Tuesday 8 February 2011

AnPhong Trần Ngọc Tá: Cơn cám dỗ dễ sợ


Nếu hỏi rằng, đâu là khác biệt giữa người Việt trẻ sinh ra ở xứ người và người Việt già gần gũi với quê hương, thì câu trả lời nhanh và gọn nhất có lẽ là: về nhận định sự kiện lịch sử.

Với người cao niên, mỗi khi xảy ra biến cố gì, thì các cụ đều so sánh để nhớ những sự việc mà các cụ đã từng mục kích trong quá khứ. Có thể có những trường hợp các cụ là người trong cuộc hoặc đã sống cùng thời khi sự việc xảy ra. Nhìn lại lịch sử cận đại, vào các thập niên gần đây, đã thấy một loạt những cơn binh biến liên tục xảy đến. Hết cách mạng, chỉnh lý, đệ nhị cộng hoà, sau đó, lại đến cái gọi là cuộc xâm lăng nam tiến và cuối cùng là chế độ XHCN. XHCN là Xã Hội Chỉ Nói hoặc xã hội cằn nhằn. thì vẫn là những tình huống lao xao, trong đó người người chỉ muốn “phán”. Phán để người khác nghe, chứ tự thâm tâm chẳng muốn để ai phán với mình.

Hỏi rằng: sao lại như thế trong cái xã hội gọi là XHCN? Câu trả lời nhanh và gọn nhất cũng lại là: vì con người luôn tranh giành. Tranh nhau và giành giựt hẳn là hiện tượng sống kéo dài ở mọi thể chế xã hội.

Lại thêm câu nữa cũng nhanh và gọn: phải chăng có sự tranh giành trong mọi địa hạt? Tranh đấu và giành giựt có là hiện tượng khó tránh trong cuộc sống đời thường không?

Và, câu trả lời đương nhiên là có. Với các động vật lớn nhỏ, suốt đời lúc nào cũng tranh nhau để sống. Giành nhau để tồn tại. Sự tranh và giành ấy nhiều lúc rất “sống mái”, quyết liệt. Có khi còn giết nhau, ăn thịt lẫn nhau nữa.

Với động vật có tri thức và linh hồn, thì sự tranh giành đi xa hơn. Loài động vật thông minh mang tiếng “người” không ăn thịt nhau để sống, nhưng vẫn giành nhau mà sống cho sướng, sống cao hơn và mãn nguyện hơn. Sự tranh giành luôn thấy có ở nhiều địa hạt. Tựu trung, có 3 địa hạt mà người đời thường hay giành nhau nhất, ấy là: giành ăn, giành gái và giành quyền. Có ăn, nhưng vẫn giành. Vì, ai cũng muốn ăn no, sống dai, sống thọ. Ăn no, sống thọ rồi lại giành gịựt phái tính để sống cho sướng cái xác những thịt là thịt. Đã có ăn, có gái thế mà vẫn cứ giành giựt tiếp. Giành chức tước, địa vị. Giành quyền, giành lợi cốt ăn trên ngồi chốc. Và cứ thế thân xác của động vật “người” những mong sướng mãi, sướng hòai, sướng dài dài. Thậm chí, chết rồi vẫn còn muốn sướng; nên, mới yêu cầu cho dự trữ tinh trùng của mình vào ngân hàng để một mai khi sống lại, sẽ lại được sống ung dung vui hưởng lạc thú cõi đời.

Trong ba thứ giành và giựt này, giành quyền mang sắc thái siêu đẳng nhất. Càng văn minh, con người càng tìm cách giành nhau quyền lực để tiến xa hơn nữa trong sung sướng xác thịt. Sở dĩ có sự tranh giành này vì ngay từ phần sâu thẳm của chính mình, con người có lúc đã thấy hiện lên cơn cám dỗ liên tục ấy. Gọi nó là cơn cám dỗ dễ sợ. Thánh kinh sớm kể lại nhiều điều về cơn cám dỗ nói trên.

Với Cựu Ước, cám dỗ nguyên thuỷ và căn bản hơn cả được mô tả qua chuyện kể “Ađam và các trái táo”. Qua chuyện kể, động vật “người” thời ban sơ từng có tham vọng làm lớn.

Và con rắn nói ..“Chẳng chết chóc gì đâu! Quả nhiên Thiên Chúa biết: ngày nào các người ăn nó, mắt các người sẽ mở ra và các người sẽ nên như những Thiên Chúa biết cả tốt xấu”

(Kn 2:5).

Nghĩa là Ađam lúc ấy cũng đã muốn có quyền và lợi. Anh muốn biết rõ mọi thứ, những chuyện lành dữ ở đời. Nên, đã liều mình bất tuân lời dặn cốt thiết của Đấng Hoá Công. Đành rằng chuyện kể nói trên chỉ là một biểu tượng đã lấn chiếm đầu óc của người viết lúc bấy giờ, nhưng lối diễn tả bình dị này đã nói lên được tâm tính con người lúc nào cũng ưu tư về cơn cám dỗ dễ sợ ấy. Đã có đủ mọi thứ, con người vẫn muốn có thêm. Họ muốn tất cả. Vượt lên trên tất cả. Chỉ huy mọi sự, điều khiển mọi người.

Với Tân Ước, Yêsu Đức Chúa khi chấp nhận mặc lấy thân phận làm người, Ngài đã lãnh chịu cùng một cảnh ngộ như con người. Nghĩa là cũng bị cám dỗ về quyền lực. Đại diện của sự dữ đem Đức Chúa lên đồi cao. Và, ở đó, y đưa ra những mồi nhử ngon để Ngài có tham vọng/hoài bão to/cao nhằm dụ dỗ Đấng thánh đã quyết tâm làm người hèn mọn:

“Ma quỷ lại đem Ngài theo nó lên một núi cao chót vót và chỉ cho Ngài thấy hết các nước thiên hạ cùng vinh quang của chúng mà nói với Ngài: tôi hiến cho Ngài hết mọi điều đó nếu Ngài phục mình bái lạy tôi...”

(Mt 4: 8-9)

Hoài bão hay tham vọng tự nó chẳng có gì xấu xa. Xấu xa chăng chỉ là khi đã ngoi lên được nơi cao tít mù tắp ấy rồi, con người thường đạp đổ để ngồi lên đầu lên cổ người dưới, hầu không cho người ai ngoi ngóp lên chỗ của mình. Bởi thế, mới có lời dặn:

“Thầy bảo thật, nếu các ông không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ông sẽ không vào được Nước Trời. Vậy phàm ai kể mình hèn hạ như trẻ nhỏ này, thì người ấy là kẻ lớn trong Nước Trời”.

(Mt 18: 1-4)

Nhưng vấn đề là, trên đời này ít có ai kể mình “ như trẻ nhỏ” hết. Nhỏ trong tinh thần, nhỏ nơi phong cách phục vụ. Nói cách khác, trở nên “như trẻ nhỏ” tức là chấp nhận từ bỏ quyền lực. Chấp nhận tuân thủ lệnh trên, chấp nhận quyền và lợi của người khác, ở trên mình.

Trong Tin Mừng nhất lãm, nhiều đoạn kể rằng người nghe Đức Chúa khuyên dạy, được đề nghị “hoán cải nên như trẻ nhỏ” hoặc “làm tôi tớ nhỏ bé của người khác –mặc dù người ấy đang mang chức vụ rất ư là không nhỏ trong Hội thánh, chức vụ chỉ có nghĩa như một công tác- phục vụ người khác cũng như hỗ trợ cho ơn cứu độ, như: các ông Yoakim, Nicôđêmô, hoặc ngay cả Phêrô Đá Tảng vẫn được gọi là thánh. Vai trò và chức vụ của Phêrô –dù rất cao- chỉ là phục vụ Giáo hội Chúa khắp hoàn cầu. Nhưng, chức vụ cũng chỉ có ý nghĩa phục vụ theo tư cách của người đầy tớ rất nhỏ bé . Nói thế có nghĩa là, chức vụ là để phụng sự mọi người trong Giáo hội. Chính vì thế, Giáo hội vẫn có thói quen gọi các vị có chức (để phục) vụ như thánh Phêrô là “Đầy tớ của các đầy tớ Chúa”.

Làm đầy tớ người khác đã thấy mệt rồi; lại còn phải làm đầy tớ cho các vị đang có các trọng trách thật khó khăn và mệt nhọc kia thì sự khó và mệt này xa vời hơn. Chẳng thế mà, trong lịch sử đen tối một thời của Hội thánh cũng từng thấy nhiều vị sắp trở thành thánh nhân rồi mà vẫn tranh và giành nhau để được làm đầy tớ cho các đầy tớ khác. Mệt hơn cho Giáo hội, là ngày nay các vị chỉ thích làm đầy tớ cho các đấng đầy tớ như thế đếm được rất ít.

Tuy nhiên, hỏi rằng: khó là thế mà sao vẫn có nhiều vị chỉ thích những điều khó khăn, nhận nhiều thử thách?

Xét khía cạnh ngoài đời, nhiều vị tuy thấy có khó khăn lúc khởi đầu, nhưng khi đã mãn nguyện thường ít chịu nhường khó khăn cho người khác nếm thử. Ở đây, chịu khó không mang ý nghĩa của một khó chịu như nhiều người vẫn tưởng. Giới truyền thông ở Úc có lần kể lại câu chuyện vị “đầy tớ” cao ngất ngoài đời của chính quyền đương nhiệm tuy đã ngồi lâu ở ghế “đầy tớ dân”, ngồi lâu chỗ ấm nhưng vẫn chưa thấy “ấm chỗ”. Vẫn cứ muốn chịu cực, chịu khó hơn nữa để duy trì cái kiềng 3 chân. Ngài chủ nhiệm một nước vẫn cứ thích những thứ “khó chịu” kia, vẫn bằng lòng chịu khó làm đầy tớ dân cho đến khi nào liên đảngTự do-Quốc gia thôi không tín nhiệm mình nữa mới bỏ cái khó chịu của việc nắm đầu thiên hạ. Đức ngài vẫn muốn lập kỷ lục của người “ôm cái khó chịu ấy” lâu nhất nước từ nhiều năm nay...

Nếu cần biểu tỏ một đề nghị cho những vị thích “chịu khó” như thế, tưởng cũng nên đưa ra đường lối rất khôn của ngành Hướng Đạo Quốc Tế do ông Baden Powell đề xướng: ngay khi nhậm chức làm “Trưởng” Hướng Đạo, anh/chị “trưởng” ấy đã phải lo tìm người thay thế/kế vị rồi.

Nếu đường hướng này được đưa vào hệ thống thần quyền thì chắc Giáo hội Chúa sẽ có nhiều hướng giải quyết dễ chịu hơn. Cụ thể mà nói, ngày hôm nay người ta nói nhiều đến nguy cơ khan hiếm người cầm đầu xứ đạo, hoặc thiếu vị cầm đầu các nhóm/cộng đoàn Dân Chúa. Phải chăng nguy cơ còn đó là vì bà con vẫn còn quá cứng ngắc trong áp dụng tuân thủ luật lệ. Gọi là giáo luật hay thánh luật cũng được. Nếu trên đời này chẳng còn ai thích tham quyền cố vị, thì phải gọi ngay nơi đó là Thiên đường ở trần thế.

Sở dĩ thiên đường chưa xuất hiện nơi trần thế là vì nhiều đấng “đầy tớ Chúa” hay “đầy tớ dân”mải chú trọng đến chức tước hơn nhiệm vụ hoặc công tác phục vụ. Chính vì thế “chức vụ” luôn được hiểu sai mục đích đặt ra. Và, cuộc đời vẫn thấy nhiều tranh chấp và giành giựt. Lại nữa, khi đã tranh chấp, người người chỉ muốn áp đặt quyền mình lên trên kẻ khác. Lúc ấy, họ không còn biết hoặc không còn muốn lắng nghe người khác nữa. Họ cũng chẳng muốn nhường mọi quyền hành và lợi lộc cho người khác. Từ đó dẫn đến các tranh giành, chụp giựt. Quyết “sống mái” chém giết hoặc hạ thủ lẫn nhau để củng cố quyền và lợi những tưởng do Trên ban cho mình một lần là mãi mãi.

Nhìn vào Tân Ước, trình thuật Tin Mừng kể lại nhiều cảnh huống/ví dụ nói lên tình trạng tranh nhau quyền hành và giành nhau lợi lộc của những đấng bậc bề trên trong đạo cũng như ngoài đạo. Giả như, con người biết nghe theo Lời vàng thánh mà Yêsu Đức Chúa từng cất ngang qua mọi ngõ ngách của thôn làng miền Trung Đông, ắt hẳn thế giới đã hưởng sự an vui bình dị tứ lâu.

Có thể nhiều người cho rằng đấy chỉ là những cụm từ miêu dạng của thời đã qua, không còn thích hợp với thời buổi hiện tại nữa. Nhưng, nếu biết lắng tai nghe kỹ ngôn ngữ vàng của thời ta đang sống, chắc hẳn cũng nhận ra được nhiều thông điệp mang ý nghĩa trọn vẹn.

Dưới đây, xin đan cử một thông điệp rất giản đơn. Giản dị nhưng không đơn điệu. Vì nó hệt như chuyện kể cho trẻ thơ. Giống hệt chuyện thần thoại thời mới chớm thuộc kỷ nguyên có kỹ thuật hiện đại:

Một hôm, có hai người không thân, không quen cùng ngồi câu cá gần nhau bên bờ nước thinh lặng. Một người có nhiều kinh nghiệm “sát cá”. Người kia, chỉ thuộc lọai chập chững mới nhập cuộc.

Mỗi lần, người từng trải câu được cá lớn hoặc dù nhỏ cá bé các nào, anh cũng đưa lên tấm th6an lực lưỡng như muốn ướp, muốn giữ cá được tươi mãi. Người chập chững đi câu thì , hễ được con nào kha khá, đều đưa cá trở về với nước.

Người đi câu nhiều kinh nghiệm để mắt quan sát thấy người lạ làm chuyện phí phạm công sức và thì giờ , mới ngứa mắt hỏi:

-Này bạn, sao bỏ phí bao cá lớn như thế? Có vấn đề gì không đó?

Bạn mới câu trả lời:

-Chẳng vấn đề gì đâu. Chả là, nhà tôi ít người nên sắm sửa toàn nồi/chảo nhỏ không à. Làm gì đủ chỗ chứa nổi mấy con lớn thế này. Thú thật với ông bạn, những gì to lớn đối với tôi đều là đồ bỏ.

Thấy bạn kia ra như không hiểu ý nghĩa câu nói của mình, bạn mới đi câu bèn giải thích thêm:

-Chắc anh vẫn còn thắc mắc và cười thầm trong bụng về câu nói của tôi? Thưa thật với anh là không chỉ có cá to tôi mới bỏ đi mà tất cả những gì to lớn chứa không nổi tôi đều bỏ qua không ngó ngàng gì tới. Này nhé, những kế họach lớn, mộng ước cao xa, công ăn việc làm đem lại nhiều tiền hoặc các cơ hội to tát mà Bề Trên ban cho, tôi còn bỏ bê, huống chi mấy con cá... Sở dĩ có chuyện này là vì lòng tin của bọn mình còn nhỏ bé quá. Các cụ xưa nay vẫn nói: “Con mắt to hơn cái bụng” là thế đấy, bạn ạ...

Thấy anh bạn chưa một lần quen biết cười khẩy ý tưởng của mình, người mới đi câu được dịp trình bày tiếp:

-Có lẽ anh cười tôi vì thấy rằng muốn giải quyết vấn đề này cũng dễ, phải không? Có phải anh nghĩ rằng, chỉ việc kiếm nồi/chảo nào to lớn hơn để bỏ vừa mấy con cá là xong việc chứ gì? Đúng thế! Tôi vừa mạn phép anh làm cuộc ví von để nói rằng bọn mình thường vẫn xử sự tức cười như thế đấy. Người mình nhỏ bé, chỉ kham những gì vừa vặn và phải chăng thôi. Ấy thế mà, nhiều lúc ai cũng muốn mọi thứ thật to, thật cao và thật nhiều. Đã có một lại muốn mười. Chẳng bao giờ thấy đủ. Chẳng bao giờ mãn nguyện ...

Câu chuyện bị cắt ngang, vì người câu có kinh nghiệm/từng trải chẳng muốn nghe thêm. Chỉ muốn trở lại tiếp tục công việc câu cá và mong câu được nhiều cá to như thế. Hoặc hơn thế.

Áp dụng vào cuộc sống đời thường, con người cũng có những tình huống tương tự. Càng có kinh nghiệm, người câu muốn nhiều cá. Và cá nào cũng phải thật lớn mới hài lòng. Càng sống lâu, con người càng nhiều tham vọng. Tham sống. Tham quyền và tham lợi lộc. Ai cũng nghĩ rằng hễ có quyền rồi là có tất cả.

Thế nhưng, Lời Chúa vẫn văng vẳng đâu đây:

“Hãy coi chừng,

sẽ đến giờ kẻ trộm đến...”

Và, kẻ trộm lọai này, không chỉ muốn tiền của, quyền hành và lợi lộc. Nhưng, cả cuộc đời.

MaiTá

(trích đăng từ nội san Duc in Altum Úc Châu số 50 Quý 2/2005)

No comments: