Cuối tuần
này cha Quang Uy đi vắng nên cha nói tôi viết sớm hơn bài viết hàng tuần hầu
cha có thể biên tập báo điện tử Ephata kịp trước khi lên đường. Tôi vào máy cắm
cúi viết bài của mình, bài tôi đã có ý tưởng từ cuối tuần trước khi đọc được
thông tin trên một trang báo điện tử về việc một góc phố Sàigòn náo động vì các
bạn trẻ xếp hàng dự khai trương một quán cà phê Hàn Quốc.
Sau một
hồi gõ máy, bài tương đối đã hình thành, đặt tựa xong tôi nghỉ ngơi, định sẽ
quay lại đọc lần cuối để sửa chữa. bấm chuột sang facebook để thỏa mãn cơn
ghiền. Sau vài cuộc lướt, tôi sững sờ kinh ngạc, trước mặt tôi là bài báo của
tác giả Điền Phương Thảo, chị cũng đặt tựa như tôi đã đặt và trong bài chị cũng
trích thơ của Vũ Hoàng Chương như tôi đã trích, khác ở chỗ tựa của tôi ngắn hơn
vài chữ, không có câu “Tuổi xuân ơi” và thơ của Vũ Hoàng Chương tôi chỉ trích câu:
“Lũ chúng ta, sinh lầm thế kỷ” thay vì như chị lấy cả 8 câu thơ của ông. Tôi
viết “…sinh lầm thế kỷ” vì vào những năm chiến tranh khốc liệt trước năm 75,
tuổi trẻ chúng tôi mang tâm trạng u buồn chán nản thường truyền miệng nhau “lũ
chúng ta, sinh lầm thế kỷ”.
Chúng tôi
là bạn viết quen với nhau trên các trang mạng phục vụ Tin Mừng nên tôi nhắn tin
ngay cho chị, tôi đã nói chuyện với chị về bài của chị khá trùng với bài tôi
vừa viết trong tâm trạng mừng, vui, buồn, giận lẫn lộn. Cuối cùng là sự thú vị
vì cùng nhau quan tâm một hiện tượng xã hội ngay trên quê hương đất nước mình.
Bài của chị Điền Phương Thảo đã lên rồi và rất hấp dẫn nên tôi sẽ không
viết thêm gì về những gì chị đã viết, tôi chỉ xin chia sẻ: sỡ dĩ tôi chỉ đặt
tựa “Sao lạnh dòng máu trong người ?” vì không chỉ tuổi xuân mà còn có cả tuổi…
hết xuân, thậm chí “tuổi hết xuân” nhiều hơn và máu lạnh hơn cả tuổi xuân nữa.
Trong bài
chị đề cập đến việc những người lên tiếng về môi trường, về biển và cá, về sự
lo toan vận mệnh đất nước, đã bị ngăn cản, bị vu khống, bị đánh đập, bị đàn áp…
Tôi thì
vừa nhận được tâm sự đau đớn của một bạn có thể nói là đã gần hết trẻ, đã ra
đời với sự nghiệp, có lý tưởng, có vị trí được trân trọng trong xã hội. Anh
sống lý tưởng, hết mình cho lý tưởng, dấn thân vào những công việc mang đầy sức
cống hiến, nhưng anh đang phải chịu áp lực rất lớn khiến anh mệt mỏi, chán nản
dẫn đến lao đao.
Không
những từ những người cầm quyền, đủ mọi thứ quyền mà anh đang gắn bó, mà ngay cả
gia đình anh, những người anh thân yêu và trân trọng nhất cũng áp lực anh phải
rời bỏ lý tưởng cao đẹp, chấp nhận thỏa hiệp để tồn tại. Không chỉ mình anh,
nhiều người cũng đã và đang bị như thế. Vậy dòng máu lạnh đâu chỉ chảy trong
người tuổi xuân ! Trước hết và mãnh liệt nó chảy trong từng động mạch, tĩnh
mạch của người lớn.
Còn chúng
ta những người cũng được gọi là người lớn, gọi là người lớn vì chúng ta mang sứ
mạng giảng dạy, máu đang chảy trong con người chúng ta có bị lạnh không ? Sao
chúng ta ít khi, hay có thể nói chẳng bao giờ chúng ta sống dòng máu nồng ấm ?
Chúa Nhật
tuần 22 Thường Niên năm C vừa qua, chúng ta phải nói về một nguyên tắc vàng của
Chúa Giêsu: “Khi anh em mở tiệc, anh em hãy mời những người đui què, tàn tật,
đến dự”, bao nhiêu người trong chúng ta thưc hiện điều này ? Không thực hiện
lời Chúa sao chúng ta có thể nói lời Chúa được ? Vậy máu lạnh hay máu nóng đang
chảy trong tôi ?
Không thể đổ lỗi và trách những người mang tuổi xuân khi họ làm những
điều chúng ta thường bảo là điên cuồng, hãy trách chính chúng ta, kẻ đã được
thụ hưởng bầu khí đào tạo tốt lành, nhưng vô cảm và lạnh lùng đến tàn nhẫn nhìn
những người tuổi xuân trôi dạt bồng bềnh trong môi trường sống đen bạc.
"Sao
lạnh dòng máu trong người ?"
Lm. VĨNH SANG, DCCT
30.8.2016
No comments:
Post a Comment