Friday 5 October 2018

Giới trẻ Thừa Sai Chúa Cứu Thế: Tình yêu chia san



Tôi đi làm tông đồ, chúng tôi cũng chỉ mong đến với những người nghèo, nôi đó những hình ảnh đủ màu sắc của người dân làng, với cuộc sống nghèo khó của họ vẫn còn in sâu đậm trong tôi. Tôi cảm động rất nhiều và cũng học hỏi được rất nhiều từ cuộc sống ấy! Tôi muốn cất lên câu hát trong Kinh Hòa Bình: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.

Sáng Chúa nhật (23.09.2018), bầu trời trong xanh, nắng nhè nhẹ, nghe tiếng gió thổi khẽ với tiếng hót líu lo của những chú chim trên những hàng cây xanh quanh ngôi nhà thờ cổ kính!

Con đường nhỏ hẹp từ trong Giáo xứ Plei Kly đi ra cổng ngoài của Giáo xứ bỗng nhiên rộn rã tiếng cười nói. Chúng tôi gồm 11 bạn trẻ (một trong 4 tổ) đã chuẩn bị sẵn sàng lên đường để đến với các gia đình trong Thong A, Giáo xứ Plei Kly. Hành trang của chúng tôi là balô, túi, mũ và chiếc áo màu sắc rực lửa mang tên Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế; cùng những gói bánh, kẹo sẵn sàng dành cho các em nhỏ của làng Thong A.

Những hình ảnh, âm thanh ấy làm tâm hồn chúng tôi rộn rã. Đi cùng chúng tôi là một người dẫn đường mà Ama Thịnh đã sắp xếp, tất nhiên rồi, chúng tôi là những người ở xa mới tới đây mà! Một điều khác khiến tôi để ý đến con số, 11 bạn trong tổ và người dẫn đường, thế là tròn 12, như 12 môn đệ xưa của Chúa Giêsu, chúng tôi lên đường…

Phương tiện đặc biệt được cử đến để đón chúng tôi… xe công nông. Tôi đã từng nghe nhiều và hiểu tại sao lại phải đi xe công nông, đơn giản là vì phương tiện này sẵn có, thứ hai là vì đường trong làng nhiều chỗ rất khó đi… Tiếng xe nổ ầm ầm, chúng tôi hớn hở nhao nhao nhảy lên chiếc thùng đàng sau xe. Thật tuyệt vời, thùng xe không to không nhỏ, không thừa không thiếu mà vừa vặn cho mười một môn đệ, môn đệ kia cầm lái là chắc rồi… Xe lăn bánh, chòng chành… không giấu gì các bạn khi ngồi lên xe chúng tôi “lau” sạch luôn cả phân bò trên xe! Một bạn trong nhóm kêu lên:

–Chị ơi em bị…? Nhìn vẻ mặt ngây ngô, dễ thương nhưng hơi bối rối của một bạn trẻ vì không biết phải làm sao. Một bạn khác mau mắn hỏi lại:
– Ở đâu? Bạn trẻ trả lời cách mau mắn:
– Ở ống tay áo, đây nè! Bạn ấy còn dơ lên cho chúng tôi xem, tôi mau mắn đáp lại:
– Vậy hả! Có gì đâu, chịbịở tay từ nãy giờ chưa kêu nè…!!!  Tôi dơ tay lên với gương mặt tỉnh như bơ. Thế là cả nhóm cùng cười rộ lên vui vẻ… Hóa ra, ai cũng có “dấu ấn” riêng của mình.

Đường đi mỗi lúc một xấu hơn, gồ ghề, lởm chởm đá, ngồi trên xe mà tôi tưởng tượng như mình đang ngồi trên chiếc thuyền của các môn đệ ngày xưa bị sóng gió đánh lên, dập xuống mà phải kêu lên rằng “Chúa ơi, xin cứu con!”. Nhưng đó chỉ là tưởng tượng của tôi thôi… Vì tôi thấy, chưa bạn nào bị rớt xuống xe trên những “con sóng” đường của cuộc hành trình!

Cuối cùng, chúng tôi cũng tới điểm “hẹn hò” của nhóm! Đó là một căn nhà nhỏ đã trở thành nhà tạm cho những giờ cầu nguyện quây quần bên Chúa và bên nhau cho khoảng 50 gia đình Công giáo. Tôi miên man nhớ lại những trang Tin mừng thời Giáo Hội sơ khai, các cộng đoàn Kitô hữu cũng tụ họp nơi các Hội đường, các nhà riêng của những gia đình có lòng với Chúa và Hội Thánh để lắng nghe và chia sẻ Tin Mừng.

Chúng tôi được người dẫn đường giới thiệu đôi nét về làng, dẫn chúng tôi đi xung quanh để thăm những người già yếu, thăm bà con giáo dân, đi đến đâu là chúng tôi được đón tiếp nhiệt tình, nồng hậu tới đó. Nhập đoàn với chúng tôi còn có rất nhiều bạn trẻ từ 4 đến 15 tuổi đi cùng. Những tiếng cười và những bước đi thoăn thoắt của các em làm chúng tôi thêm vui và giảm bớt cái oi nóng.

Trong lúc đi thăm như vậy, chúng tôi cũng gặp nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn: có những gia đình đông con, bố mẹ bị bệnh mà không có đủ tiền chữa trị; có những người già thì cô đơn nằm trên chiếc chiếu cũ, cạnh bếp, khói phủ nhám đen; những em bé phải bỏ học sớm vì bố mẹ không có đủ tiền cho con ăn học; lại có những ngôi nhà thấp, lụp xụp, xập xệ như những quán trọ ven đường bao năm không người qua lại.

Tôi không ngăn được từ trong đáy lòng mình trào lên một lòng cảm thương, đôi khi xót xa cho những gì tôi đang tận mắt chứng kiến. Tuy nhiên, tôi vẫn nhìn thấy trên khuôn mặt, đôi mắt của họ ánh lên một niềm vui sâu thẳm, một tinh thần lạc quan và sự bình an, trong cảnh nghèo giữa vùng Tây Nguyên chói chang nắng gió! Tôi cố bắt chuyện và qua những lời hỏi thăm, tôi cảm thấy họ rất chân thành, đơn sơ và có một niềm tin vào Chúa mãnh liệt, dù cuộc sống vẫn có muôn vàn khó khăn từ bao đời!

Mải miết đi, trầm tư với những mảnh đời, mặt trời đã lên cao và bắt đầu ngả bóng! Đã quá trưa rồi, chúng tôi trở về nhà người dẫn đường và cũng là người đã kể nhiều chuyện cho chúng tôi. Được mời cơm trưa và được ăn những món ăn truyền thống của người Banar. Không biết các bạn khác thế nào, riêng tôi thấy mọi món ăn đều lạ: canh thục làm từ lá mỳ với cua khô và gạo nếp, rau lá mỳ xào hành tỏi, ới cay dằm, canh măng rừng, cá kho bếp củi, rượu cần… Lạ nhưng thật ngon và mùi vị độc đáo! 

Chúng tôi vừa ăn, vừa uống rượu cần, một tục lệ không thể bỏ qua khi có khách tới nhà của người Banar. Đón tiếp chúng tôi hôm nay, không chỉ có gia đình người dẫn đường, mà cả bà con gần xóm cũng qua! Tất cả đều thân tình nói năng, cười, bắt tay, ăn chung và chia sẻ… Những đứa trẻ thì ngó chúng tôi qua cửa sổ với chút bẽn lẽn. Căn nhà đầy ắp tiếng cười lúc nào không hay…!

Cơm trưa với đặc sản lá mì
Sau bữa trưa ấn tượng, chúng tôi chia tay gia đình và mọi người trong sự lưu luyến bịn rịn cùng với lời chúc, lời cầu nguyện tốt đẹp dành cho nhau. Vang vọng cho tới bây giờ tôi còn nghe câu nói của một bà cụ đã lớn tuổi: “Con về bà buồn lắm, nhớ cầu nguyện cho bà và cho dân làng ở đây nhé!”.

Vâng đã hơn một tuần trôi qua, ngày trung thu cũng là ngày mà chúng tôi đi làm tông đồ, chúng tôi cũng chỉ mong đến với những người nghèo, trao ban tình yêu và niềm vui cho các em vùng sâu vùng xa, nơi mà những em bé, những bạn trẻ thiếu thốn mọi điều. Những hình ảnh đủ màu sắc của người dân làng, với cuộc sống nghèo khó của họ vẫn còn in sâu đậm trong tôi. Tôi cảm động rất nhiều và cũng học hỏi được rất nhiều từ cuộc sống ấy! Tôi muốn cất lên câu hát trong Kinh Hòa Bình: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.

Tạ ơn Chúa về tất cả những điều chúng tôi đã được nhìn, được thấy, được nghe và cảm nghiệm nơi đây, đó sẽ là hành trang, là kinh nghiệm quý báu để mỗi người chúng tôi sống trong niềm vui và sống thật tròn đầy phút giây sống của đời mình. Xin tình yêu của Thiên Chúa ban cho dân làng được đầy tràn ân sủng Chúa, luôn khỏe mạnh, bình an và nhất là luôn vững tin vào Ngài.
Sài Gòn,30/09/2018
Maria Nguyễn Thiện
(Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế)




No comments: