Saturday 26 June 2010

Gs Nguyễn NgọcLan: Nói chuyện “Tử Đạo” với ông Nguyễn Khắc Viện (tiếp theo và hết)


Vẫn chỉ một chuyện đồi bại Đại Ngu.


Lý do bắt đạo đạo vì đạo: Nho giáo trị


Bắt đạo chỉ nguyên vì lý do tôn giáo, đó là một sự kiện lịch sử. Sự kiện lịch sử này lại không phải là chuyện ngẫu nhiên. Nó có lý do của nó, nó có cả cái “lôgích” nội tại của nó.


Điều đó, một người không xa lạ với ông là ông Nguyễn Khắc Dương đã từng nói lên trên tờ Làm Dân, một tờ báo lá cải do một nhóm sinh viên công giáo chúng tôi cho ra ở Paris năm 1963. Trong số 6, tháng 8 năm 1963, ‘Số đặc biệt: vụ Lễ Phật Đản’, ông Nguyễn Khắc Dương viết:


“Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng tại Việt Nam không bao giờ có một sự xung đột giữa Công giáo và Phật Giáo. Quả vậy, lúc Công Giáo bén rễ vào Việt Nam, Phật giáo không còn nữa cái địa vị ưu thắng ở hai đời Lý, Trần, vì từ đời hậu Lê, Nho giáo đã nghiễm nhiên chiếm địa vị độc tôn. Sức cản trở mãnh liệt nhất mà Công giáo đã gặp tại Việt Nam là ở lớp sĩ phu của sân Trình của Khổng, chứ không phải là ở đoàn thể tăng ni cửa Thiền. Và nhìn kỹ hơn ta sẽ thấy rằng thái độ cả nhà Nho triều Nguyễn đối với Công giáo có một cái gì tương tự với thái độ của nhà Nho đời Trần đối với Phật giáo. Có phải chăng tương tự ở chỗ này: đối với các nhà Nho, các tôn giáo bàn đến vấn đề cứu cánh siêu thể và thoát tục của nhân sinh đều bị xem là có ảnh hưởng tai hại cho trật tự kỷ cương xã hội. Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ vợ con và vua cha đi tìm đường giải thoát, cũng như người thợ một Giêsu rao giảng sự nghèo khó, nhẫn nhục, lẽ tất nhiên đều không vừa ý những kẻ đặt lý tưởng nhân sinh vào khuôn khổ con hiếu tôi trung. Những kẻ có thái độ ‘kính nhi viễn chi’ với quỷ thần, tất không ưa gì những lễ bái của Phật giáo cũng như phụng vụ của Công giáo. Những kẻ cho kình là quân tử tự tu than mà nên, tất không thể chịu đựng được ơn tiếp dẫn cứu độ của chư Phật cũng như ơn Thánh sủng của Thiên Chúa… Đối với những học thuyết cục hạn nhân sinh vào cuộc sống hiện tại, hoặc chỉ nhắm vào lý tưởng chính trị xã hội, thì các tôn giáo nói đến một cuộc lai sinh đều bị xem là bùa mê thuốc phiện”


Nhận định như thế, không biết có phải vì ông Nguyễn Khắc Dương đã đọc ông Nguyễn Khắc Viện năm 1962 hay không. Trong bài “Confucianisme et Marxisme au Viêt Nam” (Nho giáo và chủ thuyết Mác xít ở Việt Nam) đăng trên báo La Pensée số 105 tháng 10 năm 1962, khi bàn về ‘Cuộc đấu tranh của các nhà Nho chống lại Phật giáo’ (một phụ đề thật ý nghĩa đối với vấn đề của chúng ta hôm nay!), ông khẳng định ngay:


“Từ thế kỷ X đến XIV, các nhà Nho và các quan lại theo Khổng giáo đã phải đeo đuổi một cuộc đấu tranh kiên trì để loại trừ Phật giáo ra khỏi vai trò lãnh đạo ý thức hệ trong nước. Đối diện với Phật giáo là đạo quả quyết mọi sự ở thế giới này đều hư ảo, thậm chí không thực, chủ trương diệt ngã, và hướng tâm trí người ta về những hy vọng diêu thế, Khổng giáo lại dạy rằng con người trước tiên có tính xã hội và bị rang buộc bởi những nghĩa vụ xã hội.”


Sau đó ông trình bày những nét chính của Khổng giáo mà chủ yếu là sự tập trung vào việc xây dựng xã hội tái thế rồi kết luận cho điểm này:


“Cầu nguyện, kêu cầu Thiên Chúa, các bí tích (‘sacrements’), tất cả những cái đó đều không có trong Khổng giáo.”


Vẫn là chuyện các nhà Nho đấu tranh chống Phật giáo, nhưng những khái niệm ‘cầu nguyện, kêu cầu Thiên Chúa, bí tích’ lại là những khái niệm Kitô giáo. Như vậy nghĩa là làm sao nếu không phải là vô tình hay hữu ý chuyện nhà Nho chống Phật giáo hay nhà Nho chống Kitô giáo đều có mẫu số chung và mẫu số chung đó là nhân sinh quan Nho giáo chứ không phải là một mối bận tâm lịch sử nào hết. Đến phần cuối bài thì đã rõ:


“Các nhà Nho đã phản ứng một cách mạnh mẽ hơn nhiều chống lại Kitô giáo, không phải chỉ (non seulement) vì các thừa sai Công giáo đã nhiều khi (souvent) đóng vai trò mở đường (fourriers) cho chủ nghĩa thực dân, mà cũng (mais aussi) vì những khái niệm ơn Chúa, bí tích, Thiên Chúa nhập thể đều xa lạ với tư tưởng Không giáo.”


Thì ra thế đó. Ít nữa nói với Tây, cho dù là trên một tạp chí cộng sản Pháp,ông đã biết phải chăng hơn là nói với đồng bào Công giáo của ông trên tờ Công giáo và Dân tộc. Trong bài đăng trên tờ báo này, ông trình bày kiểu tùy tiện một cái mốc Cha Cả, ông điển hình hoá cái chuyện cha Sáu (giai đoạn xảy ra chuyện này cũng như cái mốc Văn Thân lại không ăn nhằm gì với 117 Chân Phúc Tử Đạo sắp được phong thánh) và không còn gì tương tự như những ‘non seulement’, ‘souvent’, ‘mais aussi’ kia nữa (14)!


Vô sản mạt hạng


Nói cho ngay, hồi còn ở Pháp, tôi đã không được dịp đọc bài ông viết trên báo La Pensée. Mười năm sau tôi mới được hân hạnh đọc khi nó được in lại trong cuốn “Tradition et Révolution au Viêt Nam”, Paris 1971. Cuốn này tập họp lại những bài của mười hai cây viết Mác-xít hay khuynh tả, trong số đó có bài “Le comportment pratique des institutions catholiques au Viêt Nam’ của Jean-Raoul Clémentin vốn được đăng trên Les Temps Modernes, 1953 là liên quan đến vấn đề của chúng ta hơn cả. Từ 1953, Clémentin lại đã nhận xét thật gãy gọn mà đầy đủ:


Trước tiên, có mặt những nhà truyền giáo dính dấp nhiều hay ít với các công ty hàng hải lớn. Họ thành lập hay góp phần vào việc thành lập những thương quán cho nhà buôn chính hiệu tới làm ăn. Tại Việt Nam công việc buôn bán và sự hiện diện của các thương gia không làm bận lòng Nhà Nước. Nhà nước sẵn sàng khuyến khích họ (15). Còn hoạt động của các thừa sai thì không được như thế, vì hai lý do: quốc gia Việt Nam dựa trên một cấu trúc xã hội rất tôn ti, trật tự và sự thống nhất quốc gia được bảo đảm bới cái được gọi là ‘đạo’ Khổng, nền tảng đạo đức và chính trị của Nhà nước Việt Nam. Đưa vào Việt Nam một tôn giáo xa lạ đúng là phá hoại căn bản luân lý quốc gia, đánh vào nền tảng Nhà Nước.


Sau nữa, các thừa sai lại đi tới với một thứ quần chúng nhất định mà ngày nay chúng ta sẽ kể là ‘tầng lớp vô sản mạt hạng’ (16). Giới sĩ phu cũng như đa số lớn lao những người dân nội tịch (inscrit) tức là thành phần có của ở các làng xã, đều không theo đạo Công giáo; nhưng những người bỏ làng bỏ xứ, những người làm thuê trong nông nghiệp vẫn sinh sống trong một tình trạng gần như nô lệ, những người ấy lại ham đón nghe nhà truyền giáo bởi vì, ngoài chuyện ông này thường sẵn quà phân phát cho họ, ông ta truyền giảng cho những kẻ trắng tay ấy một chủ thuyết bình đẳng cũng mang chất cách mạng ở Đông Á Châu thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII như đã có thể mang chất cách mạng dưới thời Nero hay Diocletianus. Người ta hiểu được những phản ứng của triều đình, của giới sĩ phu, tầng lớp cốt cán đó của quốc gia, và phản ứng của các giai cấp có của.”


Lý do thứ nhất mà Clémentin đưa ra, chúng ta đã biết rồi. Còn cái lý do thứ hai xem ra đáng cho ông là người Mác-xít đào sâu bàn rộng hơn để khỏi lẩn quẩn mãi mà lạc hướng với cái chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khép kín và đẫm máu của đại bộ phận tầng lớp sĩ phu nhà Nguyễn.


Phần tôi, thú thật với ông, tôi không khỏi tâm đắc với Clémentin về cái lý do thứ hai đó, tuy là tâm đắc theo lối cảm nhận và suy nghĩ của một Kitô hữu.


Cũng còn có cái mộng ‘Constantinus’


Bảo là các nhà truyền giáo đã đi tới với riêng ‘tầng lớp vô sản mạt hạng’ thì thật ra không đúng hẳn. ‘Non seulement’… thì đúng hơn…


Là vì cũng từng có các thừa sai mon men vào các phủ chúa Trịnh, chúa nguyễn. Đem tặng đồng hồ quả lắc như Jean Rhodes năm 1626 cho chúa Trịnh (17) hay trổ tài sửa đồng hồ, sửa máy móc không phải chỉ để lấy lòng rồi được đi giảng đạo tư do cho bàn dân, mà còn với cái mộng rửa tội… cho chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Là vì cũng có Pigneau de Béhaine, đúng là một cái mốc, và tôi đâu dám quên, nhưng cái mốc cắm trên đường hướng truyền giáo này mới thật ‘phải đạo’. Là vì sau này còn có những cố thừa sai se giây tơ hồng để đưa một người đẹp Công giáo lên làm Nam Phương Hoàng Hậu bên cạnh Bảo đại vv…


Một hướng đi -đúng hơn: một cám dỗ- có thật và có thường xuyên trong lịch sử Giáo hội Công giáo là thế đó: người ta vẫn mơ mộng đạt thành tích nhanh, gọn như đã từng đạt với Constantinus, Clovis, Charlemagne… Nobili và Ricci, hai nhà truyền giáo lỗi lạc về mọi mặt đã cứ lẩn quẩn ở triều đình Trung Hoa, chẳng đi đâu mà cũng chẳng đi được tới đâu là vì cái mộng đó: Rửa tội cho được một Constantinus ở xứ truyền giáo để cả nước theo vua đua nhau vào đạo! Tôi xin mở một dấu ngoặc. Của đáng tội cái khuynh hướng đó không riêng gì của người Công giáo. Trước mắt chúng ta thiếu gì ông bà cán bộ thay vì kiên trì, chịu khó tranh thủ từng người dân Công giáo lại ham tranh thủ mội một mình ông cha xừ cho nhanh cho gọn: cứ y như rằng hễ ông cha xứ hoan hô đả đảo thế nào thì toàn dân Công giáo trong xứ cũng hoan hô đả đảo cả ngoài miệng lẫn trong lòng như thế; hay cứ y như rằng một giám mục Bùi Tuần đã lên tiếng như thế nào thì mấy triệu đồng bào Công giáo Việt Nam chỉ còn biết đồng loạt hô Amen. Đây cũng là một chỗ để đổi mới tư duy là vừa. Tôi xin đóng dấu ngoặc.


Khuynh hướng truyền giáo kia quả là đáng phê phán -trước tiên là trong quan điểm thần học- và vẫn bị phê phán trong Giáo hội. Đạo Kitô chủ yếu là ‘Tin Mừng’ chứ không phải là khẩu hiệu. Tin Mừng phải được gửi đến từng con người ý thức và tự do. Giáo hội có thể được ví von là một ‘đàn chiên’, nhưng không bao giờ nên là một bầy cừu. Khuynh hướng tạo một Constantinus cùng lắm chỉ đưa tới được những bầy cừu mà thôi.


Cha ông chúng tôi vô sản mạt rệp


Đều may mắn cho Giáo hội chúng tôi là suốt lịch sử của mình, vẫn tồn tại một đường hướng truyền giáo khác, đúng theo lời dạy của Đức Yêsu hơn: Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, đến với từng người mù, kẻ què, người phung hủi, kẻ bệnh tật, vv… Và đây là chỗ một Kitô hữu như tôi có thể thật vui và thật hiên ngang trước nhận xét của Clémentin. Ở Việt Nam, cái khuynh hướng tạo một Constantinus đã hoàn toàn thất bại, chẳng đi tới đâu. Cha ông chúng tôi trong đức tin hầu hết là ‘tầng lớp vô sản mạt hạng’, thành phần cùng khổ, thất học, trắng tay, không quyền lực, không của cải trên đất nước này. Tin Mừng quả đã được rao giảng cho người nghèo khó, đúng ý Chúa. Và chính tầng lớp ‘vô sản mạt hạng’ đó đã chết vì đạo (chứ như những ‘đạo trưởng’ đã ôm đồng hồ quả lắc vào triều hay như Pigneau de Béhaine thì đã dễ gì được chết vì đạo!). 117 Tử đạo được gạn lọc trong hàng vạn người khác để được phong Thánh là họ.


Văn Thân và vong thân


Thưa ông,


Đáng lý ra tôi còn phải thưa chuyện với ông riêng về Văn Thân, và một số đề tài chung quanh vấn đề ấy. Đại khái như:


Văn Thân, thực chất và huyền thoại?

Minh Mạng và Minh Trị. Nguyễn Văn Tường hay Nguyễn Trường Tộ?

Vua quan nhà Nho và sĩ phu triều Nguyễn làm mất nước hay người theo ‘tà đạo Hoa lang’ đã làm mất nước? (18)

Chịu tội với đất nước mà tử tiết như Phan Thahh Giản (1867), Nguyễn Tri Phương (1873), Hoàng Diệu (1882) vv… ‘đáng tôn kính‘ hơn (ít nữa tương đối mà xét) hay đổ tội cho một con dê tế thần, giận cá chém thớt, tạo nên hang trăm nấm mồ tập thể?

Giận cá chém thớt, Văn Thân hay vong thân? (tuy chỉ biết lõm bõm các phạm trù Mác xít, tôi mạo muội nghĩ rằng đây là một đề tài khá hấp dẫn cho một phó tiến sĩ triết học tương lai)..

Văn Thân miền Trung và miền Bắc ‘Bình Tây Sát Tả’ nhưng phải chăng chỉ ‘Sát Tả’ là đạt (!!) còn ‘Bình Tây’ thì đã không làm phiền cho Tây bằng cả mấy ông đồng minh của họ là…giặc Cờ Đen!

Có phải chính vì chủ trương ‘Bình Tây’ thôi mà ở miền Nam phong trào kháng Pháp từ Trương Công Định đã ‘có tính quần chúng cực kỳ sâu sắc’, có thực chất hơn, có độ chắc, độ bền hơn, đáng Pháp nể hơn? (19)

Tôn Thất Thuyết, tác giả của hịch Cần Vương (1885), ông là ai? Ai đã từng đuổi Phan Đình Phùng về vườn? Ông cõng vua Hàm Nghi đi rồi bỏ vua Hàm Nghi ở mô rồi? Bản thân ông tại sao lại đi lạc về Tầu mà kết thúc cuộc đời ở đó? Tìm về nguồn chăng?


Thật ra còn nhiều chuyện. Nhưng những trang này đã dài rồi. Vấn đề Văn Thân, như tôi đã trình bày lúc đầu, không liên can đến 117 vị Thánh Tử đạo. Trong vấn đề này lại khó có một ngôn ngữ chung giữa chúng ta. Ông thì ông đã ra nghị quyết: “Không thể không tôn kính những chiến sĩ Văn Thân yêu nước và anh hùng”. Phần tôi, với tư cách là người Công giáo, từ trong một thứ vô thức tập thể của chúng tôi, Văn Thân là ác mộng, nhắc tới chỉ là hãi hùng và đau xót, chúng tôi sợ lắm, thưa ông. Còn với tư cách là người Việt Nam, thì cứ tìm hiểu Văn Thân một chút là phải đặt ra không biết bao nhiêu vấn đề nhức đầu và không mấy đẹp đẽ như tôi vừa nêu qua trên đây!


Chuyện ngày, chuyện tháng, chuyện năm


Từ đầu đến giớ, tôi đã chỉ chú ý đến vấn đề ông đặt ra: ‘Chết vì đạo? Chết cho ai?’

Tôi không quan tâm lắm đến ‘Lễ Phong Thánh’. Từ những năm đầu thế kỷ và từ 1951, Giáo hội đã công nhận 117 Tử đạo Việt Nam là Chân Phúc nghĩa là cho phép “tôn vinh họ nơi công cộng, nhưng chỉ ở một địa phương hay trong một khuôn khổ nhất định”, trong trưòng hợp này là khuôn khổ Việt Nam. Do đó từ bao nhiêu năm nay chúng tôi, người Công giáo Việt Nam đã được Giáo hội cho phép mừng Lễ các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam, vẫn có những nhà thờ dâng kính các Chân Phúc Tử Đạo như nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội (20) và nhà thờ kể như duy nhất được xây lên ở Tp HCM từ năm 1975 mà lại đã mang danh quá sớm là Nhà Thờ các Thánh Tử đạo Việt Nam. Với Lễ Phong Thánh, theo luật của Giáo hội, các Tử đạo Việt Nam được tôn vinh rộng rãi hơn: trước toàn thể Giáo hội Công giáo trên thế giới (21). Người Công giáo Việt Nam chúng tôi chỉ được thêm một niềm hãnh diện là thấy những người Việt Nam cha ông mình, đứng giữa hàng ngũ các thánh được tôn kính trên khắp thế giới, không lâu sau các Thánh Tử đạo Nhật, các Thánh Tử đạo Triều Tiên, Phi Luật Tân, Uganda (Phi Châu) vv…


Vấn đề nội dung đã sáng tỏ từ lâu rồi. Những lời qua tiếng lại nếu có, chỉ khuyến khích chúng tôi nhân dịp này tìm hiểu kỹ hơn lịch sử cha ông của mình trong đức tin, thấy thêm cơ sở cho niềm tự hào về cái tầng lớp vô sản mạt rệp đã dám sống dám chết cho lòng tin chung của chúng tôi như thế.


Còn những vấn đề nặng về hình thức, xin thú thật với ông, tôi vừa không quan tâm lắm vì đất nước chúng ta đang không thiếu chuyện quan trọng hơn để quan tâm –từ lâu nay và cả ngoài khuôn khổ chuyện ‘Lễ Phong Thánh’, tôi vẫn băn khoăn tự hỏi: phải chăng từ một cấp nào đó, vẫn có-những-chuyện-cố-làm-um là để-làm-ngơ-những-việc-cần-làm-ngay”--, tôi vừa không hiểu nổi những ‘vấn đề’ mà người nọ người kia cho là có. Chẳng hạn chuyện giám mục Bùi Lan –tôi tạm giấu tên ông vì còn thương ông ấy-- , phải, chuyện giám mục Bùi Lan, bạn giờ chót của các ông Công giáo ‘yêu nước’ Vũ Như Cẫn và Nguyễn Y Vân, đã hoảng lên về “có nhiều điểm thực sự (ông) chưa nghĩ tới. Như về thời điểm của bốn lần Á Thánh 1900, 1906, 1909 và 1951. Theo người ta nói thì những năm 1900-1909 là những năm phong trào yêu nước với cụ Phan Bội Châu đã thực sự thâm nhập vào trong đồng bào Công giáo…” Có lẽ giám mục Bùi Lan ‘chưa nghĩ tới’ thiệt, nhưng điều chắc chắn là ông ‘nghĩ chưa tới’: Nếu Toà thánh ‘có ý gì’, thì tại sao không phong thêm Chân Phúc vào những thời điểm 1930, 1945, 1975 chẳng hạn. Đối tượng xứng đáng hơn cụ Phan Bội Châu, và đâu có thiếu người để đưa ra phong Chân Phúc trong số 100.000 hay 10.000 chết vì đạo hay 1285 đã được đề nghị?


Còn cái ngày 19.6.? Trời đất ơi, nhờ thiên hạ quá sốt sắng lôi nó ra mổ xẻ, bây giờ tôi mới biết hay mới nhớ nó là cái ngày quỷ ngày ma gì. Bình thường thì phải hỏi xem Giáo chủ Gioan Phaolô II có vì vướng vụ đi đâu mà phải dời lui từ ngày 26.6 về 19.6? Còn moi móc ý tứ (procès d’intention) thì chúng ta lại đi vào một chuyện vô cùng tận. Nếu có ‘thâm ý’, và Toà Thánh có hỏi ý tối tăm cố vấn Nguyễn Ngọc Lan trước, thì thiếu gì ngày ‘ý nghĩa’ hơn cái ngày mà hẳn ngay cả các tướng tá chế độ cũ cũng chẳng còn ai muốn nhắc tới làm gì. Cứ ‘hoãn’ thêm vài tháng và chọn ngày… Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị giết năm 1963 chẳng han. Không thú vị và ‘kích thích’ hơn sao? Trăm ngàn lần hơn sao? Nói ra hay không nói ra, trong trường hợp này sẽ có những 117 + 2 = 119 ‘thánh tử đạo’ cơ đấy!


Nói chuyện trùng hợp ngày tháng thật là không cùng. Từ bao nhiêu năm nay rồi, Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn có lệ lấy ngày Chủ Nhật đầu tháng Chín hàng năm làm ngày lễ các Chân Phúc Tử đạo Việt Nam. Thế mà năm 1945, phải, đúng năm 1945, ngày 2.9, ngày Hồ chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày Quốc khánh đầu tiên, lại đã là ngày Chủ nhật đầu tháng Chín, ngày người Công giáo Việt Nam mừng lễ các Chân Phúc Tử đạo Việt Nam! Trường hợp ngẫu nhiên? Hay một nhã ý của Hồ chủ tịch đối với đồng bào Công giáo? Hay xa xôi hơn nữa một gợi ý cho đồng bào Công giáo lấy hẳn ngày 2.9, ngày Quốc Khánh, làm ngày lễ các Thánh Tử đạo? Tôi không dám nghĩ xa xôi như vậy. Nhưng nếu Nhà nước bây giờ hiểu ý Hồ chủ tịch như vậy mà đề nghị hẳn với Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi dám nghĩ rằng ngay từ năm tới đây, ngày Quốc Khánh 2.9, người Công giáo Việt Nam sau khi treo cờ đỏ sao vàng trên cửa nhà mình, sẽ vui vẻ đi nhà thờ mừng lễ các Thánh Tử đạo, khỏi phải đợi tới ngày Chủ nhật đầu tháng. Nhưng nói gì chuyện trên 40 năm trước. Ngay năm vừa rồi, ngày bầu cử Quốc hội lại đã được Nhà nước ấn định vào đúng ngày lễ lớn nhất, ngày thánh thiêng nhất trong năm của người Công giáo: ngày lễ Phục Sinh. Tuy vậy, đồng bào Công giáo chẳng ai đã hăng say đến mức nghĩ rằng Nhà nước muốn đề cao Chúa sống lại. Nhưng cũng chẳng ai đa nghi rắc rối đến nỗi nghi cho Nhà nước đã có ác ý, cố tình gây trở ngại cho việc mừng lễ Phục Sinh. Riêng tôi hôm ấy, tuy chỉ đi bỏ phiếu mất 10 phút, tôi đã cố tình và nhất định bỏ đi lễ Chủ nhật vì có ý phản đối… toà Tổng giám mục đã ‘yêu nước’ quá lẽ mà đẩy lố chính sách, ra thông cáo cấm các nhà thờ không được có lễ từ 7 giờ đến 16 giờ. (Tại sao người ta vừa đi bỏ phiếu vừa đi chợ được, mà không được vừa đi lễ vừa đi bỏ phiếu cho luôn? Chưa kể là khi đi lễ mà ghé phòng phiếu người dân Công giáo lại ăn mặc… sạch sẽ, chỉnh tề hơn!). Tóm lại chuyện ngày trùng, ngày húy, ngày kiêng này chỉ làm cho tôi thêm thấm thía lời thánh Phaolô từ 20 thế kỷ trước đã dạy chúng tôi:


“Thuở trước, hồi chưa biết Thiên Chúa, anh em làm tôi những thần không phải là thần; còn nay, được biết Thiên Chúa, phải hơn đã được Thiên Chúa biết đến, làm sao anh em còn trở lại một lần nữa với những nhân tố bất lực và nghèo nàn ấy?...Anh em lại chăm chú giữ ngày, giữ tháng, giữ năm. Tôi sợ cho anh em! E rằng tôi đã lao đao vất vả vì anh em một cách vô lối” (Ga 4: 8-10).


Ngày tháng có ý nghĩa gì hay không là do chính con người làm ra ý nghĩa ấy. Ngày 19.6 sắp tới chẳng hạn, có ý nghĩa gì là tùy chẳng hạn như ba bốn mươi hồng y, giám mục nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có mặt hay không có mặt xung quanh bàn thờ chính đền thờ Thánh Phêrô, thế thôi.


Thưa ông,


Như vậy là thư này trước sau vẫn chỉ nhằm một mục đích trả lại cho César những gì thuộc về César và trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.


Phim Sám hối đã kết thúc bằng câu nói của một bà cụ:


“Con đường sinh ra làm gì, nếu không đưa tới nhà thờ?”


Chúng tôi, người Công giáo Việt Nam, nói cho cùng, cũng chẳng cần tìm con đường đưa tới nhà thờ các Thánh Tử đạo Việt Nam. Có con đường hay không có con đường, con đường trước mắt có đưa tới hay không đưa tới, thì vụ 117 vị Tử đạo, Thánh hay chỉ là ‘Chân Phúc’, đã ở sẵn ngay trong tâm tư chúng tôi. Không khí buổi họp ở Mặt trận quận 3 ngày 18.1 đã cho thấy rõ điều ấy. Không khí buổi họp do Mặt trận Tổ quốc Thành phố tổ chức sáng 25.2 còn cho thấy rõ hơn điều đó. Giữa 117 vị Tử đạo và mấy ông Công giáo tử đạo, nếu có, người Công giáo Việt Nam đã lựa chọn.


Nguyễn Ngọc Lan

(26.2.1988)

Chú thích:

(1) Để rồi ông coi: ông có được đọc bài này trên tờ Công Giáo và Dân Tộc hay là người ta sẽ viện đủ lý do để chỉ cho ông đọc bản đánh máy.

(2) Bảo cái tựa đó là ‘lớn lối’ là để khỏi nói thế nào khác, vì cả nước đều biết ông là … học giả, có học thức. Nhưng, ông sẽ nghĩ thế nào nếu giả sử vì một số trường hợp có thể ‘có vấn đề’ mà học giả nào đó viết đại mấy chữ ‘Chết vì nước! Chết cho ai?’ trên tấm bia một đài liệt sĩ hay để làm đề tựa cho một bài báo Ngày Thương Binh Liệt Sĩ! Đó là chuyện giả sử thôi, vì có tờ báo nào vô ý thức, thiếu tự trọng đến mức có thể đăng lên một cái tựa đề như vậy!

(3) ‘Luật sư của quỷ’ là tên gọi những vị ‘bảo vệ đức tin’ (promoteur de la foi) có nhiệm vụ tương tự như biện lý hay kiểm sát nhân dân, tức là chất vấn và tìm mọi cách bác bỏ các luận chứng của bên đứng đơn xin Phong Thánh.

(4) “Dự thảo Thư góp ý của Nhóm Thần học trong Ủy ban Đoàn Kết Công giáo Yêu nước Tp HCM gởi Hội nghị bất thường các giám mục Việt Nam ngày 16.1.1988”, đăng trong ‘Tài liệu tham khảo: Việc Phong Thánh’ do Văn phòng của cũng một Ủy ban đó phát hành. Điều ‘bất thường’ đáng kể là đã không có ‘Hội nghị bất thường… ngày 16.1.1988’. Một điều bất thường khác là khi được phổ biến một tháng sau như thế, cái ‘Dự Thảo’ kia vẫn cứ nhất định chỉ là ‘dự thảo’ và tuy có câu: ‘Anh em chúng con ký tên dưới đây’, nhưng vẫn chưa thấy một tên ký nào cả. Hay là dự thảo này muốn như Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng, còn phải chờ toàn thể nhân dân Công giáo bàn luận, đóng góp ý kiến ‘rồi mươi ngài, trong Nhóm Thần học’ mới hạ bút ký được?

(5) Đã có cả một thời gian, nhiều giáo phận như ngay cả Hànội cấm chủng sinh học tiếng Pháp để khỏi bị cám dỗ bỏ tu đi làm… ‘thầy thông ngôn’ trong guồng máy hành chánh của Pháp. Chuyện này có vẻ lẩm cẩm nhưng không phải là không tiêu biểu cho sự kiện là suốt lịch sử những tương quan giữa thực dân và truyền giáo không phải chỉ có những dính dấp quyền lợi khả nghi mà còn có và vẫn có những mâu thuẫn sâu sắc. Và việc cố đạo Tây không cho thầy đạo ta học tiếng Tây để có thể đi làm cho Tây càng cho hiểu rằng: khi đi truyền giáo, cố đạo Tây thường vẫn là cố đạo hơn là cố Tây. Jean Raoul Clémentin đã thấy khá rõ và khá thấu đáo vấn đề này trong bài ‘Le comportement politique des institutions catholiques au Viêt Nam’ được in lại, cũng như bài báo của ông, trong Tradition et Révolution au Viêt Nam, Paris 1971, tr. 108-134.

(6) Louvet, La Cochinchine religieuse, Paris, 1885 q.II, tr.41, trích dịch theo Bùi Đức Sinh, Lịch Sử Giáo hội Công giáo, Saigòn 1972, ph. II, tr. 342-3. Trần Trọng Kim (Việt Nam Sử Lược, Sàigòn 1971, tr. 227) khi nói tới chỉ dụ này, còn lưu ý: khi chiếc tàu Thétis (cùng với tàu Espérance là hai tàu chiến của Pháp) vào cửa Đà Nẵng năm 1825, “có một người giáo sĩ tên là Rogerot ở lại đi giảng đạo các nơi, vua Thánh Tổ nhân dịp ấy mới có dụ Cấm đạo”. Như vậy Minh Mạng vẫn thấy rằng cố đạo lợi dụng tàu chiến chứ không phải tàu chiến mưu đồ gì với cố đạo.

(7) Lý do có tính quyết định mà giới giáo sĩ Do thái đã tung ra cuối cùng để Pilatus khó thể lùi bước trước việc xử tử Đức Yêsu: “Nếu ông buông tha hắn, ông không còn là bạn của Hoàng đế: Kẻ nào xưng vương (như hắn) thì chống lại Hoàng đế (La Mã).”

(8) Cultru, Histoire de la Cochinchine Franc,aise des Origines, Documents historiques (1658-1728), Paris, 1910, tr.43)

A.Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques (1658-1728) , Paris 1924, tr. 16-20. Trích dịch theo Bùi Đức Sinh, sách đã dẫn, tr. 343.

(9) Dịch từ A.Launey, Mgr Renard et le Tonkin catholique (1831-1858) Lyon, 1893, tr.77.

(10) A.Launeu sđd, tr.149

(11)Trích dịch theo Nyan Chanda, Brother Ennemy, San Diego, N.Y., London, 1986, p.53)

(12) Theo Đại Nam chính biên liệt truyện như Trần Trọng Kim trích dịch mà chép ra trong Việt Nam sử lược, Sàigòn, 1964, tr. 448-454.

(13) A.Launey, sđd tr.288, 315-6, 364-5, 396 và Bùi Đức Sinh, sđd, tr. 348-351.

(14) Tôi có thể đồng ý phần nào với nhận định của ông: Tôi sẽ xin phép viết: ‘Không hẳn và không phải luôn luôn’ vào chỗ ‘không phải chỉ’, ‘có khi’ (éventuellement) vào chỗ ‘nhiều khi’ (souvent) và ‘mà luôn luôn và nhất là’ và chỗ ‘mà cũng’.

‘Có khi’. Trong bài ‘Nói chuyện ảo mộng với người anh me của tôi, linh mục Nguyễn Quang Lãm’, đăng trên Đất Nước số 8, tháng 12.1968, tôi đã đưa ra trường hợp C. Freppel, giám mục Angers, và là dân biểu Quốc hội Pháp thời đệ tam Cộng hoà (có tên trong Larousse!). Tôi trộm nghĩ rằng ít nữa trên báo chí xuất bản ở miền Nam này từ trước tới nay, chưa ai đưa ra một trường hợp giáo sĩ Pháp dính dấp vào việc Pháp xâm lăng một cách đến nơi đến chốn như ở trong bài báo đó.

(15) Cho nên đã từng có chuyện các thừa sai doạ là nếu họ bị đuổi đi, các nhà buôn ngoại quốc cũng rút đi luôn. Hay có trường hợp như tháng 7.1669, hai thừa sai de Bourges và Bouchard ‘cải trang làm thương gia, nên…lọt vào miền Bắc dễ dàng’ (Bùi Đức Sinh, sđd tr. 328-329).

(16) ‘Lumpenproletariat’ (tiếng Đức: ‘cùng đinh khố rách’), có khi được dịch là ‘vô sản lưu manh’, có lẽ hợp hơn với cái nhìn miệt thị của các quan nhà Nho!

(17) Trần Trọng Kim sđd, tr.342.

(18) Xem Địa chí Văn hoá Tp HCM, 1987, tr. 435-6; Trần Trọng Kim (Nhà Nho!), sđd, tr.474-6, 484-7 vv… và Nguyễn Khắc Viện, bài đã dẫn, trong Tradition et Révolution au Viêt Nam, tr.46-7)

(19) Điạ chí Văn hoá Tp HCM, 1987, tr.437-8. Và có lẽ cũng chính vì thế mà từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, sự tham gia của người Công giáo ở miền Nam đã tích cực và đáng kể hơn ở miền Bắc, nếu tôi không lầm. Ngay một linh mục Nguyễn Văn Bình, tuy không tham gia kháng chiến, đã không chịu lên án các linh mục tham gia kháng chiến và đã vì thế mà bị đẩy ra khỏi ghế giáo sư Đại chủng viện.

(20) Chỗ đóng đô của… Ủy ban Liên lạc Công giáo Yêu nước! Có người còn nhớ là Hồ chủ tịch đã từng tới thăm nhà thờ này và chụp ảnh.

(21) Có gì tương tự như việc tuyên dương công trạng trước một Đảng bộ rồi trước toàn Đảng, trước một sư đoàn rồi trước toàn quân vv…

No comments: