Tuesday 12 April 2011

Lm Richard Leonard sj: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào? Chương 7

Khi giờ của bạn đã điểm, thì giờ của bạn đã điểm, bạn không được thêm một giây nào
cả.

Thiên Chúa không giết bỏ chúng ta.

Chắc là trên trán tôi có khắc hàng chữ kẻ ngoại đạo hay sao mà hễ cứ mỗi lần tôi đi ra các trung tâm thương mại và đang mải miết với công việc của tôi thì y như rằng tôi lại bị níu kéo bởi những anh chị em Ki-tô hữu cực đoan của chúng ta. Thường thì hầu như mỗi bận như vậy, họ đều tiến lại gần tôi và hỏi rằng:

“Chào anh, anh có dâng cuộc đời anh cho Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của anh chưa?”

“À, nói thật ra thì tôi đã dâng rồi.” “Anh có biết nói nhiều thứ tiếng hay không?” “Tôi biết, nhưng tôi không nói.”

“Anh có biết những đòi hỏi của việc sống theo gương Đức Giê-su hay không?”

“Nghe đây, anh bạn, tôi nghĩ là đức khó nghèo, đức khiết tịnh, và đức vâng lời vì Đức Giê-su suốt cả cuộc đời là một câu trả lời khá là đúng hướng cho anh đó.”

Mặc dù vậy, trong khi nói như trên, tôi nhớ về ngày tuyên khấn của tôi ở Dòng Tên khi một người bạn thân, trong lúc đang nhìn ngắm khung cảnh nơi sắp diễn ra lễ tuyên khấn – khu nhà dòng tráng lệ ở St. Ignatius College, Sydney – đã bảo tôi: “Nếu khó nghèo mà là như vầy, thì tao muốn thấy coi khiết tịnh ra sao.”

Trở lại khu thương mại nơi mà giờ đây tôi đang muốn bắt chuyện với mấy người kia.

“Anh có vui lòng cho tôi hỏi vài câu hay không?”

“Dĩ nhiên rồi.”

“Anh có tin là tất cả mọi chi tiết trong Sách Thánh đều hoàn toàn là sự thật từng li từng chữ theo nghĩa đen hay không?”

“Amen, tin chứ” là câu trả lời người ta thường nói mà không thèm suy nghĩ gì đến câu hỏi.

“Ờ, nếu vậy thì, may ra anh có thể giúp tôi. Thế giới được tạo dựng trong bảy ngày hay chỉ trong một ngày mà thôi – hai chương đầu trong Sáng Thế Ký có hai câu trả lời khác nhau. Sứ thần truyền tin đã đến gặp cô Ma-ri-a hay gặp ông Giu-se? Đức Giê-su đã lên Giê-ru-sa-lem một lần hay nhiều lần? Bài giảng trên núi là ở trên núi hay trên bình nguyên? Có bốn mối phúc thật hay tám mối? Có mười điều răn trong Kinh Lạy Cha, hay chỉ có năm mà thôi? Những lời cuối cùng của Đức Giê-su là gì – trong bốn bộ Tin Mừng có tới ba lời khác nhau? Vào buổi sáng Phục Sinh, Đức Giê-su hiện ra với ông Phê-rô trước, hay hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la trước? Và việc thăng thiên và lễ Hiện Xuống xảy ra vào lúc nào – trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh hay bốn mươi ngày sau đó?”

Tới mức này thì thường là người trưởng nhóm đã tiến đến chúng tôi và đề nghị rằng, “thôi anh đi đi bởi vì mình không nên đặt câu hỏi về Lời Chúa, mình chỉ nên sống Lời Chúa thôi.” Và điều đó, gói gọn ghẽ trong một cái vỏ đậu, chính là một trong những vấn đề.

Trong vai trò tín hữu Công Giáo, tạ ơn Chúa, ít nhất là từ thập niên 60, chúng ta đã chính thức không còn đọc các văn bản thánh kinh theo nghĩa đen nữa. Chúng ta không phải là những người cực đoan tin theo từng chữ một trong Sách Thánh. Đó là, cho đến khi ta đọc những đoạn về việc Thiên Chúa biết “từng sợi tóc trên đầu chúng ta” và biết “cả cuộc đời ta từ trước khi lọt lòng mẹ” (Gr 1:5; Gl 1:15-16; Cn 16:33; và Mt 10:30). Và rồi chúng ta trở thành những kẻ cực đoan. Trong hình thức nguyên thủy của chúng, những đoạn này là những ví dụ lâm ly bi đát của thánh kinh về lòng quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa cho từng người một. Nhưng ngày nay thì ta không hiểu theo cách như vậy. Các đoạn này được dùng để giải thích ý tưởng là Thiên Chúa biết và định ra những năm, tháng, tuần, ngày, giờ, phút, giây của mỗi cuộc đời.

Mỗi khi đến viện dưỡng lão tôi thường hay được hỏi là “Thưa Cha, sao Chúa vẫn chưa chịu gọi Bà con về?” và tôi muốn trả lời là “vì Bà con vẫn chưa chịu tắt thở.” Nếu dùng các môn thể thao cricket hay baseball làm tỷ dụ, ta có thể nói là “Thôi, Bà con đã có những chặng đường dài tốt đẹp rồi.” Dùng câu này thì khá hợp tình hợp cảnh khi mà người mới qua đời là người đã cao tuổi. Nhưng cũng câu đó, thì hàm ý biết ơn lại hoàn toàn biến mất khi tôi đang an ủi những người cha mẹ vừa mất một đứa con ở bất kỳ độ tuổi nào, nhất là khi đứa bé chết non trong bụng mẹ, hay khi một đứa bé bị chết trong tuổi ấu nhi. Không một người cha người mẹ nào đáng bị trải qua thảm cảnh phải đem chôn đứa con của mình.

Những nỗi đau đớn hằn sâu rõ nét nhất mà tôi từng chứng kiến là khi một đứa trẻ bị mắc bệnh trầm trọng, hay lúc đứa trẻ vừa mới qua đời. Lúc đó cha mẹ đứa trẻ sẽ hỏi một cách đau khổ rằng, “Chúa đang ở cái xó nào?” Và những câu trả lời “Mọi sự đều là mầu nhiệm”, hay “Đường lối của ta không giống đường lối thế gian”, hay “Chắc là Chúa đang cần thêm một thiên thần trên thiên đàng đó thôi” thì không an ủi được gì cả. Tôi không tin là những câu đó đã từng an ủi được ai cả. Tôi có quen biết những bậc cha mẹ có trình độ học vấn cao, những người này đã ngưng sống đời sống đức tin của họ bởi vì không ai có thể giúp họ tìm ra một ý nghĩa hữu lý nào cho cuộc đời và cái chết của con cái họ, ngoài cách bảo họ rằng “Chúng ta sẽ hiểu lý do khi nào lên thiên đàng, khi đó Chúa sẽ lau khô hết những dòng lệ của chúng ta.” Mặc dù chúng ta tin điều đó là đúng, và tin là có một chiều kích huyền bí trong tất cả mọi sự đau khổ, nhưng cách nói cái chết là một mầu nhiệm thì không giải thoát chúng ta khỏi việc áp dụng trí thông minh và khả năng lý luận của mình để đồ đoán những câu trả lời rõ ràng hơn. Và mặc dù một số những phản ứng này có thể là không đưa đến hết tất cả những câu trả lời cho những câu hỏi của ta, nhưng các phản ứng đó vẫn có thể đem lại nhiều an ủi hơn là những sự rập khuôn tầm thường mà hiện tại vẫn hay được dùng làm lời an ủi trong Ki-tô Giáo.

Cũng xin thưa rằng, Thiên Chúa không cần phải có thiên thần trên thiên đàng. Trong khoa thần học chúng ta tin rằng Thiên Chúa là độc lập. Thiên Chúa không cần bất cứ điều chi cả, và vì thế Người không có nhu cầu lấy mạng các trẻ thơ con cái của chúng ta, dù chúng có xinh đẹp ngây thơ như thiên thần hay không. Điều lý thú về Ki-tô Giáo là chúng ta tin rằng Thiên Chúa muốn có chúng ta. Đó là lý do tại sao nhân loại được tạo ra. Tôi giả thiết là, cũng có thể lý luận là Thiên Chúa muốn có một số hữu thể nhân loại nào đó tới mức Thiên Chúa đem họ trở về trời nhanh hơn, sớm hơn, so với tiêu chuẩn của chúng ta. Nhiều Ki-tô hữu thuần thành tin vào điều này, nhưng đây là một câu rất khó mà đem ra nói trước cảnh cha mẹ bị mất con. Cái đấng Thiên Chúa độc tài đó đã trở lại, những gì mà đấng Thiên Chúa đó ước muốn có thể tàn phá cuộc đời chúng ta. Tôi không có vấn đề gì với kiểu nói “chuyến hành trình” rất thường được dùng trong ngôn ngữ tang chế của chúng ta ngày nay, nhưng tôi tránh thật xa những cách nói như “Chúa cất về” hay “Chúa gọi về” mỗi khi có người qua đời. Tôi nghĩ nói như vậy thì không giúp ích được gì vì những cách nói đó có thể làm hạ giá tình yêu và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Tại sao Chúa lại muốn “gọi” một em bé hai tuổi về thiên đàng hơn là muốn “để lại” đứa bé trong vòng tay yêu thương của cha mẹ? Và nếu như Thiên Chúa cứ muốn “gọi”, muốn lấy đi những đứa con cái mà ta yêu thương bằng cách làm cho chúng bị chết, vậy thì tại sao Thiên Chúa không gọi luôn những đứa trẻ mà từ lúc còn rất nhỏ tuổi đã bị hành hạ về mặt thể xác hoặc bị xâm phạm tình dục do chính cha mẹ và gia đình tội lỗi của chúng, hay gọi luôn những em bé mồ côi đứng bám vào thành nôi với hai cánh tay giang rộng mà không có ai đến ôm ấp vỗ về hoặc nhận các em làm con nuôi?

Tương phản với điều này, tôi nghĩ là thật vô cùng thích đáng để tin rằng cuộc đời – từ lúc trong lòng mẹ cho đến lúc vào viện dưỡng lão – không phải là một gang tấc thời gian đã được Thiên Chúa định đoạt sẵn từ trước, mà là cơ thể chúng ta sẽ sống cho tới khi nó không còn có thể hoạt động được nữa, vì bất cứ lý do tự nhiên gì hay tai nạn gì. Thiên Chúa không phải là một yếu tố chủ động trong tiến trình này, nhưng, một lần nữa, chịu trách nhiệm trong việc tạo ra loài người chúng ta không có tính trường sinh bất tử. Trong thần học cổ điển, nếu không tin như vậy thì chỉ còn có cách cho rằng chúng ta đã được tạo dựng là một bản thể tâm linh không có thể xác, hay là một thiên thần. Nhưng mà nếu vậy thì tôi sẽ không còn là tôi nữa.

Do đó, khi thể xác chúng ta chết, linh hồn hay tâm linh của chúng ta sẽ bắt đầu chuyến hành trình cuối cùng về nhà Cha. Chúng ta rất nên ngưng lại một chút ở đây để ngẫm nghĩ xem thành phần nào trong bản thể của chúng ta sẽ thực hiện chuyến hành trình này, phần nào sẽ còn tồn tại sau khi ta chết. Rõ ràng là, nếu chúng ta không thể biết rõ là Thiên Chúa có thể đặt vào đâu trong cái thế giới nhiều khi rất ác độc này, thì bản chất của linh hồn cũng là đối tượng của sự suy diễn.

Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là, trong khi cái khái niệm thiêng liêng về một linh hồn và việc sử dụng khái niệm đó trong ngôn ngữ tôn giáo đã dần dần suy giảm, nhưng thuật ngữ linh hồn vẫn luôn được nhắc tới trong các cuộc đối thoại thông thường. Nhiều người không-tôn-giáo vẫn hay sử dụng cái thuật ngữ nặng tính tôn giáo bậc nhất đó để nói về một người khác. Chúng ta thường được nghe là có những người cô đơn ra sao, buồn khổ ra sao, hay lạc mất hồn phách ra sao. Hay cũng có thể nói rằng ai đó có một “tâm hồn cao đẹp”, hay một khúc nhạc nào đó, một bức tranh nào đó, hay một tác phẩm nghệ thuật nào đó đã “khuấy động hồn tôi”. Chúng ta diễn tả loại nhạc jazz trầm buồn là “chạm thấu tâm hồn”, và khi có ai gặp nạn cần cấp cứu thì chúng ta vẫn kêu cứu bằng tín hiệu SOS – “save our souls – xin cứu linh hồn chúng tôi”. Những cách sử dụng thuật ngữ này đã khẳng định giáo huấn của thánh Thomas Aquinas là linh hồn làm nên bản tính loài người của chúng ta và phân biệt chúng ta với những loài động vật khác. Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều tin vào linh hồn hay một khái niệm tương tự – một điều gì đó tồn tại chứ không bị tiêu tan như thân xác khi chết.

Tôi đã đạt tới một quan niệm là, bất kể những tính chất gì khác mà linh hồn có thể có, ký ức là một thành phần chặt chẽ của linh hồn. Ký ức của chúng ta tồn tại sau khi chết.

Tôi đã từng làm nhiều lễ an táng cho những người mắc bệnh Alzheimer (một loại bệnh mất trí nhớ của người cao niên). Đó là những đám tang rất buồn bã vì gia đình người chết hầu như đều nói rằng họ đã “mất” người thân yêu từ nhiều tháng hay nhiều năm trước chứ không phải đợi đến lúc đó. Tại sao? Bởi vì người thân yêu của họ đã dần dần, dần dần không thể nhớ được ai hay không thể nhớ điều chi cả. Chúng ta tin vào việc chăm sóc cho thân xác con người từ lúc còn trong lòng mẹ cho đến lúc xuống đáy mồ bởi vì chúng ta tin rằng phẩm giá con người phải luôn luôn được tôn trọng. Ngày nay có những giả thuyết cho rằng thậm chí những ký ức về hoàn cảnh khi ta được thụ thai hay những ký ức lúc ta chào đời cũng có thể có ảnh hưởng đến cách sống của chúng ta sau này. Cũng rõ ràng là ngay cả khi người ta trông dường như là bị mất trí nhớ, hay đang bị hôn mê bất tỉnh, người ta vẫn có thể nhận biết được một số sự việc trong tiềm thức sâu thẳm của họ. Chẳng hạn như, tôi vô cùng ngạc nhiên khi những người mắc bệnh Alzheimer không thể nhớ ra họ là ai hay họ đang ở đâu, nhưng vẫn có khả năng kiến tạo những câu nói hoàn toàn đúng văn phạm bằng tiếng mẹ đẻ của họ, và có khi bằng cả những ngôn ngữ khác mà họ đã học được trong đời. Ngôn ngữ là một sự vận dụng trí nhớ sâu sắc, ngay cả khi ý nghĩa của những câu nói đó có thể rất là khó hiểu.

Ký ức, như một trong những yếu tố cấu tạo thành linh hồn tôi, có nghĩa là đến khi tôi gặp Thiên Chúa diện đối diện, tôi sẽ nhớ ra tôi là ai và tôi đã sống như thế nào, và Thiên Chúa sẽ nhận ra tôi. Đó là cũng là một niềm an ủi cho chúng ta khi nghĩ rằng chúng ta có thể sẽ lại được đoàn tụ với những người lìa đời trước chúng ta mà ta đã từng yêu thương ở trần gian, bởi vì chúng ta sẽ nhớ ra và sẽ nhận ra nhau.

Còn về việc thế giới ở đời sau sẽ như thế nào, nếu như tôi đã can đảm đến mức dám suy luận về việc giữ vững đức tin khi đối diện với đau khổ, và về bản chất của một linh hồn, thì tôi cũng sẽ đánh liều mà suy luận luôn về ba điều của ngày sau cuối.

Cách nay không lâu, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã gây ngạc nhiên cho một số người khi đưa ra ý kiến là thiên đàng, địa ngục, và luyện ngục có thể không phải là những nơi chốn mà ta trải qua thời gian, nhưng có thể là những cuộc trải nghiệm mà ta trải qua hay vượt qua. Tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng nói đúng, không những chỉ vì thời gian và không gian là các yếu tố của thế giới kém hoàn hảo này, chứ không phải của thế giới ở đời sau, mà còn vì điều này mở ra những ý tưởng thú vị về việc những cuộc trải nghiệm đó là như thế nào, và truyền thống Công Giáo thật phong phú ra sao trong vấn đề này.

Khi tôi nghĩ về cuộc sống đời sau có thể sẽ như thế nào, tôi liên tưởng đến dụ ngôn tuyệt vời về lòng nhân hậu của Thiên Chúa trong Luca 15:11-24, dụ ngôn Người Con Hoang Đàng. Đó là một đứa con trai người Do-thái đã phạm hai trong số những tội nặng nhất mà nó có thể phạm: nó phung phá tan hoang phần gia tài được thừa hưởng từ tổ tiên, rồi lâm vào cảnh túng thiếu khốn cùng đến nỗi muốn ăn cả những thứ heo ăn. Rồi nó quyết định trở về nhà mà tạ lỗi với cha mình. Tôi nghĩ rằng chuyến trở về nhà đó cũng giống như cái chết của tất cả chúng ta – chuyến hành trình cuối cùng. Hình ảnh này được gợi lên thật rõ nét trong nghi thức rước Mình Thánh Chúa lần sau hết dành cho những người đang hấp hối, được gọi là Viaticum, mà theo nghĩa đen chính là của ăn đàng – lương thực cho cuộc hành trình.

Trở lại câu chuyện dụ ngôn, người cha ra ngõ trông ngóng suốt cả ngày, và mỗi ngày đều như vậy, để mong thấy bất cứ dấu hiệu gì là đứa con đã trở về. Tôi nghĩ điểm rất đáng lưu ý ở đây là người cha đã không đi tìm con và đã không nắm đầu nó mà lôi về nhà. Đứa con phải tự mình bước trên con đường trở về nhà, cũng tương tự như những gì sẽ diễn ra khi chúng ta qua đời. Chúng ta bắt đầu chuyến hành trình cuối cùng về nhà. Và khi người cha vô cùng nhân hậu này thấy đứa con của mình, ông vội vã chạy đến, ôm hôn nó, và ra lệnh dọn tiệc mừng nó trở về, mà tất cả những việc này diễn ra ngay cả trước khi đứa con kịp nói xong câu tạ tội mà nó đã nhẩm đi nhẩm lại trong đầu. Đó chắc chắn phải là thiên đàng. Đối với một số người đã cố gắng hết sức mình, mặc dù có khi thất bại, nhưng ít nhất chúng ta cũng biết giữ những điều đúng đắn căn bản, thì Thiên Chúa – đấng biết rõ tim ta và đã đồng hành với ta khi ta đang lê bước dưới những gánh nặng khó khăn trong cuộc đời – thậm chí cũng không cần tới một lời tạ tội. Chúng ta được chào đón về lại nhà.

Tuy nhiên, đối với một số người khác, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa có thể sẽ rất đau đớn cho chính người đó bởi vì, như tôi đã trình bày trong quyển sách này, Thiên Chúa rất xem trọng những chọn lựa tự do của chúng ta. Vì vậy khi Người Cha Nhân Hậu thấy bóng dáng một số người trong chúng ta, Người sẽ vội vã chạy đến để gặp chúng ta, nhưng khi chúng ta được đối diện với ngay chính tình yêu, thì chúng ta sẽ nhớ lại những lần mà chúng ta đã tự do và cố tình có những hành động hủy diệt đối với chính bản thân mình, với người khác, hay với thế giới. Vào thời khắc đó, chúng ta sẽ được cho phép để nói cho xong câu tạ tội đã được nhẩm đi nhẩm lại, mà cầu xin, và quả thật trong một vài trường hợp, mà khẩn khoản nài van sự tha thứ. Chúng ta sẽ phải trả giá thật đắt cho những gì mình đã phạm, bởi vì đó sẽ là lúc thật quyết liệt, và vì Thiên Chúa cũng phải trả giá khi tha thứ cho chúng ta. Nhưng bởi vì Đức Chúa Cha là đấng đầy lòng nhân hậu và đầy lòng xót thương, nên chúng ta sẽ được tẩy rửa, hay thanh luyện, trong tình yêu. Những điểm tương đồng với cách lập luận này cũng được thấy trong lời Đức Giáo Hoàng Benedict: “Ngày nay chúng ta cứ quen với lối suy nghĩ là: Tội lỗi là cái gì chứ? Thiên Chúa vô cùng cao cả, Người thấu hiểu chúng ta, cho nên tội lỗi không là gì đáng kể cả, cuối cùng thì Thiên Chúa cũng sẽ tha thứ cho hết tất cả mọi người ... Đó là một niềm hy vọng tốt đẹp. Nhưng cũng có công lý, và cũng có sự kết tội. Những ai đã từng gây tổn hại cho người khác hay cho quả đất thì không thể được lập tức ngồi ngay vào bàn tiệc của Thiên Chúa chung với những nạn nhân của họ.”

Sau hết, tôi nghĩ có thể một số người trong chúng ta trong chuyến hành trình về lại nhà, Đức Chúa Cha sẽ vội vã chạy đến gặp chúng ta, nhưng khi chúng ta đối diện với ngay chính tình yêu, ta sẽ lặp lại điều mà ta đã tự do và cố ý chọn lựa để làm trong suốt cả đời ta – ta sẽ từ chối tình yêu của Thiên Chúa và sẽ ngoảnh mặt bỏ đi – đó là tội trọng nhất trong tất cả mọi tội lỗi, tội mà rõ ràng là phản ánh cách ta đã sống cuộc đời trần gian của mình. Đó chắc chắn phải là địa ngục – vực thẳm – khi đã thấy dung nhan Thiên Chúa, của chính tình yêu, mà lại ngoảnh mặt bỏ đi bởi vì chúng ta đã bao giờ cũng ngoảnh mặt bỏ đi. Và Đức Chúa Cha sẽ đau lòng mà chấp nhận sự lựa chọn của chúng ta, ngay cả khi điều lựa chọn đó là từ chối tình yêu của Người. Như Đức Giáo Hoàng nói: “... cuộc phán xét sau cùng của Thiên Chúa chính là điều sẽ bảo đảm công lý. ... Chúng ta phải đặc biệt nhấn mạnh rằng tội lỗi có khả năng hủy diệt chính người phạm tội, và vì thế cũng hủy diệt những phần khác trong thế giới.” Nhưng cũng như đức giáo hoàng, tôi không cho rằng có đông người trong nhóm cuối cùng này. “Có thể là không có quá nhiều người đã hoàn toàn tự hủy diệt mình như vậy, những người vĩnh viễn không thể hoán cải, không còn bất cứ chút yếu tố nào để tình yêu của Thiên Chúa có thể ngự vào, không còn có một chút khả năng nào để yêu thương. Đó sẽ là địa ngục.”

Đây là lý do tại sao tôi không tin là Thiên Chúa giết bỏ chúng ta, mà tin là dù cho sự chết có đau lòng cách mấy, chúng ta biết rằng ta sẽ gặp lại anh chị em của mình, và tin là theo niềm hy vọng Ki-tô Giáo thì cuộc chia ly của chúng ta không nhất thiết phải là một sự “vĩnh biệt”, mà là một sự “hẹn gặp lại ngày sau”.

Lm Richard Leonard sj
Bản tiếng Việt: Cecilia Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

No comments: