Friday 24 July 2009

Đời sau

Giuse Nguyễn Quý Bân

Một ý nghĩ đen ngòm cản tôi:«Viết làm gì chuyện này, ai đọc? Sẽ bị chê là quê, cổ!» Thực thế, ngay trong Giáo Hội Công Giáo, mấy chục năm gần đây các cha sở trong các bài giảng đều tránh né đề cập đến vấn đề này. Hồi tôi còn nhỏ thì đã từng «bị» nghe về hỏa ngục, thiên đàng thì không. Hậu quả là lớn lên trong tiềm thức tôi, chỉ có những hình ảnh về hỏa ngục, như quỷ đen có đuôi, lửa thiêu đốt các linh hồn. Chẳng phải như vậy là sai, nhưng không có những hình ảnh tươi sáng, được gieo xuống tâm hồn thơ trẻ, thì lớn lên, nhất là khi cuộc sống trở nên đầy "bấn loạn" (stress) thì làm sao có khả năng «mơ» thiên đàng. Mà nếu mất đi khả năng mơ thiên đàng, thì cuộc sống này khó lòng mà hạnh phúc thật, dẫu có no nê trong những thỏa mãn do những thụ hường bất tận đem lại. Thật vậy khi người ta say mê "xây dựng cuộc đời", làm ăn, làm giầu, khuếch trương gia sản, hay mê ly bàn chuyện ăn, mặc, giải trí... thì vẫn có một câu hỏi trong thâm tâm, âm ỉ, mà người ta cố đè nén, bịt miệng: "cuộc đời này đi về đâu?" Câu trả lời dễ lắm, nhưng người ta vẫn chỉ áp dụng cho người khác, kiểu như là tuyệt nhiên không can dự đến bản thân mình.Câu trả lời đó là: "cuộc đời này trước sau gì cũng chấm dứt bằng cái chết".

Nếu như đã "giải quyết" được vấn đề cái chết, nghĩa là một mặt chấp nhận mình sẽ chết, không chút nghi nan,mặt khác không tin chết là hết, ngược lại được hiểu biết, cảm nghiệm, tin thiên đàng thì cuộc sống làm ăn, sáng tác, giải trí, thụ hưởng… trở nên đậm đà, có ý nghĩa, không còn là một cuộc chạy trốn cái chết. Dẫu như có ai, thực sự đứng đắn, thực sự chín mùi, nói với tôi: "chết là hết" mà người đó lại hăng say giúp đời thì tôi không tin người đó nói thật. Vì làm sao cho rằng cuộc đời mình có ý nghĩa, nếu chủ trương rằng những cố gắng xây dựng cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội rốt cuộc chỉ là như những bong bóng bể tan, biến mất trước làn gió nhẹ của cái chết.

Khi còn trẻ trung, khoẻ mạnh, đầy nhựa sống, con người tưởng mình sinh ra cõi đòi này để sống bất tận. Nhưng khi yếu đau nặng, khi đã trải qua một phen thập tử nhất sinh hay khi già cả , người ta khó lòng mà không nghĩ đến cái chết. Ở những xã hội quá đề cao phồn thịnh kinh tế theo kiểu mạnh ai nấy làm giầu, người ta có xu hướng khinh chê người già cả gần đất xa trời, cho rằng cuộc đời họ không còn ý nghĩa. Nhưng nếu cuộc đời những người già cà, tàng tật, xấu xí không có ý nghĩa thì chẳng có cuộc đời nào có ý nghĩa hết, kể cả của những người giầu sang, giỏi giang, khoẻ mạnh. Văn hào Léon Tolstoï, lúc đã đến được chóp đỉnh của " hạnh phúc đời này ", có vợ đẹp con khôn, có tài sản thẳng cánh cò bay, có danh vọng, có bạn bè, thì đã đặt vấn đề cách trung thực, ông viết:

"Câu hỏi tôi đặt ra thật giản dị, nó nằm trong tâm khảm của bất cứ ai thuộc loài người, từ đứa bé hết sức ngây thơ đến cụ già hết sức khôn ngoan, câu hỏi mà nếu không đặt ra thì không thể sống được... câu hỏi mà tôi đã nhìn ra nó trong tôi. Câu hỏi đó như thế này: những gì tôi đang làm ngày hôm nay, những gì tôi sẽ làm ngày mai, sẽ đem lại thành quả gì? Trọn vẹn cuộc đời tôi sẽ đem lại thành quả gì? Câu hỏi có thể được đặt ra một cách khác như sau: để làm gì, đời tôi? Để làm gì, những khát vọng của tôi? Để làm gì, những hoạt động của tôi? Một cách khác nữa để đặt câu hỏi: cuộc đời tôi có còn ý nghĩa gì không trước cái chết trước sau gì cũng đến gặt hái tôi đi?"

Sau đó ông đi lục lọi trong các khoa học để tìm giải đáp, để rốt cuộc đi đến kết luận là khoa học cho thấy không thể có giải đáp nếu không nối kết hạn hữu với vô hạn hữu, tạm gửi với vĩnh cửu. Ông viết như sau:

"Tôi hiểu được rằng người ta không thể tìm tòi trong những kiến thức lý luận giải đáp cho câu hỏi của tôi, và rằng câu trả lời của kiến thức lý luận lại cho thấy rõ giải đáp thực sự chỉ có thể tìm thấy khi người ta chấp nhận đặt câu hỏi một cách khác, bằng cách đem vào những suy luận một vấn đề (mới) đó là liên hệ giữa hữu hạn và vô hạn. Tôi cũng hiểu được rằng những giải đáp của lòng tin, xem ra thì rất phi lý và lạ hoắc lại đem lại một cái lợi lộc là trong mọi vấn đề chúng đều đem vào liên hệ giữa hữu hạn và vô hạn, bởi vì nếu không chấp nhận liên hệ này thì chẳng bao giờ có giải đáp (cho bất cứ chuyện gì)".

Gần đây tôi đọc được một cuốn sách về đời sau đã giúp tôi được chữa lành khỏi cái bệnh mù tịt về thiên đường. Quả tình đó là một cái bệnh tâm linh, âm ỉ, không lộ ra, nên người ta coi là nhẹ, không quan trọng, nhưng trong thực tế nó khiến «giữ đạo» trong sợ hãi, chỉ nhắm sao «không bị xuống hỏa ngục», còn thiên đàng thì không dám nghĩ tới, vì không biết nó ra làm sao và coi bộ khó quá, khó quá mà được lên thiên đàng!

Cuốn sách* mà tôi vừa đề cập đến (có "nihil obstat" và "imprimatur" đàng hoàng), cho ta hiểu thiên đàng hay hoả ngục không phải là chuyện thưởng phạt theo kiểu người khác quyết định cho mình, nhưng là một sự lựa chọn của mỗi người, do chính người đó định đoạt, trước sự mòi mọc của Thiên Chúa. Bất cứ ai trong giờ hấp hối đều được Thiên Chúa Tình Yêu mời vào cuộc sống trong gia đình Ngài và cũng được ma quỷ mời vào thế giới của chúng. Ai có tâm hồn mở rộng, thích yêu thương thì không do dự gì mấy và lựa chọn thiên đàng, nơi họ tiếp tục và yêu mến hơn nữa vô cùng, ai quen ích kỷ, nghen nghét thì dĩ nhiên dễ bị ma quỷ thuyết phục mà đi theo chúng để có một định mệnh trong kiêu căng, vị kỷ.

Đó là một sự lựa chọn sáng suốt, theo nghĩa là sau khi sự lựa chọn đã trở thành dứt khoát thì mãi mãi không có ai hối tiếc sự lựa chọn đó. Ngay đến người đã lựa chọn hoả ngục cũng đời đời lập đi lập lại:" ta có lý từ khước Thiên Chúa!" và đó chính là "hoả ngục" của họ, một sự cô đơn khủng khiếp vì họ đã lựa chọn đóng khép con tim, con người mình lại như trong một cái hầm bằng bê-tông cốt sắt, thật xa mặt trời, cảnh đẹp... Ngược lại, những người đã chọn tình yêu thì không phải là đời đời quỳ chầu Thiên Chúa như một thứ lính hầu, họ hoàn toàn tự do, chu du khắp vũ trụ… vì họ ở trong Chúa và Chúa ở trong họ, cái tự do trong tình yêu của họ người trần không thể tưởng tượng được. Bao lâu người qua đời chưa dứt khoát lựa chọn thì họ vẫn trong cơn hấp hối (của linh hồn) có thể kéo dài trong ngày tháng năm.

Một điểm khác làm tôi vui là theo tác giả, sau khi chết rồi, người đã từ trần không phải là một thứ "hồn" nhẹ như không khí, ngược lại họ thấy được, nghe được, giữ lại mọi kỷ niệm của đời trần nay đã được đổi mới, được chiếu soi trong ánh sáng của vĩnh cửu.

*http://eschatologie.free.fr/
Nouméa, Lễ Chúa lên Trời 2007
Nguyễn Quý Bân

No comments: