Monday 16 April 2012

Lm Richard Leonard sj: Dấu lạ tỏ cùng ai?



Cộng đoàn hội thánh tiên khởi đã nhấn mạnh đến dấu tích hằn in trên thân xác của Đức Kitô đã sống lại. Sở dĩ các ngài làm thế, vì hai lý do: thứ nhất là để minh xác rằng Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết. Ngài vẫn là Thầy Chí Thánh từng sống với các môn đồ cho đến khi chết. Thứ đến, để bảo rằng: dấu hằn trên mình Thầy Chí Thánh là dấu tích Tình yêu của Đức Chúa.
Mặt khác, truyện kể về tính ngờ vực nơi thánh Tôma tông đồ mang nhiều chi tiết bí nhiệm. Thật ra, thánh nhân ngờ vực như thế là để phản chống ý nghĩ xảo giả, ma-thuật vẫn có trong đầu của người thời bấy giờ khi suy tư về sự sống lại. Quả là, thân mình Đức Kitô mang dấu tích của một hành hạ khổ ải dẫn đến cái chết nhục hình. Nay, thân xác ấy đã hiển vinh, đổi biến. Dấu tích trên mình Ngài hằn lưu khi sống lại, là để chứng tỏ cho môn đồ biết chính đó là Ngài, hầu tỏ lòng yêu thương, tôn kính. Các môn đệ đã nhận ra dấu tích, cùng lúc với lời dặn dò thân quen của Ngài. Như thế không còn ngờ vực điều gì nữa.
            Như ta biết, cộng đoàn Êphêsô là cộng đoàn được thánh Gio-an nhắm đến, khi ghi lại trình thuật Tin Mừng hôm nay. Cộng đoàn Êphêsô từng kinh qua các giai đoạn bách hại, hành hình. Sau ngày đó, mới có chuyện thế hệ tiếp nối đặt nghi vấn tự hỏi: các dấu tích Đức Kitô mang trong người, có thật là dấu tích của một hành hạ khổ ải, không? Thật ra, thì cật vấn hoặc ngờ vực vẫn là chuyện dài. Mọi thời đại.
            Thời ta sống, vẫn có người dè chừng việc Đức Kitô dẫn chứng về dấu tích của Ngài. Dạo gần đây, lại có thêm hàng loạt các phim truyện, tuồng tích như: Stigmata (dấu tích lạ), Dogma (Tín lý Đạo), Agnes of God (Agnes, thánh nữ của Chúa), và cả đến bộ phim gây kinh hoàng như Daredevil (Tên liều mạng), đã tạo sự thu hút nổ bùng, đôi khi mang dáng dấp của thái độ cay cú, cuồng nhiệt. Thậm chí, một số nhà làm phim tư liệu còn cho chiếu những khúc phim mang hình thái của một thách thức, đố kỵ như bộ phim dài nhiều tập: “Tin hay không còn tuỳ”; một phim lôi cuốn số đông người xem, suốt một dạo.
            Cả đến một số người hành hương cũng cố thân hành thăm tu viện của cha Padre Pio, miền Nam nước Ý, để tận mắt mục kích bàn tay thánh nhân có thực sự rỉ máu, hoặc vết đâm nơi nương long có thực sự chảy nước vàng, hay không? Những người ấy, muốn được thấy dấu lạ ngoài mặt chứ chẳng bận tâm đến niềm tin bên trong. Chính đó, là điều Đức Kitô hằng nhắc nhở. Chẳng thế mà, trình thuật hôm nay lại nhắc thêm: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Cuộc sống hôm nay là dấu tích để mọi người nhận ra là: chúng ta đang dõi bước theo Chúa trên đoạn đường khổ ải, có thánh giá theo cùng, và luôn sống lại cùng với Đức Kitô vinh hiển.
            Nhìn vào thực tế, ta thấy lời dạy và các dấu tích khổ hình vẫn được gửi đến với ta kèm theo lời căn dặn bình thường. Chẳng cần biện luận, ta cũng biết có nhiều vị được hưởng ơn lành của Chúa luôn mang dấu tích hành hình trên thân xác, nhiều tháng năm. Chẳng cần tìm hiểu, ta cũng nhận ra nhiều chứng cứ hiển nhiên, là: người tín hữu hôm nay đang phấn đấu cho niềm tin yêu nơi Chúa, đến độ nhiều lúc cũng mang dấu tích thương tật trên thân xác, của mình nữa. Sự thật, mỗi người chúng ta đều mang trong mình dấu tích sự chết của Đức Kitô. Tự thân, có người từng mang dấu vết tật nguyền thật đớn đau, vì Tình thương yêu Đức Chúa. Mặt khác, có người còn bị đời ngược đãi, đánh gục đến độ phải mang dấu tật, thật dài lâu. Nhưng tiếc thay, cũng có nhiều người, thay vì cảm thông ngợi khen Chúa, lại thúc thủ, nghi ngờ sự hiện hữu của Ngài.
            Truyện Phục sinh nghe hôm nay, không phải để ta chuốc lấy hổ thẹn, hoặc cố tranh cãi rằng: chuyện dấu tích là không có thật. Phúc Âm hôm nay, giúp ta nhớ rằng: chính vào lúc mà niềm tin của ta ra như hỗn loạn, đó là lúc Đức Kitô đến với ta, rất nhẹ nhàng. Bình an. Ngài đến với ta, đề nghị một đồng cảm với Đấng thương yêu ta đến độ mang trong mình dấu tích của những hành hạ thân xác, chỉ vì thương yêu ta. Đến với ta, là Ngài chuyển đạt sứ điệp thương yêu, tha thứ. Đến với ta, Ngài còn cho biết: dù không đồng cảm, ta vẫn được thứ tha. Các lỗi phạm  vẫn được loại trừ.
Nhiều năm trước, bản thân tôi cũng đã cảm nghiệm dấu tích của một chiến đấu riêng tư, khi tham dự buổi tĩnh tâm, hồi hướng. Đến khi thấy mình tụt xuống mức tột cùng, cũng là lúc vị linh hướng đem đến bài thánh vịnh 117 – như được trích trong thánh lễ hôm nay-- trong đó có lời khẳng định: “ngươi sẽ nhận ra rằng: đá tảng mà thợ xây loại bỏ, đã trở nên tảng đá góc tường”. Và, vị linh hướng chủ trì hôm ấy diễn giải thêm: thường thì, Chúa lấy đi những gì ta ghét bỏ, hoặc không thích. Ngài tha thứ tất cả. Ngài chữa lành mọi thứ; và dùng nó để xác định mô hình cuộc sống, sự chết và sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô đặt trong nội tâm của mỗi tín hữu. Để rồi, ta sẽ mãi mãi giữ được dấu tích Tình thương yêu của Ngài.
Đó là điều xảy đến với thánh Tôma tông đồ. Đức Kitô lấy đi nỗi sợ hãi của thánh nhân. Ngài tha thứ cho lòng nghi kỵ thiếu niềm tin vẫn có nơi người phàm và Ngài chuyển đổi thành dấu chứng hùng hồn, hầu đỡ nâng các thế hệ tiếp nối, đến sau. Nhờ vậy, thế hệ hôm nay cũng mang dấu tích của cuộc phấn đấu cho sự sống. Cho niềm tin yêu, cũng một kiểu.
Thành thử, vào Tiệc thánh mùa Phục sinh hôm nay, ta được ban cho cơ hội tốt để khám phá ra rằng: đá tảng người thợ xây loại bỏ, vẫn còn nằm trong ta, từ lâu. Nằm, giữa cộng đoàn ta chung sống. Đá ấy, nay được Chúa dùng như tảng đá góc tường, làm nền cho tình thương yêu mọi người. Vì thế, khi nhận ra dấu tích của một hành hình, khổ ải hãy nhớ rằng: Chúa đang lấy đi một phần từ nơi ta. Và, Ngài làm thế là vì Tình yêu ban cho ta. Và, Chúa dùng nó để làm lợi cho ta. Để rồi, ta sẽ cùng với tác giả thánh vịnh ở trên, mà ca lên: “đây là việc Chúa làm. Là kỳ quan, Ngài ban cho”. Dấu tích của một hành hình, bách hại, khổ ải vẫn là dấu tích của một kỳ quan. Kỳ quan yêu. Tình yêu Ngài ban,  không riêng gì cho ta. Mà, cho mỗi người. Mọi người.
Lm Richard Leonard sj
Mai Tá phỏng dịch

No comments: