Saturday 21 February 2009

2009 Vũ Sinh Hiên Tổng Hợp Thư Chung

VOX CLAMANTIS

Thư Luân lưu

Số 39

Fr. Maria Anselmus Thadd„us (*)

Nhờ ơn Chúa và do quyền Toà Thánh làm Giám mục thành Daphnusia coi sóc địa phận Phát Diệm – Bùi Chu.

Gửi lời kính thăm các Cha, người nhà Đức Chúa Lời nhà Dòng và anh em giáo hữu.

Tôi rất sợ vì một mậu thuyết thâm độc đang tràn lan khắp nơi. Với những lối tuyên truyền khéo léo họ đã chia rẽ một số con chiên với chúa chiên, và giữa con chiên với nhau. Những lời ngon ngọt phỉnh nịnh đã làm tối mắt nhiều người; kẻ chưa thử thì hâm mộ, kẻ đã trót vào tròng gỡ ra không được. Thuyết đó là thuyết : Cộng sản vô thần.

Anh em nhiều khi hoang mang vì những lời tuyên truyền khác nhau : kẻ khen, người chê. Muốn cho anh em khỏi lầm tôi giải bày ít nhiều điều quan hệ hơn.

Khi tuyên truyền C.S. thường người ta chỉ nêu ra : “lấy của nhà giàu cho nhà nghèo, giảm địa tô, chia ruộng đất lại, không ai đói rét, không ai giàu quá, không ai đè đầu bóp cổ, tự do, bình đảng, tự do luyến ái” cùng với muôn vàn câu khác thực là đường mật, nghe như rót vào tai. C.S. thế nào chứ thế ấy ai chả muốn vào !

Nhưng C.S. có phaỉ vậy không ?

Đây là một vấn đề rất quan hệ. Anh em hãy suy nghĩ cho kỹ. Sau này anh em đừng trách là không ai bảo. Lúc này anh em hãy tự chọn con đường cho mình và cho con cháu mình. C.S. nhờ sức mạnh ở quần chúng. Nếu anh em nhập hội C.S. ủng hộ cho C.S. tức là đã tự chon con đường cho mình và con cháu mình đấy.

Ở đây tôi phải nhắc lại điều tôi đã nói đi nói lại nhiều lần : chúng tôi đứng ở ngoài các đảng phái chính trị, chỉ trích C.S. là chỉ trích C.S, không liên can gì tới chính phủ. Chính Cụ Hồ đã tuyên bố nhiều lần chính phủ cộng hoà, liên hiệp các đảng phái nhưng trong các đảng phái có C.S.. Trong chính phủ có C.S, chính phủ không phải là C.S. Các tổ chức cho C.S. là cho những người C.S. ở trong chính phủ lợi dụng địa vị mình mà làm. Vậy chúng ta chỉ nói đến một nhóm người trong chính phủ thôi.

Đàng khác, phản đối C.S. không phải là đi với Pháp, C.S. thường lấy chữ ái quốc, cứu quốc mà che dấu nhiều điều càn bậy. C.S. phá đổ Công giào từ gốc rễ, tất cả các nơi họ hoạt động để reo rắc mầm C.S. bằng hết mọi phương thế, hoặc có ai phản đối thì họ cho là thân Pháp, thế là bị bắt. Nếu có ai thân Pháp thì C.S. thân nhất, vì C.S. là con đẻ của Pháp. C.S. mà còn giữ thái độ hiện hành đối với Công giáo thì tôi sẽ cho phát hành tất cả những tài liệu từ đầu C.S. đã là con đẻ của Pháp và tất cả chương trình họ định xích hoá nước Việt Nam thế nào; tôi đã tuyên bố nhiều lần thái độ rõ rệt của tôi : tôi vẫn đứng bên cụ Hồ để chống thực dân Pháp đến cùng.

Cộng sản là thế nào ?

Chúng ta không thể trong một câu giải nghĩa C.S. được. C.S. không phải chỉ là một lý thuyết về kinh tế xã hội. C.S. đã quan niệm về tất cả con người. Muốn cho đỡ thiếu sót, và khỏi phải xét về những quan điểm trừu tượng, tôi sẽ nói về mấy phương diện : C.S. với Thiên Chúa, C.S. với luân lý. C.S. với tôn giáo, C.S. với nhân phẩm con người, C.S. với quyền sở hữu. Giải bày tất cả các quan điểm đó tức là định nghĩa C.S.

C.S. là một lý thuyết do ông Các mác cũng gọi là Mã khắc lập ra. Ông là người Do Thái sinh ra ở Đức năm 1818.

Chịu ảnh hưởng bằng cách mạng bởi dòng máu Do Thái, bởi ông thân, bởi quê hương, bởi học đường, ông đã có nhiều quan niệm nguy hiểm nên bị các chính phủ Đức, Pháp, Bỉ trục xuất cảnh ngoại nhiều lần. Sau cùng ông sang Luân Đôn viết quyển “Tư bản luận”. Lúc sinh thời, ông mới xuất bản được một phần. Từ khi xuất bản quyển Tư bản luận tập 1, nhiều nhà đại kinh tế thời đó như Vilfredo Pareto và Bohm-Bawerk v.v… công kích kịch liệt nên Ang-ghen bạn thân và là đồng chí của Mac đã cùng với ông xuất bản quyển “Tuyên ngôn của đảng C.S.”, sửa chữa lại và cho xuất bản hai quyển sau. Chính vì thế mà khi nói đến chủ nghĩa Mác vẫn nói đến cà Ang-ghen, dầu trong sách ấy có những điều mâu thuẫn nhau.

Tư tưởng của Mác Ang-ghen được Lê-ninh đem áp dụng thực hành ở nước Nga trước hết. Ông đã cầm đầu cách mạng vô sản đánh đổ Nga hoàng đem vô sản lên chính quyền ở Nga, hồi tháng 10 năm 1917. Nước Nga bị xích hoá từ đó.

Lê-ninh qua đời, Xit-ta-Linh thế chân, tiếp tục công việc xích hoá nước Nga và cả thế giới.

Phong trào cách mạng vô sản hiện đang bồng bột khắp nơi, dưới quyền điều khiển của Xít-ta-Linh một số lãnh tụ các nước : Thorez ở Pháp, Toglietti ở Ý, Tito ở Nam-tư, Mao-trạch-Đông ở Tầu, Oa lác ở Mỹ.

Tư tưởng C.S. xuất hiện vào lúc cách tổ chức xã hội kinh tế của thế giới khủng hoảng, nền kỹ nghệ đang phát triển mạnh, phái thợ thuyền vì bực tức với cách bóc lột của phái tư bản, tin những lời tuyên truyền phỉnh nịnh lừa bịp, theo C.S. rất đông.

Trước khi theo C.S. ta cần phải hiểu rõ nó thế nào.

C.S. với vấn đề Thiên Chúa

Đặt nền móng cho mọi vấn đề, C.S. chủ trì : chỉ có vật chất và cái gì cũng bởi vật chất.

Đó là tín điều thứ nhất của C.S., ai không biết và không tin thì không phải là C.S., cũng như người Công giáo mà không tin có Chúa vậy. Người C.S. tin rằng chỉ có vật chất, không có Chúa, không có linh hồn, không có đời sau, không có thiên đàng, hoả ngục, chỉ duy có vật chất. Mà cái gì cũng bởi vật chất cả. Nói tóm lại C.S. là hoàn toàn duy vật.

Ông Lê-ninh nói : “Thuyết Các Mác là duy vật…”. Báo Sự Thật cơ quan tuyên truyền chủ nghĩa Mác viết : “Trước hết chúng tôi cần phải nói ngay rằng : CS là vô thần, và thần là thế nào ? Là không tin có trời cũng như không tin có một vị toàn năng, toàn thiện và tạo nên, và sai khiến vạn vật và loài người… vật chất là nguồn gốc của những cảm giác và ý niệm, và tư tưởng là sản phẩm của vật chất…

Đã hiển nhiên C.S. là duy vật, là vô thần.

C.S. với Vấn đề Tôn giáo

Từ chỗ duy vật vô thần, các ông suy diễn ra các tư tưởng khác. Đã là vô thần thì tất nhiên vô tôn giáo. Cho có tôn giáo thì phải có Chúa. C.S. không thờ Chúa thì vô tôn giáo là đúng rồi.

Lê-ninh tuyên bố : “Tôn giáo là thuốc phiện mê dân. Tư tưởng ấy Các Mác đã là viên đá góc tường quan niệm Các Mác về vấn đề tôn giáo”.

Nói cho đúng hơn thì phải nói C.S. là một thứ tôn giáo mới. lấy phái vô sản làm chúa và làm mẹo luật luân lý. Trong tôn giáo mới này, tiên tri đã rao giảng đạo lý là Mác và Ang-ghen; vị cứu thế chính là Lê-ninh, vì chính ông đã đem thực hiện lý thuyết trong tình cảnh nước Nga. Mất đi, C.S. thờ ông, đi viếng mộ và cất mũ bái chào ông. Vị thượng tế chính là Xít-ta-Linh người ta đã tặng là giáo hoàng đỏ của C.S. Ông giữ việc chú giải đạo lý C., chỉ có ông được nói ở buổi hội : “Tôi nghĩ như thế này : “ Các người phải nói : Lê-ninh nói thế này, Xít-ta-Linh nói như thế này …” Tất cả các ông C.S. khác chỉ có vâng phục mệnh lệnh một cách triệt để. Ai dám chống cưỡng thì phải đền mạng hay bị trục xuất khỏi đảng một cách thẳng tay như Tờ-rốt-kít, hoặc Zinorie, Simirov v.v… cùng với bao người bị phát lưu hoặc bị giết vì trái lệnh như thế…

Đã lập tôn giáo mới và quan niệm về các tôn giáo khác như thế, C.S. rất ác cảm với các thứ tôn giáo và tìm hết mọi phương thế để phá các tôn giáo. Lời các ông tuyên bố không còn ai có thể nghi ngờ gì nữa.

Lê-ninh tuyên bố : “Thuyết Các Mác là duy vật, vì thế là tử thù của tôn giáo

A.B.C. của C.S. có câu : “Tôn giáo và C.S. không thể đội giời chung xét cả lý thuyết lẫn thực hành”. Đồng chí Kalinine nói : “Chiến đấu bài tôn giáo là phương thế cần thiết và tối diệu để vạch đường cho C.S.”.

Đồng chí Lounatcharski ủy viên trong bộ giáo dục Nga đã nói : “Chúng tôi ghét Cơ-đốc giáo và các tín đồ của Cơ-đốc : cả những kẻ tốt lành nhất cũng phải coi là địch thủ ghê gớm nhất của ta”.

Những câu nói ấy rất hợp với tôn chỉ về C.S. chủ trương giai cấp chiến đấu. Họ nghĩ rằng : “giai cấp chiến đấu là điều kiện cần để nhân loại tiến hoá, mà các tôn giáo dạy từ bi, ngăn trở việc tranh đấu đó, vì thế cần phải bài tôn giáo”. Nói rằng C.S. không bài tôn giáo tức là không hiểu lý thuyết C.S. vậy.

Cộng sản không những ghét tôn giáo mà lại cố sức bài trừ các thứ tôn giáo.

Đồng chí Stepanoff nói : “Chúng ta đã đánh đổ Nga hoàng, ta phải đánh đổ Thiên Hoàng nữa. Cuộc chiến đấu phải khuyếch trương cũng không kém phần quyết liệt với Thiên Chúa mà người ta gọi bằng những tên : Giêôva, Giêsu, Bút-đa, A-la v.v…”

Tất cả những nơi chính phủ Công sản cầm đầu đều qua một cuộc bách hại ghê gớm như ở Nga, Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ, Tiệp Khắc, Ba Lan.

Ở Nga người ta đã phá tôn giáo bằng đủ mọi phương thế, bắt giết vị linh mục, phá, đóng cửa nhà thờ, tịch thu tài sản, cấm dạy đạo lý, không được mở trường học, mở nhà thương, mở các hội thiện. Không có quyền xuất bản sách báo đạo. Không có quyền thi cử, không được lên chức tước. Ai tin đạo bị rút vé thực phẩm.

Trái lại việc tuyên truyền bài tôn giáo rất mãnh liệt năm 1936, nước Nga đã tung ra khắp Âu châu 11 triệu cuốn sách phản tôn giáo. Họ bỏ tiền của nhà văn mở thư viện lớn chứa toàn sách cộng sản duy vật. Những cuoc triển lãm, chiếu bóng, kịch, tuồng hoàn toàn dùng vào việc bài tôn giáo.

Nhưng nếu Cộng sản bài tôn giáo, sao họ vẫn kêu gọi người Công giáo bắt tay làm việc với họ ? Các nơi và trên báo chí vẫn tuyên truyền C.S. không phá đạo, C.S. vẫn cho tự do tín ngưỡng. Nhiều khi giáo hữu đâm hoang mang, một đàng C.S. thâm thù với tôn giáo, thâm thù đến nỗi Lê-ninh đã tuyên bố : “Tất cả tư tưởng tôn giáo đều là khả ố không thể tả được”, một đàng họ hết sức giơ tay bắt tay Công giáo ?

Đối với C.S, những cử chỉ ấy không có gì mâu thuẫn mà cũng đừng tưởng là Cộng sản đã đổi thái độ.

Ông Lê-ninh đã chú giải thái độ đó rõ rệt lắm. Ông nói : “Chúng ta phải đả đảo tôn giáo, đó là abc của tất cả mọi thuyết duy vật và dĩ nhiên duy vật của Các Mác. Nhưng duy vật Mác-xít không phải chỉ đứng ở chỗ abc. Thuyết Các Mác đi xa hơn, dạy phải biết chống với tôn giáo nữa”.

Ông tiếp : “Chương trình chúng ta hoàn toàn đặt trên một nền triết lý duy vật. Đã hẳn thế, nhưng sao ta lại không tuyên bố trong chương trình rằng chúng ta là vô thần ? Tại sao ta không cấm giáo hữu gia nhập đảng ?”.

Không nên gò bó – vẫn lời Lê-ninh – không nên gò bó việc bài tôn giáo vào những lời nói suông trừu tượng … phải biết liên kết cuộc tranh đấu này với sự thực hành cụ thể phong trào giai cấp chiến đấu nhằm mục đích tiêu diệt tôn giáo cho kỹ cằn…

Để dễ hiểu ông ra thí dụ : “Thí dụ trong khu vực tổ chức được hội vô sản, trong số có một ít anh em dân chủ chân chính thành thực vô thần với một số lạc hậu vẫn còn tin Chúa, còn đi nhà thờ, cho ngay còn chịu ảnh hưởng trực tiếp các cụ đạo đi nữa, ông cụ đạo có những điều kiện thuận tiện tổ chức nghiệp đoàn Công giáo. Ta lại giả sử trong miền đó có cuộc tranh đấu kinh tế đi đến chỗ đình công. Một người theo chủ nghĩa Các Mác phải đặt cái kết quả phong trào đình công vào bậc nhất, phải phản động lại và phản đối kịch liệt các cách chia rẽ thợ thuyền trong việc tranh đấu vô thần với Công giáo.

Trong những trường hợp ấy, tuyên truyền vô thần là thừa và có hại, không phải về phương diện tình cảm sợ làm cho tụi lạc hậu tức tối, hoặc sợ mất tín nhiệm lúc bầu cử… nhưng đứng về phương diện giai cấp chiến đấu, cốt để việc giai cấp chiến đấu được tiến bước thật. Xét tình thế xã hội tư bản hiện thời, sự giai cấp tranh đấu làm cho người thợ Công giáo ra vô thần trăm lần chắc chắn hơn một bài giảng thuyết vô thần xuông”.

Chính vì tôn chỉ ấy, chúng ta thấy rằng : Những cuộc diễn thuyết bài Cộng sản xuông vẫn được để yên, mà mở một cuộc hội họp thanh niên thì tìm hết cách ngăn trở. Tất cả các việc đã xẩy ra ở Phát Diệm, Phúc Nhạc là thực hành đúng từng chữ từng nét lý thuyết của Mác-Lê-ninh.

Cũng vì thế mà C.S. hết sức quyến rũ, đè ép người Công giáo nhập các hội đoàn. Một khi đã vào hội đoàn C.S. tức là đời người Công giáo hỏng rồi. Chính Cộng sản đã nói : “Không những chúng ta phải nhận mà phải hành động để lôi kéo vào đảng những thợ còn tin tưởng vào Chúa, chúng ta triệt để không có phạm đến tín ngưỡng của họ, nhưng chúng ta lôi kéo họ để huấn luyện họ theo đúng chương trình của ta”.

Anh em đã thấy chưa, không phải vô cớ mà người ta khủng bố bắt anh em nhập hội đoàn, cũng phải đi sai đường mà tôi cấm anh em nhập hội đoàn đâu. Chính vì những cái nguy hiểm đó !

Hiến pháp Nga nói một cách mập mờ để đánh lừa dân ngu. Khoản 124 Hiến pháp Nga nói rằng : “Người công dân được tự do làm việc phụng sự tôn giáo và được tự do bài tôn giáo”.

Những người sơ ý tưởng rằng hiến pháp vẫn cho tư do tôn giáo. Hiến pháp nói rõ rằng “được tự do làm việc phụng sự”, nghĩa là tôn giáo chỉ còn có cầu kinh đi lễ, tin tưởng ở trong lòng, mất hết mọi tự do tuyên truyền tôn giáo.

Tự do tín ngưỡng mà không có tự do tuyên truyền, mất hết mọi quyền in sách báo, lập hội đoàn, mở trường thì tự do tín ngưỡng có phải thừa không ?

Báo Sự Thật số 105 nói rõ : “Chính vì muốn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho mọi người nên C.S. chủ trương nhà thờ ly khai với nhà nước và nhà trường ly khai với nhà thờ”. Ly khai thì còn gì là bảo đảm ?

C.S. mơn trớn giáo hữu bằng câu : “tự do tín ngưỡng”. Anh em giáo hữu phải nhớ Hiến pháp Nga cũng có câu đó, nhưng nước Nga trước khi C.S. lên cầm quyền có hơn 5 vạn nhà thờ, ngày nay chỉ còn độ 8 nghìn. Các vị linh mục hầu hết bị phát lưu hay bị giết. Ở Odessa (Nga) vị linh mục Công giáo cuối cùng đã bị bắt năm 1936.

Ta nên nhớ lời Đồng chí Yaroslavski : “Chỉ có người khờ mới tin rằng những người có tôn giáo có thể làm C.S.”.

Cộng sản với luân lý

Không tin có Chúa, không có tôn giáo, vậy tất nhiên cũng không có luân lý như ta vẫn hiểu.

Nhưng các ông C.S. không bao giờ chịu mình không có luân lý. Ngày mồng 2-10-1920 Lê-ninh tuyên bố : “Phải rồi, người ta thường bảo chúng ta không có luân lý riêng, phái tư bản thường trách chúng ta như thế. Đó là cách lừa gạt che mắt thợ thuyền dân quê”.

Anh em hãy nhớ ở trên tôi đã nói : “C.S. không có luân lý như chúng ta vẫn hiểu”. Chúng ta đi lễ vì Chúa truyền, cấm tà dâm vì Chúa truyền, cấm ăn trộm vì Chúa truyền.

C.S. không tin có Chúa, họ lấy vô sản làm Chúa, vì thế nền tảng luân lý của họ là vô sản. Lê-ninh tuyên bố : “Chúng tôi xin tuyên bố : cái luân lý của chúng tôi hoàn toàn tuỳ thuộc vào ích lợi cuộc tranh đấu cho phái vô sản. Luân lý của chúng tôi rút ra bởi những ích lợi của cuộc tranh đấu cho phái vô sản”.

Đồng chí Yaroslavski : “Tất cả cái gì giúp đấu tranh cho phái vô sản cách mạng đều tốt”.

Nói thế nghĩa là gì ? Nghĩa là việc gì người C.S. làm cũng vì vô sản hết : tranh đấu vì vô sản, được ăn trộm vì vô sản. được giết người vì vô sản. Tất cả mẹo luật luân lý của C.S. có thể tóm tắt như sau này : “Phàm cái gì có ích cho việc tranh đấu cho vô sản đều tốt, cái gì cản trở đều phải coi là xấu hết”.

Theo mẹo luật ấy thì ăn trộm nhà giàu không có tội mà ăn trộm anh em thợ thuyền thì phạm trọng tội, tội nặng nhất phải phạt nặng nhất trong nước Nga. Giết người được phép, mà lại phải giết các người ngăn trở cuộc chiến đấu cho vô sản. Đường tửu sắc thì mặc sức, miễn là không có hại đến giai cấp vô sản. Được nói dối mà lại nên nói dối nếu cần cho đạt mục đích. Ta thấy các ông C.S. nói dối không biết tanh miệng nhất là cái môn tuyên truyền hoàn toàn bịa đặt của các ông, các ông nói dối mà hoặc có ai nói thật các ông lại trach người ta phản tuyên truyền. Đối với các ông cái gì cũng được hết, miễn là đạt mục đích. Nói cho đúng hơn, các ông không nói dối, vì đối với các ông, không có điều nào là chân lý vĩnh viễn. Hôm nay cho tự do phối hiệp, mai nếu cần người thì các ông lại cấm ngay.

Tôi trích đây mấy cái thí dụ ở Nga cho dễ hiểu. Sau cuộc đại chiến, dân Nga không nhà không cửa, đói rét. Nhưng chính phủ Sô-viết cần phải theo đuổi đúng một chương trình ngũ niên để đối phó với Mỹ, vì thế tất cả các báo, các đài phát thanh chỉ chú trọng đăng những sự đe doạ khiêu khích của Mỹ và của các nước tư bản.

Sự khổ cực dân Nga đã tới chỗ cùng bậc, thế mà các báo vẫn tả về sự đau khổ các thợ thuyền nông dân các nước, sự đau khổ còn nặng nề hơn ở Nga.

“Các báo đang đầy những số sản xuất càng ngày càng tăng, kê khai các thứ vải, giày, bít tất v.v… trong các nhà máy nga và các số dư, tính trước trong chương trình ngũ niên”. Nhưng sự thực là vẫn còn nhờ Mỹ tải hàng vào cho.

Nếu cần cho công việc cổ động C.S. sẽ bày đặt hẳn một câu truyện, lấy đó làm tài liệu suy diễn, mà thực sự câu chuyện không có.

Hồi Đức tấn công Nga, Hồng quân kiệt quệ, nội tình nguy hiểm. Chính phủ bắt đầu cổ động việc cải tổ, các đại tướng C.S. bất lực rút lui cho các nhà ái quốc tham gia. Những đại tướng mới không mấy chốc danh lừng lẫy. Vừa mới chiến tranh xong, các ông đã sớm mất tích, nhường chỗ cho các đại tướng chân tay của quốc trưởng mà trước đã tuyên truyền là rút lui. Những đội quân mà chính phủ tuyên truyền là đem đi lập trừ bị ở núi Oural thực ra chỉ là đem đi đày ở Tây Bá Lợi Á… Trưng mãi cũng thừa, chính sách C.S. ở đâu cũng vậy.

Nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng các ông C.S. xấu cả. Không, ta không nên phủ nhận sự thành thực và liêm khiết của một số lãnh tụ và cán bộ, nhưng lý thuyết vẫn đúng như vậy.

Cộng sản với gia đình

Gia đình đi theo với luân lý, C.S. có gia đình không ? Ông Hải triều đã tư tưởng về gia đình trong giai đoạn cao nhất C.S. thế này : “Tình trạng bất bình đẳng giữa đàn ông đàn bà đều biến mất. Cách sinh hoạt sẽ đều đổi khác, người đàn bà không còn nô lệ trong gia đình, hàng ngày lục tục trong bếp nước như xã hội phong kiến và tư bản này. Những nhà công lo việc ăn uống và giặt là chung, những ấu trĩ viên, bảo anh viện lo chăn nuôi con trẻ, sẽ thay đỡ cho phụ nữ. Người đàn bà sẽ hoàn toàn bình đẳng với đàn ông về tất cả các phương diện nghĩa vụ và quyền lợi, lợi đối với xã hội. Cái quan niệm “tề gia nội trợ” sẽ biến mất trong tâm trí của mọi người”.

Nói thế nghĩa là gì ? Nghĩa là trong chế độ C.S. người đàn bà cũng như người đàn ông, ra xưởng thơ làm việc, tiền ai người ấy ăn, khó ai người ấy chịu, ăn ngủ đã có sở chung, các cái chung cả, con đẻ ra đã có ấu trĩ viên của chính phủ. Vợ với chồng cũng như đàn vật chọn đôi : ưa thì lấy, chán bỏ đi. Giai đoạn đó người ta gọi là vô gia đình. Vô gia đình hiểu theo nghĩa tự do phốo hợp, tự do ly dị, tự do huỷ thai, người ta cổ động bằng một tên rất thích là tự do luyến ái. Chồng với vợ là hai người bạn hợp tan tuỳ tình cảm đối với nhau; ưa nhau thì ở với nhau suốt đời, không ưa thì một ngày rồi đi.

Gia đình không có tính cách keo sơn như tư tưởng Công giáo.

Vì thế cũng có khi C.S. trách chúng ta sao cứ bảo họ không có gia đình, thực ra họ vẫn nhận có gia đình. Hơn nữa, C.S. Pháp cổ động cho gia đình. Ta nên nhớ chữ gia đình phải hiểu như trên và không bao giờ hiểu theo đúng tư tưởng Công giáo.

Tuy vậy, nếu vì cần người, vì hoàn cảnh đổi thay, chính phủ C.S. lại can thiệp mà cấm ly dị, bắt phải ở với nhau để cho có nhiều con, như chính phủ Nga đang thực hành bây giờ. Dân Nga đánh giặc chết nhiều người quá, trước chiến tranh chính phủ cho tự do luyến ái, sau chiến tranh cấm không được tự do luyến ái, ai ly dị sẽ bị phạt rất nặng.

Đứa con mẹ đẻ ra, nuôi cho đến lúc cứng cáp rồi đem vào ấu trĩ viên nộp cho chính phủ. Nó là con của chính phủ, chính phủ sẽ giáo dục cho nó nên ông C.S. hoàn toàn rồi cho về ở với bố mẹ mà trinh sát bố mẹ. Nhiều gia đình khôn khổ vì đứa con đã làm trinh sát đắc lực như thế.

Cộng sản với quốc gia

Vô gia đình, Cộng sản lại vô tổ quốc. Mục đích C.S. sẽ đem nhân loại đến giai đoạn cao của xã hội C.S. mà ông Hải Triều đã tả trong cuốn chủ nghĩa Các Mác của ông. Về vấn đế quốc gia ông nói : “Xã hội khi đã đến trình độ ấy, thì chính phủ cai trị người cũng không cần phải có nữa, giai cấp và các di tích của nó đều tiêu diệt…”, chỗ khác ông viết : “Cơ quan chính trị không cần phải có, mà chỉ có những cơ quan chỉ huy về kinh tế lo việc sinh sản và phân phối …”

Nói cách khác : sang giai đoạn cao nhất của C.S. thì vô chính phủ.

Quốc gia cũng không còn, quốc gia biến vào thế giới đại đồng. Ông Hải Triều đã tả giai đoạn đó thế này : “Các dân tộc đối với nhau sẽ không còn có sự phân chia, lấn áp cai trị và bị trị, quốc gia và chủng tộc như ngày nay …”. Dưới một ít ông viết : “Sự phân biệt quốc gia và chủng tộc không có nữa, nếu văn hoá vĩ đại chung cho thế giới”.

Đó là giai đoạn vô tổ quốc, thế giới hoá ra đại đồng.

Mục đích C.S. là thế, nếu họ có nói đến tổ quốc chỉ vì còn đang mưu tính việc đánh đổ tư bản để phái vô sản lên cầm quyền. Họ có nêu cao vấn đề quốc gia thực cũng chẳng khác gì con mèo coi cót lúa, nó rình con chuột nhưng cót lúa cũng vì thế mà được nhờ.

Hiểu tư tưởng ấy, ta không nên lấy làm lạ khi hai nước Nga Mỹ hăm doạ chiến tranh thì C.S. ở các nước nhao nhao lên tuyên bố không đánh Nga, nhiều lần khác họ gởi điện tín cho Xít-ta-Linh tỏ lòng vâng phục triệt để.

Ngày 26-7-1936, nhân dịp đại hội nghị quốc tế lần thứ VII, đảng C.S. Pháp đã gửi cho Xít-ta-Linh bức điện văn sau này : “Chúng tôi vẫn luôn luôn theo mệnh lệnh của nhà lãnh tụ thiên tài của quần chúng vô sản. Chúng tôi thề triệt để vâng mệnh lệnh của đảng lãnh đạo C.S. cả hoàn cầu”.

Mới rồi, trong một phiên họp của đảng, ông Thorez lãnh tụ C.S. Pháp tuyên bố : Đảng C.S. Pháp nhất định không đánh Nga. Nối đuôi, đảng C.S. Bỉ, C.S. Ý cũng tuyên bố không đánh Nga.

Ta nên nhớ một câu rất chí lý của thủ tướng Queille tuyên bố trong phiên họp bàn về bài diễn văn của Thorez : “Không có một người Pháp nào có quyền tuyên bố không đánh một ngoại bang…”.

Không tổ quốc, hơn nữa lấy Nga làm tổ quốc thì C.S. các nước tuyên bố không đánh Nga là phải. Vậy ta không nên lấy làm lạ C.S. Việt nam tuyên truyền Liên xô là thiên đường, mơ Liên xô, cái gì của Liên xô cũng tốt cả. Báo Sự Thật viết : “C.S. lập thiên đường trên mặt trái đất để cho ai nấy đều được hưởng, Thiên đường của C.S. đã ló ra ở Liên xô…”.

Cộng sản với nhân cách con người

Trên đã nói ông Các Mác không nhận có Chúa, duy có vật chất và cái gì cũng bởi vật chất. Vậy thì con người cũng chỉ là một con vật thượng đẳng. Thực ra Các Mác và Ang-ghen có nhận con người khác giống vật. Mác nói :

Con nhện làm việc giống con người dệt vải; con ong cấu tạo tổ sáp cho nhiều nhà kiến trúc hổ ngươi. Song cái làm cho nhà kỹ sư rốt hết khác với con ong đại tài là những nhà kỹ sư biết xây dựng trong óc trước khi đem ra thực hiện bằng sáp”.

Các ông nói vậy, nhưng các ông nhận óc tiết ra tư tưởng, vật chất đẻ ra tôn giáo, đẻ ra các sự ở đời. Ang-ghen nói : “Nếu có kẻ hỏi tư tưởng là gì, lương tâm bởi đâu thì tôi xin bảo những người đó rằng những cái đó đều là sản vật của óc và cả con người cũng chỉ là một sản phẩm của vật chất”.

Các ông không nhận linh hồn, không nhận đời sau thì chúng tôi không hiểu con người khác con vật ở chỗ nào. À, tôi nhớ, các ông bảo khác ở chỗ này là con người sản xuất ra được nhiều hơn giống vật, vì theo tư tưởng C.S. con người là cái máy sản xuất.

Mác coi con người là một thứ đồ chơi để cho lịch sử xoay vần theo lẽ tự nhiên. Ở đây muốn giải cho hết tư tưởng của Mác thì phải nói đến những tiếng lạ tai đối với mọi người. Chỉ xin nói cách đơn sơ rằng : con người của Mác phải biến hoá theo nhẽ tất nhiên của lịch sử; hợp tan, tan hợp, diễn đi diễn lại không cùng. Nghĩa là theo ý của Mác, người ta đã qua giai đoạn tư sản, qua phong kiến tư bản, tất nhiên nay phải bước sang vô sản xã hội và rồi biến sang cái khác, cứ thế mãi không có gì ngăn cản được.

Như thế, nhân thân của con người không có giá trị, chỉ có “con người xã hội”, “con người công cộng” mới thực có giá trị. Mác vẫn thích dùng tiếng nhân quần (Humanité) để chỉ về con người, thế là tỏ ra rằng ông đánh lẫn người ta vào cả đám vô sản. Con người là kẻ không tên tuổi ở trong đám người vô sản đang tiến không còn phải là một con người nữa.

Ta cứ xem việc xảy ra ở Nga mà hiểu về con người theo tư tưởng Mác. Người Nga không có quyền tự do tư tưởng. Ở trong hiến pháp và ở trên giấy thì có nhiều, con ở việc làm thực là không có tí nào. Tất cả các cách tuyên truyền chính phủ giữ độc quyền, chính phủ phát ra tư tưởng nào là dân phải nghĩ như vậy, nghĩ thế khác thì đã có sở an trì ở núi Oural, nhà ngụ ở Sibérie. 1.200 ông nghị toàn cõi Liên xô đến điện Kremlin chỉ nghe đọc một bài diễn văn, gật một cái thật sâu, bỏ lá phiếu thuận rồi về. Không bao giờ có ông nghị dám bàn thể khác, phản đối thì mất vé lãnh gạo ngay. Ở Nga, tự do đầu phiếu nghĩa là các phiếu người ta đã in tên sẵn, chỉ có việc cầm tấm phiếu đút vào thùng. Đặc cử thì mất vẻ dân chủ nên C.S. còn giữ lấy cái biểu hiệu tự do đó.

Cho được gọi là tư tưởng phải có tự do phát biểu ý kiến, tự do ấn loát, tự do biểu tình, tự do giáo dục… Bên Nga chính phủ giữ đặc quyền những cái đó, nói tự do có phải trò hề không ? Chúng ta có nhớ khi chính phủ C.S. lên cầm quyền nước Tiệp đã tuyên bố cấm đình công không ? Dưới chính thể C.S. làm gì còn quyền đình công. Theo đúng tôn chỉ, xét về phương diện cá nhân, Mác coi con người chỉ là một con “vật người”. Còn như xét về phương diện quần chúng thì phải phụng sự và phục tùng cái nguyên lý tiến bộ kinh tế. Nếu cưỡng lại vì còn tin lý tính minh có quyền lựa, trí tuệ mình có thể xét đoán, trái tim mình có thể gớm ghê, thì cứ việc mà biến đi cho mất tích, như một kẻ làm bậy, quấy rầy chẳng ích lợi gì nữa.

Quan niệm về người như thế còn gì là nhân thân con người.

Cộng sản với vấn đề tư sản

Đã gọi là công thì phải bỏ chung các cơ quan sinh lợi. Nhiều người lầm tưởng C.S. là chia của nhà giàu cho nhà nghèo, để không ai giầu quá, ai nghèo quá. Không phải vậy. Không nên lầm C.S. vối phân sản. “C.S. là đem tất cả những cơ quan sinh sản và giao dịch như ruộng đất, hầm mỏ, hãng buôn v.v… đổi thành của chung quốc gia, của xã hội, chứ không để làm của riêng cho một số ít tư bản như bây giờ” (Báo Tân thế kỷ).

Khi đã sung công tài sản thì mọi người làm thợ cho chính phủ, tất cả các vật làm ra được sẽ bỏ vào kho chung. Ai làm việc thì sẽ được lĩnh một cái “bông” để đổi lấy thực phẩm.

Ở bên Nga, mỗi thành phố, mỗi liên xã đã tổ chức mấy cửa hiệu ấy đổi lấy đồ đem về dùng. Vào các cửa hiệu đó không phải muốn mua gì thì mua. Đồ vật đã, chỉ ở trong “bông”. Bạn không có quyền chọn đẹp xấu; đưa cái gì phải lấy cái ấy; đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu. Mà không phải muốn vào hiệu nào thì vào. Bạn phải vào cửa hiệu đã ghi sẵn trên “bông”, vào các hàng khác không ai bán cho bạn đâu.

Các cửa hàng chia ra nhiều hạng. Hiện thực hành ở Nga thì có các cửa hiệu riêng cho các ông C.S. các quan cao cấp, các người có công. Mỗi của hiệu có thứ vé riêng. Mỗi hiệu có đồ vật khác nhau nữa, uỳ theo cái “bông” bạn được.

Dân Nga đã phải nối đuôi nhau chờ ở cửa hiệu để đến lượt vào mua đồ. Ngày thường đến mua thực phẩm thì các người phải đi thật sớm để đến kịp giờ làm việc, nếu quá giờ sẽ bị phạt tù hay mất bông thực phẩm.

Công việc làm thì tuỳ chính phủ chỉ định. Không phải bạn muốn làm đâu thì làm; không phải bạn thích làm gì thì làm. Bạn có được phép muốn nữa đâu, người ta sẽ muốn thay cho bạn. Phụ nữ lúc đó đã bình đẳng với đàn ông nên cũng phải làm việc như đàn ông vậy.

Ông Fischer đứng đầu phái đoàn hội quốc tế cứu tế đem thực phẩm sang nước Nga, ông kể lại rằng ông đã gặp các người đàn bà làm các việc nặng nhọc như đào đất, khuân vác, làm thơ nề, thợ cưa. Có người giời rét như cắt phải đem cuốc ra đường cuốc nước đá dầy 20 phân tây, rồi lấy tay không vất bỏ lên xe. Chị em phụ nữ Nga nay thật là đã được hưởng bình đẳng hoàn toàn với đàn ông !

Hỡi anh em giáo hữu, đó là đại cương ít nhiều tư tưởng C.S. đúng như lý thuyết và đang thực hành ở Nga và các nước C.S. Bao nhiêu những bài tuyên truyền đường mật khác với những điều nói đây thì hoặc là tại dốt, hoặc tại dụng tâm đánh lừa.

Vậy tôi muốn hỏi anh em : với những điều như thế anh em giáo hữu có thể theo được không ? Nếu anh em ưng theo thì sau này anh em đừng phàn nàn. Anh em hãy nhớ lời Đức Thánh Cha Piô thứ XI đã phán : “Chúng ta không thể cộng tác với C.S. bất cứ về phương diện nào”. Những điều nói trên đủ minh chứng câu nói đó.

Đây tôi không muốn bình phẩm tất cả các lý thuyết sợ dài quá, sau có dịp tôi sẽ nói rõ hơn. Anh em chỉ cần nhớ rằng tất cả các tư tưởng C.S. đều xây trên nền tảng duy vật vô thần. Cái vô thần C.S. như tôi đã nói ở thư luân lưu số 37 không thể chứng minh được. Mác chủ trì duy vật và lấy đó làm nền móng, vì ông sống ở thế kỷ XIX, lúc mà thuyết vô thần đang phát triển mạnh. Ông bị chinh phục. Ở thế kỷ XX này thuyết vô thần chỉ còn là cái nhà xây trên cát, chính các nhà bác học đã phi bác vô thần. Lấy khoa học chứng minh vô thần ở thế kỷ XX là lạc hậu rất cổ lỗ vậy.

Đây là lời của nhà bình phẩm thuyết Các Mác :

Tin tưởng Các Mác đối với người ta là một tin tưởng xây dựng trên nền tảng vật chất chủ nghĩa, xét về phương diện lý tính và cả về phương diện khoa học đều không thể thừa nhận được, cho nên tất cả những điều suy diễn ở đó ra, tất cả những điều Các Mác kết luận về lịch sử, triết học, xã hội, đều là sai lầm hư hỏng cả, bởi vì cây xấu không nẩy ra quả tốt được”.

Lời bình phẩm thực chí lý duy vật; vô thần là chân lý cơ sở của Mác, Mác đã từ đó mà suy diễn ra các chân lý khác. Chân lý cơ sở đã sai thì tất cả các chân lý khác đều phải sai. Mác đặt duy vật làm nền móng xây dựng nhà C.S. nhưng chính đó là cái liệt điểm nhất của lý thuyết Mác, và nhà đó sẽ phải tự huỷ diệt.

Hết thảy những ai lương tri ngay thẳng đều phải nhận có Chúa. Thực có Chúa thì phải có tôn giáo, Công giáo phải là chân đạo, bao nhiêu những điều Công giáo dạy về thiên đàng, hoả ngục, linh hồn, tội phúc đều là chân lý bó buộc. Nếu quả thực C.S. như tả trên sao người Nga được sướng thế. Liên xô là thiên đàng dưới thế mà ?

Phải, tôi cũng biết người ta tuyên truyền rộn rịp cảnh sướng của dân Nga. Báo Sự Thật viết : “Thiên đường của C.S. đã ló ra ở Liên xô, nước chủ nghĩa xã hội thắng lợi, ở đó ai cũng ăn no mặc ấm, có học, giúp đỡ nhau, thân mến nhau”.

Ở Nga người ta có yêu nhau lắm chăng ?

Tôi không biết họ yêu nhau đến mực nào, chỉ biết rằng từ khi lên chính quyền C.S. Nga giết hơn 2 triệu đồng bào bị nghi ngờ không ưa C.S. Trong số đó có 28 vị Giám mục, 1.200 linh mục, 54.000 võ quan, 192.000 thợ, 25.000 lính, 350.000 nhà văn vật.

Nguyên soái Anders người Ba Lan bị bắt làm tù binh, sau được cử lập đoàn quân Ba Lan ở Nga kể rằng : “Quân lính Ba Lan chúng tôi đi đâu… dân địa phương đều kể thầm cho chúng tôi nghe những truyện huỷ sát của chế độ Sô viết do các ông Boudiemy, Vorochitox và nhiều tướng khác. Sau các cuộc huỷ sát ấy, chỉ còn đống tro tàn, đống đổ nát, những hố chôn chung hàng nghìn vạn nhân dân…”. Nguyên soái lại thêm : “Trong năm đầu cuộc chiến tranh, sau mỗi trận thua, người ta vẫn “thanh toán” các viên nguyên soái, các viên tổng tư lệnh các đoàn quân lớn nhỏ đi. Có thể quyết rằng : mấy năm đầu ấy, các tướng soái Nga bị chết vì sở mật thám Nga nhiều hơn bị chết vì Đức”.

Hiện nay ở Nga có hơn 50 vạn công an, thêm vào đấy hơn một triệu công an bí mật. Các ông được hậu đãi và ăn mặc lịch sự nhất ở Nga. Để làm gì ? Để làm tai mắt cho các nhà cầm quyền Nga. Không có nước nào trên hoàn cầu nhiều công an như thế. Có lẽ ở Nga người ta yêu nhau quá nên cần rất nhiều công an để “làm bạn dân”, để nhất cử nhất động của dân các nhà cầm quyền đều được biết !

Tôi còn nhớ năm 1934 đồng chí Kirov bất thần bị một thanh niên C.S. ám sát. Quốc trưởng Xit-ta-Linh lúc đó không còn tin tưởng vào ai. Đến nỗi khi quốc trưởng đinh đi Petrograd để hỏi tội nhân thì tất cả các miền chung quanh trong một cây số vuông không ai được ở lại. Yêu nhau nhỉ ?

14 nhà cầm quyền Nga có mấy khi dám ra ngoài đâu, các ông thường ở trong điện Kremlin mà không biết chỗ nào, với những hai lần cửa bọc sắt.

Dân Nga sung sướng lắm chăng

Để người ta khỏi bảo tôi thiên thì đây là mấy lời bút ký của ông Fischer viết năm 1947. Ông rất có cảm tình với Nga, được các nhà cầm quyền cho đi lại trong nước Nga như ý. Ông viết : “ Nga mất bao nhiêu mà kể những nhà máy đã xây dựng rất công phu, những nhà ở, máy móc làm ruộng, người và vật.

Mấy nhà cầm quyền Sô viết, trong đó có cả ông Khruschev, có chân trong phòng chính trị và là người đứng đầu xứ Ukraine đã thú thật với tôi rằng ít cũng phải 10 năm mới bồi bổ được những sự thiệt hại đó…

Quân Đức đã cẩn thận phá huỷ hết các máy móc khí cụ, cho nên việc xây dựng lại phải chậm và khó nhọc. Trong cả xứ Ukraine tôi chỉ trông thấy hai cái xe cút-kít một bánh; còn ở khắp nơi, đâu cũng thấy người ta để gạch, gỗ, đá vào những cái như cái cáng bằng gỗ thô, có tay cầm để khiêng.

Thường thường thợ nề vẫn ôm gạch trên cánh tay vì không có đồ dùng; họ cũng phải trát vôi bằng tay không, vì thiếu bay…

Nói về tình hình kinh tế, tác giả nói : “Từ 30 năm nay dân Nga sống kham lhổ, và so với mực sống Hoa-kỳ chúng ta, có thể nói rằng họ còn phải rất kham khổ trong 10 hay 15 năm nữa”.

Tác giả đã nói đến tất cả những sự thiếu thốn, thiếu những sự thật cần, anh em hãy đọc bài “Qua thăm nước Nga” in trong Tiếng Kêu sẽ hiểu rõ hơn.

Về nhà ở rất mực khổ sở, ở Ukraine, khi Đức rút lui đốt 10 vạn nóc nhà, hiện chỉ còn 400 nóc, nhân dân tản cư về phải đào hầm mà ở. Bà Maria làm được một cái nhà bằng gỗ nát hư hỏng, vách đất, hai gian, mỗi gian dài 1 ngũ rưỡi, rộng cũng 1 ngũ rưỡi mà tác giả khen là bậc có hồng phúc, vì một số đông không có nhà ở.

Tuy nhiên – dây là lời tác giả – gia đình bà Maria này vẫn còn may vì được ở một mình trong nhà mình. Phần nhiều các gia đình trong thành phố phải chen chúc nhau không thể tưởng tượng được. Tại Kiew, mội người chỉ được ở có 6 thước vuông (nghĩa là dài ngũ rưỡi, rộng 1 ngũ) để mà ngủ, ăn, xếp các thứ đồ đạc của cải trần gian… Thật chỉ rộng hơn quan tài một tí thôi. Tôi đã gặp gia đình cùng ở trong một gian nhà…”

Cứ xem các biểu thống kê làm việc thì ta thấy ở Nga có phải thiên đàng không. Đây là một vài con số,

1 kg bánh thợ Mỹ làm việc 14 phút, thợ Nga phải làm 50 phút.

1 đôi giầy -------------------- 7g15 p. -------------------- 54g 10 p.

1 bộ quần áo -------------------- 28g 04p. -------------------- 291g 40p.

1 kg chè --------------------- 1g 20p. -------------------- 33g 20p.

1 áo len ---------------------- 12g 54p --------------------106g 15p.

Tính công bằng giờ cho dễ hiểu thợ nào phải làm vất vả hơn. Muốn được một áo len, thợ Mỹ chỉ làm 12g54 phút mà thợ Nga phải làm những 106g15 phút.

Nói thế khác, thợ Mỹ làm một tu6àn 40 giờ thì mua được 1 bộ quần áo, 1 đôi giầy, 1 áo sơ-mi; mà thợ Nga làm 1 tuần 48 giờ không thể mua được đôi giầy. Nếu muốn mua một bộ quần áo rất thường phải làm đủ ba tuần lễ, nhịn ăn.

Những cái biểu thống kê đó làm cho ta thấy rõ nước Nga không như các ông C.S. tuyên truyền đâu. Ấy là chưa nói gì đến những nỗi khó khăn bởi cách lĩnh bông, lĩnh gạo.

Những người tuyên truyền thiên đường Liên xô có lẽ đã quên lời báo Sự Thật Nga viết mấy tuần sau khi Đức đầu hàng : “Không bao giờ chúng ta quên được nước Mỹ đã làm ơn cho chúng ta bao nhiêu ! Không có họ thì ta bị tiêu diệt không bao giờ ngóc đầu lên được. Thực vậy, họ đã giúp ta nào là lương thực, nào là chiến xa, nào là đại bác, nào là tàu bay, nào là các thứ binh nhu v.v… Với những cái đó chúng ta mới có thể ngóc đầu lên và góp một chút vào cuộc khải hoàn chung”.

Và các ông cũng quên rằng : Ở các thành phố lớn ở Nga, vì sự đói kém và số vong bản nhiều nên đã nổi lên phong trào dịch trộm, Moscou phải đem sư đoàn kỵ binh để giúp việc trừng trị.

Một hiện tượng khác tỏ ra sự thiếu thốn đó là các ông lính Nga ở ngoại quốc chính phủ không dám cho hồi hương vì thiếu nhà, và các ông vớ được thứ hàng gì là gửi về nước : gương soi, xe đạp, khí cụ, trâu bò, kính v.v… Các nhà cầm quyền không múôn vậy vì trái với nguyên tắc tuyên truyền của chính phủ. Thợ Áo hay Lỗ có biết thì không còn tin cảnh bồng lai Sô viết; nhưng thế quẫn, chính phủ phải làm ngơ…

Nói cho đúng, ở Nga mà sướng về vật chất thì chỉ có các ông C.S. chính cống , các ông chỉ huy tất cả bộ hành chính và mọi ngàng ở nước Nga.

Nhưng vào đảng C.S. là việc rất khó. Chỉ có những người tỏ mình am hiểu những điều lệ cần thiết và tận tâm, nghị lực đich đáng mới được. Sự lựa lọc kỹ đến nỗi chỉ 2 hay 3 phần trăm trong toàn số dân Nga là có thể chiếm được cái thẻ mà hết mọi người đều thèm ước hết sức :

Khi một thanh niên Nga muốn được nên đảng viên C.S. thì phải bỏ mọi sự ở đời; hiến toàn thân cho cái nhà Webbs gọi là “thiên triều của nhà lãnh đạo”. Người ấy từ bỏ hết các tín ngưỡng khắp cả tín ngưỡng Thiên Chúa giáo. Rồi học cho biết cách tránh các tà thuyết gọi là “thiên về phía hữu”… Sau khi đã tập sự trong các “công việc thiện” và nghiên cứu các “thánh thư” rồi, tên người ấy được tiến cử lên do ba đảng viên cũ. Nếu dĩ vãng, tư cách và kiến thức của người ấy về các sách Mã-khắc có được các vị cao cấp xét là đầy đủ bấy giờ mới được nhận chờ tuyên thệ và “nhập đảng”.

Từ ngày ấy, đời mình thuộc về chính phủ. Người ta có thể không báo trước mà sai đi ngay thành Vienne hay sang Bắc cực triệt một trận dich ở Tây vực hồ bộ, hay là dạy cho một đoàn người Tàu có cảm tình với đảng, hoặc đi lấy cái bí mật bom nguyên tử ở Ottawa.

Phàm những việc thuộc về nguyên tắc đảng viên không có quyền tự mình quyết định tí nào : Phải hoàn toàn theo mệnh lệnh của đảng. Người ấy không có đời tư nữa…”

Tôi còn có thể kể cho anh em vô số về thiên đàng Liên sô song tưởng đã dài quá rồi.

Theo nguyên soái Anders đã bị cầm tù và cầm quân Ba Lan đánh giúp Nga thì dân Liên xô rất khoan khoái khi thấy chiến tranh xẩy ra. Không phải vì tình cảm gì với Hitler, nhưng chỉ vì họ chờ chiến tranh đem lại cho họ cái gì mới. Nguyên soái nói : “Biết bao lần binh lính Ba Lan chúng tôi thấy những dân quê thuyền thợ và cả những người trong phái trí thức Nga bực tức mà bảo chúng tôi rằng : ”Sao các bạn lại muốn giúp Staline chống với Đức trong khi chúng tôi hy vọng cuộc chiến tranh này sẽ thanh toán chế độ quá khích đó đi ?”.

Những người trong tròng ước ao ra khỏi thì ta đừng muốn vào tròng. Cái ách C.S. nặng nề lắm, mất hết mọi tự do, mọi quyền lợi, lẽ ra ta phải làm hết sức giữ cho khỏi, sao lại muốn quàng vào ?

Hỡi anh em giáo hữu, lúc này hơn mọi lúc, anh em phải nhớ lại lời Đ.G.H. Pie XII đã phán mà tôi nhắc cho anh em trong dịp lễ đăng quang : “Người Công giáo lúc này không được bi quan, phải lạc quan nhưng phải cương quyết”.

Phải cương quyết, tôi nói thật là anh em rát lắm và vô ý lắm nữa.

Người ta mới doạ một tí đã “chùn gân” lại. Chúng ta phải hy sinh xương máu để giữ tổ quốc khỏi nhuộm đỏ, chứ sao lại hèn nhát ? Ách C.S. còn khổ hàng trăm cái chết. Ta hãy hổ ngươi với người đàn bà xứ kia khi chồng bị bắt đến nhà ngục bảo chồng : “Thà tôi goá bụa chẳng thà nghe anh nói điều gì làm hại sự đạo”. Chí khí thay người đàn bà đó. Tu mi chúng ta sao ? Sống vô thần thì sống làm gì cho dơ mặt trên đất ?

Lại phải lạc quan, đem nghị lực ra mà phấn đấu, than phiền làm gì cho uổng trong lúc quốc gia hữu sự, phải hoạt động nhiều, làm nhiều. Nhất là làm những việc xã hội bác ái thương giúp kẻ khốn khổ.

Anh em thấy C.S. phản đối các chân lý trong đạo, phản đối các vị linh mục, chia rẽ con chiên với chúa chiên tức là đàn chiên tan tác. Trong lúc này chia rẽ là chết. Tôi với các vị linh mục không có tham gì danh vọng chức quyền. Nếu có tham thì chả đi tu làm gì, ở ngoài có thể được danh giá, được đủ mọi sự sung sướng hơn. Những lời công kích ấy chỉ cốt chia rẽ, anh em chớ có lầm. Anh em cũng phải học thêm giáo lý để bênh vực đạo và thêm vững đức tin trong lúc này.

Nhất là phải cầu nguyện nhiều. Chỉ có Chúa chữa ta được; nếu có Chúa ở với ta thì ai cưỡng nổi ta ? Vậy ta hãy hết sức bám vào Chúa, bám vào Đức Mẹ, nhất là dâng những việc bác ái xin Chúa cứu nước Việt Nam khỏi ách C.S.

Vì C.S. rất nguy hiểm cho người giáo hữu nên tôi nhắc lại đây mấy điều luật Giáo Hội dậy về các hội cheo leo.

Hội nguy hại mà Hội Thánh cấm có hai hạng :

a) Hội kín : là hội bắt các hội viên phải giữ bí mật và triệt để tuân thượng lệnh dù không thấy có gì là mục đích phản Hội Thánh hay là chính phủ thì luật Hội Thánh xưa vẫn nghiêm cấm, ai vào thì mắc tội trọng, cho nên không được chịu các phép thánh (s.l. Bộ Thánh Vụ 10/05/1884).

b) Hội phản trắc : là hội mưu phản Giáo Hội hay công quyền hợp lệ. Ai vào hội như thế thì tự nhiên mắc vạ tuyệt thông chiếu điều luật 2335. Vậy bất kỳ là hội kín hay hội trống, có bắt tuyên thệ hay không, bất kỳ vào hội có lễ nghi hay không có, phàm là hội có mưu một việc gì phản Giáo Hội hay chính phủ, hễ cố tình nhập hội là mắc vạ tuyệt thông (s.l. Bộ Thánh Vụ 10/05/1834). Cho nên không những mắc tội trọng, khiến cho không thể chịu các phép thánh khi không muốn bỏ hội, lại còn phải loại ra ngoài Hội Thánh, ra như người vô đạo, mất mọi công quyền của giáo dân, không được nhờ các ơn kê ở các điều luật 2259 -2267, thí dụ mất quyền bầu cử, quyền ứng cử trong xứ v.v… Ai bị án đích danh thì còn không được chôn cất theo nghi lễ Giáo Hội và trong đất thánh. Bao nhiêu chi nhánh C.S.,bao nhiêu hội đoàn bài bác nhân vật, tập quán, lễ nghi, giáo lý, luân thường của Giáo Hội đều vào số các hội nghiêm cấm có vạ tuyệt thông.

Sau hết, tôi chúc lành cho mọi người và xin nhớ cầu cho tôi.

Phát Diệm ngày lễ Phục Sinh 17-04-1949

F.M.A.T. Lê Hữu Từ

Vic. Ap

Xin Cha đọc và chú giải trong nhà thờ, các buổi học. Nếu vì lẽ gì không làm được thì xin Cha cho tôi biết. Đừng vì một nhẽ gì mà bỏ – Thư này có in dư, nếu các Cha cần xin hỏi ở nhà in Lê Bảo Tịnh.

(*) Xin xem: Đoàn Độc Thư và Xuân Huy: “Giám mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm – 1945 – 1954” Sài Gòn, 1973.

ĐIỆN VĂN

4 GIÁM MỤC VIỆT NAM GỬI CHO GIÁO HỘI

VÀ CHO HAI NƯỚC ANH – MỸ (*)

Chúng tôi là 4 Giám mục Việt Nam ở Bùi Chu, Vĩnh Long và Phát Diệm hạ tuần tháng trước đây đã gởi một điện văn yêu cầu Đức Giáo Tông, Triều đình La-mã, các Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục và hết các giáo sĩ cùng giáo dân toàn cầu, ủng hộ nền Độc lập của tổ quốc Việt Nam chúng tôi. Nay một lần nữa chúng tôi lên tiếng tha thiết kêu gọi lòng quảng đại của khắp Giáo hội đối với nước chúng tôi, một nước đã được Đức “Giáo Hoàng truyền giáo” (tức là Đức Pi-ô XI) hồi phong chức cho Giám mục Việt Nam tiên khởi năm 1933 đã tỏ mối hy vọng có ngày sẽ xứng đáng cái danh hiệu là “Con trưởng Giáo hội ở Cực đông”.

Nhất là chúng tôi hô hào hai cường quốc Anh-Mỹ xin can thiệp một cách hiệu quả để chúng tôi khỏi lâm vào nạn binh đao ghê sợ, giữa lúc cả hoàn cầu đã được hưởng thái bình bấy lâu những mong đợi.

Phải, chính lúc này ở nước Việt Nam chúng tôi đang diễn ra một cuộc xung đột đáng lo ngại ! Lòng ái quốc anh dũng và không lay chuyển của người Việt Nam đang xô họ ra chốn sa trường, xông pha đạn lửa! Chỉ vì muốn giữ vững nền độc lập, chỉ vì muốn bênh công lý và tự do, mà một số lớn con dân đang bị giết hại, những con dân mà nước Việt Nam rất cần để kiến thiết và mưu lấy hạnh phúc cho mình!

Ở nước chúng tôi cũng như ở các nước khác, lúc này phải là lúc lo việc tu tạo những đổ nát, chứ không phải chồng chất thêm những điêu tàn. Cuộc chiến tranh toàn cầu vừa qua là một chiến tranh phá hoại, nước chúng tôi cũng không tránh được cái ảnh hưởng của nó : nhiều tỉnh Bắc bộ Việt Nam đã phải một thời cơ cực khủng khiếp, dân 10 phần chết mất một! Mà hiện nay lại thêm cái nạn thuỷ lạo phá hại đồng ruộng ở nhiều nơi; ai cũng lo rằng: rồi ra lại còn đói khổ hơn trước, vì sức sản xuất bạc nhược nuôi mình không đủ, mà còn phải cung cấp cho quân đội Đồng minh và Nhật Bản đang đóng một số rất đông trên thổ địa Việt Nam.

Hỡi Giáo Hội, xin hãy lưu tâm đến những xứ truyền giáo rất thịnh vương ở đất Việt Nam, một nước xưa đã từng có 9 vạn anh hùng chết vì đạo và nay đang đầy hứa hẹn!

Hỡi hai dân hào hiệp Anh-Mỹ, xin hãy can thiệp ngay để chúng tôi thoát nạn binh đao ghê gớm, bày tỏ mối thịnh tình ủng hộ cho nền độc lập chúng tôi: lòng quảng đại ấy đời đời chúng tôi sẽ ghi nhớ.

Đại diện cho các Giám mục :

Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục Bùi Chu,

Ngô Đình Thục, Giám mục Vĩnh Long,

Lê Hữu Từ, Giám mục Phát Diệm,

Giám mục Nguyễn Bá Tòng,

Giám mục Việt Nam tiên khởi.

(*) Xin xem: “Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam, 1960 – 1995”, trang 91-92

THƯ CHUNG

CÁC GIÁM MỤC ĐÔNG DƯƠNG (*)

Ngày 09.11.1951

Anh em rất thân mến,

Vì tinh thần trách nhiệm quan trọng trước Thiên Chúa, vì mối tình tha thiết yêu quý anh em, chúng tôi thấy mình có nhiệm vụ quan hệ phải loan báo cho anh em biết đề phòng nạn cộng sản vô thần duy vật, một nguy cơ trầm trọng nhất của thời nay. Chủ nghĩa cộng sản bác bỏ Thiên Chúa, bác bỏ mọi tôn giáo, bác bỏ thuyết linh hồn hằng sống, bác bỏ tất cả quyền lợi của nhân vị và gia đình. Chủ nghĩa cộng sản xung khắc tuyệt đối với Công giáo đến nỗi Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng : Không bao giờ có thể vừa theo cộng sản vừa theo Công giáo được, và người Công giáo nào gia nhập đảng cộng sản thì lập tức bị khai trừ khỏi Giáo hội. Chẳng những không được nhập đảng cộng sản mà lại anh em không thể cộng tác bất kỳ dưới hình thức nào, có thể giúp đỡ họ nắm chính quyền. Nỗi nguy cơ cộng sản rất trầm trọng, tai hoạ do cộng sản có thể gây ra rất ghê gớm, đến nỗi chúng tôi còn có bổn phận phải báo cho anh em biết đề phòng những mưu mô và mánh khoé xảo quyệt cộng sản dám dùng để lường gạt dân chúng, những mánh khoé trơ tráo đến nỗi chỉ có cộng sản mới dám dùng để đạt tới đích.

Trước hết, cộng sản tỏ vẻ hết sức nhiệt thành với việc cải cách xã hội, và đưa chủ thuyết cộng sản ra làm phương dược giải phóng đau khổ xã hội ngày nay. Rồi họ ẩn mình trong mặt nạ ái quốc, để làm ra bộ sốt sắng với hạnh phúc đồng bào, liên hợp dân chúng dưới cờ cộng sản. Nhưng đây chỉ là những phương thế xảo trá để đạt tới mục đích thâm hiểm của họ, để một khi giật được chính quyền, là họ thiết lập ngay một chế độ độc tài chuyên chính. Thực ra họ chẳng thiết gì quyền lợi tổ quốc, họ chỉ dùng những danh từ ấy như một lá bài để củng cố quyền lợi của chủ nghĩa cộng sản.

Vì thế, trong những nước bị ách cộng sản chi phối, lập tức diễn ra cảnh tượng ghê gớm: tịch thu tài sản và khủng bố hàng vạn người Công giáo. Giáo hữu phải sống trong cơn hãi hùng liên miên, để rồi chết rũ tù hay phải đổ máu công khai để giữ niềm trung tín với đức tin Công giáo.

Hỡi anh em giáo hữu yêu quý, anh em hãy kháng cự ngay từ đầu, đừng để mình bị lường gạt bởi mật ngọt cộng sản, hãy trung thành với Thiên Chúa, hãy tỉnh thức, can đảm và vững tâm trong đức tin.

Và, hỡi các bạn linh mục thân yêu, Anh em hãy dạy cho dân chúng biết học thuyết xã hội Công giáo, nhất là phải nhấn mạnh vào hai nhân đức nền tảng: công bình và bác ái. Cả giáo sĩ và giáo dân, hãy sống một đời Công giáo sâu xa đặt nền trên nguyên tắc Phúc Âm. Đức bác ái của bổn đạo thời xưa đã chinh phục được thế giới trở lại. Bác ái là nhịn nhục, chịu đựng, tha thứ và thành thực muốn làm sự lành cho người khác. Đức bác ái của Chúa Kitô đã toàn thắng tật ghen tương của thế gian thì đức bác ái của anh em cũng sẽ thắng cơn ghen ghét của những địch thù Thiên Chúa.

Trích thư chung các Đức Giám mục Đông Dương

Họp tại Hà Nội ngày 5 đến 10 tháng 11 năm 1951

Gioan Dooley, Khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương

Gioan Batixita Chabalier, Giám mục Nam Vang

Phêrô Ngô Đình Thục, Giám mục Vĩnh Long

Gioan Cassaigne Sanh, Giám mục Sàigòn

Marcello Piquet Lợi, Giám mục Qui Nhơn

Gioan Maria Mazé Kim, Giám mục Hưng Hoá

Anselmô Lê Hữu Từ, Giám mục Phát Diệm

Gioan Baotixita Urrutia Thi, Giám mục Huế

Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Bùi Chu

Đôminicô Hoàng Văn Đoàn, Giám mục Bắc Ninh

Giuse Maria Trịnh Như Khuê, Giám mục Hà Nội

Fr. Fêlicê Perez Hiển, Nhiếp chính Hải Phòng

Fr. Bernarđô Liobera, Tổng quản Thái Bình

và Cha Phaolô Renaud Ái, Nhiếp chính Kontum.

(*)Bản tiếng Việt trên đây được lấy từ “ Hàng Giáo Phẩm Công Giáo việt Nam 1960 – 1995”, trang 93).

(**)Các Giám mục Đông Dương, họp tại Hà Nội ngày 5 đến 10.11.1951 dưới sự chủ tọa của Khâm sứ Toà Thánh, Đc Gioan Dooley gửi một bức thư nguyên tác bằng tiếng Pháp, nhan đề: Lettre commune des ordinaires réunis à Hanoi (Thư chung các Giám mục họp tại Hà Nội).

Giữa nguyên tác bằng tiếng Pháp và bản tiếng việt có sự khác biệt. Bản tiếng Việt, được đọc trong nhà thờ không có đoạn đầu và đoạn cuối của bản tiếng Pháp. Bản tiếng Việt cũng không hoàn toàn là bản dịch của bản tiếng Pháp. Tựa đề “Thư chung các Giám mục Đông Dương” thích hợp hơn, vì trong số người ký tên, có Giám mục Phnom Penh, trong khi bản tiếng Pháp xưng “Các Giám mục Việt Nam”. Vì thiếu đoạn đầu, bản tiếng Việt thiếu một ý tưởng quan trọng: các Giám mục chẳng những không lên án mà còn khích lệ lòng yêu nước như một nhân đức Kitô giáo. Trong một văn kiện lên án chủ nghĩa Cộng sản và cấm người Công giáo cộng tác với Cộng sản, thiết tưởng đó là một thiếu sót đáng tiếc. Vì hai tài liệu quan trọng này ít được phổ biến, xin đăng lại dưới đây

LETTRE COMMUNE DES ORDINAIRES RÉUNIS À HANOI

(Texte original en français)

Nos bien chers frères

Les ordinaires des Misions du Viet Nam réunis à Hanoi sous la présidence de son Excellence Monseigneur le Délégué apostolique, ont jugé qu’il est de leur devoir de coordonner leurs efforts en vue de coopérer plus efficacement à l’œuvre de pacification de cœurs et restauration chrétienne qui s’impose à l’heure actuelle …

Les Evêques du Viet Nam, émus de la confusion qui règne dans les esprits, croient de leur devoir de préciser la notion de Patrie. Le Patriotisme, c’est l’amour de la Patrie, étymologiquement, c’est la terre de ancêtres. La Patrie, c’est donc une extension de la famille, l’une comme l’autre se rattachent à la vertu de piété et par conséquent nous ne pouvons que l’ encourager et le développer au même titre que les autres vertus chrétiennes. La notion chrétienne de Patrie n’exclut pas les autres nations que nous devons aimer aussi parce que nous sommes tous fils du même Dieu.

(Bắt đầu bản tiếng Việt) Animé par le sentiment de notre responsabilité devant Dieu et d’une grande affection pour vous tous, nos trés chers frères, nous estimons qu’il est de notre devoir de vous mettre en garde con tre le très grand danger du communisme athée, qui est le plus grand dange existant de nos jours. Le communisme est la négatin de Dieu, la négation de toute religion, la négation de l’existence d’une âme immortelle, la négation des droits de la persone humaine et de la famille. Yl y a la plus entière opposition entre l’Eglise catholique et le communisme à tel point que notre Saint Père le Pape a déclaré qu’il est absolument impossible d’être à la fois communiste et catholique et que tout catholique qui adhère au parti communiste est par le fait même séparé de l’Eglise. Non seulement, il vous est interdit d’adhérer au Parti communiste, mais vous ne pouvez pas coopérer avec lui ou faire quoi que ce soit qui puisse de quelque façon amener la Parti communiste au pouvoir.

Le danger est si grave et les conséquences possibles si terribles que nous nous sentons obligés de vous mettre en gerde aussi contre len détours et les ruses employés par les communistes pour tromper le peuple, ruses qui ne servent que les seules fins des communistes.

En premier lieu, ils font preuve d’un grand zèle pour les réformes sociales et mettent en avant leur doctrine comme un remède aux maux sociaux de nos jours. Ils se cachent aussi sous le masque du patriotisme et cherchent par leur prétendu zèle pour le bien-être de leurs compatriotes à rallier le peuple sous leur bannière. Mais ce ne sont là que des moyens pour atteindre leurs fins inavouées et une fois au pouvoir, ils installent une dictature impitoyable. Ce ne sont plus les intérêts des pauvres et des ouvriers, ni les intérêts de la Patrie qui comptent, ce sont uniquement les intérêts du communisme. Ainsi dans les pays sous le joug communiste, règnent la suppression de tout bien et la persécution de milliers de nos frères catholiques, ces derniers vivent dans la terreur, ils dépérissent en prison, payant même de leur fidélité à la foi.

Alors résistez, très cher frères, ne vous laissez pas tromper, soyons fidèles à notre Dieu. Veillez, soyez vigilants, restez fermes dans la foi. Et vous, chers prêtres, enseignez la doctrine sociale de l’Eglise, instruisez les peuples des vertus chrétiennes de charité et de justice, Prêtres et fidèles, vivez intensément votre vie chrétienne selon les maximes de l’Evangile. La charité des premiers chrétiens a amené la conversion au monde : la charité, c’est-à-dire supporter son prochain, lui pardonner, lui vouloir et réellement lui faire du bien. L’amour du Christ a vaincu la haine, votre charité vaincra la haine des ennemis de Dieu (Hết bản tiếng Việt). Que votre voie soit toujours un témoignage pour Dieu, le Christ et l’Eglise.

Pour conclure, nous vous répétons encore avec saint Paul : “Veillez, restez fermes dans la foi, soyez vigilants, soyez forts, tout ce que vous faites, faites-le dans la charité” (1Cor, XVI, 13-14).

Nous demandons à nos prêtres de lire la présente lettre dans les églises et leurs oratoires. A tous, prêtres et fidèles, nous donnons de tout cœur notre bénédiction paternelle. Grâce et paix vous soient données de la part de Dieu, notre Père, et du Seigneur Jésu Christ.

Hanoi, le 9 novembre 1951

John Dooley – Délégué apostolique en Indochine

……

Phần dịch sang tiếng Việt đoạn đầu và đoạn cuối của Thư Chung trong bản tiếng Pháp :

THƯ CHUNG

CÁC GIÁM MỤC ĐÔNG DƯƠNG

( 1951)

(Đoạn đầu không có trong bản tiếng Việt)

Anh em rất thân mến,

Các Giám mục Việt Nam họp tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Đức Khâm sứ Toà Thánh, nhận thấy có bổn phận phải cùng nhau nỗ lực cộng tác một cách hữu hiệu hơn hòng đem bình an đến cho mọi tâm hồn và hồi phục nếp sống Kitô hữu cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại …

Xúc động trước sự hàm hồ tràn lan trong suy tư, chúng tôi thấy cần phải nói rõ về ý niệm Ái quốc. Ái quốc, yêu nước, là yêu quê hương, yêu quê cha đất tổ. Vậy quê hương chính là gia đình mở rộng. Cả hai là đối tượng của đức hiếu. Vì thế, chúng tôi chỉ có thể khích lệ và vun trồng như mọi nhân đức Kitô giáo khác. Ý niệm Quê hương nơi người tín hữu không khai trừ Quê hương của những dân tộc khác, mà chúng ta phải yêu thương, vì chúng ta tất cả đều là con cái Chúa.

(Tiếp theo là bản tiếng Việt đã có ở trên, rồi đến đoạn cuối không có trong bản tiếng Việt)

……….. Ước gì anh em luôn sống như những chứng nhân của Thiên Chúa, của Chúa Cứu Thế và của Giáo hội.

Để kết luận, chúng tôi nhắc lại với anh em lời Thánh Phaolô: “Hãy tỉnh thức, hãy kiên vững trong đức tin, hãy đề phòng, hãy mạnh mẽ, hãy làm mọi sự vì đức ái” (1Cr. XVI, 13-14).

Xin các linh mục đọc thư chung này trong các nhà thờ và nhà nguyện. Chúng tôi hân hoan ban phép lành cho tất cả anh em linh mục và giáo hữu. Nguyện xin anh em được tràn đầy ân sủng và bình an của Chúa.

(**)Bản tiếng Pháp trên đây, lời dẫn nhập và bản dịch hai đoạn đầu và cuối của Thư Chung, chúng tôi lấy từ tài liệu của Giáo sư Đỗ Mạnh Tri).

THƯ CHUNG SỐ 11

THƯƠNG YÊU NHAU(*)

Giám mục Juse Maria TRỊNH-NHƯ-KHUÊ, Đại lý Toà Thánh, cai quản Địa phận hà Nội, thân ái gửi lời thăm viếng và chúc phúc cho các linh mục, tu sĩ, và các giáo hữu trong Địa phận.

Anh chị em thân mến,

Tết sắp tới. Tết là một dịp những người thân yêu đi thăm viếng nhau để tỏ tình luyến ái, và chúc mừng nhau.

Nghĩ đến anh chị em còn ở lại với tôi, lòng tôi quyến luyến, tôi muốn đến thăm anh chị em để tỏ tình luyến ái, và chúc mừng anh chị em, nhưng tôi không thể đến với mọi người, tôi gửi thư này để thăm viếng và chúc mừng mọi người.

Anh chị em thân mến,

Tôi biết rằng : Chúa đòi tôi phải có một tình yêu thanh cao, nồng nhiệt, tận tuỵ, hy sinh đối với anh chị em. Tôi cũng biết rằng : tôi chưa tới chỗ ấy, nghĩa là tình yêu của tôi đối với anh chị em chưa thanh cao, chưa nồng nhiệt, chưa tận tuỵ, chưa hy sinh cho đủ như ý Chúa muốn. Nhưng tôi ao ước, và xin anh chị em cầu nguyện để những nhân đức ấy được gia tăng một ngày một hơn trong linh hồn tôi. Tôi sẽ cố gắng cho tới nơi Chúa muốn. Để nhắc nhủ cho tôi nghĩa vụ quan trọng ấy, Hội thánh đã muốn Giám mục đeo nhẫn ở tay, Hội thánh cũng muốn cho giáo hữu hôn nhẫn của Giám mục để nghĩ đến tình yêu của Giám mục đối với mình.

Với tình yêu mến nồng nàn trong Chúa Giêsu Kirixitô, chúng ta hãy thăm viếng nhau, chúc mừng nhau. Tôi chúc cho anh chị em một năm mới tốt đẹp, một năm hạnh phúc. Hơn nữa tôi chúc anh chị em được bình an và hằng giữ nghĩa cùng Chúa.

Tôi gửi lời kính thăm riêng các Cha, các Thày, các Bà, các Chị. Đó là những vị, chẳng những tôi phải thương mến cách riêng như những anh chị em giáo hữu đã ở lại với tôi, mà lại tôi phải cám ơn vì là những người cộng tác cao quý, cần thiết và đắc lực của tôi. Không có các vị ấy, tôi không thể gánh nổi trách nhiệm nặng nề của tôi. Có các vị ấy, tôi được an ủi nhiều bề. Tôi cảm ơn và chúc cho các vị ấy thu được nhiều thắng lợi trong việc tông đồ.

Anh chị em thân mến,

Ngày Tết, chúng ta có dịp nói đến tình luyến ái giữa chúng ta. Nhưng tình luyến ái giữa chúng ta không phải là một cái gì tuỳ thuộc, có cũng được không có cũng được. Tình luyến ái giữa chúng ta là một điều cần thiết, là chính sự sống siêu nhiên của linh hồn ta. Đó là điều phải có, không có không được. Ta phải luôn sống trong tình yêu mến. Ta phải nhắc nhở đến tình yêu ấy luôn luôn. Xưa thánh Gioan Tông đồ đã già không thể giảng được nữa, người chỉ giảng đi giảng lại câu này : “Hỡi các con mọn, chúng con hãy thương yêu nhau”. Các môn đệ và anh em giáo hữu nghe mãi một câu, chán quá thì hỏi người rằng : “Lạy thày, sao thày nói mãi câu ấy?”. người trả lời rằng : “Vì đó là giới răn của Chúa, và nếu giữ nguyên điều ấy, thì đã đủ”.

Không nói luôn được với anh chị em, ít là hôm nay; tôi muốn nói dài hơn một chút về tình luyến ái giữa chúng ta.

ĐỨC YÊU NGƯỜI

Tình luyến ái giữa chúng ta là sự cần thiết, là sự sống siêu nhiên của linh hồn: Kinh thánh dạy : “Ai không yêu mến, người ấy ở trong sự chết –qui non diligit, manet in morte” (1 Joan. 3,14). Nghĩa là người ấy không có ơn nghĩa cùng Đức Chúa Lời, không phải là con yêu dấu của Chúa, không đáng lên thiên đàng, lại đáng phạt khốn nạn trong hỏa ngục.

Muốn hiểu sự ấy, anh chị em phải nhớ rằng : Chúa đã tạo thành chúng ta là loài người trọng hơn muôn vật, nhưng dù trọng đến đâu loài người đối với Chúa cũng chỉ là một loài hèn hạ, là việc bởi tay Chúa làm ra, như một tượng, đất, đá, đối với ông thợ làm nên. Chúng ta không phải là con Chúa đã sinh ra có một bản tính như Chúa, có sự sống như Chúa, và vì không phải là con, chúng ta không đáng sống trong nhà Chúa, hưởng phúc với Chúa. Cứ lý thì không đáng, nhưng Chúa thương loài người quá bội, đã muốn nâng loài người lên một địa vị cao trọng vượt quá tư cách và khả năng của loài người – vì thế gọi là địa vị siêu nhiên – nghĩa là Chúa muốn nhận loài người làm con của Chúa, đáng lên ở trong nhà Chúa và hưởng phúc với Chúa trên thiên đàng đời sau. Để bù vào sự thiếu thốn về tư cách và khả năng, Chúa thông cho linh hồn ta một ơn lạ lùng quen gọi là ơn thánh sủng, ơn nghĩa, biến đổi linh hồn trở nên thánh thiện, sáng láng tốt lành, giống Chúa, đẹp lòng Chúa, khác nào điện chạy vào đèn, đèn trở nên sáng nóng, ánh mặt trời thâu qua khối thuỷ tinh, thuỷ tinh ra sáng nóng, đó là sự sống siêu nhiên của linh hồn, khác với sự sống thường của mọi người vốn có.

Một điều cần thiết cho được chịu lấy ơn thánh sủng, là ta phải kết hợp với Chúa, ta mến Chúa là kết hợp với Chúa. Khi ta không mến Chúa thì giây liên kết đứt ngay, linh hồn ta cũng mất ngay ơn thánh sủng, mất sự thánh thiện, mất sự sáng láng tốt lành, mất ơn nghĩa cùng Chúa, không còn là con yêu dấu của Chúa, mất sự sống siêu nhiên,chỉ còn sự sống thường; con người siêu nhiên – nghĩa là người con yêu dấu của Thiên Chúa – đã chết rồi, chỉ còn là người thường mà thôi. Khác nào khi giây điện đứt, thì đèn điện tắt ngay, không còn sáng nóng nữa, hay là như khối thuỷ tinh đem ra khỏi ánh mặt giời, liền trở nên tối đục. Những linh hồn đã mất ơn thánh sủng chẳng những không còn là con yêu dấu của Cháu, không đáng lên thiên đàng, mà lại còn là một tội nhân, vì đã phản bội với Chúa, đáng sa hoả ngục.

Chúng ta mất ơn thánh sủng chẳng những khi ta không mến Chúa mà lại mất khi ta không yêu người. Vì yêu người nói ở đây, yêu người theo ý Chúa đòi, không phải là yêu người vì người; bèn là yêu người vì Chúa, nói cách khác là yêu Chúa ở trong người. Mến Chúa và yêu người vì Chúa hợp nhau thành một nhân đức là ĐỨC ÁI, ơn thánh sủng Chúa đổ vào linh hồn ta, cũng gọi là Đức Ái Chúa đổ vào, làm cho ta mến Chúa và yêu người vì Chúa. Ai mến Chúa cũng yêu người vì Chúa. Thánh Gioan dạy : “Ai nói rằng ‘tôi mến Đức Chúa Lời” mà ghét bỏ anh em, đó là nói dối. Ai không yêu anh em mắt mình xem thấy, không thể mến Đức Chúa Lời là Đấng mắt không xem thấy” (1 Joan 4,20). Vì thế, ai không yêu người vì Chúa, là không mến Chúa, không mến Chúa là không kết hợp với Chúa, không kết hợp với Chúa liền mất ơn thánh sủng ngay, mất sự sống siêu nhiên. Như lời Thánh kinh tôi đã kể trên : “Ai không yêu mến, người ấy ở trong sự chết”.

Anh chị em thấy tỏ: tình luyến ái giữa chúng ta cần thiết chừng nào, đó là sự sống siêu nhiên của linh hồn, là hạnh phúc chúng ta đời sau. Chúng ta phải ra sức thương yêu nhau. Thương yêu thật trong lòng, muốn sự lành cho người ta, không muốn sự dữ cho ai. Thương yêu trong lời nói việc làm, an ủi giúp đỡ, tránh không làm hại ai, tìm làm ơn cho mọi người, ơn phần hồn, ơn phần xác.

GIỚI RĂN YÊU NGƯỜI

Giới răn dạy chúng ta thương yêu nhau ví như một lâu đài rộng rãi bao la, xây trên một nền tảng rất vững bền, và nguy nga cao ngất trời.

Nền tảng của giới răn dạy yêu người không phải là một trái núi, bèn là chính Thiên Chúa. Như tôi đã nói: yêu người hợp với sự mến Chúa. Chúa Cao Cả vô cùng truyền cho chúng ta phải yêu nhau: ta dám chống lệnh Chúa ư ? Chúa truyền cho chúng ta yêu nhau vì Chúa: chúng ta không được lấy lẽ người kia khuyết điểm, xa lạ hay thù địch mà không yêu. Bản thể Chúa là Yêu Mến. Kinh thánh dạy : “Thiên Chúa là Yệu Mến – Deus Charitas est” (1 Joan 4,16). Vì thế Chúa không thể nào không yêu, Chúa không thể nào không truyền cho ta phải yêu mến. Ai yêu mến sẽ được lên Thiên đàng, ai không yêu mến sẽ phải phạt xuống hoả ngục, chịu lửa đốt đời đời, vì Chúa là yêu vô cùng, cho nên Chúa phạt rất thẳng nhặt những người không yêu mến, và từ chối hẳn lòng yêu của Chúa.

Yêu ngần nào ? Trong đạo cũ, khi Đức Chúa Giêsu chưa ra đời, Thiên Chúa đã dạy người ta phải yêu anh em như mình (Lev 19, 18). Trong đạo mới, Đức Chúa Giêsu đã cho chúng ta một giới răn mới, giới răn riêng của Người. Chúa dạy chúng ta phải thương yêu nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Chúa phán rằng : “Cha ban cho chúng con một giới răn mới, là chúng con phải thương yêu nhau như Cha đã thương yêu chúng con” (Joan 13, 34).

Đức Chúa Giêsu thương yêu chúng ta thế nào ? Chúa đã thương yêu ta, khi ta chưa biết Chúa. Chúa đã thương yêu ta dù ta hèn kém, dù ta bội bạc, đã thương yêu ta tận tình. Chúa trọng vô cùng đã xuống thế làm người ở với ta như bạn bè, đã chịu nạn chịu chết cách rất đau đớn, nhuốc nha, để đền tội ta, đã lập phép Thánh Thể lấy thịt máu mình làm của nuôi linh hồn ta.

Có ai thương yêu ta đến thế không?

Khi khác Chúa đã phán dạy rằng : “Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em ở trên trời” (Matt 5,48). Cha ta ở trên trời là Thiên Chúa. “Thiên Chúa là Yêu mến – Deus Charitas est” (1 Joan 4,16). Chúa là yêu mến vô cùng. Nếu chúng ta phải nên trọn lành như Chúa, phải yêu mến như Chúa thì phải mến yêu chừng nào?

Ấy, lâu đài mến yêu của đạo ta nguy nga cao ngất trời.

Yêu những ai? Chúa thương yêu ai, ta phải thương yêu người ấy. Chúa thương yêu hết mọi người. Trừ những người đã xuống hỏa ngục, Chúa không yêu được nữa, vì những người ấy phản bội hẳn, không thể trở nên con cái Chúa được nữa.

Dù những người thù địch cùng ta, ta cũng phải thương yêu. Chúa đã phán : “Anh em hãy thương yêu những kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ anh em, để tỏ ra anh em là con của Cha Cả ở trên trời, là Đấng khiến mặt trời mọc lên soi cho kẻ dữ và kẻ lành, cùng làm mưa xuống cho người nhân đức, người tội lỗi. Vì nếu anh em yêu mến những người yêu mến anh em, thì anh em sẽ được thưởng gì?” (Matt 5, 44-46).

Chúa đã dạy, Chúa đã làm. Khi Chúa chịu đóng đanh vào thập tự giá, việc trước hết Chúa đã làm là kêu van Đức Chúa Cha tha tội cho kẻ đóng đanh mình : “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc mình làm” (Luc 23,34).

Dù là những người có tội, vì ích chung, theo pháp luật, ta phải trừng phạt, ta vẫn có thể thương yêu được, là muốn sự lành cho nó. Sự lành trọng nhất, bao giờ ta cũng có thể muốn, phải muốn, phải lo liệu cho anh em, là ăn năn trở lại, làm con yêu dấu của Chúa, được hưởng phúc trên thiên đàng đời sau.

Ai còn sống ở thế gian này, vẫn có thể trở lại làm con yêu dấu của Chúa. Lịch sử đã cho hay : có những người tội lỗi đã trở nên những vị đại thánh.

Như thế, lâu đài mến yêu của đạo ta rộng rãi bao la, có thể chứa hết mọi người còn sống ở thế gian này.

Chúng ta còn phải cố gắng nhiều cho được giữ trọn Giới-răn Yêu-người.

GIÂY THÂN ÁI RIÊNG TRONG HỘI THÁNH

Chúa dạy chúng ta thương yêu mọi người, nhưng riêng về những người ở trong Hội thánh, Chúa chẳng những phán dạy chúng ta phải thương yêu nhau, mà lại Chúa đã lấy tay quyền lực của mình, kết hợp chúng ta lại bằng những giây thân ái huyền diệu, thần hiệu lạ lùng, ai có sự sáng đức tin soi cho thì sẽ thấy và hiểu sự ấy. Các giây thân ái ấy Chúa đã đặt ở trong Hội thánh.

Hội thánh Công giáo không phải là một tổ chức thuộc về trần thế như hội khác, trong Kinh thánh nhiều nơi gọi Hội thánh là “Nước trời”, “Nước Đức Chúa Trời”.

Hội thánh bởi Đức Chúa Giêsu đã lập, không phải bởi một người trần : không ai trong loài người có quyền đổi những quy chế Đức Chúa Giêsu đã chỉ định cho Hội thánh.

Hội thánh có một, Đức Chúa Giêsu muốn hợp mọi người, mọi nơi, mọi đời vào một hội ấy, chớ ai có ảo tưởng : bỏ Hội thánh rồi lại có thể vào Hội thánh khác. Hội thánh theo đuổi một mục đích siêu phàm, là làm cho người ta nên thánh, nên con yêu dấu của Chúa, đáng hưởng phúc trên thiên đàng đời sau. Hội thánh không có những tham vọng về trần thế là mạch sinh chia rẽ và ghen ghét.

Hội thánh vững bền tồn tại muôn đời, quyền phép ma quỷ không phá được: chống cự cùng Hội thánh vừa mất công vừa phải tội.

Hội thánh là một hội bó buộc; ai muốn hưởng nhờ ơn cứu chuộc phải gia nhập Hội thánh, không như hội khác, muốn vào hay không, tuỳ ý không hệ gì.

Gia nhập Hội thánh không phải là biên tên vào sổ là thánh, phải chịu phép Rửa Tội, và Chúa in dấu thiêng liêng vào trong linh hồn chẳng thể xoá được, dù xuống hỏa ngục chịu lửa đốt muôn đời, dấu ấy vẫn còn.

Gia nhập hội khác, chúng ta trở nên những hội viên của hội, gia nhập Hội thánh, chúng ta được sát nhập vào Thân thể mầu nhiệm Đức Chúa Giêsu, hết thảy chúng ta chỉ là một thân thể mầu nhiệm Đức Chúa Giêsu, ch1ung ta hợp với Chúa như các phần thân thể hợp với đầu, có một sự sống chung: sự sống siêu nhiên – bởi Đức Chúa Giêsu thông ra cho các linh hồn: chính Đức Chúa Giêsu đã tự xưng mình là cây nho, và Người gọi chúng ta là nghành nho. Chúng ta chịu lấy sự sống bởi cây nho là Đức Chúa Giêsu thông ra cho các ngành. Linh hồn nào không có ơn thánh sủng là sự sống siêu nhiên bởi Đức Chúa Giêsu thông cho, là phần thân thể đã chết. Cũng như về phần xác, có khi chân tay hay phần thân thể khác, mắc bệnh tật, đau đớn, tê liệt, thối nát, có khi phải cắt bỏ đi.

Khi một phần thân thể đau yếu, thì cả mình cũng đau, chúng ta chạy chữa cho phần ấy trở nên lành mạnh. Cũng vậy, con chiên trung thành của Chúa rất đau đớn vì những con chiên không trung thành, nhưng vẫn thương họ, hằng cầu nguyện cho họ ăn năn trở lại, và trở nên những phần thân thể lành mạnh của Chúa giêsu. Phần thân thể tê liệt, bao lâu còn dính vào thân xác, thì còn có hy vọng trở nên lành mạnh. Như phần thân thể đã hư thối, đã cắt bỏ đi rồi thì hết hy vọng trở nên lành mạnh. Sự hợp nhất giữa các phần thân thể là sự quan trọng chừng nào. Chúng ta, người Công giáo, là những phần thân thể thuộc về mình màu nhiệm Đức Chúa Giêsu, chúng ta phải lo hợp nhất với nhau, với Chúa.

Muốn hợp nhất cần phải giữ trật tự. Không giữ trật tự không thể hợp nhất được. Nếu chân muốn chiếm địa vị của tay, thì phải lìa bỏ địa vị mình để lên chiếm địa vị của tay, nhưng trước khi chiếm được địa vị của tay thì đã lìa ra khỏi thân thể và đã chết rồi.

trong Hội thánh Đức Chúa Giêsu, có Giám mục, có Linh mục, có Giáo hữu, là những đẳng cấp Chúa đã đặt, chẳng ai có quyền thay đổi, ai ai cũng phải giữ địa vị mình, và làm việc bản thân mình, nếu làm sai, là đi vào chỗ chết.

Trong thân thể có những phần khác nhau, có những việc làm khác nhau, nhưng việc làm của một phần làm ích cho cả thân thể. Mắt xem, cả mình được sáng; miệng ăn, cả mình được no, chân đi, cả mình được chuyển động.

Trong thân thể mầu nhiệm Đức Chúa Giêsu cũng vậy, việc lành của một người làm ích cho nhiều người khác – dù người này không biết người kia, không nghĩ đến người kia – vì đã có Đức Chúa Giêsu là Đầu phân chia, xếp định cho cả thân thể, vì chúng ta đã hợp nhất thành một thân thể với Đức Chúa Giêsu, có một sự sống chung.

Đó là sự các thánh cùng thông công ta đọc hàng ngày trong kinh Tin kính. Vì thế, mỗi người phải ra sức làm việc bậc mình. Mình lười biếng việc lành, mình làm việc dữ là Hội thánh phải thiệt. Một việc ai làm cũng được, là cầu nguyện cho nhau.

Trong thân thể có những phần khác nhau, có trên, có dưới, nhưng phần nào cũng quý.

Hỏi một người rằng: anh quý chân hay quý tay, người ấy sẽ thưa: tôi quý cả tay, quý cả chân.

Nhưng hỏi lại: anh qúy tay hơn hay quý chân hơn? anh lúng túng không biết thưa thế nào.

Đã hay người ta quen nói: tay trọng hơn chân; nhưng nếu phải chọn: mất một chân hay mất một tay, có lẽ ai cũng chọn mất một tay. Vì mất một tay còn có thể làm việc được, nhưng mất một chân thì không đi lại được.

Trong Hội thánh cũng vậy, có đẳng cấp trên dưới, có Giám mục, Linh mục, Giáo dân, nhưng Đức Chúa Giêsu yêu quý các phần thân thể của Người. Đã hay những linh hồn đã dâng mình làm tôi Chúa cách riêng, thật là ơn riêng Chúa thương ban cho các linh hồn ấy hơn là các ơn linh hồn ấy làm cho Chúa, nhưng chúng ta không thể nói: hễ là Linh mục thì Chúa yêu quý hơn Giáo hữu thường.

Đã chắc Chúa yêu quý một Giáo hữu thánh thiện hơn một Linh mục khô khan. Có thể nói chung: hễ ai trọn lành, thánh thiện thì Chúa yêu quý hơn; Hỏi ai thánh thiện, ai trọn lành. Bà thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói: “Ai trung thành làm mọi việc vì lòng mến Chúa, người đó là người sốt sắng nhất. Chúa không cần công việc của ta, Chúa cần tình yêu của ta”. Như thế chẳng kỳ ở bậc nào, ai cũngcó thể được Chúa yêu quý cách riêng, tuỳ mình mến Chúa cách riêng nhiều hay ít.

Các môn đệ hỏi Đức Chúa Giêsu rằng: “Ai trọng nhất trong Nước Trời. Đức Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ đến, đạt ở giữa các môn đệ mà bảo rằng: Thật, Thầy bảo anh em: nếu anh em không đổi lại, nên như trẻ nhỏ, thì anh em chẳng được vào nước trời. Ai nên bé nhỏ như trẻ này, đó là người lớn nhất trong nước trời”(Matt 18,1-4). “Người lớn nhất trong anh em, phải làm tôi tớ anh em. Vì ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Matt 23,11-12).

Như thế, Đức Chúa Giêsu yêu quý ai hơn? Anh chị em giáo hữu hãy suy và hãy tự hào. Tôi nghĩ: Người Đức Chúa Giêsu đã yêu quý nhất là Đức Bà Maria, là một giáo hữu thường. Đức Chúa Giêsu yêu quý chúng ta, sao chúng ta lại không yêu quý nhau.

Người ta đã gọi Hội thánh Đức Chúa Giêsu bằng nhiều tên, chẳng tên nào đầy đủ, vì Hội thánh là một việc mầu nhiệm, một công cuộc vĩ đại của Thiên Chúa. Nhưng nguyên một tên “Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Chúa Giêsu” đã đủ gợi trong trí khôn biết bao ý tưởng quan trọng: hợp nhất, thứ tự, cộng tác, thân ái.

Không hợp nhất, không sồng – Không thứ tự, phá hại sự hợp nhất – Cộng tác bảo tồn hợp nhất – Thân ái, tinh hoa của hợp nhất.

Anh chị em thân mến, chúng tay hãy yêu mến Hội thánh, hãy học cho hiểu Hội thánh hơn, hãy làm vinh danh Hội táhnh. Chúng ta hãy lo hợp nhất và hết tình yêu mến nhau, đ1o là một điều làm vinh danh Hội thánh và cũng là hạnh phúc của chúng ta.

HY SINH LÀ CỦA NUÔI TÌNH YÊU: ẢNH CHỊU NẠN

Muốn thi hành cho đầy đủ một ngày một hơn giới răn Chúa dạy yêu người, anh chị em cần phải để ý đến kẻ thù địch ghê gớm của tình yêu, là tính ích kỷ. Yêu là muốn sự lành cho người ta, chứ không phải là tìm lợi cho mình. Như thế, yêu thực, cần phải hy sinh. Không hy sinh tình yêu sẽ chết mòn, càng hy sinh, tình yêu càng nảy nở.

Chúa Giêsu đã làm gương cho ta soi: Chúa yêu ta nên đã chịu nạn chịu chết cách rất đau đớn, nhục nhã trên cây thập tự giá. Chúa đã bỏ sự sống, bỏ danh giá, đã chết như một tội nhân. Bỏ sự vui sướng, Chúa chịu đau khổ hết sức; bỏ tiền tài, Chúa đã bị đóng đanh trần truồng vào thập tự giá. Người ta thường lỗi đức mến yêu, vì cầu sống, vì ham vui sướng, vì muốn danh giá, vì tham tiền tài. Nếu ai không sợ chết, không sợ đau khổ, không sợ nhục nhã, không sợ khó nghèo, ít ra bằng lòng chịu các sự ấy, thì người ấy sẽ yêu mến nhiều biết bao. Để nêu cao bài học hy sinh Chúa đã dạy, Hội thánh đã đặt khắp nơi ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh vào thập tự giá. Đó là ảnh Hội thánh kính nhất. Chỉ có anh ấy được đặt trên trốc nhà chầu có Thánh Thể. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh lại có một lễ nghi rất cảm động để kính lạy ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh.

Giáo hữu phải hiểu ý Hội thánh, phải kính mến ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh, không kính ảnh ấy, coi thường hay hổ thẹn vì lẽ Đức Chúa Giêsu trần truồng không đáng gọi là người công giáo.

Thực ra, ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh trần truồng trên cây thập tự giá, là ảnh rất lạ và rất quý. Có đạo nào có ảnh ấy không? Không có, vì không có đạo nào Đấng lập đạo đã chịu chết vì yêu như thế. Đức Chúa Giêsu đã chịu chết như vậy, không phải vì thua, bèn vì Chúa muốn chịu chết để đền tội ta và tỏ lòng thương yêu ta. Chúng ta không có lẽ gì mà hổ thẹn, mà lại phải yêu quý; Hơn nữa, chết đoạn Chúa đã sống lại vinh hiển. Chúa có thua đâu.

Hội thánh không hổ thẹn, lại truyền trưng bày khắp nơi. Hội thánh không nhầm, vì khắp nơi ai là người công giáo cũng kính mến ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh. Anh chị em hãy nhớ lại: ngày thứ Sáu Tuần Thánh giáo hữu tấp nập, và sốt sắng biết bao, chen nhau đến hôn chân Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh. Đó là do ơn Đức Chúa Giêsu giục lòng giáo hữu. Chính Đức Chúa Giêsu đã phán: “Khi Ta đã chịu treo lên, thì Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta” (Joan 12,32). Làm được như vậy phải có quyền thế một vị Thiên Chúa mới được. Ai người trần làm được như vậy. Ai dám giơ ảnh trần truồng của mình ra cho thiên hạ cùng kính.

Ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh hằng nhắc bảo cho ta: tội là sự độc dữ xấu xa, phải thà chết, chẳng thà phạm tội; phải hãm mình phạt xác để đền tội, và cho khỏi phạm tội; đừng sợ sự đau khổ, xỉ nhục, vì đau khổ xỉ nhục ở đời này là vui mừng vinh hiển đời sau; đường lối của Chúa khác đường lối thế gian. Đức Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, trước mặt thế gian là thất bại, nhưng trước mặt Chúa là thánh công. Đức Chúa Giêsu đã hoàn thành việc chuộc tội: ta phải an ủi mình như thế khi gặp gian nan khốn khó; phải hết tình mến Đức Chúa Giêsu và thương yêu các linh hồn, sẵn lòng chết vì Chúa, vì các linh hồn.

Chúng tay hãy năng ngắm ảnh Chịu-nạn để học sự hy sinh, hãy lợi dụng những trái ý ta gặp hằng ngày mà tập đức hy sinh là một đức rất quý và rất cần cho được giữ đức mến yêu.

Anh chị em thân mến,

Tôi đã nói dài rồi. Nếu anh chị em không nhớ cả, xin anh chị em hãy nhớ một câu này: “Anh chị em hãy thương yêu nhau” vì như lời thánh Gioan đã nói, nếu anh chị em giữ một điều ấy, thì đã đủ.

Anh chị em thân mến,

Một lần nữa tôi chúc cho anh chị em một năm mới tốt đẹp, một năm hạnh phúc, được bình an, hằng giữ nghĩa cùng Chúa – và – lập được nhiều công nghiệp về đức yêu người.

Xin anh chị em nhớ cầu cho tôi

Hà-nội, ngày 18 tháng 1 năm 1956

Jos.M. Khuê

Vic. Aport

(*Tài liệu của Toà Tổng Giám mục Hà Nội).

Tâm thư của Đức Tổng Giám mục Huế

gửi các Linh mục, Tu sĩ nam nữ và toàn thể Anh Chị Em tín hữu

ngày 1-4-1975 (*)

Kính thưa các Linh mục,

Tu sĩ nam nữ

và toàn thể Anh Chị Em tín hữu thân mến,

Chiến tranh đã chấm dứt trên giáo phận Huế. Đó là điều chúng ta mong ước và cầu nguyện từ ba mươi năm nay.

Thời gian sống trong hãi hùng, lo âu qua rồi. Thời gian đồng bào chúng ta nghi kỵ, chia rẽ thù hận nhau, có khi đến chém giết nhau đã qua rồi. Chúng ta hãy cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa về hồng ân quý giá này. Chúng ta hãy ghi ân tất cả những ai đã hy sinh để có được những ngày an bình hiện nay. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho cảnh thanh bình này còn mãi trên quê hương chúng ta.

Giờ đây đã đến lúc chúng ta hoan hỉ sẵn sàng và hăng say cộng tác với mọi người thiện chí, dưới sự chỉ đạo của Chánh phủ Cách mạng để xây dựng lại Quê hương sau bao đổ vỡ tang tóc, hầu đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào ruột thịt.

Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần đoàn kết, yêu thương và phục vụ người khác, giúp đỡ và chia sẻ cơm áo với đồng bào, không phải chia sớt những gì mình dư thừa, mà còn trao nhượng những gì mình chỉ có vừa đủ, theo tinh thần bác ái của Chúa Giêsu mà mọi người thiện chí và mọi chính quyền trên thế giới quyết tâm thực thi mỗi ngày mỗi hoàn hảo hơn. “Này là lệnh truyền của Ta : Các con hãy thương yêu nhau, như Ta đã yêu thương các con” (Gioan 15,12). Vì yêu chúng ta, Chúa đã chết cho chúng ta, thì còn có gì mà chúng ta không làm được để tỏ lòng yêu mến nhau?

Giờ đây, chúng ta hãy khoan dung, tha thứ mọi lỗi lầm, đừng nghi ngờ, thù hận ai và gây sợ hãi cho ai. Nhưng trái lại, phải hiểu tốt, thông cảm và nhìn nhận thiện chí của người khác, để tất cả mọi người sống thoải mái, vui tươi, hạnh phúc của những công dân trong chế độ tự do dân chủ, thịnh vượng và hoà bình. Lý do là vì mọi người đều là anh em có cùng một Cha chung trên trời (Mt 23,9).

Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy sống Phúc Âm của Chúa Giêsu cho đến tận cùng : “Con người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người” (Mt 20,28).

Nhưng hơn hết, chúng ta phải sống đời sống tâm linh, đạo đức và thánh thiện để đạt tới đời sống vĩnh cửu, khi thân xác này trở về với cát bụi. Chúng ta phải cùng nhau xây dựng thế giới huynh đệ đại đồng cho hôm nay, nhưng không phải dừng lại đó, mà để nhờ đó chúng ta đạt tới đời sống huynh đệ trường cửu. Bây giờ, chúng ta mới thật là anh em của nhau không thể chia lìa được và cùng nhau hưởng hạnh phúc bất diệt trong Thiên Chúa.

Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi ban mọi phúc lành cho anh chị em.

Huế, ngày 1 tháng 4 năm 1975

Philippê Nguyễn-Kim- Điền

Tổng Giám mục giáo phận Huế.

(*)Quân đội của MTGPMN vào Tp. Huế ngày 26.3.1975 (Chú thích của VSH).

Thông cáo

của Toà Tổng Giám mục Sàigòn

ngày 8-4-1975

Những biến cố dồn dập xẩy đến trong mấy tuần qua đã tạo nên cảnh điêu linh tang tóc cho hàng triệu đồng bào khắp nơi và tình trạng cực kỳ hoang mang cho toàn thể dân chúng.

Để giúp cho người công giáo tránh được những thái độ tiêu cực hoặc cực đoan bất lợi trong hoàn cảnh hiện tại, Toà Tổng giám mục Sàigòn nhận thấy có trách nhiệm nhắn nhủ anh chị em tín hữu mấy điểm quan trọng sau đây :

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người công giáo cũng phải cố gắng tự chủ, bình tĩnh nhờ đức tin của mình, để có thể nhận định thời cuộc một cách sáng suốt.

Thái độ hoảng hốt chỉ có thể làm cho tình thế thêm trầm trọng và gây thêm nhiều hậu qủa tai hại cho chính mình.

Giáo hội cộng giáo tha thiết ước mong tình hình sớm được ổn đinh và an ninh của dân chúng đước bảo đảm khắp nơi. Tuy nhiên, không bao giờ Giáo hội chủ trương hay tán thành việc võ trang các giáo xứ hoặc thành lập các đạo quân công giáo. Giáo hội cũng không hề chủ trương di dân lánh nạn ra ngoại quốc như nhiều tin đồn vô căn cứ đã được tung ra.

Tích cực hơn nữa, người công giáo cũng như hết mọi người dân, đều phải cố gắng góp phần vào công cuộc vãn hồi hoà bình và hoà giải giữa đồng bào Việt Nam. Đó là một nhu cầu khẩn thiết của tình thế, đồng thời cũng là một đòi hỏi của Tin Mừng Kitô giáo.

“Mọi sự đến từ Thiên Chúa, Đấng đã hoà giải chúng ta với Ngài, nhờ Đức Kitô, và đã giao cho chúng ta sứ mạng hoà giải” (II Cor 5,18).

Chính vì thế mà Giáo hội cũng ước mong nhờ việc thi hành Hiệp đinh Ba-lê một cách thành tín và công bình bởi hết mọi thành viên liên hệ, cuộc chiến hiện tại được chấm dứt và quyền sống của hết mọi thành phần dân tộc được thực sự bảo đảm.

Sàigòn, ngày 8 thánh 4 năm 1975

Phaolô Nguyễn Văn Bình

Tổng Giám mục Giáo phận Sàigòn

Tâm thư

của Đức Tổng Giám mục Sàigòn

gửi các Linh mục, Tu sĩ và Anh Chị Em giáo dân

ngày 5-5-1975

Kính thưa Anh Chị Em thân mến,

Một trang sử mới đã mở ra cho dân tộc Việt Nam. Từ ngày 30 tháng 4 vừa qua, chiến tranh đã chấm dứt, hoà bình đã trở lại trên đất nước thân yêu của chúng ta. Từ nay không còn bom đạn, tang tóc, hận thù, phân ly … Tất cả những tai họa đó đã thuộc về dĩ vãng. Đây là một niềm vui chung của cả một dân tộc và với cái nhìn theo đức tin của người tín hữu, đây cũng chính là một hồng ân của Thiên Chúa. Cùng với toàn thể đồng bào, chúng ta hãy hân hoan chào mừng nền hoà bình và độc lập mà hết mọi người yêu nước hằng chờ đợi. Chúng ta hãy vui sướng trong cảnh gia đình đoàn tụ và đồng thời ghi ơn tất cả những ai đã tận tình hy sinh để kiến tạo hạnh phúc cho toàn dân. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên chúa vì muôn ngàn ân phúc Ngài đã ban cho toàn thể dân tộc chúng ta.

Hơn mọi lúc, giờ đây người công giáo phải hoà mình vào nhịp sống của toàn dân, đi sâu vào lòng dân tộc. Thay vì để cho những tin đồn vô căn cứ làm cho chúng ta hoảng hốt, hoang mang hay khép kín, chúng ta phải hướng mình theo trào lưu của lịch sử, phải có thái độ bình tĩnh, sáng suốt và tích cực trước tình thế mới.

Một mặt chúng ta phải nỗ lực tối đa góp phần vào công cuộc hoà giải và hoà hợp dân tộc, phát động tình thương, sự hiểu biết, lòng tha thứ và quảng đại. Chúng ta làm hết những gì có thể được để mọi anh em đồng bào hiểu nhau hơn, mến nhau hơn. Đó chính là tinh thần Phúc âm mà thánh Phanxicô Assisi đã nhắc lại trong Kinh Hoà Bình : “… Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem trông cậy vào nơi thất vọng, đem niềm vui đến chốn u sầu …”

Mặt khác, người công giáo chúng ta phải sẵn sàng thi hành một cách tích cực mọi nghĩa vụ công dân do Chính phủ Cách mạng lâm thời chỉ dẫn. Có những công cuộc cụ thể mà chúng ta có thể làm được ngay là tham gia các công tác nhằm ổn đinh tình thế, bảo vệ an ninh, cải hoá xã hội và dân sinh đang được phát động tại các địa phương. tất cả những gì liên quan đến công ích, chúngta hãy tích cực tham gia như những công dân gương mẫu.

Điều quan trọng là biết hướng về tương lai, cùng với anh em đồng bào, dưới sự hướng dẫn của Chính phủ cách mạng lâm thời, xây dựng một nước Việt nam thịnh vượng, một xã hội mới tiến bộ, công bình, giàu tình thương. Mọi cố gắng của chúng ta sẽ tạo nên hạnh phúc mà chính chúng ta được hưởng. Đó là điều đáng làm cho chúng ta phấn khởi trong nỗ lực xây dựng lại quê hương chúng ta.

Đối với người tín hữu, chúng ta còn có một niềm phấn khởi cao siêu, thiêng liêng, bất diệt từ nơi Thiên Chúa mà đến. Niềm phấn khởi đó, phụng vụ mùa Phục Sinh luôn luôn nhắc lại trong những ngày này. Mỗi lần chúng ta cử hành thánh lễ, Chúa Kitô Phục sinh đang sống và tác động giữa chúng ta, trong tâm hồn mỗi người tín hữu. Ngài cũng sẽ sai Thánh Linh đến với chúng ta để nâng đỡ chúng ta trong nỗ lực xây dựng xã hội trần thế, và hướng dẫn chúng ta tiến về Nước hằng sống trong cuộc đời vĩnh cửu mai hậu.

Trong phạm vi sống đạo, hoàn cảnh mới sẽ giúp chúng ta vượt qua nhiều hình thức phụ thuộc để sống những điều chính yếu nhất : chính là cởi bỏ người cũ, mặc lấy con người mới để sống mầu nhiệm Phục sinh một cách cụ thể và sống lòng Tin Cậy Mến tới mức tối đa.

Nguyện xin Thiên Chúa phù trợ Đất nước và Dân tộc chúng ta. Nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh và Thánh Linh của Ngài luôn luôn ở lại với chúng ta.

Phaolô Nguyễn Văn Bình

Tổng Giám mục Sàigòn

(ấn ký)

Hội Đồng Giám mục Việt Nam

gửi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước

(01-05-1980)

THÔNG TIN VỀ ĐẠI HỘI GIÁM MỤC TOÀN QUỐC

Trong tâm tình biết ơn

Anh chị em thân mến,

Anh chị em hãy cùng chúng tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về Hội nghị các Giám mục toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúng ta, từ ngày 24 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5 năm 1980.

Kể từ lúc thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960, và nhất là từ ngày Nước Nhà được thống nhất, chúng ta đều ước mong có cuộc họp này. Toà Thánh và riêng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mỗi khi có dịp cũng luôn bày tỏ một tâm tình như vậy, diễn tả ý muốn của chính Công đồng Vatican II.

Vì thế chúng ta thành thật biết ơn Chính phủ đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho Đại hội này. Chúng tôi cũng cám ơn anh chị em đã cầu nguyện nhiều cho Đại hội này được thành công tốt đẹp.

Một tuần lễ làm việc

Chúng tôi vui mừng được gặp nhau, và trong suốt một tuần lễ làm việc, chúng tôi được dịp hiểu biết tình hình giáo phận trong cả nước. Nhờ đó chúng tôi thấy rằng, mặc dù sống xa nhau, tâm hồn chúng tôi vẫn là một, và cùng chia sẻ những nỗi âu lo, niềm phấn khởi và nguyện vọng của toàn thể Dân Chúa trên Đất nước thân yêu này.

Trong tinh thần hiệp nhất ấy, chúng tôi đã cầu nguyện và suy nghĩ nhiều về nhiệm vụ của Giáo hội chúng ta trong giai đoạn lịch sử này. Chúng tôi đã duyệt lại nội quy và đặt lại cơ cấu của Hội đồng Giám mục Việt nam. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị việc tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới khoá V về “Các chức năng của gia đình Kitô giáo trong thế giới hôm nay”, và việc các Giám mục Việt Nam đi viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô tại Toà Thánh Rôma năm nay theo quy định của Giáo luật.

Trước khi bế mạc Đại hội, chúng tôi đã vào lăng kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đã yết kiến Thủ tướng Chính phủ.

Ý nghĩa việc đi Rôma

Việc đi viếng mộ các Tông đồ và việc tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới tại Rôma nói lên hai đặc tính của Hội thánh Chúa Kitô là phổ quát và hợp nhất, đồng thời thể hiện tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm của các Giám mục đối với Hội thánh toàn cầu. Xin anh chị em cầu nguyện nhiều để chúng tôi hoàn thành tốt đẹp sứ mạng này.

Tổ chức Hội đồng Giám mục Việt Nam

Chúng tôi cũng phải cùng nhau gánh vác mọi trách nhiệm của chức vụ Gáim mục trong tinh thần tập thể và đồng trach nhiệm. Bởi thế, việc thành lập Hội đồng Giám mục Việt nam là để phục vụ anh em đắc lực hơn, vì như ý Công đồng Vatican II, Hội đồng Giám mục là nơi quy tụ các vị lãnh đạo Giáo hội trong một quốc gia hay một lãnh thổ để hợp nhất với nhau thi hành mục vụ theo thể cách và phương thức thích hợp với hoàn cảnh (GM.30. 1).

ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ

MỘT HỘI THÁNH VÌ LOÀI NGƯỜI

Ánh sáng từ một thông điệp

Anh chị em thân mến,

Bước vào giai đoạn mới này của Dân tộc, chúng tôi muốn nhìn vào gương Đức Phaolô VI khi người mới làm Giáo Hoàng. Trong thông điệp đầu tiên của người nhan đề “Giáo hội Chúa Kitô”. Người đã suy nghĩ nhiều về sứ mạng của Hội thánh trong thế giới hôm nay. Mối bận tâm chính của người xoay quanh ba tư tưởng lớn. Tư tưởng thứ nhất là đã đến lúc Giáo hội phải có một nhận đinh sâu xa về ch1inh mình, phải suy gẫm về mầu nhiệm của mình. Tư tưởng thứ hai là “đem bộ mặt thực của Giáo hội ngày nay đối chiếu với hình ảnh lý tương của Giáo hội như Chúa Kitô đã thấy, đã muốn và đã yêu như Bạn thánh thiện và tinh truyền của mình” (Ep 5, 27), từ đó “sinh ra một ước muốn quảng đại và bức thiết là phải canh tân”. Còn tư tưởng thứ ba là như kết luận của hai tư tưởng trên, nói về những quan hệ phải có giữa Giáo hội và thế giới (GHCK. 9-14).

Đức Thánh Cha nhận định thêm rằng ba đề tài trên cũng là mối bận tâm của mọi thành phần Dân Chúa. Vậy chúng tôi giới thiệu những đề tài ấy với anh chị em để chúng ta tâm niệm hàng ngày.

Hội Thánh là Dân Thiên Chúa

Công đồng dựa vào lịch sử cứu chuộc để tìm hiểu và trình bày bản chất của Hội thánh. Trong chương trình cứu chuộc loài người, Thiên Chúa đã lấy giao ước quy tụ một dòng dõi làm dân riêng của Người. Và qua lịch sử dân ấy, Người đã mạc khải chính mình Người và ý định cứu chuộc của người cho toàn thể nhân loại. Nhưng dân ấy chỉ là hình bóng và là công cuộc chuẩn bị cho dân mới của Thiên Chúa, sẽ được quy tụ bằng giao ước mới mà Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập bằng Máu Thánh Người.

Dân Giao ước mới này chính là Hội thánh Chúa Kitô, quy tụ mọi người từ khắp mọi nơi mọi nước trên trần gian, vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Chúa Thánh Thần nối kết họ nên một khi giải phóng họ khỏi tội lỗi và ban cho họ được làm con cái Thiên Chúa. Họ có giới răn mới là bác ái yêu thương (Gioan 13,34) và ngay từ buổi đầu họ đã là một cộng đoàn có tổ chức với những phận vụ khác nhau do chính Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập hầu mưu ích cho toàn Nhiệm thể (TL. 18). Mục đích của Dân Mới là “Phát triển Nước Thiên Chúa cho tới khi được hoàn tất” (TL. 9,3).

Hội thánh vì loài người

Dân cũ có sứ mạng đón nhận ơn cứu chuộc cho cả nhân loại. Dân mới có sứ mạng đem ơn cứu chuộc ấy đến từng dân tộc và từng người qua mọi thời đại, như lời Công đồng Vatican II: “Dân mới được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được Người sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và như muối đất (Mt. 5 13-16; TL. 9,2).

Người sử dụng họ làm khí cụ cứu rỗi, bởi vì “Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ và thiếu liên kết, nhưng muốn quy tụ họ thánh một dân để họ nhận biết chính Người trong Chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện” (TL. 9,11). Do đ1o, mục tiêu cuối cùng trong mọi sinh hạot của hội thánh là đưa loài người và tất cả thực tại của thế giới loài người đến thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý của Thiên Chúa. Theo ý nghĩa này, Công đồng gọi Hội thánh là “Bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (TL. 1).

Bởi vậy, sứ mạng của Hội thánh không những là đem Phúc Âm và ân sủng của Chúa Kitô đến cho nhân loại, mà còn đem tinh thần Phúc âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế (TĐ. 5). Không có sinh hoạt nào của con người lại xa lạ đối với sứ mạng của Hội thánh, và ngược lại, không có sinh hoạt nào của Hội thánh không liên quan tới tất cả cuộc sống con người. Lời rao giảng Tin Mừng và các cử hành bí tích đem ân sủng của Thiên Chúa vào đời sống con người, còn sinh hoạt trần thế của tín hữu đem thực tai của con người đến với Thiên Chúa. Do đ1o, đối với người tín hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân, và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe doạ (MV. 43).

Tóm lại, sứ mạng của Hội thánh là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để phục vụ tất cả loài người. Đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải thích trong thông điệp “Đấng Cứu chuộc con người” rằng : “Con người là con đường của Hội thánh”, nghĩa là tất cả mọi con đường của Hội thánh đều dẫn tới con người (ĐCCCN. 14). Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Hội thánh và xã hội trần thế, giữa sứ mạng của Hội thánh và sứ mạng của xã hội trần thế, vì “dù tin hay không tin, mọi người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lý, vì họ cùng chung sống trong thế giới này” (MV. 21,6).

HỘI THÁNH TRONG LÒNG DÂN TỘC

Hội thánh của Chúa Giêsu Kitô

Để sống trung thành với bản chất và sứ mạng của Hội thánh như vừa nói ở trên, chúng tôi đề ra đường hướng mục vụ sau đây: chúng ta phải là Hội thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam.

Trước hết, chúng ta phải là Hội thánh của Chúa Giêsu Kitô nghĩa là :

Gắn bó với Chúa Kitô và hiệp nhất với Hội thánh toàn cầu.

Gắn bó với Đức Giáo Hoàng, vị đại diện của Chúa Kitô, người được Chúa giao trách nhiệm “chăn dắt đoàn chiên của Người” (Gioan 21, 15-18), và “làm cho anh em vững mạnh” (Lc. 22,32).

Gắn bó với nhau trong tình huynh đệ theo kiểu mẫu Hội thánh htời sơ khai: “Chỉ có một tấm lòng, một linh hồn, không một người nào nói là mình có của gì riêng nhưng đối với họ, mọi sự là của chung” (Cv. 4,32, 2, 42).

Trung thành với tinh thần của Công đồng Vatican II là tinh thần cởi mở, đối thoại và hoà mình với cộng đồng xã hội mình đang sống.

Để đạt mục đích ấy, trước hết chúng ta phải không ngừng hoán cải lương tâm và thay đổi cách sống của mỗi cá nhân cũng như của mỗi cộng đoàn Dân Chúa trong Hội thánh ở Việt Nam sao cho phù hợp với Phúc âm hơn. công việc này chúng ta thực hiện nhờ lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, chuyên cần cầu nguyện và thành tâm kiểm điểm đời sống (LBTM. 15).

Gắn bó với dân tộc và đất nước

Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng Quê hương, noi theo truyền thống Dân tộc, hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước, Công đồng dạy rằng “Hội thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV. 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với Dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì Quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người. Đất nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa. Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa.

Sự gắn bó và hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:

- Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

- Xây dựng trong Hội thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin phù hợp hơn với truyền thống Dân tộc.

Cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc

Về nhiệm vụ thứ nhất là tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, chúng tôi muốn khẳng định rằng: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm, như Công đồng nhắc nhở: “Các người Kitô giáo từ mọi dân tộc tụ họp trong Hội thánh, không phân cách với những người khác về chế độ, về ngôn ngữ, cũng như về tổ chức xã hội trần gian, nên họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô trong nếp sống lành mạnh của dân tộc mình; là công dân tốt, họ phải thực sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước” (TG. 15).

Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của Quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc.

Trong công cuộc phục vụ quê hương, Phúc Âm cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh để khắc phục các khó khăn và các xu hướng cá nhân ích kỷ, nêu cao tinh thần phục vụ của bác ái phổ quát, hướng tới cảnh “Trời Mới Đất Mới”(Kh. 21,1), trong đó tất cả đều hoà hợp hạnh phúc. Và khi phải phấn đấu xoá bỏ những điều tiêu cực, chúng ta có ơn của Chúa Kitô Phục sinh để mặc lấy con người mới công chính và thánh thiện.

8. Xây dựng trong Hội thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc.

Về nhiệm vụ thứ hai là xây dựng trong Hội thánh một lối sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống Dân tộc, chúng tôi muốn thực hiện điều Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ và văn hoá riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người” (TL. 17,1). Muốn thế, một đàng chúng ta phải đào sâu Thánh Kinh và Thần học để nắm vững những điều cốt yếu của Đức tin, đàng khác phải đào sâu nếp sống của từng dân tộc trong nước, để khám phá ra những giá trị riêng của mỗi dân tộc. Rồi từ đó, chúng ta tận dụng những cái hay trong một kho tàng văn hoá mà xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả Đức tin phù hợp hơn với truyền thống của một dân tộc đang cùng chung sống trên Quê hương và trong cộng đồng Hội thánh này.

· NGỎ LỜI VỚI CÁC THÀNH PHẦN DÂN CHÚA

9. Ngỏ lời với giáo dân

Với anh chị em giáo dân, chúng tôi muốn nói lên lòng cảm phục tâm hồn đạo đức của anh chị em trong việc đọc kinh cầu nguyện, hiệp dâng thánh lễ và lãnh nhận các Bí tích. Chúng tôi cảm ơn anh chị em xưa nay vẫn một lòng kính yêu, vâng phục, giúp đỡ chúng tôi và các người làm việc tông đồ.

Chúng tôi xin dựa vào Công đồng để nói với anh chị em rằng: Ơn gọi của anh chị em là nên thánh giữa đời bằng cách sống Phúc Âm của Chúa Kitô trong các phận sự trần thế (TL. 31; MV. 43). Nhờ anh chị em, Giáo hội hiện diện ngay trong xã hội và góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của Dân tộc. Nghĩa vụ cao cả của anh chị em là sống làm người tín hữu trung thành của Hội thánh Chúa Kitô và làm người công dân tốt của Tổ quốc. Để giúp anh chị em chu toàn nghĩa vụ đó, chúng tôi đặc biệt nhắc nhở anh chị em vài điểm sau đây :

Anh chị em hãy tin vào ơn Chúa Thánh Thần đã được đổ xuống trong lòng để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của anh chị em: cầu nguyện riêng, cầu nguyện chung trong gia đình và trong xứ đạo. Và nhất là anh chị em hãy đáo sâu Đức tin bằng việc học và dạy giáo ngay trong gia đình của mình. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông huấn về việc dạy giáo lý, đã lưu ý chúng ta rằng: “Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, kèm theo và phong phú hoá mọi hình thức dạy giáo lý khác” (DGL). Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa (Cv22,42; 1,8; TL. 11; LBTM. 71).

Nhưng trước tiên gia đình của anh chị em phải được xây dựng theo phép đạo. Chúng tôi tha thiết kêu gọi anh chị em thanh niên quan tâm vun trồng tình yêu trong sạch, và khi lập gia đình liệu cho hôn nhân của mình được chan chứa phúc lành của Thiên Chúa.

Các nỗ lực để xây dựng gia đình công giáo theo tinh thần Phúc Âm phải đồng thời làm phát triển nơi anh chị em và con cái những đức tính của người công dân tốt, nhất là ý thức về chân lý và công bình, và tinh thần sẵn sàng phục vụ lợi ích Tổ quốc. Nhờ hiện diện và sinh hoạt tích cực giữa đời như vậy, anh chị em sẽ làm sáng danh Chúa và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng Đất nước.

10. Ngỏ lời với các Tu sĩ

Đối với các tu sĩ nam nữ, chúng tôi đánh giá cao sự hiện diện và các đóng góp của anh chị em trong đời sống của Dân Chúa. Giáo hội qua mọi thời luôn quý trọng ơn gọi tu sĩ như một dấu hiệu chứng tỏ sự trưởng thành và sức sống phong phú của Hội thánh tại các địa phương. Do đó chúng tôi muốn nói với anh chị em: hãy xác tín về ý nghĩa và giá trị cao quý của ơn gọi mình. Dầu sinh hoạt bên ngoài có thay đổi, sứ mạng đặc biệt của anh chị em vẫn luôn luôn là “hiện thân của một Hội thánh muốn hiến mình cho đường lối triệt để của các Mối Phúc Thật”, và anh chị em “dùng chính cuộc sống của mình làm dấu chỉ cho tinh thần sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa, Giáo hội và anh em đồng loại” (LBTM. 60; TL. 44).

Chính anh chị em sẽ tự thấy được rằng đường hướng mà chúng tôi vạch ra cho cả Hội thánh ở Việt Nam: sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc với tinh thần sẵn sàng phục vụ, phù hợp cách riêng với ơn gọi của anh chị em. Do đó anh chị em hãy nêu gương cho giáo dân bằng việc tích cực đi vào con đường ấy.

Chúng tôi đặc biệt kêu mời anh chị em hãy quan tâm tuân giữ Luật Dòng, rồi cùng nhau tìm ra, qua suy nghĩ chung và đối thoại, một thế quân bình lành mạnh cho đời sống tận hiến của mình; làm sao dung hoà giữa lao động và cầu nguyện, giữa việc hoà mình vào các sinh hoạt xã hội – không chỉ vì kế sinh nhai, nhưng nhất là để làm chứng nhân cho Chúa – và sự trung thành với đời sống cộng đoàn, dung hoà giữa các tổ chức riêng của mỗi Hội Dòng và sự hội nhập vào đời sống của Giáo hội địa phương trong sự hiệp thông với Cộng đồng Dân Chúa và Hàng Giáo Phẩm.

11. Ngỏ lời với các linh mục

Sau hết đối với các linh mục, triều cũng như dòng, là những cộng sự viên gần gũi nhất của Hàng Giám mục, chúng tôi cám ơn anh em vẫn tận tuỵ phục vụ Cộng đồng Dân Chúa. Anh em hãy lấy lhãnh diện vì anh em đang được lòng tin tưởng, mến yêu của đoàn chiên. Chính Chúa Thánh Thần đã cùng với anh em trực tiếp hình thành ra đoàn chiên hiện nay. Anh em hãy tiếp tục làm công việc cao quý ấy trong sự hiệp thông mật thiết với Hàng Giám mục chúng tôi.

Thư Chung này đã vạch ra đường hướng rõ rệt: chúng ta hãy làm cho mọi tín hữu biết sống Phúc Âm trong tinh thần yêu mến và trung thành với Hội thánh, trước hết bằng chính đời sống của chúng ta. Công đồng Vatican II lưu ý: “Trong những đức tính cần thiết hơn cả cho chức vụ linh mục, phải kể đến tâm trạng này là bao giờ cũng sẵn sàng tìm ý muốn của Đấng đã sai mình chứ không phải tìm ý riêng” (LM. 15). Anh em hãy áp dụng những lời này tiên vàn cho việc rao giảng Lời Chúa và cử hành Phụng vụ thánh, là những phương tiện mà Chúa Giêsu Kitô muốn dùng, xuyên qua thừa tác vụ linh mục của anh em, để xây dựng Nhiệm thể Người một cách đặc biệt. Trong những gì liên quan tới đường hướng mục vụ và đời sống Phụng vụ của Giáo hội, anh em hãy thống nhất hành động với nhau và với Hàng Giám mục vì lợi ích của dân Chúa, bởi vì anh em là những “Nhà giáo dục đức tin” (LM. 6; DGL. 64).

Anh em cũng hãy làm cho Chúa Giêsu Kitô hiện diện thực sự giữa đoàn chiên, khi anh em phục vụ các tín hữu cách tận tâm và khiêm tốn (LM. 15). Nhất là, được nhìn nhận như là người đại diện chính thức của Hội thánh tại địa phương, anh em hãy trở nên hình ảnh của Chúa Cứu Thế, Vị Mục Tử hiền lành và khiêm nhường để cống hiến ơn cứu độ cho mọi người. Xin anh em hãy cùng với chúng tôi đưa Hội thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn: là sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.

KẾT LUẬN

12. Quá khứ, hiện tại và tương lai

Anh chị em thân mến, hơn ai hết, các Giám mục chúng tôi ý thức về giới hạn trong khả năng và tài đức của mình trước nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và Tổ quốc. Anh chị em hãy cầu nguyện nhiều cho chúng tôi.

Nhìn về quá khứ, chúng tôi cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Hội thánh Người trên đất nước Việt Nam chúng ta. Chúng tôi biết ơn công lao của vô vàn tín hữu, đã làm sáng tỏ đức tin và lòng yêu Nước của mình. Đừng nhìn quá khứ với mặc cảm và phán đoán tiêu cực. Lịch sử luôn pha lẫn ánh sáng và bóng tối, cũng như đời sống những con người của Chúa vẫn có cả ân sủng và tội lỗi. Nhưng dựa vào tình thương của Chúa Cha, dựa vào lời ban sự sống của Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy mạnh dạn nhìn vào hiện tại và tin tưởng ở tương lai.

Chúng ta có giáo lý của Công đồng Vatican II như luồng gió mát của Chúa Thánh Thần thổi trong Hội thánh; chúng ta tự hào là công dân của nước Việt Nam anh hùng độc lập thống nhất; và trong đà phát triển chung của cả nước, chúng ta được tình đồng bào thông cảm và giúp đỡ trong khối đại đoàn kết dân tộc, nên chúng ta hãy hân hoan chu toàn sứ mạng vinh quang của mình.

Rồi đây với ơn Chúa giúp và hoàn cảnh cho phép, chúng tôi hy vọng sẽ có thể dần dần đề ra những công việc cụ thể để hết thảy chúng ta cùng làm, mỗi người tuỳ cương vị khả năng của mình, hầu góp phần xây dựng Tổ quốc và Giáo hội Việt nam.

Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh cả Giuse và các Thánh bổn mạng của Hội thánh Việt Nam, ban muôn phúc lành cho anh chị em.

Hà nội ngày 1 tháng 5 năm 1980

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

QUAN ĐIỂM CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY

Ngày 25.9.2008

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt Nam cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chúng tôi, các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Giáo hội không có chức năng làm chính trị, nhưng cũng không đứng bên lề xã hội. Do đó, là những người lãnh đạo trong Giáo hội, chúng tôi có trách nhiệm rao giảng giáo huấn của Giáo hội về xã hội, nhằm thăng tiến con người và đời sống xã hội cách toàn diện. Sau khi cầu nguyện và trao đổi với nhau, chúng tôi muốn bày tỏ quan điểm của mình về một số vấn đề quan trọng trong hoàn cảnh hiện nay.

I. TÌNH HÌNH

Tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài và chưa được giải quyết thỏa đáng là vấn đề thời sự, trong đó có đất đai của các tôn giáo nói chung và Giáo hội Công giáo nói riêng, cụ thể như vụ việc Toà Khâm sứ cũ (số 42 Nhà Chung) và giáo xứ Thái Hà (số 178 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội). Chắc chắn có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng ở đây chúng tôi muốn lưu ý đặc biệt đến điều này: luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Thêm vào đó, nạn tham nhũng và hối lộ càng làm cho tình hình tệ hại hơn. Thiết nghĩ không thể có một giải quyết tận gốc nếu không quan tâm đến những yếu tố này.

Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông, thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ. Quả thật, chưa bao giờ các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như ngày nay, nhờ đó con người được gia tăng hiểu biết và phát triển tình liên đới. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chỉ thực sự mang lại lợi ích cho con người và cộng đồng xã hội khi phục vụ sự thật và phản ánh thực tại cách trung thực. Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này.

Cũng trong tiến trình giải quyết những xung đột nêu trên và nhiều vụ việc khác, một số người có khuynh hướng sử dụng bạo lực, và như thế, tạo thêm bất công trong xã hội. Điều này đang có chiều hướng gia tăng, không những trong các vấn đề lớn của xã hội mà ngay cả trong đời sống gia đình cũng như tại học đường. Bạo hành và bạo lực bắt nguồn từ chính tâm hồn con người, nơi đó cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối không ngừng diễn ra. Nếu không được hướng dẫn và tập luyện, con người sẽ dễ dàng chiều theo những tham vọng ích kỷ của mình, và cái ác sẽ lan tràn trong đời sống xã hội. Do đó, việc giáo dục đạo đức và huấn luyện lương tâm phải là trách nhiệm hàng đầu của toàn xã hội, và cần đến sự tham gia tích cực của người dân cũng như các tổ chức xã hội.

II. QUAN ĐIỂM

Đứng trước tình hình trên, chúng tôi có những đề nghị cụ thể như sau:

Trước hết, nếu luật về đất đai còn nhiều bất cập thì nên sửa đổi cho hoàn chỉnh. Việc sửa đổi này cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên Ngôn Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17). Vì thế, chúng tôi cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đòi hỏi này lại càng khẩn thiết hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nhịp sống chung của thế giới. Đây sẽ là tiền đề cho việc giải quyết tận gốc những vụ khiếu kiện về đất đai và tài sản của người dân, đồng thời góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển vững bền của đất nước.

Kế đến, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những thông tin bị bóp méo hoặc cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Toà Khâm sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì cần phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Cuối cùng, truyền thống văn hoá và đạo đức của dân Việt vốn nhấn mạnh đến tình tương thân tương ái và sự hài hoà trong xã hội. Tuy nhiên khi giải quyết những tranh chấp gần đây, đáng tiếc là đã có những hành vi sử dụng bạo lực, làm mất đi tương quan hài hoà trong cuộc sống. Vì thế, chúng tôi tha thiết ước mong mọi người hãy chấm dứt mọi hình thức bạo lực, trong hành động cũng như trong ngôn từ. Cũng không nên nhìn những tranh chấp này theo quan điểm chính trị và hình sự. Một giải pháp thỏa đáng chỉ có thể đạt được nhờ đối thoại thẳng thắn, cởi mở và chân thành, trong hoà bình và tôn trọng lẫn nhau.

Phát xuất từ ước mong góp phần tích cực vào việc phát triển đất nước cách ổn định và vững bền, những suy nghĩ này mong được gởi đến tất cả anh chị em đồng đạo cũng như mọi người thành tâm thiện chí. Chúng tôi xác tín rằng khi tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước trên nền tảng công bằng, sự thật và tình yêu, thì quê hương Việt nam sẽ ngày càng giàu đẹp, mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người, và góp phần kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.

Làm tại Toà Giám mục Xuân Lộc, ngày 25.09.2008

TM. HĐGM Việt Nam

Chủ Tịch

Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

(ấn ký)

No comments: