Friday 31 August 2018

HÃY CHỌN: LỀ LUẬT HAY THẦN KHÍ?
________________________________________________________________
Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT 

Anh chị em thân mến,
Thái độ của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay khiến chúng ta có thể hiểu lầm và cho rằng Người không có thiện cảm với luật lệ của người Do Thái và luôn tìm cách đả phá các tập tục của tiền nhân. Dựa vào lối suy nghĩ đó, chúng ta có thể tách Người ra khỏi truyền thống và nền văn hoá đã ăn sâu vào máu huyết và con người của Đức Giêsu.

Đây là một vấn đề khá tế nhị. Bởi vì, chúng ta phải công nhận rằng Đức Giêsu là người Do Thái. Tôn giáo, văn hóa, phong tục, tập quán và lề thói Do Thái đã ảnh hưởng trong cuộc sống của Người. Người không đến để phá hủy lề luật nhưng kiện toàn nó. Lề luật nào có tội gì! Đó là những thánh chỉ, những lời chỉ dẫn giúp ta sống thánh thiện. Và những ai đem ra thực hành trong đời sống thì được gọi là những người khôn ngoan.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên phân biệt những khoản luật mà người Do Thái gọi là Torah và những qui định đuợc bổ sung sau này. Torah là những khoản luật mà dân Do Thái đã coi như những ngọn đuốc soi đuờng. Họ tin rằng, qua tổ phụ Mai-sen, Thiên Chúa đã yêu thuơng trao cho họ những khoản luật đó và ai tuân giữ thì được coi như là những con người tuân giữ giao uớc của Thiên Chúa.  

Còn các qui định được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì được coi như là các tập tục của tiền nhân. Đây là những kiểu mẫu phải theo hơn là luật lệ. Trong một thời gian dài, dân Do Thái bằng lòng với những qui định này. Họ áp dụng chúng vào đời sống vì thấy chúng thích hợp. Người ta xếp chúng vào loại truyền khẩu và được gọi là “truyền thống của tiền nhân”. 

Sự hình thành mang tính pha trộn giữa các khoản luật (Torah) và các qui định được thêm vào sau này có thể ví như sự phát triển của một tổ chức. Đầu tiên chỉ là một vài người tâm đầu ý hợp họp lại với nhau. Tuy không ghi lại, nhưng giữa họ đã có một khoản luật bất thành văn mà tất cả mọi người đều đồng ý và tuần thủ. Theo thời gian, tổ chức đó lớn mạnh. Có nhiều nguời xin gia nhập. Con số tăng dần và lúc đó họ cần có những khoản luật để duy trì trật tự và bảo quản các lề thói sinh hoạt trong nhóm. 

Sự phát triển của tổ chức càng ngày càng mạnh mẽ, đương nhiên sẽ nẩy sinh ra các mâu thuẫn, đụng chạm giữa người này với người kia, thành viên này với thành viên khác. Để giải quyết những đụng chạm, mâu thuẫn này, họ cần có sự hoà giải, dần dần biến thành các qui định. Từ qui định này đến khế uớc khác, họ suy nghĩ thêm những chuyện có thể xẩy ra, rồi để ngăn ngừa họ lại lập thêm các qui định khác. Cứ thế, số qui định đuợc thêm vào cho thích hợp với hoàn cảnh của từng giai đoạn. Đôi khi có những qui định sẽ không phù hợp cho các thế hệ tiếp nối hay đi ngược lại với ý định ban đầu.

            Chúng ta nên nhớ rằng, các truyền thống này đuợc bảo tồn và nắm giữ bởi nhóm Pha-ri-siêu, mà chúng ta hay gọi họ là bè biệt phái. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta hay gặp các trường hợp diễn tả thái độ gay gắt của Đức Giêsu dành cho họ nên từ đó chúng ta cũng không mấy có thiện cảm với nhóm này. 

Chúng ta đừng quá khắt khe với nhóm này. Thật ra, họ là những con người rất nhiệt thành, thường xuyên tìm kiếm các phương thế để giúp cho dân chúng sống thánh thiện, sống theo đúng tiêu chuẩn của một sắc dân mà họ hãnh diện là dân riêng của Thiên Chúa.

            Ý định thì tốt, nhưng họ lại áp dụng một cách quá chi tiết và cực đoan.
Từ niềm hãnh diện là dân riêng của Thiên Chúa. Lẽ ra họ nên mở lòng ra để đón nhận cái hay cái tốt của các nhóm khác. Trái lại, họ coi tất cả các sắc dân khác là dân ngoại, dân ô uế; và một khi đụng chạm vào những người đó thì họ bị lây nhiễm và cần đuợc tẩy rửa khỏi sự ô uế được sinh ra qua việc tiếp xúc này. 

Họ chú ý và tập trung vào mọi hình thức bên ngoài mà quên đi việc thay đổi cần đuợc xuất phát từ bên trong của tâm hồn. Đó chính là trung tâm của mọi mối dây liên hệ giữa Thiên Chúa và con người, giữa người với người. 

Thay vì làm cho các hình thức đạo đức được phổ biến sâu rộng trong quần chúng bằng lối sống chân thật, họ lại dòm ngó và dùng những khoản luật của tiền nhân để bắt bẻ các nhóm khác như trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay.

Anh chị em thân mến,
Vào thời Chúa Giêsu, dân Do Thái tuân giữ những lề luật truyền khẩu này cũng tỉ mỉ và thành tín chẳng khác nào bản luật của Thiên Chúa. Ý tưởng của việc tuân giữ này quả thực cao đẹp, bởi nó nhằm mục đích làm cho các giá trị tôn giáo đi sâu vào trong các lối cư xử của cuộc sống. Nhưng trong tiến trình áp dụng, họ lại quá chú trọng đến những nghi thức bên ngoài và sinh ra kiêu hãnh về các việc làm đó. Từ đó ý nghĩa tôn giáo về các việc làm đó bị mất dần đi. Họ cho rằng việc thực hành và tuân giữ những qui định này thì được kể là đạo đức, là hành vi của những người biết phụng sự Chúa. Họ đã quên rằng sự thánh thiện phải được xuất phát từ Thiên Chúa chứ không lệ thuộc các việc làm của chúng ta.

            Một cách cụ thể, chúng ta xem qua tập tục rửa tay trước khi dùng bữa được đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay. Trước tiên, đó là các khoản luật dành cho hàng ngũ tư tế. Mọi tư tế đều phải rửa tay trước khi bước vào nơi cực thánh trong đền thờ. Mục đích của việc làm này này là tẩy rửa đi tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng cử hành nghi lễ thờ phượng Chúa hơn. Dần dần, dân chúng cũng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa nữa.

Khi Đức Giêsu chỉ trích một số người thuộc nhóm Pharisêu về điểm vụ hình thức này, Người đã dựa vào truyền thống của các ngôn sứ bằng cách nhắc lại điều cảnh báo mà ngôn sứ Isaia đã công bố: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.”

Đối với Đức Giêsu tất cả mọi sự đều phải đuợc xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim bằng không tất cả chỉ là các hình thức đạo đức không có chiều sâu, thậm chí có thể coi là hình thức của những người đạo đức giả. Theo Người, mọi sự thay đổi phải đuợc bắt nguồn từ trong tâm hồn thì mới có hiệu quả lâu dài. Tương tự như thế, các việc làm đuợc gọi là thánh thiện đều không lệ thuộc vào các hành vi bên ngoài, nhưng phải xuất phát từ tâm hồn con người.

Như vậy, ở đậy, Đức Giêsu đã giúp chúng ta có một cái nhìn khác về sự thánh thiện. Chỉ có Thiên Chúa duy nhất là Đấng Thánh, và không một tạo vật nào đuợc gọi là thánh nếu không có quan hệ với Ngài. Con người chỉ đuợc nên thánh qua việc tiếp xúc, tương giao, gặp gỡ và nối kết với Thiên Chúa. Chỉ có trong Ngài và với Ngài, con người mới đạt đến sự thánh thiện mà thôi.

Anh chị em thân mến,
Nhìn vào cuộc sống của Đức Giêsu chúng ta nhận thấy Người chính là mẫu mực của mối tương giao, nối kết mật thiết của Cha và Con. Một sự hiệp nhất nên một. Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Vì thế, bản chất thánh thiện nơi con người Đức Giêsu phát sinh từ Thiên Chúa, không lệ thuộc vào nghi thức bên ngoài như những người Pharisêu lầm tưởng. Do đó, Đức Giêsu không bao giờ bị ô uế khi đụng chạm vào những người, mà lề luật đã xếp họ vào lớp người ‘ô uế, tội lỗi’. Trái lại, họ lại được thay đổi từ sự thánh thiện cuả Thiên Chúa thoát ra từ con người của Đức Giêsu. 

Qua việc tiếp xúc này, nhân phẩm họ đuợc phục hồi và con người họ được tái tạo nên một con người mới trong Chúa. Sự thánh thiện của con người không hệ luỵ bởi việc làm của chúng ta cho bằng đó là việc nối dài bản chất thánh của Thiên Chúa nơi mình, qua Đức Giêsu.

Vì vậy, trong phần kết luận của trình thuật hôm nay, Đức Giê-su nhấn mạnh đến việc làm của trái tim. Sự thánh thiện của con người phát xuất từ trái tim của người đó, chứ không lệ thuộc vào những lề thói hay cách cư xử rất hình thức bên ngoài của họ. Trái tim là nơi để con người có thể tiếp xúc một cách sâu thẳm với Thiên Chúa. Đó chính là cung lòng để Thiên Chúa ngự trị. 

Đừng đánh giá nhau qua dáng vẻ bên ngoài nhưng hãy trao cho nhau tấm lòng, ban cho nhau quả tim yêu thương, nhân hậu và biết rung động trước các nhu cầu của nhau. Muốn đạt được điều này, tất cả chúng ta cần xây dựng và duy trì mối tương giao với Đức Giêsu mỗi ngày mỗi bền chặt và gắn bó hơn. Bởi vì, chỉ ở trong trái tim yêu thương của Đức Giêsu chúng ta mới tìm ra mẫu mực cho mọi tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Chính tại nơi đó sẽ phát sinh ra những hành động được phát xuất bởi Tình Yêu, như Lời Chúa đã phán: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” 

Amen!
Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT

No comments: