Monday 17 August 2009

Được sai đến thế gian

Được sai đến thế gian [Ga 17,14-18]


Theo Chúa Yêsu thì theo như từng Kitô hữu hay cả Hội Thánh vẫn luôn bị hai chước cám dỗ có vẻ trái ngược nhau đeo bám : thống trị thế gian hay trốn tránh thế gian.

Đang ở trong sa mạc như Chúa Yêsu sau 40 ngày chay tịnh thì lại được đưa lên “một núi cao chót vót và được chỉ cho thấy hết các nước thiên hạ và vinh quang của chúng” (Mt 4,8). Thầy không sa chước cám dỗ nhưng các môn đồ sau này cứ vướng víu mãi với cái mộng vớ vẩn “được ngồi một người bên hữu, một người bên tả trong vinh quang của Thầy” (Mc 10,37) và với nỗi thắc mắc trật chìa “phải chăng thời này là lúc Ngài khôi phục vương quyền cho Israel?” (Cv 1,6). Rồi sau này khi Hội Thánh từ gần ba thế kỷ bị bắt bớ được đưa lên cao chót vót bên cạnh Hoàng đế Constantinô và các vua chúa khác… Hoặc gần đây khi Hội Thánh ở Ba Lan từ chế độ cũ bước sang nhiệm kỳ tổng thống Lech Walesa… Chưa kể là không đợi được đưa lên một núi cao chót vót nào, ngay giữa sa mạc, giữa những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt, trong Hội Thánh vẫn không thiếu những kẻ theo voi ăn bã mía và rắp tâm lôi kéo Hội Thánh “phục mình bái lạy” (Mt 4,9) hoàng đế, thiên tử để tồn tại mà không còn là mình nữa. Chước cám dỗ này là thường xuyên và lời nguyện “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” là luôn luôn khẩn thiết.

Được Chúa Yêsu đưa lên một đỉnh đồi cao nào đó thì các môn đồ lại chỉ dán mắt vào “một đám mây đã quyện lấy Ngài đi khuất mắt họ” và “đăm đăm nhìn lên trời”. Hẳn họ sẽ trồng chân tại chỗ, ở luôn trên ấy và chỉ chực Chúa kéo họ về trời luôn. Nếu khống có tiếng nói lay tỉnh : “Các ông, người Galilê, tại sao các ông cứ đứng đó nhìn trời?” (Cv 1,11).

Ai dám nghĩ rằng chước cám dỗ thoát tục lại không phải cũng là thường xuyên đối với Hội Thánh và trong Hội Thánh? Từ một tín hữu “chỉ biết lấy kinh nguyện làm vui” ở miết trong nhà thờ hết lễ này đến lễ nọ hay giờ chầu khác để thoát khỏi những chuyện không mấy vui trong gia đình, để khỏi bận tâm, can thiệp vào những vấn đề rắc rối của làng xóm, của khu nhà tập thể. Cho đến một họ đạo chỉ biết động viên mọi người “chăm lo việc nhà thờ nhà thánh” một linh mục chỉ quan tâm tới “phần rỗi linh hồn người ta” hoặc cả một giáo hội địa phương chỉ còn cố cứu vãn, bảo vệ “những gì chính yếu”, những cái gọi là “thuần túy tôn giáo” mà nhắm mắt làm ngơ, giả câm giả điếc trước những thiếu thốn, bất công, sa đọa của xã hội quanh mình. Cũng phải hằng ngày khẩn thiết “ xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Chúa Yêsu đã cự tuyệt lời đề nghị của ma quỷ, gạt đi những yêu cầu của các môn đồ xin được ngồi bên tả, bên hữu để trị vì hay đòi “khiến lửa từ trời giáng xuống” trừng trị thiên hạ (Lc 9,54). Ngài dạy kẻ theo Ngài không được như vua chúa thế gian nhưng chỉ có một cách làm lớn, cầm đầu là hầu hạ, lên ngôi là để làm tôi mọi người. “Vì chưng Con Người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình giá chuộc thay cho nhiều người” (Mc 10,42-45). Ngài xác quyết với Philatô : “Nước tôi không thuộc về thế gian này” nhưng đồng thời vẫn khẳng định “Ông nói đó : Tôi là Vua. Chính vì lẽ này mà tôi đã sinh ra, và chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian : ấy là để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,36-37). Vương quyền của Chúa Kitô không thuộc về thế gian, không cùng loại với quyền lực trần thế, không xuất phát từ quyền lực trần thế, không “ăn theo”, không lệ thuộc quyền lực trần thế, nhưng vẫn được thực hiện ngay giữa thế gian này vì luôn luôn và chỉ liên quan tới sứ mệnh cứu rỗi, mặc khải sự thật cho trần thế. Những ai theo Ngài cũng vậy. Giờ ra đi, Ngài biết mình “không còn ở trong thế gian nhưng họ ở trong thế gian” Ngài “không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi Kẻ Dữ”. Phải chăng là để họ cũng như Ngài “không thuộc về thế gian”. Và “như Cha đã sai con đến trong thế gian” Ngài “cũng sai họ đến trong thế gian” (Ga 17,15-18)

Ở trong thế gian. Không thuộc về thế gian. Được sai đến trong thế gian. Chính đó là tư thế đặc thù của Kitô hữu. Tuy có vẻ nghịch lý. Ở trong thế gian mà lại không thuộc về thế gian! Ở trong thế gian mà còn được sai đến trong thế gian! Tuy vậy cứ phải đủ cả như thế mới là Kitô hữu đích thực. Chỗ đứng của họ vẫn là ở trong thế gian chứ không phải trên một đỉnh núi siêu thoát nào. Nhưng ở trong thế gian mà cũng chỉ áo mũ xum xoe, tiền bạc rủng rỉnh, cũng thuộc về thế gian, chỉ đại diện cho “sự sang trọng thế gian” thì còn được Chúa sai đến trong thế gian mà làm gì? Ngài sai đến trong thế gian đâu phải để tranh giành quyền lực, của cải thế gian nhưng là để nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài thực hiện sứ mệnh cứu rỗi, mặc khải sự thật của Ngài. Phải không thuộc về thế gian mà “thuộc về Cha và Cha đã ban cho Con” (Ga 17,6-9) thì mới đáng được Ngài sai đến trong thế gian như thế. Và phải không thuộc về thế gian thì mới có được đầy đủ “sự tự do của con cái Thiên Chúa” trong sứ mệnh mặc khải sự thật kia. “từ hẳn những mưu thầm chước ẩn đáng hổ thẹn, không giở trò bịp bợm, không xuyên tạc lời Thiên Chúa, nhưng công nhiên giải bày sự thật, giới thiệu mình với mọi lương tâm người đời, trước mặt Thiên Chúa” như thánh Phaolô (2Cr 4,2).

Không mải mê nhìn theo Chúa Yêsu lên trời mà trở về với cuộc sống thường ngày, không tề tựu mãi một nơi mà “như thể do cuồng phong thổi đến” được đẩy cả ra đường ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Hội Thánh được sai đến trong thế gian như thế thì có thể không mang gì theo hết theo mình nhưng không bao giờ thiếu hành trang là một niềm tin cậy lạc quan vô biên và bất tận. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Hội Thánh cũng có thể nói như Phêrô khi đứng trước người què bên cửa Đền thờ : “Bạc vàng tôi không có, song có gì thì tôi cho anh” (Cv 2,6). Hội Thánh biết mình có gì chính yếu nhất, không phải do thế gian ban cho, trái lại tuyệt đối cần cho thế gian. Và cũng vì để có gì thì cho mà Hội Thánh được sai đến trong thế gian.

Hội Thánh có thể và phải sống, thực hiện sứ mệnh của mình, “dạn dĩ nói về Danh Đức Chúa Yêsu” (Cv 9,27) trong bất cứ hoàn cảnh địa lý, lịch sử nào. Hai mươi thế kỷ lịch sử Hội Thánh đã luôn luôn chứng tỏ điều ấy, nhất là Công Vụ Các Tông Đồ và lịch sử truyền giáo. Hoàn cảnh tốt hay xấu, tốt xấu thế nào đi nữa, đến đâu đi nữa thì cũng vẫn chình là nơi là lúc Hội Thánh nói chung, từng Kitô hữu nói riêng, được sai đến. Để sống theo Tin Mừng và để loan báo Tin Mừng. Không phải tìm tới nơi nào khác, không phải đợi đến lúc nào khác.

Vì không có hoàn cảnh nào là hỏa ngục tại thế cả. Thế gian có là thế gian tà vậy, còn có bóng dáng của Kẻ Dữ thì Chúa Kitô vẫn đã sống lại, “đầu mục thế gian bị lên án rồi” (Ga 16,11), đã “bị đánh quỵ” nếu không phải là đã “bị đuổi ra ngoài” (Ga 12,31), có còn mon men lui tới thì cũng “không có quyền gì” (Ga 14,30) trên Ngài nữa. “Hãy vững lòng ! Ta đã thắng thế gian” (Ga 17,33)

Phải trải qua muôn thuở ban đầu gần ba thế kỷ ‘khốn quẫn’ giữa Đế quốc Rôma hay sau đó hàng trăm năm ở nước nọ nước kia. Hội Thánh vẫn sống Phúc Thật Thứ Tám và không bao giờ thấy hoàn cảnh đang sống là hoàn cảnh tuyệt vọng chính vì nhờ hơi sức Chúa Thánh Thần mà vẫn ‘vững lòng’. Huống chi ngày hôm nay, người tín hữu có thể bụng bảo dạ rằng : Hội Thánh không còn có thể gặp hoàn cảnh nào ‘khốn quẫn’ hơn những hoàn cảnh đã trải qua trong quá khứ. Nói chi đến hoàn cảnh khi Chúa Yêsu bị bắt, thụ nạn, bị đóng đinh vào thập giá, chết thảm khốc, trần trụi và trắng tay, các môn đồ của Ngài đều vấp ngã, khi “kẻ chăn bị đánh và chiên trong đàn tán loạn” (Mt 26,13).

Cho nên Kitô hữu tuy cũng như mọi người có quyền chọn đất sống cho mình vì lý do tâm lý, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị .v.v… nhưng với tư cách là Kitô hữu không có quyền bảo rằng phải đi chỗ khác để giữ đạo, phải đi chỗ khác thì mới giữ đạo được. Ngày ‘khốn quẫn’ nhất kia, ‘kẻ đã tin’ và là kẻ duy nhất vẫn tin, không vấp ngã là Maria thân mẫu Chúa Yêsu thì đã “đứng bên khổ giá”, không phải trốn chạy đi đâu hết… giữ đạo !

Thiên Chúa lại vẫn làm được công việc của Ngài trong bất cứ hoàn cảnh nào và trái với những tính toán, toan tính của người đời.

Tại Công nghị Do Thái, Caipha đã tưởng mình tính được điều các người khác “không tính được”. Có biết đâu là cả ông nữa cũng không tính được như Thiên Chúa đã tính và có biết đâu là “điều ấy, ông đã nói ra không phải tự mình, nhưng vì là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri” : một người là Yêsu chết không chỉ “thay vì cả dân” mà còn thay vì cả nhân loại, không chỉ để tránh cho “toàn dân khỏi bị tru diệt” nhưng “còn để thâu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,45-52).

Saulô “hằm hằm đe dọa, thở ra sát khí đối với môn đồ của Chúa” đã lên đường đi Đamma định làm gì? Nhưng chỉ non một tuần sau, người ta thấy Saulô xuất hiện ở Đamma không phải để truy tìm các Kitô hữu, “xiềng trói lại mà điệu về Yêrusalem” nhưng là để “rao giảng trong các hội đường về Đức Yêsu” (Cv 9,1-22)! Đường đi Đamma lại mở ra Đường Truyền giáo không phải chỉ ba lần suốt dọc Địa Trung Hải mà còn “cho đến mút cùng mặt đất” (Cv 1,8).

Từ đó về sau, không biết bao nhiêu máu Kitô hữu đã đổ ra cũng trên khắp mặt đất này, từ thế hệ này đến thế hệ khác, không ở nước nọ thì ở nước kia, nhưng Hội Thánh vẫn tin và vẫn được chứng nghiệm : máu tử đạo là hạt giống nảy sinh Kitô hữu (Sanguis martyrum semen christianorum).

Khi không đến nỗi phải chết vì đạo mà chỉ rơi vào một nghịch cảnh thì cũng vậy. Chẳng hạn Hội Thánh ở Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX sắp qua đi này. Sau vụ Dreyfus, tinh thần bài giáo sĩ nổi lên dữ dội hơn bao giờ hết trong giới cầm quyền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp. Từ 1901 – 1904 : những đạo luật chống phá các dòng tu. Trên 3.000 trường học bị đóng cửa. Các tu sĩ nam nữ đã phải phân tán, hồi tục, trốn tránh ra nước ngoài nếu không bị trục xuất như các đan tu ở Chartreuse chẳng hạn. Cuối năm 1905 : Luật tách biệt Nhà Thờ với Nhà Nước. Thỏa ước 1801 bị đơn phương xóa bỏ. Ngân sách dành cho việc thờ phượng bị dẹp sạch khi mà Giáo Hội Pháp đã sẵn bị tước đoạt rất nhiều từ hồi Cách Mạng 1789 . Luật Tách biệt này còn là một phen tước đoạt nữa : các chủng viện, nhà xứ, tòa giám mục. Người Kitô hữu Pháp lại một phen điêu đứng. Từ 1905 – 1914 số tân linh mục giảm hẳn đi một nửa. Trắng tay, thiếu thốn, Giáo hội phải kêu gọi và trông chờ đồng tiền quyên góp của giáo dân. Nhiều thập niên sau các cuốn giáo sử chỉ nhắc tới Luật Tách Biệt như một đại họa cho Giáo Hội Pháp. Còn những năm về sau này, nhất là từ sau Công Đồng Vatican II, càng ngày người ta càng có thể thấy Giáo hội Pháp đã được nhiều hơn mất từ Luật Tách Biệt. Luật ấy làm… xì hơi óc bài giáo sĩ. Nhưng điều quan trọng hơn là Hội Thánh ở Pháp nhờ nó đã tìm lại được sự tự do cho mình. Nhà thờ tách biệt với nhà nước, không còn bị thỏa ước 1801 và các điều khoản bổ sung trói buộc, cho nên từ đó các giám mục được Tòa Thánh trực tiếp bổ nhiệm, hoàn toàn tự do hội họp, thảo luận, đồng thuận với nhau về đường lối mục vụ chung. Giáo Hội không phải nhờ vả ngân sách quốc gia thì lại tự do xây cất nhà thờ mới, thành lập các họ đạo mới. Thu nhập trung bình của linh mục Pháp thấp hơn mức tối thiểu do nhà nước quy định nhưng Giáo Hội Pháp, ít nữa là hồi trước Công Đồng Vatican II, đã thật phong phú về nhiều mặt như thần học, sáng kiến mục vụ, tông đồ giáo dân .v.v… và đã đóng góp phần đặc biệt đáng kể cho thành tựu của Công Đồng.

Người ta vẫn tìm cách giải thích sự hồi sinh hay phát triển của Hội Thánh bằng những lý do tâm lý, xã hội, kinh tế, chính trị này nọ. Những lý do ấy không phải là không có, nhưng không hề đủ. Chỉ trong lòng tin Hội Thánh mới thấy được nguyên lý xuyên suốt lịch sử của mình: sức sống Chúa Thánh Thần (Cv 1,8).

Cũng không có hoàn cảnh nào là thiên đàng tại thế cho Hội Thánh. Chưa hề có và sẽ không bao giờ có. Cho tới khi Chúa lại đến. Ngay cả những năm tháng Đức Yêsu có mặt giữa các môn đồ, đích thân rao giảng Tin Mừng cũng không phải đã là hoàn cảnh tốt đẹp nhất : “Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho anh em” (Ga 16,7). Quả quyết này liên quan đến cả hay đến chính sự xuất hiện của Chúa Kitô sống lại giữa các môn đồ. Huống hồ những hoàn cảnh thuận lợi nào khác mà Hội Thánh đã được gặp trong lịch sử. Từ ‘thời đại Constantinô’ trong cả Đế quốc Rôma xưa kia cho đến nhiệm kỳ tổng thống Lech Walesa gần đây ở Ba Lan, không hoàn cảnh nào đã là thiêng đàng cho Hội Thánh cả. Thuận lợi nhiều thì cám dỗ, cạm bẫy cũng lắm. Ngay trong phạm vi từng họ đạo, từng tu viện, người kitô hữu vẫn dễ dàng cảm nghiệm được thực tế đó.

Hoàn cảnh khốn quẫn, nghiệt ngã là một thử thách cho Hội Thánh đã đành rồi nhưng hoàn cảnh thuận lợi, ‘tốt đẹp’ lại là một thử thách khác. Và có lẽ chính trong hoàn cảnh này Hội Thánh lại cần “tỉnh thức và cầu nguyện” (Mc 14,38) nhiều hơn để khỏi sa chước cám dỗ vừa quỵ lụy thế gian, vừa thống trị thế gian, nghĩa là sa lầy trong thế gian, chung chạ với thế gian, ‘ thuộc về thế gian’.

Tựu trung hoàn cảnh thực tế đó Hội Thánh cũng như từng Kitô hữu được sai đến vẫn là hoàn cảnh đã được chính Chúa Yêsu mô tả trong Mt 13,24-30 : lúa tốt và cỏ lùng xen lẫn nhau. Không thể nào khác được. Hoàn cảnh nào cũng tranh tối tranh sáng. Cũng dị nghĩa như chính ‘thế gian’ vừa là thế gian tà vạy, sẵn mưu ma chước quỷ - Kitô hữu không được thuộc về thế gian ấy (Ga 16,8tt; 17,9.14 vv…) vừa là thế gian được “Thiên Chúa yêu mến đến đỗi ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16) và Chúa Yêsu cũng sai môn đồ đến (Ga 17,18). Không thể nào khác được. Cho tới khi Chúa lại đến !

Như thế quả là Hội Thánh luôn có thể và phải sống giữa bất kỳ hoàn cảnh địa lý, lịch sử nào. Nhưng sống là sống “trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4,23) chứ không phải là sống xu thời, sống cơ hội theo kiểu như : “L’Eglise en vertu de son immanence couche avec tous les régimes et en vertu de sa transcendance les concubine tous” (Giáo hội vì có tính nội tại thì ngủ với tất cả các chế độ và vì có tính siêu việt lại cho tất cả các chế độ mọc sừng). Một tờ bào báo Công Giáo Pháp hồi trước 1975 đã từng ghi lại một nhận định như thế. Nhưng nói như thế chỉ có thể là nói đùa (boutade) hay ghi nhận một khía cạnh nào đó thôi trong lịch sử Hội Thánh. Khía cạnh này nếu có thì không phải là chính yếu, không thuộc về cốt cách của Hội Thánh và chỉ phản ánh một cái nhìn phiến diện về lịch sử Hội Thánh. Kitô hữu không có lý do gì để hãnh diện với thứ khả năng tùy cơ ứng biến, thích nghi, tồn tại kiểu ấy, nếu có thể nó đã là thực tế một thời gian nào đó, ở chỗ nọ chỗ kia.

Hội Thánh sống đích thực, sống chân thật, sống theo Tin Mừng thì không phải là nhân danh những phạm trù triết học như tính nội tại (immanence) và tính siêu việt (transcendance), nhưng là theo, vì và trong Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Phục Sinh. Theo, vì và trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Hội Thánh không được Chúa Yêsu “xin cất khỏi thế gian” mà lại được Ngài “sai đến trong thế gian” cho nên có thể và phải sống, tồn tại lớn lên và làm chứng được cho Tin Mừng trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào.

Theo, vì và trong Mầu Nhiệm Phục Sinh, Hội Thánh có thể và phải sống vượt qua mọi thăng trầm thế sự, không ngủ quên, sa lầy trong một hoàn cảnh lịch sử nào, “không thuộc về thế gian”, mà lại luôn có thể và phải thi hành sứ mệnh ngôn sứ, chất vấn, đánh giá mọi hoàn cảnh lịch sử đối chiếu với Nước Trời.

Cho tới khi Chúa lại đến …

No comments: