Saturday 4 July 2009

Sứ vụ Jarai - Lm Trần Sĩ Tín, DCCT

1.Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm” (1Cr 9:16). Có thể có người nhận thức rằng việc rao Tin Mừng là một sự cần thiết cho mình và cho người khác nên vì thế mà họ làm. Còn tôi lại nghĩ có những việc cần thiết, rất cần thiết , cho tôi và cho những người khác mà tôi vẫn không chịu làm. Cho nên việc rao giảng Tin Mừng tuy tôi cũng đã nhận ra là cần thiết cho tôi và cho những người, tôi vẫn thấy cái phần bắt buộc nó mạnh hơn.

Không bắt buộc sao được khi gần 20 năm (1969-1987) hầu như chẳng có ai theo Đạo cả! Cứ đi cuốc đất làm rẫy miết! Nếu được tự do (nghĩa là không bị bắt buộc) thì chúng tôi đã xin hay được yêu cầu đổi đi chỗ khác. Và đúng như vậy, vào những năm 1985-1987, Đức cha Alexis yêu cầu chúng tôi sẵn sàng đi nhận nhiệm sở An Khê (vì cha Thiệp mới qua đời). Giáo phận thiếu linh mục, không lý do gì ở một vùng như Pleikly-Phú Nhơn chỉ có người Jarai theo Đạo (do các Linh mục ở các nơi khác thanh tẩy) với ba bốn trăm người kinh ở rải rác trong vòng 30km, lại có tới hai ông cha! Và không biết tại sao chính quyền lại chấp nhận để cha Tường được đổi đi An Khê, còn tôi (bị bắt buộc) ở lại! Mặc dù cả hai chúng tôi đều có tên trong danh sách đề nghị. Mặc dù cha Tường có thưa với Đức Giám Mục khi được hỏi ý kiến trước đó: “Chỉ vì vâng lời Đức Cha, chứ lòng con không muốn!” Cả hai chúng tôi đều sẵn sàng vâng lời Đức cha, chứ lòng mình không muốn đi xứ (như vậy là bị bắt buộc rồi). Nhưng cha Tường đã ra đi (để chịu khó thay tôi). Nếu cha Tường ở lại, khi hằng ngàn ngưoời Jarai xin theo Đạo thì không biết sẽ ra sao, vì cha Tường hơn tôi về mọi mặt, nhưng lúc đó nhất định thua tôi về tiếng Jarai! Từ đó đến này (2003), riêng trong vùng Pleikly-Chư Sê đã có 9.197 người Jarai lãnh nhận Bí tích nhập Đạo, ở trong 90 buôn làng khác nhau, xa nhau nhất cũng tới cả trăm cây số. Trước khi họ vào Đạo, chúng tôi chẳng biết họ, họ chẳng biết chúng tôi. Chúng tôi chẳng được phép đến với họ... Thế mà họ vẫn cứ tìm Đạo và theo Đạo! Ai cũng hỏi tại sao? Chắc chắn không phải tại chúng tôi (như rất nhiều người trong và ngoài Giáo hội nghĩ như vậy) vì chúng tôi mới biết đến có hai, ba làng, vì chúng tôi không được phép làm gì cả, không được phép đi đâu, chúng tôi lại thiếu thốn trăm bề. Có người đưa ra những giải thích có tính tâm lý, xã hội và cả chính trị nữa. Nhưng những nguyên nhân tâm lý, xã hội, chính trị thì thời nào mà chẳng có. Trong thời kỳ chiến tranh trước đây tưởng cũng có rất nhiều lý do tâm lý, xã hội, chính trị để nhân dân theo Đạo chứ. Riêng dân Jarai đã trải qua hơn 150 năm với sự hiện diện của các thừa sai, vẫn theo Đạo rất ít. Chẳng nhẽ trong hơn 150 năm đó họ không có lý do tâm lý, xã hội, chính trị e rằng có hơi bất công đối với cái thời độc lập, tự do, hạnh phúc này! Chẳng lẽ thời này, nơi tất cả các dân tộc, người ta lại cần đến thứ thuốc phiện tôn giáo đến thế?! (cho dù bây giờ không ít người lại nói rằng đó là thứ thuốc phiện có ích... với điều kiện!). Nhưng dù sao thì lại vẫn còn phải giải thích (không cùng) tại sao càng tiên tiến, càng hiện đại lại càng thấy nhiều thuốc phiện, xì ke, ma túy đến thế (va lần này là những thứ thực sự độc hại!).

Từ 1987 tôi từ giã chài lưới, tôi từ giã rẫy nương, trực tiếp phục vụ Lời (nói theo kiểu Công vụ 6:4). “Lời Thiên Chúa hằng lớn lên... số các môn đệ tăng lên rất nhiều” (Cv 7:7). Chúa chữa lành bệnh tật cho tôi. Chúa ban có nhiều anh chị em tham gia phục vụ Lời mọi nơi, mọi lúc... Nhưng tôi vẫn băn khoăn... Ngay từ những năm 90, tôi than với cha Phán: - “Mình cảm thấy xa dân, ngòai dân...Mình không thích.” Cha Phán la tôi, không sống theo thời điểm Chúa ban...” Cha Phán trước đó cũng tham gia hợp tác xã nông nghiệp với dân Jarai ở Ayun-Pa trong gần 20 năm... Có lần không hiểu tại sao tôi lại than với cả Đức cha Phêrô: “Làm lễ không cũng hết ngày hết giờ...” Đức cha la: “Còn gì quan trọng hơn thánh lễ, mà sao Cha nói thế?” Nói thể để thấy sống và làm việc như hiện tại cũng là phần bắt buộc. Lòng tôi còn ước mơ bao điều khác nữa...

2.”Ngôi Lời đã thành xác phàm và ở cùng chúng tôi” – et habitavit in nobis? (ở giữa, ở trong?) (Yn 1:14). Tuy già rồi, nhưng tôi vẫn ao ước ước làm lại từ đầu: làm lại từ Nazareth. Tôi có nói với Bề Trên của tôi: “Như Cha Alphongsô, tôi thích Scala hơn Nêapôli.” Dĩ nhiên, Bề Trên muốn sai tôi đi đâu thì sai. Nhưng lòng tôi thì luôn luôn thích Scala (thôn dã) hơn Nêapôli (thành phố), thích Nazareth (nhỏ bé, bên lề) hơn Yêrusalem (thủ đô, trung tâm). Tôi không an lòng khi loan báo Tin Mừng từ “bên ngoài”, “từ bên trên”... Chúa Yêsu không làm thế. Ngài đã thành Do thái với Do thái, trở nên yếu với kẻ yếu, đã trở nên tất cả với mọi người...(1Cr 9:19023). Còn bây giờ tất cả anh em trong nhóm Pleikly, vì hoàn cảnh bắt buộc, không được sống như thế nữa! Chắc chắn là phải có người sống thế này, người sống thế kia, tùy đối tượng. Nhưng dẫu sao thì hiện nay mọi người (đại đa số) đều sống thế này chứ không sống thế kia! Thiếu người “ở cùng”, thiếu người “ở trong”. Mà đối tượng mình cần ở cùng lại chiếm tuyệt đại đa số: 99%. Mà cho dù chỉ có 1%, thì chúng ta đã biết Chúa Yêsu cũng chọn đi theo 1% ấy (Lc 15:4). Vào cái thời “không biên giới” này, vào cái thời “không giai cấp” này, có chăng một loan báo Tin Mừng nào đó không phải từ “bên ngòai”, cũng chẳng từ “bên trên”, nhưng từ “bên trong” – và bởi những người từ bên trong? Hiện nay chúng tôi tự an ủi là tuy mình phải ở ngoài dân, nhưng anh chị em giáo dân đang ở trong dân, họ thay mình ở trong dân, họ không phải làm dân với dân như mình, mà họ là dân, họ là Yêsu ở cùng và ở trong dân... Dân nghèo loan báo Tin Mừng cho dân nghèo, người Jarai loan báo Tin Mừng cho người Jarai... Có cái gì đó như thưở ban đầu... Có cái gì đó như Yêsu... Một chút ủi an – tuy vẫn chưa phải chính mình được như thế.

LOAN BÁO TIN MỪNG TỪ BÊN TRONG
Và chúng ta nghĩ ngay là chúng ta nói. Thật ra thì bây giờ chúng tôi noi hơi nhiều! Thưở ban đầu không phải như thế. Chúng tôi đã có gần 20 năm không nói. Yêsu có hơn 30 năm không nói ở Nazareth. Nghĩa là không công khai trực tiếp loan báo Tin Mừng. Thưở ban đầu nhóm Pleikly không phải là một nhóm truyền Đạo (chúng tôi không dùng tiếng truyền giáo ngay từ ban đầu). Từ ban đầu, nhóm Pleikly trước tiên là Nhóm Tầm Đạo. Cho chính mình. “Chúng còn là dòng giống kiếm tìm nhan thánh Chúa”. Mãi mãi đi tìm nhan thánh Chúa. Vốn đã là như thế. Lại càng là như thế khi chúng tôi cận kề thời sau Công Đồng Vaticanô II. Đó là thời Agiornamento (canh tân, cập nhật hóa). Đó là thời đặt lại mọi vấn đề, triết học, thần học, nhất là vấn đề Giáo hội, vấn đề đời tu (cho đến bây giờ chưa chắc chúng ta đã thống nhất được đời tu theo Tin Mừng là gì)... Tôi xin mượn lời cha Maurice Zundel (một người có ảnh hưởng lớn vào thời của ngài –1897-1975- và cả hiện nay – năm 1972 đã được Đức Phaolô VI mời giảng mùa Chay tại Vatican) để mô tả Đạo Công Giáo thời chúng tôi: “Bối cảnh Đạo Công giáo rất là nghi thức. Giới Công giáo là một giới dễ dãi chẳng làm cho người ta dấn thân vào một cái gì cả, chỉ cần nhớ một mớ công thức phụng tự là lấy làm thỏa mãn lắm rồi... Có thể tóm gọn trong việc giữ Đạo mà chẳng cần tới một cảm nghiệm nào về Thiên Chúa cả. Các công thức thì rất chính xác, và như vậy là được chấp nhận, nhưng đó chỉ là những công thức chết. Lo rỗi linh hồn là phụ họa theo một số công thức đã được chọn sẵn”... (Un autre regard sur l’homme-Ed.Le Sarment 1996,p.17)

Tên ban đầu của chúng tôi là Nhóm Ra Đi. Ra đi khỏi một cái gì đó, có khi là chính mình (chí ít cũng để một lần nghiệm ra rằng có thể ra đi rất xa mà vẫn chưa ra khỏi chính mình), ra đi khỏi một Giáo hội nào đó, ra đi khỏi một lối tu nào đó... Ra đi để tìm Chúa. Ra đi tầm Đạo để có thể tu Đạo (mà tu Đạo lại là tầm Đạo không ngừng). Chúng tôi ra đi mà không biết đi về đâu. Lúc đó chúng tôi chưa biết người Jarai là ai. Cứ ra đi cái đã. Vì là Dòng Chúa Cứu Thế nên chúng tôi được kêu gôi gòi đi tìm Chúa nơi những người “cô thân tất bạt” – những người bị bỏ rơi hơn cả”. Vì Tin Mừng được loan báo cho người nghèo hèn (Lc 4:18). Vì Nước Trời là của người nghèo hèn (Mt 5:3). Vì Nước Trời được ưu tiên mạc khải cho người nghèo hèn (Lc 10:21). Phải đến với người nghèo hèn thôi. Chính mình phải trở nên nghèo hèn, phải nhờ đến người nghèo hèn. Khi tiếp xúc với họ rồi chúng tôi càng xác tín rằng Chúa đã có đó, ớ đó với họ trước chúng tôi> Chúa cũng là Đấng Tạo dựng ra họ theo hình ảnh Người. Hình như nơi họ hình ảnh ấy còn trong sáng hơn ở nơi chúng ta, đỡ bị bóp méo hơn, đỡ bị tô vẽ bằng đủ thứ thứ triết thuyết lý luận nào là La Hy, Âu Á, cồ đại hiện đại... đến độ vào một lúc nào đó con người chúng ta có thể nói: không có Chúa! Các dân tộc thiểu số chưa đạt tới độ “văn minh” ấy, một nền văn minh muốn khẳng định chính mình bằng cách phủ nhận chiều kích linh thiêng nhất của mình, chiều kích nối mình với Đấng Linh thiêng, với giới linh thiêng- và như vậy lại là phủ nhận chính mình (chỉ còn phần tro bụi). Các dân tộc còn sống cái chiều kích linh thiêng nhất của trong suốt đời của họ, từ khước khi sinh ra cho đến sau khi chết. Chúa đã ở cùng họ trước chúng tôi. Ngay từ đầu chúng tôi đã nhủ nhau: đi tìm phần Cựu Uớc nơi họ. Vì họ chỉ còn thiếu phần mạc khải của Chúa Yêsu Kitô trong Thần Khí của Ngài. Phần này lắm khi chúng ta cũng thiếu, bởi vì chúng ta vẫn “Đạo Đức Chúa Trời” nhưng không đạo theo Thần khí của Đức Yêsu Kitô.
Năm 1969, cha Antôn Vương Đình tài đang phục vụ một giáo điểm người Kơho trong vùng Phi Yang (Phú sơn-Đàlạt). Tình hình chiến sự những năm 1965-1968 rất ác liệt khiến người dân chạy lọan dồn về vùng Phi Yang (Dà-Mpao, Rơlơm). Các thừa sai cũng bị dồn cục như vậy có cả chục người. Nhiều cơ sở đã bị phá hủy. Công việc không có bao nhiêu. Cha Tài xin Bề Trên cho ra đi tìm một địa điểm mới. Ngài đi tới những giáo điểm ngòai địa phận Đà lạt. Thăm giáo điểm người Chăm của các cha Phanxicô. Đến dòng Biển Đức Ban Mê Thuột để tiếp cận với người Êđê. Vùng này có nhiều bạn bè và họ hàng đồng hương Nghệ Tĩnh có thể hỗ trợ đắc lực. Nhưng Đức cha Mai tỏ vẻ không mặn mà lắmvới Dòng Chúa Cứu Thế. Cha Tài theo đường 14 đi tiếp lên phía Pleiku-Kontum, ghé thăm một người bạn học cũ đang phục vụ giáo điểm cheo reo, cha P. Vũ văn Thiện, xuất thân từ Dòng Chúa Cứu Thế. Lúc đó, chúng tôi mới bắt đầu biết đến người Jarai. Cha Tài lên gâp Đức cha Phaolô Kim, được ngài hoan hỉ đón nhận. Và ngày 10/10/1969, chính Đức cha cùng với cha Vũ Khắc Minh lái xe đưa chúng tôi về Pleikly không nhà, không cửa, không mang theo gì cả. Đức cha đọc đọan Tin Mừng Lc 10:1-12, cầu nguyện và chúc lành cho chúng tôi rồi nói: “Bây giờ các anh có bốn người, nếu Dòng Chúa Cứu Thế đưa lên đây 72 người như trong bài Tin Mừng, tôi cũng nhận” ... Sau đó, ngài lên xe trở lại Kontum. Trời đã về chiều. Không ai dám cho mấy kẻ lạ mặt này trú ngụ cả. Người ta chỉ cho chúng tôi một căn phòng đầu trường làng vốn là nơi trú đêm của đàn dê trong làng. Chúng tôi dành chỗ của chúng và phải quét dọn mọi thứ phế thải của chúng. Thế là chúng tôi bắt đầu được làm dân với dân, được làm Jarai với Jarai. Mãi tới năm 2001, chúng tôi mới biết đếnhai lá thư Đức cha Phaolô Kim viết cho Dòng Chúa Cứu Thế từ năm 1953, lặp lại 1956, kêu gọi Dòng Chúa Cứu Thế lên cộng tác với giáo phận Kontum phục vụ người thiểu số. Vậy ra con đường chúng tôi đi, đâu có phải con đường chúng tôi “tự ý” (1Cr 9:17) lựa chọn: có Ai đó chọn cho chúng tôi tồi (Yn 15:16)!

Tháng 2 năm 1971, tức 17 tháng sau khi tới Pleikly thì có đánh lớn tại vùng Phú Nhơn-Pleikly. Chúng tôi bị quân Cách Mạng bắt đem vào rừng sâu (bây giờ thì chúng tôi biết là ở bên kia biên giới Cam-bốt). Bị cùm hai tháng liền. Bị tra hỏi. Bị sốt rét. Giờ lao động là giờ hạnh phúc vì không bị cùm và không bị tra hỏi. Bốn tháng sau người ta cho chúng tôi về: một cử chỉ “đoàn kết toàn dân chống Mỹ cứu nước”. Thầy Marcô Đàn vĩnh viễn nằm lại trong rừng sâu. Thầy chết vì số rét (lúc 0giờ 5 phút ngày 12/5/1971) sau khi đã cứu chữa cho nhiều người . Thầy được phúc chết trong khi thi hành sứ vụ Tin Mừng và chết như một người nghèo nhất: trên người chỉ có tấm áo dòng, chôn không quan tài. Chỉ có tôi tham gia vào việc đào huyệt chôn Thầy vì lúc đó Cha Mầu cũng sốt rét đang trong cơn hôn mê. Ai trong chúng tôi cũng nghĩ lần lượt mình cũng sẽ nằm xuống như thế. Khi họ thả chúng tôi về cuối tháng 7 , thì cuối tháng 8 cha Tài, cha Phán lại bị bắt . Nhưng chỉ một tuần sau thì được thả. Như thế cũng đủ phá bình địa mấy căn chòi Cha Tài dựng lên tạm bợ sau cuộc chiến tháng 3/1971. Chúng tôi phải kéo nhau về Cheo-reo tạm trú. Trong vòng hơn một năm rưỡi ở Cheo-reo, chúng tôi tổ chức cùng anh chị em Jarai phiên dịch tòan bộ cuốn Tân Ước ra tiếng Jarai. Đó là công việc duy nhất tuy bất tòan nhưng hữu ích còn tồn tại. Khi anh chị em Jarai trở lại theo Chúa thì đó là cuốn sách duy nhấtmà chúng tôi sử dụng. Nếu không có cuốn sách đó thì chúng tôi không biết sẽ làm ăn ra sao. Điều duy nhất Chúa cho chúng tôi làm là chuẩn bị để Dân Chúa nghe Lời CHúa và học cùng Ngài. Năm 1973, chúng tôi trở lại Pleikly, chưa làm được gì thì giải phóng 1975, để lại chỉ làm dân với dân và làm... thinh! Cấm truyền Đạo! Cấm làm lễ ngòai xã phường nơi thừong trú! Lúc đó phía Jarai trong vùng chỉ có 3 gia đình thanh tẩy: gia đình Ami’ H’Mi, gia đình Ami’ H’Dar do cha Tài thanh tẩy tại Pleiklu, gia đình Ami’ H’Xuân do cha Bianchetti thanh tẩy tại Ban Mê Thuột. Thế là cứ rẫy nương và chài lưới! Và nghe akha (chuyện dân gian), nghe cồng chiêng, nghe ca hát, nghe phai-yang (cúng thần), nghe phat-kơđi (xét xử)... Ôi những áng văn chương, nhửng dòng tư tưởng, những điệu nhạc Tây nguyên, gru ama groa ami’ (dấu ấn của cha tinh hoa của mẹ)... cho một mình tôi bây giờ là kẻ “ngọai đạo”! Tôi không có óc khoa học đủ , không có óc nghiên cứu đủ, nhanh nhậy đủ để thu tất cả vào băng, vào giấy! Tiếc ôi là tiếc! Lúc đó tôi đúng là chân lấm tay bùn mất rồi! Tôi đã trở thành một người Jarai thực thụ nghĩa là một người chỉ sống và suy nghĩ bằng cái lỗ tai của mình thôi! Một nền văn minh của lỗ tai !... Cho đến những năm chuẩn bị Năm Thánh 2000: Năm Thánh Đức Mẹ 1985; Năm tấn phong các Thánh Tử đạo Việt Nam 1988. Vào những năm đó bỗng nhiên tất cả các dân tộc ít người trên đất nước Việt Nam đều đứng lên tìm theo Chúa. Tôi nói ở khắp mọi nơi, chứ không riêng gì ở vùng Pleikly chúng tôi. Cho nên xin đừng gán cho chúng tôi công cuộc trở lại này!Người thương thì khen (cũng thích), kẻ ghét thì bực (cũng ngại). Nhưng không phải chúng tôi mà! Chúng tôi chỉ quen biết có hai ba làng ở gần chúng tôi thôi, chứ không phải 90 làng có người đến với chúng tôi bây giờ. Mà những người ở gần chúng tôi lại trở lại chậm và ít hơn những người ở xa! Lại còn phía Cheoreo-Tơlui’ có cả 150 làng, cũng chừng đó phía Pleiklu, Măng Yang, Chư Prong, Chư-Pah... Chúng tôi đâu có biết người Khmer, người Stiêng, Mơnông, Raglai, Churu, Êđê, phía Nam, người Chăm, người Bahnar, Sơđăng, Jeh, Bru... chúng tôi đâu có biết đến người Mường, người Mèo, người Hmông... phía Bắc! Ấy thế mà họ đều đứng lên tìm Chúa, tìm Đạo! Rõ ràng không phải chúng tôi rồi hạch hỏi và đe dọa: tuyên truyền làm sao? dụ dỗ làm sao? bắt tù a! Tụi tôi chẳng có gì để mất cả! Khi người ta xin theo Đạo, chúng tôi bắt buộc phải nhận. Khi nhận thì phải hướng dẫn tối đa. Đã là tín hữu thì người ta đã kêu, là đi, đi tới đâu cũng đi, chết cũng đi! Nhiệm vụ mà!
3.Bây giờ tôi xin nói đến phần HƯỚNG DẪN DỤ TÒNG. Như trên đã nói: chúng tôi là những người cùng đi tìm Chúa. Nên khi người ta đến nhờ chúng tôi thì chúng tôi xin họ cùng chúng tôi tìm Chúa. Họ cùng chúng tôi nói với Chúa nhiều hơn là nói về Chúa, ao ước hơn nữa được nghe Chúa và học cùng Chúa (Yn 6:45). Và cứ làm đúng theo như Lời Thánh Kinh. Bắt chước Chúa Yêsu Phục sinh. Ngài mở lòng cho họ hiểu Sách Thánh (Lc 24:27-45) và căn dặn họ mong chờ CHúa Thánh Thần (Lc 24:49; Cv 1:4t). Phải nói ngay rằng trong phần này, tại vùng Pleikly-Chusê chúng tôi, cũng không phải riêng chúng tôi đã làm được gì. Nhưng là chính Chúa đã làm trực tiếp hay gián tiếp qua những sứ giả mà Ngài gửi đến giúp chúng tôi: cha Tiệu, cha Tài, cha Phán, cha Qui, cha Thượng, thầy Phương S.J. vác chị Phaolô và anh chị em giáo dân Kinh-Thượng. Nếu các linh mục, tu sĩ như những Phêrô, Phaolô ngang qua loan báo Tin Mừng, thì anh chị em giáo dân làm việc lâu bền hơn, với những đặc sủng riêng của họ, không ai thay thế được. Sự cộng tác này “mạc khải” cho chúng tôi một hình thức họat động trong Giáo hội mà chúng tôi mong ước được lặp lại mãi nơi chúng tôi (đây là nói riêng về phần trực tiếp loan báo Tin Mừng, trong những lãnh vực khác, các công tác viên kể ra không xiết-vẫn là vì chúa và do Chúa vì đa số chúng tôi không hề quen biết nhau từ trước).

A. ĐÚNG NHƯ LỜI THÁNH KINH. Khi anh chị em Jarai trở lại xin theo Chúa, lúc đó chúng tôi chỉ có cuốn Tân Ước bằng tiếng Jarai, mà như trên đã nói, là công việc duy nhất từ 1969 đến 1973 Chúa cho phép chúng tôi thực hiện để phục vụ trực tiếp cho sứ vụ loan báo Tin Mừng (chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1985 tại vùng Pleikly). Nếu có những tài liệu khác, chúng tôi có sử dụng không? Chắc chắn là có! Mà còn dám sử dụng thay Thánh Kinh nữa! Bởi vì chúng tôi cũng thuộc thế hệ “mì ăn liền” – “fast food”, đã từng chịu một nền đào tạo nhân bản thiên về lý trí, lý luận, đạo đức (luân lý) – thiếu đào tạo Tin Mừng, đào tạo Thần Khí (Ngài dạy mọi sự và dẫn đưa tới tất cả sự thật: Yn 14:26; 16:13 – chủ yếu bằng làm chứng: Yn 15:26). May quá Chúa đặt chúng tôi vào hòan cảnh Jarai nên chúng tôi lấy Lời Chúa làm chính và tham khảoi những tài liệu người đời khi có thể – chứ không lấy tài liệu người đời làm chính và tham khảo Lời chúa khi có thể. Đây là một trong nhiều điều Chúa hóan cải chúng tôi nhờ được sống với những kẻ “hèn mọn”.

Vậy Thánh Kinh nói gì?
Xin đọc Rm 10:6-13 (xem Cv 2:32-36; Ph 2” 6-11; 1Cr 15: 1-4). Vậy là chúng tôi đón nhận và tuyên xưng Mầu Nhiệm Đức Tin : Chúa chết - Chúa Sống lại – Chúa lại đến. Chúng tôi đón nhận và tuyên xưng Đức Kitô Yêsu là Chúa: Đúng theo Lời Thánh Kinh và đúng như Hội Thánh đón nhận, tuyên xưng và cử hành trong phụng vụ từng năm – từng tuần – từng ngày – trong từng Bí tích: Lex orandi lex credendi: Mục đích là gì?

B. ĐÓN NHẬN THẦN KHÍ- Sống nhờ và sống theo Thần Khí. Chúa Yêsu chết và sống lại mục đích là để ban Thần Khí (Yn 16:7). Qua chết và sống lại, Chúa Yêsu được tôn vinh làm Chúa mục đích là để ban Thần KHí (Cv 2:32-36; Yn 7:37-39, 19,30; 20,22; Lc 24:49). Chúa là nguồn Thần Khí. Con người phục sinh, con người mới là con người sống nhờ Thần Khí và sống theo Thần Khí (Rm 8:1-17; Gl 5:25; Ep 4:23) vì “Ađam con người đầu tiên là sinh khí, còn Ađam cuối cùng là Thần Khí tác sinh”(1Cr 15:45; 2Cr 3:17). Đó là hướng tiến hóa, hướng phát triển của con người.

Khi để cho Chúa thực hiện chương trình kế hoạch của Người như thế, khi tin và nhận Chúa Yêsu chết, phục sinh, tôn vinh làm Chúa và để Ngài đổ tràn đầy Thánh Thần đến chìm ngập (Cv 2:37-41; Mt 28:18-20), chúng tôi thấy xuất hiện một cộng đoàn những kẻ tin tưởng tựa như cộng đoàn tiên khởi (Cv 1: 14; Cv 2: 42-47); chúng tôi thấy xuất hiện những con người không có học “ (Cv 4:13) mà lại có ơn thông hiểu , ơn hiểu biết, ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh, ơn biết lo liệu, ơn yêu mến, ơn kính sợ” (Ys 11:2t)… ơn thị kiến, ơn báo mộng, ơn phục vụ, ơn dạn dĩ can đảm, ơn rao giảng, ơn tự do thoát khỏi mọi sự ràng buộc hay nô lệ, ơn chữa lành, ơn cầu nguyện, ơn yêu mến Lời Chúa… Nếu với cộng đoàn Corinthô (1Cr 12-14), thì cộng đoàn chúng tôi còn thiếu ơn ngôn sứ, ơn phép lạ…

Dù sao thì chúng tôi cũng nghiệm được “khai ân Thần Khí” (Rm 8:23) trong cộng đoàn Jarai và xác tín rằng cộng đoàn Kitô hữu Jarai (trong toàn giáo hạt Pleiku cổ đã lên tới 30,000 người tân tòng và dự tòng, rải rác ở khoảng 300 làng khác nhau, trong một diện tích rộng cả ngày cây số vuông, mà hỉ có 3 trung tâm dự tòng không hoàn chỉnh, chưa có một Nhà Thờ nào, với chỉ 3 linh mục nói tiếng Jarai – mà cả 3 đều “đã chạy gần hết chặng đường” (2Tm 4:7), dành cho mình: một cộng đoàn hay một cộng đồng như thế mà sống và phát triển được đó hoàn toàn là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. “Đó là điều anh chị em nghe và thấy được” (Cv 2:33). Hiện nay công việc của chúng tôi chủ yếu là qui tụ nhau nghe Lời Chúa, thờ phượng tôn vinh và kể cho nhau nghe “những việc Chúa làm” (1P 2:9), để nhận ra những gì Ngài chỉ dạy cho chúng tôi (Yn 6:45).

Lm Trần Sĩ Tín,
Dòng Chúa Cứu Thế.

4 comments:

Unknown said...

cam on cha da den voi nguoi jarai cua chung con

Anonymous said...

hey cha tin cam on cha va cam on chua da ban cho cha den voi nguoi jarai chung con con o viet nam o lang plei tung dao xa ai dreng ,,, xin cha cau nguyen cho con nha ,,,,

Anonymous said...

Cha Tran Si Tin oi, chieu hom nay minh moi mo ra va doc mot leo bai viet cua Anh. Cam ta on Chua. Cam on Anh va tat ca anh em trong Nhom Pleikly.Oi duong loi Chua ai do cho thau! Minh suy ngam. Nhung ki niem mot thoi o voi Nhom da song day.Nhu 'ho nho rung,ta song mai trong tinh thuong noi nho, thuo tung hoanh hong hach nhung ngay xua' nho ruou can, nho di bo ma, tieng cong chieng, nhu nhyung ngay di lam di lam than, di lang lang rong ruoi di choi voi bon tre, nho di voi dan, bi dan cat voi phai chon lua theo dan moi duoc o lai voi dan. Oi anh Tin oi, ong Anh gia tui oi, anh da di gan het luong cay roi... Hay vui len, vi anh da het long yeu men dan Jrai va dan cung rat thuong anh. Thoi nghe, noi hung nostalgie go may hang. Khong bao gio quen anh va nhung ngay thang dang nho o Pleikly da gop phan boi dap mot phan cuoc doi-tim-tim-kiem cua minh voi anh em trong Nhom

Saigon, 13 thang 8, nam 2010.

POTAU

Theresa Nguyen said...

Xin chào Cha và các bạn Jarai,

Cho phép con được chọn tên mình là Theresa. Hiện con đang tìm tài liệu học tiếng Jarai trên mạng nhưng chưa tìm được. Không biết có Cha và các bạn có đường link về tài liệu học tiếng Jarai thì giúp con với ạh?
Con cám ơn Cha và cám ơn các bạn.