Tuesday 4 May 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan : Thập Giá và súng AK


Tp HCM 18.5.1990

Mến thăm cha,


Sáng nay con mới được đọc thư cha, thư Phaolô gửi Timothê (thư thứ hai: 2Tm 1: 12). Nhưng tối hôm ấy, xem truyền hình thỉ hẳn cha cũng biết rồi. Timôthê cũng như Phaolô thôi (tuy người ta còn bảo con: ‘cha không được như con dâu’. Dẫu sao, sang hôm kia, ngay từ đầu, khoảng 8g30, khi người ta bắt đầu giữ chân con lại trong nhà, con đã linh cảm thấy là cha con mình đều ‘được chiếu cố’ như nhau, con sẽ buồn hơn nếu cha được ‘chiếu cố’ một mình. Từ 10 đến 13g, giấy tờ sách vở của con được bới tung. Con đang lúc áp huyết thấp (10-6), mệt nhoài, chẳng thiết gì đến chuyện ‘chứng kiến’ chiếu lệ nữa, chỉ ngồi thừ ra và … buồn ngủ. Tối đến, con đâm ra buồn cho cha, vì nghĩ đến lời họ bảo: ‘cha không được như con’. Buồn vì con muốn chia sẻ với cha nhiều hơn. Nhưng bản tin đọc trên ti-vi làm như con gần như vui hẳn lên. Vì nhờ đó:



1) biết rõ cảnh ngộ cha: cha ‘được’ đày đi Gorki như Sakharov, mà Gorki này gần hơn, tuy quê cằn hơn (cách Sàigòn 70 cây số, 2 phà; đang thiếu nước ngọt).


2) con được chính thức gọi là ‘người cộng sự đắc lực’ của cha. Gì chứ điều này, danh dự này thì con sẵn sang nhận cả hai tay, chứ không như buổi sang ký vào “biên bản thực hiện quyết định quản chế” con đã ghi thêm trên chữ ký: “xin tuân hành lệnh nhưng xin miễn chấp nhận lý do” (vì như cha cũng dư biết, lý do trong quyết định thì chưa phải là ‘người cộng sự đắc lực’ của cha; còn tuân hành thì tuân hành như đèn xanh đèn đỏ và ai dí sung vào đầu mình bảo ‘haut les mains’ mà chẳng phải tuân hành).


Tạ ơn Chúa, thế là sự chia vui sẻ buồn, đồng lao cộng khổ giữa thầy trò mình từ trên 20 năm nay, bây giờ được công bố cho cả nước và cả thế giới biết (Ngay tối hôm qua BBC đã loan tin theo một bản tin AFP đánh đi từ Hà-Nội, và bản tin này lại dựa vào báo… Nhân Dân) cộng thêm dấu ấn thánh giá ngày 16.5.


Chắc cha cũng như con, không khỏi thương hại Đức cha Bình. Tri và Đức đã chẳng từng nhận xét là con biết giận mà không biết ghét. Con người ‘mỗi thời ca một bản đó’, vẫn đáng con thương hơn là hận. Dẫu sao, quả là trong vụ này, Đức Cha Bình bị mất mát nhiều hơn cả nếu không phải là tất cả: ‘được’ gói chung với Uỷ Ban Đàn Két và còn ‘được’ bảo vệ cho kiểu đó. Trừ phi đã quá lẩm cẩm vì tủoi già, Đức Cha Bình khó mà không thấy tủi nhục trước mặt Chúa và lương tâm mình. Còn mấy anh cyniques như Trần-Tam-Tỉnh thì khỏi nói gì nữa. Cha nhớ có lần con nói với anh ta trước mặt cha: anh ta mà còn chút liêm sỉ thì phải viết thêm ‘Thập giá và sung AK’. Không ngờ ngày nay cuộc sống lại minh hoạ cụ thể đến như thế. Cho đến nay, anh ta vẫn lờ đi, không viết gì thêm thì chỉ đáng một câu nhại lại Paul Claudel: “Yuđa ôm hôn Chúa Giêsu, còn Trần-Tam-Tỉnh viết Thập giá và gươm.”


Cha ở huyện Duyên Hải, các anh các chị dưới đó dẫu sao cũng không ai nghĩ đến chuyện dành thì giờ ‘giáo dục’ cha. Còn con thì 13g ngày 16.5 đã được hân hạnh nghe hứa hẹn là sẽ có những buổi được ‘giáo dục’ lại. Vì chưa chịu chấp nhận lý do như nói trên đây. Họ còn động viên cả Thanh-Vân và bé Châu lo ‘giáo dục’ cho con. Đại diện Hội Phụ Nữ và Đại diện Đoàn Thanh niên đó, thưa cha. Con bỗng giật mình nhớ lại nhận xét của một nhà văn mới đây khi nói trước công chúng: bây giờ ai cũng than vãn vì đạo đức luân thường xuống dốc, nhưng thảm trạng ấy đã bắt đầu từ cái ngày có người vợ đầu tiên được động viên tố chồng, những đứa con đầu tiên được động viên tố cha tố mẹ.


Điều may mắn là 16.5 không phải là thứ năm. Bé Lan-Chi không ở nhà, khỏi có những ấn tượng mà bé không thể nào hiểu nào hiểu nổi, tuy sau này bé chỉ có thểhãnh diện vì những gì đã xảy ra hôm nay cho ba của bécũng như cho ‘ông nội’ của bé. Nhưng chiều về, nghe bé Vân nhà bên cạnh kể lại thế nào không biết, bé hỏi con: ba không được đi chơi với con nữa, ba năm, phải không ba? Rồi mở mặt bàn nhỏ của mình, Lan-Chi lại hỏi: “người ta có mở xem trong này của con không?” Tối đến, khác với lệ thường, lan-Chi lò dò vào phòng ba, đòi ngủ trên giừng của ba. Vừa vào phòng, Lan-Chi buông ra hai tiến: ‘tan nát’. Không biết bé học ở đâu và từ bao giờ hai từ đó.


Thanh-Vân hôm đó về nhà kịp truớc khi đại bộ phận --khoảng 30 ngườ-- vào, đọc lệnh và lục xét. Thanh-Vân đã bình tĩnh chịu đựng. Chỉ đến phut chót, khi ngồi lại nghe họ đọc biên bản, Thanh-Vân mới khóc tấm tức. Nói với con: “Em nghĩ đến bao nhiêu năm tháng anh đã vất vưởng, chịu đủ thứ nguy hiểm vì đất nước này.” Con đã ngăn không cho Thanh-vân nói gì hết, mà cũng không muốn lớn tiếng an ủi Thanh-vân: “Thì ngày hôm nay cũng vì đất nước này, vì sự thật và lẽ công chính của Chúa. Đến như Nguyễn trãi mà còn bị tru di tam tộc cơ mà.” Và hơn bao giờ hết nhớ đến câu thơ của Nguyễn Trãi mà thầy trò mình vẫn hay nhắc lại với nhau:


Ung dung ta nói điều ta nghĩ

Cúi ngửa theo người quyết chẳng theo.”


Nhớ cha và cũng nhớ tới bạn bè tất cả.


Gs Nguyễn Ngọc Lan

Nhật ký 1990 -1991


(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: