Saturday 19 June 2010

Lm Nguyễn Thế Thuấn: Sách Thánh và Mạc khải cứu rỗi

Ý ĐỊNH CỨU RỖI VÀ THÁNH SỬ

Thế sử (sử nhân loại, lịch sử của thế giới)

Thời chúng ta dựa trên lịch sử - những phong trào chính trị rộng lớn thời chúng ta dựa trên việc suy nghiệm về lịch sử (thí dụ: cộng sản, hay thời Hitler: chế độ quốc xã của Nước Đức).

Biến cố hiện bây giờ (như trong tờ nhật báo chúng ta đọc): có những người đang chủ động. Nhưng nhìn xa hơn, đó là thành quả của cả một dĩ vãng, có khi hầu không thể tránh được.

Đây chúng ta không bàn kỹ về lịch sử thế gian này. Chúng ta nói qua về ý nghĩa thế sử theo con mắt thần học có thể thấy được, nhận ra được.

a) Nhân loại và vũ trụ

Thiên Chúa đặt con người làm chúa vũ trụ (Kn 1: 28t; 2: 8, 19-20; Tv 8: 7-9). Đó là quyền Thiên Chúa ban, nhưng không thể thi hành đầy đủ ngay từ đầu: đó là một cuộc chinh phục không ngừng để thống trị thực sự trong khoa học và kỹ thuật: đó là một cứu cánh tự nhiên của lịch sử nhân loại.

b) Nhân loại thành xã hội

Trong Kn 1: 28, Thiên Chúa muốn loài người sinh sôi nẩy nở: lời đó mạc khải ý định Thiên Chúa trên khả năng sinh sản Người đã ban cho người ta: không chỉ là tăng thêm cho nhiều cá nhân: nhưng cùng với sự tăng thêm nhân số có sự thành hình các khả năng tiềm tàng của nhân tính: dưới mọi hình thức xã hội.

c) Ý thức về chính mình

Cùng với hai hoạt động trên kia, con người đạt thấu cái việc sắc nhất của con người, của một nhân vị (nhân vị là quan niệm triết học để nói lên sự quyết định tự do dựa trên phán đoán hiểu biết) làm việc trên vũ trụ: thay đổi điều kiện sinh hoạt và cho nghiệm thấy tầm tri thức về chính mình. Đạt thấu ý thức về chính mình, con người tìm cách diễn đạt trong các cơ sở xã hội, những giá trị cao quí Chân (khoa học, tri thức, triết lý), Thiện (mọi lý tưởng hiền nhân, từ thiện…), Mỹ (mọi thứ nghệ thuật, mỹ thuật, văn chương…): Đó là ý nghĩa của các văn hoá.

d) Tiến bộ bấp bênh:

Xét chung, thì lịch sử nhân loại tiến thật. Có những bước đường nhân loại sẽ không còn trở lại nữa. Nhưng xét gần thực tế thì biết bao tội ác trong lịch sử và bao nhiêu điêu tàn về văn minh: xây rồi phá, được rồi lại mất, tiến rồi lại lùi.

Nhưng nhất là đà tiến bộ đưa người ta dễ dàng đến dịp cám dỗ lớn: tự túc, tự mãn, tự lập đối với Thiên Chúa: để thực hiện cái kỳ vọng “Người lý tưởng”: sự kiêu ngạo thầm kính đục khoét lịch sử nhân loại.

e) Đến đây ta phải nói qua hai cứu cánh của ý định cứu rỗi

Cho nhân loại được có thể đạt thấu cứu cánh siêu nhiên Thiên Chúa đã ban cho nhân loại từ lúc tạo thành, và người ta đã hỏng mất bởi tội.

Hàn lại vết thương chính trong bản tính tự nhiên của nhân loại, lướt thắng những trở ngại làm cho nhân loại không thể đạt thấu ngay cả cứu cánh vừa tầm với bản tính của mình:

Con người mới: không thể đạt thấu ngoài Chúa Kitô.

Thánh sử

Một điều phải khám phá, và khám phá ra rồi thì sẽ thấy điều đó soi dọi rực cả lên làm sao cho người ta thấy tất cả Kinh thánh đều chứng thực: tất cả công việc Thiên Chúa làm là một lịch sử, là một diễn tiến. Công việc tạo thành (thiên văn, cổ học, sử học) đều cho thấy sự tiệm tiến về vũ trụ nói chung, cũng như từng vật một (thí dụ người ta!) mà cả về thánh sủng, về ơn cứu rỗi cũng thế. Thiên Chúa không thực hiện việc giải thoát chúng ta trong một thiên đàng ngoài thời gian, nhưng Người đã lồng vào chính trong lịch sử của loài người, trong thời gian của chúng ta: đó là thánh sử. Trong khi nhân loại đi chinh phục vũ trụ và chinh phục ý thức về chính mình, thì Thiên Chúa sắp đặt mọi sự để ban cho ta ánh sáng mạc khải của Người và ơn thánh của người, để cứu chúng ta khỏi các cám dỗ và thất bại, để dẫn đưa người ta đến cứu cánh tối hậu. Nhưng trong chương trình của Thiên Chúa, mọi sự đều bắt đầu bằng một mầm giống, để rồi phát triển theo những giai đoạn để đi đến hoàn tất. Những gì là sự sống trong thiên nhiên đều đi tự một mầm giống để lớn lên và sinh quả. Rồi trong lịch sử nhân loại, chúng ta cũng thấy thế: chạm trán với thực tế, nảy ra ý tưởng để giải quyết, giải quyết lại nêu vấn đề, những vấn đề lại được giải quyết với những phương tiện sẵn có hay bày ra, phát minh ra để rồi lại vượt quá những kiểu giải quyết đó mà tạo nên những giá trị mới. Công việc của Thiên Chúa mạc khải và cứu chuộc như Thiên Chúa còn thuật lại cho ta cũng theo một con đàng tiệm tiến đó.


a/ Liên lạc giữa Thánh sử và Thế sử

Trước tiên phải tránh một cách hiểu mơ mộng như thể thánh sử ở một thời gian, một thế giới nào khác hẳn. Không! Thánh sử và Thế sử không phải là hai thực tại riêng biệt, một đàng theo một ngả. Hai bên lồng vào nhau: thực tế ra chỉ có một lịch sử nhân loại, nhưng diễn ra theo hai bình diện khác nhau. Ơn cứu rỗi diễn tiến, mà ta gọi là thánh sử đó, và đang hoạt động ngay trong thế sử để lôi kéo cũng một nhân loại khỏi hiểm hoạ luôn luôn ngăm đe người ta suốt thế sử và đem người ta đến cứu cánh siêu nhiên: Chúa Kitô thâu họp mọi người lại trong lòng mến, hay nói gọn một tiếng: Chúa Kitô trong chúng ta, nguồn hy vọng vinh quang (Co 1: 27). Mà đó là cứu cánh tối hậu cho tất cả mọi sự, nên nói được rằng thánh sử bao trùm tất cả thế sử, làm cho thế sử có ý nghĩa. Như vậy thì những biến cố tuy rằng tầm độ trực tiếp của nó làm nó thuộc về thế sử, cuối cùng cũng thuộc về thánh sử.

Như thế mới nói được rằng hết mọi sự xảy ra trên trần gian này vừa thuộc về thế sử vừa thuộc về thánh sử. Nhưng trong thánh sử mọi sự lại căn cứ trên những sáng kiến tự do của Thiên Chúa, bởi đó sự phát triển của thánh sử không có theo liên tục tự động nảy nở, nhưng có điểm phát xuất, đó là những can thiệp, những thiên triệu xảy đến giữa đàng thời gian đang tiến khiến ta có thể nhận ra sự thực có của thánh sử và biết được những phương diện cốt yếu: đó là những biến cố sự quan phòng siêu nhiên của Thiên Chúa đã sắp đặt để thực hiện ơn cứu rỗi nơi trần gian. Nhưng biến cố này cũng ăn khớp với lịch sử chung của thiên hạ và cũng luỵ thuộc những điều kiện vật lý như bất cứ biến cố nào khác; nhưng về phương diện thánh sử chúng khác hẳn: vì hoặc là có dấu Thiên Chúa can thiệp khác thường (bởi mạc khải, bởi phép lạ…), hoặc là chúng liên can cốt thiết đến xã hội Thiên Chúa đã chọn để mang ơn cứu rỗi: trước mắt đức tin, các biến cố đó thực sự là việc của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại.


Tất cả kinh thánh từ sách Khởi nguyên cho đến Khải huyền là mạc khải của sự Thiên Chúa có mặt đối với vũ trụ: một sự hiện diện hoạt động và thực hiện ý định tạo thành. Vật gì có trí khôn thì làm gì cũng có một ý định. Huống chi là Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo thành cũng có ý định. Ý định đó ai thực hiện được thay cho Người. Đối với mọi vật, Người là nguồn gốc cho chúng được có và được hoạt động: Khi ta nói Thiên Chúa siêu việt, ta muốn nói điều đó. Ý định của Thiên Chúa, nếu chính Người thực hiện, thì ý định đó cũng là một với hoạt động của người. Nhưng từ đầu chí cuối, mọi ơn huệ của Thiên Chúa đều ban ra dưới hình thức một mầm giống. Mầm giống từ đầu đã chấp chứa tất cả sự trọn lành mai sau sẽ đạt đến, nhưng chấp chứa một cách tàng ẩn. Sự tàng ẩn đó được tỏ hiện dần dần theo từng giai đoạn, để cuối cùng bày tỏ ra tất cả: khi còn tàng ẩn, ý định của Thiên Chúa là lời hứa, khi thực hiện rồi sẽ thành tựu, thành tựu cuối cùng là “cánh chung”. Nhưng sự lạ lùng của mạc khải Tân ước là “sự thành tựu cuối cùng”, cánh chung đó là nền hiện tại; sự thành tựu đó xảy ra ngay giữa lịch sử của ta: đó là Chúa Kitô làm trọn cả quá khứ (lời hứa), và đón trước vị lai. Ngài là cùng tận chưa đến đã đến rồi. tất cả Kinh Tin Kính cũng như tất cả lịch sử chỉ có một trung tâm: CHÚA KITÔ.


Nên so sánh với các triết lý sử học khác. Muốn có một ý tưởng rõ ràng thì nên phân biệt các nghĩa của tiếng “đạo Chúa Kitô là một lịch sử”.

Đạo Chúa Kitô, đạo Công giáo là một lịch sử.


Nói như vậy có nghĩa là Mạc khải của đạo Chúa Kitô, trước khi được kết lại thành một hệ thống đạo lý, thì cốt thiết là chuỗi sự kiện (của dĩ vãng, và của vị lai cánh chung), một loạt biến cố gồm có việc của Thiên Chúavà việc của người ta, nhờ đó mà ơn cứu rỗi đã đến và hiện còn đang đến cho người ta. Sự kiện là sự kiện, đã xảy ra rồi thì không nói sao được nữa, không do lý luận mà làm thành, không lấy lý luận mà bác đi được. Điều cốt yếu: sự tự do của Thiên Chúa và sự tự do của loài người.


Đạo Công giáo là một lịch sử: chúng ta có thể nhấn vào “một”: tính cách duy nhất của lịch sử đó. Đây ta nói đến chương trình hay kế đồ của Thiên Chúa diễn tiến có đầu đuôi mạch lạc, hướng đến một mục đích: chỗ này ta nói đến mầm lớn dần để sinh ra hoa quả. Những ngẫu nhiên sa sẩy của tự do hèn kém của người ta được phớt ngang qua, và chúng ta có một cái nhìn tổng quát lạc quan về việc nhân loại được cứu chuộc cứ thăng tiến mãi cho đến khi đạt đến mục đích.


Đạo Công giáo là một lịch sử. Chúng ta có thể nhấn đến “đạo” tức là “lòng đạo”: đức tin chịu lấy mạc khải và sống mạc khải theo chiều sâu, bên trong: cái tiến triển trong việc “nội tại hoá” cả thánh sử nơi chính mình mỗi người. Việc đó là cả một cuộc thăng trầm của sự tự do của mỗi người đứng trước những mời gọi của Thiên Chúa nhờ thánh sử và ơn thánh. Đó là cuộc đối thoại bắt đầu lại mãi với Thiên Chúa Đấng phán dạy (và phán dạy cho tôi), không còn phải là tín điều bất di bất dịch có giá trị cho bất kỳ ai.


Đạo Công giáo là một liụch sử: ta có thể nhấn đến “là một lịch sử”: nghĩa là một sinh hoạt hiện tại cho cả đoàn thể. Khi đó ta sẽ chú ý đến “môi trường cụ thể”, hoàn cảnh đặc biệt cho mỗi đời, mỗi thế hệ và những trách nhiệm mỗi thế hệ phải đương đầu ngay đương thời: chúng ta là những người làm nên lịch sử, tạo nên lịch sử, một lịch sử chúng ta đem tự do của chúng ta để cộng tác với Lời Thiên Chúa hiện tại hoá cho chúng ta. Đó là lúc cả đoàn thể Công giáo giương mắt nhìn, với đức tin, trên thời cuộc và những biến chuyển đang diễn ra trước mắt để nhìn ra “thời triệu”: đọc thánh ý Thiên Chúa trong hiện tại.


Phải coi thánh sử như một cách rộng rãi như thế: ta sẽ đi đến một nhận định chủ chốt của thánh sử “Thiên Chúa không hề ngơi làm việc” (coi Yn 5: 17). Đó là tư cách Thiên Chúa diễn trong Kinh thánh “Thiên Chúa hằng sống”. Nguời có mặt để tạo ra lịch sử (sự hoạt động đó gọi là “quyền năng” Thiên Chúa) và tỏ bày ra cho người ta ngay giữa người ta để cho họ biết người có mặt và đang thực hiện ý định của Người (đó là “vinh quang” Thiên Chúa). Ý định đó cuối cùng không phải là ít chương sách, ít ơn thánh ban cho người này người khác, nhưng ý định đó đã được cụ thể hoá, thể hiện nơi một nhân vật:


“Lời thành xác phàm và đã lưu trú giữa chúng tôi, và chúng tôi đã được thấy vinh quang Ngài, vinh quang như của Con Một do Cha ban, dẫy đầy ơn nghĩa và sự thật.” (Yn 1: 14)


c/ Biểu đồ lược tóm đàng đi của Thánh sử

Quan niệm các dân đều phỏng theo kiểu xoay vần thời tiết trong năm mà coi thời gian như vòng tròn, có từng vận kỳ.

Một nguyên tắc triết lý cách vật của Trung Hoa là “vũ trụ tuần hoàn khứ nhị phục thuỷ”.

Người Ấn Độ cũng thế: không có khởi nguyên tuyệt đối, mà cũng không có cùng hẳn, thời gian vận chuyển theo ngày và đêm của Brahma và xa hơn nữa là tuổi của Brahma: tuổi của Brahma là 100 năm. Và mỗi ngày của Brahma là 4.300.000 năm của chúng ta (gọi là Kalpa) chia làm 4 thời kỳ, trong đó thiện ác lẫn nhau, cho đến khi ác thắng thế và vũ trụ bị tiêu diệt. Brahma ngủ (đêm của Brahma) rồi thức dậy và có một Kalpa mới. Cuối cùng là hỗn mang lớn để rồi lại bắt đầu lại.


Kinh thánh: Lịch sử chỉ có một chiều, dưới sự hướng dẫn của quyền năng tạo thành lịch sử của Thiên Chúa, để thực hiện ý định Thiên Chúa. Có thể hình dung quan niệm thời gian thánh sử đó theo một đường thẳng tạo thành đến cánh chung (coi quyển Tân Ước: Tiếp dẫn vào tân Ước XXX-XXXIV), hay nói cách khác như một cái trục chạy suốt thời gian nhân loại, nối hai cực là địa đàng tiên khởi và địa đàng được lại, nghĩa là tạo thành với sa ngã một bên, và tạo thành mới trong Chúa Giêsu Kitô: suốt đường thời gian đó có sự gặp gỡ giữa sự tự do của Thiên Chúa và sự tự do của tạo vật. Sự tự do của Thiên Chúa luôn luôn tạo dựng sự lành bởi lòng tốt lành của Người: điều đó Kinh thánh gọi là “Mến”: (agapè)


Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR

No comments: