Monday 18 August 2008

CHỮ TÌNH TRONG THÔNG ĐIỆP DEUS CARITAS EST - Lm VŨ KHỞI PHỤNG CssR

CHỮ TÌNH TRONG THÔNG ĐIỆP DEUS CARITAS EST

I. Tác giả, nội dung và mục đích của thông điệp:

Dư luận thường rất chú ý đến thông điệp đầu tiên của một vị tân Giáo Hoàng. Người ta cố tìm trong đó những ý hướng chủ đạo cho cả triều đại của vị Giáo Hoàng ấy. Đặc biệt Đức Benedicto XVI từ ngày được đưa lên Tòa Thánh Phê-rô đã khiến nhiều người thắc mắc. Người ta công nhận ngài là người rất thông minh, uyên bác, là một bộ óc thần học tầm cỡ. Nhưng cũng có tiếng than rằng ngài bảo thủ, cố chấp, ngăn cản đường tiến của thần học. Thậm chí người ta đặt cho ngài danh hiệu “Hồng Y thiết giáp”, coi ngài như cỗ chiến xa bắn hạ, húc đổ, san bằng tất cả trên đường đi của mình. Một số lập trường bảo thủ của Đức Gio-an Phao-lô II gây bực bội cho những thành phần nào đó được coi là do có sự đóng góp tích cực, và những gợi ý đắc lực của Hồng Y Ratzinger. Phải chăng Hồng Y Ratzinger là một người có bàn tay sắt, chuyên môn siết chặt, chuyên môn dập tắt, chuyên môn đàn áp mọi thứ cảm hứng ? Ít ra đó là ấn tượng ta cảm nhận từ một số nhà thần học và dư luận báo chí Phương Tây.

Đến khi Đức Gio-an Phao-lô II qua đời, trong cương vị đoàn trưởng Hồng Y Đoàn, Đức Hồng Y Ratzinger phải xuất hiện trước mắt toàn thế giới, nhiều người đã ngạc nhiên: “Hóa ra đây là cụ Ratzingger nổi tiếng đấy ư ?” ( tiếng dữ đồn xa ). Cụ già tóc bạc, nói năng khiêm tốn, tình nghĩa, khi thuyết giảng thi chinh phục được những người khó tính nhất, chẳng có gì là hiện thân của những thái độ tiêu cực. Lại thêm mấy hôm nữa, Hồng Y Ratzinger trở thành Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. Người ta lại đưa ra những dự đoán, dự báo về sự siết chặt và dập tắt. Tương lai sẽ cho biết những lời tiên tri ấy đúng đến mức nào.

Cho tới nay một năm đã qua chưa thấy Đức Giáo Hoàng mới siết chặt hay dập tắt gì nhiều. Chỉ thấy ngài liên tục kêu gọi đối thoại, hợp tác, thậm chí mời cơm những người chỉ trích mình gay gắt nhất và nhẩn nha trao đổi với họ hằng tiếng đồng hồ ( một việc mà Đức Gio-an Phao-lô II trong suốt 26 năm trị vì, không bao giờ chịu làm ). Đức Hồng Y Gioan B. Phạm Minh Mẫn vừa đi dự hội nghị Hồng Y về nói rằng Đức Benedito XVI ngồi suốt buổi chăm chú lằng nghe mọi ý kiến, cuối phiên họp Ngài đúc kết ý kiến của anh em Hồng Y và thay vì đưa ra mệnh lệnh hoặc quyết định, Ngài đưa ra những định hướng. Có người nói trong cương vị bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Ngài Ratzinger có nhiệm vụ bảo toàn giáo lý chính thống, đó là một phương diện của Ngài. Ngày nay, với tư cách mục tử của toàn Dân Chúa sẽ lộ ra một cá tình khác mà những người thân quen với Ngài vẫn biết, nhưng những người chỉ quen nghe những lời chỉ trích phê bình sẽ cho là bất ngờ: Ngài Ratzinger là người của đối thoại, cảm thông, rất tôn trọng người khác.

Không biết thông điệp mới này có giúp ta vượt quá những ấn tượng do phe này phái nọ tạo nên để phát hiện một định hướng nào của Đức Giáo Hoàng cho toàn thể Giáo Hội ?

Đọc bản văn thông điệp không khó lắm. Sau những chiêm niệm thâm trầm trùng điệp của Đức Gio-an Phao-lô II, ta gặp lối nói khúc chiết như suối trong chảy xuôi của Đức Benedito XVI. Ta có cảm tưởng như trên Toà Thánh Phê-rô ngày nay vẫn là vị giáo sư trên bục giảng ngày nào. Thậm chí có cả giai thoại vui vui như những lời châm chọc nhau của hai triết gia Gassendi và Descartes. Xưa nay thông điệp của các Đức Giáo Hoàng thường đưa ra những nhận định cao xa, bằng một giọng văn tôn nghiêm diệu vợi. Đức Benedicto XVI thì không ngần ngại nêu đích danh những nhân vật trong đời: Gassendi, Descartes, Friedrich Nietzsche. Ngài trích dẫn cả thi hào Latinh Virgilio...

Nhưng quan trọng nhất vẫn là nội dung. Đức Thánh Cha nói rõ chủ đề ngay từ đầu thông điệp: “Thiên Chúa là Tình Yêu, ai ở trong Tình Yêu thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy ( 1Ga 4, 16 ). Những lời này trong thư thứ nhất của Thánh Gio-an đã bày tỏ minh bạch đâu là trọng tâm của Đức Tin Ki-tô Giáo”.

Đức Thánh Cha muốn bày tỏ chân lý trọng tâm này cho “một thế giới đôi khi gắn kết Thánh Danh Thiên Chúa với thù hận, thậm chí với căm hờn bạo lực được coi như một bổn phận. Cho nên trong thông điệp đầu tiên này Tôi muốn nói đến tình yêu Thiên Chúa chan chứa trên chúng ta, để rồi đến lượt chúng ta cũng phải chia sẻ tình yêu ấy với người khác”.

Thông điệp được chia làm hai phần: “Phần Thứ nhất thiên về suy tư nhiều hơn, vì vào buổi khởi đầu sứ vụ giáo tông, tôi muốn làm sáng tỏ ở đây những sự kiện cốt yếu về tình yêu Thiên Chúa đã hiến tặng cho con người một cách nhưng không nhiệm mầu, cùng là mối liên hệ nội tại của Tình Yêu ấy với tình yêu hiện thực của con người”.

Phần hai ứng dụng niềm tin ấy, tức là nói về cách Giáo Hội thực thi điều răn yêu mến, nhằm gây nên “trên thế giới này một sinh lực mới, một dấn thân mới của con người để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa”.

Tiếp đó vị giáo sư đi tìm ý nghĩa của từ “Yêu”. Ngày nay “tình yêu” là một từ được sử dụng nhiều nhất, chúng ta gán cho cùng một từ đó những ý nghĩa khác nhau. Ví dụ: yêu nước, yêu nghề, cha mẹ con cái yêu nhau, yêu người, yêu xã hội và yêu Thiên Chúa. Nhưng giữa tất cả những tình yêu ấy, nổi bật lên “tình yêu nam nữ” xem ra như là “một hứa hẹn hạnh phúc không gì cưỡng lại nổi”. Cho nên vấn đề đặt ra: “tất cả những dạng yêu thương ấy cơ bản có phải là một chăng, khiến cho tình yêu dù thể hiện đa dạng đa diện, nhưng xét cho cùng chỉ là một thực tại, hay là chúng ta đã dùng chỉ một từ mà ám chỉ những thực tại hoàn toàn khác nhau ?” ( Số 2 ).

II. Thiên Chúa dựng nên người ta có Nam có Nữ.

Trong thông điệp này, tình yêu nam nữ được hân hạnh mở đường đưa ta vào thế giới của tình yêu.

Đã rõ tình yêu nam nữ là một cao đỉnh của tình, thông điệp bàn luôn đến dục tính. Xưa nay tính dục ít có vinh dự được làm đề tài cho một thông điệp của Đức Giáo Hoàng. Vả lại, thông thường người ta cho rằng Giáo Hội có nói đến tính dục thì cũng là nói với một thái độ tiêu cực thôi, nghĩa là cảnh giác, bài xích, cấm đoán sự tội lỗi.

Bàn về tình dục, thông điệp “Deus Caritas Est” đưa ra lập luận có tính cách biện chứng, xin được giảm lược như sau:

1. Định đề: Tình dục có ý nghĩa tích cức của nó. ( Do đó phải có ý kiến phê bình Giáo Hội đã đàn áp tình dục ).

2. Phản đề: Phân tích và phê bình tình dục ( và do đó giải thích đạo lý của Giáo Hội ).

3. Hợp đề: Đặt chữ dục lại trong chữ tình.

1. Thông điệp Deus Caritas Est đã không ngại đề cao tình dục khi nói rằng dường như nó “hứa hẹn một hạnh phúc không gì cưỡng lại nổi”. Đã thế thông điệp đặt ra câu hỏi: “Phải chăng Giáo Hội với tất cả những điều răn cùng cấm đoán, đã biến cái điều quý báu nhất trên đời thành sự đắng cay ?” Thông điệp cũng công nhận rằng trong Đạo Ki-tô, từ xưa tới nay vẫn có những khuynh hướng “đối nghịch với thân xác”, và như thế những lời phê bình như của Nietzsche rằng “giới Ki-tô Giáo đã đầu độc tính dục” cũng có đôi chút cơ sở ( số 3 – 5 ).

2. Nhưng phê bình có đôi chút cơ sở không có nghĩa là phê bình đúng. Vừa nhìn nhận thực tại tính dục và một chút cơ sở của những lời phê bình đối với Giáo Hội xong, thông điệp liền chỉ rõ đâu là những độc tố khiến cho Giáo Hội thận trọng trước vấn đề tính dục. Đức Benedicto XVI duyệt qua từ những tôn giáo phồn thực cổ. Đức Giáo Hoàng nói tới “người Hy Lạp, cũng như nhiều nền văn hóa khác...” ( số 4 ), ( như thế ta nghĩ ngay đến từ những đạo thờ sinh thực khí, mà vết tích còn nhiều ở nước ta ) cho đến nền văn minh kích dục khiêu dâm hiện đại với thân xác con người, bản thân con người bị biến thành đồ vật, một món hàng bán buôn ( số 5 ).

Ít ra thì những tôn giáo phồn thực cổ còn gợi lên một ý niệm gì thiêng liêng. Người ngày nay hơn hay kém người ngày xưa ở chỗ đã vất bỏ cái phần thiêng liêng hư hư thực thực ấy, chỉ còn lại tính dục trơ trẽn, vô tâm. Khiêu gợi giữa chợ, bán buôn giữa chợ, chợ thật ngoài đời và chợ ảo trên các phương tiện truyền thông. Lòng dục cũng là một thứ ma túy, nó cho người ta những giây phút hưng phấn, nhưng lại gặm nhấm mất cái nhân phẩm.

Dần dần nó tạo cho những kẻ mê dục một thái độ khinh người rẻ của trong lãnh vực tính giao; xác thịt lên ngôi độc tôn thì giá trị tinh thần lần lượt tắt lịm. Có thể nói đến lúc đó thì tình dục chỉ còn lại chữ dục mà đã mất chữ tình.

Hiện tượng mê chữ dục mà mất chữ tình ngày nay ta thấy nhan nhản. Xin nêu vài ví dụ: Tệ nạn phá thai đang phổ biến là một bộ mặt trái của dục mà thiếu tình. Không hiểu sao những ân ái sôi nổi lại gần với sự nhẫn tâm hủy hoại sự sống đến thế, những yêu đương lại gần với tâm địa sát sinh đến thế. Một vị linh mục ở Kontum vừa gởi về cho chúng tôi những tấm hình chụp các thai nhi đã đầy đủ hình hài bị tống khứ khỏi bụng mẹ. Bên nghĩa trang dành cho các thai nhi có tấm bia với một bài thơ dài. Xin trích một đoạn:

“Con nằm đây hai tay chắp nguyện cầu
Lạy mẹ cha trăm ngàn lạy nữa
Hãy để con, cho con được sinh ra...”
Nhưng rồi...
“Con không có lời ru
Đưa con vào cuộc đời
Để con được làm người
Con không còn tiếng khóc chào đời...
Xin thắp lên cho con một ngọn nến...
Trong lòng đất lạnh...
Xin cắm cho con một cành hoa”

( Thơ Xuân Vũ Trần Đình Ngọc )

Bây giờ thỉnh thoảng lại thấy báo chí nói đến các cô dâu Việt Nam được “xuất khẩu” sang nước ngoài. Cha Nguyễn Văn Hùng ở Đài Loan gửi về cho chúng tôi nhiều chứng từ về những cô dâu thay vì được làm vợ thảo mẹ hiền, thì hóa ra phải làm “nô lệ tình dục”. Rất nhiều người, đặc biệt chị em phụ nữ đã bầy tỏ sự phẫn nộ và tủi nhục. Những chị em đã lập gia đình hạnh phúc đúng nghĩa với người nưới ngoài cũng mang tiếng oan lây. Mấy hôm trước đây, chúng tôi phải an táng một thiếu phụ có học hẳn hoi, vì hoàn cảnh gia đình cũng đã nhắm mắt đưa chân trong một cuộc hôn nhân có tính cách mua bán đó. Ít lâu sau, chị trở về Việt Nam trong tâm trạng trầm uất.

Bạn bè rủ chị đi Nhà Thờ. Chị đã định ngày hôm sau sẽ đi xưng tội. Không biết bị ngăn cản thế nào, thay vì đi xưng tội, chị đã treo cổ tự tử.

Thật ra, những điều linh mục Nguyễn Văn Hùng ở Đài Loan mô tả về tình cảm nhiều cô dâu Việt Nam còn khủng khiếp hơn gấp nhiều lần những điều báo Chosun của Hàn Quốc nói. Báo tuổi trẻ đã có loạt bài ( Xem Tuổi Trẻ những ngày cuối Tháng 5 – 2005 ) phản ánh tình cảnh khốn cùng đó. Nhưng không biết vì đâu sau đó tất cả lại chìm vào yên lặng. Tại sao ta không lắng nghe tiếng nói thiện chí và nhân ái của chính đồng bào ta, mà phải đợi đến báo chí nước ngoài bêu riếu mới làm ầm ỹ lên ? Và, quan trọng hơn nữa: ầm ỹ rồi thì có biện pháp gì hữu hiện để chữa lành những nỗi đau thể xác và tinh thần đó ?

Như một câu thơ Việt Nam đã mô tả: Kết cuộc của những mối tình đó là “Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi”

Khi tình dục đã quay lại huỷ hoại sự sống, thì tình dục là bạo lực.
Vì thế ở đây không đơn thuần chỉ là tình dục nữa, nhưng là cả một hệ thống xã hội đen trục lợi bất lương trên thân xác và hoàn cảnh nghèo khổ của người dân nước mình. Chúng tôi tự hỏi: Ở Tòa Thánh đã có ủy ban Công Lý và Hòa Bình, và nhiều Giáo Phận trên thế giới cũng có ủy ban này, phải chăng Giáo Hội Việt Nam chúng ta cũng cần có một ủy ban để đến với những nạn nhân của bất công và bất an đó ?

3. Số 4 và số 5 của thông điệp cho ta cảm nhận được tai họa đó. Có một thứ tình yêu bị đồng hóa hoặc bị chế ngự bởi nhục dục, gọi theo từ Hy Lạp là Eros ( do đó ngôn ngữ Tây Phương có những từ Erotisme, Erotique ): “Ái tình ( eros ) hứa hẹn sự vô tận, sự vĩnh hằng, một thực tại lớn hơn nhiều và hoàn toàn khác hẳn so với cuộc sống thường ngày”. Nói thế, rõ ràng là nhìn nhận một cách tích cực về tình dục, nhưng, liền đó có một chữ nhưng: “Nhưng... để đạt mục đích đó thì không thể đơn giản quỵ lụy bản năng. Cần phải có sự thanh luyện và trưởng thành, mà muốn thế thì phải hy sinh”. Thanh luyện, trưởng thành, hy sinh chẳng những không hề khước từ hoặc “đầu độc” tính dục, mà thật ra chữa lành và phục hồi sự cao cả của nó.

Sở dĩ như thế trước tiên là vì “con người được cấu thành bởi xác và hồn. Con người thực sự là mình khi xác và hồn kết hợp với nhau khăng khít; thách thức của Eros chỉ thực sự được khắc phục khi ta đạt được tình trạng xác hồn thống nhất. Giả sử con người muốn là tinh thần thuần túy mà hất hủi xác thịt coi như nó chỉ là phần thú tính ở nơi mình, thì cả tinh thần lẫn thể xác đều mất nhân phẩm; đàng khác, nếu con người phủ nhận tinh thần mà coi như chỉ có vật chất, xác thịt mới là thực tại duy nhất, thì cũng đánh mất luôn sự cao cả của mình... Không phải chỉ có tinh thần, cũng không phải chỉ có thể xác yêu, mà là con người, là nhân vị, là thụ tạo xác hồn đồng nhất, yêu. Chỉ khi nào cả hai chiều kích ấy thực sự thống nhất, thì con người mới đạt đến tầm vóc đầy đủ của mình. Chỉ như vậy thì ái tình, – Eros – mới chín, mới đạt đến sự cao cả của nó”... Chỉ khi ấy Eros mới mang tính cách “xuất thần” lên cõi Chúa, nó đưa ta vượt quá chính mình; chính vì lẽ đó mà nó cần một con đường đi lên, khổ chế, thanh luyện và chữa lành ( số 8 ).

III MẠC KHẢI MỚI VỀ TÌNH YÊU TRONG KINH THÁNH.

“Suy tưởng có phần triết lý trên đây về bản chất của tình yêu”. chúng ta đã tiến đến “ngưỡng cửa của Đức Tin theo Kinh Thánh”. Đức Thánh Cha trở lại với câu hỏi ban đầu: tất cả những tâm trạng khác nhau được diễn tả cùng bằng từ “yêu” có quy về một uyên nguyên duy nhất nào không, hay trái lại, chẳng liên hệ gì với nhau. Và câu hỏi đặc biệt quan trọng nữa là “sứ điệp yêu thương như Kinh Thánh và truyền thống Hội Thánh công bố cho ta có điểm nào tiếp giáp với cảm nghiệm thông thường của người ta về tình yêu không, hay là trái nghịch với cảm nghiệm đó” ( số 7 ).

Ngay từ đầu Thông Điệp, Đức Benedicto XVI đã nhắc lại rằng Cựu Ước Hy Lạp chỉ dùng từ Eros có hai lần, còn Tân Ước thì không dùng đến nó. Tân Ước lại thích dùng từ Agape, là một từ không thông thường lắm trong tiếng Hy Lạp (số 3 ). Vậy, ErosAgape sánh với nhau như thế nào ?

Eros gợi lên sự thèm muốn chiếm đoạt còn Agape thì hàm ngụ ý hướng hiến dâng, hiến tặng. Có thể nói Eros nặng về chữ dục Agape thì nặng về chữ tình. Nhưng “giả sử sự đối nghịch này được đẩy đến tận cùng, thì hóa ra bản chất của Đạo Ki-tô đã tách ra khỏi những sinh hệ căn bản của kiếp người, để làm thành một thế giới riêng, có lẽ là tuyệt vời đấy, nhưng dứt khoát cách biệt với tình huống phức hợp của nhân sinh”.

Vậy mà Eros Agape... lại không bao giờ có thể tách rời nhau hoàn toàn. Hai phương diện khác nhau ấy càng tìm được sự hợp nhất đặc thù trong cùng một thực hữu tình yêu, thì bản tính chân thực của tình yêu... càng thành hiện thực. Dù cho lúc đầu Eros chủ yếu là thèm muốn và lăm le chiếm đoạt, vì đã bị thu hút bởi một hứa hẹn hạnh phúc lớn lao, nhưng khi đến gần đối tượng, thì mỗi lúc mỗi bớt quan tâm đến mình, mỗi lúc mỗi gia tăng tìm kiếm hạnh phúc cho đối tượng, mỗi lúc mỗi thêm quan tâm đến người yêu, hiến mình để mong muốn “sống vì” người ấy. Thế là nhân tố Agape đã lọt vào tình yêu, bởi nếu không như thế thì Eros sẽ trở nên nghèo nàn, thậm chí còn đánh mất cả bản tính của mình. Mặt khác, con người không thể chỉ sống bằng tình yêu dâng hiến, quan hoài mà thôi. Không thể cho mãi được, còn phải nhận nữa. Bất kỳ ai muốn trao tặng tình yêu cũng phải nhận tình yêu như một món quà tặng” ( số 7 ).

Nếu được phép ví von, ta có thể nghĩ đến mối tình của người phụ nữ trong ca dao nam bộ:

“Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”.

Trong lời “cho thiếp theo cùng” có chất Eros, nhưng đến khi “đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”, thì Eros đã biến thành Agape rồi !

Do đó, “về cơ bản, “yêu” là một thực thể duy nhất, với những chiều kích khác nhau; vào những thời điểm khác nhau, chiều kích này hay chiều kích kia có thể nổi rõ hơn. Nhưng nếu hai chiều kích ấy hoàn toàn tách biệt nhau, thì kết quả chỉ còn là một bức biếm họa về tình yêu, quá lắm cũng chỉ là một thứ tình yêu bần cùng”. Và đến đây, Thánh Kinh mặc khải “những chiều kích mới của tình yêu” ( số 8 ).

Mạc khải Thánh Kinh tiết lộ cho ta một điều mới: ấy là cái tình của con người, với Eros và Agape, lại là một phản ánh của Thiên Chúa. Trong cõi siêu việt của Ngài, Thiên Chúa cũng yêu với Eros và Agape. Ngài yêu các thụ tạo của Ngài. Ngài yêu con người. Ngài yêu Dân Ngài tuyển chọn. Các ngôn sứ: “đặc biệt là Hôsê và Ezekiel đã mô tả nỗi đam mê của Thiên Chúa đối với Dân Ngài bằng ngôn ngữ luyến ái táo bạo” ( số 9 ). Mà vì thế Sách Diễm Ca, tức là một tập thơ tình, một tập tình ca đề cao tình yêu nam nữ ( số 6 ) cuối cùng lại “diễn tả được quan hệ của Thiên Chúa với con người, của con người với Thiên Chúa” và trở nên một “nguồn nhận thức và cảm nghiệm thần hiệp”, diễn tả chính cái huyền nhiệm con người có thể kết hợp với Thiên Chúa.

Nhưng Thiên Chúa đã nhìn thấy gì nơi thế giới này và nơi con người để mà yêu thương đến như vậy ? Hóa ra thế giới này và con người được tạo dựng có một giá trị thẳm sâu khiến cho Thiên Chúa cúi xuống và cuốn hút nó vào huyền nhiệm yêu thương của Ngài: “Thiên Chúa là uyên nguyên tuyệt đối của vạn vật; nhưng nguyên lý của vạn vật trong cõi tạo thành ấy... đồng thời cũng là một tấm lòng yêu mến với tất cả nỗi dạt dào của một tình yêu chân thực. Thành ra Eros được nâng lên cực điểm cao quý, nhưng đồng thời cũng trở nên trong sáng đến mức trở nên một với Agape” ( số 10 ). “Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người lớn đến nỗi Ngài trở nên người và đi theo con người cho tới mức bằng lòng chịu chết” ( số 10 ). Và đó là mầu nhiệm, là mạc khải Đức Ki-tô.

Từ con đường đi tìm chiên lạc đến con đường lên Golgotha, từ nhập thể đến bí tích Thánh Thể ( Thánh Thể với Agape là một, số 14 ), Thiên Chúa đã tự hiến mình để nên một với con người và yêu thương cho đến tận cùng ( số 12 – 13 – 14 ): “Đây là tình yêu ở dạng căn cội nhất. Chiêm ngưỡng cạnh nương long bị đâm thâu của Chúa Ki-tô ( Ga 19, 37 ), ta sẽ hiểu được thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” ( 1 Ga 4, 8 ) khởi đi từ đâu. Đây chính là nơi chân lý ấy phải được chiêm ngưỡng. Ta phải khởi đầu từ đó mà định nghĩa tình yêu. Chính trong sự chiêm ngưỡng đó mà Ki-tô hữu phát hiện đâu là đường sống, là đường yêu thương của mình” ( số 12 ).

Mở đầu câu chuyện, Đức Benedicto XVI có nói đến tính dục, nhưng khởi đầu thật của vấn đề không phải là tính dục, mà là trái tim bị đâm thâu của Chúa Ki-tô. Đó mới là uyên nguyên, là nguồn cơn. Và đó cũng là giải đáp cho câu hỏi lúc đầu: mọi thứ tình trên đời đều có một nguồn chung, phát xuất từ Thiên Chúa là Tình Yêu.

Từ uyên nguyên đó, có Eros, có Agape chảy tràn xuống cuộc đời. Người đồ đệ Chúa đón nhận lấy nguồn yêu thương cho riêng bản thân mình: “đương đối với Thiên Chúa duy nhất là hôn nhân nhất phu nhất phụ. Hôn nhân dựa trên tình yêu chính chuyên trọn đời trở nên hình ảnh của mối quan hệ của Thiên Chúa với Dân, của Dân với Thiên Chúa. Cách Thiên Chúa yêu thương trở nên chuẩn mực cho tình yêu của con người” ( số 11 ).

Người đồ đệ Chúa cũng để cho tình yêu thương của Thiên Chúa qua mình tràn vào thế gian. Biết rằng Thiên Chúa yêu thương con người, nên ta nhìn ai cũng thấy đó là “người thân cận” ( số 15 ).

Lm VŨ KHỞI PHỤNG CssR

No comments: