông công cộng thuộc vào hàng « top » và những lần họ rục rịch kéo nhau xuống đường, người dân xứ sở hình lục giác lại một phen khốn đốn…

1. Ngày của chờ đợi, chen lấn và kẹt xe !

Ngày 18.10.2007 vừa qua là một ngày rất… không bình thường đối với người Pháp : hoặc xin nghỉ phép hoặc bắt đầu một ngày làm việc từ rất sớm để có dịp thử thách lòng kiên nhẫn của mình. Từ trước đó vài ngày, các công đoàn ngành đường sắt và giao thông công cộng đã « đánh tiếng » : « Ngày 18.10, hoặc bạn ở lại nhà hoặc bạn sắm một đôi giày thật tốt để… đi bộ ». Toàn bộ 8 công đoàn của SNCF (Société nationale des chemins de fer français : Công ty đường sắt quốc gia), 6 trong tổng số 8 công đoàn của RATP (Régie autonome des transports parisiens : Công ty tự chủ giao thông tại Paris), cùng với các công đoàn của ngành năng lượng (điện, gaz) là những nhân tố chính của cuộc đình công, biểu tình ngày 18.10. Đây là những ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự luật cải cách « chế độ đặc biệt » do Bộ trưởng Bộ Lao động, Quan hệ Xã hội và Liên đới Xavier Bertrand vừa trình bày vào ngày 10.10.

73,5% nhân viên của SNCF, trong đó có 90% các bác tài đã đáp lại lời kêu gọi của các công đoàn. Một con số kỷ lục gây ảnh hưởng đến hơn 30 tỉnh thành của Pháp mà đặc biệt là Paris và các vùng ngoại ô. Theo thống kê hoạt động của RATP, trong năm 2006, mỗi ngày các phương tiện giao thông công cộng đã chuyên chở 10 triệu lượt hành khách tại Paris. Với hệ thống « chằng chịt » métro (tàu điện ngầm), xe bus, tramway (tàu điện) đi trong khu trung tâm thuộc quản lý của RATP cùng hệ thống tàu đi về phía ngoại ô thuộc SNCF, phần lớn người dân sống hoặc làm việc tại Paris đều xem các phương tiện giao thông công cộng là phương thức đi lại chính. Vì vậy, khi RATP và SNCF « sát cánh » cùng nhau để đình công thì Paris kẹt cứng !

Chưa đến mức làm cho toàn nước Pháp « tê liệt » suốt 3 tuần lễ như vào tháng 12.1995 trong đợt đình công toàn quốc của nhiều ngành (SNCF, RATP, bưu điện, giáo dục, kiểm soát không lưu…) chống lại dự luật về cải cách các chế độ xã hội của cựu Thủ tướng Alain Juppé, nhưng ngày 18.10 vừa qua đối với nhiều người dân Paris quả là « địa ngục giữa trần gian ». Khốn khổ nhất là những người sống ở ngoại ô nhưng làm việc tại Paris, từ nhà đến nơi làm việc cách nhau vài chục cây số. Các đường tàu RER chạy về phía ngoại ô hoặc hoàn toàn không có hoặc chạy với tần suất… 1/10, métro thường ngày giờ cao điểm cứ 1 phút có 1 chuyến nay thành nửa tiếng 1 chuyến, mà chỉ một số trong tổng số 14 đường métro tại Paris chịu hoạt động. Các chuyến tàu cao tốc TGV đi các tỉnh thành hoặc sang các nước lân cận cũng chỉ có 46 chuyến hoạt động so với 700 chuyến của những ngày khác! Chờ đợi mòn mỏi hàng giờ đồng hồ để rồi khi những chuyến tàu hiếm hoi xuất hiện, cầu quá tải so với cung, mọi người lại hè nhau chen lấn kiếm một chỗ « nhón » trên tàu. Paris vào giữa thu bắt đầu trở lạnh, nhưng nhiệt độ tại các nhà ga và trong các chuyến tàu « nóng » như một ngày hè tháng 7, nóng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Do đình công có thông báo trước nên trên mạng Internet, một số nhóm lại tổ chức… đi làm chung. 4, 5 người có chỗ làm gần nhau hoặc thuận tiện đường đi sẽ họp thành một nhóm, do một người trong số họ dùng xe của mình đưa tất cả « đi đến nơi về đến chốn ». Những người này có thể hoàn toàn chưa hề quen biết nhau trước, nhờ đình công mà có cơ hội… kết giao bạn bè. Tuy nhiên, những chuyến xe « liên đới » này cũng phải khởi hành từ rất sớm, khoảng 4, 5 giờ sáng (ngày làm việc ở Pháp thường bắt đầu từ 9 giờ) vì vào những ngày giao thông công cộng đình công, việc kẹt xe hàng trăm cây số xung quanh Paris là hết sức bình thường…

May mắn nhất là những người sống không quá xa nơi làm việc của mình, đi bộ là thượng sách ! Dịch vụ Vélib’ (Vélo en libre-service : dịch vụ xe đạp tự do) của tòa Thị chính Paris mở từ giữa tháng 7 vào ngày đặc biệt này cũng trở nên quá tải. Muốn kiếm được xe và đảm bảo được một chỗ trả xe tại trạm gần nơi làm việc của mình, dậy sớm là một điều kiện không thể bỏ qua !

2. Cải cách « chế độ đặc biệt », nước cờ liều của Bộ trưởng Bertrand

Không chỉ đình công, hơn 300.000 người trên toàn nước Pháp đã xuống đường ngày 18.10 để phản đối dự luật cải cách lại chế độ đặc biệt của Bộ trưởng Bertrand. Chế độ đặc biệt là những ưu đãi về việc hưu dưỡng dành cho một số ngành nghề được đánh giá là nặng nhọc như giao thông công cộng (SNCF, RATP), năng lượng (điện, gaz), sân khấu, hầm mỏ, hàng hải (các thủy thủ)… Có thể kể ra một số điểm chính : độ tuổi về hưu sớm hơn, trung bình 55 tuổi (sớm hơn 5 năm so với mức bình thường), đặc biệt nghề lái tàu được về hưu ở tuổi 50 ; thời gian trả thuế để hưởng mức lương hưu tối đa ngắn hơn (37,5 năm so với 40 năm) ; mức lương hưu được tính theo 6 tháng cuối (RATP), tháng cuối (các ngành năng lượng) nghĩa là rất lợi thế so với các công ty tư nhân (lương hưu tính theo mức lương trung bình của 25 năm)…

Chế độ đặc biệt hiện ảnh hưởng đến 1,6 triệu người, trong đó có đến 1,1 triệu người về hưu và chỉ có 500.000 người hiện còn đang làm việc. Mất cân bằng như thế nên mỗi năm Nhà nước phải bù lỗ 5 tỷ euros (riêng cho SNCF là 2,8 tỷ euros). Một mặt khác, theo quan điểm của chính phủ, lý do tồn tại của « chế độ đặc biệt » đối với một số ngành hiện đã không còn phù hợp. Tiêu biểu là chế độ đặc biệt của ngành đường sắt ra đời từ năm 1909, khi ấy tàu chạy bằng than, phải thường xuyên hít thở bụi than độc hại và lao động tay chân nặng nhọc (bỏ than vào lò) nên tuổi thọ trung bình của các lái tàu vào thời điểm ấy chỉ được 51 tuổi. Đó là chuyện của một thế kỷ trước, Bộ trưởng Bertrand đã trình dự luật cải cách lại một số điểm của chế độ đặc biệt, chuyển độ tuổi về hưu thành 60 tuổi, thời gian đóng thuế cho việc hưu trí là 40 năm và mức lương hưu được tính tỷ lệ theo 6 tháng cuối cùng. Tuy nhiên, những công nhân hầm mỏ và các thủy thủ được ở ngoài « tầm phủ sóng » của điều khoản tăng thời gian đóng thuế lên 40 năm.

Có thể nói đây là một nước cờ khá liều lĩnh của Bộ trưởng X.Bertrand vì những cải cách nhằm vào chế độ đặc biệt vốn « đụng chạm » đến ngành giao thông công cộng, ngành có khả năng làm « tê liệt » đất nước một khi họ đình công. Tuy nhiên, sự liều lĩnh của ông Bộ trưởng là có cơ sở vì ông được hậu thuẫn hoàn toàn của Thủ tướng F.Fillon và Tổng thống N.Sarkozy. Mặt khác, không như năm 1995, cuộc đình công và biểu tình lần này không được sự ủng hộ của đại đa số dân chúng vì người Pháp phần đông cũng cảm thấy những mặt bất cập của chế độ đặc biệt. Trong chương trình tranh cử Tổng thống vào tháng 5, Tổng thống Sarkozy có khẳng định việc cải cách chế độ đặc biệt một khi ông đắc cử và các cư tri vẫn bỏ phiếu cho ông.

Ngày 18.10 đối với các công đoàn ngành giao thông công cộng được xem là thành công bước đầu, và nếu những buổi đàm phán sắp tới với Bộ trưởng Bertrand không đạt được kết quả như mong muốn, mùa thu năm nay của nước Pháp ắt hẳn không chỉ có lá vàng rơi…

Nguyễn Ngọc Lan Chi

No comments: