Tuesday 3 February 2009

NĂM THÁNH THÁI HÀ - Lm. VĨNH SANG, DCCT


Tôi đến Hà Nội vào buổi chiều trước ngày khai mạc Năm Thánh tại Thái Hà, cái không khí se lạnh của mùa xuân làm Hà Nội đẹp hơn, đường phố thưa thớt bởi người dân lao động từ các tỉnh bạn đã về quê ăn Tết, phố xá thông thoáng làm lòng người cũng cảm nhận được sự thênh thang, thanh thản mà thoát khỏi cái chật hẹp xô bồ bụi bặm của ngày thường.


Người Việt chúng ta hay thật, khi gió mùa thổi về, mùa xuân có bóng cánh chim én lượn, người ta quên ngay những nhọc nhằn để hội nhập vào không khí nhẹ nhàng của các lễ hội mùa xuân. Hà Nội hình như quên đi những ngày tháng vất vả muộn phiền, Hà Nội đang khoác lên mình tấm áo nồng thắm tình xuân, quên rồi những nỗi đớn đau hờn giận, quên rồi những giọt nước mắt cho những mất mát to lớn của một năm trôi qua, mọi sự trôi đi như giòng nước mưa lũ nghiệt ngã dịp cuối năm ngoái đã từng cuốn đi bao ước mơ, bao kế hoạch, bao mạng sống con người trên chính đất Hà Nội Thăng Long thành này !

Xuân đến, có cái quên c cái không quên, cái không quên là cái ăn vào xương vào tủy, vào tim vào óc, vào từng ngõ ngch của cuộc sống con người, cái không quên là cái không thể quên, nếu quên thì chẳng phải là người. Điều người Giáo Dân Hà Nội không bao giờ quên đó là hành hương kính Đức Mẹ đầu năm mới tại Thái Hà. Đã như vậy nhiều năm, mưa hay nắng, buồn hay vui, khổ đau hay hạnh phúc, có tự do hay không, còn đông Giáo Sĩ hay như nhiều năm tháng chỉ còn vỏn vẹn cha Vũ Ngọc Bích, một cụ già đạo hạnh giữ Đền ( dạo ấy người ta đã trục xuất Giáo Sĩ, giam tù Tu Sĩ, cấm Giáo Dân lai vãng ), thì xuân đến là lúc đàn con thảo lại lũ lượt kéo nhau đến Đền Thái Hà để hành hương kính Đức Mẹ.

Trong một lần gặp gỡ, có một vị Giám Mục nói với Giáo Dân Thái Hà rằng: “Khi tôi còn bé, tôi thường theo thầy mẹ tôi đến Đền Mẹ Thái Hà để hành hương kính Đức Mẹ, tôi chẳng thể quên và luôn biết ơn Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp, biết ơn các cha Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Thói quen hành hương đầu năm về Thái Hà có từ rất lâu, dạo ấy...

Trước giờ khai mạc Năm Thánh, một vị Giám Mục khác nói với tôi, ngài kể về cuộc đời ngài với sự can thiệp lạ lùng của Đức Mẹ tước hiệu Hằng Cứu Giúp. Năm ngài lên hai tuổi, ông cụ thân sinh ra ngài sửa chữa cái bể nước mưa khá lớn, trong lúc đục đẽo để trám hồ, vô tình bức thành của hổ nước đổ ụp xuống, khi đó “thằng bé sau này làm Giám Mục” đang chơi đùa bên thành bể, bị bức tường đè “chết” tại chỗ. Hoảng hốt, người cha đau khổ chỉ còn biết ngước mắt lên trời cầu nguyện, rồi vội vàng bảo cô chị chạy sang Đền Thánh An Phong ở Nam Định khấn Đức Mẹ ngay, khi người chị của “Đức Cha” khấn đoạn về nhà, “thằng bé” từ từ tỉnh dậy, mắt và mũi trào nước ra, trong nước có lẫn cát sạn xi-măng ! Và từ đó “thằng bé” sống lại bằng sự sống nhiệm lạ.

Những năm chiến tranh loạn lạc, toàn quốc “tiêu thổ kháng chiến”, nghĩa là thẳng tay triệt hạ không thương tiếc tất cả các cơ sở có thể làm nơi trú ngụ và bảo vệ cho quân đội Pháp, cô lập bằng cách đốt phá tất cả các công trình bao quanh, cắt đứt mọi liên lạc và mọi đường dây tiếp tế. Gia đình ngài nằm trong vùng phải triệt hạ. Cõng con trên người chạy loạn, người cha đã xông lên, lao mình giữa các lằn đạn, một tay quắp con nhỏ, một tay đeo bức ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp, luôn miệng nhắc con nhỏ sau này làm Giám Mục rằng hãy “kêu xin Đức Mẹ đi con !” Người ta chết rất nhiều, vậy mà hai cha con vẫn an toàn, trên vai vẫn mang bức ảnh Đức Mẹ. Ngài kết luận: “Cho đến bây giờ, con luôn mang ơn rất sâu đậm Đức Maria Mẹ Hằng Cứu Giúp”.

Thái Hà mở Năm Thánh, rất nhiều người thắc mắc và lo ngại, họ muốn biết rõ Thái Hà mở Năm Thánh để làm gì. Thế rồi sinh ra nhiều lối giải thích khác nhau, dẫn đến những phản ứng khác nhau.

Chiều hôm trước ngày khai mạc Năm Thánh, các ngã đường đã dày đặc Công An, đường vào công viên, khu linh địa Đức Bà cũ đã bị khóa hoàn toàn bằng các chốt gác, phố Nguyễn Lương Bằng căng thẳng một cách lạ kỳ, không bình thường như mùa xuân Hà Nội, dày đặc những thanh niên gương mặt lạnh lùng, kín đáo theo dõi khách hành hương và những chiếc bộ đàm léo nhéo liên tục.

Không cần phải như vậy, phản ứng như vậy là nghĩ sai và không hiểu gì về Thái Hà, không hiểu gì về Năm Thánh ! Bảo vệ an ninh trật tự là điều cần thiết, nhưng bảo vệ an ninh trật tự đến độ “Cha ơi, Công An đông hơn Giáo Dân !” thì quả là quá đáng !

Thái Hà đã khai mạc Năm Thánh trong bầu khí thánh thiện đơn sơ. Một Thánh Lễ đầm ấm có nhiều vị Giám Mục tham dự, có vị đến từ bờ biển Đông, từ thành phố mùa hè phủ đầy hoa Phượng đỏ, có vị đến từ miền rừng núi bạt ngàn Tây Bắc, quanh năm sương khói phủ núi rừng. Ngày khai mạc bùng mở đón vị Giám Mục được phong danh hiệu “Anh hùng của Đức Tin” đến chủ sự, tiếng vỗ tay không dứt, người ta hét thật to lên rằng: “Hoan hô Đức Tổng”. Người ta gào lên rằng: “Hoan hô đấng Chúa sai đến”, và khi đoàn đồng tế đã đâu vào đó trên Cung Thánh, thì vị chủ sự, “người của Sự Thật” và “người của lòng can đảm” vẫn còn ở mãi xa, đang “vật lộn” với đám đông dân chúng trào tràn tình thương yêu.

Người ta đã yêu mến Đức Tổng thật nhiều vì Đức Tổng đã “chạnh lòng thương” người ta thật nhiều. Có thế thôi ! Đã thế, bài giảng khai mạc lại nói về con tim, lại nói về tình yêu, nói về ơn tha thứ, nói về cuộc sống hiệp nhất. “Trong vũ trụ thiên nhiên, mùa đẹp nhất là mùa xuân, trong con người, phần đẹp nhất là chính con tim, con tim biết yêu thương…”

Vậy Năm Thánh ở Thái Hà là gì, thưa đã rất rõ, là đánh dấu một chặng đường 50 năm của Lòng Tin, là tìm đến với Lòng Xót Thương của Thiên Chúa để đón nhận ơn tha thứ, là tận hưởng ân huệ lòng thương yêu của Thiên Chúa và để học tập lời Chúa hầu lớn lên trong Đức Tin, trong Lòng Yêu Mến.

Đến với Thái Hà, Năm Thánh là đến với Lời của Chúa, học hỏi ngẫm suy Lời Chúa, lấy Lời Chúa làm nền tảng, làm tiêu chuẩn chọn lựa lối sống. Đã lấy Lời Chúa thì sẽ không lấy lời của thế gian, không thể làm tôi hai chủ được, lời thế gian phải được loại ra ngoài, vì nó là lời gian dối, lời lừa bịp và đưa chúng ta đến chỗ chết, cho dù nó đã được phong tặng bằng khen, huy chương, …

Đến với Thái Hà là đến với ơn tha thứ, đến nhận lấy lời tha thứ đầy yêu thương của Thiên Chúa, Đấng chỉ biết yêu thương, nhưng đồng thời cũng là để chuyển ơn tha thứ đó đến cho người khác. Ơn tha thứ chỉ ở lại với chúng ta khi chúng ta biết chuyển ơn tha thứ đó đến cho người khác ( Xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con ). Tha thứ cho kẻ xúc phạm và làm khổ mình thì khó lắm, khó vì đến cùng sẽ phải trả bằng giá máu như Chúa Giêsu đã làm.

Đến với Thái Hà là để yêu mến “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”, để tìm ra nơi người anh em mình gương mặt của Thiên Chúa, để tìm ra nơi người anh em mình lý do để Thiên Chúa sẵn sàng sống và chết cho họ, để ta vượt qua mọi rào cản, mọi bất đồng mà yêu thương đến hiến mạng cho anh em, người anh em bên cạnh mình mà mình có thể không quen biết.

“Ôi Thần Linh Thánh Ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình”.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Hà Nội 1.2.2009

No comments: