Saturday 4 January 2014

Lm Frank Doyle sj: Hãy cứ vui đi, dẫu một ngày



Lễ Hiển Linh Năm A

Hãy cứ vui đi, dẫu một ngày
Nàng hãy vui đi, dẫu một ngày
Dẫu phần ba phút, góc tư giây
Dẫu trong thoáng mắt nhìn như chớp
Cũng đủ cho nàng quên đắng cay.
(Dẫn nhập từ thơ Nguyễn Bính)
Mt 1: 18-25
          Hãy vui đi, dù bạn có là nàng thơ, tạo nguồn hứng khởi cho thi sĩ. Hay chỉ là trai ngoan xứ Đạo nghèo. Vẫn cứ vui đi. Vui, vì Đức Chúa Nhân Hiền nay đà tỏ hiện. Ngài hiển hiện thân phận Đấng Mê-sia giáng hạ làm người. Với mọi người. Ngài hiển hiện với dân con nhà Đạo, là chuyện đã đành. Nhưng, còn đến cả với những người ở ngoài nữa, mới đáng vui. Vui đi bạn hỡi. Hãy vui, mà cử hành tiệc thánh. Tiệc agapè ngày Chúa hiển hiện, rất nên làm.
Tiệc Chúa Hiển Linh ta cử hành hôm nay, là để mừng sự kiện thứ hai trong bốn sự kiện mà Đức Chúa tỏ lộ cho hết mọi người, ở dưới thế. Tiệc thánh Hiển Linh hôm nay, ta còn mừng kính, chứng giám cuộc tỏ hiện rất linh thiêng, thần thánh, cho muôn nước. Trước nhất, cho đám trẻ thơ nghèo hèn; giới “lang bạt kỳ hồ” chăn dắt chiên hiền, ngày Chúa đến.
Tiệc Hiển Linh, là tiệc dài trong đó ta nhận ra thân phận Đức Chúa, từ Trời cao đã giáng hạ làm người. Ngài giáng hạ với con người trần thế, ngay từ buổi đầu hành trình Nhập Thể. Hành trình yêu thương cứu độ, được ghi rõ nơi trình thuật, rất hôm nay.
Trình thuật Xuân Cứu độ hôm nay, thánh Mat-thêu ghi lại truyện kể về đoàn đạo sĩ từ phương xa vời vợi, ở trời Đông. Theo các nhà thần học ở Châu Á, như Linh mục Aloysius Pieris, thì có thể: các đạo sĩ hiền đến viếng Hài Nhi từ nơi xa như các nước Ba Tư, Đông Sy-ri-a hoặc Ả Rập Sa-u-đi… Nhưng, có điều chắc chắn: họ không phải là nhân sĩ địa phương dõi theo ánh sao đêm để ghé thăm Hài Nhi, Con Thiên Chúa.
Về các đạo sĩ dõi ánh sao đêm, nhiều học giả định rằng: chắc đó là sao chổi hoặc sao băng, vừa loé sáng. Hoặc, ít nhất cũng là do có sự ma sát giữa các vì sao, rất “ấn tượng”. Ấn tượng nhất, là đối với các vị chiêm tinh nhìn ngắm sao đêm, tìm điềm lóe sáng. Nói gì đi nữa, tưởng cũng không thể nào thuyết phục được nhiều người. Sao lại có người thích cất bước dõi ánh theo sao dẫn đường? Bởi, sao đêm dù có di chuyển hay đứng im một chỗ, thì lúc nào sao ấy cũng ở trên đầu người, nơi xa tít mù tắp trên ấy. Đúng hơn, “sao lạ” lóe ánh ở đây, chỉ là biểu tượng nói lên: lằn sáng chợt loé cốt tượng trưng cho Giê-su Đức Chúa, Đấng luôn là Ánh Sáng dẫn đường cho toàn thể “dân gian vũ trụ”.
Đề cập đến “sao lạ” hoặc “ánh sao dẫn đường”, thánh sử Mat-thêu không nói về khoa học thiên văn hoặc chiêm tinh, sáng chói. Nhưng, với bối cảnh ngôn từ được sử dụng trong Kinh Thánh, ánh sao đêm hay lằn sáng lóe lên ở đây cốt để diễn tả: Đức Chúa, qua con người của Đức Giê-su, đã rời bỏ vũ trụ thần thiêng các thánh để đến với con người, nơi trần thế. Mỉa mai thay, các vị thượng tế, thông luật thời đó, dù đã biết rõ Đấng Thiên Sai từ đâu đến, vẫn chẳng thiết tha tìm đến mà thờ lạy chiêm bái Ngài.
Dân con nhà Đạo ở Do Thái hay nơi nào khác, cũng thế. Vẫn, cứ để “người dưng khác họ” sống ở ngoài, như Vua Hê-rô-đê, hoặc các đạo sĩ hiền, tìm đến với Chúa. Dù mỗi người tìm Ngài với mục đích khác nhau. Kẻ thì truy tìm để trừ khử, như Hê-rô-đê đã quyết. Người thì chỉ mong được yết bái lạy thờ, như các đạo sĩ hiền lành kia.          
Đạo sĩ hiền đến yết bái thờ lạy, đã tặng trao những là: Vàng, Nhũ hương và Mộc dược. Mỗi phẩm vật, dâng lên đều nhắc nhớ điều được báo trước ở bài đọc thứ nhất:
“Tất cả những người từ Sơ-Va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương.” (Is 60: 6).

Ở phương Đông, Vàng tượng trưng cho Vương quyền. Ở đây là Vương quyền của Đức Kitô. Nhũ hương, biểu tỏ bản chất thánh thiêng. Mộc dược, hàm ngụ ơn thương khó cứu độ Ngài lĩnh nhận cho mình, đến khi chết. Các phẩm vật này, luôn biểu thị đức hạnh, lời nguyện cầu và nỗi niềm đau khổ.
Thông điệp lễ Hiển Linh hôm nay, còn tỏ cho mọi người biết rằng: với Chúa, không ai là “người dưng khác họ”. Và cũng chẳng ai là “người ở ngoài”, ngoài quỹ đạo tình thương, ngoài nhà Đạo cả. Nói một cách nôm na thì không ai là người ngoài cuộc hết. Trái lại, đối với Đức Chúa, tất cả là đàn con thân thương, Ngài yêu đều. Ngài vẫn yêu, dù cho dấu hiệu bên ngoài của những người-bị-cho-là-ở-ngoài, có khác biệt đôi chút. Khác ngoại hình. Khác mầu da. Khác cả văn hóa, sắc tộc nhà Đạo. Bởi tất cả chúng ta đều cùng chung một cha. Đều có quyền gọi Ngài là “Abba! Lạy Cha ơi!
Thông điệp lể Hiển Linh hôm nay, còn mang đến với ta một điều nữa, là: Thiên Chúa không bao giờ ở xa ta. Trái lại, rất gần với ta, và với người hơn bao giờ hết. Ngài luôn thương yêu và kêu mời tất cả chúng ta kể cả người trong Đạo, hay ngoài Đạo, nam hay nữ, nghèo hay giàu. Nổi tiếng hay thấp hèn. Mạnh khoẻ hay yếu đau, hãy gần gũi nhau hơn.
Nhìn lại, thì thấy đã nhiều lần, ta vẫn xử với nhau, như người ngoài. Rất dửng dưng. Rất lạnh nhạt. Dửng dưng, trong cách xử sự. Lạnh nhạt, trong tư thế gây bè lập phái, đấu tranh. Đấu tranh, nhằm giành giựt quyền lợi cho giòng họ của mình. Cho cộng đoàn. Cho phe của mình. Hoặc, cho bè nhóm sắc tộc, rất tư riêng. Đối xử với nhau như người ngoài, là từ chối thương yêu. Là, không còn kính trọng nhau như các nhân vị đồng đều. Như các người con yêu của Chúa. Dửng dưng, như tình “ở ngoài’, là chọn lựa khuynh hướng sống theo thể thức của thượng tế, các  Pha-ri-sêu.
Cử hành mừng lễ Hiển Linh, ta tự hỏi: ánh sao kia có là gì trong đời mình? Mà sao, các vị nhân hiền đạo sĩ cứ dõi theo mà đi? Sao người dân thành Giê-ru-sa-lem, lại không thế? Nay, Chúa gọi ta theo phương cách nào? Gọi ta đi đâu? Ngài muốn ta làm gì? Ta đặt Ngài ở đâu trong ta?
Hỏi thì đã có nhiều người từng hỏi. Làm, thì cũng đã có nhiều người từng làm. Nhưng, khác nhau ở chỗ: ta đặt ưu tiên cho việc nào trước, việc nào sau? Bởi, ngày nay, thông điệp “ánh sao lạ lễ Hiển Linh” còn xa vời và lạ lùng đối với nhiều người. Vẫn có người chưa buồn khởi động tìm kiếm “ánh sao xưa”, nơi đời mình.
Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta nghĩ nhiều về thông điệp “ánh sao xưa”. Thông điệp “sao” có thể chẳng đánh động ai. Chẳng hấp dẫn một người nào. Chẳng thay đổi được gì trong cuộc sống, của mỗi người. Nhưng không trễ, thông điệp Lễ Hiển Linh, là dịp để ta có thể hướng mắt tìm về “ánh sao quen”. Sao của riêng mình. Chẳng phải là, sao của “Tử vi đẩu số”, cố cụ Trần Đoàn, đầy giải đoán. Nhưng, nhất định là: “sao mai” nhắc nhở ta kia, trời rực sáng. Nhắc ta về với đường ngay, lối thẳng. Lối thẳng an bình trong cuộc sống.

No comments: