Monday 19 November 2018

Lm Lê Quang Uy DCCT: NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO


(JOURNÉE MONDIALE DES PAUVRES – WORLD DAY OF THE POOR)
Đức Giáo Tông Phanxicô đã thiết lập ngày 18 tháng 11 hằng năm là NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO (Journée Mondiale des Pauvres – World Day of the Poor). Ngày này không phải là ngày nhắm đến chuyện loan báo Tin Mừng cho Người Nghèo, nhưng là NGÀY TIỂP ĐÓN CHÍNH NGƯỜI NGHÈO MỘT CÁCH CỤ THỂ VÀ CHÂN TÌNH.
Năm ngoái, ngày 18.11 rơi vào thứ bảy, nhiều nơi trên thế giới và một số ít nơi ở Việt Nam đã tổ chức ngày này với nhiều sáng kiến ấm áp tình người, nhiều phần là các bữa ăn thân ái, bình dị nhưng không kém phần trân trọng.
Năm nay, Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ nhì rơi vào đúng Chúa Nhật 18.11.2018 tới đây. Chúng tôi có nghe tin nhiều nơi có gửi thư mời người nghèo đến với các bữa ăn trong ngày. Ở Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chúng tôi thì ngỏ lời trong Thánh Lễ xin anh chị em mỗi người mời ít là một người nghèo mình biết, mình quen, mình gặp, cùng đến với Bữa Cơm Niềm Vui vào 10g trưa thứ tư 21.11 và thứ sáu 23.11 tại sân Hiệp Nhất của Nhà Thờ Kỳ Đồng Sàigòn.
Chúng tôi dặn nhau, anh chị em thiện nguyện viên, món ăn không sang trọng nhưng phải ngon, tuy nhiên chính yếu lại là cách mời, cách đón, cách phục vụ cần phải chân tình ấm áp, vì đây không phải là chuyện "phát chẩn", "bố thí", gây "phong trào xóa đói giảm nghèo". Những Bữa Cơm Niềm Vui trong tuần lễ này sẽ là nhịp cầu để tiếp tục những bữa cơm khác quanh năm, những bữa cơm gạo dẻo canh nóng và cả những bữa ăn kéo những con người xa lạ nên thân quen, những con người dư giả và thiếu thốn lại gần nhau hơn, và rồi một lúc nào đó bỗng nhiên đôi bên hạnh ngộ: Thầy Giêsu có mặt, Ngài ở giữa, ở cùng, và ở trong người nghèo, là chính người nghèo. 
"Xưa Thầy đói, anh em đã cho Thầy ăn" không còn là chuyện dụ ngôn để kể, để dạy Giáo Lý trong lớp, để hùng biện trên tòa giảng, nhưng trở thành chuyện đời thường, sinh động, đánh động, xúc động.
Ngoài chuyện tổ chức các bữa ăn, thật ra còn rất nhiều những cách thức để gặp người nghèo, để chính mình nghèo hơn một tý với người nghèo, và nhờ vậy, được gần với Thầy Giêsu hơn.
Có Linh Mục cho việc đền tội: "Anh chị đi ngoài đường thấy những cụ già đi bán vé số, hầu hết là người Phú Yên nghèo, anh chị dừng xe mua cho họ một tờ vé số, lấy cớ để hỏi thăm gia cảnh cụ già, tặng cụ già một chai nước La Vie, một gói xôi, một cái áo gió…"
Có mấy cô mấy bà "khéo tay hay làm" bảo nhau tìm những mẩu vải vuông vức chỉ bằng bàn tay, đạp máy may thành những tấm chăn dày và ấm, sặc sỡ nhiều màu, đóng thành bao hàng lớn gửi lên Tây Nguyên để tặng bà con dân tộc các Giáo Điểm vào mùa rét sắp đến.
Có các trưởng và dự trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể rủ nhau chỉ với chiếc máy ảnh bỏ túi hoặc điện thoại, tỏa ra khắp hang cùng ngõ hẻm Sàigòn, săn ảnh theo chủ đề "Người nghèo ở giữa chúng ta", về xin cha Xứ cho triển lãm "dã chiến" trong sân Nhà Thờ trọn một Chúa Nhật Mùa Vọng năm nay.
Chúng tôi có lần đến giúp một Giáo Xứ bên Q. 11, thấy ở góc sân có một xe nước mía, cứ ngỡ của người dân bị Trật Tự Đô Thị truy quét lòng lề đường, phải "tỵ nạn" gửi tạm vào đây, không ngờ là của cha Phó. Cha vui vẻ kể chuyện cho thiếu nhi về việc đã lớn lên, được ăn học, được đi tu làm Linh Mục là nhờ làm nghề bán nước mía. Bây giờ Lễ Thiếu Nhi xong, cha Phó sẽ đích thân trở lại làm người nghèo như ngày xưa, đứng ép nước mía phục vụ từng em.
Hôm đầu tháng 11, chúng tôi đi bằng xe tang của một Giáo Điểm Tây Nguyên tìm đến tận nhà những người J'rai khuyết tật để trao tặng xe lăn. Cha xứ là một Tu Sĩ còn khá trẻ, đã bồng ẵm một bà cụ phong cùi bại liệt từ dưới nền đất trước hiên nhà đặt lên xe lăn, anh trò chuyện tếu táo với bà cụ bằng tiếng J'rai rồi cả hai phá ra cười nắc nẻ, chỉ có cánh Sàigòn chúng tôi là chẳng hiểu gì cả, chỉ biết "chủ chiên" và "con chiên" họ với nhau, cả đám con nít J'rai đang bu chung quanh nữa, đang vui ghê lắm.
Hóa ra với người nghèo, được tặng chiếc xe lăn mới đã vui, nhưng cái cách đến thăm họ, chọc ghẹo họ, bồng lấy họ trên tay, lại là niềm vui sâu xa hơn, thấm thía hơn nhiều lần.
Kết thúc bài chia sẻ này, chúng tôi xin quay về lại với câu chuyện "người nghèo" của Nhà Dòng chúng tôi. Để có được ngày 9.11.1732 ra đời Dòng Chúa Cứu Thế, Thánh Tổ An Phong đã từng bị Tòa Thánh từ chối châu phê đơn xin lập Dòng chỉ vì tôn chỉ phục vụ người nghèo đã có quá nhiều Nhà Dòng đảm nhận rồi, chẳng cần có thêm một Dòng Tu nữa làm gì. Thánh An Phong trở về, tha thiết cầu nguyện xin ý Thầy Giêsu, rồi quay trở lại với một tôn chỉ mới, không thay đổi chi hết, vẫn là đến với người nghèo, chỉ thêm là người nghèo… bị bỏ rơi hơn cả.
Chính chi tiết "người nghèo bị bỏ rơi hơn cả" này trở thành một lời chất vấn cho anh em DCCT chúng tôi, hôm nay, nơi đây, tại mảnh đất Việt Nam quá nhiều thương tích này…
Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT, 16.11.2018


No comments: