Tuesday 12 August 2008

BA MƯƠI NĂM CHẤM DỨT CHIẾN TRANH

BA MƯƠI NĂM CHẤM DỨT CHIẾN TRANH

VÀ LẬP LẠI HÒA BÌNH

Trần Ngọc Báu

Hiệp Định Paris ký ngày 27.01.1973, cách đây tròn 30 năm, có tên gọi là «Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam». Khác với Hiệp định Genève ký vội vàng vào ngày 20.07.1954 là một «Hiệp định đình chiến» giữa Pháp và Việt Minh, Hiệp Định Paris được 4 phe lâm chiến ký kết (Chính phủ Hà Nội, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam, Chính phủ Mỹ và Chính phủ Sài Gòn) sau gần 5 năm hòa đàm cam go (13.05.68 – 23.01.73), nhằm đề ra một giải pháp chính trị cho cuộc chiến. Theo đó, Hiệp Định Paris qui định những điều kiện phải thực hiện để chấm dứt xung đột quân sự, thành lập một chính phủ liên hiệp ba thành phần và xây dựng một Miền Nam Việt Nam (MNVN) hòa bình, trung lập, để rồi mai hậu sẽ đưa đến thống nhất đất nước trong hòa bình. Nói tóm gọn, tất cả đều căn cứ trên quyền tự quyết của nhân dân MNVN. Và điều kiện chính trị cơ bản để bảo đảm có thể bắt đầu xây dựng một nền hòa bình hợp với lòng dân là thành lập một chính phủ ba thành phần tại MNVN.

TẠI SAO PHẢI CÓ CHÍNH PHỦ « BA THÀNH PHẦN » ?

Từ 1973 đến nay, đã 30 mươi năm tròn, chẳng mấy ai đặt vấn đề là: Tại sao cuộc xung đột giữa hai phe đưa đến hòa đàm Paris --một bên là Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng MNVN, còn bên kia là Mỹ và Sài Gòn-- lại đề ra một giải pháp hòa giải không phải giữa hai thành phần đối nghịch nhau, mà là giữa ba thành phần? Nói cách khác, tại MNVN lúc bấy giờ, hai thành phần đối nghịch nhau là Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời MNVN (tức là Mặt Trận Giải Phóng) và Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Như vậy «thành phần thứ ba» là gì, có đối lập với hai thành phần kia hay không? Từ đâu nảy sinh ra một «thành phần thứ ba» trong cuộc diện hòa giải dân tộc, qui định bởi Hiệp Định Paris?

Thực ra, cái gì làm cho Mỹ và Hà Nội, hai thế lực mấu chốt nơi bàn hội nghị Paris, chính thức nhìn nhận phải có một «thành phần thứ ba» trong chính phủ liên hiệp tương lai của MNVN? Chắc là hai phe đối địch không đủ tư cách pháp lý và sự tín nhiệm của dân để lập lại hòa bình cho MNVN, nên phải cầu cạnh đến một thành phần khác gọi là «thành phần thứ ba»? Cầu cạnh hay vẽ vời? Chưa có một giải thích nào thích đáng, vì hình như cho đến nay chưa có ai truy nguyên và đặt thành vấn đề một cách thật sự nghiêm túc cả.

Quả nhiên, 30 năm qua, không thấy ai nghiêm chỉnh bàn đến vai trò chiến lược của «thành phần thứ ba» trong Hiệp Định Paris. Cứ sự thường, người ta phải hiểu nó là một thành phần «đệm», «trung dung», «ôn hòa», «hòa giải» giữa hai thành phần đối địch cực đoan, khi cần phải chấm dứt chiến tranh và cùng nhau xây dựng hòa bình. Thế nhưng dư luận xưa nay mặc nhiên coi như nó không có, hoặc có đó cũng như không! Đây phải chăng là một não trạng cố hữu của người Việt nói chung và của kẻ nắm quyền lực nói riêng: đó là hễ đánh nhau là đánh đến giọt máu cuối cùng, để rồi chỉ biết có kẻ thắng người bại, không chấp nhận có sự hòa giải (hay trung gian hòa giải), khinh thường quyền làm chủ và tự quyết của nhân dân (= dân ngu khu đen), nhất định đã chơi tay đôi là quyết ăn thua đủ với nhau thôi, như tục ngữ có câu «ăn làm vua, thua làm giặc»?

Số là kể từ khi Mỹ can thiệp quân sự ồ ạt vào chiến trường Việt Nam, nhất là từ năm 1965, có nhiều người dân ở MNVN đã không chấp nhận nổi giải pháp quân sự của Mỹ vì thấy rõ những tác hại muôn mặt khôn lường của nó. Họ thấy trước và chứng nghiệm từng ngày sự tàn phá thảm khốc toàn diện của chiến tranh trên đất nước. Họ thấy trước và chứng nghiệm sự lệ thuộc càng lúc càng sâu đậm của chế độ Saigon vào đường lối chiến tranh của Mỹ, cũng như sự lệ thuộc của chế độ cộng sản Hà Nội vào sự hỗ trợ của Liên xô và Trung Cộng. Họ thấy trước và chứng nghiệm khí thế hung hãn của đối phương vẫn gia tăng với nhịp độ can thiệp của Mỹ vào Việt Nam; theo họ, sự tăng cường chiến tranh áp đảo của Mỹ có tác dụng làm cho Hà Nội có thêm lý do can thiệp mạnh mẽ hơn vào MNVN và kéo dài thêm chiến tranh tàn khốc.

Hơn nữa, họ thấy trước và chứng nghiệm từng ngày lòng tự hào dân tộc bị thử thách, xúc phạm, hạ nhục, phẫn nộ cực độ, khi mà cuộc chiến do ngoại bang chi phối gây ra càng lúc càng nhiều cảnh máu chảy thành sông, xương chất thành núi, nhà cửa ruộng vườn tan hoang ở cả hai bên chiến tuyến. Những bài hát «phản chiến» của thanh niên MNVN từ giữa thập niên 60 đã nói lên điều đó. Theo họ, càng có sự can thiệp của ngoại bang, chiến tranh càng không có lối thoát, và hòa bình sẽ khó có thể là hòa bình của người Việt Nam cho người Việt Nam.

Theo những nguồn tin cẩn mật đáng tin cậy, chính Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng không hề muốn có sự can thiệp trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam, cho dù đã nhờ thế lực của Mỹ để chống lại Hiệp Định Genève 1954 và thành lập chế độ VNCH tại MNVN, cũng như đã chấp nhận đến 16 ngàn cố vấn quân sự Mỹ giúp huấn luyện cho quân lực VNCH. Diệm ngấm ngầm chủ trương hãy để cho người Việt Nam giải quyết các vấn đề Việt Nam, và vì thế đã bị người Mỹ tìm cách loại trừ[1]. Sau Diệm và dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Mỹ rảnh tay thao túng chính trường và chiến trường Việt Nam. Chính Mỹ đơn phương đổ quân ào ạt vào Việt Nam, dùng sức mạnh quân sự để cố khuất phục Hà Nội. Rồi cũng chính Mỹ đơn phương quyết định hòa đàm với Hà Nội, để rồi đơn phương rút quân ra khỏi MNVN mà không đòi hỏi đối phương cũng rút quân cùng một lúc.

Được ký giả Hồng Phúc phỏng vấn ngày 09.02.2003 trên đài phát thanh Tiếng Nói Người Việt Hải Ngoại tại Hoa Thịnh Đốn nhân kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp Định Paris, Ls Lâm Lễ Trinh[2] trả lời về những “bí ẩn lịch sử” như sau: «Đây là một cuộc chiến lạ kỳ. Thật vậy, Quốc Hội Hoa Kỳ không bao giờ có chính thức tuyên chiến với Bắc Việt tuy hằng năm, trong suốt cuộc chiến, Quốc Hội vẫn cấp ngân khoản để đánh giặc. Lạ hơn nữa, chính phủ Diệm và Thiệu không yêu cầu Hoa Thịnh Đốn ký với Việt Nam một hiệp uớc hỗ tương bảo vệ an ninh theo kiểu Nam Hàn. Thượng Viện Mỹ cũng không làm thủ tục hiến định để phê chuẩn Hiệp Định Paris (gồm 23 điều khoản) và bốn hiệp định thư. Sau ngày ký Hiệp định, 300 ngàn quân Cộng Sản vẫn ở lại Miền Nam, chiếm đóng cài răng lược, theo hình thức “da beo”. Trên hai chục năm chiến tranh, từ Diệm đến Thiệu, Hoa Kỳ ngăn VNCH tấn công ra Miền Bắc. Hoa Kỳ đã ngạo mạn Mỹ hóa, rồi Việt nam hóa chiến tranh, để điều đình theo ý muốn, một mình một chợ, với đối phương. Miền Nam đấu tranh để dành độc lập, tồn tại trong tự do. Hoa Kỳ đánh giặc để cân bằng ảnh hưởng với Trung Cộng và Nga Sô. Tháng 02.1972, Nixon gặp Mao tại Bắc Kinh và qua viếng Mạc Tư Khoa ba tháng sau. Số mạng của VNCH bị giải quyết giữa các đại cường từ lúc đó. Miền Nam bị bức tử.»

Chính những người chống lại đường lối đơn phương can thiệp này của Mỹ và thái độ “dễ bảo” của chính quyền Saigon, đang khi họ vẫn chống lại sự can thiệp của Hà Nội vào cuộc diện MNVN, những người này tự nhận mình là «thành phần thứ ba». Họ tin tưởng rằng đa số nhân dân thầm lặng, thắp cổ bé miệng, của MNVN cũng chia sẻ lập trường này của họ. Họ tin rằng họ đứng trên lập trường dân tộc, không phe phái, để đòi buộc hai phe Việt Nam lâm chiến phải xét lại thái độ hiếu chiến của mình trước khi quá muộn. Theo họ, tốt nhất là hai bên Việt Nam nên chủ động đưa ra những biện pháp hòa giải với nhau, vì nếu không thì một ngày nào đó các thế lực ngoại bang đối địch nhau cũng sẽ định đoạt một giải pháp trên đầu trên cổ người dân theo những quyền lợi thiết thực của họ. Đó là những gì đã xảy ra với Hiệp Định Paris, theo như nhiều người nghĩ!

Dĩ nhiên, so với hai thành phần kia, cái gọi là «thành phần thứ ba» không hề có mặt như một thực thể chính trị có một thế lực đáng kể nào tại MNVN và trên trường quốc tế. Điều đó dễ hiểu, --vì tiếng bom đạn long trời lở đất và lòng hận thù ngút ngàn đã liên tục lấn át tiếng nói của họ, --vì họ bị chèn ép cực kỳ thô bạo giữa hai lằn đạn của hai phe lâm chiến uống máu ăn thề không đội trời chung với nhau, --và vì họ không có kinh nghiệm đấu tranh dựa trên luật pháp quốc gia và công pháp quốc tế để tạo cho mình một tư thế có thẩm quyền đại diện cho một thành phần đông đảo dân chúng thầm lặng tại MNVN, bắt buộc được cả hai phe lâm chiến phải nể nang, tôn trọng.

Quả nhiên, ai cũng sẵn sàng dẹp bỏ họ, coi thường họ, nhìn họ như là những kẻ hoang tưởng, hão huyền, chuyên đòi hỏi những chuyện tầm phào, nào là dân chủ, dân quyền, nhân quyền, luật pháp, nhân đạo, hòa giải trong lúc phải tranh đấu một mất một còn với đối phương hung tàn. Thành phần chống cộng thường tố cáo «thành phần hiếu hòa» này về cái tội phản trắc, đăm sau lưng chiến sĩ, nối giáo cho giặc, làm suy yếu sức phấn đấu của binh sĩ ngoài mặt trận và tư thế chính trị của VNCH. Rốt cuộc, họ kết án thành phần này đã đem lại chiến thắng cho Việt Cộng tại MNVN, và rồi loại hẳn nó ra trong tiềm thức hay ký ức họ. Thông thường, người ta hay chế riễu «thành phần thứ ba» như là một thành phần «dởm», một cái bung xung, không có thực chất, mà Hà Nội đồng lòng với Mỹ đặt để trong Hiệp Định Paris để lợi dụng và để Mỹ yên tâm rút lui «trong danh dự».

Thực ra, Mỹ có coi trọng thành phần thứ ba này hay không, điều đó không quan hệ cho lắm, vì đàng nào thì Mỹ cũng rửa tay xách quần ra đi rồi. Cái đáng ngại hơn, chính là cả hai phe lâm chiến Việt Nam đều coi thành phần «người dân thầm lặng» này không ra ký lô nào cả. Việt Cộng thì quen chơi trò thấu cáy, tương kế tựu kế, luôn mồm đề cao tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, và làm ra vẻ hồ hởi giang rộng hai tay ra đón nhận phe «trung lập» này như là một đồng minh tự nhiên của mình! Còn chính phủ VNCH thì vẫn thường mắc kế đối phương, cho rằng thành phần này thân cộng hay ít ra cũng làm lợi cho Việt Cộng, nên sẵn sàng đàn áp họ. Cũng vì đó, Hiệp Định Paris mà có được đem ra thực hiện chăng thì có lẽ còn khuya mới đạt được hòa bình thực sự!

Lúc bấy giờ, chẳng mấy ai coi trọng giá trị pháp lý của Hiệp Định Paris qui định một chính phủ ba thành phần này, để rồi tận lực bảo vệ nó. Lúc bấy giờ, người dân Saigon nào đòi thi hành Hiệp Định Paris đều bị kết án là thân cộng, cộng sản. Như vậy, rõ ràng là chế độ Saigon không có tự tin, tự trọng, và không dám tin vào sức mạnh của dân mình, cũng như không có một lập trường tích cực xây dựng nào cả, mà chỉ biết chổng mông kêu trời vì đã lỡ bán đứng linh hồn và xác cho Mỹ để rồi bị Mỹ bán đứng cho Việt Cộng với Hiệp Định Paris! Chính vì thế, họ thấp thỏm lo rằng còn Mỹ là còn Việt Nam Cộng Hòa, hết Mỹ là hết VNCH để rồi họ chỉ còn một nước là chuẩn bị co giò bỏ chạy thoát thân thôi! Trong bài phỏng vấn phát thanh của Hồng Phúc nói trên, Ls Lâm Lễ Trinh nói có hỏi TT Thiệu «vì sao ông không ở lại đến cùng để chiến đấu với dân tộc», và được trả lời như sau: «Anh đã thấy việc gì đã xảy ra cho Cụ Diệm khi Cụ cương quyết chống đối đến cùng!» Nghĩa là ông tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu buộc lòng phải bỏ chạy vì sợ bị Mỹ thảm sát như Diệm! Đang khi đó rõ ràng là Việt Cộng hô hào hòa giải ngoài miệng, nhưng đã thủ sẵn dao búa và lưỡi liềm để hạ thủ dứt khoát một lần cho xong chế độ Saigon rồi!

CHẤM DỨT CHIẾN TRANH NÀO, VÀ LẬP LẠI HÒA BÌNH NÀO?

Nói rằng đã ba mươi năm rồi, chiến tranh đã chấm dứt và hòa bình được lập lại tại Việt Nam. Nhưng thử hỏi thực ra chiến tranh nào đã chấm dứt và hòa bình nào đã được tái lập? Thứ nhất, nếu Saigon bị ép buộc nhất thiết phải thực hiện Hiệp Định Paris, thì liệu hòa bình, hòa giải và hòa hợp thực sự có được thực thi nghiêm chỉnh không? Trong tình thế vàng thau lẫn lộn, đầy nghi kỵ hận thù lúc bấy giờ, chắc là không rồi. Và thứ hai, nếu quân lực Miền Bắc không đơn phương tổng công kích và tràn ngập MNVN vào ngày dứt điểm 30.04.75 thì liệu chiến tranh có chấm dứt không? Chắc là không! Thực vậy, chữ ký chưa ráo mực thì cả hai phe Việt Nam đối nghịch nhau đều đã xé bỏ Hiệp Định Paris rồi. Chính TT Thiệu đã nói trên Đài phát thanh Saigon sau đó rằng ông cho phép bắn bể đầu bất luận «thằng Việt Cộng» nào, dù nó chỉ về để ngồi ăn phở khơi khơi giữa Saigon.

Quả là thế, chẳng phe nào muốn chấm dứt chiến tranh cả, chỉ có Mỹ là dứt khoát thôi! Ngày 29.03.1973 quân đội viễn chinh Mỹ đã hoàn tất việc rút khỏi MNVN. Như vậy, thực ra chỉ có chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam là thực sự chấm dứt thôi, vì Mỹ đã ký kết và đã thi hành đúng theo Hiệp Định Paris, và cho đó là rút lui «trong danh dự»! Còn lại, cuộc chiến tranh giữa người Việt với nhau chưa hề chấm dứt đúng như những qui định của Hiệp Định Paris và đúng như lòng dân mong muốn.

Thực ra, cuộc tổng tiến công vào MNVN của Hà Nội đã xảy ra trước con mắt hững hờ và chán chường của Mỹ và các chính phủ trên thế giới, xem như họ để mặc cho người Việt Nam thanh toán nội bộ với nhau. Hà Nội, từng chủ trương «đánh cho Mỹ cút ngụy nhào», đã coi cuộc «đại thắng Mùa Xuân 75» của họ như một sự trừng phạt «bọn ngụy Saigon» bằng vũ lực, để rồi áp đặt một thứ hòa bình và thống nhất kiểu rừng rú, bất chấp luật pháp, không có dự trù ở một điều khoản nào trong Hiệp Định do Hà Nội đặt bút xuống ký nơi bàn hội nghị Paris cả.

Cho đến nay, người dân vẫn coi là MNVN bị «bức tử», chứ không hề tự quyết chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình nào cả. Bởi cả hai phe đối địch đều không coi trọng lòng dân mong muốn có tiếng nói trong một nền hòa bình được tái lập thể theo quyền lợi tối thượng của nhân dân và đất nước. Hòa bình do Hà Nội mang đến là thứ hòa bình bị áp đặt bởi họng súng, chớ không bởi sự tự nguyện hòa giải. Ngày 30.04.75, vừa khi chiếc xe tăng Bắc Việt tông ngã cánh cổng Dinh Độc Lập, Đại tá Bùi Tín và các tay súng kè kè đã bước vào Dinh với tư cách kẻ chiến thắng. Lúc bấy giờ, Bùi Tín đã phản bác ngay vị Tổng thống «một ngày» Dương Văn Minh khi ông ngỏ lời «bàn giao quyền hành» lại cho phe Cách Mạng. Bùi Tín nói phăng: «Tình hình đã thay đổi! Các ông không còn gì để bàn giao nữa cả!» Trước họng súng của kẻ chiến thắng, Dương Văn Minh và bộ tham mưu của ông đành phải chấp nhận làm kẻ đầu hàng, thua cuộc, thế thôi. Không còn có chuyện tình tự dân tộc, hòa giải hòa hợp lôi thôi gì nữa ráo, biết chưa, thưa quí vị! Chính vì đó mà từ ngày 30.04.75 đến nay, «cột đèn vẫn muốn ra đi» theo gót chân hằng triệu người dân liều chết «đi chui» như người ta chạy giặc, - «giặc Cộng» -, và mới trong tháng tư này vẫn còn thấy hai tốp thuyền nhân vuợt biển tìm đến bến bờ tự do Nam Dương.

Thực ra cái gọi là hòa bình Hà Nội đem đến cho MNVN là gì ? Cái đập ngay vào mắt người dân MNVN trong những ngày đầu tiên là người Hà Nội ganh nhau đi cướp nhà, cướp xe, cướp dinh thự, «tháo vác» nhiều cơ xưởng máy móc đem ra Miền Bắc, tịch thu hầu hết tài sản của nhà thờ và chùa chiềng, v.v. Biện pháp trả đũa đầu tiên của Hà Nội là ra lệnh đày đọa tập trung «ngụy quân ngụy quyền» mút mùa ở những «trại học tập cải tạo». Thay vì một giải pháp «hòa giải» như Việt Cộng đã từng bô bô tuyên bố trước đó, Hà Nội đã ra tay trả thù và hạ nhục họ, và loại trừ họ ra khỏi mọi sinh hoạt quốc gia. Rồi đợt đổi tiền lần thứ nhất tiếp theo sau đó đã móc túi dân chúng MNVN, để rồi mỗi đầu người chỉ còn lại có 200 đồng bạc Hồ.

Tiếp theo, vào cuối năm 1975 đầu năm 1976, Hà Nội đơn phương dẹp bỏ không kèn không trống Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời MNVN (tức Mặt Trận Giải Phóng), đã một thời được Hà Nội đề cao là một chính phủ lâm thời của MNVN đã được hơn 60 nước trên thế giới nhìn nhận; xong rồi Hà Nội đơn phương tuyên bố thống nhất đất nước. Đang khi đó, một thành phần đông đảo dân chúng tại các thành phố «ngụy» Miền Nam bị đày đi các vùng «kinh tế mới» để tăng gia sản xuất, nhưng thực chất là bị «đem con bỏ chợ», sống dở chết dở. --Về sau, một số lớn phải dội về thành phố sống lang bạt, chết lên chết xuống vì không có «hộ khẩu», bị hất hủi, đuổi xô, trở thành vô gia cư vô nghề nghiệp--.

Kế đến, thành phần tư sản MNVN bị bất thần bố ráp trong một chiến dịch kinh hoàng gọi là «đánh tư sản mại bản». Rồi lại tiếp đến một lượt «cải tạo công thương nghiệp», quét sạch các xí nghiệp nhỏ và tiệm buôn nhỏ. Thế nghĩa là nhà nước muốn bòn rút tài sản và kềm kẹp tối đa thành phần kinh tế «tư sản» và «cá thể», để chỉ còn lại chủ yếu 3 thành phần kinh tế «quốc doanh», «hợp doanh» và «hợp tác xã», do chính nhà nước chỉ đạo. Cuối cùng, trận đổi tiền lần thứ hai vào năm 1986 đã móc sạch túi dân MNVN và đánh sạt luôn nền kinh tế thoi thóp lúc bấy giờ.

Và cứ thế, Hà Nội cố đẩy MNVN và cả nước «tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội», tức là tiến thẳng lên thiên đàng cộng sản từng mơ ước! Này đây, thử lấy một ví dụ cụ thể nhỏ thôi để biết rõ cái thiên đàng bánh vẽ này là gì. Số là trên vùng «kinh tế mới Bầu Trư», (nay gọi là xã Tân Lập), nằm trên đường đi Lộc Ninh cách Saigon 80km về hướng Bắc, mỗi hộ dân chỉ được cấp một mái lá thưa thớt với bốn cột nhà lộng gió trên một khoảnh đất gia cư còn lởm chởm gốc tranh, vài cán cuốc và 6 tháng khẩu phần gạo nước mắm. Với những cây cuốc thô sơ ấy và với cái bụng lép trong 6 tháng nuôi bằng gạo mốc cũng như với cái bụng đói tiếp theo đó, cả lũ người dân kinh tế mới già trẻ lẫn lộn gốc Sàigòn này phải đi «lao động tập thể» mỗi ngày trên một thửa đất khô cằn còn đầy những gốc tranh (tranh có rễ ăn rất sâu vào lòng đất và cần phải để ra rất nhiều năm tháng để đào xới và biến đất hoang thành đất trồng trọt thuần thục). Lao động tập thể là làm việc như một công nhân nghề nông trong một «hợp tác xã nông nghiệp», ăn đồng chia đều, đồng lao cộng hưởng. Vừa vì đói lại vừa vì cảnh «cha chung không ai khóc», suốt mấy năm liền công cuộc làm ăn tập thể đã hoàn toàn thất bại, đưa đến cảnh đói ăn thảm khốc chưa từng thấy. Lúc bấy giờ, nhóm người đại diện các tổ dân cư xin với chính quyền xã cho phép mỗi hộ dân được «làm ăn cá thể» (nghĩa là mỗi nhà tự khai thác lấy mảnh đất của mình) trong vòng 3 năm cho khấm khá lên cái đã, rồi sẽ nhập lại thành «hợp tác xã» như lúc bấy giờ, thì mới mong có cơ phát triển lên được. Tên cán bộ xã-ủy (cấp lãnh đạo cơ sở của Đảng) đã hoặm họe như khúc gỗ: «Các anh tưởng 30 năm đấu tranh gian khổ mới có ngày hôm nay được tiến lên chủ nghĩa xã hội, để rồi đi lùi về lối làm ăn cá thể như các anh bảo hay sao?» Đến thiên đàng rồi, sao lại đòi xuống hỏa ngục!

Thế đấy, từ ngày «cách mạng thành công», các thứ tự do dân chủ, kể cả những sáng kiến hữu lý từ phía dân, đều bị giới hạn, chận đứng, hoặc bóp nghẹt. Mọi cuộc tập họp đều bị cấm đoán. Các linh mục tu sĩ phải trở về vị trí cố định của người tu hành, nghĩa là chỉ được lo việc tế tự trong khuôn viên nhà thờ hay chùa chiềng của mình, và không được dễ dàng di chuyển đi lại, hoặc đến một nơi nào khác. Tất cả mọi tổ chức hay sinh hoạt đoàn thể trước đó đều bị giải tán, và chỉ có những đoàn thể hay tổ chức của nhà nước mới được hoạt động. Các cơ quan truyền thông đều được nhà nước đặt để và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Ban Tuyên Huấn của Đảng CSVN. Những sinh hoạt kinh tế bình thường của người dân đều hầu hết phải thông qua «hợp tác xã», nghĩa là bị nhà nước chỉ huy và qui định ở cái mức tối thiểu. Thực ra, mức tối thiểu đó đã làm cho tất cả người dân MNVN bị bần cùng hóa, đói rách, với số khẩu phần lương thực được phân phối một cách dè xẻng, gồm những thứ như gạo mốc, khoai sùng, bo bo và nước mắm làm bằng muối.

Nông dân MNVN cũng chẳng khá gì hơn người dân thành thị. Chẳng là ai cũng biết nông dân là thành phần chủ chốt hy sinh nuôi cả nước trong suốt thời chiến cũng như thời bình. Vào năm 1978, họ chỉ mong được trao đổi sòng phẳng nông phẩm làm ra để nhân lại những sản phẩm công nghiệp của thành phố (thay vì bán cho Hợp Tác Xã với giá rẻ mạt để rồi chẳng mua lại được gì) thì bị ngay ông Đảng-ủy thành phố Hồ Chí Minh Trần Trọng Tân mắng càn rằng: «Nông dân lấy quyền gì để đòi hỏi? Này, nếu không có Đảng giải phóng MNVN cho, thì nông dân làm gì có ruộng để cày mà đòi!» Tóm lại, người dân đã sáng mắt ra trước màn thực hiện «hòa bình, hòa giải, hòa hợp» mà Hà Nội trao tặng cho MNVN. Hậu quả, nước «Việt Nam xã hội chủ nghĩa» tụt hậu đến hàng những nước nghèo đói nhất thế giới. Cuộc đổi đời đã hoàn tất và hòa bình theo kiểu cộng sản đã hoàn toàn ngự trị trên đất nước.

Với tựa đề «30 tháng Tư, 28 năm nhìn lại», Trần Viết Đại Hưng viết vào một ngày cuối tháng Tư 2003: «Miền Nam Việt Nam sụp đổ đến nay đã hai mươi tám năm. Đến bây giờ người ta mới thấm thía câu nói của người xưa “nước mất thì nhà tan”. Cả Miền Nam tan tác như đàn ong vỡ tổ bay tán loạn, vợ mất chồng, cha mẹ mất con. Hầu như gia đình nào cũng đổ vỡ tan hoang theo vận nước nổi trôi. Chỉ có những người chiến thắng Miền Bắc là những người hân hoan thu lợi chiến lợi phẩm theo chủ trương «vào, vơ, vét, về». Cướp của chưa đủ, những người cộng sản đã bày ra những trại cải tạo để tiêu diệt những người ngã ngựa Miền Nam. Miền Nam đã không bị tắm máu ngay tức thì như những ký giả ngoại quốc tiên đoán, nhưng bị phơi xương ở những năm sau đó. Những nắm mồ quanh trại cải tạo vẫn tiếp tục mọc lên dù đất nước đã hết chiến tranh, tiếng súng tiếng bom đã ngưng. Từ trong những trại cải tạo đã có những câu thơ thống thiết, bất hủ, được chuyển ra :

Bao năm chinh chiến ta gần gũi

Giờ đã thanh bình lại biệt ly. »

Và cứ thế, tác giả nêu lên cái cảnh sống quần quại trong nhục nhằn tại quê hương, cũng như những cuộc tranh đấu hào hùng đây đó của vài người dân mới chớm lên đòi tự do, dân chủ, dân quyền, nhưng lại bị đàn áp dã man thậm tệ. Liếc nhìn vào báo chí, hệ thống truyền thông và mạng lưới viễn thông ngoài nước, người ta không ngớt nghe thấy bà con vẫn tiếp tục nói lên những nỗi buồn da diết biệt ly, xa cách ngàn dậm quê hương nơi đất khách quê người. Đây đó vẫn đầy dẫy những lời ta thán, oán hận, chửi rủa, thậm chí văng tục nhắm vào những nhà cầm quyền hiện nay tại Việt Nam.

Tuy nhiên, phải công bình mà nói, kể từ năm 1990 trở lại đây, cuộc sống người dân trong nước có phần dễ thở hơn, nhờ ơn mưa mốc của Đảng CSVN đã nới tay với chính sách «đổi mới» kinh tế. Thực ra, bị buộc phải đổi mới hay là chết, Đảng CSVN vẫn một mực «đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa», nghĩa là đổi kiểu làm ăn cũ để theo lối làm ăn kinh tế thị trường, cốt để củng cố quyền lợi và quyền lực của Đảng và Nhà Nước trên tiềm năng đối kháng gia tăng của dân chúng mỗi ngày một bất lợi cho Đảng. Dĩ nhiên, đổi mới kinh tế như thế còn có nghĩa bù lại là phải siết chặt những quyền tự do mà Đảng cho rằng có thể làm nguy hại cho quyền thống trị độc tôn của Đảng, trong đó có những quyền tự do chính trị và tôn giáo.

Xin cứ xem tiếp một đoạn Trần Viết Đại Hưng tố giác: «Hai mươi lăm năm đã trôi qua. Khoảng thời gian một phần tư thế kỷ này cũng đủ để cho nhân dân hai miền thấy rõ sự tệ hại không thể tưởng tượng nổi của bọn lãnh đạo Bắc Bộ Phủ. Ngoài nghề giết người chuyên nghiệp, chúng hầu như bất lực trong việc quản trị và xây dựng đất nước. Ngày nay ở Việt Nam nảy sinh ra một thứ cường hào ác bá mới mà người ta gọi là “tư sản mại bản đỏ”, cũng bóc lột hành hạ nhân dân như bọn cường hào ác bá thời phong kiến, mà có phần độc ác hơn vì chúng cứ nhân danh “cách mạng” để đàn áp và cướp bóc, nhân dân không có phương tiện để chống đỡ.»

Và tác giả tiếp theo: «Trong những ngày tháng gần đây, Cộng Sản Việt Nam lại tung ra một đợt càn quét mới để bố ráp những người đấu tranh cho dân chủ như Phạm Quế Dương, Trần Dũng Tiến, và mới đây là Nguyễn Đan Quế. Chúng tưởng rằng với cung cách cai trị thô bạo cũ, chúng sẽ dập tắt mọi sự đối kháng, nhưng tình thế ngày hôm nay không còn giống như hồi 1975.»

BÀI HỌC NÀO RÚT RA TỪ THẢM TRẠNG VIỆT NAM ?

« Tình thế hôm nay không còn giống như hồi 1975» nghĩa là gì? Theo tác giả TV Đại Hưng và nhiều người tị nạn Việt Nam ở ngoài nước, thì người dân trong nước giờ đây đã thức tỉnh và đang đứng lên quyết chống chế độ độc tài cộng sản vào lúc mà xu thế toàn cầu đang có lợi cho phe đấu tranh dân chủ ở trong nước. Trái lại, tác giả có thể nghĩ rằng, năm 1975, chế độ Saigon đã không còn hậu thuẫn của dân chúng, của Mỹ và quốc tế nữa, để rồi đành phải bỏ cuộc chạy làng. Có hoàn toàn như thế không? Thật ra phải nói rằng ngày nay bị kềm kẹp dưới chế độ độc tài đảng trị, «nhân dân không có phương tiện để chống đỡ», theo như tác giả viết, đang khi năm 1975 nhân dân còn có cả một đất nước, một chính quyền, một quân lực hùng hậu và nhiều phương tiện chống đỡ cực kỳ hữu hiệu hơn kia mà! Không lẽ những điều kiện khách quan và chủ quan lúc bấy giờ trở nên bất lợi đến nỗi cho phép giới hữu trách của VNCH được quyền chấp nhận sự chủ bại và được quyền tự động đào thoát khỏi trách nhiệm lãnh đạo đất nước vào những giờ phút cực kỳ nghiêm trọng như vậy sao? Và chẳng lẽ nhân dân lúc bấy giờ cũng buông xuôi để mặc cho tình thế cuốn đi chăng? Nếu có ai nói như vậy thì làm sao nghe được chớ!

Nào, thử nhìn với con mắt tích cực để xét lại xem, vào năm 1975, tối thiểu là chế độ Saigon vẫn còn được quốc tế nhìn nhận là một quốc gia độc lập kia mà, vẫn còn một đạo quân thiện chiến trên triệu binh sĩ, vẫn có một bảo đảm quốc tế đối với một Hiệp Định Paris nhằm chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam, vẫn có một «thành phần thứ ba» sẵn sàng lót đường cho công cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc dựa trên sự hưởng ứng của ít ra là một phần dân chúng MNVN, và có cả Mặt Trận Giải Phóng tuy làm tay sai cho Hà Nội nhưng vẫn còn có người trong đó tha thiết với vận mệnh đất nước và nền hòa bình thật sự của MNVN. Nếu chế độ Saigon biết tận dụng những điều kiện khách quan và chủ quan ấy thì tình thế đã không suy sụp khốn nạn như đã xảy ra.

Nói cách khác, nếu Saigon biết dựa vào công pháp quốc tế, dám tin vào dân, vào sức quật khởi nghìn đời của dân, biết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân MNVN, dám thật lòng sống chết cùng với nhân dân quyết liệt đấu tranh cho dân chủ, dân quyền, nhân quyền, luật pháp, nhân đạo, hòa giải và đòi phải được thực thi nghiêm chỉnh Hiệp Định Paris tại MNVN (vâng, chỉ cần làm giống như chủ trương của «thành phần thứ ba» mà thôi cũng đủ rồi), thì ít ra nhân dân MNVN lúc bấy giờ cũng còn có chỗ dựa, tư thế và cơ hội tốt hơn bây giờ bội phần để chống đỡ lại sức khống chế áp đảo của Hà Nội. Ví bằng có thất bại và có cùng chịu sự đàn áp với nhân dân đi chăng nữa, thì ít ra những gương yêu nước sáng ngời của phía VNCH và «thành phần thứ ba» cũng sẽ trở nên mầm mống và điểm tựa vững chắc hơn bây giờ cho sự chỗi dậy mạnh bạo chống lại sự điêu ngoa, gian xảo, độc quyền yêu nước của phe cánh Cộng Sản Việt Nam kể từ 1975 trở lại đây.

Theo quyển sách «Cuộc chiến thắng bị bỏ lỡ», Thời Luận 2001, của Luật sư Stephen Young viết với tư cách là một cộng sự viên thân tín của Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker tại Saigon (1967-1973) với tất cả các chứng liệu về chiến tranh Việt Nam của Bunker mà ông được tự do tham khảo, thì lẽ ra VNCH không thể bị đánh bại dễ dàng như vậy. Ông Young nghiêm chỉnh xác nhận như một chứng nhân thời đại là Đại sứ Bunker đã được Tổng thống Johnson bổ nhiệm đến Saigon vào tháng 4, 1967, với một sứ mạng bí mật (không hề được công bố) là chuẩn bị cho MNVN đủ lực để tự vệ sau khi Mỹ rút lui khỏi chiến trường và chính trường Việt Nam. Đs Bunker được mãn nhiệm sau 6 năm hoàn thành công tác, theo ông Young, tức vào tháng 5, 1973, lúc mà Hiệp định Paris đã thành tựu và việc rút quân Mỹ khỏi Việt Nam đã hoàn tất.

Như vậy là, theo ông Young, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phó TT Nguyễn Cao Kỳ đã được Đs Bunker thông báo bằng nhiều cách và nhiều lần khác nhau rằng Mỹ chủ trương đánh mạnh nhằm làm suy yếu lực lượng đối phương, để rồi sẽ việt-nam-hóa chiến tranh và rút quân khỏi MNVN, tất cả để nhằm tạo cho chính phủ Saigon có thời cơ xây dựng vững mạnh một guồng máy chính trị và một quân đội hùng mạnh, đủ sức để tự vệ và tự lực chiến thắng Việt Cộng. Được chuẩn bị kỹ đến như thế, lẽ ra giới lãnh đạo Saigon không có gì để bị bất ngờ với những hệ quả của bản Hiệp Định Paris, và lẽ ra MNVN đã không thể bị «bức tử» như đã xảy ra! Theo ông Young, về phần mình, ông Bunker và chính phủ Mỹ đã thành đạt tất cả những gì phải làm để chuẩn bị cho Saigon đứng vững và chiến thắng, ngoại trừ những trắc trở khá nghiêm trọng xảy ra liên miên ngoài ý muốn đến mức góp phần đưa đến sự thất bại cay đắng của Saigon. Đó là nội dung quyển sách dầy hơn 500 trang, khổ 13x21, của ông Steven Young được Nguyễn Vạn Hùng dịch ra và xuất bản bằng bản tiếng Việt.

Ông Young có chân thành biện hộ cho chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam chăng, điều đó chắc chắn là có. Tuy nhiên, ông cũng đã nhiều lần thẳng thắn phê bình hoặc lên án gay gắt lề lối lãnh đạo và điều hành cuộc chiến quá hỗn độn và mâu thuẫn về phía Mỹ, giữa phe phản chiến này với phe chủ chiến nọ, giữa quốc hội với chính quyền, giữa báo chí với giới hữu trách. Thực vậy, ở chương cuối «Cuộc chiến thắng bị bỏ lỡ», ông viết : «Hiệp Ước Hòa Bình Paris ký ngày 27 tháng 1 năm 1973, thực chất chỉ bao gồm Hà Nội và Henry Kissinger. Hà Nội thì được phép dùng quân đội của họ để lật đổ Miền Nam mà không gặp phản ứng nào của Hoa Kỳ; còn Hoa Thịnh Đốn thì quay lưng lại cuộc chiến mà họ từng can dự và trút đổ trách nhiệm việc mất Miền Nam là do Thiệu gây ra. Điều khả tín là nếu chính quyền của Tổng thống Nixon không bị vụ Watergate làm tê liệt thì cá nhân ông, với quyền hạn của một tổng thống cho phép, Nixon có thể dùng toàn bộ vũ lực để chặn đứng mọi mưu toan vi phạm hiệp ước do Hà Nội gây nên. Thế nhưng cái hiệp ước mang tên là Hòa Bình đó lại chẳng chứng tỏ một chút nào là hòa bình: Hà Nội vẫn tiếp tục xăm lăng trong khi Hoa Kỳ thì lo tháo chạy.» (sđd, tr. 519)

Ông Young viết tiếp : «Ngày 1 tháng 7 năm 1973, quốc hội quyết định, trong tài khóa 1974, Mỹ chấm dứt mọi viện trợ quân sự tại Đông Dương. (…) Nhưng điều sai lầm hơn cả, quốc hội cắt mọi yểm trợ quân sự và kinh tế cho Miền Nam Việt Nam kể từ tài khóa 74-75.» (sđs, tr. 520). «Trong lúc Nga Sô tăng cường viện trợ ồ ạt cho Bắc Việt thì viện trợ Hoa Kỳ đảo ngược tại Miền Nam.» (sđd, tr. 521). «Sau Hiệp Định Paris, chính phủ Thiệu chỉ còn khả năng đài thọ cho một quân nhân một Mỹ kim mỗi ngày bao gồm lương bổng, vũ khí, đạn dược, quân trang… Chính vì thế mà quân đội phải cắt giảm mọi thứ… » (sđd, tr. 521)

Dù sao, có điều chắc chắn là ông Young vẫn tin tưởng là lẽ ra chính quyền Saigon đã có thể chiến thắng Việt Cộng, với sự trợ giúp vô cùng to lớn của quân lực Mỹ và với nhiều nỗ lực dìu dắt, dạy bảo, tiếp tay, hướng dẫn, nâng đỡ từ phía Tòa Đại Sứ Mỹ ở Saigon («Ông già tủ lạnh» Bunker là ông cố nội của Thiệu-Kỳ mà!). Giới lãnh đạo Saigon dĩ nhiên phải hiểu rằng có hay không có hội nghị Paris 1968-73, thì tiến trình việt-nam hóa chiến tranh và rút quân Mỹ là chuyện tất yếu phải xảy ra. Ngoài ra, cứ sự thường thì một cuộc chiến tranh trước sau gì cũng đưa đến hòa đàm, đó là một điều tất nhiên mà mọi người có thể hiểu được và phải chấp nhận. Hơn nữa, cuộc thương lượng giữa đôi bên cũng phải có sự tương nhượng mới mong thành đạt một hòa ước. Vả lại, việc chuẩn bị để Saigon có một đạo quân thiện chiến và hùng hậu có thể đương đầu với CS đã được hoàn tất, theo ông Young. Thế có nghĩa là, về phía Việt Nam, chính quyền Saigon phải chịu một phần lớn trách nhiệm trước sự sụp đổ của MNVN, theo như ông Young muốn cho người đọc hiểu như vậy chăng?

Dù muốn dù không, khách quan mà nói, giới lãnh đạo MNVN có đến 5 năm dài hòa đàm để chuẩn bị tinh thần dân chúng, quân đội và giới chính trị Saigon chấp nhận sự tự lực đương đầu với Việt Cộng. Nếu không làm nổi chuyện này thì đừng có than thân trách phận làm gì! Theo như sự nhận xét của Ông McNamara trong cuốn hồi ký của ông, (nói trong điểm ghi chú 1 ở trên), thì chính quyền Saigon không có đủ quyết tâm và năng lực tự vệ, hoặc bất lực trong việc lãnh đạo quốc gia, nên lẽ ra Mỹ đã phải rút đi khỏi MNVN nhiều lần rồi, hoặc vào cuối năm 1963, hoặc vào cuối năm 64, hay đầu năm 65, nhân có những vụ tranh dành quyền lực giữa các tướng lãnh làm xáo trộn và suy yếu nền mống chính trị và quân sự xứ này. (Xem sđd, tr.310-311).

Còn ông Young nhận định rằng, trong tình thế lúc bấy giờ, «Thiệu đã không tiên liệu đúng những khó khăn. Ông đã không chứng tỏ được là một người có thiên tài khi phải đối đầu và giải quyết ở tình huống đầy khó khăn, trắc trở. Đôi lúc, ông đã thiếu tính thực tiễn và lòng độ lượng đối với thuộc cấp.» (sđd, tr.522).

Sau Hiệp Định Paris, theo ông Young, « trong lãnh vực chính trị, Thiệu ngày càng trở nên cô đơn, ngoại trừ một số chính trị gia thân tín cùng đảng với ông ta. Tháng 6 năm 1974, Thiệu đã tu chính hiến pháp, để Thiệu tiếp tục tái tranh cử. Trước sức ép của Cộng Sản, Thiệu vẫn không đoàn kết nổi các tôn giáo, các đảng phái chính trị để hậu thuẫn cho ông.» (sđd, tr.522). Đến nước đó rồi mà Thiệu vẫn còn chưa biết cái ghế của mình đã rung rinh, lại còn đòi làm thêm một nhiệm kỳ 4 năm tổng thống nữa, thì làm sao có được sự hâu thuẫn của dân! Rồi đến giây phút chót mới thấy rõ Mỹ muốn bỏ rơi VNCH (!!!), Thiệu « không còn ý chí để lãnh đạo đất nước ông », rồi « Thiệu hỏi người chiêm tinh gia» để được trả lời là «Cộng Sản sẽ chiếm Miền Nam» (xem sđd, tr.523). Dựa vào sức mạnh nhân dân thì Thiệu không cần dựa, hỏi ý nhân dân thì Thiệu không màng hỏi; mọi cái Thiệu chỉ trông chờ vào Mỹ và thầy bói, như vậy làm sao lãnh đạo được đất nước qua cơn ngặt nghèo? Còn Phó TT Nguyễn Cao Kỳ, theo lời ông Young thì được Đs Bunker đánh giá là ăn nói «lưu loát », «linh hoạt», «có nhiều kịch tính», «bay bướm», «luôn luôn có những ý kiến nhưng thường là những ý kiến không đúng chỗ», «thiếu tinh thần trách nhiệm», lại nữa « Bunker ít tin vào sự thẳng thắn của Kỳ». (Xem sđd, tr. 105)

Theo như Ls Lâm Lễ Trinh nhận xét, trong bài phỏng vấn của Hồng Phúc nói trên, thì «cuộc rút lui khỏi Việt Nam không làm cho Hoa Kỳ sụp đổ và đã gây rất nhiều cay đắng và nhục nhã cho chúng ta. Hoa Kỳ, cuối cùng, không cho rằng mình đã bại trận tại Việt Nam». Thực vậy, «nhiều nhân vật trong chính trường Hoa Kỳ lập luận rằng theo pháp lý, Mỹ không thua tại Việt Nam». Tuy nhiên, cũng theo Ls Lâm Lễ trinh, ông Larry Berman, tác giả cuốn “No Peace, No Honor” xuất bản năm 2001, đã thẳng thắn «tố cáo Nixon và Kissinger “phản bội, bán đứng” Việt Nam Cộng Hòa tại Paris. Hòa bình không đạt được, danh dự cũng tiêu ma.» (NB :Tựa đề của cuốn sách do Nguyễn Mạnh Hùng dịch ra tiếng Việt là “Không hòa bình, Chẳng danh dự”, mới xuất bản năm rồi tại Little Saigon, Orange County, Hoa Kỳ).

Liền sau đó, LS Lâm Lễ Trinh xác quyết : « Tuy nhiên, không thể tách rời hai nhân vật này ra khỏi chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Những sai lầm của họ là sai lầm chung của chính quyền Mỹ trong phương thức giải quyết chiến tranh và hòa bình ở Đông Dương.» Trả lời câu hỏi của Hồng Phúc rằng có phải giới tư bản Hoa Kỳ muốn phá bỉnh, thọc gậy bánh xe, vì thấy chiến lược toàn cầu của họ bị phá vỡ khi công cuộc Việt-nam hóa chiến tranh thành công và VNCH đã tự lực ổn định được tình thế không, Ls LL Trinh đáp : «Chúng ta hiện nay là người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ, nạn nhân của chiến tranh và một chính sách. Cuộc quân đội Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Đông Dương bắt đầu ngay từ thời Lyndon Johnson. Johnson là người yêu cầu Quốc hội Mỹ chấp nhận trả đũa “sự tấn công” của Hà Nội tại Vịnh Bắc Việt bằng quyết nghị mệnh danh Tonkin Gulf Resolution. Johnson cho ồ ạt đổ quân và cố vấn vào Việt Nam, Mỹ hóa chiến tranh để ép Bắc Việt thương thuyết. Johnson đã gặp Thiệu và Kỳ tại Honolulu, hứa viện trợ 4 năm về võ khí và 4 năm về tài chính. Nhưng sau đó, Johnson tuyên bố không ra ứng cử tổng thống. Ngày 30.10.1968, tức 5 hôm trước bầu cử, Johnson lại bất thần cho ngưng vô điều kiện dội bom Bắc Việt.

«Khi đắc cử tổng thống, Nixon bắt đầu cho Việt-nam hóa chiến tranh để rút quân ra khỏi Việt Nam “trong danh dự”. Xì-căn-đan Watergate bùng nổ, Nixon điên đầu chống đỡ nên giao trọn quyền cho Kissinger. Có lẽ ông còn nhớ, trong quyển sách “Lost Victory” xuất bản cách đây trên hai năm, Luật sư Stephen Young đưa ra tài liệu tiết lộ Kissinger (Giải thưởng Nobel Hòa bình) đã làm nhiều việc qua mặt Nixon trong giai đoạn chót này. Sau khi Nixon từ chức ngày 09.08.1974, Phó tổng thống Gerald Ford lên thay thế, Kissinger giữ chức ngoại trưởng.»

Trả lời câu hỏi của Hồng Phúc rằng có phải «Pháp và Trung Cộng âm mưu tạo ra một Chính Phủ Miền Nam mới (không cộng sản) để tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô trên đất Bắc» hay không, Ls LL Trinh tiết lộ như sau : «Để trả lời câu hỏi của ông, tôi kể một câu chuyện cũ khác do chính Đại sứ Ngô Đình Luyện nói với tôi sau 1975 tại Californie: Khi Hiệp ước Genève vừa được ký năm 1954, Ngoại trưởng Chu Ân Lai (của Trung Cộng) mời dùng cơm cả thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng và ông Luyện, (lúc đó là) quan sát viên của Bảo Đại (tại hội nghị Genève). Trong buổi tiệc, Chu mới mớm ý cho chính phủ Miền Nam lập một tòa Tổng Lãnh sự tại Bắc Kinh. Đồng bực bội phản đối. Chu bác bỏ với nụ cười xã giao, châm biếm : “Chúng ta tất cả không phải là người Á Châu hay sao?” Cần lưu ý rằng tại Genève, do đề nghị của Bắc Kinh và áp lực của Nga Sô, Bắc Việt phải miễn cưỡng chấp nhận chia Việt Nam nơi vĩ tuyến 17. Đồng rất hận Chu và thường nhắc lại vụ “đâm sau lưng” này.»

Và tiếp liền theo sau là nhận xét của Ls LL Trinh : «Trung Cộng không chấp nhận Việt Cộng kiểm soát toàn cõi Đông Dương. Đây là giấc mơ lớn của Lê Duẫn. Quyết định của Đặng Tiểu Bình, năm 1979, xua nhiều sư đoàn qua làm cỏ vùng biên giới Hoa-Việt nằm trong chủ trương dạy cho Bắc Bộ phủ một bài học vì đã phản bội, bỏ Tàu ôm chân Nga, sau Điện Biên Phủ. Sau 1975, Hà Nội chiếm Cao Miên một thời gian và mở công khai ảnh hưởng sang Lào.» Những điều tiết lộ này rõ ràng cho thấy rằng Hiệp Định Paris vẫn còn có thể cứu vãn được, nếu các giới lãnh đạo VNCH lúc bấy giờ nắm vững và làm chủ được tình hình trong nước cũng như ngoài nước.

Chắc đây là số mạng trời định (hay người định) để «Miền Nam bị bức tử»! Và mới đây, Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Bảo Vũ, làm cho Chương trình Việt ngữ của Đài phát thanh Úc hướng về Việt Nam, cũng đã trả lời rằng: «Cuộc chiến Nam Bắc đã xảy ra rồi. Bây giờ ngồi nhìn và nghĩ lại thì thực ra cũng chẳng có vinh quang gì cái cuộc nồi da nấu thịt của Việt Nam, giữa Nam và Bắc đâu. Tôi nghĩ nó chỉ là… nó cũng là thân phận của một dân tộc nghèo, rồi bị các thế lực quốc tế… Lúc đó trái đất chia ra hai phía, một bên Trắng một bên Đỏ, rồi các cường quốc, những người có thế có uy nó sắp đặt mình, bảo đâu ngồi đó, rồi giao súng cho ông này, giao súng cho ông kia, bảo bắn nhau. Bây giờ nghĩ lại cái thực tế đó thì nó chỉ có phũ phàng, thế thôi.(…) (Cuộc chiến ấy) chẳng có vinh quang gì cả. Đó là những trang sử đen tối nhất của lịch sử Việt Nam.»

Nói là «số mạng», « thân phận nhược tiểu » gì thì nói, vấn đề vẫn phải là «trả lại sự thực cho lịch sử, sự thực giải thoát», theo ý kiến của Ls LL Trinh, khi được Hồng Phúc hỏi rằng «gần 30 năm qua, tại sao những nhà lãnh đạo VNCH, --TT Thiệu, ĐT. Minh, ThT. Khiêm, ĐT. Cao Văn Viên, v.v.-- không một ai lên tiếng tiết lộ những bí ẩn về cuộc chiến Việt Nam với quốc dân đồng bào, với lịch sử dân tộc». Ls LL Trinh tiếp : «Chúng tôi thiển nghĩ, từ giai đoạn đấu tranh giành độc lập chống Pháp cho đến thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa Miền Nam, các nhân vật lãnh đạo phía quốc gia có trách vụ tinh thần trình bày lương thiện kinh nghiệm của họ, đặc biệt những khó khăn và sai lầm, để hướng dẫn thế hệ cầm quyền sắp tới. Họ nên làm việc này, không phải để tự bào chữa, vinh danh mình hay quy trách, khích bác kẻ khác.»

ĐỂ KẾT LUẬN :

Trên thực tế, Hiệp Định Paris, kết quả của 5 năm đàm phán cam go, chỉ là một giấy phép hợp pháp đối với Mỹ để cho Mỹ rút ra khỏi Việt Nam «trong danh dự», và chỉ là một tờ giấy lộn hợp lệ đối với Hà Nội để Hà Nội rảnh tay giải quyết «chuyện nội bộ Việt Nam» mà không còn sợ có sự can thiệp của Mỹ nữa. Thực vậy, Hiệp Định vừa ký xong chưa ráo mực, thì đôi bên quốc-cộng đã xé nát nó rồi. Phần Mỹ, Mỹ phủi tay ra đi sau khi đã làm tròn bổn phận dàn hòa. Còn «thành phần thứ ba» là thành phần dân chúng thầm lặng, thấp cổ bé miệng, thì đã bị đôi bên quốc-cộng bóp cổ chết tươi từ khuya rồi! Đúng thế, không ai dại gì mời nhân dân vào làm trọng tài cho nó thêm rắc rối sự đời. Chơi tay đôi với nhau khỏe hơn! Mà đúng là khỏe thật, vì Hà Nội đã có sẵn quân lực ở dưới vĩ tuyến 17 để đầu năm 1975 xua quân tràn ngập MNVN, đánh đổ VNCH trước sự chán chường của cả thế giới! Màn hòa giải đã hạ xuống! Kẻ chiến thắng vỗ ngực xưng danh: Đảng Cộng Sản vinh quang đã lãnh đạo thành công cuộc chiến tranh đánh cho « Mỹ cút ngụy nhào ».

Về phía những người «quốc gia» miệng thì hô hào dân chủ, nhưng có phương cách và thực lòng thực hiện dân chủ không? Dân chủ là gì, theo họ? Không lẽ dân chủ là «được làm vua, thua làm giặc», như người cộng sản? Dân chủ, theo định nghĩa thông thường, là dân có quyền làm chủ đất nước. Quyền làm chủ của dân chính là quyền tự quyết về vận mạng đất nước mình, và nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền ấy. Quyền làm chủ của dân được viết ra thành Hiến Pháp, thành luật lệ. Như vậy dân chủ cụ thể là một chế độ pháp-trị, trong đó mọi người, kể cả nhà nước, phải tôn trọng luật pháp quốc gia, xem đó là như là một sự đồng thuận cơ bản về cách điều hành mọi sinh hoạt đất nước.

Trước 1975, chế độ Saigòn chống độc tài cộng sẳn bằng súng đạn, bằng ức chế, bằng nhiều hình thức kềm kẹp tự do, tức là bằng kiểu độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm (bà Nhu còn dám đứng trên cả luật pháp nữa là!) hay độc tài quân phiệt của Nguyễn Văn Thiệu. Dĩ độc trị độc, lấy độc trị độc, đó là đường lối thông thường của các chính phủ tại MNVN. Như vậy, chống độc tài cộng sản để rồi chịu ách độc tài quốc gia chăng, hay nói cách khác là nhân dân phải chịu ách độc tài quốc gia để chống ách độc tài cộng sản? Thật là cái vòng lẩn quẩn, không lối thoát! Hiện nay, người tị nạn ngoài nước dùng các cơ quan truyền thông ngày ngày kêu gào chống đối, phá bỉnh, trong khi còn ở trong nước thì họ phải khúm núm xin xỏ lạy lục nhờ ơn mưa móc của Đảng. Ra nước ngoài tự do, người ta hô hào dân chủ, nhưng không ai thèm nghe ai, bàn thảo với ai, hay tôn trọng ai cả, lại chửi nhau như chó với mèo, thì làm sao bảo người trong nước chịu nghe họ nói đến dân chủ nữa.

Hơn nữa, theo Trần Viết Đại Hưng trong bài «30 tháng Tư, 28 năm nhìn lại», thì «bên cạnh những hy sinh tranh đấu của những dũng sĩ của thời đại, có những tên buôn bán lòng tin phục quốc, chính nghĩa quốc gia. Ngày xưa Lã Bất Vi buôn vua đã bị người đời khinh chê rồi, thì ngày nay bọn mua bán lòng tin chống cộng của đồng bào lại càng đáng khinh bỉ và nguyền rủa hơn. Thứ chống cộng dởm này rồi cũng tàn tạ theo ngày tháng, thời gian sẽ đào thải họ, lịch sử sẽ lên án họ là những tên phản dân hại nước. Buôn bán lòng tin đồng bào, chính nghĩa quốc gia, là một thứ buôn bán tệ hại và kinh tởm nhất.»

Rốt cuộc, cái mà người Việt Nam trong và ngoài nước cần nhất phải làm là: nuôi dưỡng tinh thần tự lực tự cường, bỏ thói đi cầu cạnh, lạy lục ngoại bang. Bỏ thói độc tôn và hiếu thắng, để sẽ không bao giờ rơi vào vết xe cũ «được làm vua, thua làm giặc». Thua rồi, thì hoặc lạy lục, xin xỏ, hoặc phá bỉnh, làm loạn. Thắng rồi, thì độc tôn độc tài, toàn trị, leo lên đầu lên cổ nhân dân. Cởi mở ra với thế giới, nắm chắc thời cơ thuận lợi hay bất lợi là một chuyện, nhưng nếu không tạo được thực lực, chủ lực là sự đoàn kết dân tộc, sự hậu thuẫn của nhân dân thì không cách nào lãnh đạo thành công được.

Muốn lãnh đạo thành công thực sự vì dân vì nước, thì trước tiên phải biết quí trọng người dân, biết tôn trọng quyền làm chủ của dân, không « đi đêm» với ngoại bang, không tùy tiện lèo lái tình hình theo những tính toán riêng tư, ích kỷ, luôn tôn trọng hiến pháp và luật pháp quốc gia do dân làm ra, không nói một đàng làm một nẻo theo kiểu «xạo hết chỗ nói» của người cộng sản, và phải hành động thận trọng theo tinh thần hiếu hòa và bao dung ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Bằng nếu không tin vào truyền thống hiếu hòa của người mình, thì ít ra cũng biết nhìn vào sinh hoạt của các nước dân chủ trên thế giới, như Thụy Sĩ chẳng hạn, để học hỏi cách thức điều hợp sinh hoạt dân chủ. Vâng, có chống đối nhau, đối kháng nhau, đối lập nhau, thậm chí có xung đột đẫm máu với nhau, thì rồi cũng phải biết làm hòa lại, đối thoại và hợp tác với nhau. Làm hòa, đối thoại, hợp tác, xây dựng trong tinh thần hòa giải hòa hợp, nếu không được đến mức đồng thuận giữa những đảng phái cầm quyền rất khác biệt nhau trong một chính phủ liên bang như ở Thụy Sĩ, thì ít ra cũng biết tương nhượng để còn sống chung hòa bình với nhau. Trong mọi sinh hoạt xã hội, thường thì có hai thành phần cực đoan và lúc nào cũng có một thành phần gọi là «thứ ba», có khi ba phải, có khi ấm ứ hội tề, có khi xã giao chiếu lệ, nhưng thường thì vẫn giữ một vai trò quan trọng là làm yếu tố dung hòa, làm đối trọng cần thiết đối với hai thái cực vậy.

Fribourg ngày 18.05.03






[1] Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Châu, một người công giáo gốc Nghệ An rất sùng đạo, tay chân thân tín của TT Diệm và sống lưu vong ở Pháp sau khi Diệm rơi, trong một thư ngỏ ngày 18.07.1969 gởi đi từ Paris đến các chiến hữu Quân Lực VNCH tại MNVN đã quả quyết rằng «Diệm tìm cách tách ra khỏi ảnh hưởng Mỹ và kết quả là Mỹ đã thảm sát Diệm để rảnh tay đặt ách thống trị tại MNVN, gây bao cảnh tàn phá tang thương từ 1964 đến nay.» Tr.Tá Châu còn nói rõ hơn lý do tại sao Diệm bị Mỹ sát hại : «Vào mùa thu năm ấy (1963), Diệm đã bắt đầu tiếp xúc bí mật với chính phủ Miền Bắc để khởi sự đàm phán về một cuộc ngưng bắn, một hiệp ước song phương về hiệp thương kinh tế, để mai hậu đi đến một hiệp ước chính trị nhằm thống nhất đất nước».

Trong cuốn hồi ký «In Retrospect. The Tragedy and Lessons of Vietnam » của Robert McNamara, tổng trưởng quốc phòng của hai đời tổng thống JF Kennedy và LB Johnson (1961-68), khi nói về lệnh đảo chánh Diệm được gởi vào tháng 8.1963 đến Đại sứ Mỹ Cabot Lodge tại Saigon, tác giả có nhắc khéo rằng : «Cabot Lodge dường như cũng lo ngại về những tin đồn Diệm có những điều đình bí mật với Bắc Việt : MNVN sẽ tách rời khỏi Mỹ và hướng về lập trường trung lập », hiểu ngầm là theo như đề nghị của tổng thống Pháp De Gaule. (Sách dịch ra tiếng Pháp «Avec le recul. La tragédie du Vietnam et ses leçons», Seuil 1996, tr.67.) Chính McNamara đã có can đảm nhìn nhận là toàn bộ cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Việt Nam là một «lỗi lầm kinh khủng» của giới lãnh đạo trong hai đời tổng thống Mỹ.

[2] Ls Lâm Lễ Trinh, hiện nay đã ngoài 80, từng tham gia nội các dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa của TT Ngô Đình Diệm. Suốt thời Đệ Nhị Cộng Hòa, ông hành nghề luật sư và giáo sư đại học tại Saigon. Từ 1975 trở đi, ông tị nạn tại Mỹ và hiện là chủ nhiệm tạp chí Nhân Quyền ở Mỹ. Ls Lâm Lễ Trinh quen biết và tiếp xúc với hầu hết các nhân vật lãnh đạo cao cấp của VNCH trước 1975 cũng như sau khi họ tị nạn tại Mỹ. Tiếng nói của ông có giá trị của một chứng nhân thời đại.

No comments: