Friday 12 October 2018

Lm Giuse Mai Văn Thịnh : TIN CHÚA, YÊU CHÚA RỒI TIN YÊU NHAU



Đề tài của trình thuật Tin Mừng hôm nay là một trong những vấn đề sôi bỏng không chỉ cho giới luật sĩ Do Thái cùng thời với Đức Giê-su, mà còn cho thời đại của chúng ta hôm nay nữa. Đó là việc ly dị trong đời sống hôn nhân. 

 Trong bài Tin Mừng, những người thuộc phái Pha-ri-siêu muốn gài bẫy Đức Giê-su và yêu cầu Người công khai xác định lập trường. Theo luật Mai-sen thì họ được phép ly dị. Nếu Người nói không là chống lại lề luật; còn nếu Người nói có thì họ sẽ bắt bẻ Người. Ở đây Đức Giê-su không đưa ra ý kiến và lập trường của Người về hôn nhân, cho bằng đặt lại cho họ một vấn đề đã được nhắc đến trong quá khứ. Người trả lời rất rõ ràng ông Mai-sen cho phép họ ly dị là vì lòng dạ chai đá của họ. Thật ra, từ ban đầu không phải là như thế. Ý định ban đầu của Thiên Chúa về hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. 

Như thế, Đức Giê-su cho mọi người biết rõ lập trường của Người là không có chuyện ly dị trong đời sống lứa đôi. Điều này có nghĩa là khi hai người lấy nhau theo đúng ý muốn của Thiên Chúa thì họ phải chu toàn nghĩa vụ, bổn phận và làm mọi cách để duy trì mối tương quan nên một đó cho đến trọn đời. 

Ngày xưa các cụ nhà ta mỗi khi gặp khó khăn trong hôn nhân thì các ngài tìm mọi cách để vượt qua. Chỉ nghĩ đến việc bỏ nhau là họ cảm thấy rùng mình rồi, phương chi là hành động. Còn ngày nay, giới trẻ chúng mình học cao hiểu rộng, nhưng lại thiếu hy sinh, thiếu kiên nhẫn; chỉ muốn sống theo sở thích và ý riêng của mình. Vì thế mỗi khi gặp khó khăn là chạy trốn và nghĩ ngay đến chuyện làm sao để ly dị.

Vì thế, khi nói đến hôn nhân, chúng ta phải nhớ đến một yếu tố vô cùng quan trọng. Yếu tố này gắn chặt đời họ bên nhau. Đó chính là tình yêu. Tình yêu trao cho nhau trước hay sau hôn nhân không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là họ đang đuợc kêu mời để làm chứng cho Tình Yêu của Thiên Chúa. 

Tình yêu trong tâm hồn mỗi người là một sức mạnh kỳ diệu và phi thường, có khả năng vượt qua mọi trở ngại, mọi ràng buộc. Chẳng có đầu óc nào có thể giải thích được lý lẽ của tình yêu. Nhưng nhờ vào truyền thống của Thánh Kinh, chúng ta tìm ra đuợc câu giải thích thật chính xác về tình yêu và hôn nhân.

Trong trình thuật tạo dựng, đặc biệt là việc Thiên Chúa dựng nên con người, có hai yếu tố đáng cho chúng ta quan tâm: “Ngài dựng nên họ giống hình ảnh Ngài” và “Ngài dựng nên họ có nam có nữ.” Mà Thíên Chúa là đấng thiêng liêng. Vậy hình ảnh của Ngài là gì? Thánh Gioan đã định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu. Thế nên ta mới hiểu được tình yêu trong chúng ta chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Chính vì vậy mà chúng ta mới thấy tình yêu như một mầu nhiệm. “Và người đàn ông bỏ cha mẹ mà luyến ái với vợ của minh và cả hai trở nên một thể xác”

Vì có Thiên Chúa liên quan đến tình yêu và hôn nhân, nên hôn nhân không còn phải là một kết hợp tự nhiên giữa người nam và người nữ về phương diện thể xác. Hôn nhân là một giao ước, trong đó hai người tuyên thệ sống trọn đời bên nhau và chia sẻ mọi buồn vui, suớng khổ trong trách nhiêm làm vợ chồng với nhau, làm cha mẹ đối với con cái. Nhiệm vụ đó tuy thật là cao cả; nhưng cũng thật nặng nề đôi khi vượt quá khả năng của con người. Chính vì thế, phải có sự can thiệp của Thiên Chúa. Ngài tạo một dịp để ban ơn đặc biệt cho đôi bạn qua một bí tích, một dấu chỉ mà Chúa thiết lập để ban ơn cho vợ chồng được chung thủy và trở nên cha mẹ có trách nhiệm.

Chính Thiên Chúa lập nên bí tích, nên Ngài cũng bị ràng buộc vào bí tích đó. Vì vậy hôn nhân không còn chỉ là giao ước song phương và tự nhiên được ký kết bởi hai người, mà là giao ước tam phưong vì có Chúa hiện diện ở trong đó. Vậy sống trọn vẹn bí tích hôn phối cũng có nghĩa là sống đức tin trong nếp sinh họat lứa đôi và trong việc sinh sản cũng như giáo dục con cái.

Tình yêu và lòng tin tưởng trong đời sống vợ chồng là hai mặt của một đồng tiền. Một khi tình yêu bị phai nhạt thì niềm tin cũng suy giảm, và gia đình có nhiều nguy cơ bị đổ vỡ. Nhưng chúng ta cũng cần phân biệt đức tin với niềm tin tưởng mà vợ chồng dành cho nhau. Bởi vì, hôn nhân Kitô giáo không đặt nền tảng trên sự tín nhiệm của hai người mà thôi. Đây còn là một sự tín thác vào ơn Chúa. 

Trong đời sống gia đình, với tất cả lòng thành, tư họ có thể chấp nhận và chung thủy với nhau trong những điều kiện thuận lợi. Nhưng trên thực tế, hòan cảnh mưa thuận gió hòa lại rất hiếm. Và khi có những thử thách, nghi ngờ, bất hòa hay tai họa xẩy đến, vợ chồng dễ bị lung lạc để tìm cách xa nhau. Không cần chờ đến lúc gặp phong ba bão tố họ mới chạy đên với Chúa như nguồn sinh lực mới để nối kết họ lại với nhau. Nhưng tiên vàn mọi sự họ cần sống đức tin vào Chúa qua những thăng trầm của đời sồng gia đình. Chính niềm tín thác vào Chúa là nền tảng giúp họ tin tưởng lẫn nhau hơn. Và chính từ niềm tin tưởng này mà họ có thể sống tách biệt nhau, chấp nhận những sự khác biệt của nhau trong nếp sống hằng ngày. 

Họ cũng nên nhận thức rằng mỗi người đều có những cá tính khác nhau. Sự khác biệt này thật cần thíêt để họ có thể bổ sung và xây dựng cho nhau. Họ cần phân biệt hai yếu tố hiệp nhất và đồng hóa. Hiệp nhất là tôn trọng những cá biệt của nhau, còn đồng hóa là biến người khác giống như mình. Và làm thế nào vợ chồng có thể đồng hóa với nhau. Tôi thường nghe nói, trong bất kỳ một tổ chức nào mà lúc nào hai người cũng đồng ý với nhau thì hình như tổ chức đó dư một người. Đời sống vợ chồng cũng thế, dù yêu nhau đến đâu, họ vẫn là hai và đừng bao giờ có tham vọng hiểu hết các suy nghĩ của nhau. Mỗi người là một mầu nhiệm, cần được khám phá những điều mới lạ của nhau luôn mãi.

            Lý tưởng của hôn nhân là “mình với ta tuy hai mà một”. Nhưng trên thực tế ‘ta với mình tuy một mà hai”. Tuy cá tính của họ đã có những thay đổi khi sống chung với nhau. Nhưng hai người vẫn còn những điểm riêng biệt và chàng vẫn là chàng, nàng vẫn là nàng.

Phương thức tốt nhất để khỏi bị dằn vặt và nghi ngờ nhau là tinh thần đức tin vào Chúa. Bởi vì một khi “anh em đã nhận Đức Giê-su Kitô làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hiệp với Người. Anh em hãy bén rể sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Giê-su Kitô, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ (Colose 2: 6-7). 

Đó là cách tốt nhất để vợ chồng chung thủy với nhau. Thật vậy, trước khi vợ chồng mất niềm tin nơi nhau, phản bội nhau; họ phải mất niềm tin và phản bội Chúa trước. Nếu đời sống vợ chồng của họ đặt niềm tin vào Chúa và thực hiện những huấn lệnh Ngài truyền thì họ chẳng thề nào lỗi lời thề nguyền. Niềm chung thủy trong đời sống vợ chồng là họa ảnh của lòng trung tín của Thiên Chúa đối với nhân lọai. Ơn gọi này thật là cao cả.

Vẫn biết rằng hôn nhân Công Giáo được đặt trên nền tảng của yêu thương và sinh sản. Chúng ta không được coi trọng yếu tố này và xem nhẹ yếu tố kia. Cả hai hỗ trợ cho nhau để xây dựng một gia đình yên vui đằm thắm. Trên thực tế, tôi đã gặp một số gia đình, vợ chồng sống với nhau vì con cái. Đến khi con cái họ lớn khôn họ cảm thấy không còn bị ràng buộc với nhau nữa và từ đó sinh ra nhiều rạn nứt rồi dẫn đến đổ vỡ thật đáng tiếc. Trái lại, tôi cũng đã gặp các cụ ông và cụ bà, sau khi nuôi cho con cái của họ thành người, họ quay trở về sống cho nhau, cùng nhay đi lại hành trình với tất cả sự nồng ấm của những ngày đầu tiên. Tình yêu của họ lúc này trở thành nghĩa thủy chung, gắn bó và cùng nhau đi hết con đuờng tình.

Vì thế, thưa anh chị em, chúng ta không thể quên trách nhiệm sinh sản và giáo dục con cái trong nếp sống hôn nhân đuợc. Đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng, không khác gì tình yêu mà vợ chồng trao ban cho nhau.

Nhiệm vụ giáo dục con cái thật khó khăn, nên đòi hỏi cha mẹ cần tín thác vào Chúa. Vì thế, song song với việc chăm sóc, gìn giữ và giáo dục chúng nên người, cha mẹ cần giáo dục niềm tin, hướng dẫn về đường đạo đức và đời sống tâm linh cho chúng. Đó là trách nhiệm cao quí mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho cha mẹ.  

Tâm tình đầu tiên của cha mẹ dành cho con cái là đón nhận các cháu trong yêu thương. Với đức tin, chúng ta đều biết mỗi người khi sinh ra đều được Chúa trao ban một sứ mạng đặc biệt. Chúng ta chỉ có thể cộng tác với Thiên Chúa trong việc này chứ không thể tự mình định đọat một cách tuyệt đối được. Vẫn biết rằng, vợ chồng cần tính tóan trong việc sinh con; theo giáo huấn của Giáo hội. 

Nhưng thực tế lại khác, nhiều em bé được sinh ra ngòai kế họach của cha mẹ. Vẫn biết đó là ‘accident’; nhưng không vì vậy mà cha mẹ được quyền từ khước sự hiện diện của chúng. Tôi vẫn xác tín rằng “nếu con cái không được quyền chọn cha mẹ thì cha mẹ cũng không được phép từ khước chúng”. Xua đuổi chúng là hành vi tội lỗi. Và còn hành vi nào tàn nhẫn hơn khi người con vô tội bị hất hủi ngay từ trong lòng mẹ, chưa được mở mắt chào đời, chưa được đón nhận yêu thương đã phải hút ra khỏi lòng mẹ. Không có lý do nào chính đáng để bào chữa cho việc làm ác đức này của cha mẹ. Nhưng cha mẹ có đủ lý do để tín thác vào Chúa khi sinh ra chúng.

Với tất cả lòng thành, các bậc làm cha mẹ đã cố gắng chu tòan bổn phận giáo dục niềm tin của con cái minh bằng những phuơng thức hữu hiệu nhất. Nhưng không vì thế cha mẹ có thể cưỡng đọat quyền của Thiên Chúa trên những người con của mình. Mỗi người con là một tác phẩm tuyệt hảo của Thiên Chúa, Ngài trao vào tay cha mẹ để làm cho tác phẩm đó tốt đẹp hơn. Vì thế, cha mẹ cũng phải nhận ra giới hạn của chính mình. Bổn phận của cha mẹ là hướng dẫn và chỉ bào đường ngay lẽ phải để chúng đi theo. Nhưng khi đến tuổi lớn khôn, thì chúng có quyền suy nghĩ để chọn lựa con đường của mình.

Tóm lại, Đức tin là nền tảng của đời sống vợ chồng.
Nhờ niềm tin nơi Chúa vợ chồng luôn tin tưởng nhau. Từ đó họ gắn bó và yêu nhau hơn. Vì trong đời sống gia đình, họ tin là có Chúa làm chủ. Vì thế dù thành công hay gặp bất hạnh, vợ chồng không thể thiếu Chúa trong hành trình hôn nhân. Thiếu Chúa, họ đang xây nhà trên cát, một cơn sóng nhỏ cũng làm tiêu tan.

Hãy để Chúa cùng đồng hành với cha mẹ trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Bởi vì dù các cháu là con của chúng ta, nhưng đích thật chúng là con của Chúa. Chúng ta lo một, Chúa lo muời. Chỉ có Chúa mới giúp vợ chồng hòan thành sứ mạng. 

Những ai trông cậy và tin tưởng vào Chúa có bị Ngài bỏ rơi bao giờ. Cầu chúc mọi người đang sống trong bậc vợ chồng luôn biết xây dựng gia đình mình trên nền tảng yêu thương và phó thác gia đình mình cho Chúa.
Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT


1 comment:

Jialin said...

Nice post thanks for ssharing