Thursday 10 September 2009

Một cái nhìn khác về Sống Đạo

bài của Anna Têrêsa (Con dâu thánh tổ AnPhong đệ Ligôri)

Thưa các chị,
Em xin tự giới thiệu ngay em là thân hữu của Gia đình An Phong. Em vẫn thường nhận được báo liên lạc Duc In Antumvà đã đọc một vài thư của các chị con dâu Thánh An Phong nên hôm nay em mạo muội viết thư tỏ bày nỗi lòng cùng các anh các chị.

Số là em bị nhiều người hỏi em lắm về chuyện đạo nhà mình đó mà, người trong đạo mình cũng có, người ngoại cũng có, chắc là em có “duyên trôi nước, duyên xí xọn, hoặc là thuộc loại ngầu gì đó… nên mới có nhiều người hỏi như vậy. Thường thì em ‘bán cái” và đề nghị họ hỏi mấy ông cha hoặc ông nào “tu ra” cho chắc ăn vì mấy ổng mới có đủ chữ nghĩa, trình độ trả lời. Nhưng chẳng lẽ bán cái hoàn toàn nói là tui không biết anh/chị/bác hãy đi hỏi cha…hoặc ông…nên em cũng có trả lời chút chút( trong khi chờ đợi họ được bổ túc), cố vận dụng nhớ những mớ khái niệm sơ sài trả lời kẻo phụ lòng quý vị ấy phải không các chị. Thú thật nhé, khi trả lời xong em lo lắm vì không biết có trật đường rầy không đây và có còn sống nổi với các ngài không? Em cứ lo canh cánh bên lòng, lo đến nỗi em ngày càng phát tướng bụng, tập thể dục thể thao đủ kiểu cả mà vẫn thấy chưa suy suyển. Em đánh bạo giải bày tâm sự với các chị con dâu cha Thánh hy vọng các chị bênh phe ta một chút. Hơn nữa em nghe lóm được là các cha Dòng CCT cởi mở, phóng khoáng và nhất là mấy ông ‘tu ra’ thì phóng khoáng có thể tới độ Tiền Cộng Đồng Vatican 3 lận.

Bây giờ em bắt đầu nhé, em sẽ bắt đầu bằng câu: “ Có người hỏi em rằng” nhé.

*Có người hỏi em rằng: “Đạo của chị sao mà thấy bó buộc quá, lúc nào cũng sợ bị tội xuống địa ngục hết, nào không đi lễ chủ nhật sẽ bị tội, đi lễ chiều thứ 7 trước 5 chiều cũng vẫn phải đi lễ chủ nhật, nếu không cũng bị tội, không đi lễ trọng ( không vào ngày chủ nhật) cũng bị tội, ly dị, ly thân lên rước lễ cũng tội, có đạo mà không làm đám cưới nhà thờ cũng bị tội, nghe thuyết pháp của đạo Phật mà thấy hay và đúng đời sống thực tế của mình quá cũng bị tội v..v. Vì vậy mà người nào đi nhà thờ cũng mặt mũi rất là nghiêm chỉnh, nếu chị không tin thì cứ đến dự lễ Việt xem, mọi người trông nghiêm trang đạo mạo và thánh ca thì phần lớn là buồn, cầu xin hoặc xin tha tội v.v .

*Các chị biết không em trả lời lần lượt như thế này (dĩ nhiên là sau khi đề nghị gặp các cha cho có câu trả lời chính xác): Không, đạo Thiên Chúa của tui không bó buộc mà Chúa luôn để cho tụi tui tự do lựa chọn việc mình làm, đó gọi là tự do con cái Chúa. Còn chuyện “ bị tội” thì tui nghĩ chắc chắn do từ xưa đến nay con dân chúng tôi bị hù dọa hoặc là do các cha hoặc do hiểu thánh kinh theo nghĩa đen hoặc là do tự tâm của chính mình mà ra thôi. Tôi tin chắc một điều là Chúa chẳng bắt tội ai bao giờ ngay như trong thánh kinh như bà Ma-Đa-lê-na phạm lỗi mà người dân thường chiếu theo luật sẽ ném đá trong khi Chúa vẫn luôn khoan hồng, không xử phạt chi cả.

*Trong Tin mùng nói rất rõ là Chúa luôn xem con dân như là anh em, Chúa đối xử như thế và Chúa cũng mời gọi ta làm như thế. Chúa không bao giờ muốn chúng ta đến với Chúa bằng thái độ khúm núm sợ hãi mà là đến với Chúa trong tình bằng hữu, yêu thương.

*Lễ chủ nhật phải được quan niệm là một buổi tiệc mà Chúa mời chúng ta đến dự tiệc, giống như chị em chúng mình được mời dự lễ cưới, tiệc cưới mà ta vẫn thường dự vậy thì chắc chắn là chị em mình hớn hở vui mừng và mặc quần áo đẹp đi dư lễ cưới chứ phải không? còn thánh ca thì tùy bài chọn, có lẽ người Á Châu chúng ta vẫn có quan niệm từ thời rất xa xưa là phải tha thiết, nài van, buồn bã mới hiệu nghiệm và thấm lòng ngay cả khi Chúa đã phục sinh rồi. Anh chị đi lễ Úc mà xem thánh ca nhịp điệu rất vui, bài hát ca ngợi Thiên Chúa rất phấn khởi (có ai vừa khóc vừa cảm tạ, cám ơn đâu nhỉ) cả cộng đoàn cùng hát nhất là bài kết lễ, làm cho con dân phấn khởi vui vẻ hẳn lên; nên sau lễ người nào cũng toét miệng ra cười, muốn ôm người bên cạnh mà nói câu yêu thương. Vì vậy phần thánh ca trong buổi lể (bài hát/cách hát) cũng quan trọng vì sẽ tạo cho cái “mood” (gọi tiếng mình là gì chị nhỉ- tinh thần/bầu khí?), cho cả buổi lễ và cả người tham dự nữa. Nếu quan niệm như vậy thì các chị thử nghĩ xem có phải là Chúa bắt buộc ta phải đi dự lễ cưới không? Mà đôi khi phải đặt lại vấn đề là bài giảng, thánh ca, không khí trong cộng đoàn và hình thức phụng vụ nữa chứ. Nếu nói tới tội thật sự, thì chắc Chúa cũng chẳng quy tội cho một mình dân đạo nhà mình nếu ta có tâm trạng ủ rũ không thôi đâu nhé.

*Có người hỏi em rằng: “Đạo của chị kỳ thị/tự cao quá” Em nghe câu này thấy choáng váng cả mặt, tưởng chừng như là đang có bom sắp nổ vậy, em tìm cách hoãn binh bằng cách hỏi, như vậy là thế nào, xin anh/chị/bác giải thích thêm cho em đây rõ! Quý vị ấy mới nói thêm rằng là: “tui thấy mấy người có đạo ít khi hoặc không đi dự lễ ở chùa như lễ giỗ/ lễ tang được mời vì tui thấy họ ra vẻ như là sợ bị tội hay bị hạ mình ra sao đó khi bước vào chánh điện có thờ Đức Phật hoặc ngồi dự lễ cùng với gia chủ. Mà nếu họ có đến thì cũng chỉ đến vào giờ thọ trai thôi tức là giờ ăn. Lại nữa tui không có đạo nhưng đôi khi đi dự lễ ở nhà thờ do mấy người bạn mời như lễ cưới, lễ giỗ v.v. thì khi sắp đến phần sắp hàng lên ăn/rước bánh bánh thì lại nghe ai đó nói trong ‘mi cờ phôn’ là chỉ dành riêng cho người có đạo lên thôi, còn mấy người không có đạo thì ngồi chơi xơi nước, tui nghe sao thấy khó chịu quá, bộ Chúa có nói vậy sao? Nếu mà tui lúc đó ước ao được đón Chúa vào tôi vậy chắc Chúa bảo tôi- không được, đi ra chỗ khác chơi vì mi là người ngoài, phải vào đạo trước đã..-sao? Em nghĩ chà câu này thật là hóc búa lắm nghe! May thay em chợt nhớ là em được nghe cha Tiến Lộc của DCCT giảng lần nào đó là cha chơi rất thân với các thương tọa bên Phật giáo, và hàng năm nếu có dịp cha vẫn lên Chùa tĩnh tâm vài ngày với các thượng tọa vào dịp lễ Vu Lan hay Phật Đản. Lại nữa em cũng nghe nói là trong nhà dòng cũng có những môn học tìm hiểu về các đạo khác và cũng khuyến khích các tu sinh tiếp cận và tìm hiểu đạo khác và ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng chủ trương hòa đồng tôn giáo nữa. Thêm vào đó em có chị bạn nói với em rằng chị ấy thân cận và đến với những người bạn đạo khác chị ấy thấy họ thêm phần quý mến và nhận ra được Tin mừng của đạo mình nữa. Biết và đến với đạo khác sẽ làm giầu thêm cho đạo/cho đức tin của mình giống như là mấy đứa nhỏ sinh ra ở đây mà giỏi tiếng Việt thì cũng giúp chúng hiểu tiếng Anh thêm như các nhà giáo dục về ngôn ngữ nhận xét. Hơn nữa nếu mình quí trọng đạo thì họ sẽ tăng lên lòng quý trọng đạo Chúa của mình thêm, phải không các chị?

*Em cũng nhớ cha Tiến Lộc còn giảng là con người tham sân si cũng khó dứt bỏ được kể cả các cha cũng nói hành nói tỏi nhau dữ lắm và Thiên đàng và Địa ngục không ở đâu xa mà ở ngay chính trong con người chúng ta đây. Này nhé! khi chúng ta có được tình thân yêu với người chung quanh, vui vẻ , hài hòa thì tâm hồn, đầu óc chúng ta thảnh thơi, an bình, thế là ta đang ở nước thiên đàng rồi, còn khi ta giận dữ, ghen ghét, giận hờn người khác thì tâm hồn, tâm tư bực bội, tức giận và đau khổ thì chính là lúc ta đang sống trong địa ngục vậy.

*Có người hỏi em rằng: Sống đạo ra sao? Có phải là đi dụ người khác vào đạo không? Hoàn toàn không phải vậy, sống Tin mừng không cần phải truyền bằng miệng lưỡi, không phải là cứ nói một điều “ vì Chúa’ hai điều cũng ‘vì Chúa’ mà thật ra chính là cách sống, cách đối xử với người khác; qua đó người ngoài sẽ nhận ra được tin mừng, nhận ra Chúa hiện diện nơi người có đạo, tuy họ không vào đạo nhưng vẫn luôn có cái nhìn tốt đẹp và kính trọng về người có đạo. Và ở đây, em nghĩ điều quan trọng là người có đạo sống đạo thật tốt hơn là có thật nhiều người theo đạo mà là sống khác điều đạo mình dạy.

Em còn bị nhiều câu hỏi hóc búa nữa nhưng thôi để xem câu trả lời của mấy cha, anh chị em khác ra sao đã, kẻo lại nói là em phải xuống đến mấy tầng địa ngục mới xứng cho em thì chết mất.

Thôi em xin chào các chị nhé.

Anna Têrêsa


No comments: