Monday 5 November 2018

Lm Vĩnh Sang DCCT : THIÊN AN – TRỜI CŨNG KHÔNG ĐƯỢC YÊN


Trong nhưng buổi gặp gỡ tình cờ tôi được quen biết một Linh Mục Đan Sĩ, người được Bề Trên chỉ định làm Bề Trên Đan Viện Thiên An trong một vài năm trước khi có cuộc bầu cử Viện Phụ cho Đan Viện. Là một Linh Mục nhưng cũng là một nghệ sĩ, thêm trách nhiệm làm Bề Trên một Đan Viện nên xem ra ông cực nhọc thi hành trách nhiệm của mình, cực nhọc thật vì ông làm Bề Trên trong một nhiệm kỳ có nhiều biến cố nóng bỏng xảy ra nhắm vào Đan VIệN, cũng vì phải đứng đầu sóng ngọn gió nên anh em chúng tôi mới có nhiều dịp gặp nhau chia sẻ và tâm sự.

Ông tốt nghiệp kiến trúc sư của đại học Sorbonne, Paris, nếu nhớ không lầm thì luận văn tốt nghiệp của ông nghiên cứu về mối tương quan giữa quy hoạch và tên tuổi vùng miền, có lần nói đến Hà Nội, ông bảo mở rộng thành phố theo hướng hiện nay là không ổn, đã là Thăng Long thì phải có Hạ Long, có lên thì phải có xuống, nối Thăng với Hạ mới ổn. Cũng vậy, nói về Huế ông nói, có Thiên Mụ thì phải có Thiên An, cô lập tiêu diệt Thiên An chỉ còn Thiên Mụ thì không ổn!

Mấy hôm nay trên các trang mạng truyền thông ồn ào vụ Đan Viện Thiên An, tranh chấp này kéo dài lâu lắm rồi, mấy năm gần đây Nhà Nước làm mạnh, chiếm dụng nhiều đất đai của Đan Viện gây phẫn uất cho các Đan Sĩ và dân chúng, cách làm vẫn chỉ dựa trên sức mạnh cơ bắp và lươn lẹo văn bản, lợi dụng ích lợi nhóm và cá nhân để lần lượt xà xẻo của cải người khác. Lần này họ hợp thức hóa đất đai nhà cửa cho một số gia đình chiếm đất Đan Viện, lần lượt bán chuyền tay nhau và mở rộng phạm vi lấn chiếm. 

Nhiều lần trình bày nhưng không được các cấp cầm quyền địa phương giải quyết, các Đan sĩ đã tuần hành bất bạo động với nhiều biểu ngữ nói lên nguyện vọng của mình. Có một biểu ngữ viết: "XIN TÔN TRỌNG ĐẤT THÁNH CỦA ĐAN VIỆN THIÊN AN, CÁC HÀNH VI "CƯỚP" ĐẤT CỦA ĐAN VIỆN ĐỂ XÂY CẤT LÀ TRÁI PHÁP LUẬT". 

Đã có những lời bình luận không đồng ý với cách biểu tỏ này, họ cho là quá nhẹ nhàng và không nói lên đủ nỗi oan khiên của Đan Viện, lẽ ra các Đan Sĩ phải phản ứng mạnh hơn, đất của mình bị cướp mà lại “xin tôn trọng”. Nhưng quá nhiều lần bày tỏ ý kiến, Đan Viện cũng như các Dòng Tu khác hoặc Giáo Xứ tại Việt Nam vẫn chọn cách trình bày ý kiến một cách hiếu hòa, không dùng những từ ngữ thô thiển và nhất là không bao giờ chọn thái độ bạo động. Điều này nói lên bản chất của Giáo Hội, một Giáo Hội tha thiết và muốn xây dựng hòa bình, một Giáo Hội đã đi theo Đức Kitô, Đấng đã đến thế gian để làm chứng về tình thương và Ơn Cứu Độ.

Biết rất rõ điều này, bởi Nhà Nước đã có hẳn một Ban Tôn Giáo và các tổ chức của Đảng dưới danh nghĩa Hội hay Ủy Ban, để nghiên cúu kỹ lưỡng tôn giáo, đồng thời bản chất của nhà cầm quyền là chuyên chính và không khoan nhượng như lý thuyết cũng như lịch sử đã chứng minh. Cuộc “đối thoại” của một bên là Nhà Nước một bên là Giáo Hội đã rõ ràng, ngôn ngữ của hai bên cũng đã quá rõ ràng, một bên chọn hiếu hòa, bất bạo động, một bên chuyên chính, chủ động cướp lấy thời cơ và không khoan nhượng, dùng bạo lực cách mạng… 

Đích tới của hai bên cũng quá rõ ràng, một bên tìm kiếm sự vĩnh hằng trong an bình, một bên tìm kiếm lợi nhuận trần gian. Giáo Hội xây dựng tình thương và dùng tình thương để tiến vào Nước Trời vĩnh cửu, Chủ Nghĩa CS dùng bạo lực cướp lấy vật chất, dành ưu thế trong việc xây dựng vật chất theo mô hình XHCN! Cả hai cùng kiên định lập trường và mục đích của mình, về lý thuyết và về nguyên tắc hành động không thay đổi.

Điều cần suy nghĩ là với mục đích như vậy, với lập trường như vậy, với chọn lựa như vậy, nội bộ Giáo Hội, Đan Viện, các Dòng Tu, các Giáo Phận… có hiểu hết về Nhà Nước mà mình đang muốn đối thoại hay không, hay còn một số vẫn ngây thơ nghĩ người ta cũng như mình, tin vào những lời hứa hẹn tào lao, tin vào những lời xin lỗi nhăng cuội như trong quá khứ? 

Sức mạnh của Giáo Hội là đời cầu nguyện và sự hợp nhất, để đối thoại có tận dụng những điều này hay không, hay cũng lại sử dụng các chiêu bài như thế gian đã dùng như: đi đêm, tranh chấp quyền lực và gây dựng lợi ích nhóm? Lời Chúa đã minh định cái đáng cho chúng ta sợ, chúng ta có thấy rõ và sống như vậy chưa, hay có người lại sợ cái mà Lời Chúa bảo đừng sợ, rồi lại không sợ cái mà Lời Chúa bảo đáng phải sợ? Thế nào là hiệp thông? Chúng ta đã tận dụng sự hiệp thông trong Giáo Hội để củng cố và xây dựng Giáo Hội như Chúa muốn chưa, hay lối sống vô cảm, chỉ muốn khoanh tay bịt mắt của xã hội đã tràn ngập và nhận chìm chúng ta?

64 năm của miền Bắc và 44 năm của miền Nam đã đi qua mà chúng ta chưa ngộ được hết sao? Kinh nghiệm từ một chuỗi những năm tháng đối thoại của Đan Viện Thiên An chúng ta có rút ra được kết luận chưa? Một người như vị Đan Sĩ tôi quen từ chối đi tiếp trên hành trình đối thoại của Đan Viện là điều dễ hiểu, ông không chỉ là Đan Sĩ với những gì đã chọn lựa, ông còn là một nghệ sĩ với tâm hồn mỏng manh nhạy cảm, làm sao ông đi hết còn đường mà ông bj đặt vào? Từ Rôma, ông nói với tôi: “Con xin với Bề Trên ở lại và không về nữa”. 

Chỉ mong với từng biến cố chúng ta hiểu được điều Chúa muốn chúng ta sống làm chứng hôm nay, đừng mờ mắt và đừng ngây thơ.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 3.11.2018


No comments: