Thursday 24 June 2010

Lm Richard Leonard sj: Phiêu lưu mạo hiểm mòn bước chân.


Lòng ta tha thiết đượm tình yêu,

Như cảnh trời xuân luyến nắng chiều,

Mắt lệ đắm trông miền cách biệt,

Phút giây chừng mỏi gót phiêu lưu.

(thơ Thế Lữ)

Phiêu lưu mạo hiểm mòn bước chân, chuyện đã đành. Phiêu bạt đây đó làm chứng cho Lời Chúa, nào thấy mỏi. Phiêu lưu rao truyền Lời Chúa, là bổn phận Chúa vẫn kêu mời, từ ngàn xưa.

Trình thuật Lời Chúa hôm nay, mở cho thấy khoảnh khắc rất quan trọng, trong cuộc đời Đức Kitô. Gần đến ngày Ngài được cất nhắc về cùng Cha, Đức Giê-su cương quyết lên đường đi Giê-ru-sa-lem. Với Tin Mừng thánh Luca, Giêrusalem là điểm tập trung toàn bộ cuộc đời của Chúa. Toàn bộ tập trung, vì đây là nơi chốn Ngài hoàn thành công trình cứu độ. Và, cũng từ Giê-ru-sa-lem, công trình của Ngài lan rộng khắp mọi nơi, trên thế giới.

Quyết lên đường, Đức Giê-su đưa ra mẫu mực thử thách đến với ta, để ta tham gia công trình hầu chấp nhận làm mọi việc được ủy thác. Điều trớ trêu, là: ngày Ngài lên đường vào làng Samaritanô, nhiều người ở đây không tiếp nhận Ngài. Và, Ngài đi Giêrusalem, là để chấm dứt tình trạng rẽ chia, đang lan tràn. Ngài quyết phá đổ mọi rào cản chia cách mọi người. Và, đem bình an và hòa hợp đến với mọi người.

Tin mừng “đi Giêrusalem”, nhắm vào trọng tâm ý nghĩa của Tiệc Thánh, thời buổi này. Tin Mừng cũng nhằm vào sự đáp trả của mỗi người trong ta, khi Chúa kêu mời cùng Ngài lên đường. Thấy Ngài lên đường, nhiều người cũng muốn đi theo. Như vẫn thấy dẫy đầy ngày hôm nay. Vẫn thấy, nhiều người trong cộng đoàn dân con Đức Chúa, chỉ biết đi là đi. Chứ chẳng hiểu tại sao lại “đi Giêrusalem”. Đi như thế, có ý gì? Với Chúa. Với những người đi theo Ngài.

Có 3 loại người muốn theo Ngài. Và, có lẽ một hoặc hai người trong số này, có thái độ giống như ta, hôm nay. Thành thử, hãy thử xét xem sao, thái độ của những người dự tính đi theo Chúa. Người thứ nhất tuyên bố: Thầy đi đâu, tôi cũng xin theo! Nói là nói thế, nhưng những người theo dạng này, đâu am tường thực tế Ngài phải đối đầu. Và, câu đáp trả của Đức Giê-su làm họ không mấy hứng thú. Dấn thân làm ngôn sứ, như Ngài, tức biết mình sẽ không nhà không cửa. Không chốn vắng tựa đầu. Nào dám theo.

Loại người thứ hai cũng muốn đi. Nhưng, vẫn nại vào lý do khiến Chúa không thể trách móc. Để rồi, cuối cùng cũng bỏ cuộc. Và, thái độ đáp trả của Chúa thoạt nghe, có vẻ nghịch lý/nghịch thường, nhưng lại là điều kiện cho những người dấn bước theo chân Đức Ngài. Theo chân Chúa, là: hãy để lại mọi sự. Bỏ đó mà ra đi loan báo Nước Trời, cho mọi người. Ở đây nữa, có thể: thân phụ của người thanh niên trong trình thuật, thật sự đâu đã chết. Anh chỉ muốn chờ khi báo hiếu cho cha xong xuôi, rồi mới quyết định. Và, đây là lý do chính đáng để khước từ lời Chúa mời. Và, đây cũng là trở ngại khác, khiến người quyết tâm không thấy vững chí, mà ra đi.

Trả lời cho những người như thế, Đức Kitô chỉ muốn xem con người đặt sự việc nào ưu tiên hơn cả, ở đời mình. Và, ý Ngài là: ta vẫn được mời gọi thực hiện việc dựng xây Nước Trời, ở trần gian. Ngay trước mắt. Làm xong việc ấy rồi, mọi sự cũng sẽ “bất chiến, tự nhiên thành”. Bởi, Nước Trời chính là: thế giới của sự thật. Của lòng xót thương. Sự công chính. Của tự do và an bình. Của, thế giới nhất định sẽ xẩy đến. Cho trần gian.

Loại người thứ ba, cũng muốn theo chân Chúa, thật đấy. Nhưng, lại vẫn phải quay về từ biệt bạn bè người thân, xong cái đã. Thái độ này, có nghĩa là: người như anh, chỉ muốn có cuộc sống vui nhộn với bà con bạn bè, mà thôi. Trong khi đó, muốn trở thành đồ đệ của Chúa, buộc lònh mọi người phải có quyết tâm. Không do dự. Lời Chúa mời gọi, là: lời mời ở đây. Hôm nay. Và, lời đáp trẻ phải là lời đáp ứng rất tự do. Ở đây. Hôm nay. Chứ, đâu là chuyện xảy đến trong tương lai. Đề cập đến chiếc cày, la Chúa ám chỉ lời tiên tri Isaya ở bài đọc 1.

Bài đọc 1, Êlisha đáp ứng lời kêu gọi làm ngôn sứ, ngõ hầu tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm mình là: tiên tri Êlya. Đệ tử Êlisha cũng muốn giã từ cha mẹ. Và, ông cũng đã về nhà, để giết bò, đốt cháy chiếc cày, rồi tay không đến với sư phụ của mình, là Êlya. Tin Mừng Chúa, được viết không phải để ta hiểu từng chữ, theo nghĩa đen. Nhưng, thánh sử muốn để người nghe có dịp suy nghĩ về những điều Chúa đề cập. Thật sự, thì điều thánh sử muốn nói, tức: vật chất, tình cảm và tri thức đều có thể là rào cản ngăn chặn khiến ta không thể đi theo Chúa một cách vô điều kiện. Đời người hôm nay, lại có quá nhiều thứ để ta vui chơi hưởng thụ. Dễ biến Lời Chúa, nmhạt nhoà, mờ dần. Chẳng bận tâm gì chuyện tham gia, dính dự. Đời người, lại có quá nhiều thứ để bận tâm. Lo lắng. Nuối tiếc. Nuối tiếc nhiều, những chuyện xảy ra, trong quá khứ. Vẫn cứ lo ngại không ít, về những chuyện sắp xảy đến, trong lai thời.

Các yếu tố nêu trên, đều khiến cuộc sống càng thêm phức tap. Trục trặc. Phần đông trong chúng ta, mới chỉ sống có phân nửa cuộc đời. Hoặc đang sống cuộc đời của người khác. Chứ, chưa hẳn là đã và đang thực sự sống đời mình. Cho riêng mình. Và, đó cũng là điều mà thánh Phaolô nhắc nhở cộng đoàn Galát: ”Quả thế, anh chị em đã được gọi để hưởng sự tự do.” (Gl 5: 13)

Sở dĩ thánh Phaolô phải nói lên điều đó, vì có nhiều vị ở nơi đây là người Do thái, đã trở lại. Và xem ra, nhiều người trong số đó chỉ muốn quay về với truyền thống Do thái giáo, thời xưa cũ. Trớ trêu thay, đối với mọi người, xưa cũng như nay, tất cả đều đã và đang lo sợ. Lo và sợ, vì mình đang có quá nhiều tự do.

Nhưng, tự do thực sự, không phải là thách thức quyền bính. Cũng không là, tự cho mình có quyền tha hồ vui thú. Hưởng thụ. Tha hồ phiền hà người khác. Tự do, cũng không là thái độ cứ ưỡn ngực tuyên bố: tôi có quyền mở to máy hát, chẳng cần biết rằng hàng xóm mình đang khổ sở vì âm thanh. Tiếng nhạc. Hoặc, cứ đua xe trên đường phố, chẳng sợ ai. Chẳng san sẻ đường đi nước bước, với mọi người. Người có tự do đích thực, là người biết quan tâm đến tha nhân. Biết để ý xem, tha nhân có cần mình giúp đỡ gì không. Tự do, là biết rằng những người thân-cô-thế-cô, đang đau khổ. Là, biết đối xử với những người đó như nguời anh/người chị, cùng nhà.

Thánh Phaolô còn thêm: “Đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt; nhưng hãy lấy tình thương mà phục vụ lẫn nhau.” (Gl 5: 13) Tự do như thế, không là thái độ trốn tránh thực tại sống. Nhưng, biết giáp mặt, đối đầu với cuộc sống. Tự do thực, là dám nhận lãnh trách nhiệm chăm lo cuộc sống của chính mình. Và, không đem khó khăn riêng tư của mình mà đổ lên đầu người khác. Không coi họ như mối oan khiên. Như con dê tế thần, chịu hết mọi trách nhiệm. Tự do, còn có nghĩa: không đeo bám vào các tiện nghi vật chất. Vào mọi sự ở ngoài, như: tiền tài, nhà cửa, chức vụ, cùng công danh. Sự nghiệp. Hệt như thế.

Kỳ lạ thay, người tự do đích thực sẽ làm được những gì mình mong muốn. Bởi, những điều họ mong và muốn, là: dựng xây thế giới tôn trọng sự thật. Thế giới biết san sẻ. Săn sóc nhau. Biết tạo cho nhau, sự an bình hiền hoà, trong nội tâm. Người có tự do, là người rất tách bạch. Không lấy đi mọi thứ tốt đẹp, của người khác. Vì làm thế, không là san sẻ thị kiến chung, của mọi người. Nhưng, biết được khó khăn của người khác để giúp đỡ. Để, coi nhẹ khó khăn mình đang gặp.

Đó là tự do ta gặp nơi Chúa. Nơi Êlisha. Nơi thánh Phaolô tông đồ. Là, tự do ta gặp được nơi mẹ Têrêxa, thành Calcutta. Nơi GM Oscar Romero. Nơi Maximilian Kolbe. Dietrich Bonhoeffer. Và, nhiều người khác. Tất cả, đều nói tiếng “Xin vâng” vô điều kiện, với Chúa. Với cuộc sống. Tất cả, đều đã cương quyết ra đi theo Ngài lên đường về Giêrusalem. Quyết không ngoái cổ nhìn về phía sau, khi đã bước chân ra đi. Tất cả, đều có lòng tha thiết, đượm tình yêu. Đều lên đường phiêu lưu với Chúa, chưa từng mệt.

Là dân con Đức Chúa, ta cứ thế mà lên đường. Lên đường, đem tình thương đến với muôn nơi, như Lời Ngài vẫn dạy. Lời Ngài dạy suốt ngàn năm, không nhạt nhoà. Mòn mỏi. Mòn mỏi sao, khi người người đã có tự do. Đã được Chúa yêu thương. Như được thấy “cảnh trời xuân luyến nắng chiều”. Chiều Giêrusalem. Tự do. Như mọi chiều. Ở mọi chốn.

No comments: