Monday 4 February 2008

Hai vụ tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà

Hai vụ tòa Khâm sứ

và giáo xứ Thái Hà:

sơ lược, trích dẫn.

Có th sơ lược các diễn biến hai vụ này qua ba giai đoạn chính như sau :

- giai đoạn một : Vào khoảng giữa tháng 12.2007, nhà cầm quyền Cộng Sản (NCQCS) địa phương Hà-nội đột nhiên gia tăng công cuộc chiếm dụng ít nhất là trên một tòa nhà và một mảnh đất thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam ( GHCGVN). Tòa nhà là tòa Khâm sứ ( TKS), ngày xưa nằm trong khuôn viên tòa Tổng Giám Mục ( TTGM) Hà Nội. Mảnh đất là của giáo xứ Thái Hà(GXTH) . Hai tài sản này, -như hàng chục, có thể là hàng trăm, tài sản khác của GHCG và các tôn giáo khác- đã bị NCQCS chiếm dụng ở ngoài Bắc cũng như trong Nam. Hành động gia tăng gia công đơn phương như thế nói ở đây là một sự chà đạp quyền sở hữu của GHCG và làm cho việc GH đòi lại đất và tài sản càng ngày càng trở nên mỏng manh.Trước sự kiện «leo thang» đó trong ý đồ tước đoạt luôn, tòa TGMHN và GXTH bắt buộc phải có phản ứng nếu không thì với thời gian sẽ đương nhiên mất quyền sở hữu.

*« Một bức tường ngăn cách giữa TGM và Toà Khâm sứ đã bị tịch thu được xây lên. Không biết do bên nào và từ bao giờ. Nhưng ngày trước các cụ nói không có bức tường ấy.

«Khi chúng tôi còn bé, cho đến cuối thập niên 1980, chúng tôi thấy người ta dùng làm Cung Thiếu nhi. Trong thời gian này họ xây một số công trình ở phía trước và phía sau toà nhà cũ của Toà Khâm sứ.

«Mấy năm trước đây, họ phá toà nhà phía trước, tính tái quy hoạch và xây dựng công trình gì đó. Dạo ấy, TGM Hà Nội có gửi thư đi các giáo xứ để kêu gọi giáo dân cầu nguyện. Tưởng như chính quyền sắp trả đến nơi. Các công việc sửa sang, xây dựng bị dừng lại.

«Tuy nhiên, ngôi nhà bé mới quay mặt ra phố Nhà Chung vẫn dùng làm nơi bán phở. Trong khi ngôi nhà họ xây phía sau toà nhà cũ của Toà Khâm sứ hiện vẫn là một địa điểm kinh doanh-một khu ăn chơi-tối đến điện đóm sáng choang-ồn ào và bát nháo cạnh khu vực tôn nghiêm là TGM và Nhà thờ Chính Tòa.

«Thế nhưng thời gian qua đi, chuyện vẫn dậm chân tại chỗ. Tệ hơn, từ tối 12.12, chúng tôi thấy có bắt đầu tập kết phương tiện. Từ sáng 13.12 chúng tôi thấy người ta bắt đầu ngang nhiên dỡ mái Toà Khâm sứ. Công việc đang tiếp tục đến nay là ngày 18.12. Chúng tôi chẳng biết cơ quan nào. Hỏi bảo vệ thì các anh nói không biết. Đến hôm 15 nghe thư của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, mới biết họ định dùng làm ngân hàng. Trong khi khoảng sân rộng phía trước Toà Khâm Sứ, người ta đã cho siêu thị điện máy Nguyễn Kim nằm ở phố Tràng Thi gần đó thuê làm bãi giữ xe. Nhưng sân rộng cỏ tốt chiều chiều người, trẻ và chó vẫn vào chơi. Buổi sáng cũng như chiều có người còn dắt chó vào “ị” ở khu vực sân xa xa giáp tường.

«Xin nói thêm, trong những năm gần đây, một cách chính thức, ngoài Giáo xứ Cửa Bắc và Thượng Thuỵ có đòi được một chút nhà đất, còn lại các chỗ khác như Toà Giám Mục, Nhà thờ Đa Minh, Nhà thờ Sainte Marie, Giáo xứ Hàm Long, Giáo xứ Thái Hà-DCCT, Giáo xứ Hàng Bột vẫn chưa đòi được tý nào. Có chỗ còn tiếp tục bị mất thêm do giới công quyền lạm dụng chức vụ chiếm dụng và hợp thức hoá trái phép.

«Chúng tôi đi qua đi lại khu vực Toà Giám Mục khá thường xuyên. Chúng tôi cảm thấy bị xỉ nhục lắm rồi! Vì nơi thánh mà bây giờ lâm cảnh “Heo rừng vào phá phách-dã thú gặm tan hoang”! Chúng tôi cảm thấy sốt ruột lắm rồi! Hãy chờ xem sự thể vụ chiếm dụng Toà Khâm sứ này diễn ra thế nào và kết cục ra sao!»

(trích bản tin Thành Tâm, Hà Nội 18.12.2007)

*«Trong lúc cả Giáo hội Việt Nam thắp nến đòi công lý tại Toà Khâm sứ, số 40 A phố Nhà Chung, Hà Nội; trong lúc Chính quyền đang có những cam kết trả lại khu vực Toà Khâm sứ, thì ngay lúc này, Chính quyền Cộng sản cử hàng trăm cán bộ, an ninh, công an 113, thanh tra xây dựng, dân phòng... làm hàng rào bảo vệ cho Công ty Cổ phần May Chiến thắng xây dựng trái phép trên khu đất của giáo xứ chúng con. Bên cạnh đó, họ còn thiết lập một hàng rào giây thép gai, được gia cố bằng một lưới thép B40. Khi giáo dân của giáo xứ đến, cán bộ, công an, dân quân đồng loạt trấn áp, đe doạ bỏ tù... khiến giáo dân Thái hà chúng con bức xúc cao độ về sự vi phạm trắng trợn này »

(trích « tiếng kêu khẩn cấp từ giáo xứ Thái Hà

Đống Đa, Hà nội – giáo dân xứ Thái Hà »)

- giai đoạn hai :

Về phía GHCG :

Để đối phó, tòa TGMHN và ban quản hạt GXTH đã:

a) kêu gọi giáo dân cầu nguyện trong an bình và rất ư trật tự tại TKS và GXTH.

b) tiếp cận trong ôn hòa và lễ độ NCQCS địa phương bằng văn thư và những cuộc thăm viếng chúc tết.

c) kêu gọi tín hữu ở xa cách hiện trường trong nước và ngoài nước hiệp thông cầu nguyện và hổ trợ truyền thông.

*«Một lối ứng xử chưa từng có trong lịch sử Giáo phận Hà Nội. Hàng nghìn người có mặt tại Toà Khâm Sứ trong đêm. Thắp nến hát thánh ca cầu nguyện đòi công lý.

« Lời Kinh Hoà Bình của ca đoàn tổng hợp trong đêm Hát lên mừng Chúa vừa dứt trong tiếng vỗ tay, thì tiếng một cha nào đó vang lên trên hệ thống tăng âm có vẻ vừa ngọt ngào và hiền hoà, vừa nghiêm trọng và quyết liệt. Ngài nói đến việc đòi đất Toà Khâm Sứ theo nội dung của bức thư chung của Đức Tổng Giám Mục gửi cộng đồng dân Chúa ngày 15.12 vừa qua.

«Lúc đó là 22 giờ 6 phút.

«Kết thúc ngài nói: “Để các cấp chính quyền sớm giải quyết đúng với mục tiêu công bằng, văn minh, trên đường ra về, chúng ta hãy hướng về Toà Khâm Sứ. Xin tất cả hãy đi hàng đôi hướng về Toà Khâm sứ và đọc kinh cầu nguyện.”- Tôi đang mải chạy cho nên nhớ không chắc đúng từng từ.

«Tức thì tôi thấy một đoàn rước đông đảo. Thánh giá nến cao đi đầu. Theo sau là một đoàn người đông đảo. Khoảng hơn 2000 người. Có linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân. Trong và ngoài giáo phận. Cả cán bộ nữa có lẽ. Vì vừa có buổi trình diễn thánh ca và khách tham dự thuộc nhiều đối tượng và đến từ nhiều giáo phận Miền Bắc. Tất cả trong trang phục lễ hội. Từ sân Đại Chủng viện đoàn người đi qua khu vực Toà Giám Mục tiến thẳng sang sân Toà Khâm sứ, nơi đang bị chiếm dụng bất công và bất hợp pháp từ gần nửa thế kỷ nay. »

(trích bản tin «Hà nội thắp nến đòi công lý»,Thành Tâm)

*«Tối nay, vào lúc 19giờ30, sau thánh lễ, khoảng hơn 3000 giáo dân giáo xứ Thái Hà đã tiếp tục thắp nến đòi công lý, tại khu đất mà sáng nay Chính quyền Cộng sản dàn quân hỗ trợ cho Công ty Cổ phần May Chiến Thắng xây dựng trái phép trên khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế.

«Chúng tôi nhận thấy giáo dân Thái Hà trên cả tuyệt vời, một lòng một ý, một niềm tin tưởng sắt son vào tình thương Chúa cao vời.

«Cũng nên biết, chiều nay, hơn 1000 em thiếu nhi đã sang tận khu đất để dâng lời cầu nguyện cho Nhà Dòng. Lời kinh hoà bình vang lên từ đôi môi trẻ thơ mới thấy đẹp và xúc động dường nào. Tôi không biết những vị công an hiện diện ở đấy nghĩ gì, chỉ biết rằng một chiến sĩ công an đã thuê một người bán báo dạo 50.000 đồng, để người này, quay loa về phía các em, mở hết công xuất các bài hát ca ngợi Đảng và Bác. Thật đau xót dường nào. Một cách hành xử thiếu yêu mến vị lãnh đạo đáng kính Hồ Chí Minh. Chắc các chiến sĩ công an nghĩ rằng, các em thiếu nhi, suốt bao năm qua, trong nhà trường, đã bị bắt học cho thuộc những bài hát này, nên muốn dùng các bài hát ấy gây nhiễu lời cầu nguyện của các em. Nhưng, họ đã lầm. Thay vì, bị quấy nhiễu; thay vì lời kinh bị ngắt quãng, các bài hát ấy vô tình lại làm cho các cháu thiếu nhi được thêm sức mạnh. Vì lòng yêu mến bác Hồ, các em càng ra sức cầu nguyện.»

(trích bản tin » Hà Nội, đêm 6/1/2008 , An Dân »)

Về phía NCQCS :

Nhanh như chớp, NCQCS đã nổ « súng hạng nặng» sau đây :

a) gửi văn thư cáo buộc nhiều thứ tội tòa TGM và GXTH.

b) ra lệnh cho báo chí, đài truyền hình nhà nước xuyên tạc bôi nhọ không gớm miệng gớm tay.

c) thả các lực lượng công an nổi chìm trấn áp tại hiện trường với máy quay phim, lời dọa nạt…

*«Những người tham gia cầu nguyện đòi đất, có một số đã bị áp lực trực tiếp hay gián tiếp. Một số học sinh đi học ở trường bị một số bạn nói rằng nếu bạn cứ đi cầu nguyện ở bên khu đất Nhà Thờ thì sẽ bị đuổi học. Một số cô giáo nói rằng các em học sinh cứ đi cầu nguyện thế thì sẽ học dốt. Một số Giáo Dân phục vụ đắc lực thì bị de doạ đến chức vụ và công ăn việc làm ở cơ quan.

«Một số anh chị em xa quê đi cầu nguyện bị chủ nhà cấm cản và bị đe doạ đuổi khỏi nhà trọ. Nghe nói là họ bị tổ trưởng dân phố và Công An khu vực đến làm việc. Tuy nhiên, khi cha Giám Tỉnh và Cha Phó Giám Tỉnh truyền cho Giáo Xứ chúng con mở cửa nhà nguyện Giêrađô để đón tiếp những anh chị em này trong trường hợp bị chủ nhà đuổi không cho tạm trú vì áp lực của Công An hay tổ dân phố, thì các anh chị em này không sợ nữa. Họ tiếp tục đi ngủ đêm tại hiện trường, vì thấy mình được bảo vệ và nâng đỡ. »

(trích «báo cáo của giáo xứ Thái Hà-Hà nội 23.1.2007 », lm. Giuse Trịnh Ngọc Hiên,bề trên chính xứ)

* Cổng Toà Khâm Sứ nay đã được bảo vệ mở sẵn. Ai tinh mắt thì thấy các bảo vệ hôm nay đội mũ đeo băng đỏ trông rất lịch sự, khác hẳn mọi ngày. Hình như họ mặc đẹp hơn để cùng mừng lễ Chúa Giáng Sinh với giáo dân? Chúng tôi không nghĩ vậy. Vì chúng tôi thấy các nhân viên bảo vệ hôm nay không phải là các anh bảo vệ hằng ngày của cơ quan dịch vụ đang chiếm dụng tại đây. Thực chất các nhân viên bảo vệ trong đồng phục lịch sự hôm nay là các nhân viên an ninh. Họ cho mấy người đứng sẵn với máy quay phim và chụp hình trong tay để tiếp đoàn cầu nguyện của các linh mục tu sĩ và giáo dân. Chắc chắn là để “nghiên cứu” các đối tượng tham gia và để tiếp tục tìm các biện pháp trấn áp tinh thần các cá nhân. »

(trích bản tin « toà Khâm sứ Hà Nội ngày 25.12.2007 » -nhóm pv vietcatholic )

Yếu tố quyết định đã đưa đến chỗ có sự giải quyết tạm ổn hai vụ này là sự quyết tâm và lòng dũng cảm của giáo dân dựng lều trên hiện trường, thay phiên nhau cầu nguyện, canh thức, ngủ đêm trong thời tiết lạnh buốt. Họ thực thi tình huynh đệ không những giữa họ mà cả với cán bộ CS. Tuy căng thẳng lo sợ nhưng họ cũng có những giây phút chuyện vãn dí dỏm vui tươi.

Họ phải đương đầu với trấn áp như thế kéo dài suốt bốn mươi ngày đêm.

- giai đoạn ba :

Sự hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh VATICANÔ đã đưa đến kết quả tốt đẹp vào những ngày cuối tháng 01.2008 vì cụ thể là đã đạt được sự thoả hiệp với NCQCS trung ương là hai bên đều trở về « vị trí» cũ như trước khi có sự gia tăng trong công tài sản của GHCG. Ngoài ra cũng có sự hứa hẹn rằng NCQCS sẽ trả lại tài sản đất đai cho GHCG VN.

Giáo dân tháo gỡ lều bạt, trở về với cuộc sống thường nhật như bất cứ công dân nào khác, tuân theo mong muốn của hàng giáo phầm và chắc hẳn về phía NCQCS Hà nội cũng đã tháo gỡ những gì đã mới xây thêm lên.

*«Hơn bốn mươi ngày qua chúng ta đã sống một lễ Hiện Xuống mới. Mọi người đồng tâm nhất trí với nhau, chuyên tâm cầu nguyện và hăng hái rao giảng Tin mừng hòa bình, bất chấp những khó khăn gian khổ, tạo nên một bầu khí hiệp thông rộng lớn không chỉ trong tổng giáo phận mà còn khắp nơi trên thế giới. Chưa bao giờ lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội dâng cao như thế. Chưa bao giờ tình cảm gắn bó giữa chủ chăn và đoàn chiên chặt chẽ đến thế. Chưa bao giờ tình bác ái huynh đệ chan hòa nồng nàn đến thế. Chưa bao giờ lời cầu nguyện chung cho lợi ích của Giáo hội tha thiết đến thế. Thật là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho chúng ta. Tôi không ngừng tạ ơn Chúa và cám ơn anh chị em về hồng ân cao quí này.

«Nhờ lời cầu nguyện tha thiết của anh chị em, công việc đã có kết qủa. Sau những căng thẳng, đã có đối thoại giữa Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục Việt nam với các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà Nước để đi đến một giải pháp tốt đẹp. Giải pháp này sẽ thực hiện qua những bước cụ thể trong tôn trọng lẫn nhau theo ý kiến của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Bước đầu tiên vừa hoàn thành đó là dịch vụ kinh doanh đóng cửa quán phở, giáo dân tháo gỡ lều bạt và cung nghinh thánh giá về. Bước đầu tiên này cũng phù hợp vì hiện nay trời rất lạnh và anh chị em phải chuẩn bị đón Tết. Tôi không đành lòng nhìn thấy anh chị em phải lạnh giá giữa trời mùa đông rét mướt. »

(trích « thư của tòa Tổng Giám Mục Hà Nội »

đề ngày 01 tháng 02 năm 2008 ).

Ý nghĩa của biến cố

“thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình

_______________________________

Sau đây là một cuộc đối thoại viễn tưởng giữa một người ngoài Công giáo (phóng viên -pv) và một người CG thường (NgCGth). Tuy nhiên, những ý nghĩ trình bầy ở đây là xuất phát tự tâm can người viết.

Pv. Câu hỏi mở đầu của tôi có tính cách tổng quát. Tại sao tôn giáo cũng cần có tài sản ?

NgCGth. Thì cũng như anh. Để hành nghề nhà báo, viết lách, anh cũng cần có cái nhà để ở, nơi ngủ nghỉ, ăn uống, bàn để viết… Chưa nói đến nếu anh có gia đình…

Pv. Thế nhưng địa hạt của tôn giáo còn xa hơn cả văn hóa, chỉ nhằm tâm linh ?

NgCGth. Sứ mệnh của GHCG là phục vụ xã hội nhân loại trong việc rao giảng niềm vui được biết Thiên Chúa và trong việc giảm bớt khổ đau của con người. Để hoàn thành sứ mệnh đó, GHCG cần có những phương tiện thể chất là tài sản làm nơi thờ tự, làm cơ sở cho các sinh hoạt xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là phải nhìn ra tầm kích tâm linh và tôn giáo của những cơ sở đó. Anh thử tưởng tượng một xóm làng mà không có lấy một ngôi nhà thờ, hay một mái chùa, hay một ngôi đình. Huống chi là một thành phố lớn, một thủ đô. Bao nhiêu người trên thế giới, vì nhu cầu tâm linh và tôn giáo, đã phải bỏ ra chi phí cao để đi xa thăm viếng các thánh điện.

* « Nếu nói về quyền lợi, thì hiển nhiên các vị Giáo Sĩ và Tu Sĩ ở Hà Nội chẳng có mấy quyền lợi vật chất trong vụ việc này. Nếu chỉ có cá nhân các vị thì chẳng cần gì phải nhiều đất, mỗi người vài mét vuông cũng đủ, Giáo dân cũng chẳng có quyền lợi vật chất gì ở đây, họ chẳng sở hữu, chẳng kinh doanh, chẳng bán chác cái gì cả. Ở đây họ chỉ tha thiết với những giá trị tinh thần và tâm linh là những thứ mà xã hội đã quá nhiều lần coi nhẹ, đã lãng quên quá nhiều, nhưng ngày nay đang rõ là cái cộng đồng đang thiếu và đang cần. Và họ đã nồng nhiệt và cảm thấy như được cởi trói đến vậy, vì tâm linh của họ đã bị dồn nén quá lâu. »

( trích « Nghĩ về chuyện tòa Khâm sứ », lm. Vũ Khởi Phụng, DCCT Sài- gòn 28.1.2008 )

Pv. Những tài sản đó đã bị NCQCS chiếm dụng đã từ hơn nửa thế kỷ, trường hợp ngoài Bắc. Tại sao bây giờ mới khởi xướng phong trào đòi đất ?

NgCGth.Đây không phải là một phong trào, chỉ là một việc làm thiết thực, pháp lý, dể chu toàn nhiệm vụ bảo toàn những phương tiện thể chất hầu phục vụ mọi người, mọi thế hệ, CG hay không, trong những khát vọng chân chính của con người. Việc đòi NCQCS trả lại đất đã diễn ra đã rất từ lâu, nhất là về mặt giấy tờ và vận động với các cơ quan hữu trách.

Pv. Nhưng chỉ bây giờ mới thấy công khai xuống đường cầu nguyện ? Tại sao ?

NgCGth. Những vị chủ chăn trong GH có trách nhiệm nặng nề không những lo cuộc sống tâm linh mà còn phải bảo vệ mạng sống cho đoàn chiên. Khi CS đằng đằng sát khí, sự trấn áp hết sức khắt khe, thì không thể tổ chức cầu nguyện dù là cách hòa bình như trong hai vụ này.

Pv.Như vậy tình hình quan hệ giữa GH và NCQCS đã có phần dễ chịu hơn ?

NgCGth. Có thể là như thế, hy vọng là như thế !

Pv.Theo anh thì đâu là những yếu tố khiến NCQCS không còn chủ trương đàn áp khắt khe lộ liễu tôn giáo ?

NgCGth. Điều này thì ai cũng biết, NCQCSVN vì lý do kinh tế đã phải chấp nhận « chơi » với cộng đồng quốc tế

là những nước dân chủ tự do đích thực, nên họ cũng cần trưng ra một hình ảnh đẹp về mình.

Pv.Ngoài sự kiện là đã có sự tiến triển về phía NCQCSVN, anh có thấy yếu tố nào khác không khiến GHCG có phần « quyết liệt » như qua hai vụ này ?

NgCGth. Theo nhận xét chủ quan của tôi, thì GHCG đang rất băn khoăn cho tương lai đất Việt, vì giai đoạn kinh tế thị trường hiện nay, -tiếp theo hai giai đoạn chuyên chính vô sảnkinh tế kế hoạch,- đang diễn ra cách thiếu tổ chức, thiếu phương hướng nhân bản, thiếu nền tảng đạo lý, đem đến bao sự đảo điên trong xã hội với hậu quả là những ai « thích nghi » được thì có nếp sống vật chất dễ chịu, còn những ai không thích nghi được thì đành nằm chết trong cơ cực. Chưa nói đến nguy cơ lao mình vào một chủ trương sống chỉ để hưởng thụ, hưởng thụ tối đa và vội vã, đang đe dọa các thế hệ trẻ.

Pv. Vì thế GH cần trở nên năng động hơn ?

NgCGth. Đúng thế ! Và đòi hỏi NCQCS phải chấp nhận trở nên nghiêm túc hơn, để GH có thể làm việc phục vụ đồng bào.

*« Tin tức về vụ Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội hai hôm nay dồn dập truyền về. Chúng tôi ở Sài-gòn cũng nhấp nhổm không yên về những diễn biến ở thủ đô. Giờ này Công Đoàn Dân Chúa Hà Nội đang ở vào thế dầu sôi lửa bỏng. Chúng tôi ở xa hiện trường, không thể chứng kiến tận mắt để tường thuật với bạn đọc Ephata những sự việc lạ lùng này, Chỉ xin chia sẻ vài cảm nghĩ.

« Những gì đang diễn ra ở Tòa Khâm Sứ ( và ở Thái Hà, ở Hà Đông v.v... ) là hệ quả của quá trình Cách Mạng. Nhìn lại lịch sử các cuộc Đại Cách Mạng, như Cách Mạng Pháp ( 1789 ), Cách Mạng Nga và Liên sô ( 1917 về sau... ), Cách Mạng Trung Quốc ( 1949... ) thì thấy đều đi qua ba giai đoạn: một giai đoạn đầu phá hủy những cái cũ, tiếp đó là một giai đoạn gian nan và bề bộn để cho một xã hội khác trước thành hình, rồi sớm hay muộn, xã hội mới này bắt đầu đi vào giai đoạn phải xây dựng là chính, thì sẽ nhận ra rằng những điều trước đây đã phá hủy không phải điều nào cũng xấu, cũng có hại, trái lại, có những điều tốt, và có ích cho cuộc sống, nhưng vào giai đoạn phá hủy, người ta đã không phân biệt, khi đó sẽ phải tìm cách gây dựng lại những gì đã bị đả phá một cách oan uổng.

« Mao Trạch Đông từng nói rằng Cách Mạng không phải là một cái gì tế nhị lịch sự như một bữa tiệc sang trọng. Cho nên cả ba giai đoạn đó đều để lại cho cá nhân và xã hội nhiều trăn trở quằn quại mới đạt được mục đích mình nhắm tới. Ở nước ta, phải chăng giai đoạn đả phá mang tên là “chuyên chính vô sản”, và giai đoạn xây dựng, trong đó có việc phục hồi nhiều giá trị đã mất, ngày nay kết tinh trong khẩu hiệy xây dựng xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”.

« Thân phận của các cộng đồng tôn giáo trong quá trình Cách Mạng cũng đi qua ba giai đoạn đó. Cũng như ngày xưa chúng ta cải cách ruộng đất, rồi bao cấp, rồi bây giờ lại kinh tế thị trường nhiều thành phần. Cũng như ngày xưa kịch liệt phê bình Khổng Tử rồi bây giờ dựng lại Văn Miếu. Cũng như ngày xưa phá tán những di sản của dòng họ Nguyễn Tiên Điền rồi bây giờ xây đài kỷ niệm và bảo tàng Nguyễn Du v.v...

« Vì có một thời “chuyên chính” nên Nhà Chung Hà Nội cứ nằm rạp trong cơn bão táp mà chịu mất Tòa Khâm Sứ. (….)

« Cũng vậy, cha già Vũ Ngọc Bích, DCCT, đành chịu mất mảnh đất ngày nay là Xí Nghiệp May Chiến Thắng, để rồi cho đến ngày chết vẫn nhất mực không chịu nhận là mình đã dâng hiến bất cứ cái gì. Cứ nói trắng ra rằng đó là do “chuyên chính” thì mọi sự sẽ rõ ràng thôi !

« Ngày nay, qua giai đoạn chuyên chính rồi, thì người dân muốn lên tiếng, muốn tỏ thái độ. Và giai đoạn nào thì cũng có những quằn quại của nó. Giáo dân trong suốt thời gian dài yên lặng xót xa cho di sản thiêng liêng của cha ông, của tiền nhân trong Đức Tin. Nhưng những mảnh đất xưa kia là đối tượng của “chuyên chính” lại cũng thành những con gà đẻ trứng vàng cho những ai đó.

« Có nghĩa là ba giai đoạn Cách Mạng ấy không chỉ là những giai đoạn trong tư tưởng, mà nó còn được quy ra tiền, ra lợi lộc. Cũng Đức Cha Nguyễn Văn Sang đã cho thấy rõ điều ấy khi ngài tường thuật lại những cố gắng làm trung gian của mình. Nói cho cùng thì sự tiền bạc và lợi lộc đang chi phối xã hội này thì ai cũng biết. »

(lm. Vũ Khởi Phụng, cùng bài)

Pv. Tôi muốn đề cập đến phía giáo dân. Một số giáo dân đã dự kiến có thể bị giết chết mà cứ dự các buổi cầu nguyện. Phải hiểu và gọi làm sao thái độ này ?

NgCGth. Đây là đức dũng cảm bởi lòng tin, lòng mến.

Pv. Nhưng nếu có ai cho đó là cuồng tín thì bạn trả lời làm sao ?

NgCGth. Trong toàn thể giáo dân tham dự các buổi cầu nguyện cho công lý không một ai muốn chết, ngay đến các cụ già, ốm yếu cũng tươi vui . Tất cả họ đều là những người thường dân, chỉ mong được tự do làm công chuyện hàng ngày và giữ đạo, trong an bình và trật tự xã hội. Gỉa như muốn chết để được danh tiếng thì họ đã có rất nhiều dịp để làm chuyện này trong quá khứ. Đằng này họ chỉ cầu nguyện cách an bình, bất bạo động, và trong tình huynh đệ chẳng những giữa họ với nhau mà cả với những công an trấn áp họ. Lại nữa, lập tức ngay sau khi đức TGM kêu gọi ngừng, họ lập tức rút lui , trở về cuộc sống thường nhật, y như mọi thường dân khác.

* « 17 giờ chiều ngày 27 tháng 1 năm 2008, đến hạn cuối cùng mà chính quyền thành phố Hà Nội đưa ra "ra lệnh" Tòa Tổng Giám Mục và Giáo Dân thực hiện việc giải tán hoàn toàn khỏi khu "42 Nhà Chung". Tuy nhiên, càng tới giờ có lệnh đó, dân chúng càng tới nhiều hơn, dù ai cũng biết rằng chính quyền có thể đàn áp, bắt bớ, tra tấn và hành tội mình có "hành vị phạm luật vì đã cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ".

« Đã có khoảng trên 3.000 Giáo Dân tụ họp nơi đây hôm nay. Họ một lòng cương quyết, một ý chí sắt son. Đó là câu trả lời cho những đe dọa của bạo quyền, của những con người có đầy đủ súng ống và quyền lực trong tay với một cách hành sử bất công và dối trá !

« Giáo Dân và Tu Sĩ đã cầu nguyện rất sốt sắng trong khuôn viên đất Tòa Khâm Sứ. Ai cũng sẵn sàng cho một sự kiện lớn có thể sẽ xảy ra, hay một vụ đàn áp của chính quyền như họ đã đe dọa...

« Giáo Dân và các Nữ Tu tạo thành một vòng tròn quanh Thánh Giá và Đức Mẹ để cầu nguyện. Họ nói: "Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện và chúng tôi sẵn sàng để đối phó trong hòa bình với mọi diễn biến phức tạp có thể xảy ra, hôm nay, ngày mai, bất cứ khi nào, ngay cả sau khi bị đàn áp, và có thể bị giết chết... con cháu chúnng tôi cũng sẽ lại tới đây để cầu nguyện tiếp. Không thế lực nào, không cường quyền nào có thể đè bẹp được Đức Tin của chúng tôi đâu !" ( ... )

(Trích tin VietCatholic, Hà Nội 27.1.2008, blog Kinh Hoa Binh)

Có giây phút hi hữu xẩy ra như sau và chúng tôi quan sát được: Một nhân viên an ninh chụp ảnh một bà già tuổi cỡ 80 đang ngồi chung với mấy bà khác. Bà cụ già liền móc tay vào hào bao trong quần, tưởng gì chứ bà rút ngay ra một cái điện thoại nhỏ, bà nói ngay: “Anh cứ chụp, anh tưởng anh chụp tôi mà tôi không biết chụp anh à!” Nói rồi bà lấy điện thoại ra giơ lên và chụp lại ngay anh nhân viên an ninh đó.

« Nhóm các bà đó khoái chí cười hanh hách. Bà khác nói, "Sao bà lại có cái điện thoại tinh vi như vậy?". Tôi nghe được câu trả lời của bà cụ như sau: "Thì thằng cháu tôi tối ngày hôm qua nó dặn dò tôi kĩ lắm là nếu hôm nay có ra ngoài bên khu đất đó nếu có ai động tĩnh gì thì chụp mấy tấm hình để giữ lấy làm bằng chứng... Thế là sáng hôm nay nó bắt tôi bấm lên bấm xuống mãi cái máy nhỏ này. May mà sau cùng tôi cũng nhấn đúng nút, mãi rồi cũng phải quen, nó mới tha cho đó, bà ơi"

( trích bản tin « Mình cầu nguyện ở đây tới khi nào thế chị ? », Nguyễn Lăng Chính, 9.1.2008)

Pv. Làm sao giải thích thái độ răm rắp vâng lời cấp trên của giáo dân ?

NgCGth. Hiệp thông ! Có sự hiệp thông. Chủ chiên thì chu toàn nhiệm vụ lãnh đạo, sẵn sàng hy sinh ngay đến tính mạng vì ràn chiên, còn tín hữu vì cảm mến chủ chiên mà tùng phục. Cũng như trong một gia đình, nếu có sự trên thuận dưới hòa, thì con cái vâng lời bố mẹ là một sự không khó lắm.

Pv. Một số người gán cho hai vụ này một tầm vóc lịch sử. Anh có đồng ý như vậy không ?

NgCGth. Tôi cũng chỉ mong muốn thế. Tuy nhiên, theo tôi còn tùy thuộc thái độ của NCQCS trong những ngày tháng tới. Nếu họ thực tình quan tâm đến việc trao trả lại tài sản cho dân, cho các cộng đồng tôn giáo, hầu huy động mọi nhân lực cải thiện xã hội thì hai vụ này quả là hai cánh cửa mở ra cho một chặng đường mới cho dân Việt.

Pv. Anh tiên đoán gì ?

NgCGth. Tôi không có tài tiên tri. Chỉ nguyện ước sao cho tình hình bên nhà ngày càng sáng sủa hơn.

Pv. Bằng cách nào, về phía người Việt hải ngoại ?

NgCGth. Ồ, tôi nghĩ bất cứ ai quan tâm đến vận mệnh nước Việt cũng có một câu trả lời cho câu hỏi này.

Pv. Riêng các anh phía CG sẽ gia tăng cầu nguyện ?

NgCGth. Chính thế ! Cầu nguyện và hổ trợ vật chất, văn hóa, truyền thông. Chẳng hạn !

Pv.Xin cám ơn anh và hẹn một dịp khác.

NgCGth. Xin cám ơn anh.

người CG thường

soạn thảo xong ngày đầu xuân Mậu Tý

______________________________________________

(Tôi đã có thể soạn thảo để trình bầy sơ lược biến cố « thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình » và bầy tỏ cảm nghĩ là nhờ tham khảo :

- trang mạng DCCT Saigon,

- Vietcatholic,

- Blog Kinh Hoà Bình.

Tiện đây, tôi cũng xin mạn phép các tác giả các bản tin, các

bài viết, mà sử dụng các đoạn trích. Xin chân thành cảm tạ

toàn thể quý vị. )

No comments: