Saturday, 25 January 2014

Lm Frank Doyle sj: Gió lùa ánh sáng vô trong bãi



Chúa Nhật  3 Thường Niên - Năm A

Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai
Buồm trắng phất phơ như cuống lá
Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai.
(dẫn nhập thơ Hàn Mặc Tử)
Mt 4: 12-23
          Ánh sáng, nhà thơ hôm nay ghi nhận, không là hào quang sáng chói, “lùa trong bãi”. Nhưng, là ảnh hình Chúa Kitô sáng mãi với thế gian. Ảnh hình Ngài tỏa sáng như ban ngày. Sáng từ thời Cựu Ước mãi đến hôm nay. Nơi trình thuật sáng chói, ngày Chúa gọi.
          Trình thuật sáng chói hôm nay, đề cập nhiều đến ánh sáng Vương Quốc Nước Trời, đem đến những canh cải đổi thay,  những đáp ứng lời mời của Thầy Chí Thánh, đang toả sáng.
          Bước đầu đường đời Ngài rao giảng, Đức Giê-su cũng đã mời và đã gọi. Ngài mời gọi đám dân đen thuyền chài nhỏ bé, rất tầm thường, đưa các vị ấy vào chốn toả sáng “lùa trong bãi”, làm đồ đệ. Khởi đầu công cuộc rao giảng, Đức Giê-su đã xuất hành từ thị trấn Na-da-rét. Tiếp theo đó, Ngài đi Ca-pha-Na-Um, một thị trấn bé nhỏ bên bờ Ga-li-lê nơi vùng biển mang tên “Zê-Bu-Lun” và “Náp-Ta-Li”. Đi như thế, Ngài đã ứng nghiệm lời tiên tri I-sa-ya, nơi Cựu Ước, có lời rằng: “Hãy canh cải, vì Vương Quốc Nước Trời đã gần kề”.
          Nước Trời đã gần kề nói ở đây, không là Thiên đường sống ở trên cao, nơi ta đạt đến sau khi chết. Nhưng chính là cộng đoàn tiên khởi, gồm con dân nhà Đạo gốc Do Thái giáo nay đà hoán cải. Thoạt tiên, người Do thái rất ngại ngần, vì không quen sử dụng trực tiếp danh tánh của Chúa, mỗi khi trao đổi hoặc nguyện cầu. Vì thế, sử gia Mat-thêu mới phải viết tả về Đức Chúa, bằng lối gián tiếp như “thiên đường”, hoặc bằng thể thụ động nơi động từ, vẫn nghe quen.
          Với nhà Đạo, cụm từ Vương Quốc xuất từ ngôn ngữ cổ của Hy Lạp bằng từ “basileia”. Basileia trước nhất có nghĩa: vương quyền, quy luật và triều đại. Cũng từ đó, khi nói Vương Quốc Nước Trời đã gần kề, không có nghĩa bảo rằng: ta đã gần đạt chốn đền đài cung điện đầy nguy nga. Dù ở đời này hay đời sau. Thành thử, lời khuyên Hãy canh cải là có ý bảo: hãy đặt mình dưới sức mạnh/quyền uy của Đức Chúa. Hãy sống vì Vương Quốc Nước Trời. Vì Vương Quyền của Đức Chúa.
Đặt mình sống vì Vương Quyền của Chúa, là đặt mình trong tương quan đầy thương mến với Trời. Và với Chúa của ta. Đặt mình trong tương quan, là sống trong môi trường nơi đó có các giá trị đáng để ta trân trọng thực hiện như: tình yêu, lòng thương xót, sự công chính, tự do, sống với cộng đồng, sống trong an bình… Nhất nhất đều là những điều, ta vẫn cần thắng lướt trong cuộc sống.
          Đặt mình trong tương quan với Chúa - với người nơi Vương Quốc Nước Trời, còn là biết canh cải, đổi thay, đáp ứng lời mời của Đức Chúa. Nói đến canh cải - đổi thay, người người thường chỉ nghĩ là: ta phải ưu tư áy náy về những lỗi phạm, mình đã mắc phải. Nhưng, mời gọi của Đức Giê-su còn đi xa hơn thế nữa. Ngài không muốn ta xóa sạch mọi tàn tích của lỗi phạm trong quá khứ. Bởi lẽ điều ấy, chẳng thể nào làm được. Canh cải đổi thay là chuyển hướng hành động từ ngày hôm nay, đến lai thời.   
          Canh cải đổi thay, cụm từ bắt nguồn từ metanoia tiếng Hy Lạp. Cụm từ trên, bao gồm một thay đổi từ gốc rễ mọi suy tư nghĩ ngợi. Quyết hướng nhìn về cuộc sống theo đường lối mới. Đường lối được Tân Ước bộc lộ trong trọn bộ Thánh Kinh. Chỉ khi nào có quyết tâm canh cải đổi thay tận gốc rễ như thế, ta mới trở nên thành viên của Vương Quốc Nước Trời. Mới đặt mình dưới sức mạnh chuyển đổi nhờ uy lực của Đức Chúa.
          Hơn nữa, lời mời gọi của Đức Giê-su là yêu cầu ta không chỉ sám hối về những gì mình lỗi phạm trong quá khứ, quyết không lập lại. Nhưng là đổi thay trọn vẹn lối hành xử, để tháp nhập công việc Chúa muốn ta làm. Công việc ấy, là hợp tác cùng mọi người nhất định chấm dứt cơn túng cực bần hàn, của người dân đen trên thế giới. Là, chấm dứt nạn đói nghèo, thất nghiệp. Là, vứt bỏ tính hờn - ghen nơi cộng đồng nhà Đạo và dứt đoạn lòng “tham - sân – si” quá mức độ. Chấm dứt lòng ham mua sắm quá khả năng.
          Lời mời gọi của Chúa, là cốt để cho dân con nhà Đạo biết tháp nhập vào với Vương Quốc Nước Trời. Ở đây. Ngay bây giờ. Lời Ngài mời gọi, được gửi đến không chỉ với dân con nhà Đạo, nhưng cả muôn dân nước, khắp nơi trên địa cầu. Vương Quốc Ngài lập, cần vượt trên không gian - thời gian, vượt biên giới của nhà Đạo. Nước Ngài mời gọi, cần thể hiện bằng nhiều cách. Ở nhiều nơi. Cả những nơi, Đạo Chúa chưa hội nhập được. Bởi, trên thực tế, có đến 80% dân số thế giới chưa biết đến Tin Mừng của Đức Chúa. Chưa biết Lời Ngài, vì Lời Mời Gọi ấy chưa phổ biến khắp dương gian. Thế nên, ta cần chuyển tải và coi Lời Ngài như mục tiêu đời sống, của mọi người chúng ta.
          Người nhận rao giảng Nước Trời, vào buổi đầu đời, chẳng phải là những kinh sư, Pharisêu, hoặc Biệt Phái. Mà là, giới thuyền nhân chài lưới, rất bình dân. Những người cả năm không cần sách bút, lẫn kinh kệ. Nhưng lại hiểu Lời, hơn ai hết. Và, có điều hi hữu nữa là: lời mời gọi Chúa gửi đến được chuyển tải ngay vào lúc các ngài làm công việc chài lưới. Chính vì thế, Chúa vẫn xác nhận: Thầy chọn các con, chứ không phải các con chọn Thầy.”
          Với các môn đệ, metainoia (canh cải) còn có nghĩa trọn vẹn thay đổi lối sống trở về trước. Là, làm như các môn đệ gốc thuyền chài: dứt khoát bỏ thuyền, bỏ lưới bỏ cả giòng sông, quyết theo Thầy. Quyết theo Thầy, nên các ngài hoàn toàn tin tưởng nơi Thầy. Tin, đến độ bỏ lại đằng sau mọi phương tiện sống, kế sinh nhai.
Bỏ mặc mà đi, dù không rõ thuyền về bến nao, đi nơi nào. Cũng tựa như Thầy đã dứt khoát bỏ rời thôn làng Na-da-rét. Bỏ mẹ cha, bỏ cả cuộc sống tay nghề thợ mộc chân phương cần cù, vào mọi lúc. Bỏ là như thế. Nhập vào với Đạo là như vậy. Bởi từ nay, mối lo âu không biết mình lấy gì mà sống, cho bằng sự lo lắng quan tâm đến anh chị em đồng loại của mình, sống sao đây.
          Xem như thế, đáp ứng lời mời của Đức Chúa trong canh cải, là khởi sự sống đời rất mới. Một đời có những hỗ tương đùm bọc hết mọi người. Mọi người, nơi cộng đồng nhân loại, đang ngóng chờ. Bởi, cộng đồng này giờ đây đã trở thành gia đình thân thương, rộng hơn. Lớn hơn. Yêu thương nhau hơn.
Về yêu thương người cùng cộng đồng, thánh Phao-lô cũng đã căn dặn cộng đoàn dân Chúa ở Cô-rin-thô, bằng những lời đanh thép nhưng thật tình: “Tôi khẩn khoản kêu mời anh em, nhân danh Đức Kitô, hãy thuận thảo với nhau để không có sự chia rẽ nơi anh em và anh em sẽ hoàn toàn hiệp nhất trong tư tưởng và thần trí”(1Cr 1:10).
          Lời mời gọi canh cải và biến đổi hôm nay, không phải để Đức Chúa thích nghi với lối sống ta đã lựa chọn, nhưng để ta trở nên xứng hợp với thị kiến của Ngài về sự sống. Làm như thế, không phải là ta đang thực hiện một hy sinh, đổi chác. Nhưng ngược lại, để bảo rằng ta đang trên đường ngay nẻo chính. Con đường dẫn ta đến thành tựu, Chúa bảo ban.

No comments: