Sunday 6 April 2008

Cụ Sáu Việt Minh - Phan Ba

quyền địa phương này, tôi ở đây là do Ty CA và UBHC Tỉnh, cho nên cứ trực tiếp xin với Tỉnh ...

UBHC Huyện ký tên Ninh Văn Bính tìm tôi (công văn 495) sang có việc cần ... Tôi tới trụ sở Huyện, cán bộ Bính và Đài tỏ vẻ oai và tức, ngồi xuống là xưng hô "anh với tôi" ngay. Hạch vì sao phớt địa phương, hạch vì sao lại coi Huyện là cơ quan chạy giấy cho anh ?? Ninh văn Bính phát biểu xong, tôi chẳng nói chẳng rằng, đứng thẳng, bái cúi hình Chủ tịch HCM treo giữa phòng, rồi tôi ra về thẳng. Ra tới cổng Huyện, một nhân viên chạy theo "mời Linh mục vào UB có ý kiến", tôi cứ một mực ra về nhà xứ !

Tháng 11/1961, Toà Giám mục triệu tập các Cha cấm phòng. Lần này tôi chịu hạ, thử xin với UB và CA Huyện ... Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Yêm ký công văn 308 trả lời : "Chờ lệnh Tỉnh, Tuần cấm phòng chưa được Tỉnh quyết định !". Ngày 14/11/1960, tôi gửi điện xin với UBHC Tỉnh, thì Ông Chủ tịch Vũ Thơ đáp 85 tiếng điện khẩn : "Không chấp nhận, vì chưa cải tạo ...".

Hôm sau, tôi gửi ngay lên Viện KSND Tối cao và UB Thường trực Quốc Hội, xin đi cấm phòng, xin đi xưng tội từng tháng ... Đồng thời tôi gửi Chủ Tịch Vũ Thơ một thư số 51/QT rất đáng ghi nhớ.

Tôi hỏi UBHC Tỉnh (qua ông Vũ Thơ Chủ Tịch) muốn cho tôi cải tạo nên người thế nào ? Chắc không muốn tôi cải tạo nên "Kẻ đầu cơ chính trị, tay sai quyền lực, cơ hội chủ nghĩa...".

Sau đó, UBHC Tỉnh uỷ cho Ty CA gặp, thì 8/12/1961 tôi thu dọn đồ dùng vào hai valy, nhờ ông Trùm phó (ông Thạch) quảy đi với tôi, đi bộ lên Ty Công an; đề phòng bị giữ lại (bỏ tù) như tháng 3/1952 và tháng 4/1956. Hai lần đó Ty CA tìm hẳn hoi, thế mà chỉ vì không được như ý nhà cầm quyền, một mực đấu tranh đòi tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, nên đã bị Ty CA giam giữ đột ngột. Lần này (8/12/1961) ba vị (không nói rõ tên) gặp một nửa buổi, có vẻ ôn hoà, đãi cơm hai chúng tôi tại Tổng Hợp và giúp lấy vé ô tô trước mọi người. Sáng 9/12/1961, xin đi giúp bệnh nhân ở Yên Thổ, thấy Ông Hùng, Chủ tịch Xã Yên Phong cấp giấy cho đi ngay ! Mấy hôm sau, đi kẻ liệt Nộn Khê, thì UB Xã lại tránh mặt; Sáng tìm, chiều tìm, mãi sau gặp ông Tuế Phó chủ tịch (cấp giấy tại hiệu may áo) cho tôi đi trong vòng một giờ rưỡi.

Nhưng đi tới đâu là CA và UB đấy lại bắt tôi phải tới tận trụ sở xuất trình giấy tờ ... Dọc đàng, thường bị cán bộ ách lại hỏi giấy ... và Noel năm 1961 tôi xin về Yên Thổ mà Xã Yên Phong không cho. Năm 1961, Noel đêm ở Bình Hải, dân quân gác các ngả hỏi giấy người đi lễ. Xã Yên Nhân bắt BCH xứ khai tên người lạ đến lễ đêm và khai phí tổn dịp lễ !

1962

Chiều ngày 20/1/1962, tôi đưa ông Ký lên Trụ sở Xã (Chùa Cống) để xin giấy đi lễ Quan thày Họ Hà Thanh ... Ông Hùng và ông Tuế chánh phó Chủ tịch bắt tôi ngồi nghe hạch sách tới hai tiếng đồng hồ. Thấy muộn mà không giải quyết gì, tôi đứng ra về, thì ông Tuế gọi tới 10 người ở trụ sở ra càn kéo tôi ở lại, làm rơi ba đồng giấy năm (15$) trong túi tôi ! ... Ông Hùng Chủ Tịch đấu dịu, cấp giấy cho đi Hà Thanh từ 7 giờ đến 17 giờ. Tôi thấy là giờ sản xuất, có xuống đó làm lễ, lại bị hoạch họe và cấm đoán, nên tôi không đi nữa, trả lại giấy !

Chính quyền địa phương thấy tôi đã phải lụy phục xin giấy với họ, họ lại lên mặt khó dễ ... bắt tôi đi 5 lần 7 lượt lên trụ sở mới cấp cho một giấy đi làm lễ chủ nhật ở hai xứ Bình Hải và Yên Thổ ... Đến xứ nào, thì lại phải đích thân lên trụ sở báo giấy (xuất trình giấy), dọc đàng cũng có cán bộ hỏi giấy ... Đồng thời ngăn cấm không cho ai tới lui thăm tôi, dịp tôi ốm nặng (tháng 7/1961, ho ra máu), hễ ai ở xa đến thăm là bị bắt, có người bị giam tại Huyện Yên mô hai, ba ngày. Bà Pháp (Hiến) họ Yên Bài, cầm thư Cha Tường thăm tôi, bị bắt giam tại Ty CA 4 tháng rưỡi (từ 8/9/1962 đến tháng 2/1963).

Dù vậy, vì ích thiêng của giáo dân, tôi vẫn cố nhịn và xin giấy đi làm lễ cho hai xứ Yên Thổ và Bình Hải. Còn việc xin đi xưng tội, thì mấy cũng không được, nên tôi đành phải đi lủi ban đêm ... Cán bộ Châu, Chủ tịch huyện; Hùng, Lương, cán bộ UB xã Yên Phong; Châm, Chước, Chi uỷ và Mặt trận tung tin lung lạc đe dọa "bắt được tôi đâu là cho đánh chết .v.v...". Tôi báo ngay những luận điệu và âm mưu hãm hại đó với Ty CA ... rồi đôi khi vẫn cứ đi Phát Diệm xưng tội, xong việc, tôi trở lại Quảng Phúc thì CA Kim Sơn mới biết, và cũng có ý cho họ biết, họ lập biên bản và ... "đuổi về Yên Mô". Cũng có lần đi về yên hàn chẳng ai biết gì. Cho được như vậy, thường thường phải làm nghi binh, đánh lạc hướng : thử khoá trái buồng, ở im trên gác đủ một ngày, cho họ tìm mỏi, đột ngột hiện ra; Thế là, lúc đi thật thì họ cứ tưởng là tôi ở trên tầng gác ! Họ không muốn tìm nữa !

Giáo dân Quảng Phúc, bất kỳ lớn bé, hễ bước chân đi đâu là Cảnh công an theo dõi, báo cho xã khác bắt khám ...

Tất cả những khó khăn và những áp bức đó, tôi đã đệ đơn lên Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Không thấy Trung ương giải quyết gì, duy có một lần Bộ Tư pháp trả lời : "Giao cho Công tố xét" và 18/8/1961, Viện KSND số 1020 đưa tin : "... còn xét ... sẽ báo kết qủa".

1963

Đầu tháng 3/1963, Ty CA tìm lên "Báo cáo quá trình cải tạo và tiện xét". Thượng uý Vũ Văn Vỹ xưng là đại diện UBHC Tỉnh và Ty CA, với ông Cương, văn phòng Ty CA gặp độ 2 tiếng đồng hồ. Tôi trình bày các tác phong giấy tờ quan liêu của địa phương, những bắt bớ làm khổ giáo dân ... Còn phần tôi không có gì phải cải tạo, và không thể cải tạo gì hơn được.

Thế là 16/3/1963 ông Vỹ về trụ sở Xã Yên Phong (đặt ở nhà ông bà Lang Tựu, gần Chợ Lồng), có mặt ông Châu Chủ tịch huyện, ông Vũ Xuân Ấp, Công an Huyện, Hùng, Lương UB Xã Yên Phong : công bố lệnh số 147/UB (tiếp số 588) tăng 3 năm quản chế ! Ông Vỹ, ông Châu thay nhau thuyết, lúc đe, lúc dụ "cải tạo tốt" sẽ ân giảm ...; tôi không ý kiến gì. Lập biên bản xong, tôi đáp : "Tôi đã nghe lệnh của Tỉnh. Tôi ký giấy kháng án. Chưa biết tôi có giữ được lệnh đó không !".

Theo bản án này thì việc tôi xin đi đâu có bề dễ dãi : chỉ phải báo cáo với Xã Yên Phong về lịch trình từng nửa tháng, cứ vậy mà đi làm lễ đúng như lịch. Nếu đi ngoài ba xã (Yên Nhân, Yên Từ, Yên Phú) thì mới phải xin phép.

Tôi cố thi hành đúng như lệnh Tỉnh, nhưng UB Xã bắt phải xin phép đi làm lễ hàng tuần, mà mỗi giấy phép thì tôi phải lên Xã 2, 3 lượt chưa chắc. Dọc đàng vẫn bị ách lại hỏi giấy. Tới nơi nào vẫn phải đích thân đến trình giấy.

Phiền phức và khó khăn quá, tôi báo cáo với Ty CA, cũng chẳng khá hơn. Tôi lại đặt đơn khiếu Viện KSND Tỉnh. Ngày 14/4/1963, ông Phùng văn Hiếu, Kiểm tra viên của Viện gặp tôi một buổi, đại ý tuyên bố UBHC Tỉnh ra án là căn cứ cả một quá trình; UBHC tăng án là vì chống lệnh Tỉnh.

Lần đầu tiên tiếp xúc Viện KSND, tôi thấy tác phong quan liêu của ông Hiếu ... không hơn không kém cán bộ Xã Yên Phong ! Tôi đệ đơn khiếu nơi Viện trưởng và ông Vũ Thơ Chủ tịch Tỉnh, đồng thời xin phép đi lên Trung ương để kháng khiếu.

Đi Trung ương Hà Nội

03/06/1963

Sau mấy lần xin phép với Tỉnh để đi Trung ương, Tỉnh làm ngơ ! Có lẽ là mặc nhiên cho phép, vì đây là quyền dân chủ đi tới cơ quan kháng khiếu.

Chiều 2/6/1963 làm lễ Hiện xuống ở Yên Thổ, chuẩn bị bí mật sáng mai lên đường ... nói là đi lên Tỉnh, đem theo em Dẫn (12 tuổi, con ông Thế coi nhà xứ). Bảy giờ 3/6/1963 tàu hỏa từ ga Gành chuyển bánh. Trời đổ mưa ... tới ga Ninh Bình, mưa càng to. Khi mua vé ở Gành, đã mua 1 vé Ninh Bình, 1 vé Hà Nội. Tới Tỉnh Ninh Bình, tôi cho em Dẫn xuống, dặn em bỏ một thư vào hòm Bưu điện. Đó là thư tôi gửi Ty CA báo việc tôi đi Trung ương. Để em bé lòng ngay thì tôi cũng xuống sân ga, đoạn lẫn vào khách bước vào toa đi Hà Nội, toa này lịch sự hơn các toa khác vì thưa.

Được dịp trời mưa, tôi vẫn choàng vải ni-lon, đội nón, trong bị vải chỉ có 1 bộ quần áo và 1 nắm cơm. Tầu chạy là tôi cứ gục tràn xuống bàn, chẳng truyện với ai. Công an kiểm soát đến hỏi, tôi trả lời vắn tắt : "Tôi chóng mặt", cho xem túi vải, để khỏi nghi là buôn lậu ! Tới ga Hàng Cỏ; Trời nắng oi ! Mà mình vẫn choàng áo ni-lon để che áo thâm chùng, mũ dạ thì lồng trong chiếc nón lá ! Cyclô thuê cao, chạy thẳng Hồ Hoàn Kiếm, rẽ vào phố Nhà Chung, số 40.

Mười hai giờ rưỡi, bước vào Nhà Chung (Toà Giám mục) im lặng. Tầng dưới vắng tanh. Một Thày giảng ở bếp lên báo : "Thưa Cha, các đấng đang dự tiệc trên gác mừng Đức Cha Phó !

Bước chân vào phòng tiệc, tầng hai, các Cha đứng dậy vỗ tay reo : "Ô ! Cha Thiều Phát Diệm ! May quá, sao ra được ?". Cha Tụng dẫn tới Đức Cha Tổng Khuê, rồi giới thiệu Đức Cha Căn mới tấn phong chiều qua ... giới thiệu các Cha trong nội thành về dự tiệc mừng : Cha Bích, Cha Mai, Cương, Oánh, Thông, Quế, Chiểu; Cha Sang (rất trẻ) và một Cha già (có lẽ cựu chính xứ Nhà Thờ Lớn).

Tiệc đã mãn, các đấng dùng đồ nước (dessert), Cha Tụng nhường chỗ cho tôi ngồi bên tả Đức Cha Căn (Bên hữu Cha Tụng : 2 tháng sau sẽ là Giám mục Bắc Ninh), đối diện với Đức Cha Tổng. Các đấng đều cho tôi là đại diện Phát Diệm ra mừng Đức Tân Giám mục ... Nhưng sau khi tôi trình bày : "Lủi ra đây, để gặp Chính Phủ Trung Ương kháng khiếu", mọi người phá ra cười và vỗ tay !

Hai Đức Cha ép giục tôi ăn kẻo đói ! Cha Cương quản lý xem bị tôi có một nắm cơm nguội, người bảo "đem ngay xuống cho lợn" ! Mừng quá ! Tôi ăn mới 1 bát đã no ... Cuộc "Tourt" bắt đầu. Đức Cha Tổng đứng nói một bài mừng chúc; Đức Cha Căn lại đứng nói một bài cảm ơn ...

Xong tiệc, các đấng giải tán về nghỉ trưa; nhưng Đức Cha Tổng kéo tôi sang phòng : "Cần gặp Cha, kẻo sau nhỡ không kịp gặp". Thế là trưa đó, người hy sinh nghỉ trưa, cho tôi hầu chuyện gần hai tiếng, đoạn người dạy tôi đi nghỉ kẻo mệt.

Chiều đó chuyện vãn với các Cha Cương, Oánh, Bích, Tụng ... bàn tính nên xử trí ra sao : ý tôi thì xin phép ra thẳng UB Thường vụ Quốc hội đặt một đơn viết sẵn từ Yên Mô, và một đơn báo cáo đồng CA sở tại. Nhưng ý các Cha : "Cứ ở đây chơi, nghỉ, mai sẽ tính chuyện !".

Quãng 18 giờ Đức Cha Tổng lại tìm tôi ... tôi lĩnh ý người, người nói lưỡng.

Hỏa lò Hà Nội

Mười một giờ đêm các Cha mới dứt chuyện, đi ngủ. Thủ tục báo hộ khẩu "trọ đêm" đã xong xuôi.

Ngờ đâu ! Vừa vào giường, Cha Cương gõ cửa bảo xuống ngay có CA gặp. Công an viên nhã nhặn mời tôi ra để ông đồn trưởng gặp, vì tối, Nhà Chung báo trọ mà ông đồn đi vắng! Tôi chỉ mặc quần áo trắng và áo thâm chùng, không mũ nón, không ba lô ... Ra tới cổng, Cha Cương còn hỏi với CA : "Người có về không, để còn mở khoá cổng ?", "Được - anh ta đáp - Cụ ra một chốc thôi !".

Đồn Công an ngay ở trước Nhà Thờ Lớn (cách độ 100 mét). Tôi bước vào phòng, đèn điện sáng choang. Phố xá đã vắng, nhưng đèn vẫn sáng như ban ngày. Một đoàn ô tô tắt máy trước đồn CA.

Họ hỏi tên tôi, có án quản chế phải không ? Thế là họ hô bắt tôi đứng lên giơ hai tay nghe "Lệnh Sở CA Hà Nội".

Thời bình, giữa Thủ đô Hà Nội, ngờ đâu có cuộc "bắt cóc" nửa đêm!

Đọc xong, họ bắt tôi ký lệnh. Dẫn ra phố ... thì ra đoàn xe kia đến đón mình. Không trói, cũng chẳng nói gì, tất cả có tới 1 tiểu đội với 4 xe ô tô "Gíp" hộ tống tôi ! Oai thật ! Chưa bao giờ lại có xe pháo quan quân hộ vệ cẩn thận thế ! Một xe mở đường, xe tôi đi tiếp, 1 mình 1 khuông sau, trước mặt là tài xế quân phục và một nhân viên Phó Giám đốc Sở CA Hà Nội. Sau xe tôi là hai xe chở CA hộ tống ... Phó vắng tanh, vì đã nửa đêm. Đoàn xe chạy qua Hồ Hoàn Kiếm, rồi đi vào những phố tôi chưa hề biết ... độ 15 phút phóng nhanh vun vút, xe vào qua cổng sắt Nhà Hoả lò Hà Nội.

Một nhân viên già, đúng là cáo già, tóc bạc, mắt sắc, mặt xương xương, hỏi tôi qua loa, khám người, bắt tôi cởi áo thâm chùng, lấy rút quần ra. Một CA khác đem đến một bộ quần áo ròng rọc ... nhưng thấy tôi có quần áo trắng mặc trong (áo cộc) thì để tôi mặc y nguyên ... rồi dẫn đi loanh quanh các phòng. Tiếng kêu rú, tiếng ngáy khò ... nghe cũng rùng rợn !

Khi ấy đã quá 1 giờ ngày 4/6/1963.

Dẫn đi rồi lại dẫn lại; mở khoá phòng nọ ... khóa lại ... đi phòng khác ... Có lẽ phòng nào cũng chật rồi !!! Sau cùng, vào một phòng, cánh cửa sắt rộng độ 2mX4m, một ngọn đèn điện, hai tấm ván dài 1m8, rộng độ 0m50, kê trên một giá sắt cao tới 1m20. Một tấm đã có người nằm, một tấm phần tôi. Hai tấm cách nhau độ 0m60; nếu ngủ mệt giở mình thì lăn xuống sàn xi măng, đến bể đầu, gãy răng !!! Phòng ở bên cũng nghe tiếng rên ... tiếng ngáy ! Vách xây kiên cố, kín như bưng.

Trời oi bức, mà trong phòng kín. Đèn điện sáng choang, càng oi bức thêm. Cửa sắt khóa trái lại, chỉ có một lỗ đường kính độ 0m02 cho người gác nhòm vào trong phòng. Ngoài hai tấm ván lênh chênh, trong phòng không thấy một vật gì ! Nguy thật! Đái ỉa ... thì sao ? Khát nước thì làm thế nào ?

Anh bạn nằm kia cũng ngủ vờ thôi ... CA ra khỏi phòng, thấy anh thở dài 1 cái. Anh chẳng có đồ đạc gì, trong người duy đeo 1 quần đùi và 1 áo mai-ô ...! Nhìn kỹ, thì góc nhà có 1 "pô" thùng việc cần đậy kín; trên góc tấm ván đầu anh có 1 gáo dừa đựng nước uống !

Quãng 4 giờ, văng vẳng đàng xa tiếng chuông Nhà Thờ Lớn Hà Nội kéo ba tiếng một, rất lâu, dài. Tôi đoán ngay là chuông báo tin Đức Thánh Cha Gioan XXIII băng hà, bởi vì trưa qua, trong bữa tiệc, chốc chốc Cha Oánh lại theo dõi đài rađiô báo tin Đức Giáo Hoàng hấp hối (thọ 86 tuổi).

Từ 8 đến 11 giờ ngày 4/3/1963, Ông Trần Phúc Long, Sở CA (chính là người đã hỏi cung tôi 1952 tại Trại giam Liên khu 3), lấy cung và hỏi truyện tôi có vẻ tử tế. 14-16 giờ lại hỏi lại 1 lần nữa. Tôi chỉ một mực xin được gặp UB Thường vụ Quốc hội hoặc Viện KSND Tối cao. Ông Long báo : "sẽ trả ông về địa phương).

Qủa thực, quãng 17 giờ, một CA đã vào Nhà Chung nhận ba lô (bị quần áo) và nón đem về Hoả lò, nhưng vẫn không trao cho tôi. Họ xách về tới Ty Ninh Bình. Một ô tô "Gíp" đưa tôi về tới Phủ Lý là tối, tới Ty CA Ninh Bình đã 9 giờ đêm (ô tô qua Cầu Khuất mới kiến thiết). Một mình tôi một khoang ô tô, nằm ngồi thong dong, trước mặt là tài xế và một CA viên (không võ trang). Ty CA thảo luận mãi tới 23 giờ; một CA Ninh Bình đeo bị vải của tôi dẫn tôi ra phố ... ngờ là họ đưa về nhà xứ Ninh Bình! Anh ta dẫn qua xứ, qua Cầu Lim ... lộn lên lối Phúc Am. Thì ra họ đưa mình lên trại giam Phúc Chỉnh. CA giao bị vải cho trại giam. Ông Côi Giám thị gặp tôi độ 15 phút, đoạn đưa vào xà lim.

Sáng sau, Ông Trang Phó Giám thị đưa cho tôi bộ quần áo trắng trong ba lô để tôi thay. Ba ngày ba đêm nhốt xà lim, muỗi đốt ghê, oi bức khôn tả ... Cứ đêm (từ 21 đến 23,24 giờ) Ông Trịnh Văn Thỏa, Trưởng ban Chấp pháp và Ông Xiển, Thư ký, lấy cung và thuyết phục ...

Sau ba ngày xà lim, chuyển sang một phòng rộng rãi, giường màn. Ông Côi đưa cả tràng hạt cho tôi dùng và ngày ngày ăn hai bữa, đọc sách báo. Ngày 7/6/1963, Viện KSND tìm xuống Thị Xã, Ông Dương Đình Khang Viện trưởng hỏi cung, ra lệnh tạm giam hai tháng (số 94) vì "tội trốn đi Hà Nội".

Đến 18/06/1963, Ông Dương Đình Khang, Viện trưởng lại gặp; một điều đột ngột là hôm ấy có cả Ông Lương, Phó Chủ tịch Xã Yên Phong, ba bà giáo dân Quảng Phúc ( Tiến, Sinh, Chinh) và một ông (Thiệp) kỳ cựu Quảng Phúc cùng ngồi ở Viện KSND Thị Xã Ninh Bình.

Chính quyền Yên Mô vận động giáo dân xứ Quảng Phúc làm đơn xin tha, và hôm ấy, lên Tỉnh để họ tha tôi, giao cho Xã và giáo dân !

Những ngày tôi đi Hà Nội, cán bộ địa phương tung những tin hoang mang có tính cách buộc tôi là tôi "theo địch". Vì thế họ đồn : "Mỹ nhảy dù Khánh Nhạc, Hà Thanh, Yên Thổ ! Biệt kích nhảy dù ...!", "Bắt được đang đi xe đạp vào vĩ tuyến !", hoặc tung tin gieo rắc sợ hãi trong giáo đoàn : "Đánh chết rồi ! ... Đánh què, đang băng bó ở bệnh viện ! ... Bắt được ở ga hàng Cỏ, cho vào Hoả lò quay điện sưng mình ! ... Bắt được ở ngoại thành Hà Nội, đang cấu kết với 1 số phần tử phản động v.v...".

Từ đây, chủ trương không cho tôi đi đâu nữa. Vì thế, tôi giữ đúng lệnh quản chế báo cáo lịch trình nửa tháng đi làm lễ, hoặc xin phép 5 lần 7 lượt để đi xưng tội, Chính quyền Xã và Huyện nhất định không cho. Trụ sở thì chuyển lung tung, giờ hành chính cũng chẳng ấn định, có ý làm cho tôi không tìm được mà đặt đơn ...

Ai tới Quảng Phúc lo việc đạo, đều bị đuổi về, thậm chí bắt giam và tịch thu tiền, như Ông Phương, xứ Bình Hải và gia đình thông gia dẫn anh Hải cô Nhiệm lo việc Hôn phối 18/12/1963.

Tháng 8/1963, Cha già Nghiễm đổi xuống Cồn Thoi, thay Cha Vọng. Mặt trận Tổ quốc và Chính quyền Yên Mô vận động giáo dân Quảng Nạp, Bạch Bát bài trừ Cha Vọng, ái mộ cụ Vịnh. Cha Vọng bị đem đi giam lỏng ở xứ Thiện Dưỡng, dưới quyền giám thị của cụ Vịnh. Đức Giám mục đành phải đặt tôi phụ trách cả hai xứ ấy nữa. Cán bộ địa phương ngăn cấm, đe dọa giáo dân hai xứ, không cho đi lễ Quảng Phúc; có cáng kẻ liệt đến tôi, thì đều bị càn về ... Mấy năm liền từ đây, họ phải "mò đêm" để đưa kẻ liệt hoặc trẻ em bù các phép tới Quảng Phúc.

Dịp Noel 1963, ngăn đón người đến lễ Quảng Phúc, phát thanh : "có máy bay địch", đang khi đó thì bắt rước cụ Vịnh long trọng về mở lễ. Ông Chánh trương Quảng Nạp (Ô. Năm) cương quyết chỉ mời Cha nào do Đức Giám mục sai về ... thì bị tù ba năm ngay dịp đó !

1964

Sang năm 1964, sau khi báo cáo với Tỉnh và Trung ương về những khó khăn và kiềm chế của địa phương, tôi không thi hành án được nữa, từng tháng chẳng lên Xã lần nào nữa. Các xứ Bát, Quảng, Yên Thổ ... được Mặt trận Tổ quốc học tập về "Tự do tín ngưỡng" nhưng chủ đích là "liên hệ nói xấu tôi, và cấm đe những người đi lễ ở Quảng Phúc !

Tháng 8/1964, máy bay bắn phá miền Bắc, một dịp rất tốt để ngăn cấm đi lễ Quảng Phúc. Làm lễ ban ngày thì bị hạch là "lộ phòng không", làm lễ ban tối thì là "lộ ánh sáng, mất trị an". Giáo dân phải vượt bao khó khăn, bị càn đuổi ngã này thì lại vào ngã khác, lội qua ao, qua ruộng ... để được vào lễ. Chủ nhật, lễ trọng là cán bộ xóm Quảng Phúc bồng súng "gác phòng không" các ngả rất ngặt !

"Phòng không thì ít, phòng Công giáo thì nhiều" !

11/9/1964, mấy trẻ em bên lương vào khu xứ chơi, tôi đuổi ra êm can ... nó sợ, con anh Ba chạy ngã thế nào không rõ, thế là Ba (cán bộ) tố giác là tôi "đánh con hắn" ! Ô tô cứu thương về chở đi vội. Ông Lương Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Công an và Tư pháp Xã hội tin, tìm tôi xét ..., tôi kiếu, viết giấy : "Không khi nào đối chất với việc của trẻ con. Chính quyền nghe trẻ con gieo vạ và vu vạ cho tôi thì mặc Uỷ Ban". Anh Ba thì đeo súng qua lại cổng xứ, đe dọa bắn tôi. Tôi viết thơ cho anh Ba và cho Ty CA. Sau đó thấy im. Hùng Chủ tịch, ra sức vận động, mua chuộc bà Lân, lương dân, có mặt ở ang nước nhà xứ lúc tôi đuổi trẻ, ép bà ta vu vạ. Nhưng may, bà rất thật và đứng đắn !

Chủ nhật 15/11/1964, cán bộ Chước (Mặt trận Tổ quốc Huyện) và cán bộ Lượng Công an Xã, lãnh đạo cho anh Khuyến (đảng viên, giáo gian bỏ đạo, quê Bạch Bát) vào nhà thờ chất vấn khi tôi giảng xong. Nhưng tôi cất hát "Kinh Tin kính", và tiếp tục làm lễ, át tiếng hắn đi. Lúc giáo dân lên rước lễ, hắn theo lên chỗ tôi đứng giảng để ăn cắp bài tôi viết sẵn (3,4 tờ pơ-lu). Tôi báo cáo việc này với Chính quyền. Mãi một năm sau, Ông Lê Khả Tịch, Viện trưởng Viện KSND Huyện mới tìm tôi xét hỏi. Do đó, tôi đã kết luận ngay với Viện KSND rằng : "Việc anh Khuyến làm ngày 15/11/1964 là do cán bộ Huyện Yên Mô lãnh đạo và chỉ đạo. Họ ... im lặng !

1965

Giận cá băm thớt ! Trên dưới, Xã thôn cũng là một môn : mấy cán bộ xóm Quảng Phúc (Hi, Biểu, Quảng, Chuyên, Châm, Thâu, Cảnh) tăng cường càn đuổi các người đi lễ, các kẻ liệt cáng tới và các mẹ bế trẻ con đến đây xin bù các phép. Giáo dân đi ban đêm thì họ đuổi về "lấy lẽ mất trị an" ! Giáo dân đi ban ngày lại bị đuổi, lấy lẽ "phòng không, phòng dịch ..." ! Ai lọt vào nhà xứ (mà chưa kịp vào nhà thờ) thì cán bộ cũng chạy xổ vào, lôi ra ...!

Nhất thứ ngày 8/8/1965, lễ viếng (Ông Thánh Phanxicô), anh Chuyên, quần đùi, áo mai-ô rách, vào bếp nhà xứ ngồi chực rình người đi lễ. Trời nắng, máy bay hoạt động. Quãng 14 giờ 30 tôi ở nhà thờ xuống bếp bào anh Chuyên (quê Phúc Lại, ngụ xóm này)

1. Vào khu Thánh đường, cần ăn mặc chỉnh tề.

2. Vào nhà ai, phải thông qua chủ nhà.

3. Đừng lăng xăng chạy ra chạy vào, kẻo lộ mục tiêu mà máy bay bắn phá.

Anh khăng khăng : "anh có quyền kiểm soát. Ban Chấp Hành xứ cũng không là chủ khu này ...". Tôi phản đối ý kiến anh; thế là anh la lớn : "Khinh Chính quyền, láo !". Anh la gọi, thì ở nhà anh Ba đổ ra một toán, chạy tắt cái vườn, xô vào nhà xứ. Anh Ba trừng trộ mắng chửi tôi. Anh Chuyên giục anh Thâu đi gọi dân quân đến bắt tôi. Thấy họ hành hung côn đồ, tôi bỏ nhà dưới, lên nhà thờ, bị Ba và Chuyên cản lại, tôi giật vung tay bước vào được cửa nhà thờ, thế là hai anh bô loa : "Nó đánh chính quyền !". Dân quân vừa kịp tới, 2 súng do Phiệt và Thủy mang, 4 phạng, 4 gậy, toàn người lương dân ... Thâu và Ba lệnh : "gác các cửa nhà thờ, ai ra vào cứ bắn, đánh !". Còn Chuyên chạy ra đường xóm la hò : "Nó đánh chính quyền, nó xé áo tôi ...!". Dân quân bên xóm Huyện cũng đổ sang, càn đuổi không cho một ai tới lễ. Canh gác tới 17 giờ là lục tục kéo đi. Tôi kéo hiệu lễ ... duy còn một số ít còn lẩn ở ngoài xóm và giáo dân xóm này tới lễ 18 giờ.

Mấy tối liền sau đó, Uỷ ban Xã (Hùng, Lương) họp xóm, ra sức bóp méo sự thật, vu khống, xuyên tạc; UBHC gửi qua BCH một thông báo cảnh cáo tôi. Đáp lại thông báo đó, tôi gửi cho UBHC Xã một thư vạch tội cán bộ và buộc tội cho cả cán bộ Uỷ ban là nối giáo cho giặc, là bao che kẻ làm bậy, vừa ăn cướp vừa la làng. Để báo thù việc đó, cán bộ Xã, xóm không cho tôi lui tới nhà ai trong xóm nữa, không cho tôi đi lại trong xóm như trước. Nhưng tôi báo cáo và kháng nghị với Viện KSND Tỉnh ... Đâu lại vào đấy như trước. Địa phương đã im lặng sửa sai, ngày 20/10/65 tôi đã phải cám ơn Viện vì "không càn đuổi người đi lễ nữa, cán bộ hết xông xáo vào nhà xứ, tôi đi lại trong xóm như thường".

Dịp đó, tinh thần căng thẳng, giáo dân trong xứ Quảng Phúc bị đe dọa khủng bố, Ông Quản Bính bị đi tù, lớp phụ nữ (Ban hát nữ) bị dụ dỗ làm đơn đi công nhân 5/8, lại gặp thời tiết oi bức, người giúp việc cũng khiếp sợ ... tất tận gây cho tôi một tâm trạng bất thường : bị ốm rất nặng. Không ai dám chạy thuốc ... không ai dám đến chữa ...!

Dịp ấy, 25/10/1965, anh Chuyên cho vợ và em vợ (A. Nhâm) ra đào đất nhà xứ gánh về đổ nền nhà kho, xây ngay bên nhà anh Chuyên ! Tôi không cho lấy đất nhà xứ đi, thì Chuyên (cả hai vợ chồng) chửi mắng tôi thậm tệ. Tôi đã gửi cho anh ta một thư để xây dựng và giáo dục cho nhà anh.

1966

Đầu năm 1966, Mặt trận Huyện (Ông Chước) họp giáo dân bãi bỏ BCH cũ, bầu ra BCH mới ... Họ thử xem tôi phản kháng ra sao, vì ở xứ Tân Mỹ chỉ vì việc như thế mà Cha già Hậu đã bắt đi quản chế ở mạn Gia Viễn rồi. Tôi chỉ báo lên Viện KSND và vạch ra những nét mất đoàn kết, mất tự do, hại sản xuất, không tiết kiệm của việc hội họp đó ... Chẳng giải quyết ra sao, thế là BCH cũ không dám làm nữa (Ông Thu, Hành, Hanh) mà ban mới thì cũng bỏ nốt (Ông Phụng, Xuyến), thế là việc trong họ xứ bỏ trễ tất cả ... May được Ông Hành chịu khó giúp được gì thì giúp thôi (ví dụ đi lấy bánh lễ, phơi lúa ...). Ông Thu vẫn chịu khó trang trí nhà thờ các dịp lễ trọng. Trước mặt chính quyền, thì hết chống báng vì cũ thì nói là hết trách nhiệm, mới thì nói là Cha xứ và giáo dân chưa công nhận ...! Dù vậy, Chính quyền họ cứ ban mới. Từ Noel 1967, tôi mới công nhận BCH này.

1967

Mượn cớ và nhờ dịp "phòng không", các chủ nhật, các lễ trọng, giáo dân phải vất vả mới vào lễ được ... do đó, cũng có một số giáo hữu đã chán nản ! Tuần Thánh, các Thánh và Noel, Chính quyền ra sức bắt đi mời cụ Vịnh, Trinh về ... nhưng cũng có lần "hẹn cuội" thành ra thất tín. Noel 1966 hứa sai, cho nên Noel 1967, bất đắc dĩ họ phải cho Cha Luật về lễ chiều ở Quảng Nạp để lấy tiếng và để dễ xui giáo dân nói xấu về tôi ... Cô lập, bao vây ! Đến nỗi tôi ốm (tháng 5/1967), cậy chú Hùng 20 tuổi và em Ninh 14 tuổi đi mua thuốc giúp, cũng bị giải về Ty. Ninh 1 tháng 10 ngày, Hùng 6 tháng tù ngồi ! (đang khi đó thì cán bộ Ba hủ hoá cũng chỉ 6 tháng tù).

Tháng 6 và tháng 10/1967 họp giáo dân hai ba bốn ngày, bất kể "phòng không, sản xuất, tiết kiệm", từ 15 tuổi cũng phải tới họp, bỏ đạo như Thớ cũng đi họp, chủ trương "phổ biến chính sách" một phần nhỏ; phần lớn là để "liên hệ về Đức Cha Tạo và tôi..."Cha Hậu trẻ đã chết rũ tù ngày 10/7/1967 được nêu lên cho tôi biết thân. Mặt trận Tổ quốc Huyện Yên Mô tổ chức những phái đoàn các xứ liên tục tới tôi. Tôi tuyệt đối không tiếp. Cán bộ đe bắt những ai cất xướng kinh "Cầu cho Công đồng chung" và Kinh "Tôn Nữ vương gia đình". Họ cho người vào ăn cắp bài giảng tôi viết sẵn, quen để ở ghế giảng ... Chước cán bộ Huyện và Hùng cán bộ đi các xứ hội họp giáo dân răn đe cấm đoán đi lễ Quảng Phúc.

1968

Đức Cha thông báo 22/11/1968 Kỷ niệm 100 năm dâng Địa phận cho Đức Mẹ (thời Đức Cha Puginier Phước) thì Chính quyền nói là "kỷ niệm Ông Phước", rồi học tập liên hệ "Ông Phước là thực dân" v.v...Ông Xuyên, Huyện trưởng CA Yên Mô và Ông Lương vào tận tôi để cấm tổ chức ngày ấy. Và hôm chủ nhật sau (24/11/1968) gác kỹ hơn, bắt 4 anh ở Khánh Nhạc giải lên CA Huyện !

Gần Noel, 23/12/1968 Ty CA tìm tôi lên Núi Xẻ (Gia Khánh). Từ 7 đến 17 giờ, Ông Uông (tức Quý) Phó Ty, rồi Ông Bổng, Trưởng Ty, Ông Lê Trung Chiêu Văn phòng Ty, gặp tôi, có vẻ dân chủ. Với giọng điệu hứa hẹn, có lúc lại đe dọa khủng bố, ngỏ ý như sắp sửa giải phóng miền Nam (thì ra, Tết này đánh úp đúng vào mùng 1, đầu xuân). Kết thúc cuộc họp mặt, Ty CA căn dặn 2 điểm : 1 - Muốn được giải quản, thì phải nghiêm chỉnh chấp hành án quản chế. 2 - Đừng chấp chiếm một số cán bộ địa phương, họ làm một số việc thô kệch ...(lời Ông Bổng).

Tưởng rằng từ nay có phần dễ hơn. Nhưng, ngay hôm Noel 25/12/1968, cán bộ vẫn cấm giáo dân Yên Thổ, Quảng Bát tới đây dự lễ. Lễ đêm, có ba anh bộ đội đóng gần Quảng Phúc, tới dự lễ, rước lễ, thì Lương CA Xã và 1 số cán bộ đã đón, bắt giữ tại Chợ Lồng cho tới sáng.

1969

Đầu tháng 2/1969, tôi xin về Quảng Nạp chầu lượt, thì Chính quyền bắt giáo dân (BCH xứ) phải đi mời Nguyễn Thế Vịnh, cấm đi chầu tại xứ Quảng Phúc ...

Kẻ liệt cáng đến đây, đều bị đuổi về (ngày 1/3/1969 Bà Hấc, Phương Nại, đã được cáng tới gần cổng xứ, mà không vào xứ được !).

Tết năm trước và Tết năm nay, tôi xin đi xin lại (2,3 đơn) cũng chẳng chấp thuận, tôi phải khiếu với Viện KSND Tỉnh, thì 3/3/1969 Huyện CA mới cấp giấy đi thăm quê, thăm Cha già cố Khuyến và về Nhà Chung ngủ một đêm ... Tới Nhà Chung, thì hôm đó đã thấy Linh mục Nguyễn Chu Trình ở đấy rồi; đêm ấy, Cha Trình nói gợi về Cụ Hồ, về chế độ ... nhưng tôi lảng câu truyện.

Ba tháng sau, tôi xin đi gặp một Linh mục gần nhất (hoặc Cha Cúc, Tường, Sỹ) để lo việc tín ngưỡng riêng ! Chính quyền đều làm ngơ. Tháng 8/1969 bộ răng giả, làm từ 1950 bị hỏng, tôi đệ đơn với Ty CA, Huyện CA và Xã ... Hai năm sau vẫn xin lại, thì mãi chạp 1972 mới cho đi chữa.

1970

Từ bão C 1968, nhà gác lợp gianh, bị chim sẻ chui móc, hư hại chóng quá, dột như ngoài sân ... Xứ Quảng Phúc vay Toà Giám mục được mấy ngàn, cố gắng mua ngói sửa nhà ... Suốt tháng 9/1970 đã thay toàn bộ sườn nhà cao và lợp lại bằng ngói xi măng, đồng thời sửa lại cả nhà 8 gian (nhà rạ, vách đất) ải nát. Hôm 4 tháng 9, lợp xong nhà cao, bữa liên hoan (chó và dê) có mời Chính quyền địa phương, có mình Ông Châu, Chủ nhiệm HTX vào dự thay mặt tất cả.

Trong bữa ngồi ăn tại nhà 8 gian, Ông Châu thấy nhà trống thiên trống địa, ông đã gợi ý với Linh mục và giáo dân cố sửa lại cho chu đáo. Tạ ơn chúa ! Công việc sửa chữa nhà trên nhà dưới và cả đường đi lối lại khang trang sạch sẽ hơn, xây thêm một ang nước và chữa lại các ang cũ đã rò ... Ai cũng phấn khởi !

Ngày 18/11/1970, UBHC Xã tìm tôi, gặp Ông Tế, Chuyên, Chánh phó Chủ tịch và Ông Vinh Văn phòng, cách

4 gian, thì tôi thấy Ông Hùng cựu Chủ tịch và mấy cán bộ lạ mặt (Huyện, Tỉnh) cũng đang ngồi thảo luận.

Chủ tịch Tế tuyên bố lý do tìm tôi, để :

1. Đã quyên giáo những ai ? được bao nhiêu tiền ? Giáo dân đã báo và khiếu.

2. Xin sửa nhà cao, sao sửa cả nhà dưới ?

3. Lâu nay, ai cho phép mở thêm lễ chiều thứ bảy, mất sản xuất ! Phải chấm dứt !

Tôi báo cáo : không quyên một ai; nếu ai đã khiếu nơi Quý ban, xin cho biết để trả họ đủ mọi đồng, nếu thực sự họ đã góp. Sửa lại nhà dưới là nhu cầu và cũng do ý kiến vị Đại diện Chính quyền hôm bữa liên hoan đầu tháng 9/1970. Khu xứ khang trang cũng đẹp cho Xã đây, tiếng cho địa phương. Còn việc bãi lễ chiều thứ bảy, nếu có quyết định chính quyền, nếu có chỉ thị Nhà Nước, tôi chỉ xin Quý ban cho nhà xứ một công văn đóng dấu, ra lệnh phải bãi bỏ, thì tôi xin thi hành triệt để.

Nghe vậy, Chủ tịch Tế hung lên, đứng xổ đổ cả ghế ngồi, rút dép toan ném tôi, thì Phó Chủ tịch Chuyên ôm lấy Chủ tịch, can đừng làm thế. Văn phòng Vinh đề nghị giải lao mấy phút ! Sau đó viết biên bản đại khái, bỏ hẳn ý kiến tôi phát biểu, bỏ cả việc Chủ tịch hành hung. Tôi không ký biên bản. Học sinh Trường Quốc Ân chiều đó tan học, đều đứng vây Trụ sở chứng kiến. Tôi ra về, học sinh theo sau hỏi chuyện vui vẻ, và có câu hỏi : "Tại sao UB làm vậy mà ông tươi cười ngồi im được ? - các em tiếp - Họ làm bậy thật !".

UBHC Xã Yên Phong là những người mới, muốn tỏ lập thành tích hơn đời Ông Hùng, Lương; nhất là cán bộ Chuyên, đã bẽ lớn vụ bu loa "tôi đánh cán bộ, xé áo của y" ngày 8/8/1965, nay được thay Ông Lương làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Công an Tư pháp Xã năm 1970 và nhất là năm 1971 càng đuổi người đi lễ mạnh, Huyện Yên Mô cũng tổ chức nhiều cuộc họp tại các xứ, cấm tới lễ Quảng Phúc.

Ơn Chúa Thánh Linh và Đức Mẹ soi sáng, chỉ bảo, càng cấm họ càng chịu khó đi đông, tàng hình, giả cách, miễn sao vào lọt nhà thờ là yên trí được rồi !

1971

Tháng 10/1971 (từ 28-30) họp giáo dân toàn Huyện tại nhà xứ Yên Thổ; Cha Cúc, từ Bình Sa chịu khó đạp xe lên, dự lễ khai mạc rồi về. Các cán bộ : Lý, Cừ, Khình, Dung ... thuyết trình đại ý "Cộng sản cũng dạy như Đạo Chúa, nghe theo cán bộ đã đủ ... nói chê các Linh mục ..."

Đặc biệt là 2 ngày 10 và 12/12/1971, đình mọi sản xuất, bắt giáo dân toàn Huyện cờ quạt kèn trống, bất kể phòng không, long trọng rước "Phái đoàn Kitô giáo". Cán bộ hô hào : "Nghìn năm có một". Suốt ngày 10/12/1971 làm rạp, sân khấu tại kho HTX Vân Mộng, rồi lại chuyển sang kho Vân Thành (cách xứ Quảng Phúc độ 500 mét). Suốt ngày 11 được nghe 2 cán bộ Hà Nội (Trung ương) là Võ Thành Trinh nói từ 9 đến 11 giờ 30, và cán bộ Đông nói từ 14 đến 17 giờ, không cho giáo dân về lễ chiều thứ bảy hôm đó. Võ Thành Trinh gián tiếp đả kích Đức Cha Tạo và tôi, nhưng không dám nói rõ tên. Nhưng 15 giờ, lúc tôi sắp mặc áo làm lễ, thì (loa chõ vào xứ) nghe rõ cán bộ Đông nêu tên tôi, chụp mũ : "tôi cấm thanh niên đi bộ đội, tôi nói xấu chế

độ ..., đừng ai đi lễ nơi tôi, cần tố cáo để chính quyền trừng trị.v.v...".Sau cuộc mít tinh này, giáo dân các nơi tiếp tục họp để liên hệ hai bài của cán bộ Trinh và Đông. Phái đoàn hôm đó còn có hai Linh mục Cúc và Vịnh, nhưng hai vị chỉ phát biểu vắn tắt qua loa. Ngày 15/12 năm ấy, tôi nhờ một em 14 tuổi viết một đơn thay cho giáo dân khiếu tố với Viện KSND Huyện về những việc áp bức, đè nén giáo dân, chia rẽ giáo lương và đe dọa Cha xứ v.v... Một mặt tôi viết thư cho cụ Vịnh nhờ chuyển một thư cho cán bộ Đông, Trinh.

Sau đó, phản ứng càng cao : cấm đi lễ Noel tại đây, rước Linh mục Vịnh về mở lễ Noel tại Quảng Nạp. Xui Nhàn (bỏ đạo từ 1965) vào tôi thắc mắc vì tôi đã nói lại câu nói của bà con xóm này rằng : "Con cô Lý giống con anh Nhàn quá".

Tệ nhất và đểu nhất là cán bộ Trừng, Châu; đã xui mụ Lộc, mẹ vợ cô Lý, mụ là em ruột cán bộ Hùng, cựu Chủ tịch Xã. Thứ sáu, 28/1/1972 lúc 11 giờ mụ vào đập cửa nhà thờ la lối khóc lóc "Ở ông Thiều ... lúc thì ở Thắng ... vì mày mà con tao mất chồng, cháu khổ, tan cửa nát nhà ...". Châu và mụ Yến (em dâu Châu) lảng vảng ở cổng, xem có ai lên tiếng can ngăn mụ Lộc chăng. Tôi cũng chưa hiểu trò hề của chúng, tôi ôn tồn ra mời mụ Lộc vào nhà khách, để tôi hỏi đầu đuôi tại sao mà mụ nói thế. Mụ không vào, cứ đứng ở gác chuông, đập cửa nhà thờ, hò la khóc lóc ầm ĩ. Bà Trùm Xuyến và chị Trực (Công giáo) can ngăn mụ ta không được. Hò la chán, độ 12 giờ mụ ta về. Đến 18 giờ mụ lại vào cổng xứ la lối như trưa, 18 giờ 15 mụ rút.

Hôm sau, UB Xã tìm chị Trực lên nhà cán bộ Mùi (què) hạch sách, bắt ký biên bản buộc tội tôi. Chị không ký, chị còn hạch lại tại sao hỏi chị, về việc mụ Lộc vào đập cửa nhà thờ, la hò om xòm thì lại không viết vào biên bản ??

Suốt tháng giêng 1972 họ đem hình ảnh về Bảo an 1945-1950 và đem lý lịch "Tôi giết cán bộ ở Phúc Nhạc, Bình Sa, tôi tổ chức côn đồ hai nơi đó v.v...". Triển lãm hình ảnh, dùng micrô phát thanh nhiều buổi ầm ĩ ... Giáo dân tưởng là họ định bắt tôi đến nơi.

Trước Tết Nhâm Tý, tôi đệ 2, 3 đơn xin đi Tết ... Dân quân canh gác ngày đêm, không cho tôi đi vào nhà ai trong xóm như trước nữa. Tối 30 tết, đội văn nghệ Xã lại đem micrô vào kho HTX gần xứ, phát thanh bêu xấu tôi "tay sai Mỹ, giết hại cán bộ, côn đồ ở Bình Sa, Phúc Nhạc v.v...". Đêm đó, dân quân canh gác cẩn mật, cán bộ tập trung ở nhà chăn nuôi chén, chơi tổ tôm để gác ... và để ăn giao thừa.

Tết Nhâm Tý,1972

Giao thừa, nổ pháo, bắn súng inh ỏi ! Đúng 2 giờ ngày 15/2/1972 tôi ra đi Phát Diệm, vào giờ đổi phiên gác của Chủ nhiệm Châu; mấy tên đi riễu xứ một vòng rồi vào nhà Châu hút thuốc. Một mạch tôi tới Phát Diệm, dọc đàng chỉ gặp một anh đi bắt cá ở đầu làng Lưu Phương, anh bấm pin hỏi tôi, tôi chào anh, chúc năm mới khoẻ mạnh, may mắn. Anh còn dặn tôi : "đường lắm lỗ xẻ" !

Sáng mồng một Tết, hai Đức Cha cũng bỡ ngỡ. Đức Cha Tạo ngỡ là tôi xưng tội rồi về ngay ... nhưng tôi trình : Xin làm lễ.

Tôi làm lễ tại bàn thờ cạnh, rồi giúp lễ Đức Cha. Lễ xong, về nhà công đường dự cuộc chúc tết hai Đức Cha ... cơm sáng rất vui vẻ.

Ở Quảng Phúc sáng đó, hoang mang cao độ ! Cán bộ càng hốt hoảng ! Bắc thang trèo lên ngó phòng ngủ (nhà gác) xem còn nằm giường không ? Nhớn nhác tìm. Giáo dân thì lo xanh mặt ... Hay là "Họ bắt cóc mất rồi ! Giả đò tìm thế thôi !".

Cơm đầu năm bái niên hai Đức Cha xong, tôi ra tới cổng xứ Phát Diệm gặp một Công an mời tôi ra đồn lập biên bản qua loa, rồi để mặc tôi lộn lại Yên Mô. Chính Ông Giảng, đã nằm vùng tại xứ Quảng Phúc, đã xui Vĩnh ăn trộm bài giảng, hôm nay là Đồn trưởng Thị trấn Kim sơn ngồi hỏi tôi và lập biên bản; tử tế !

Lững thững đường hoàng rông tới xóm Vân Mộng đã 13 giờ. Trong nhà Công an Cảnh, đã đủ mặt cán bộ Huyện, Xã đón chờ ... Châu Chủ nhiệm ra tận đầu đường dọc, hách dịch quát : "Đi đâu về ?". Tôi không đáp, chỉ mỉm cười. Cán bộ Thọ (lạ mặt) càng tỏ vẻ quân sự quát : "Vào đây", anh chỉ vào nhà Công an Cảnh.

Dân chúng và một số cán bộ rút ra chung quanh và ngoài đường. Chuyên Phó chủ tịch cũng bỏ đi, để tôi đối phó với 2 cán bộ Châu, Thọ.

Châu Chủ nhiệm, thì tôi đã quen biết, còn cán bộ Thọ (con ông Chỉnh, phục viên) tôi chưa biết. Thấy anh quát tháo, ăn nói phũ phàng, tôi quay hỏi cán bộ Châu : "Đây là cán bộ Huyện hay Tỉnh, xin cho tôi rõ tên rõ chức để tôi biết lối trả lời.", cán bộ Thọ rút. Cán bộ Châu tiếp hỏi : "Anh đi lúc nào ? Anh đi đàng nào ?" (Châu, phục viên từ 1956, từ khi chưa nhập đảng, chưa có vợ, nhà anh ở cách xứ 1 mảnh vườn thôi, tôi rõ anh lắm. Năm 1972, anh độ 36 tuổi). Cán bộ Châu hỏi mãi, tôi thủng thỉnh đáp làm cả mọi người đứng ngoài phì cười : "Anh đi đường nhân dân quen đi". Cán bộ Châu rút, và ngoài đường, mấy cán bộ lạ mặt cũng rút, và mấy cán bộ quen như Lương cũng đi về. Phó Chủ tịch Chuyên lại vào lập biên bản, rồi bảo tôi về xứ !

Chuông réo, báo hiệu Chầu đầu năm và lễ đầu năm chúc tuổi các xứ. Giáo dân từ Hiếu Thuận tam Châu vào tới, Bạch Liên, Quảng Nạp, đều có người tới lễ.

Sau Tết, từ 16-23/2/1972, đêm nào cán bộ (Trừng, Lương, Chuyên, Châu) cũng o ép BCH xứ phải buộc tội Cha xứ. 23-27/2/1972 giam Ông Quản Bính tại CA Huyện, bắt ông nhận : Linh mục làm sai, và giao cho ông phải theo dõi, báo cáo ...

28/3/1972 là thứ ba Tuần Thánh, giam Ông Phụng Trùm chánh tại Huyện, vì ông nhắc bảo giáo dân ai còn nợ xứ (làm mầu ruộng) phải thanh toán để chi tiêu Tuần Thánh. Giam tới 18 giờ ngày thứ năm, ông được về kịp lễ. Địa phương báo cáo : "Ông quyên tiền !".

24/4/1972 Hai mẹ con bà Tân Nha (Thợ răng), Hoà Lạc, được Chị Thược mời lên chữa răng cho tôi, bị xóm Quảng Phúc bắt vào nhà CA Cảnh. Tôi ra xin với Phó Chủ tịch Chuyên, không tha ! Giải sang CA Huyện giam một đêm.

Sau nhiều lần xin đi thăm Cha Quế và Cha Trinh ốm, thì 10/7/1972, dịp máy bay bắn phá dữ dội Tỉnh này, tôi được đi Mông Hưu và Phúc Nhạc thăm hai Cha. Đi từ 5 - 18 giờ; Sáng đó gặp Quy lăng Bà cố Sách, phải dậy từ 1 giờ. Lễ và phép xác xong mới 4 giờ. (Phòng không !). Lễ Đức Mẹ Lên Trời 15/8/1972, Nhà thờ Phát Diệm bị oanh tạc, tôi xin đi thăm được ngay ! Lạ ! Chưa hề bao giờ dễ thế !! Từ 5 - 18 giờ ngày 19/8/1972 được về Nhà Chung, đem theo mấy phụ nữ xuống tham gia việc dọn dẹp (hôm đó rỡ nhà chè xưa).

Từ đây, việc đuổi giáo dân không cho vào lễ đã giao cho mụ giáo Tự. Mụ ăn nói thô tục và ngổ ngáo ! Nhưng giáo dân vẫn vượt qua mọi trở ngại, đi lễ càng đông. Từ tháng 11/1972 trở đi, việc tới lễ xem ra dễ dàng, không canh gác, không càn đuổi gắt gao. Noel 1972 mặc dù máy bay B52 bắn phá Hà Nội Hải Phòng (trước và sau lễ), nhưng các xứ đến lễ tự do, rất đông.

Và sau hai năm xin phép đi chữa rang, xin tới 8,9 lần, thì ngày 18/12/1972, Ông Lê Huy Chiêu ký giấy cho đi phố Cam Giá (trên Thị xã Ninh Bình) đi một ngày và ngày 27/12 lại được đi một ngày để lắp răng. Lúc lắp xong, độ 16 giờ, tôi về lối đò La, tạt qua vào Yên Vân độ 15 phút ... Khi về Yên Mô, Xã và Huyện hạch và chù việc vào Cha Tường ... bị hằn lâu về sau !

Ngân khánh - 25 tuổi Linh mục

Lễ các Thánh năm nay, Lễ Ngân Khánh (cưới bạc) 25 năm Linh mục ! 25 năm ơn Chúa ! 25 năm ơn Giáo hội ! Ơn Đức Maria và các Thánh ! Ơn các vị ân nhân, đặc biệt là cha mẹ sinh tôi với Cha Joseph Khuyến nuôi tôi.

Ơn nhiều ... nhưng báo ơn quá ít ! Gratia Dei fuit in me vacua !! Xin Chúa thương xót. Ne argue me in furore tuo Domine ! Miserers mei quia infirnum Amen !

Giờ đây, biết bao vị ân nhân đã quá cố ! Requiescant in pace ! Cha mẹ tôi, Cha già Châu nuôi tôi từ đầu, các vị dạy tôi tại xứ, dạy tôi tại các Chủng viện ... Qua đời đã nhiều.

Xin Chúa trả công vô cùng cho các ân nhân của con!

Con đã phụ ơn Chúa quá nhiều ! Nhưng lòng thương xót Chúa vô biên ! Còn cho con sống, sống thêm, sống sót ... để đền đáp, để lập công !

Ngày nay con càng thấm thía và xác tín rằng : "Chỉ vì ơn Chúa quá thương ... chứ như phần con quả là bất xứng, bất xứng mọi bề :

- Bất xứng vì quê hương Hàm Ân khô khan ...

- Bất xứng vì gia tộc con khó nghèo ...

- Bất xứng vì bản thân con xấu xa hèn kém, thêm vào đó là tội lỗi, phụ ơn ...

Ôi ! Lòng lân tuất Chúa vô biên,

Ôi ! Lòng thương xót Chúa vô cùng !!

Chúa đã dùng thời cuộc để chấp nhận việc con bất xứng : vì thế, 25 năm tại chức Linh mục, thì đã 20 năm tù và đày ... và còn bị cô lập đầy ải cho tới bao lâu nữa ?

Nếu vì người ta ghét Chúa nên ghét con, thì có phúc cho con ! Hân hạnh cho con biết bao ! Con có thể nói được chăng câu Thánh vịnh : "Dilexi justitiam et odivi iniquitatatem, propterea unxit me Deus ? Propterea vixi in carcere et in vinculo ? Proptera moriar in exsilio ?". (Tôi yêu công chính và ghét gian tà; Bởi thế Thiên Chúa xức dầu tôi ? Bởi thế tôi sống tù ngục gông cùm ? Bởi thế tôi sẽ chết trong cảnh lưu đầy ?).

Chớ gì được thế ! Nhưng khốn nỗi ! Con đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu xót ... Lỗi tại con, lỗi tại con, lỗi tại con mọi đàng ... Xin chúa thứ tha và thương xót con !!!

Đọc lại những cảm hứng, cảm tưởng và những dốc quyết của những ngày con chịu các chức ... Ôi ! Con đã thất trung nhiều quá !

... et spiritu principali confirma me ! Từ 1947-1952 lạy Chúa, Chúa rõ "Jelus Donus Tui comedit me" nhiệt thành, nhiệt tâm ... nhưng thiếu khôn ngoan, chưa quên mình triệt để ... Lắm lúc con đã thầm ước được nghỉ ngơi ... thì Chúa đã cho con nghỉ gần ba năm tại rừng núi âm u tịch mịch Khu tư (Thanh Hoá), Hoà Bình, Hà Nam Khu ba.

Từ 1955-59 con muốn hoạt động cho Giáo hội Chúa, bù lại những năm xa vắng Giáo phận, nhìn vào thời thế, vài chục anh em già ốm "ở lại coi nhà", mà nhà thì rộng, trộm cắp thì nhiều, tương lai không có ... đôi khi con đã nghĩ đến cảnh "không trông được hưu" cho đến chết ... Thì Chúa đã cho con "hưu non" suốt từ năm 1960 tới nay, nhất là từ 1963 lại càng được hưu kỹ ... hưu non !!! Từ đó đến nay, con không xứng đáng hợp quần lấy 1 tuần tĩnh tâm với các anh em Linh mục ... Hoạ lắm mới được gặp một anh em đồng chức, thì phải trả một giá khá cao : Vất vả chạy cựa hơn là đơn xin làm Cai Phó tổng xưa !

Omnia cooperantur in bonasur ...

Tất tận đều cộng tác làm nên tốt lành ...

Hưu non, và sống giữa những con mắt sphinx cú bọ, giữa một số kẻ ra sức bẻ bót lời nói việc làm ... nên nhờ đó mà biết cảnh giác đề phòng tương đối tích cực hơn :

- Bàn giảng : dọn và viết cẩn thận ... nay thu lại được mấy tập lớn ...

- Những lời dặn dò khuyên răn ngoài lúc giảng : cũng được viết tỉ mỉ, gồm ba cặp nhỏ; những gì xẩy ra hàng ngày chung quanh tôi, cũng có giờ ghi lại để "nói có sách, mách có chứng".

- Nhất là những bài, những thư giao thiệp với Chính quyền, càng được biên chép lưu lại cẩn thận. Thậm chí phát biểu gì tại cơ quan (nhất là tại trụ sở CA Xã, Huyện, Tỉnh) thường thường đã viết thảo vội vàng tại chỗ, rồi mới phát biểu ... vì thế, nhiều lần biên bản không đúng lời tôi, tôi không ký nhận.

Hưu non ... có giờ dạy kinh bổn cho các em mọi ngày ! Không mua chuộc, không dụ dỗ, tùy cha mẹ và tùy các em : hễ đến là tôi dạy mỗi ngày một vài giờ. Chính quyền không cho "nuôi các chú", thì đi đâu cũng "quần chúng hoá" việc giúp lễ, đọc sách và hát xướng trong nhà thờ. Từ 8-9 tuổi đến khi đi gánh vác, các trẻ nam đều được tập giúp lễ. Mỗi tuần ít là 4-5 tối tập hát chung tại nhà thờ, anh nào, cô nào, hoặc người đứng tuổi nào thích hát thì tập. Phụ nữ chưa gánh vác đều tham gia xướng kinh chung, hát chung. Ai không tham gia không sao cả ! Tự giác !

Chẳng có hội gì hết, vì chẳng có gì là tổ chức quy luật, chẳng có ai lãnh đạo, chỉ đạo ... bởi phải có phép mới được lập hội !

Không cho đi đâu, không cho ai lui tới, là dịp tốt để có thời giờ học thêm, có thời giờ đọc kinh cầu nguyện nhiều hơn và muốn tĩnh tâm ngày nào cũng được, một cảnh may hiếm có : được ngủ, nghỉ, làm việc ở bàn giấy dưới 1 mái nhà với Nhà Chúa ngự ! Ôi ! Phúc thế ! Mà con lại phụ ơn Chúa ! Xin Chúa tha thứ !!!

Người ta tung tin, hoặc để thăm dò dư luận, hoặc để lung lạc tinh thần, hoặc là thủ đoạn chi chi ... tung tin "Bắt rồi ...! Tay sai Mỹ ... Chống Cách mạng ...".

Tung tin, rêu rao làm sao mặc ! Tôi cứ một mực quyết chí : làm gì, nói gì là nhằm đích sáng danh Chúa, ích phần hồn và đẹp cho chế độ nữa. Hằng nhớ Thánh Phêrô dặn : "Cứ làm lành, ai nỡ làm hại ... mà nếu bị khổ vì làm lành thì phúc biết bao" (1Pet 1...) Do đó, nhiều lần đã tự hào nói với cán bộ : " Khoa học kỹ thuật tối tân, các ngài có đủ máy móc, các ngài cứ ghi các lời tôi nói, cứ chụp các việc tôi làm, rồi đưa đi khắp nơi, khắp thế giới, người ta chỉ có thể ca tụng chế độ chúng ta thôi".

Dù sao, cũng phải nhớ lời Tiên tri Malakia nhắc : "Người ta ghét chê khinh bỉ tôi là tại tôi khinh chê luật Chúa", quên lãng những điều đã dốc lòng trong các tuần cấm phòng chịu chức, cấm phòng thường niên vào dịp kỷ niệm Linh mục (trước lễ các Thánh), cấm phòng dịp cuối năm trước lễ Thánh Quan thày Phaolô (một tuần trước 25/1) ...

Bởi thế, Chúa làm thinh cho kẻ thù làm hại tôi ! Vậy nếu muốn được Chúa tha, tôi phải nhắc cho bản thân câu Tiền xướng giờ Kinh sáng thứ sáu trong tuần (Antiphona ad Benedictos giờ Lauder I Thứ sáu) rằng : "In sanctitate serviauners Domino, et liberabit nos ab inimicis nostris" : Phải phục vụ Chúa trong đời sống thánh thiện thì Chúa sẽ cứu khỏi kẻ thù làm hại.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ hàng Giáo sĩ, Mẹ đã thương và yêu con bấy nay ! Con dại, cái mang ! Mẹ cầu bầu bênh chữa và Mẹ luôn luôn tỏ ra Mẹ là Mẹ con, và dù sao con vẫn luôn luôn là con Mẹ.

Lạy Thánh Giuse, Bảo trợ phụ của con, từ 1941 (19/3Lễ Thánh) con đã được ơn lạ khỏi mụn nguy hiểm ở má giữa lễ Thánh và sau một tuần khấn cùng Thánh, mụn đã một năm không thuốc nào khỏi, mà hôm đó khỏi đột ngột ... từ đó, con đã ký tên sau Thánh Bảo trợ đã nhận khi nhập đạo 18/11/1917 thêm tên Thánh Giuse ! Ngài đã bảo trợ Linh mục Thương( phẩm Giêsu, lẽ nào Ngài bỏ qua con đây cũng là Linh mục của Chúa Giêsu ?

Lạy Thánh Phaolô Quan thày ! Xin luôn luôn hun đúc bầu nhiệt huyết cho con biết tận tụy lo cho vinh danh Chúa và Giáo hội, lo cho ơn cứu rỗi của con và các linh hồn.

Chị Thánh Térésa Hài đồng Giêsu ! Chị em ta cùng chung sức lực tài trí và hạnh kiểm để làm Linh mục của Chúa Giêsu. Cuộc kết nghĩa giữa chị em ta, cho dù thời gian lâu la, nhưng vẫn là cuộc kết nghĩa linh thiêng cao cả : em chỉ góp phần là nam giới, còn bao nhiêu là phần chị góp, chị nhớ cho !

Hỡi các linh hồn ân nhân của tôi đã về cùng Chúa :

Tiên vàn cha mẹ tôi đã bỏ tôi từ 23 tuổi và 35 tuổi. (Bố thọ 64 tuổi, Mẹ thọ 73 tuổi).

Đức Cha Thành đã làm phép Thêm sức.

Cha già Châu rửa tội và nhận tôi đi tu.

Đức Cha Tòng nhận tôi vào Giáo phẩm.

Đức Cha Phùng đã phong 4 chức nhỏ.

Đức Cha Từ đã phong ba chức Thánh ...

Các Cha các Thày đã dạy tôi từ vỡ lòng đến khi bước lên Bàn Thánh, đông không thể kể hết ! Các Tu sĩ nam nữ đã cầu khấn cho tôi ! Các ân nhân đã giúp của cải vật chất ... Các anh em họ hàng bà con trong xứ trong họ đã thương giúp và cầu cho tôi thành đạt ... Tôi tri ân tất cả ! Xin Chúa trả công ! Xin Mẹ bù đắp thay cho tôi. Nhất là công lao Cha già Cố Khuyến (Đời này Chúa đã trả công cho Cha già cố tôi : đã nâng lên chức Giám mục 24/4/1974, Tấn phong tại Phát Diệm, và ngày 15/12/1981 Chúa đã gọi về trả công).

25 năm Linh mục tôi đã coi sóc linh hồn giáo dân các xứ Bình Sa, Tôn Đạo, Phát Diệm, rồi Hoàng Mai, Ninh Bình, Thiện dưỡng; sau cùng là các xứ Quảng Phúc, Yên Thổ, Bình Hải, Bạch Bát, Quảng Nạp, mong ước anh chị em từng ấy xứ tha thứ mọi sai lầm thiếu sót, cầu nguyện cho tôi, và nếu yêu tôi thật thì hãy giữ những điều tôi đã dạy bảo thực tình và hết tình.

Tôi phải tạ ơn Chúa vì anh chị em đại đa số đã giữ vững đức tin, mặc dù phải qua biết bao thử thách giông tố. Cũng như Thánh Quan thày Phaolô đã khen lao và tuyên dương đức tin giáo đoàn Thessalonica (1 Ths 1,5-10). Tạ ơn Chúa Thánh Linh đã ban ơn can đảm và ơn hiểu biết để anh chị em luôn luôn cảnh giác đề phòng những âm mưu chia rẽ, âm mưu hại đạo tinh vi ...

Mặc dù có một số ít xu thời và yếu đuối, xin Chúa tha thứ và xin Chúa ban đủ thời gian và ơn soi sáng để họ kịp thống hối, trở về cùng Chúa và Giáo hội. Tôi không chê trách số người đó, mà chỉ thương và cầu cho họ thôi. Tôi tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả ! Và luôn luôn xin mọi người đại lượng tha thứ cho tôi vì tôi cũng là người yếu đuối.

Khẩu hiệu tôi, bắt chước khẩu hiệu của 1 Đấng chép bộ sách về Thánh Phaolô (2 pho) mà tôi đã mua đọc năm 1936 : Spina Triumphis Aptior, tôi quen ký ba chữ đầu thành STA.

Nguyên chữ STA cũng có nghĩa là hãy đứng ! Đứng vững ! Bất khuất trước bạo lực, gian, ác, dối ... Nhưng cả khẩu hiệu là Spina : chông gai, Aptior : hợp hơn, dễ hơn, Triumphis : chiến thắng. Khẩu hiệu này cùng một nghĩa với Per crucem ad Lucem : Qua khổ giá tới vinh quang, và cũng là lý tưởng đời sống Linh mục phải là : Sacerdos et Victima - Của lễ toàn hiến.

Misrere mei quia infirnus Sum

Te Deus laudamer !

Magnificat Anima mea !

Cám ơn các ân nhân còn sống hoặc đã qua đời.

01/11/1947 - 1972

Paul-Joseph Quang Thiều

Con xin phó hồn xác con trong tay Chúa, Mẹ và các Thánh Bảo trợ Paul-Joseph-Térèsa.

02/11/1972

Bắt đầu làm lại từ con số không ! Hãy học với Chúa : Khiêm nhường và Hiền Lành ! Nhìn lại 25 Linh mục

a) Nghĩ về dĩ vãng : Phải tự thẹn, xấu hổ ! Cần hạ mình xuống ! Đền tạ ! Thống hối.

b) Nghĩ về hiện tại : Đáng khích lệ vì còn thời giờ thương xót thứ tha.

c) Nghĩ về tương lai : STA ! Can đảm lên, vì còn có thể chuộc lại những ngày đã qua, đã mất ! Tương lai, dài hay ngắn ? Ngày giờ là của Chúa ! Sẵn sàng ! 1Cor 9,27 : "Tôi sửa trị thân xác tôi, bắt nó phải phục tòng. Sợ rằng : đang lúc tôi thuyết giáo cho người khác, thì chính mình lại bị khai trừ chăng"

Lạy Chúa ! Xin soi sáng và giúp sức con ...

-Lạy Mẹ, Mẹ thông ơn Thiên Chúa, Mẹ bầu chữa kẻ có tội là con.

-Thánh Giuse, Thánh Phaolô, Thánh Nữ Têrêsa và Thánh Tịnh ... Xin cầu bầu cho con.

Paul-Joseph Quang Thiều.

Năm 1973

Trong năm 1973, giáo dân vào lễ tự do khá, không còn lý do "Phòng không, phòng gián" vì đã ký Hiệp nghị Đình chiến Paris rồi. Phần riêng xin đi đâu càng khó, Ông Chiêu CA Huyện công bố tại cuộc họp xóm và cũng hai lần nói với tôi : "Không cho ông đi đâu, kẻo cho đi thì lại đi ngang về tắt" có ý ám chỉ và chù (hằn) tôi về việc đã tạt qua Yên Vân thăm Cha Tường ... và trưa hôm 27/12/1972 sau khi lắp răng giả tại Cam Giá xong, tôi không nghỉ tại hiệu chữa răng, mà đã lùi xuống Thiện Mỹ (Chẹo) để nghỉ trưa và ăn sáng ... lúc bỏ Thiện Mỹ độ 5 phút, trên đường xuống Yên Vân thì gặp một bà (phụ nữ) lịch sự đi xe đạp, bà xuống xe tránh ba xe đạp chúng tôi ... đi khỏi bà, tôi hỏi anh Thục (người Chẹo) thì anh cho biết đó là vợ Ông Bổng Trưởng Ty CA... Một tạt ngang nữa là sáng đó, trước khi lên Cam Giá, có vào qua Yên Phúc, trụ sở của Linh mục Nguyễn Thế Vịnh, vắng, chỉ có một ông lão coi nhà với 1 chó to ! Tôi viếng nhà thờ 1 chốc rồi đi ngay ... Việc làm đường đường và thiết nghĩ chẳng phạm vào kỷ luật nào, bởi vì một Linh mục, đi tới đâu người giáo lương đều nhận ra ngay là "Linh mục, ông Cha", tất nhiên phải tìm chỗ an toàn kín đáo để nghỉ ngơi và lo việc cần chứ !!! Chính quyền nào chấp chiếm và hằn thù những việc như vậy ? Mà chính Ông Vũ Xuân Lê (xưng là Ty CA Ninh Bình) gặp tôi 28/2/1973 tại trụ sở Huyện CA cũng đã nói trước mặt Ông Lê huy Chiêu : "Việc ông vào Linh mục Tường là việc vụn vặt".

Tết không được đi mừng tuổi hai Đức Cha, xin đi phục vụ các xứ mùa chay, chuẩn bị Phục Sinh, trong cảnh đất nước sạch bóng xâm lăng ... cũng không cho tôi đi xưng tội dù đã đặt mấy lá đơn. 24/4/1973 tôi gửi Viện KSND Huyện 1 thư khiếu nại. Và sáng sớm, 2 giờ ngày 26/4/1973 kỷ niệm thụ phong Giám mục 1959-1973 của Đức Cha chính Phaolô Tạo, tôi về Chính toà dâng lễ, giúp lễ và giảng vắn về quyền chức và gánh nặng của Giám mục. Cơm nước xong, Công an Phường và Ông Kham, Trưởng đồn CA tìm ra lập biên bản, đuổi về Yên Mô ! Họ báo điện tín cho Yên Mô! Vừa tới xóm Phương Nại thuộc địa hạt Yên Mô, đã quần quật xe đạp cán bộ ... họ đón, dẫn đưa vào sân kho, rồi lại dẫn về Quảng Từ, vào nhà Công an Ngô Văn Trừ lúc 9 giờ. Đặng Văn Thế, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng CA Xã Yên Từ tới hạch sách, nói láo, bắt tôi cởi áo thâm chùng, tôi không cởi ! Dân chúng kéo tới xem chật sân, và giáo dân Nuốn cũng kéo đến !!! Gia đình bà Khả (vợ Giám, chồng đi đặc công chưa về) đem cơm đến, bị Ông Thế mắng ... 9 giờ 45 lập biên bản không xong... Tôi thấy bóng Ông Lương CA Huyện (trước là CA Xã Yên Phong) và mấy người sang (có lẽ cũng là cán bộ Huyện) đem Thế đi hội ý... Sau đó mới rõ, họ kéo nhau về trụ sở CA Huyện Yên Mô (cách Quảng Từ độ 2 km) để bàn kế hoạch. Tới 15 giờ, Ông Thế lại đến lập 1 biên bản giống như biên bản tại đồn CA Kim Sơn, tôi chứng thực ngay, rồi trở về xứ ... theo sau là đoàn giáo dân Nộn Khê và một số rất đông thanh niên và nhi đồng nam nữ xóm Quảng Từ và Nộn Khê. Qua xóm Nộn Khê, hết đất Yên Từ, tôi từ giã họ, bảo họ về học hành sản xuất, kẻo lên Xã Yên Phong không tiện. Tới Quảng Phúc, im ắng, chỉ có một số giáo dân ra đón về xứ.

1974

Rét, giá kéo dài, mạ chết ... tình hình chiêm sẽ thất thu ! Tháng 2, Bùi Chu mất Đức Cha Tĩnh, kế đến, tháng 5 Phát Diệm mất Đức Cha phó Lê Quý Thanh ... nhưng đối với tôi, năm nay xem ra được Chính quyền dễ dãi hơn hẳn. 21 tháng 1 tức 29 Tết Mậu Tuất, cán bộ Thâu cầm giấy đến tận nhà (20/1/1974) Huyện CA cấp, cho đi về Nhà Chung ăn Tết từ 6 - 17 giờ. Dịp Đức Cha Thanh ốm được về thăm hai lần vào 26/4 và 3/5/1974.

Bệnh thoát vị "bẹn trái" phát triển, tôi xin đi bệnh viện, cũng được bệnh viện Huyện (bác sĩ Thọ) và bệnh viện Tỉnh (bác sĩ Ý) khám xét cẩn thận (25/3+30/4), cho đơn tẩm bổ ... đề chuẩn bị mổ.

Ngày 5/4/1974 Chính quyền Kim Sơn lại chiếu cố cấp giấy cho Cha Sỹ lên thăm và cơm chay thứ sáu hôm ấy (14/4/1974 Pâques). Thứ hai sau lễ Phục Sinh (15/4/74), Ông Thơ Hảo photo ở Phát Diệm lên thăm và chụp ảnh. Chưa kịp cơm trưa, thì đã bị cán bộ Chuyên vào mời đi ... giải Ông Hảo và anh Thuận (thợ phụ chụp ảnh) sang Huyện, mãi 18 giờ mới cho ông về Kim Sơn.

Nhất là đám Đức Cha Thanh, không ngờ Chính quyền rộng rãi cho tôi về từ trưa mồng 8/5 tới trưa 9/5. Dịp này tưởng là Phát Diệm "sập" to, vì Đức Cha chính (Tạo) cũng ốm, nằm liệt giường, không dậy tiếp ai dịp đó. Nằm mà dặn dò mọi việc đám xác. (Ngày 8/6/1974 Cha Chính Khuyến đã phải xức dầu cho người, trước lễ Ba Ngôi).

Lễ an táng Đức Cha Thanh, Đức Cha Tạo đã xếp chương trình chu đáo ... nhưng một số Linh mục bị Ông Đệ, cán bộ Mặt trận vào Nhà Chung thôi thúc, o ép. Từ 20 đến 22 giờ 30, Ông Đệ vào Nhà Chung họp các Cha, trừ 1 tôi không mời họp, thay đổi một phần chương trình của đức Cha là không cho tôi tham gia một việc gì trong đám ấy. Đức Cha đã dạy tôi rước xác và nói mấy lời cám ơn sau khi hạ huyệt ... Nhưng để xuôi việc, thì đã nhờ Cha Bích, Dòng Cứu Thế đưa xác. Cha Khuyến hành lễ, Cha Sỹ và Vọng Di Sub, Cha Nghiễm giảng; thay Toà Giám mục ngỏ lời cám ơn thì nhờ Cha Luật.

Đám đưa xác tới nhà thờ thì có Cha Thịnh (Hải Phòng), Cha Oanh (Bùi Chu). Sắp hát lễ thì Hà Nội có Cha Cương và Cha Tông tới. Đức Cha Căn định tới, nhưng đêm trước bị đau bụng đột xuất. Hạ huyệt xong, 11 giờ bắt đầu các Cha và khách xa đi ăn cơm, thì tôi đành nhịn, vào từ giã Đức Cha. Người không ngồi được, nắm bắt tay cố hỏi : "Cha không ăn cơm à ?", "Con cần lên Yên Mô kịp trả giấy đúng giờ" ! Tôi lại tiếp : "Việc Đức Cha phó đã xong, Nếu Chúa cất Đức Cha về, con không tới đâu ạ !". Cả hai cùng rơm rớm lệ ... Tôi lùi ra đi.

Đạp xe lên Yên Mô trả giấy phép cho kịp 12 giờ, kẻo bị hạch và ảnh hưởng lâu sau. 14 giờ hôm ấy tôi mới ăn cơm tại Quảng Phúc, 19 giờ hát lễ trọng cầu cho Đức Cha Giuse, vì sáng đó ở Phát diệm tôi chưa làm lễ. Cũng vì tôi trình với Đức Cha Tạo biết : sáng đó tôi không làm lễ, để tâm trí xếp sắp mọi việc đỡ người ... Đêm đó, tôi cũng mất trắng : mãi nửa đêm mới lên giường, nhưng xôn xao quá, và hồi hộp, tôi lại sang Nhà Nguyện (đặt ở nhà 47, nhà lầu gian giữa thẳng chòi chuông). Gần tư giờ tôi về phòng, cùng 1 phòng với Cha Vọng ... thì thấy Cha Trình ngủ ở phòng bên cạnh, sang mở cửa gọi Cha Vọng hối hả và nói có vẻ bực tức (tưởng là tôi không có trong phòng). Cha Trình mở màn bảo Cha Vọng : "Ông Thiều trình Đức Cha không cho chúng mình làm lễ sáng nay đâu ! Cha có làm lễ thì đi với tôi ..."

Nghe thế, tôi ngạc nhiên quá, định lên tiếng phân phô. Nhưng nghĩ ngay : nhà có tang, và chắc là Cha Trình không hài lòng vì không thấy Đức Cha cậy làm gì trong cuộc Táng xác Đức Cha phó ... Đành nhịn, để thêm hy sinh cầu cho linh hồn Giuse. Cha Trình ra khỏi phòng, tôi tới hỏi Cha Vọng, tình hình thế nào mà Cha Trình nói thế. Lạ quá ! Để con hỏi lại Đức Cha xem sao ! Nói vậy, nhưng cũng chẳng muốn hỏi lại kẻo phiền lòng Đức Cha, vì người ốm, nằm ... bỏ lễ đã mấy hôm, và chắc đêm nay, người cũng chẳng chớp mắt. Chi bằng ra Nhà Thờ Lớn dự lễ Cha Bích, Cha Nghiễm (bàn thờ chính), Cha Trình và Cha Vọng sau ra làm lễ bàn thờ cạnh. Sáng nay, lễ nào (từ 4 giờ 30 - 6 giờ) Cha luật cũng đi đi lại lại bao lơn, dặn dò giáo dân về chương trình lễ an táng. Đúng là 1 micrô của Chính toà. Micrô máy có 1, để làm lễ; Cha Luật nói buông thôi !

Sau khi Đức Cha Thanh mất, Chính quyền đã đồng ý cho Cha già Khuyến về Phát Diệm : một yên ủi cho Đức Cha tạo trong lúc đau khổ và ốm yếu ... Người ốm hầu hết năm 1974. Người sống được là một ơn lạ !!! Và một lạ nữa : dân chúng đang lo mất mùa đói kém, thì ngờ đâu vụ Chiêm năm nay lại được bội thu.

Năm 1974 cũng là năm tôi quyết định dịch sang Việt ngữ xong các tài liệu Vatican II. Sách La-Pháp do Cha Điện Roma gửi về tặng Đức Cha cuối năm 1973, nhân dịp cụ Vịnh đi dự Đại hội Kitô Giáo ở Turin, ghé qua Vatican. Sách quý độc nhất miền Bắc lúc bấy giờ, Hà Nội cũng chưa có ... lạ sao Bùi Chu lại có, và Đức Cha Giuse Tĩnh cũng đã khởi công dịch ra Việt được 1,2 tài liệu thì lâm bịnh và tạ thế.

Hôm đám Đức Cha Thanh, may tôi gặp được Cha Oanh (Bùi Chu) chốc lát. Cha chuyển thư Cha Dung cho tôi biết việc đức Cha Tĩnh đang làm dở dang ! Không hẹn mà hò ! Tôi đang bí một điều là làm sao "nhân ra nhiều bản" được, vì sách dài lắm... thì các Cha ở Toà Giám mục Bùi Chu (thất nghiệp) còn đông và sẵn máy chữ ... Thế là gặp may : các Cha Bùi Chu nhận việc đánh máy ra nhiều bản !

Được sự khích lệ, mặc dù oi bức, tôi cặm cụi dịch sách hầu cả ngày, có lần giở giời sắp mưa bão, mắt tôi cứ gà ra, chỉ chực ngủ gật mà vẫn không rời bút.

Dịch (chuyển sang Việt ngữ) được tập nào là bố trí gửi đi Bùi Chu ... gửi qua nhiều cách, nhưng chắc là không gửi bằng bưu điện được (ai chuyển món đó cho mình ???). Xuôi lọt được mấy tập vở, thì ngày 10/5/1974 tôi muốn đổi tay giao thông, thử nhờ một cô quê gần bến Xanh, giáp Nam Định ... Cô đã nhận hai tập vở 100 trang đem đi ... chẳng may tới bến đò Ninh Cường bị khám ... cô bị bắt (tên là Nghiêm) và cả cô Thậm (quê Quảng Phúc) đang ốm sút lưng, nhờ xe đi với cô Nghiêm để lấy thuốc, cũng bị bắt. Cả hai bị giam tại Ty CA Ninh Bình đúng một năm cho tới 10/5/1975. Hoạ vô đơn chí ! Cô Phượng, họ hàng với cô Nghiêm, thấy cô Nghiêm vào Yên Mô đi lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi 10/5/1974 mà không thấy về, thì 12/5 đạp xe nào Yên Mô tìm. Tới đầu xóm Quảng Phúc, bị Chủ nhiệm Châu giữ, giao CA Huyện ... và cũng giải lên Ty CA ... Thế là ba cô gặp nhau ! Cô Phượng được về (sau 6 tháng) 16/11/1974.

Chúa nhận mấy của lễ hy sinh rồi, nên ban ơn cho tôi đỡ phát bệnh, khỏe đều và làm việc tốt hơn mọi năm. Các em và thanh niên nam nữ cũng chịu khó việc đạo hơn. Suốt năm 1974 lễ lạy tự do. Ban hát chịu khó tập hơn hẳn mọi năm. Trong khi Thậm vắng thì việc nhà thờ lễ lạy sầm uất hơn. Tập được một bộ lễ tiếng Việt (bè). Đầu tiên hát Osalutami 3 bè, Beneditor 3 bè ... Một anh đi Vĩnh Trị (Uý) xin thêm bài hát (Việt) tập rất phấn khởi ... Ất Mão, Tết đầu năm 1975 (11/2/1975) Ban hát đã hát lễ 10 giờ ngày mồng 1 tại Nhà Thờ lớn Phát Diệm và hát kính Đức mẹ Lộ Đức (3 bè "Giữa thế trần") hát bài lạ ... làm cho nức tiếng và khởi động phong trào hát lễ Việt cho chính Ban hát Chính toà.

1975

Tết Ất Mão, đầu năm 1975 (11/2, lễ Đức mẹ Lộ Đức 1858-1975) sao mà chính quyền cởi mở cho tôi lạ thế ? Chắc là Chúa cũng muốn cho cảnh tang chế Nhà Chung bớt kéo dài, phá tan làn khí ủ dột, lặng lẽ lo âu. Chúa cũng muốn cho Đức Cha Tạo mau hồi sức và cho Cha Chính Khuyến hài lòng vui tuổi già với con với cháu :

Sáng mồng một tết, tôi được về ăn Tết tại Chính toà, CA Huyện đã báo cho biết năm ngày trước, và tại Chính toà, Đức Cha cũng đã loan tin : "Có thể Cha Thiều xuống làm lễ 10 giờ mồng một, nghe hiệu thì đi lễ !".

Sáng mồng 1, tôi không làm lễ ở Quảng Phúc, chỉ Chầu 1 giờ Thánh từ 4-5 giờ, rồi sang Huyện chúc tuổi và nhận giấy đi về Nhà ăn Tết từ 6 giờ 30 đến 16 giờ. Có tới 50 người cùng đi (nhưng đi tản nhiều tốp để cán bộ khỏi để ý), độ non chục người lớn ! Đúng 10 giờ 30 hát lễ tại Chính toà. Gần chật nhà thờ ! Ai nấy bỡ ngỡ về những bài hát 3 bè bữa đó ! Lạ tai và lạ người !

Sau lễ, ra viếng Lộ Đức, hát 3 bè "Ngửa trông Bà", càng làm cho giáo dân và Nhà Dòng bỡ ngỡ ! Đúng 12 giờ, chào chúc Đức Cha và Cha già cố, rồi kéo sang ăn Tết tại chị ruột tôi, bà Agata Thược, Nữ tu Thánh giá tại Nhà mồ côi Phú Vinh; từ 12 giờ 30 đến 13 giờ 30, lần 1 và đầu tiên và cũng có lẽ là lần chót ! Chúng tôi kéo nhau lên Phương Đình, nhìn bốn phía xa gần, Ban hát hát bài "Ca lên đi" (Điệp khúc 3 bè) kêu gọi mọi người mọi loài trên trời dưới đất ca tụng Thiên Chúa. Giờ ấy, giáo dân các xứ Hạt Kim Sơn đang kéo về Chính toà để Chầu Mình Thánh. 14 giờ, tôi đặt Mình Thánh tại Nhà Thờ Lớn, Ban hát Quảng Phúc hát chào Mình Thánh "Thịt Cha thật là của ăn" 2 bè rất sốt sắng cảm động ! Sau đó, chào tạm biệt Đức Cha, Cha già Cố, đoàn xe đạp chúng tôi kéo về lối Bình Sa (có cả một số anh chị em Yên Thổ cùng về) qua Chợ Bút. Tôi vào CA Huyện trả giấy phép sớm một giờ. Ông Tuyên hỏi chuyện vui vẻ, mời nước, bắt tay ra đi tử tế ...

Hôm sau, mồng 2 Tết, vào mùa Chay !

Mãi một tháng sau, cán bộ Xã, xóm đe dọa những ai đi với tôi xuống Phát Diệm hôm Tết ... và từ đó, Chính quyền đổi thái độ, lại riết chặt không cho đi, lấy lẽ "ông đi đâu làm rối trật tự an ninh đấy..."!

Đầu năm 1975, Tết Ất Mão, tôi được may mắn, cởi mở ... và mở phím ăn Tết, vui Tết tại Chính toà ... rôm rả, rầm rộ ... đến nỗi Cha Luật (dự cuộc Quảng Phúc hát mừng chúc Tết) đã nói xa xa là "Khoe ! riếu các xứ ..." 14/3/1975 Xóm Quảng Phúc họp, mấy "zz" (Nhàn, Khương) phát biểu : "Tết đi đông, mất trị an ... nên cấm !" Châu Chủ nhiệm thì : "Xin nhận lỗi với bà con vì đã không quản lý xã viên chu đáo, để họ kéo đi chơi đông thế".

Bát và Quảng Nạp hai ngày Chầu lượt, tôi thử xin phép xem có cởi mở dễ dàng thật chưa, thấy im, không tìm, không đáp ... Một mặt Khình, cán bộ Huyện bắt BCH các xứ ấy đi mời cụ Vịnh. Mãi đến 14 giờ ngày 14/3/1975 CA Huyện tìm sang, Ông Tuyên Phó Huyện trưởng nói :

1. Quảng Nạp thuộc quyền cụ Vịnh, Bạch Bát thuộc quyền cụ Cúc phụ trách.

2. Cảnh cáo về việc đưa người đi Phát diệm đông, làm mất trật tự địa phương.

3. Từ nay không cho đi đâu nữa, vì không làm đúng như giấy phép.

Gặp dịp Giải phóng miền nam, phấn khởi, tập cho các em hát bài "Như có Bác Hồ" 2 bè rôm ... và cả mùa hè, 11 em nam xin tập hát trưa 13-14 giờ; cho mỗi em 5 hào mua carnet để chép mẹo và bài hát. Các em này không bền chí ... cuối hè tan.

Tuy CA Huyện tuyên bố "Sẽ không cho đi ..." nhưng tháng 6/1975 Cha già Cố ốm nặng, đã được về thăm từ 8-13 giờ ngày 21/6/1975, bị một bữa nắng ghê, về giữa trưa, xe long xích và đò Đức Hậu chậm vì có một bè luồng đang lên ... quá giấy phép mất ½ giờ ! Một an ủi và yên tâm : ngày 10/6/1975 Cô Têrêsa Nghiêm và cô Inê Thậm được tha về. Dịp này tôi đang bị mụn ở cổ gáy ... 21/7/1975, hai nữ tu Hường, Hoàn được phép tới thăm từ 11-17 giờ.

Dịp các Cha cấm Phòng (8-14/12/1975), tôi đặt đơn, không cho đi, từ đầu tháng 12, ngày đêm đều gặp Mạc CA và một người lạ mặt, quyện chung quanh khu xứ.

Trong năm nay, kể là được nhiều quà nhất từ Hà Nội, Bùi Chu; và áp ngày Noel được Sách Lễ và quà miền Nam nữa ! Tạ ơn Chúa. Ai ngờ ?

1976

Hợp nhất Ninh Bình và Nam Hà, gọi là Hà Nam Ninh. Từ đầu năm, tôi đã lịch sự chúc mừng Ông Phan Điền Tỉnh Uỷ và Ông Tạ Quang, Chủ tịch Tỉnh mới ...

Tưởng rằng Tỉnh mới rộng rãi ... Thêm có Giáo phận Bùi Chu xưa nay vẫn nghe nói là được cởi mở sầm uất ... Nhưng bao mơ ước của tôi chỉ là bọt xà phòng ! Cả một năm nay, xin đi Tết ba đơn, xin đi xưng tội hai đơn, đều được đáp : "Chờ Ty giải quyết". Đặt đơn lên Ty, thì Ty càng ở lặng.

Mãi đến 4/6/1976 từ 13 giờ 30 - 15 giờ, Ông Phó Ty CA Đỗ Hữu Thuận tìm gặp tại Huyện CA Yên Mô (1977 đổi là Tam Điệp). Ông thuyết giỏi, lão luyện trong nghề CA ... đã vào Nam nhận xét tình hình Công giáo, ông nêu cả việc Chính phủ nghiên cứu và đã cho hai Đức Tổng Giám mục đi Rôm ... tỏ ra Chính phủ không hẹp hòi ... Ông đề cao vai trò và vị trí Tỉnh nhà Hà Nam Ninh ... Sau cùng, ông kiểm thảo tôi về quá trình cải tạo ...

Nghe ông thuyết đã nhọc, một nhân viên (coi như 1 Công an Tỉnh Ninh Bình cũ, tôi đã gặp) ngồi yên chứng kiến, theo dõi thái độ của tôi, ông cũng đã gà mắt. Gần 15 giờ, ông Thuận đề nghị tôi cho ý kiến. Tôi đáp gọn :

1. Chào Ty, qua ông, chào các nhân viên Tỉnh nhà.

2. Tôi cũng đã tạm hiểu đường lối và chính sách của Chính phủ ta, của đảng CSVN ...

3. Nói về các đấng Bề trên các Giáo phận, tôi tạm biết các ngài có lương tâm trách nhiệm cao; đều có tính dân tộc, muốn cho Nước phồn vinh, dân thái bình hạnh phúc.

4. Phần tôi không quên mình là 1 Linh mục Việt Nam, chủ tâm luôn luôn mưu ích cho dân tộc mình, làm gì cũng tìm ích lợi xác hồn, tốt đời đẹp đạo !

Suốt 1 năm 1976 không xin đi đâu được một lần nào. Noel, cụ Vịnh về Quảng nạp 10-17 giờ ngày 25/12, đi ngay. Cả năm nay, cứ ra vào lui tới lễ lạy, tự do hơn hẳn ... Được yên ủi là nhận được khá nhiều quà miền Nam và Rôma nữa.

1977

Đầu năm 1977, chị Agata Thược ốm, tôi đặt liền hai đơn xin đi thăm và đi Tết ... thì 16/2/1977 Ông Phó Chủ tịch kiêm CA Xã Yên Phong Trần Văn Chuyên cùng đi với Ông Trùm Xuyến vào tôi, báo : "Cấp trên không cho đi". Gay go nhất là sắp đến lễ tấn phong Giám mục của bố nuôi : Cha già Cố Giuse Nguyễn Thiện Khuyến. Trước định 19/3, song vì là lễ Quan thày Hà Nội, Đức Hồng Y và Đức Cha Căn không thể về, nên giãn xuống chủ nhật 24/4.

Nghe rằng cuộc họp các Cha tại Nam Định tháng 3, nhiều Cha Địa phận nhà và chính Cha già Cố cũng đã đề nghị cho tôi được về giúp lễ Tấn phong. Đức Cha Tạo khi gặp Tỉnh và Huyện Kim Sơn, báo cáo về lễ Tấn phong, thì người cũng đã lưu ý đặc biệt :Xin cho tôi được về.

Ngày 11/4, tôi đặt đơn 1 2 tại Huyện CA Tam Điệp (1 đơn gởi cho Ty và 1 đưa Xã). đặt đơn 17 giờ, thì 18 giờ 30 Ông Phó Huyện CA Tuyên đã cho giao thông cầm công văn tới Quảng Phúc cho tôi, báo : "13 giờ 30 ngày 23/4/1977 tới văn phòng Huyện CA để lấy giấy phép đi Phát Diệm". Mừng quá ! Deo graties !

Đơn viết xin Ty CA và Huyện CA thế nào, thì tôi cũng sao lục y thế mà đặt đơn tại Xã Yên Phong. Cấp trên đã quyết định cho rồi, đã báo rồi ... Không hạnh họe gì, thế mà hai ngày 13 và 14/4/1977, Phó Chủ tịch kiêm CA Xã Trần Văn Chuyên tìm hạch hoẹ "Không được viết "yêu cầu", phải viết là "đề nghị" mới được" ... Tôi hiểu ý là thử xem tôi có thái độ đả kích gì chăng, Xã có ý hành vặt và ra chuyện là ...Xã có giúp đỡ thì mới được đi Phát Diệm ...

Nhịn đi cho xuôi ! Ba tháng sau này mới viết một thư riêng cho Trần Văn Chuyên phân tích lại những việc đã hạch hoẹ bẻ bót hôm đó.

Tiếp sau đó, lại 1 giấy CA Huyện báo lại : "15 giờ 30 ngày 22/4/1977 tới lấy giấy đi Phát Diệm".

Đi bao lâu ? Chủ nhật 24/4 sẽ bố trí lễ cho giáo dân Yên Mô thế nào ? Tôi sang gặp thẳng Ông Tuyên, ông dặn : "Cứ đưa tin cho giáo dân : chắc có lễ chiều chủ nhật, sáng chủ nhật không có lễ".

Đúng 15 giờ 30 ngày 22/4 tôi được giấy cho phép đi từ 7 giờ ngày 23 đến 16 giờ ngày 24.

Tạ ơn Chúa bao xiết kể ...!

Sáng thứ bảy, người ta đã bố trí nhiều ngã, xem tôi đi lối nào, có ai đi theo chăng và có đi đúng giờ chăng ... Từ 6 giờ tôi đã nghe nói : Công an xóm, Xã, Huyện lảng vảng ... và dọc đường Quảng Phúc xuống Quảng Từ, Phương Nại, tôi gặp nhiều con mắt đáng nghi.

Tới cầu Phương Nại, 1 anh bộ đội (ở mạn xứ trên) đi công tác cùng xuôi 1 đường với tôi ... tới hết địa hạt Tam Điệp, 2 ông giữ xe đạp anh bộ đội lại để hỏi giấy tờ. Phần tôi, hai ông đó xưng là CA Chính quyền Xã Yên Từ (Xã cuối cùng Huyện) xin xem giấy, rồi để cho đi thẳng Kim Sơn.

Lần này được thoải mái nhất ...! Được may mắn, vinh dự, gặp lại Đức Cha Tần, Thày cũ dạy tôi 1933 tại Ba Làng; gặp lại đức Cha Cung (Bùi) bạn đồng cùm đồng khong 1953; gặp lại Đức Cha Căn mà tôi mới gặp vội hôm 3/6/1963 tại Hà Nội bữa tiệc khao mừng người thăng Giám mục. Được gặp đông đủ các Cha nhà(vắng thiếu Cha Năng, Trình, Tường, Vọng : ốm), gặp một số bà con quê hương Bản Định (quê Đức Cha mới). Xa xôi thì có Cha Bá (Thanh Hoá), Cha Ven (Hưng Hoá), còn Bùi Chu Hà Nội thì không có một Linh mục nào "được phép" tới cả !! Những con cháu Linh tông của Bố già, bấy nay tôi chỉ gặp trên thư từ (cầu nguyện) thì hôm đó may mắn "gia đình xum họp".

Chỉ tiếc một điều : dịp đặc sắc như thế, mà không thuê được 1 máy ảnh nào để lấy kỷ niệm ! Chưa thấy một lễ Tấn phong Giám mục nào mà không có một bức hình kỷ niệm như lễ này ! Khó khăn thật !

Sau cuộc lễ Tấn phong của Cha nuôi, tôi lại tiếp tục sống cô độc ... Dịp 8/8/1977 Cha Giám qua đời, tôi xin phép không được trả lời.

Cũng như mọi năm, dịp Quốc khánh, tôi mời các cơ quan đoàn thể Huyện, Xã,... đều im lặng. Dịp cấm phòng các Cha ngày 10-16/10/1977, Đức Cha đề nghị Tỉnh, Tỉnh đồng ý, trừ ra một mình tôi. Vì thế, tôi không đệ đơn. Nhưng Tỉnh đã uỷ cho Huyện Tam Điệp phải thông báo cho tôi, thì 8/10/1977 Ông Lê Huy chiêu Phó Huyện CA tìm tôi và chuyển đạt quyết định của UBND Tỉnh.

Ngày 15/10/1977 Công an toàn Xã họp tổng kết trị an ... hồi 10 giờ, Chủ tịch Hợi (Xã Yên Phong) đọc một bài tổng kết, trong đó nêu rõ : " Tên Thiều phản động đội lốt tôn giáo ..."

Tuần cấm phòng năm nay, giả như có được đi thì chắc không đi được, vì đầu tháng Mân Côi đến sau lễ các Thánh, tôi bị phong cắn đau nhức ½ mình và tay trái; và chỉ cúi nhắc một em bé 5 tuổi vào ghế mà cũng bị sút lưng đúng một tháng! Miserere mei Deus quia infirmero sum !

Cũng vì ốm đau, năm nay tôi không cấm phòng trước lễ các Thánh, mà tôi thứ tư 2/11 mới vào phòng riêng cho đến tối thứ năm 10/11/1977 cùng làm giờ Thánh với giáo dân như đã quen các tối thứ năm, bế mạc tĩnh tâm.

Noel năm nay trời mưa lạnh giá, đi lễ tự do, không nhắc tới việc mời cụ Vịnh về Quảng nạp.

1979

Cuối năm 1978, xin dồn dập ba đơn để được đi xưng tội : Hoặc xưng Cha Sỹ (đã về Điềm Từ lễ các Thánh) hoặc sang Cha Tường, Yên Vân ... Tháng giếng 79 thơ mừng tuổi các cấp, lại xin phép đi mừng tuổi Nhà Chung, xin đi thăm Cụ Sĩ, viếng mộ Cụ Luật. 28/1/1979 Tết, thì 25/1/1979 có giấy báo sang CA Huyện từ 14-15 giờ gặp Ông Phó Trưởng Ty Đỗ Hữu Thuận. (Ngày 4/6/1976 lần 1 đã tiếp ông 2 giờ tại CA Huyện; cởi mở, thông thạo, sáng suốt khá ...)

Ông Thuận chuyện vui, báo tin là Nhà Nước đã đồng ý Cụ Cương Giám mục Hải Phòng, Cụ Hạp Giám mục Vinh, rồi ông hứa sẽ bảo Huyện cho phép đi Dưỡng Điềm, đi Phát diệm.

29/1/1979 tức mồng 2 Tết Kỷ Mùi, tôi lại đặt 1 đơn nữa tại Huyện CA, thì 12/2/1979 Ông Lê Huy Chiêu đã gặp và cho phép đi hai ngày 13 và 14/2/1979 đi Hồi Ninh và Phát Diệm.

Đặc biệt chưa từng có : Ông bảo đảm không ai hỏi giấy tờ, cứ đi, không cấp giấy gì. Biết rõ việc này do Ông Phó Ty CA Thuận đã thông báo cho Kim sơn - Tam Điệp, nên 16/2/1979 tôi đã viết thư cám ơn ông và ông Bổng.

Tháng 7/1979 Cha Tường ốm, tôi đặt 2 đơn đều im lặng. Gặp tang cụ Lương Văn Bằng Chủ Tịch, tôi và giáo đoàn gửi thư Tỉnh, Huyện tỏ lòng thương tiếc ... Tháng 9/79 Cha già Cúc ốm, tôi xin thì Ông Nghị, Huyện Trưởng CA tìm và cho giấy đi từ 7-17 giờ ngày 28/9. Nhưng tôi tới Bình Sa tình hình ở lại cơm nước không tiện, ăn bánh nhà dòng (Hương, Mai cũng tới thăm). 11 giờ 30 tôi đạp xe trở lại Quảng Phúc, trả giấy nơi Ông Chuyên.

Hôm gặp Cha Cúc, Cha đã báo tin vui : "Năm nay họ cho về cấm phòng ..." và sau đó, Đức Cha Chánh đã truyền lệnh Tỉnh : Đồng ý .

Nhưng không hiểu tại đâu, đầu tháng 10/1979, Đức Cha Phó (Bố Khuyến) vừa trách, vừa báo : "Tỉnh không cho vì tôi giảng gì về Hoàng Văn Hoan !".

8/10/1979 tôi viết thư phân trần ngay với Ty CA và tha thiết xin Huyện Tam Điệp giúp đỡ để được về tĩnh tâm 15-23/10/1979, thì chiều thứ bảy 13/10/1979 sát giờ lễ chiều, Ông Chiêu báo sang Huyện gặp Ông Thân (Phạm Văn Thân, công tác lâu năm ở Nho Quan và ở Xã Yên Phong). Ông gặp rất êm đềm và tử tế : "Cụ đã tiến bộ một số điểm, nhưng còn tồn tại một số, nên Tỉnh chưa giải quyết đợt này". Bắt tay vội về lễ chiều.

1980

Từ đây, Huyện CA sẽ chuyển lên Chợ Ngò, sát UBND Huyện ... Đi bộ 45 phút, đi xe đạp 15 phút. Có việc phải xin đi đâu sẽ vất vả thêm. HTX nông nghiệp Minh Phong cắt đôi, Ông Châu hết Chủ nhiệm. Ông Hợi Chủ tịch Xã về vườn không kèn, giữa khoá! Ông Chuyên lên quyền Chủ tịch, Ông Châu Phó Chủ tịch với Ông Sơn (trẻ). Tới Xã, quen gặp Ông Quảng + Châu : 2 ông thông gia ! Gia đình trị !!!

Đối với cán bộ Xã Yên Phong, xem ra quá ê rồi, không còn cán bộ nào hống hách với tôi nữa.

Từ Tết 1976 tôi đã bắt đầu sang Huyện CA chúc Tết sáng Mồng 1, đề nghị lên UBHC Huyện thì CA nói : "Chúng tôi chuyển lời, còn việc lên UB thì cũng chẳng gặp các anh ở nhà". Và để địa phương khỏi bình nghị là tôi phỉnh cấp trên khinh cấp dưới, thì mồng 2 Tết tôi đi nhà Chánh phó Chủ tịch xã, và sau Tết, thường tới chúc Tết các nhà bên lương trong xóm, và đi tới nhà hầu hết các cán bộ Xã.

Để đáp lại, duy có Tết 1977, Ông Chủ tịch Hợi tới chúc xuân tôi ngày mồng 4; còn các ông khác, chưa có ai đáp lễ lần nào, nhất là mấy cán bộ Xã mà cùng ở xóm Vân Mộng, như cán bộ Chuyên, Châu, Quảng, Cảnh v.v...

Hằng năm tôi vẫn viết thư mừng tuổi, chúc thọ UBHC và Mặt trận Tổ quốc Tỉnh, Ty CA. Nhưng chỉ có 1 năm 1976 là Mặt trận TQVN có thiếp chúc tết, còn các cơ quan khác vẫn im lặng; và năm 1979, ngày 23 tháng chạp (9/1/1979), Ty CA có cử Ông Ngà tới tôi báo : "Ty đã được thư chúc Tết, và tôi đại diện Ty chúc ông ...".

Tết Canh Thân gặp 16 tháng 2/1980, thì ngày chủ nhật 3/2/1980 sau giờ lễ sáng, 7 giờ tôi ra tận nhà Ông Thoa, Bí thư Đảng ủy (Ông Thoa là Ủy viên Huyện cử về Xã này lãnh đạo đã hai năm) chúc mừng ngày sinh nhật Đảng. Ông tiếp thân mật, nói ỏn ẻn mềm mại và trí thức khá, chuyện tới 1 tiếng thì thấy Ông Hùng, Châu tới, nên tôi xin phép rút lui.

Mong được Tết thì rằm giêng (1/3/1980) Ông Nghị Huyện Trưởng CA báo "giải quyết". Sáng đó là thứ bảy, trời mù trời, tôi đi bộ, (thử xem trụ sở CA mới xa thế nào), 45 phút. Ông Nghị tiếp niềm nở nửa giờ, thắc mắc về việc : "Dùng Cô Phương nấu nếp; về việc xây 1 buồng dưới bếp".

Tôi báo cáo cùng ông : "Tôi không xử dụng, tôi không mượn cô Phương. Mấy năm trước bà Phú giúp cơm tôi, cô ta vẫn phụ với bà, bà coi cô như con nuôi vậy. Năm 1980 bà Phú thôi, thì BCH chưa tìm được ai, nên Ông Trùm phó cho con ông là em Thành. Em 12, 13 tuổi, làm ăn không chu đáo, thì, có lẽ do Ông Trùm Xuyến cậy, cô ra vào phụ giúp em Thành. Còn việc ngăn một gian bếp, là BCH muốn thế để có chỗ để mắm muối, bát đĩa, xoong nồi ...".

Sau đó, Ông Nghị chuyển giấy phép về Nhà Chung hai ngày và qua Cha Cúc (3+4/3/1980), ký giấy : Đinh Quang Sầm (tên lạ).

Chủ nhật 2/3/1980 tôi gặp BCH và nói về việc lo liệu người làm cơm nước, đừng để cô Phương kẻo Chính quyền thắc mắc. Ông Xuyến hôm đó xây bến ao, trong bữa tối đã dặn dò thảo luận với cô Phương thế nào không rõ ...

Ngày 3 và 4/3/1980 tôi về mừng tuổi hai Đức Cha (đã là 17,18 giêng). Đức Cha phó đi Hướng Đạo mãi 10-11 giờ ngày 4/3/1980 mới gặp. Chiều đó, về qua lối Bình sa, vào thẳng nhà Ông Trùm Thuấn, gặp Cha già Cúc đang ngồi dưới bếp. Người ăn đã xong, còn ngồi chuyện với bà trùm (ông đi vắng, mà Nhẫn cũng vắng). Người vội đưa tôi (và 2 thanh niên hộ giá) về nhà xứ, chuyện độ 15 phút.

Năm nay, sau ngày Giải phóng miền Bắc 1954, tại Phát Diệm mới có lễ phong chức Linh mục công khai cho hai vị rất trẻ, mới 23,24 tuổi. Lễ ấn định thứ bảy 22/3/1980 : Cha Quỳnh và Cha Phúc. Cha Phúc là em Linh tông, nên sau khi đi Tết về, tôi đã đặt đơn tha thiết ... biết rằng vừa được về mừng tuổi, thì việc đi ngay lần này nữa, phải là một đặc ân.

May mắn : Sáng 17/3/1980 Ông Phó Ty Nguyễn Đức thuận cùng hai Ông Kế, Ông Vĩnh tới xứ đây (xe con để ở đầu xóm, cách cổng xứ độ 100 mét). Ba ông đến quá đột ngột đang lúc tôi dạy bổn. Từ 8 giờ 30 - 10 giờ ba ông chuyện vãn rất vui vẻ. 10 giờ, ông Phó Chủ tịch Chuyên vào mời đi ... tôi tiễn các ông ra tận xe. Hôm đó, ông Thuận đã báo : "Tỉnh đồng ý Cụ về lễ truyền chức ... cần dặn hai ông mới tích cực tiến bộ".

18/3/1980 giấy Ông Nghị Huyện trưởng Công an mời, gặp ông Phạm Văn Thân tiếp, đưa giấy phép đi về nhà từ 8 giờ ngày 21 đến 15 giờ ngày 22/3/1980.

Tạ ơn Chúa ! Lễ truyền chức rất đặc biệt. Trước 1954 tôi đã dự nhiều, nhưng chưa có lần nào đông bằng lần này, ngang với hôm an táng Đức Cha Thanh. Có lẽ tới 7,8 ngàn người ! Hai Đức Cha chủ phong. Dự Phong và Đồng tế với hai Cha mới, thì có Cha già Nghiễm, Cha Sĩ và tôi. Cha già Cúc ra tới bờ hồ thì lễ sắp xong nên người quay xe đạp về Bình Sa ngay. Ngài tưởng là lễ 8 giờ. Nhưng lễ đã làm 6-7 giờ 30.

Dịp cưới vàng Bố Khuyến, 4/4/1930-1980 gặp thứ bảy Tuần Thánh, dịch xuống 24/4 và cũng là ngày Địa phận tiễn chân hai Đức Cha đi họp Đại hội Giám mục Việt Nam tại Hà Nội 1 tuần, nhất là tiễn chân Đức Cha Tạo cuối tháng 5/1980 sẽ đi Rôma chầu Đức Thánh Cha ! Hiếm có. Tôi thiết tha xin Ty, Huyện để được về dự lễ sáng sớm hôm đó ... nhưng chỉ cho đi từ 7-17 giờ. Tôi tới nơi, thì hai Đức Cha đã đi rồi, các Cha Nghiễm, Quỳnh, Vịnh, Trình và Sĩ cũng về xứ, BCH các xứ cũng đang tiếp tục giải tán... Tôi gặp Cha Cúc Tổng tá (nhận coi nhà thay hai Đức Cha) và Cha Phúc ... chơi đến 14 giờ lên xe đi Quảng Phúc. Cha già Cúc, quãng 11 giờ (nắng to) cũng về Bình Sa nốt ! Nhà Chung chỉ còn một mình Cha Phúc và mấy người nhà ! Cảnh rất ảo não !

Sau Đại hội Giám mục, có 4 Đức Cha miền Nam theo Đức Cha phó Khuyến về thăm Phát Diệm (Mầu, Hoà, Lâm và ...?) ngày 3-4/5/1980. Còn Đức Cha Tạo ở lại nghỉ ngơi chờ 17/5 đi Rôma.

Vì hôm 24/4 tôi không gặp Bố mừng Cưới Vàng, nên tôi lại đặt đơn xin, vận động cả nơi Ông Đỗ Hữu Thuận Phó Trưởng ty; thì 14/5/1980 tôi được phép về nhà từ 6-18 giờ. Lần này tôi cũng xin đi Hà Nội tiễn Đức Cha Tạo (và có thể là vĩnh biệt) thì Ông Nghị Trưởng Huyện CA trả lời : "Việc đi Hà Nội, chúng tôi còn hỏi Hà Nội có đồng ý không, vì Hà Nội quản lý nơi đó !".

Tháng 8/1980 Cha Tường ốm kịch, tôi xin đi thăm và tiện thể xưng tội, xin ba đơn thì Xã (Ông Chuyên) đáp : "Chờ cấp trên". Đến ngày 20/9 Ông Nghị ký giấy mời, tới gặp Ông Thân Phó Huyện, ông nói : "Cụ Tường khỏe, tôi mới gặp !".

Từ 16-23/10/1980 Đức Cha phó (vắng chánh) tổ chức cấm phòng, Tỉnh không cho tôi về, nên tôi cũng chẳng làm đơn. Dù vậy, 15/10/1980 Ông Chiêu Phó CA Huyện ký giấy mời, tới gặp Ông Thân và Ông Nghị (Chánh phó CA) : "Cụ đã tiến bộ, Cụ cứ yên tâm ở nhà xứ làm việc đạo cho tốt !", Ông Nghị thêm : " Tạo điều kiện sang năm ...".

Tôi yêu cầu : Chẳng được cả tuần, ít là hai ngày cuối. Thì Huyện đáp : Để hỏi cấp trên. Tôi vội gửi thư cho Ty CA ... nhưng im lặng. Tôi tĩnh tâm 23-31/10/1980 tại xứ như đã quen.

Tháng 8, tháng 9 tôi đã xin đi Cha Tường hoặc một Linh mục gần nhất, hoặc về Nhà Chung để xưng tội; Tháng 12/1980 tôi lại xin, thì 23/12/1980 Ông Tiến (Phó Huyện mới CA) ký giấy cho đi Cha Cúc 7-17 giờ. Hôm nay Cha Cúc đãi bữa cơm tại nhà xứ Bình Sa lần I !

Từ 1980 Ông Hoàng Thọ Đan làm Trưởng Ty CA thay Ông Bổng lên làm Phó bí thư Tỉnh Uỷ. Tháng 6/1980 và 18/1/1980 tôi lại viết thư chào mừng ... mà không hồi âm ! Lịch sự !

Trung tuần tháng 12/1980 Đức Cha Tạo đi Rôma về, khoẻ mạnh vui vẻ. Ngày 31/12/1980 tôi gửi thư chúc năm mới 1981 các cấp, đồng thời xin phép về Nhà Chung, thì lạ quá, sướng quá ... 1/1/1981 đã cho giấy về nhà mừng Đức Cha Tạo từ 8 giờ ngày 2/1/1981 đến 15 giờ ngày 3/1/1981.

1981

Ngay đầu năm đã có điềm tốt : hai ngày 2 và 3/1/1981 đã được về gặp Đức Cha Tạo nghe chuyện Rôma (quà chưa có, trừ ít kẹo, hành lý còn gởi về sau). Một may mắn đặc biệt bất ngờ : 10 giờ ngày 2/1/1981 tôi tới nhà thì 11 giờ Cha Vịnh, Trình và Cha Paul Hợi (Quê Phúc Nhạc, trong Nam ra, 3 Tiến sĩ), ba Cha cùng tới chào mừng Đức Cha. Cuộc tiệc trà trưa đó vui khôn kể ! Cha Paul Hợi ngồi đối diện với tôi, 2 bên bắt mối từ đây. Cha được về thăm quê hai tháng, cho tới cuối tháng 2/1981 Cha đã làm cho xứ Phúc Nhạc hồi sinh hoàn toàn ! Sau khi Cha đi, tồn tại việc các em chịu Thêm Sức là Cha chưa được như ý. Ảnh hưởng của Cha còn vang lại lâu dài, cho tới khi Phúc Nhạc được Đức Cha uỷ thác cho Thày Giuse Điện ... Ngày 28/5/1981, Lễ Đức Chúa Giêsu lên trời, ngày đáng nhớ !!! Đáng nhớ cho giáo dân và cho xứ Phúc Nhạc.

Tết năm nay, Tân Dậu gặp 5/2/1981, chính là lễ Quan thày Chị Thược Agata, tôi muốn về ăn Tết với chị, song Chính quyền mới cho về Nhà Chung 2 ngày đầu tháng giêng 1981, nên tôi không xin về Nhà Chung ..., mà chuyển hướng xin đi các xứ và xin về thăm quê, vì từ 20 năm chưa về.

17/2/1981 Ông Bùi Tương (Phó Huyện CA mới) mời và cho giấy về quê từ 6 giờ ngày 18 đến 15 giờ ngày 19/2/1981. Tới Xã quê (nay đổi tên Ân Hoà, gồm Tôn Đạo, Hiếu Nghĩa, Duy Hòa, Khiết Kỷ, Hàm Ân) tôi đi gặp ngay Ông Hồ Bí thư đảng uỷ, và ông Chánh phó Chủ tịch. Ông phó vắng, gặp ông Chánh quê Hàm Ân, trú Khiết Kỷ, còn rất trẻ (độ 30 tuổi), ông tiếp cách hững hờ, và không cho phép làm lễ, vì ông nói : "Giấy phép chỉ cho về thăm bà con" ... Ban Chấp Hành Xứ nài xin, Ông Lân, quê hàm Ân, thân với ông Chủ tịch, thiết tha xin, ông vẫn không đồng ý cho làm lễ, ông nói : "Tha hồ đi khắp xứ thăm bà con".

Gặp năm mất mùa đói kém, xóm làng xem ra sơ xác, trưa 12/8/1981 BCH xứ Khiết Kỷ làm cơm đơn sơ. Trưa đó, tôi băn khoăn về việc làm lễ đầu năm và Tiên nhân cho xứ bản quán. Tôi cho người tới đề nghị Ông Hồ Bí thư, Ông Hồ nói : "Nếu có Mặt trận Huyện đồng ý thì được". Tôi vội làm đơn cho người đệ ngay xuống Mặt trận Huyện Kim Sơn.

Chiều đó tôi ra thăm xứ Thuần Hậu, hết hy vọng về lễ, nên chẳng đem theo bánh lễ, rượu lễ. Cha Sĩ nhọc, không sang Khiết Kỷ được, đã cho Thày Lãm đưa bánh rượu làm lễ sang, song thấy tình hình căng thẳng, nên tôi bảo Thày Lãm đem về trả.

Đang thăm bà con ở Thuần Hậu thì có tin : "Chính quyền đồng ý cho làm lễ rồi". Mừng quá, nhưng đã 18 giờ rồi ! Rượu bánh ở Thuần Hậu không có. BCH cho ngay người vào xứ Điềm xin bánh rượu; mãi quá 7 giờ tối, tôi mới hát lễ tại đây (Đầu năm 1955 tôi ra viếng mộ bà cố, đã làm lễ ở xứ này). Đột xuất bất ngờ, thế mà chật nhà thờ. Ban hát lễ cầu hồn khá, đặc biệt là lắm Petromax. Họ nói : "Noel và giao thừa có tới hai chục Petromax tới nhà thờ, hôm nay có 4 là quá ít !"

Lễ xong đã quá 20 giờ. Ông bà Trùm Thoả làm cơm ! Không ngờ đói kém mà cũng giở to ! Có tới 4 mâm quan viên, và 3 mâm ban hát ! Xứ Khiết Kỷ cũng cho một ông trùm ra mời về lễ sáng mai ! Muộn và nhọc lắm rồi ... Chả mấy khi gặp nhau, quan viên thuần hậu (có cả 1 ông CA Trưởng xóm) kéo dài bữa chén tới quá 10 giờ đêm. Tôi ngồi sốt ruột ! Nhọc không muốn ăn ! Về xứ trong bây giờ lấy sức nào được : Trời sáng sao mờ, xe đạp khó đi, đi bộ thì 7,8 km kéo sao được. Tạ ơn Chúa, tôi vừa tỏ nỗi băn khoăn đó thì BCH và thanh niên xung phong chở thuyền về tới Khiết Kỷ ...

Quan viên quá say, cứ ghì tôi lại để nói, tôi vội xuống thuyền lúc 22 giờ 30, về tới Khiết Kỷ quá nửa đêm !

Xin Chúa trả công cho những ai vất vả vì con ! Hai ông Trùm thay nhau chèo, trên đường thì một anh, ba cô đi xe đạp tiễn. Họ còn đạp xe lên Điềm để xin bánh rượu mai lễ, khi họ về tới Khiết Kỷ thì tôi đã thiu thiu, xem đồng hồ thì đã 2 giờ ngày 19/2/1981 rồi.

Trong xứ không ngờ có lễ, mà hôm trước đã có dư luận không được làm, tối qua một số các ông bà chờ tôi tới gần 11 giờ đêm không thấy ... cho nên ít người biết có lễ, chuông kéo cũng tưởng là chuông đọc kinh mọi ngày thôi. Dù vậy, nhà thờ cũng gần chật; Đáng yêu quý là nam giới rất đông, ngồi bệt chiếu cả, không còn ghế như xưa !!! Trước khi làm lễ, tôi phổ biến cả nhà thờ Điệp khúc bài hát : "Tôi mãi đồng hành cùng dân tộc tôi". Lễ xong, tôi về Hàm Ân ăn cơm tại nhà Ông bà Lân (con trai Ông Tổng Đức, con gái Ông Chánh Xuân), thăm mấy nhà trong họ, cả giáo, lương, rồi 10 giờ, tôi đi Tôn Đạo thăm xứ, nhà thờ, mấy nhà, rồi lên nhà Ông bà Hoàng (cháu cô chú Binh Hưng, cháu tôi), ăn cơm trưa, nghỉ tới 14 giờ đạp xe lên Phúc Nhạc. Chẳng may ! Hôm ấy Cha Hợi đi làm phép nhà trong xóm, nên không gặp nhau tại Bờ Hồ được ! Anh Tâm, và cô Sáng (Thuần Hậu) đưa chân tới tận xứ Quảng Phúc rồi về ngay ! Cảm phục nhiệt tâm !

Từ đây , bao đơn xin đi xưng tội, đơn xin đi thăm Bà Hiếu ( Bề trên Dòng Mến Thánh Giá) ốm nặng, xin về Đoan ngọ, nơi hai Đức Cha và chị ruột ... tất tần tật các đơn đều không giải quyết ...

Cho tới tháng 10/1981 Tuần Tĩnh tâm các Cha từ 13-19 Tỉnh loại tôi, nên tôi không đặt đơn xin, và khác với mọi năm, Huyện Tam Điệp cũng chẳng tìm, chẳng nói gì về việc tĩnh tâm.

Cũng như mọi năm, tĩnh tâm tại xứ từ 23-31/10/1981.

Từ tháng 6/1981 đến 20/10/1981, tôi xin hai đơn nơi Xã, 4 lần lên CA Huyện, và một thư gửi Ty CA, để xin đi xưng tội, đều im lặng ... nên hôm 30/10 tôi nghỉ tĩnh tâm để đi xưng tội : từ 3 giờ tôi xách đèn bão ra đi. Buổi sáng đó trong xứ và cán bộ Huyện Xã (Ông Thân, Chuyên, Cảnh) tìm nhớn nhác, cứ tưởng là tôi đi Kim Sơn. Thực ra tôi đi Yên Vân, chờ đò mất ½ giờ, tới Yên Vân 5 giờ 10, Cha Tường đang làm lễ, chắc là nhập lễ từ 5 giờ ... Trông rất đáng thương, đầu tóc bạc phơ, gù cằm sát ngực, 2 chân lê từng tí, 2 tay tê bại không giơ cao được. Tôi qùy dưới gác chuông dự lễ. Lễ xong, 6 giờ 30, Cha cởi áo xuống ghế là tôi lên xin xưng tội tại ghế người ngồi. Khi ấy, chú Hoá đang cho chịu lễ, giáo dân xưng tội đông khá, chắc là ai cũng ngạc nhiên ! 7-10 giờ chuyện vãn, cơm nước, tôi mượn xe đạp về thẳng CA Huyện cáo thú, lúc 11 giờ 15 và tới Quảng Phúc lúc 11 giờ 45. Mãi 1 giờ 30, cơm trưa với hai chú Yên Vân hộ tống, rồi đi nghỉ trưa. Tạ ơn Chúa !

Hôm nay, lần đầu tiên cả đời tôi được dự lễ và nghe giảng của Cha Fx. Tường ! Ôi ! Một chiến sĩ tận tụy của Chúa ! Hy sinh mạng sống vì Giáo đoàn : chân tê liệt, lê từng li, vịn (chống) mới khỏi ngã ... thế mà vẫn tươi tỉnh, bình thản ... làm lễ, giải tội, giảng dài ! Ngoài cán bộ của Chúa Kitô, tìm đâu ra được những cán bộ như thế ? Với bệnh tình như vậy, cán bộ của chế độ nào cũng nằm, hưu ... dù có kề vàng cũng chẳng tích cực thế ! (Bí mật : Và đêm nay, Chúa cũng cho con một Ximêon vác đỡ thánh giá ! Cảm phục và cảm ơn Ông Trùm (...) từ 2 giờ đã đón và dẫn từ Chợ Lồng) !!!

Ý Chúa nhiệm mầu khó hiểu : Từ lúc con đọc kinh "Veni Creator" để vào phòng tối thứ năm 22/10/1981 thì trời chuyển hẳn sang mưa phùn gió bấc, rồi mấy ngày sau là rét khan ! Nhưng hôm nay, khi ra đi, tôi mặc áo rét, khăn choàng ... nhưng trời chuyển nóng nồm ! Nắng gay gắt, toát mồ hôi như tháng 5, 6 vậy. Nhất là lúc từ giã Yên Vân về Huyện CA và tới xứ Quảng Phúc : nắng ghê quá ... ướt đằm mồ hôi ! Chúa muốn thêm vất vả, thêm khổ giá ... để con đền tội ! Cảnh rét lạnh từ đầu tuần, điềm báo cảnh nguội lạnh tâm hồn của con ư ? Absit Deus !

2 giờ ngày 30/10/1981 trước khi đi Yên Vân, thư để lại giữa nhà thờ Quảng Phúc :

"Thân ái gửi Giáo đoàn Quảng Phúc,

Được như mấy năm gần đây (1980 trở lên 1975), mỗi năm Chính quyền cho tôi về Nhà Chung hoặc đi thăm các Cha mỗi năm 5, 3, ít là vài lần, thì tôi chẳng muốn mua phiền cho nhiều người, và vất vả thế này !

Nhưng từ Noel 1980 tới nay, tôi chưa gặp một Cha nào, mặc dù tôi đã có đơn xin từ tháng 6/1981 đến nay :

1. Tại Xã 2 đơn (3/6/1981 và 20/10/1981).

2. CA Huyện 3 đơn (18,30/6 và 3/8/1981).

3. 1 thư trạm gửi Ty CA (8/7/1981).

Tuy tôi bị "tước quyền công dân", nhưng tôi vẫn là một người dân Việt Nam, hơn nữa, là một người Công giáo, một Linh mục, thì tôi có quyền sống, sống lành mạnh cả xác lẫn hồn. Được thế thì đẹp cho chế độ lắm !

Tôi sống thì phải có những nhu cầu (việc cần) cho xác và cho hồn ! Đã là "việc cần" mà không được giúp đỡ, thì phải tự lo, tự liệu.

Giả như tuần trước Chính phủ cho tôi về tĩnh tâm với các Cha, thì hôm nay không phải tự liệu thế này.

Vậy đừng ai lo gì về tôi. Đừng ai dại dột mà liên hệ vu vơ, lăng nhăng ! Mỗi lần tôi buộc lòng phải làm thế này, là tôi chỉ có ý đấu tranh một chút tự do tối thiểu để sống tốt đẹp hơn. Lúc nào tôi trở lại đây sẽ hay.

Cầu cho tôi . Cha xứ ký.

T.B : Ban Chấp Hành báo cáo Chính quyền đúng như trên."

(Thư này Ông Trùm Xuyến đọc ... mà không đưa Chính quyền).

Chính quyền Xã tìm ... báo Huyện ! Ông Thân Phó CA Huyện suốt ngày ở xóm Quảng Phúc. Ban Chấp Hành theo lệnh Chính quyền, bắc thang lên gác, chả thấy ... một mực báo cáo : "Không rõ Cha đi đâu". Đa số đều đoán là tôi về Nhà Chung. Nhưng cầu Phương Nại chưa có, đò Phương Nại không chở đến ! Không ai có thể ngờ là tôi đi Yên Vân, vì :

1. Chưa có lần nào đi đêm sang đó !

2. Đò nào chở cho đêm tối rét mướt ?

Cũng vì Ông Xuyến ở trong xứ, mà không biết tôi đi đâu, nên UBND Xã (Ông Chuyên chủ chốt) quyết định không cho gia đình ông ở trong xứ nữa, lấy cớ rằng : "Ông còn lao động, còn phải đóng góp HTX ...!", ông khất thu hoạch mùa xong ... và sang năm 1982, từ ngày 4 tháng 1, ông rút hẳn.

Dịp Noel, trong họ đã chọn Bà Nhật (gọi là bà Dung) vào làm cơm Cha xứ, quét dọn nhà thờ, nhà xứ ... kiểu cách như bà Trùm Phúc trước.

Nhưng đêm hôm, ai ngủ coi nhà ? Bà Phú làm cơm thì Ông Phú (mù) ngủ coi nhà ban đêm. Vậy từ 1982 đến vụ gặt chiêm 11/5/1982, BCH phân công mỗi ông một tuần, ngủ trong xứ coi nhà. Nhưng từ 11/5/1982 bận gặt, đến phiên Ông Phụng, Trùm chánh bỏ ắng ... tôi chẳng rõ lý do sao, và cũng để mặc. Tối đêm có ba, bốn em nam ngủ ... và một con chó "Póp" coi nhà !

15/12/1981

5 giờ chiều ngày 15/12/1981 tin như sét đánh : Đức Cha già Giuse Khuyến, bố nuôi tôi, chết đột ngột ! Hết giờ Hành chính rồi, tôi cũng vội làm một đơn Xã, đưa vào Ông Chuyên Chủ tịch, và một đơn đạp xe ngay lên Huyện CA. Họ ngần ngừ mãi, lý do : Ban Lãnh đạo về cả rồi ! Nài mãi, 1 CA nhận đơn. Tối lên đèn, tôi đưa đơn Xã vào gặp Ông Chuyên Chủ tịch tại nhà. Ông vắng ! 9 giờ đêm, ông vào hỏi sự việc tin tức thế nào, ý Linh mục sao ?

- Báo cáo Chủ tịch, tôi là con cả, bố chết nằm kia, nếu Chính quyền cho tôi về lúc nào, dù bây giờ hay nửa đêm, tôi cũng đi về phục tang ngay !

-Linh mục yên trí, trên còn xét.

Thế là ông rút về, bố trí quân gác quanh xứ suốt đêm đó. Ngày 16/12 mong Huyện xét mãi 13 giờ mới có giấy báo lên CA Huyện, nhận giấy cho đi tới 17 giờ ngày 18/12/1981.

Tôi vừa ra khỏi CA Huyện, thì gặp hai nữ tu do Đức Cha cho lên đón ! 14 giờ 30 thu xếp hành lý, hai nữ tu đạp xe lối Bút qua Bình Sa. Về tới nhà Chung, tôi vào thẳng Nhà thờ Chính toà viếng Mình Thánh. Ban đào huyện đang xây mộ ngay trước bàn thờ chính, giữa Đức Cha Phùng và Đức Cha Thanh, do Đức Cha Tạo quyết định đào chỗ đó, vì chỗ này chính là dành cho ngài.

17 giờ, tôi xuống Nhà Thờ Trái Tim phục tang, khóc thương Bố ... 18 giờ vào Đức Cha Tạo đang nằm bặt, tôi ngồi sát giường, ngài nói : "Tôi đang đi xem họ xây, được tin người mất, tôi bị coup subit (vố đột ngột quá) đau tim, gắng xức dầu cho Đức Cha, rồi chịu nằm thế này ! Có gì, cha bàn với Cha Tổng tá (Cha Cúc); Tôi định sáng 18 hạ huyệt !".

Tối 16/12 mới có Cha Cúc, Cha Hậu (ốm, ở lại từ sau cấm phòng, nằm bệnh viện), Cha Phúc, tôi. Ngày nào, Cha Cúc cũng nhận hát lễ và giảng ! Ngài phân công cho Cha Hậu và tôi làm lễ trong Nhà Nguyện Đức Cha (trong Nhà Chung). Giáo đoàn và các Cha, Thày Sáu Hải đều muốn sáng 17 Lễ Đồng tế !

Vì Đức Cha mệt, không muốn phiền, không muốn lĩnh ý ngài ... qua đêm 16, 17 hầu thức trắng, sáng sớm tôi cho một chú trình Cha Cúc : "Đức Cha mời Cha già hát và giảng lễ chiều, sáng Cha già nghỉ". Thế là tôi chủ sự, Cha Phúc, Phó Tế Hải làm Di Sub, ba anh em hát lễ đưa chân Bố Giuse.

Một yên ủi : sáng 17/12/1981 Đức Cha phó Bùi Chu (Đức Cha Nhất) Cha Phương, Cha Đỉnh tới, cơm trưa xong, Cha Phương, Đỉnh cáo từ rút về Quần Liêu ngủ, hứa sáng sớm 18/12 sẽ có mặt và có thêm. Tôi lĩnh ý Đức Cha, mời Đức Cha Nhất hát lễ chiều, mời Cha Cúc Tổng tá đồng tế.

Thanh niên Phát Diệm tô điểm lại cỗ đòn 36 đô tuỳ, tập rước rất êm đẹp.

Áo quan ? Vấn đề nan giải. BCH Xứ : Cụ Trương Đàm và Cố Thuần (bố Cha Phúc) loay hoay vất vả. Mặt trận Tổ quốc Huyện giới thiệu mua, thì cỗ đó gỗ xấu và hơi nẻ một tấm. Nhà Chung còn hai cỗ, một bị mối, một của Cha già Hậu và bề ngang đều hẹp. Đức Cha Giuse chết áp huyết cao, to béo đầy đặn y như ngủ, nên ván nào cũng hẹp, bề dài thì cỗ nào cũng thừa ... Mãi chiều 17/12/1981 mới mua tận Hoà Lạc một cỗ "đại hậu" to, dầy, gỗ tốt, đạt mọi nhẽ.

Đúng 22 giờ ngày 17/12/1981 khấu xong, nặng đến nỗi 12 người khiêng còn kêu. Hai đàn Pétromax rước áo từ Nhà Chung ra Nhà Thờ Trái Tim ... liệm xong là đúng nửa đêm.

Tối nay thêm Cha già Nghiễm, Cha Trình, Cha Vịnh, Cha Sĩ. Thanh Hoá có Cha Ba, sáng 18 thêm Cha Thức, và khi đang đưa xác vào Nhà Thờ Lớn thì ba Cha Bùi Chu : Phương, Đỉnh, Tòng tới.

Cha Tổng Tá đặt chương trình : Sáng 18/12 không có lễ sớm, chỉ có một lễ 8 giờ Quy lăng. Cử Cha Bá rước xác, Đức Cha Nhất chủ lễ, các Cha đồng tế, Cha Cúc giảng. Tôi phục tang suốt, cho nên chương trình đó coi như không biết gì. 4 giờ sáng 18/12 bàn với Cha Phúc : vì lễ 8-9 giờ sẽ không có thể cho chịu lễ, và sẽ nhiều người không được dự lễ và rước lễ đó. Vậy anh em mình làm một Lễ đồng tế ngay bây giờ ... cho họ chịu lễ vợi đi ... và để từ tạ Bố. Cha Phúc và Thày Hải cùng tôi làm y như sáng qua ! Các Cha uống nước sao mặc, chúng tôi cứ phục tang cho tới khi đưa xác. Ba anh em và các nữ tu đi theo quan tài ...

Hạ huyệt xong là 11 giờ 15. Ai cũng phàn nàn về bài Cha Tổng tá chú trong cám ơn Chính quyền hết ½ bài, mà không một lời cám ơn Đức Cha Bùi Chu !!

Một may mắn : ba ngày qua trời rét lạnh, nên việc viếng xác rất đông, ấm cúng.

Chỉ tiếc một điều là chính ngày 18/12/1981 thì gió may lạnh quá! và 5 giờ có mưa nên số đến dự cũng ít hơn 1974 đám Đức Cha Thanh.

12 giờ 45, cơm xong, tôi vào từ biệt, Đức ChaTạo vẫn nằm bặt ! Trước khi giải tán, Đức Cha Nhất phát biểu một bài chia buồn, và từ giã lên đường ... mà quay lên thì ... Ôi thôi, Cha Tổng tá đi tiễn cụ Vịnh, Trình mất rồi ! Còn Cha già Hậu, Cha Sĩ điếc ngồi trơ. Phần tôi và Cha Phúc thì Đại tang phải câm miệng !!!

Khi về tới Quảng Phúc, tôi đã phải viết thư cám ơn và xin lỗi Đức Cha Bùi Chu.

Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá im thế ??

Hà Nội thì Cha Bích định về, song nhỡ tầu xe ! Các Địa phận khác thì chiều 18/12 Điện khẩn mới tới nơi ! Điện từ Kim Sơn chiều 15/12/1981 đấy !

Ai sẽ thay thế ? Một vấn đề đau đầu !

1982

Năm nay, tuy tang trọng, cũng hai lần đặt đơn về mừng tuổi chị Thược, bái niên và an ủi Đức Cha ... song Chính quyền im lặng, không cho đi.

Dư luận giáo dân và ý riêng Đức Cha Tạo từ 1960 đã muốn tôi làm Phó Giám mục ... song Nhà Nước hiểu ý, nên đã đem tôi quản tại đây. Năm 1974, Đức Cha Thanh qua đời, Nhà Nước đồng ý Cha Trình, không đồng ý cho tôi về làm Phó ... Căng thẳng và khủng hoảng vấn đề gần ba năm ... Sau cùng, Đức Cha Tạo đặt Cha già Khuyến năm 1977, Bố nuôi tôi bất đắc dĩ phải nhận ...

Tháng 7-11/1980, Đức Cha sống tại Vatican, tháng 12/1980 về, thì ngày 3/1/1981 tôi được tới chào mừng, (hôm đó gặp cả Vịnh, Trình, Hợi Sài gòn). Đêm đó được nghỉ lại, truyện dài, và Đức Cha đã nói : "Toà Thánh thấy hai Giám mục già yếu rồi, đã giâm vị nào chưa ? Tôi đã giới thiệu Cha ..."

Chẳng may 15/12/1981 Đức Cha già Khuyến mất, Đức Cha Tạo lại hỏi lại ý tôi. Vì không muốn để ngài qúa lo và buồn, ngài đang ốm nặng ... tôi đã xin người yên tâm uống thuốc, hễ Chính phủ cho, đồng ý, thì tôi xin cúi đầu vâng ý Chúa !

Dịp Tết 25/1/1982, Chính quyền không cho tôi về, nhưng ngày 6/2/1982 lễ Truyền chức Cha Antôn Minh Hải, thì tôi được về ngày 6 tới chủ nhật 7/2/1982 ... Lần này được sang Bà Thược, nhất là được thăm Bà Hiếu và Tu viện Mến Thánh Giá (từ 1959 !) và ăn cơm trưa tại Tu viện, đông đủ, vui lắm. Chị Têrêsa Hường thỏa mãn, dẫn xem phòng ngủ ...

Lần này Đức Cha cũng đề cập đến vấn đề Phó Giám mục. Tôi đã suy xét : tuổi tôi 65 và ốm đau, có bệnh riêng, khó thọ, hơn nữa gánh này quá nặng, chức này quá cao, mà gia sản quá đồ sộ ... nhất là khó mà được Chính phủ ưng thuận ... Tôi phải thú nhận mang bốn không : không dám, không đáng, không thể và nhất là không được (Chính quyền không cho).

Đàng khác (dẫu vậy) không dám phụ lòng Đức Cha, Đức Hồng Y và nhiều đấng bậc đã lưu tâm quá thương tôi. Tôi trình hẳn với Đức Cha : "Đức Cha cố sức tìm, xin các nơi, cha Trọng, Cha Tông, cha Hiểu v.v..., nếu không đấng nào nhận, và nếu Chính phủ đồng ý, thì xin ...".

Quá lo nghĩ, xin Cha Nhân, Cha Sửu (miền Nam) không được ! Phần tôi thì khó mà Chính quyền cho ... Đức Cha ốm suốt từ Tuần Thánh (cuối tháng 3/1982 cho tới tháng 9/1982). Dịp tháng 3+4, Cha Trình cũng ốm, tôi đặt đơn đi thăm Đức Cha, Cha Trình, thì may quá, ngày 5/5/1982 tôi được về tới chiều 6/5/1982. Đức Cha tuy mệt cũng cố tiếp, bàn về việc Phó Giám mục và việc Tân Linh mục ... kẻo "mệt lắm".

Đầu tháng 7/1982 Bà Thược cảm vật ra tại Nhà Thờ Lớn, chịu xức dầu ... tưởng chết. 5/7/1982 tôi được về thăm. Giấy phép cho đi tới chiều 6/7, song đồn Kim Sơn nói : "Bà Thược không ốm", lệnh cho tôi phải bỏ Phát Diệm ngay 2 giờ chiều đó. Trưa 5/7 tôi ăn cơm Nhà Chung, trời nắng oi ... Đức Cha cũng gắng tiếp và nói về việc Phó Giám mục. Tôi chỉ trình lại ý đã trình : "Nếu không vị nào thương nhận và Chính phủ đồng ý thì con xin vâng !".

Một an ủi, một đặc ân ! Tạ ơn Chúa !

Giữa không khí tưng bừng đón mừng Cách mạng Tháng 8, thì ôi ! Mừng sao là mừng ! 13/8/1982, cháu Đức bế con trai đầu lòng, từ Sài Gòn về tới Quảng Phúc lúc 8 giờ 30. Nghỉ ngơi, cơm nước, Đức để con ( tên Bình, 2 tuổi) ở lại đây với "Ông Chú" để đi Nam Định đón mẹ, là Bà Thiệu, chị dâu độc nhất của gia đình chúng tôi.

Được tin cháu chắt đã về thăm, Bà Thược vội đi cyclô lên ngay 14/8/1982 (từ 9-13 giờ) chỉ được gặp chắt Bình 2 tuổi, còn bố cháu đã đi Nam Định rồi ! Lúc lên, bà đi lối Bút, xe cyclô khó đạp, bà kéo bộ từ cầu Bút. Lúc về Kim Sơn, cyclô đạp, lối đò Rào, qua Yên Ninh Phúc Nhạc ... cyclô đạp đưa bà ... xuống ruộng ! Chúa thương lạ : Bà về vẫn khoẻ, và mong gặp lại ...!

Chắt Bình béo khoẻ, 2 tuổi mà ngoan lạ, không nhớ ba má, ăn, ngủ, vui chơi. Chắt được tôi tập làm dấu thánh giá đơn và bái quỳ nhẹn, lại tập thể dục 1,2,3,4 ...(sau đấy, chắt nhớ ... vô Nam ... hôm 20/8 vào yết Đức Cha Tạo, chắt Bình bái quỳ, làm bỡ ngỡ Đức Cha).

Sáng 15/8/1982 hồi 7 giờ tôi đang hát lễ mừng Đức Mẹ lên trời ... Tạ ơn Chúa ! Chị dâu và cháu Đức tới.

Lễ xong, Ôi ! cảm động ! Tôi đưa chị Thiệu lên quỳ trước Mình Thánh ... cảm tạ Chúa và Đức Mẹ ... Hai chị em cảm động, rưng rưng nước mắt !

Chiều 15/8, lễ lạy xong, tôi dẫn hai mẹ con đi chào Chính quyền xóm, Xã (vào tận nhà các ông), báo giấy ... Và mẹ con chị ở trong xứ với tôi thoải mái, cho tới sáng 25/8/1982 đi Hà Nội yết kiến Đức Hồng Y và mua vé trở về Sài gòn.

19/8/1982 Gia đình chị Thiệu và tôi đi chụp ảnh tại Hiệu.

20/8/1982 Bà Thược (4 thanh niên Quảng Phúc lai xe đạp), Têrêsa Hường cùng đi với Bà Thược, Bà Thiệu lên Quảng Phúc dự lễ 10 giờ, giỗ cố Maria. Cáng Bà Thược tới Trụ sở UBND Xã Yên Phong, bị giữ lại hỏi giấy tờ ... Tôi rông bộ lên ngay, xin cho "Chị". Ông Sơn giải quyết đẹp đẽ, mau.

Đoàn người kéo qua phố Lồng, vào hiệu ảnh chụp hình kỷ niệm, đoạn về hát lễ 10 giờ ... Vì gặp chiều thứ bảy, Bà Thược và Têrêsa Hường vội rút về Phát Diệm. Hai bà cháu đi bộ vui khoẻ tới nhà an toàn, xe đạp gởi lại.

23/8/1982 Mẹ con Bà Thiệu (Bình ở nhà, vì mưa) về bái tổ Hàm Ân, viếng mộ hai Ông Bà cố ... Ông Lân, Bảo giữ lại một đêm, sáng 24/8/1982 không ai dẫn lối, lạc đường, lên tới gần Thị Xã Ninh Bình. 13 giờ ngày 24/8/1982 mới về tới Quảng Phúc ! Gói bánh chưng, bánh cóc, chuẩn bị đi Hà Nội 24, đành giãn 25/8/1982.

25/8/1982 Mẹ con Bà Thiệu tới Thị Xã gặp xe đi Hà Nội. Chiều vào Nhà Chung. Sáng 28/8/1982 lên tầu Thống Nhất, bị cướp hết hành lý !!! Ngày 1/9/1982 mới về tới Sài Gòn ... Vất vả !!!

Sau lần về thăm Bà (Chị) Thược ốm, bắt đầu xin đi lại khó : Tháng 9/82, Cha Ven ở xứ Chàng là Thày dạy tôi, bị ốm nặng, Cha Trình xức dầu cho người và báo tin cho Nhà Chung. Tôi xin lên thăm, Chính quyền không cho.

Đến tháng 10 Cấm phòng các Cha ! Khác hẳn mấy năm trước. Mấy năm trước tôi biết ý Tỉnh không cho, Toà Giám mục thông báo tôi không được về, tôi không làm đơn xin thì CA Huyện cũng tìm gặp và nói lý do nọ kia, khuyên cố gắng để năm sau. Năm nay, tôi không làm đơn, và ngày 13/10 vào phòng, tôi cũng chẳng thấy CA Huyện tìm như mọi năm, nên tôi đánh điện khẩn với Ty CA và UBND Tỉnh : "Xin về cấm phòng, ít là ba ngày cuối", một mặt tôi đặt đơn tại Xã, Huyện xin đi xưng tội, hoặc sang Cha Tường, hoặc về Giám mục Tạo, nhất thứ vào những ngày cuối tuần Cấm phòng để được một thể thăm các Linh mục già yếu. Ngày 20/10 ra phòng.

Suốt cả tuần, Xã đặt quân canh tứ phía cả đêm ! Chủ tịch Chuyên hai lần vào xứ gặp tôi đại ý : "Cứ yên trí, trên đang xét".

24/10/1982, tôi vào tuần Tĩnh tâm riêng như mọi năm (chậm hơn mọi năm, vì gặp 24 chủ nhật) cho tới 31/101982, thì ngày 26/10 Chính quyền cấp giấy cho đi Yên Vân từ 7 đến 17 giờ. Nhưng 15 giờ 30 tôi đã trả giấy phép tại CA Huyện và ... tiếp tục tĩnh tâm !

Một quyết định và lựa chọn trong tuần các Cha Tĩnh tâm 1982 là "Xin cha Bích, Dòng Chúa Cứu Thế làm Giám mục phó". Hội ý Toà Hồng Y, cũng tán thành, và xem ra Nhà Nước cũng đồng ý ... Giáo phận có phần phấn khởi ... chờ mong từng ngày...

1983

13/2/1983 Tết. Tôi đặt đơn xin về Phát Diệm Tết, và đi Chầu lượt các xứ Bình hải, Quảng nạp, Bạch Bát ... Ngày 4/2/1983 Ông Thụy, Huyện Trưởng mới (thay Ông Nghị) gặp 1 giờ trả lời : "Tỉnh chưa đồng ý cho đi Tết. Các xứ Chầu lượt thì các Xã đó không tán thành vì Cụ đang bị quản chế !".

Thư chúc Tết các cơ quan Tỉnh, Huyện, Xã và riêng Ông đỗ Hữu Thuận ... đều không ai phúc đáp một lời ! Cũng như mọi năm, họ "quá lịch sự", không hề được một lời đáp thư, không ai tới mừng tuổi ... Tôi định từ 1984 thôi hẳn, không chúc ai kẻo tốn giấy ...!

Hai ngày trước Tết, (11/2/1983) Ông Thụy, Trưởng CA Huyện và Ông Sơn CA Xã vào xứ thăm tôi lần I ... báo tin sau Tết, Tỉnh sẽ cho đi về Phát Diệm. Nhưng mãi 15/3 mới cho đi từ sáng 15/3 đến 13 giờ ngày 16/3/1983.

Tháng 3 và 4/1983 tôi gửi thư lên Viện KSND Tỉnh, Trung ương và Ban Thanh tra Chính phủ khiếu về "Quản chế trên 20 năm", chẳng thấy trả lời gì.

Tháng 5/1983, Hội đồng Giám mục thường niên, Đức Cha Tạo đi dự, cả Giáo phận hy vọng khi người về sẽ có Giám mục Phụ tá... song Nhà Nước chưa cho ... Nhà Nước hứa sẽ có sớm !

1/7/1983 xin đi thăm Cha Cúc, Cha Tường ốm ... thì 2/7 đi Yên Vân thăm, còn Cha Cúc đi bệnh viện cuối tháng 7 mới về. 28/7/1983 được xuống thăm. Nắng ghê.

Sắp tới mùa mưa bão, nhà thờ các xứ bị ải nát, nhất là Bình Hải sắp hỏng hết mái. Tôi báo động với UB Mặt trận và UBND Huyện : "Nếu không kịp thời tu sửa, để nó đổ nát, thì là như phá nó vậy".

Kết hợp với việc tôi xin đi các xứ để mở Năm Thánh Cứu Độ, thì 15/9/1983 Ông Thuỵ, Thân CA Huyện và Ông Hùng Mặt trận Xã tới nhà xứ : "Cụ buộc cho Chính phủ phá nhà thờ ..." v,v... Đồng ý cho đảo ngói nhà thờ Quảng Phúc.

Ngày 29 và 30/9/1983 Quảng Phúc phấn khởi tích cực sửa lại 4 gian thấp (nhà thờ) thay lại toàn bộ đòn tay, rui mè ... Thiếu luồng, đã chặt xoan, đốt tươi ... Làm vội, vì Đài Việt Nam báo bão.

Chiều 30/9 và 1/10/1983 bão về thật ... Công việc xong 90%, bữa liên hoan vất vả vì mưa to gió lớn.

Cha già Nghiễm ốm nặng, không về Cấm phòng được. Cha già Cúc ốm nặng phải đi Việt-Xô ...

Ngày 2/12/1983 tôi được phép đi Cồn Thoi, Bình sa tới chiều 3/12/1983. May mắn được biết đường Cà Mâu, biết nhà thờ Cồn Thoi (Giở nhà cơm Nhà Chung 1956 về làm 1957). Đồng tế sáng 3/12 lễ Thánh Phanxicô Xavie Quan thày Cha Quỳnh. 17/12/1983 Cha già Nghiễm qua đời, tôi xin đi lễ tang 20/12/1983 mà không được. 22/12/1983 an táng Cha Vịnh tại Phát Diệm, tôi xin đi dự cũng không được ... cũng như 15/12 giỗ Đức Cha Giuse Bố, họ cũng không cho về ...

Sau Noel Cha Tường ốm, tê bại toàn thân ... tôi xin sang thăm, thì 9/1/1984 được sang yên Vân từ 7-11 giờ.

1984

Đã bao năm giữ lịch sự với hết các cấp; Tỉnh, Huyện, Xã năm nào cũng gửi thư chúc tết họ, mà họ không thèm trả lời phúc đáp ! Lịch sự ? Năm nay không viết nữa, và cũng không đi mừng tuổi Huyện Xã như mọi năm nữa, vì có tuổi mà tới họ, xem ra họ không quý gì. Chỉ đi chúc Tết các cán bộ Xã, và bà con xóm Vân Mộng.

Suốt cả năm, đệ đơn xin đi Tết chị em trong Nam, xin về Phát Diệm ngày Ngân khánh Giám mục của Đức Cha Tạo, xin đi thăm các Cha ốm (Ven, Tường) và xin đi Tĩnh tâm với bất kỳ Cha nào (Châu Sơn càng hay) nhưng đều im lặng, không cho đi khỏi Xã lần nào.

1985

Tết năm nay cũng chẳng thư chúc Tết, chẳng tới Huyện, chỉ tới nhà UBND và Mặt trận, Bí thư Xã. Cuối tháng giêng, đầu tháng hai, được về Nhà Chung 24 giờ, vì đường trơn kéo "bộ chân không" về, gặp đúng thứ tư đầu mùa Chay 20/2/1985. Theo Âm lịch Trung Quốc thì cũng đúng mồng một tết ! Nhưng lịch ta thì là 1/2/Tết Ất Sửu. Lễ Tro chiều thứ tư, tôi làm tại Chính Toà, Đức Cha dự, organ điện tử !

Sáng 21/2/1985 làm lễ tại Dòng Lưu Phương, cơm với Chị Thược. Mượn xe lên Yên Mô, bị hỏng xe dọc đàng, vất vả hơn đi bộ !

Tháng 10, Đức Cha đề nghị tổ chức tuần Tĩnh tâm vào 15/10/1985, nhưng cuối tháng vẫn chưa cho !! Và ngày 2/8 và 10/10/1985 tôi đặt đơn đi thăm Cha Ven , Cha Tường (dụng tâm xưng tội) nhưng không được, 28/10/1985 đặt một đơn nữa ...

1986

Sang 1986 tôi lại đặt đơn nhắc lại các đơn cuối năm 1985, 21/2/1986 còn nhắc CA Tỉnh và MTTQ về hai nhà thờ Yên Thổ và Bình Hải, Không có trả lời !!!

Dịp Tết, tôi không viết thư chúc Tết, nhưng mùng 2 Tết tôi tới cán bộ Xã từng nhà : Bí thư Thọ, UB Chuyên, Sơn, lên tận cán bộ Khang dụ, Salon, vào Chùa Cống thăm Sư Dần ... Mồng 3 Tết lên mừng tuổi Huyện, Bà Phó Chủ tịch Lụa, Ông Thu tiếp ...

Mãi 20 và 21/3/1986 được phép về Nhà Chung hai ngày. Sáng 21/3 làm lễ tại Dòng Mến Thánh Giá. Từ đây, sức khoẻ đã đe dọa : Sau Lễ Lá 24/3/1986 bắt đầu ù tai và thứ hai (31/3) sau Phục Sinh bắt đầu điếc và gây sốt ... tiêm, thuốc chén hơi đỡ, khó ngủ liên tục. Tại sao thế ? Ý Chúa thế nào không rõ. Nhưng có hai cái lo và buồn bản thân :

1. Lo, vì 8/1/1986 Đức Cha viết : "Đây là tiếng nói của Giám mục, kể như ý Chúa", tôi xin giãn, khất. Hôm về 20,21/3/1986 người giục và quyết định phải dọn mình, tôi một mực là : "Con 4 không (Không dám, không đáng, không thể, nhất là không được về phía Chính quyền). Xin hết sức giúp Đức Cha ... khi nào Đức Cha không còn ... sẽ hay ...".

2. Buồn vì dư luận ở Kim Sơn rất xôn xao về Ông Paul Huynh. Và đang lúc bán tín bán nghi, thì 17/3/1986 bà Hy (mẹ Huynh) lên trình : "Hôm 11/3 đã bắt được tại nhà; đột ngột đi chợ về thì ... Huynh vội ra đón. Khi vào nhà ... thấy trong giường, màn ..., bà la, đe đốt ...".

Tại xứ Quảng Phúc, từ 1955 tới nay trống trải, mấy nhà xung quanh lấn chiếm, nhất là mạn Đông (Cán bộ Yến, Bằng) cấy cây sang đất xứ, rộng 1-1,5 mét và dài 15-20 mét. BCH muốn tìm vật liệu xây tường(14/4/1986) đào móng nhà trường cũ bị đổ, lấy đá, thì Sơn CA Huyện hạch : "Sao không xin phép". 16/4, hai thợ tô tường nữa ... CA Huyện vào xứ hạch ... và 20/9/1986, Ông Lâm xưng là Phó CA Huyện với Sơn CA Huyện vào thăm sức khoẻ Linh mục, và lệnh : "Dù Cụ rào giậu cũng phải xin phép !" - Tôi cười mỉa mai !

10/5/1986 Hảo Nho đem con hoa ra dâng tại Quảng Phúc, lễ chiều xong, tôi họp giáo dân các xứ công bố : "Nếu tôi ốm nặng, không đi bệnh viện nào khác, trừ đi Kim Sơn. Nếu có chết, thì yêu cầu chôn cất theo ý Đức Giám mục".

Đột ngột sáng sớm 13/5/1986 (ngày Đức Mẹ hiện ra ở Phatima) là mồng 5/4 âm lịch, tôi dậy sớm, có ý Lễ sớm cho giáo dân đi chợ Bút ! Tôi ra tới hố xí, bị rù người và tê bại ½ người phía phải ... Nhà thỡ 4 giờ đã bắt đầu đọc kinh, may còn Bà Trùm Dung nghe tiếng tôi ú ớ ... vội gọi các chú và Ông Quản Bính chạy vào nhà xí, vực tôi và khiêng về phòng nhà dưới (Nơi trước kia Ông Trùm Thứ ở, và 1984 Ông Trùm Xuyến ở lâu).

Từ đây là phòng ngủ vĩnh viễn của tôi !

Nhà gác, BCH nhờ anh Năng ra coi, giúp Lễ, ăn ngủ tại xứ thay BCH săn sóc ... BCH (Ông Phụng, Xuyến, Hợi, Nhâm, Bính, Hành ) thay nhau ngủ đêm để trông coi bệnh nhân. Đặc biệt có Ông Đài tự nguyện ra ngủ nữa, để coi sóc tôi.

Bị bệnh tới 5 giờ chạy thuốc cuống cuồng; tôi bị nói ngọng, ½ người tê liệt, cảm thấy như mặt mũi tai miệng méo xệch, song không có sao cả. Cho mời y sĩ Tiến (68 tuổi) Xóm Vân Thành, Yên Phong ... Ông xem mạch và nói : "Bệnh não ... còn nước còn tát ... nhũn não". Ông "thuỷ châm" B12+B1 vào ngay huyệt nhân trung (môi trên), vào cổ tay. Độ nửa giờ sau cảm thấy khá, Ông Tiến y sĩ mới mừng, ông cho lên ngay Bà Bác sĩ Bình ở bệnh viện Yên Mô, Chàng, nói bệnh và mua thuốc. Bà Bác sĩ Bình gởi nhiều thuốc, kê đơn, lại viết thư thăm và chúc "mau khoẻ" ... Tiền nong mãi sau mới trả bà .

17/5, Lễ Hiện xuống, định làm Lễ, thì chiều đó giáo dân cho tôi ngồi ghế (ghế làm Lễ) 4 anh kiệu lên để tôi ngồi dâng lễ. Cả nhà thờ cảm động, nhất là thanh niên, nhiều anh chị gục mặt vào vách khóc suốt ván lễ. 18/5/1986, Lễ sáng, Lễ chiều cũng khiêng ra ngồi dâng Lễ. Bỏ Lễ cả tuần. Thứ bảy (24/5/1986) bệnh đã bớt, hai người dìu (địu) tôi ra nhà thờ và vẫn dâng Lễ ngồi. Các Đức Cha họp ở Hà Nội, có mấy đấng về phát Diệm, đặc biệt là Đức Cha Nhật vội về miền Nam báo tin cho Chị Tiền và các cháu. Đức Hồng Y Căn cũng gửi thuốc và gửi thiếp thăm ...

Không viết được, phải nhờ Anh Năng viết thơ lên Xã, Huyện, Tỉnh và trung ương báo cáo bệnh tình, thắc mắc về án quản chế đã quá lâu, 27 năm rồi, và đề nghị được về chữa bệnh ở một trong ba : 1/ Nhà Chung Phát diệm; 2/ Chị Thược Nhà mồ côi Phú Vinh; 3/ Chị Tiến, 443 Lê Văn Sĩ Quận 3 TP. HCM.

Đơn viết cuối tháng 5/1986, thì mãi 18/10/1986 Ông Thân CA Huyện mới vào thăm, và báo : "Nhà Nước nhiệt tình giúp Cụ đi chữa bệnh, theo tuyến Tam Điệp" Tôi nói : "Tôi không có điều kiện".

Một an ủi rất lạ lùng, như một giấc mơ !

14 giờ 30 Chủ nhật 1/6/1986 tôi đang nằm ở sập nhà khách, vì trời oi bức, Ông Hành coi kẻ liệt, mệt, bức, tìm chỗ mát nghỉ trưa ... thì hai bóng người lạ đứng ở đầu sập xây... tôi nằm, nửa tỉnh nửa mơ ... nhìn rõ là Sơ Hương Juliana và Bảy, vợ cháu Đề, cả hai gọi tôi là cậu ... Hai cháu vực tôi dậy; Cậu khóc, cháu khóc ... vội gọi người nhà (mẹ con bà Dung), và xóm làng đổ tới, vì thấy ô tô đưa người vào xứ ... ai nấy tưởng là ô tô đưa bác sĩ về chữa cho tôi ...

Sáng 2/6/1986 cho người xuống cáng Bà Thược, Đức Cha cho cả Bà Hường (đắc cử Bề trên từ 4/1/1986, thay Bà Hoàn). Trời oi bức đã mấy hôm; chiều đó, Bà Thược, Bà Hường sắp về thì trời mưa to, sấm chớp; mưa to và lâu tới tối ... thế là hai Bà Sơ phải ở lại sáng 3/6 !! Thánh Benoi và em là Sevlastina !! Cũng có một lần bó buộc em phải ở lại với anh, nhớ cảnh này !!

Sáng 4/6/1986 xe ô tô từ Hà Nội về đón hai cháu Bảy và Hương đi ... trời cũng đổ mưa ... trời khóc, cậu cháu khóc ... Anh Phi Long dẫn hai cháu về, đêm 3/6 tưởng là nhỡ lớn, Anh và Lý đi xem Phát Diệm, về tới Bình Sa xe hỏng máy ... 20 giờ mới được Ông Hùng (Bình Sa) cho mượn xe đạp, song tối giời, lại mưa; gần ½ đêm mới về tới Quảng Phúc ... mọi người đỡ lo !

Bữa sáng, Bảy thương nhớ cậu, chẳng ăn tí gì, ... ra tới Hà Nội (dọc đàng chỉ khóc thương cậu) lại thuê xe lộn về với cậu, đến 11/6 mới bỏ hẳn ! Ngày 10/6/1986, Juliana viết vào sổ tay của tôi mấy dòng : "Hết sức cảm động ... nhớ thương ...!".

Tháng 7 và 8, dù mưa gió, Anh Tịnh xứ Điềm, chịu khó lên châm cho tôi ... uống thuốc, tiêm thuốc, và cháu Đề gửi nhiều loại thuốc tốt, quý. Cuối tháng 7 đã bắt đầu làm Lễ các ngày thường. Cán bộ xóm, Xã và bà con lương dân tới thăm khắp lượt ...!

Đang lúc hoang mang, lo sẽ "vô tự" thì có tin Chủng viện Hà Nội đã mở, Phát Diệm sẽ gửi Chủng sinh.

23/8/1986, Simon Tính con Ông Huyến và Joseph Phúc, con Ông Hành nộp đơn đi Chủng viện. Hai anh đã bắt đầu ra vào cùng với Anh Năng, giúp lễ, đọc sách ... Hy vọng ...! Nhưng mấy tháng sau, Anh Phúc đốc bệnh, làm giấy xin rút. Còn Anh Simon Tính, thấy Anh Phúc rút thì cũng dao động, chẳng anh nào tới giúp lễ nữa ... Cho tới tháng 8/1988 Tỉnh trả lời dứt khoát là : "Tuyến Tam Điệp chỉ có 1 chú Cha Tường" !

Cuối tháng 9/1986 tôi đã chống tó đi vào xóm chơi, 27/9 vào mừng Ông Chuộng, đám cưới Tính, Mai (đi xa nhất !).

10-20/10/1986. Các Cha Cấm phòng, tôi xin mà không được đi. Cũng như mấy chục năm, 23-31/10/1986 tôi cấm phòng riêng để kỷ niệm 31/10/1947 Thụ phong Linh mục.

9/11/1986 Hai Thày Huynh, Kim bị bắt ... bệnh não tôi có vẻ tăng, nên tôi đã dặn giáo dân và BCH Quảng Phúc : "Nếu tôi ngã lại, là cấm khẩu, thì đừng thuốc men, vô ích, cứ khiêng vất xuống Nhà Chung, rồi về !".

Miền Kim Sơn nghe bệnh tình tôi, rất thương, rất lo 23/11 Lễ Chúa Kitô, họ giáo Đông Hải kéo lên tới 45 người, thăm tôi, xin Chầu một giờ, hát lễ 15 giờ, xong về. Miền Nam cũng đã biết tin tôi ốm liệt. 1/12/1986 Cha Thanh, cháu Cha già Lâm, quê Quảng Nạp, từ Đồng Nai Xuân Lộc về thăm quê; Tôi cho em Hoàn dẫn Cha đi Quảng Nạp. Sáng 2/12, Ca đoàn Quảng Phúc (nữ) lên Quảng Nạp sớm dự Lễ, hát mừng Cha Thanh ( độ 35 tuổi). Cha gặp nhiều khó khăn do cán bộ địa phương : không cho Cha ngủ nghỉ trong xứ, chỉ cho làm có 1 Lễ 2/12. Sáng 3/12 Lễ Thánh Phanxicô Xavie, Quan thày Hải Nạp, họ phải xuống Lễ tại Quảng Phúc, còn Cha Thanh mãi trưa mới trở lại Quảng Phúc, và tôi mời Cha làm Lễ 15 giờ, Lễ xong, cha về Kim Sơn.

Trưa 31/12 bế mạc 1986, Cha Quỳnh Lãm tới thăm.

Sau mấy tháng phải viết tay trái, nay viết tay phải đã tạm được, thì 15/12/1986 tôi đề nghị đi Bát Quảng giỗ Cha già Nghiễm và Cha Vịnh; và đi Hảo Nho giỗ Cha già Cúc (giỗ đầu). Không được !

Ngày 19/12/1986 tôi viết thư gửi Trung ương, đề nghị được xét giải quản, quá 27 năm rồi. Đề nghị tự do tín ngưỡng, được tu sửa các nhà thờ Yên Thổ, Bình Hải ... Mãi 6/2/1987, Ban Thanh tra Trung ương gửi thư báo : "Giao sang Mặt trận xét" !

1987

Từ ngày bị bệnh não, bán thân bất toại, phải nằm im, không dám xin đi đâu cả. Chính quyền xóm, xã tới thăm. 30/1/1987 tức mùng 2 Tết thì Ông Chủ tịch Mặt trận Đào Hùng, Ông Chuyên, Châu cán bộ xóm, cựu UB và HTX, đã vào chúc tết vui vẻ.

Đặc biệt, cháu Lại thị Bảy (vợ cháu Đề) từ 7-9/2/1987 về Tết và muốn đưa tôi (cậu) vô Nam chữa bệnh. Tinh thần đổi mới của Đại hội ĐCSVN đã thấy có biến chuyển. Ban Thanh tra Trung uơng đã gưỉ thư cho tôi 6/2/1987.

Cụ Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư thay Cụ Lê Duẩn. Hoàng Thọ Đan Giám đốc CA Hà Nam Ninh, nghỉ và Ông Đỗ Hữu Thuận (Phó) lên làm Giám đốc. Ở Huyện Tam Điệp, Ông Thuỵ Huyện Trưởng CA về hưu, và Ông Nguyễn văn Thức về thay, tác phong dân chủ, cởi mở, đổi mới. 13/3/1987 Lễ mừng Cưới Vàng Linh mục của Đức Cha tổ chức tại Phương Đình, Lễ Đồng tế lộ thiên, Đức Cha Tần ... Tôi không dám xin về; Ngày 13/5/1987 đúng một năm sau khi ngã bệnh, tôi đi (chống tó) sang nhà y sĩ Tiến cám ơn !

Ngày 15/3/1987 Anh Năng bị bịnh tì, vị, ho máu cấp cứu; tôi phải nhờ Anh Đức dạy kinh bổn các em. Ngày 7/3, mổ tại bệnh viện Yên Mô (Việt-Đức), Chàng. Ngày 19/4, thứ bảy Thánh, xuất viện, về với Chị Thậm điều dưỡng, tới Lễ Lên Trời, ra giúp.

29/5/1987 Ông Thức, Huyện CA Tam Điệp, mời lên, tiếp rất tử tế, cởi mở, giục tôi làm kiểm điểm để xin cấp trên giải quản. Phấn khởi ... Lễ Lên Trời, Hiện Xuống đều hát Latin ...

16/6/1987 CA Huyện mời lên đúng 8 giờ. Trời oi, nắng gay. Từ ngày tê liệt, hôm nay mới dám ngồi xe máy của Anh Phượng (Nại) đưa lên CA, anh về ngay... hẹn lên rước.

Sao mà trịnh trọng thế ? Ông Vĩnh, Trưởng phòng chính trị Tỉnh, Ông Thu Chánh văn phòng Huyện Tam Điệp, ba ông niềm nở, đón, dắt tôi vào phòng khách ... Sau mấy phút ngoại giao giáo đầu, Ông Vĩnh, thay mặt UBND Tỉnh bảo Ông Thu đọc quyết nghị 967 do Chủ tịch Đinh Gia Huấn ký 15/6/1987 :

Khoản 1 : Giải quản, trả quyền tự do công dân.

Khoản 2 : Buộc phải cư trú tại nhà thờ xứ Quảng Phúc.

Có thế. Đoạn Ông Vĩnh nói : "Từ nay được tự do đi làm lễ tại nhà thờ Bạch Liên Xã Yên Thành và Yên Thổ Xã Yên Phú". Ông Thức thêm : " Khi về các Xã đó, lần đầu, Cụ tới UB, rồi sau đó, hễ Cụ về thì BCH sẽ báo cáo UB là đủ". Ông Thu Chánh Văn phòng Huyện viết biên bản. Tôi ý kiến : " Tôi đánh giá cao việc giải quản hôm nay, một án quản chế quá lâu, luật nước cũng có 5,6 năm là cùng. Trên thế giới không có nước nào quản chế dân tới 10 năm ! Sau từng ấy năm, biết bao đơn tôi kháng khiếu, nay mới được giải quyết ! Nhưng vừa cởi lại buộc ngay, tôi không tán thành việc buộc tôi cư trú tại Xã Yên Phong, lại đi vào vết xe cũ của 1959".

Ông Vĩnh : "Nói chuyện với Cụ Thiều, phải đưa sách luật ra". Ông tìm sách mở chỗ "UBHC Tỉnh có quyền định cư trú". Tôi đáp ngay : "Đề nghị ông đọc từ đầu : luật này áp dụng cho ai ? Luật này Cụ Trường Chinh ký, tôi đã nghiên cứu từ 1959".

"Chúng tôi sẽ đệ đạt ý Cụ về tỉnh, Cụ còn đề nghị gì ?". Tôi đáp : "Đã trả quyền công dân, thì tôi yêu cầu được cấp Chứng Minh Thư". Ông Vĩnh : "Anh Thức liệu làm CMND cho Cụ".

Tự do công dân 15/6/1987

Nghe tin được giải quản, khắp Giáo phận đều vui. Cha Hải rồi Nhà Dòng, các xứ đổ về mừng tôi. 16/6/1987 tôi viết thư lên Tỉnh và MTTQ thắc mắc về Nghị quyết 967, cởi lại buộc... ?? Và đề nghị sửa hai Nhà Thờ Yên Thổ và Bình Hải.

Bạch Liên ! Bạch Liên !

Từ 1963, Cha già Nghiễm đổi về Cồn Thoi, Đức Cha cử Cha Vọng về Bát, song Nhà Nước không cho. Đức Cha đành dạy tôi coi (dù chẳng được đi đâu) Bạch Liên và Quảng Nạp. Hai xứ đó rất chịu khó, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua biết bao cấm cách ngăn đón để tới Quảng Phúc gặp Cha xứ của mình.

Một rắc rối phức tạp cho việc coi xứ là Chính quyền giữ xứ Bạch Liên cho Linh mục Nguyễn Duy Trinh và giữ xứ Quảng Nạp cho Linh mục Nguyễn Thế Vịnh.

Mỗi năm được độ 2,3 lễ. Mấy Linh mục đó về các xứ, thì Chính quyền Huyện và Xã (MT Huyện là Chước, rồi Khình) bắt giáo dân đón tiếp, tổn của nhà xứ bởi các khách sang (khách cán bộ) của các ngài. Những Đại Lễ Noel, Phục Sinh các ngài chẳng tới mặc lòng, thì cán bộ vẫn tuyên bố : "Cụ Vịnh, Trinh về cho Lễ...". Thế là ai đi tới Quảng Phúc để dự Lễ Cha xứ, thì gặp rất nhiều khó khăn ... Cũng vì quá khó khăn, mà mình yếu đuối, nên giáo dân Yên Thổ đa số đã nghỉ đạo ...! Nhưng Bạch Bát, Quảng Nạp vững tin.

Thứ bảy, hồi 16 giờ ngày 27/6/1987 Chầu kính Trái Tim, dâng xứ và Lễ ở Quảng Phúc xong, 2 xe máy và một đoàn tới 20 xe đạp, đưa tôi đi Bạch Liên ... Trước khi vào xứ, tôi vào trụ sở Yên Thành chào chính quyền ...

17 giờ 30 tới khu Bạch Liên, giáo dân ra đón từ đầu xóm, các cố ông bà, nhiều người mừng quá chảy nước mắt. Tôi quỳ hôn cổng Nhà Thờ, vào viếng Mình Thánh ... Điều đáng lưu ý : Do sự khôn và khéo của BCH và giáo dân, từ 1963 đến nay, lúc nào nhà thờ cũng có Mình Thánh. 1986, vì quá sợ cán bộ (Vệ, CA Huyện) đe dọa, nên Ông Trương Ái đã định vào rừng núi ẩn tu (như Cha Thánh Tịnh xưa)... Sau đó, Chính quyền và giáo dân đi tìm. Sau ba ngày đã tìm thấy, và từ đây, cán bộ đỡ đe dọa khủng bố.

Chủ nhật Lễ Kính Trái Tim, 28/6/1987 lần I lễ tại Bạch Liên.

Nhà Thờ rộng rãi khang trang, chưa bị tồi tàn ... nhưng nhà xứ còn một nhà gác, tầng gác không thể ở vì không thang, không cửa. Tôi ở tầng dưới ... Còn hai nhà xây năm gian trống trải ... Tháng 3/1988 đành dỡ đi một cái để tu sửa cái kia cho một gia đình ở trông coi Nhà Thờ và nhà xứ và cơm nước mỗi khi tôi về. Nhà xứ trước sau không cổng ngõ, đường đi tắt ngang xứ ... không có nước dùng ... Sang đầu năm 1988 đã xây giếng, bể nước mưa và xây cổng, mở đường kiệu như cũ, và xây đường ra Nhà Thờ. Tháng 10/1988 xây tường kín chung quanh Nhà Thờ ... và mỗi tháng, tôi cố vào ở một tuần để được hai lễ buộc. Mấy tháng đầu (7,10, 11/1987) Chính quyền Xã bắt BCH làm đơn xin phép, mỗi khi tôi về, và chỉ cho ở 2, 3 ngày. Song tôi đã vận động tại CA Huyện ... nên đã có thể ở một tuần rồi !

Tháng 9/1987 tôi mua được một xe thương binh, song mới đi xe đó vào Bát một lần dịp Lễ Các Thánh. Phần nhiều đi xe máy hoặc đi cáng là an toàn ấm áp nhất. Noel 1987 Lễ đêm, Lễ sáng 25/12 tại Bạch Liên, rất long trọng, sốt sắng, an toàn và tiết kiệm. Hôm đó, xứ Bát đãi Chính quyền Xã, Huyện HTX và các cố ông cố bà một bữa (7 mâm).

Yên Thổ ! Yên Thổ !

Nơi tôi đã ở từ tháng 12/1955, qua một đợt sóng gió "Cải cách ruộng đất" và từ tháng 6/1963 tôi không được đi về. Giáo dân Yên Thổ nhất là BCH bị đe dọa, dụ dỗ, khống chế ghê gớm. Vì Đảng bộ xóm Yên Thổ đa số là người Công giáo (!)

Cho tới 1987, rất ít người còn dám đi Lễ ... Đón rước nhiều lần phái đoàn Linh mục Vịnh ... và Hội họp mừng Lễ (không có Cha Xứ), ăn uống lãng phí ... đi đến ... bán hết các nhà trong xứ (gồm 1 nhà hai tầng, 1 nhà xây ba gian và 4 gian nhà dưới cũng xây).

Không trông coi bảo vệ, không kinh sớm tối, không ai dám kiệu Mình Thánh về (Sau khi Cố Kế qua đi)! Đi lễ Quảng Phúc hoặc đi gặp tôi là Cha xứ thì bị cán bộ buộc tội ngay ... Mấy người làm nhà cả trên đất Nhà Thờ (Vang, Min, Kiên). Sân Nhà Thờ cỏ mọc, Nhà Thờ ải nát ... cho tới khi ...

Chiều thứ bảy ngày 4/7/1987 tôi được về, phải làm Lễ ở gốc tháp, sân Nhà Thờ. Lễ xong tôi rút ngay xuống Quảng Phúc. Trời nóng nực, đường cái xe pháo bụi ... tôi nằm trong cáng võng ... đã vào UBND Xã Yên Phú ... cáng tới Yên Thổ, bụi đầy áo chùng, mặt mồ hôi, đầy bụi, không tìm ra một bát nước rửa mặt, rửa tay ...! Nhà Thờ : gian Cung Thánh sập toàn bộ ... tường, toà, tượng rêu xanh. mái thượng, mái hạ (cổ đẳng) đều hư, ngói vỡ, trốc vãn ... cửa chính cửa sổ đều hỏng ... Đã ba buổi chiều dâng Lễ ở chân tháp, giáo dân ngồi ở sân ... đau khổ rơi lệ. Thứ bảy 19/9/1987 lúc 15 giờ, tôi về, trời u ám, đổ mưa, đánh liều, kéo vào lòng Nhà Thờ, mạo hiểm ! Chỗ còn ít ngói ... dâng Lễ an toàn. 18 giờ rút về Quảng Phúc ... Từ đây, thanh niên nhất định làm rạp trong gian Cung Thánh.

Chủ nhật 4/10, đầu tháng 10, giáo dân dọn dẹp Nhà Thờ Chầu lượt, thì đêm đó mưa như trút ... may mà tôi chưa lên. Nhà Mặc áo có thể kê giường cho tôi tạm nghỉ, song còn trống thiên trống địa. Anh chị em tát nước quét dọn, 4 giờ tạnh mưa. Tôi dâng Lễ 5 giờ ở Quảng Phúc. Thanh niên Yên Thổ đưa xe thương binh ... tôi lên dâng Lễ 7 giờ. Chầu tới 10 giờ, cất Mình Thánh nghỉ, chiều tiếp tục Chầu từ 14 đến 17 giờ Lễ. Đề phòng ngói, hồ rơi, thanh niên đã phá hết trần và chọc xuống những gì lủng lẳng. Ngày Chầu an toàn, ở lại một đêm.

Từ đây, đi Yên Thổ thường là xe thương binh hoặc là xe máy.

Nhà Mặc áo sẽ biến thành nơi ăn, nghỉ của tôi.

Hễ đi đâu, CA Huyện yêu cầu phải báo cáo ...? Ngày 7/10/1987 MTTQ Tỉnh mời các Linh mục về Nam Định họp. Tôi đi ô tô hàng từ chợ Lồng 4 giờ 30 thì 7 giờ tới trụ sở MTTQ đối diện với Nhà Thờ Lớn Nam Định. Chiều 7/10, tôi chống tó tới chào Ban Giám đốc CA. Ông Kế, Ông Vĩnh tiếp nồng nhiệt ... Trở về chào Cha chính Trọng, ăn Trung Thu với các Thày Thành, Mỹ, Sơn. Sáng 8/10, tôi làm Lễ ở phòng áo, Lễ xong mưa một trận ghê sợ; Đài tượng đức Mẹ như một hải đảo đứng giữa biển hồ lênh láng. 8 giờ Cha già Trọng lội sang trụ sở MTTQ. Còn tôi què, ốm, nhờ Thày Thành cõng qua sân Nhà Thờ, qua Đài Đức Mẹ cho tới cổng trụ sở. Vì mưa, các Cha về muộn, mãi 9 giờ mới khai mạc.

Mặc trận Trung ương cử Ông Vũ Thái Hoàn và Luật sư Dương Văn Đàm phát biểu về việc Phong Thánh năm 1988. Luật sư nói xong, liền bỏ bom : "Đề nghị Cha Thiều phát biểu !". Tôi nói : "Sau 30 năm, lần này là lần thứ nhất, xin Uỷ ban MT và Hội nghị cho phép tôi được nghe thôi !". Ăn cơm tại khách sạn. Luật sư Khôi (Tư pháp Tỉnh) nói về Luật Hôn nhân. Ông Trần Văn Thuận (Tỉnh Uỷ viên) nói về Đại hội VI ĐCSVN.

Chiều 9/10/1987, trước khi bế mạc, xe MT Tỉnh đưa tôi ra bến xe để về Phố Lồng. Mặt trận Tỉnh có Cụ Lê hải, Ông Trì, Bà Nghiêm, Ông Khang.

Sau 28 năm, năm nay được về Tĩnh tâm Linh mục 12-21/10/1987. Trước khi đi Cấm phòng, UBND Huyện mời lên Ông Thu, Ông Thức, tiếp tại nhà hai tầng : "Chúc Cụ đi Cấm phòng tốt đẹp - và truyền đạt lệnh Tỉnh - Cụ về Tĩnh tâm nhưng không được chủ trì cuộc Lễ nào, không được phát biểu !". Tại Phát Diệm, Đức Cha Tạo cũng được thông báo : "Các Linh mục đều về, trừ Linh mục Phúc; và Cụ Thiều không được giảng hoặc chủ trì cuộc Lễ !".

12 giờ 30 cùng ngày (12/10), ba thanh niên Quảng Phúc đem xe cho tôi tới Quảng Từ, thì hai anh người Xã Yên Phong chạy theo hỏi giấy phép ... Tôi đáp : "Các anh về hỏi Ông Thức Huyện trưởng CA và Ông Thu Văn phòng Huyện".

23/11/1987, có Phái đoàn Chính Thống Nga về Phát Diệm, Đức Cha hai lần mời tôi về tiếp, tôi lên báo CA Huyện, thì Ông Thức đáp : "Tỉnh không đồng ý ! Đây là Giám mục làm việc với Giám mục thôi !".

Tháng 12/1987, Ông Thức Huyện trưởng CA và Ông Bách Chủ tịch Mặt trận Huyện giục tôi lên Yên Thổ mua vật liệu để sửa Nhà Thờ. Tôi bán ngay xe đạp Peugeot Pháp được ba chỉ (180.000$) và Đức Cha cho, các xứ cho ...

Yên Thổ tích cực mua luồng, ngói, vôi ...

Bạch Liên tích cực chuẩn bị Noel ...

1988

Sau Noel, sang năm mới, bệnh não và tê bại thì cầm chừng, song bệnh thoát vị hai bên hông phát triển mạnh. Tôi đã đề phòng, đeo nịt; song cứ sa xuống, chói ghê, thường phải nằm, vuốt lâu mới lên.

Đang khi đó, 13-23/1/1988, Nhà Nước cho phép sửa Nhà Thờ Yên Thổ. Vàng 50-60 ngàn một chỉ, lúa 2 ngàn 10 kg, thịt 1800$/kg ... Giá sinh hoạt cứ lên ... Có ngày 200, 300, cao điểm 450 người làm, ủng hộ, ai ở xa ăn có bữa trưa ... Một cuộc biểu dương đức tin, sức đoàn kết của giáo dân. Phép 10 hôm, nhưng Chính quyền phạt, đình cắt hai hôm, vì "Xin phép sửa mái thượng mà lại sửa cả mái hạ !". Tôi ốm nằm ở Quảng Phúc ... đón nhận tiền và gạo, từ các xứ Kim Sơn, vượt đường trơn, mưa phùn, gió bấc ... Nhận được, tôi tin cho giáo dân xuống lấy ngay.

Tạ ơn Chúa ! Đội ơn Đức Mẹ, Thánh Giuse Quan thày Yên Thổ ... Dù ốm yếu, Chủ nhật 24/1/1988 hồi 15 giờ làm phép Nhà Thờ ... Đông hết sức. Ca đoàn Quảng Phúc và Phương Thượng dâng lễ vật, rất cảm động ...

Tiết kiệm đặc biệt : Không ăn uống, không pháo nổ !

Nhà Thờ vật chất tạm kín, tránh được mưa nắng, song cửa rả, ghế ngồi mất, hỏng hầu hết, còn phải tiếp tục tốn phí dăm chỉ vàng nữa !!!

Tôi đi về đã có nơi ăn nghỉ : Nhà Mặc áo. Nhưng Nhà Thờ thiêng liêng ! Tôi phải vất vả lâu dài ! Sau 28 năm nghỉ đạo, bỏ đạo. Cả họ trị sở còn được 13 gia đình trung kiên, không có gương mù; 31 gia đình có từ 1-4 con lấy vợ chồng không phép đạo ... Kinh đọc sớm tối, kinh đọc lúc lễ hầu phải dạy lại từ đầu. Thanh Thiếu niên nam nữ đã tích cực học hành kinh hát, 1 số cứ chiều chiều xuống Quảng Phúc để học hát Phụng vụ, để hát Lễ và Chầu ...

Đấy là họ trị sở, còn các họ lẻ cũng theo một đà, rống rồng theo mẹ ! Năm 1954 còn đủ các họ, có Nhà Thờ chẳng to thì nhỏ : Lôi Thạch, Đãi Vương (Chợ Bến) Phúc Hiền, Lạc Hiền, Đá Bia, Kim Bảng. Không phải vì chiến tranh, nhưng chỉ vì Chính quyền các địa phương không cho tu sửa. Khống chế BCH, khủng bố giáo dân bằng : "Tay sai của Ông Thiều" ... Cho nên đa số nghỉ đạo; Thanh niên nam nữ không được học kinh bổn, lấy vợ lấy chồng không có phép đạo ... Nhà Thờ còn lại (1988) có 2 là Lạc Hiền và Đá Bia ! Mỗi giáo họ chỉ còn vài ba gia đình giữ đạo được, nhờ ơn Chúa, vượt qua biết bao thử thách.

Sửa xong Nhà Thờ Yên Thổ, tôi đi về Lễ mỗi tháng vài chủ nhật, có khi ở lại 2, 3 hôm ... Giáo dân đã tiếp tục phục hồi lòng đạo. Chỉ còn một số ít trước đây tích cực phản, phá đạo, thì còn e dè, thẹn thuồng ...

Bệnh não tê ½ người, đi lại nặng như đeo đá một bên, thêm bệnh "thoát vị hai bên" tăng, cho nên đi đâu là ... găng. Tết (mùng 1) gặp Lễ Tro, Mùng 1 ăn Tết với các Cố xứ Bát (rét, mưa). Sau trưa, Quảng Phúc cáng về (anh em và BCH ướt rét). Chiều 2 Tết đi Yên Thổ. Sáng mùng ba ăn Tết với các cố ôgn bà cả xóm Yên Thổ (7 mâm).

25-27/2/1988 về bái niên Đức Cha, sáng 27 lên qua Chẹo về kịp Lễ chiều thứ bảy (27/2/1988). Chủ nhật 28/2 tôi lên Yên Thổ ở lại đón Đức Cha ! Trên đường đi hà Nội họp bất thường, 15 giờ 30 đến 16 giờ Đức Cha Tạo và Cha Long (trẻ, to, Hà Nội) vào Yên Thổ (xe hỏng, rò xăng).

Chủ nhật IV mùa Chay (13/3) tôi về Yên Thổ, ở lại chuẩn bị Thánh Quan thày Giuse, thì bệnh sa ruột phát nặng, cấp cứu ... 15 giờ ngày 13/5 phải cáng đi bệnh viện Chàng.

Mổ thoát vị 19/3/1988

Tới bệnh viện Cầu Chàng, cũng gọi là bệnh viện Yên Mô hoặc Việt Đức, được Ban Giám Đốc ( Bác sĩ Khánh, Tập, Việt, các Bác sĩ Thành, Hưng, Khang, Bà Bình và các y sĩ, y tá rất nhiệt tình), vì bên Đảng và Huyện không muốn mổ ở đây, muốn đem đi lên tuyến trên ... Chính Lễ Thánh Giuse, bệnh tôi cấp cứu ... Tuy gặp thứ bảy, Bệnh viện cũng nhất định mổ hôm đó.

Ba Bác sĩ Ninh Bình xuống phối hợp ca mổ : Viện trưởng Hùng, Bác sĩ Mẫn chuyên mổ và chị Bác sĩ Liễu. 15 giờ lên bàn mổ ... tới 23 giờ tôi mới tỉnh. 14 giờ 30 ngày 28/3/1988 xuất viện. Xe ô tô bệnh viện và Bác sĩ Khang đưa về tới Quảng Phúc. 16 giờ tôi dâng Lễ tạ ơn ... Các xứ tới đón đông. Các Bác sĩ, Y sĩ, Y tá, Hộ lý tiễn chân tôi, đứng trắng xoá ở công Viện.

Ơn lạ Thánh Giuse ! Tuy mới mổ, Tuần Thánh 31/3, thứ năm Lễ lộ thiên ... Thứ Sáu Tuần Thánh, cán bộ chủ chốt Xã tới thăm đông. Tuần Thánh 1988, đủ lễ phép như mọi năm.

Dịp này, xứ Quảng Phúc xây tường, lấy lại hết đất xứ, xây giếng và mở đường kiệu chung quanh Nhà Thờ. Điều dưỡng tại Quảng Phúc cho tới chủ nhật VI Phục Sinh (8/5/1988) mới đi Lễ xứ Bạch Liên, Lễ vọng lên trời, kiệu I tại Bát (12/5/1988) xong, 17 giờ trở lại Quảng Phúc. Giới thiệu Cha Quỳnh lên bệnh viện Chàng. Tôi xin Chính quyền đi thăm chị ruột và chữa bệnh tại Sài Gòn.

Không ngờ ! Tạ ơn chúa ! 27/6/1988 Ông Vĩnh ở Sở CA và Ông Thức Huyện CA mời ... và cấp giấy cho đi Thành Phố HCM từ 1/6 đến 15/7/1988 thăm Chị Tiến và chữa bệnh ... Ai cũng bỡ ngỡ tin này ... thậm chí Đức Cha Tạo cũng khó tin ! MTTQ Tỉnh mời đi họp tại Nam Định 1 ngày : 31/5/1988.

Đi Sài Gòn !

Cầm giấy đi họp MTTQ Tỉnh và giấy giới thiệu vào Nam, chiều 30/5 tôi lên Thiện Mỹ nghỉ đêm ... vui cả xóm ! Sáng 31/5 Lễ Đức Mẹ đi viếng Thánh Isave, chụp ảnh với Cha Phúc và họ Chẹo ... xe máy đưa đi Nam Định.

Cha Vũ Thái Bá và Ông Khâm Ban Tôn giáo Trung ương dự họp, nói về 19/6/198, Phong Thánh là việc hại khối Đại đoàn kết, vi phạm chủ quyền Nhà Nước ... Ông Khâm chỉ vào tôi : "Cha Thiều khét tiếng chống Cộng ...". 17 giờ, tôi nhờ xe Cha Bá, Ông Khâm ra Hà Nội (Cha Sĩ cùng đi), 20 giờ tới Nhà Chung, cha Thông gặp 5 phút, rồi theo Đức Hồng y ra Nhà nguyện Chầu giờ Thánh, cầu cho việc Phong Thánh. Giáo phận Hà Nội một tháng : Chầu giờ, ăn chay cầu về ý đó. Đức Hồng y nói với tôi : "Ta chỉ còn một phương thế là chạy đến Chúa và Đức Mẹ ... Việc này phức tạp lắm". (Chẵn 25 năm, 1963-1988, gặp tại Hà Nội đúng 2/6, Kỷ niệm Đức Cha Căn thụ phong Giám mục ! Hôm đó duy nhất có tôi ở xa về mừng).

Trong khi chờ mua vé máy bay, may gặp lại Đức Cha Tần, Đức Cha Cương về đây để đi Mascơva Kỷ niệm 1000 năm Nước Nga rửa tội ! Vì biên lai CMND không có ảnh, không thể mua được vé tầu. 1/6/1988, tôi vội chụp ảnh, giao cho Anh Thi về ngay Tam Điệp xin làm CMND, một mặt tôi dán ảnh vào giấy CA giới thiệu đi Nam, nhờ Cha Sinh Văn phòng TGM nói với Ban Tôn giáo trung ương cộp dấu, thế là 2/6 mua được vé. Điện vào Sài Gòn sẽ không kịp 9 giờ mai nên Ban Tôn giáo giúp tôi gọi điện thoại cho Cha Phan Khắc Từ ... Thế là 20 giờ ngày 2/6, cháu tôi ở Sài Gòn đã biết tin kịp 9 giờ ngày 3/6 đón tôi tại Tân Sơn Nhất, Phi trường sài Gòn ! Tạ ơn Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse.

4 giờ sáng ngày 3/6/1988 xe du lịch (của một ông trong Ban Văn Hoá Trung ương vào Sài Gòn họp về việc Phong Thánh) vào Nhà Chung đón tôi để đi sân bay Nội Bài. 6 giờ 30 - 8 giờ 50 bay tới Tân Sơn Nhất ... Mừng thay !. Cháu Juliana, Anh Long và cháu X (tìm hiểu Thu Hà) đã hai xe máy đón tôi về 443/16 Lê văn Sĩ Quận 3. Chị Tiến, 84 tuổi, ốm, Cha Từ đã xức dầu ... Gặp em trai (tôi) chị khóc nức nở ... bệnh chị lui dần !

Hoa hồng lắm gai ! Vui pha buồn ! Thánh giá và vinh quang ! Anh Long nói nhỏ : " anh chị Đề bị bắt rồi !". Tôi tìm ý Chúa ... bình thản cơm nước. 15 giờ đi chào Đức Tổng Bình. Người tiếp niềm nở, cởi mở, thắm tình Cha con. Đức Nẫm vắng, đang đưa Đức Cha Sang đi Tây Nguyên ... Tôi xin Đức Tổng để được gặp Đức Tổng Philipphê Kim Điền ... thì Đức Tổng Bình nói : " Mới chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy, mai mốt, Đức Phụ Tá về sẽ kêu Cha già đi thăm". Ngờ đâu, đêm 8/6/1988, Đức Tổng Philipphê Điền tạ thế. Chiều thứ năm (9/6) đưa xác về TGM, tôi có đón xác và đồng tế lúc 17 giờ tại Nhà Khách (quàn ở đó, đến mai đưa ra Nhà Thờ Chính Toà), đồng tế với Đức Cha Nẫm, Đức Cha Thể và độ 20 Linh mục ... Nữ tu hát tuyệt nhất là khi xác lên nhà, hát bài "Đẹp thay ! Ôi đẹp thay ..." tôi nghe như Ca đoàn Thiên thần ... mê ly ...

Sáng thứ bảy, hồi 8 giờ ngày 11/6 Lễ Tang ! Đồng tế : 10 Giám mục (Có Đức Cha Điện Phanxicô Thượng Phụ, Linh mục Phát Diệm xưa), độ 350 đến 400 Linh mục. Sau Lễ, xe tang đưa Đức Tổng Điền về Huế, và ở sân Nhà Thờ Chính Toà, các Cha Phát Diệm, cả Đức Cha Phanxicô Điện quây quần lấy tôi, ai cũng đặt câu hỏi : "Ai cho vào ? Sao vào được ? Sao béo trắng hơn xưa (hồi 1947-1952) ??".

Lạ thật, ai cũng coi là một sự lạ ! Chủ nhật 5/6/1988 đi Gò Vấp gặp các Cha và Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Chủ nhật 12/6/1988 đi dự Lễ Đức Tổng Bình ban phép Thêm Sức tại xứ Tân Châu. Ngày 13/6, đi Hốc Môn viếng mộ Chị Cả Anna Luân, chết 12/9/1984, Lễ 10 giờ tại Dòng Trinh vương (Cháu Matta Vi tu Dòng này). 16 giờ ngày 22/6/1988 đi Long Khánh, ở nhà cháu Juliana Hương, ngày ngày đồng tế với Đức Cha Paul Nhật, bạn cố tri ! 24/6 đi Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, tìm hài cốt anh ruột Phêrô Nguyễn Đức thiệu số Đ 44 ... Hôm đó giỗ anh (24/6/1957-1988). 29/6, Quan Thày Cha xứ vườn xoài, Cha Phan Khắc Từ; 10 Cha về ăn mừng. Cha Từ mời tôi đồng tế, và khi giảng, Cha nhắc đến Lễ Thi Phaolô, Quan thày tôi nữa. Ơn Cha rất nhiều trong việc đăng ký vé máy bay về. Từ 15/7 hết hạn, cậy nhiều người đăng ký vé (vé khứ hồi) mà không được ... 29/7 Cha Từ phải lấy tên người, là Nghị viên Quốc Hội, mới đăng ký và cho xe riêng đưa tôi ra phi trường ! Cảm ơn !

Những ngày sống trong Nam, nếu không đi đâu, thì tạm trú nhà cháu Đề (Bà Tiến, mẹ cháu, đang ốm ở đó). 5 giờ 30 dâng Lễ trên lầu, thường có cháu Juliana và Thiệp tham dự, cũng có ngày có cháu Matta Vi. Chị Tiến dù ốm cũng trèo thang lên dự và rước Chúa ... Những ngày tôi chưa vào thì cứ 16 giờ Cha xứ cho người kiệu Mình Thánh Chúa tới cho Bà Tiến. 20 giờ hầu như hàng ngày, vợ chồng Đồng-Nhung (em ruột Chị Thiệu) đến châm điện chữa bệnh tôi. Việc vào bệnh viện thì quá ít ngày, nên bệnh viện không nhận, họ nói bệnh tôi ít là phải điều trị hai tháng.

Cũng có mấy lần tôi đến Sơ Thể, Trung tâm phục hồi chức năng để Sơ xoa bóp ... cũng tới Giáo sư Bác sĩ Phạm Quang Điện (gốc Campuchia, vợ quê phúc Nhạc) châm cứu và cho thuốc.

Chẳng chữa khỏi, xong cũng phấn khởi ! Tạ ơn Chúa ! Được gặp lại đông đủ ruột thịt : Chị Tiến và con cháu, con cháu cả Chị Luân; con cháu Chú Đức ... Gặp lại hầu đủ anh em một lớp học, các Cha gốc Phát Diệm, Sơ Đào, Sửu, Hương, Chuyên ... là những con nuôi tôi xưa (1947-1952). Các Nữ Tu Mến Thánh Giá Phát Diệm, đặc biệt Mẹ Hương (92 tuổi), Mẹ Hiên ... Dòng Trinh Vương Bùi Chu ...

Đang khi ở Sài Gòn, được thư Đức Cha Tụng mời về Lễ Kim khánh Giám mục (15/8/1963-1988). Chiều 29/7/1988 máy bay cất cánh 12 giờ 30 - 14 giờ 30 tới Nội Bài ... May mà Anh Lý (Quảng Phúc) đã ra đón. Đón xe đi Bắc Ninh không được, vào Nhà Chung Hà Nội. Sáng 30/7/1988 thuê xe du lịch đi Bắc Ninh (mưa) 8-11 giờ ... lộn về một lèo 14 giờ 45 tới xứ Quảng Phúc !!! Không ai ngờ ! Mong chờ đã 4 ngày, sốt ruột, vì từ Sài Gòn 25/7 tôi đã báo điện tín ...!

Giáo dân mong về !

Từ đây đi Bạch Liên mỗi tháng một tuần để khu đó (rất đông) được 2 Lễ buộc, và đi Yên Thổ mỗi tháng hai Lễ Chủ nhật ... Dịp Lễ Tạ ơn ngày Phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam ... Cũng như ngày 19/6/1988 Nhà Nước quá quan tâm cảnh giác, tổn phí ... thì ngày 1/9/1988 Trung ương đồng ý tổ chức Lễ Tạ ơn, song địa phương cũng rất bận tâm, gây khó dễ, khiến Đức Cha Tạo phát nhọc, phát bẳn ! Ở Tam Điệp, hôm 25/8, Huyện Tam Điệp giao cho CA gặp, Ông Lâm, Ông Vệ làm biên bản không cho đi Nộn Khê và Hảo Nho ... Song tôi cho người ra Tỉnh khiếu, thì Ông Phượng Chủ tịch huyện lại mời tôi về tổ chức 6-8 giờ tại Nộn Khê.

Tuần Cấm phòng các Cha từ 11-20/10 năm 87 Đức Cha mệt, chỉ làm Lễ và ngồi dự các giờ, mọi việc đều do các anh em Linh mục tự lực cánh sinh .... Ngày 20/10 bế mạc. Đức Cha chủ sự Lễ đồng tế. Năm nay Cha Phúc không được về. Cha Năng và Cha Tường không về được. Đặc biệt hơn 1987 : thêm Cha Sự 74 tuổi, Châu Sơn. UBND và MTTQ vào thăm tặng quà các Linh mục 9-10 giờ tại Nhà Chung. Sau đó, chúng tôi ra MTTQ Huyện chào từ biệt ... Vui vẻ, cởi mở !

Phát Diệm có Đức Cha Phó, Joseph Nguyễn Văn Yến, 46 tuổi, quê Vĩnh Trị, đất các Thánh Tử đạo. Ngày 5/12/1988, tôi sang Vĩnh Trị thăm Ông cố và gia quyến Đức Cha, lên xứ Gia Trạng (Chanh) thăm nơi Cha Yến chính xứ 11 năm (từ khi thăng Linh mục 1977); chiều đó đi Nam Định gặp Cha Chính Trọng, để sáng 6/12 Cha Yến sẽ từ giã Cha Chính, các Cha địa hạt và cùng nhau đi Phát Diệm ... Vì đường xấu, 8-11 gìơ tới Phát Diệm tưng bừng. Vì giáo dân chờ quá lâu, đã rút về, song vẫn còn chật Nhà Thờ ... Cơm 14 giờ thì 15 giờ Cha Chính Trọng và Phái đoàn Nam Định đi vào qua thăm Quảng Phúc.

Đặc biệt Lễ Tấn phong 16/12/1988. Phái đoàn miền Nam lục tục về Phát Diệm : Thầy Dậu 80 tuổi về từ đầu tháng 12/1988, hai anh em Cha Vị, Nhân về từ 11/12. Cha Quy, Thầy Thức, Cha Mỹ, Mẹ Hiên, Bà Quản lý và Sơ Hường cháu Đức Cha Tạo về 13/12. Ngày 15/12 Đức Hồng y Joseph Căn, Đức Cha Tụng, Cương và một số Cha Hà Nội đã về ... Sáng 16/12 có Đức Cha Tần, Đức Cha Nhất. Có tới 80 Linh mục, tu sĩ các Dòng nữ đủ đại biểu các Giáo phận miền Bắc ... Phỏng độ 5 vạn giáo dân từ Lạng Sơn, Hải Phòng tới Vinh ... dự Lễ. Lễ Đài phải làm ở hè Nhà Thờ lớn (mạn Tây) vì Chính quyền không cho làm ở cuối Phương đình !!! Núi người, cây người, nhà người, tường người, sân người !!! Chen đổ một cây nhãn to, gẫy một cành lớn ... May mà núi đá không lở !

16 giờ ngày 16/12/1988 Đức Hồng y Căn, Đức Cha Tụng và phái đoàn Giáo sĩ, tu sĩ giáo dân Hà Nội đã về lối đường 59, vào viếng Nhà Thờ Yên Thổ 5 phút !

Noel 1988 tôi về Hảo Nho từ 18/12. Theo chương trình đã công bố thì Lễ Vọng ở Hảo Nho. Đêm ở Bát, chiều ở Yên Thổ, Quảng Phúc... Song vì dân ! Quá thương nể giáo dân, tôi phải làm Lễ 21 giờ ở Hảo Nho, 2 xe máy chở đi Lễ 23 giờ ở Bát. Không định Lễ ở Quảng Nạp, vì nghe nói là giáo dân xin, Chính quyền không cho, tôi có đơn tới Huyện mà chẳng thấy trả lời ... Trên đường Bạch Liên đi Yên Thổ, tôi ghé thăm Nhà Thờ quảng nạp lúc 10 giờ 30 ngày Noel, tôi ban phép lành, ra đi ... Giáo dân chặn đường, khóc la : "Xin cha cho 1 Lễ ...". Tôi đành lộn vào làm Lễ 11 giờ 45; Lễ xong, Chính quyền và Mặt trận Xã Yên Thăng vào xứ, muốn gặp tôi. Tôi vào xứ độ 10 phút, ra đi ngay lên Yên Thổ Lễ 15 giờ 30; Về Quảng Phúc Lễ 18 giờ ! Tạ ơn Chúa !

1989

Ngày 2/1/1989 ba xứ Quảng Phúc, Yên Thổ, Bình Hải đi mừng Đức Cha phó Joseph Yến.

Ngày 3/1/1989 ba xứ Hảo Nho, Bát, Quảng đi mừng ... thăm Đức Cha Tạo ốm.

Chiều thứ bảy 21/1/1989 tôi đang chuẩn bị dâng Lễ (3 giờ) thì được tin Bà Agata Thược, Chị hai tôi qua đời. Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá; Thọ 90 tuổi !

Trời mưa rét, rét như cắt, tôi không về Kim Sơn ... Mọi việc Lễ tang Chị Agata tôi hy vọng nơi Nhà Chung. Hai Đức Cha dạy Cha Hải lo ... Cha sang bên phòng Bà Agata, tức tầng dưới nhà hưu các Linh mục, xưa quen gọi là Nhà thương các bà Sơ, ở làng Phú Vinh ... Cha làm phép xác, rồi giáo dân và thân thuộc đưa bà lên Nghĩa địa Nhà Chung ( Cha Hải không đưa xác, về Lễ 10 giờ) mưa rét ... Bác sĩ Trụ, Giám đốc bệnh viện Kim Sơn, sống sát Bà, cũng đi đưa xác Bà...

Tôi gửi thư chúc tuổi các ông lãnh đạo và UB Tỉnh, Huyện. Không một ai đáp !

Năm nay tôi cương quyết xin "bằng được" đi hai xứ Quảng nạp, Bình Hải và xin tu sửa Nhà Thờ xứ Bình Hải.

Sau Noel 1988, và tháng 1/1989 đã nhiều thư đề nghị với Tỉnh và Huyện; Đầu mùa Chay, tôi gửi một thư (tối hậu) cho Ông Thức, Huyện Trưởng CA Tam Điệp. Từ 10-12/2/1989 tôi về Quảng Nạp an vui ... mặc dù đêm 10/2/1989, Ông Lợi Trưởng CA, Phó Chủ tịch Xã Yên Thắng 21 giờ vào xứ soi đèn pin vào giường ngủ của Ông Trùm và các chú !!! Từ đây, hễ về Bạch Liên chủ nhật, thì thứ tư đến chiều thứ bảy tôi về Quảng Nạp ... thường xuyên, vui vẻ.

Đặc biệt Lễ Vọng sống lại làm ở Quảng Nạp rất long trọng; điện sáng rực, Ban hát Quảng Phúc phục vụ Lễ. Lễ gần xong (22 giờ) mưa rất to, bóng điện 1000 W ngoài sân tháp nổ như bom ... 23 giờ, ai nấy ra về mưa ướt. Ngớt mưa, anh em thanh niên cũng cáng (khiêng) tôi về Bạch Liên Lễ sáng mai !

Về Bình Hải

Từ 1963, tôi không được về xứ nữa. Ông Trùm Phượng tôi tín nhiệm giao việc trông coi Nhà xứ ... bị UB Xã đuổi về, rồi bị tù ... Chính quyền cho Ông Hưởng, một giáo dân say sưa, khô khan, vào coi xứ ... để phá xứ, phá Nhà Thờ ... Ông Hưởng dỡ các đồ gỗ đem bán, giáo dân biết được, báo cáo Chính quyền ... đều làm ngơ ... Ông Hưởng còn đe dọa giáo dân, thách thức Ông Trùm Hữu, Trùm Phượng ... Sổ sách, nhà cửa tan nát ... Quãng 1980, gia đình Hưởng rút đi Kontum ... rồi giao lại cho Ông Nha, là Uỷ viên MTTQ Xã. UB đặt Ông Nha làm trùm, song không gặp Cha xứ bao giờ !! Ông Nha tiếp tục phá và hưởng hoa mầu xứ ... Nhà Thờ thì hư hỏng 90%, nhà phòng thì cho mượn hai gian làm Mẫu giáo !

Đầu tháng 2/1989, trên đường Quảng Phúc đi Hảo Nho, tôi ngồi xe máy lượn qua Nhà Thờ Bình Hải ! Ôi ! Tan hoang, điêu tàn : tường luỹ (xây) bình địa, Nhà Thờ con ngôi tháp và tường rêu, bong hồ ... Mái thì còn hai gian Cung Thánh giột ..., các gian kia loả toả mấy viên ngói, hai gian tháp sập toàn bộ. Ngó vào khu xứ : coi như một tha ma ... ba nhà lương đã xây nhà trong khu xứ ... Đá thước lát ba bậc ao Nhà Thờ không còn một viên, một gia đình lương lấp ao đó ... làm nhà, ang hẳn cuối Nhà Thờ.

Từ 1982, tôi đã báo động cảnh phá phách đổ nát kia với MTTQ Huyện Tam Điệp, thì Ông Bách Chủ tịch Mặt trận Huyện, và Ông Hùng, Chủ tịch Xã Yên Phong đã gặp tôi ở Quảng Phúc và nói đại ý : "đã có nhân dân và Chính quyền lo !".

Nhìn cảnh điêu tàn, tan hoang Bình Hải, tôi gạt nước mắt theo xe đi Hảo Nho ... Quyết định xin Nhà Nước việc tu sửa.

Liên tục đặt đơn với CA Huyện, với UB Huyện; Rồi 15/2/1989 thư trực tiếp cho Ông Đinh Gia Huấn Chủ Tịch Tỉnh Hà Nam Ninh.

Tôi cho giáo dân làm đơn xin sửa; Xã, Huyện im bặt. Họ xúi Ông Vọng (1 nhân viên BCH xứ Bình Hải, người Phương Nại, đã 20 năm không gặp tôi) làm đơn xin giải hạ Nhà Thờ, thì Ông Sinh Chủ tịch Xã phê đơn ngay !! Giáo dân báo cáo Xã : "Cha xứ sẽ về", Ông Sinh Chủ tịch Xã đáp : "Không cho". Giáo dân vào thu dọn khu nhà xứ và làm (xây) một nhà vệ sinh cho tôi (nếu về được), CA Xã vào đuổi giáo dân, và đưa hai cố Hữu, Phượng xuống UB Xã, đe dọa, bắt phải xin phép, phải làm đơn mới được làm nhà vệ sinh.

12/4/1989 tôi viết thư báo với UB Xã Yên Nhân (xứ Bình Hải) là tôi đã đề nghị với Tỉnh, Huyện, tôi sẽ về Bình Hải phục vụ giáo dân ... xã cho người gác các ngã đường, liên tục lảng vảng nhà xứ ... Ông Thức Huyện trưởng CA tới Quảng Phúc thuyết phục : "Cụ chưa về Bình Hải được ... Địa phương chưa đồng ý !".

Canh gác chán ... 14/4/1989 tôi viết thư (tối hậu thư) gửi Huyện uỷ, CA Huyện và UBND Tỉnh (trực tiếp gửi Đinh Gia huấn Chủ tịch, nhắc lại thư 15/2). 6 giờ mà giời u ám như sắp mưa, tôi nhờ 1 xe máy chở đi ... ai cũng đoán là tôi đi Hảo Nho ... Song tới Chợ Bút, tôi bảo xe đưa tôi vào Bình hải, rồi cho xe rút ... rút vội ! Cuộc đột nhập ! Công đồn !

6 giờ 30, chuông Bình Hải vang, giáo dân tuốn vào ... Tôi phải đứng chờ một lúc, Bà Nha mới mở cửa phòng ... hôi, long cửa, long gạch ...

Trời đổ mưa, mưa rất to từ 7-10 giờ. Các Cố (lương dân) đã quen tôi những năm 1955-1963 kéo vào thăm hỏi vui vẻ. Ông Nha vắng ! Đi báo ? độ 9 -9 giờ 30, Ông Đài, Trưởng CA Xã và Ông ... Phó Chủ tịch MTTQ Xã với 2 cán bộ vào tôi ... hạch sách ... Đáp : "Nhà xứ, tôi là Cha xứ, tôi về nhà tôi". 11 giờ 30 tôi đang ăn cơm, Ông Vệ CA (Do Ông Thức Huyện trưởng sai) tới đề nghị : "Cụ thăm bà con giáo dân rồi về ngay Quảng Phúc, Đây là lệnh Ông Thuận, Giám đốc CA". Đáp : " Ông về nói với lãnh đạo :

1. Sao lục số lệnh đó.

2. Báo : tôi ở đây tới chiều thứ bảy (18/4).

Thế là im lặng ... Tôi vội bảo giáo dân quét dọn ba gian nhà phòng, biến làm nhà nguyện, sáng Lễ, tối kinh, để Mình Thánh. Chiều 18/4 biết là các xứ về Lễ đông, phải làm Lễ ở hè nhà phòng, dưới bóng hai cây trứng gà (như 1956 Lễ Chúa lên trời ở Yên Thổ dưới bóng cây đào), người dự Lễ đứng ở sân (sau làm vườn). Gặp Chủ nhật II Phục sinh, tôi giảng về Chúa Chiên Lành. Tôi tự nhận là Chủ chăn không biết lo cho đoàn chiên, để cho sói dữ lọt vào phá chuồng hại chiên ... Thanh niên phụ nữ không Công giáo tới rất đông, rất ồn ào, lộn xộn ... 1 toán nam và trẻ đá bóng chung quanh Nhà Thờ đang lúc chúng tôi dâng Lễ ... Bài giảng nảy lửa, chưa từng phải giảng như thế bao giờ !!! Trời chỉ tạnh mưa từ 12-17 giờ để dâng Lễ an toàn ! Lễ xong, dù mưa, tôi cũng lên xe máy (Ông Đông lai), đường trơn đành phải vòng xuống Chợ Bút.

Vừa qua Trụ sở Xã Yên Nhân độ 500 mét thì gặp 1 ô tô watt của Sở CA ! Ông Vĩnh CA Tỉnh và Ông Lâm CA Huyện dừng xe ... bảo tôi : "Cụ vào trú nhà kia (ở Vĩnh Lộc, sát đường), chúng tôi vào UB 15 phút sẽ ra đưa Cụ về Quảng Phúc, kẻo xe máy mưa ướt" ! Lạ quá ! Chưa hề !!! Tôi vui vẻ cảm ơn và hẹn đi hẹn lại : "Đúng nhé, lời hứa danh dự". Ông Vĩnh một mực : "Cụ yên trí, chờ 15 phút thôi" ...

Chờ 15-20 phút, nửa giờ, 45 phút ... giáo dân (đi Lễ về, cũng vào trong nhà kia) giục tôi lên xe máy về kẻo tối. Đúng 1 giờ 5 phút chờ, đã 18 giờ, trời mưa càng tối giời ... ô tô Sở CA mới ra ... và tôi lên xe. Hai ông có vẻ hậm hực ... chắc là UB Xã đã báo cáo bài tôi vừa giảng, trách mắng họ cách tinh vi ... !

Giáo dân Quảng Phúc đi Lễ ở Bình Hải về tới nhà, mà chưa thấy xe Ông Đông lai tôi về ... sợ bị Xã Yên Nhân đón giữ ... họ đổ đi tìm ... Mấy ông đạp xe xuống Bút, họ vào Chí Bình hỏi thăm, thì biết là xe Sở CA đã đưa tôi về rồi ... 4 người đun xe thương binh đi đón tới gần Cầu Lồng, Ông Vĩnh CA Tỉnh nhận ra, dừng ô tô, Ông gọi xe đi ngược chiều ... 4 người cứ đua xe vào phía Bút ... Ông Vĩnh vội nói : "Cụ xuống gọi họ đi !". Nghe tiếng, xe ba bánh quay lại, xe ô tô tiếp tục chạy tới hiệu ảnh, thẳng đường chẽ vào nhà xứ Quảng Phúc (độ 500 mét), ô tô dừng. Ông Vĩnh vừa nói vừa trách : "Chúng tôi không hài lòng việc Cụ về Bình Hải mấy ngày, và giảng chiều nay ...".

Hiểu ý CA giận, chơi khăm, không chở mình về tới xứ, viện cớ "đường hẹp, mưa trơn", tôi đành chờ xe ba bánh đến chở về xứ Quảng Phúc ! Mọi người phấn khởi ! Chỉ 10 phút nữa, dù tối, dù trơn, một đoàn thanh niên sẽ đem đèn, đi bộ xuống Bình Hải tìm bằng thấy !

15/5/1989 Huyện mời (Ông Thu, Ông Dần tiếp tử tế) báo tin cho tu sửa Nhà Thờ và "Tỉnh đồng ý Cụ đi Bình Hải bình thường" ! Tạ ơn !

Một may lớn cho Bình Hải : Tuy ít song đoàn kết và khát khao hết mực, ai cũng "chỉ xin Cha mua vật liệu, là chúng con tu sửa xong ...". Cả giáo họ từ cụ bà 95 tuổi với các chắt 10 tuổi cũng tích cực ... Chồng làm thợ, vợ làm phu, suốt từ tháng 5 đến tháng 10/1989 đã liên tục tham gia tu sửa ... Góp công đốt vôi ... đốt gạch ... Đá : từ Hảo Nho, từ Thiện Dưỡng chở tới ... Cát, ximăng, gạch : mua ...

Tháng 6-7/1989 xây tường kín đáo Nhà Thờ, nhà xứ ... rồi xây đường kiệu ... Nhà Thờ thì gỡ các gian dưới, dồn ngói sửa ba gian trên, để làm Lễ các chủ nhật (đông các xứ tới dự).

Để thấy cảnh điêu tàn, để thông cảm với Bình hải 26 năm tan nát ... Tháng hoa (5/1989) được các xứ Phương Thượng, Quảng Phúc, Hảo Nho yểm trợ, Bình Hải cũng kiệu quanh Nhà Thờ, cũng dâng hoa dưới Nhà Thờ không mái, lợp cót ...!

Chuẩn bị tạm ổn, cửa lim do thợ Văn Hải, Lưu Phương nhận đóng.

Tháng 10/1989 khởi công trong 20 ngày. Ngày 31/10 khánh thành. Lễ 15-17 giờ. 8-15 giờ, tới 120 mâm ! 20 xe máy, 200 xe đạp ! Sáng 1/11 hát Lễ Latin ! Đã xong ! Đã đoạn ! Tạ ơn Chúa !

Lấy đâu có của để đại tu một khu Nhà Thờ xứ to thế ?? Tất nhiên phải trông vào Đức Cha, trông vào giáo dân xa gần ...

Nhà Chung cũng phải giúp nhiều xứ; và các việc lớn như Lễ Tấn phong Đức Cha phó, làm hệ thống vệ sinh các phòng, mở đường đi lối lại v,v... cho nên Nhà Chung cũng kiệt. Đức Cha già (Đức Cha Tạo) có ý đi Rôma một công đôi ba việc, và vào thăm con chiên Phát Diệm di cư từ 1954 ... cũng dụng ý "ăn xin" để tái thiết Giáo Phận.

19/5/1989, người được vào Sài Gòn, chờ giấy phép bay Rôma !

Đang khi người vắng, thì Phái đoàn Toà Thánh do Đức Hồng y Chủ tịch Công lý và Hoà Bình; Đức Hồng y Etchegaray và Đức Ông Phương về thăm Phát Diệm ngày 3/7/1989. Tưng bừng ! Cảm động !

(Mồng 3/7/1960 Yên Mô Công an trói người,

Mồng 3/7 năm nay (1989) Hồng y Giáo chủ bắt tay hôn người !).

Nhà Nước lại "có chuyện" với Đức Cha Tạo, và tình hình phe Cộng sản có gì trục trặc, nên không cho người đi Rôma ... Nên cuối tháng 7, Cha Antôn Hải vào đón người về nhà. Bị hạch sách nhiều về việc người phong chức Linh mục cho 13 người, mà không cho Chính quyền biết trước ...! Đúng là vì thời thế, vì bất đắc dĩ mà Đức Cha đã phải làm thế, để có một số vốn (Linh mục) trao lại cho Đức Cha phó Giuse Yến. Ông Giuse Năng ở với tôi từ bé, mấy năm tôi bị tê liệt, Huyện, Xã đã vận động ông ở hẳn trong xứ với tôi, cũng được Đức Cha Tạo cho nhập Giáo sĩ trước khi có Giám mục phó. Sau dịp Đức Hồng y về Phát Diệm, danh sách 13 Linh mục mới được ra mắt Chính quyền ... và Chính quyền khủng bố các Cha, tuyên bố : "Dứt khoát không công nhận, không cho làm mục vụ".

Đi các Giáo họ

Sau khi xuôi lọt các xứ, giáo dân các họ giáo (những nơi còn Nhà Thờ) tiếp tục đặt đơn mời tôi về thăm và làm Lễ tại Nhà Thờ Họ. Đi làm Lễ Nhà Thờ Mai Lễ, Tri Điền (xứ Hảo Nho), họ Giang Khương (xứ Bạch Liên) họ Hải Nạp. Cầu Mễ (xứ Quảng Nạp) đều xuôi xắn.

Nhưng ngày 8/9, Quan thày họ Ba Mươi (Xã Yên Đồng) bị UBND Xã không cho phép giáo dân đi mời tôi. Chủ tịch Xã Trần Quang Triệu đe : "Nếu Ông Thiều về sẽ cho trói lại". 11 giờ 30 tôi nhờ thanh niên Trị sở Bạch Liên cùng giáo dân đi Lễ, cáng tôi vào Ba Mươi. Tôi vào thẳng Nhà Thờ; 12 giờ nguyện kinh, ngắm Đàng Thánh Giá (thứ sáu). Lễ xong, Bạch Liên cáng về ngay

UBND Xã Yên Đồng phạt Ông Trùm Đạo 20 nghìn vì đã mời Linh mục. Ông Đạo ra Huyện khiếu, không bị phạt nữa.

29/9/1989 tôi đang ở Yên Thổ, 4 giờ 30 cáng sang Thổ Hoàng làm Lễ. 7 giờ xong cáng về Yên Thổ ngay. Kèn đồng của Hải Nạp thổi trong buổi Lễ bị UBND Yên Hoà phạt tất cả 48 nghìn và lao động : rét vớt bèo ...

24/11/1989 Nộn Khê cũng bị cấm không cho mời tôi về. Sáng 4 giờ tôi chống gậy rông bộ tới Nộn Khê ... Lễ, kiệu Thánh Thanh. Lễ xong, lên xe máy (của con Ông Tằng, Phúc Khê) về ngay Quảng Phúc, tốt đẹp ...

Chỉ thị 135 HĐBT mở đường, chống tiêu cực ... Yên Thổ và Quảng nạp tôi bảo xây dịch tường vào đúng quy định, chạy mộ Cha già Tuệ, song hai cây muỗm của Yên Thổ (mở đường) sẽ đứng giữa đường 59. Xã Yên Phú (thâm tâm) không cho chặt, vịn cớ để lại cho mát đường. Song chúng tôi hiểu dụng tâm tham ô. Ngày 2/10/1989, chính hôm xứ Yên Thổ chầu lượt, tôi nhờ anh em Hải Nạp chặt vội, khi gần xong thì UBND Xã lệnh cho BCH Yên Thổ phải đình !! Song ... đã xong. Sau đó, thuê mượn người xẻ để đóng ghế ...

Tháng 10/1989 Tĩnh tâm, Đức Cha phó giảng cả tuần ...

Nhưng về cuối 1989, gay go nhất là việc Chính quyền định trục xuất Linh mục Năng ra khỏi xứ Quảng Phúc. Ông Bốn CA Tỉnh, Học CA Huyện tìm Cha Năng nhiều lần ... buộc Cha về nhà, cấm Cha làm Lễ và mục vụ ... Việc này kéo dài mãi sang giữa năm 1990.

21/12/1989 Chị Tiến qua đời tại Túc Trưng (Xuân Lộc), thế là ruột thịt chết hết !

Đêm Noel, Lễ Quảng Nạp rất tưng bừng.

1990

Chuẩn bị vật liệu, xin Nhà Chung kinh phí để xây mấy gian nhà xứ Yên Thổ, vì xứ ... không còn nhà, chỉ còn vài gian bếp xiêu vẹo cho người giúp việc ở. Tôi đi về đều ở nhà mặc áo. Tiếp Đức Cha Tạo tháng 2/1988 cũng ở nhà mặc áo. 16/12/1988 tiếp Đức Hồng y Joseph Căn và Phái đoàn Hà Nội (Lễ Tấn phong Đức Cha phó Yến) cũng tiếp ở nhà mặc áo. Phép tắc Xã, Huyện, Tỉnh ... trục trặc mãi đến 20/4/1990 mới khởi công. Mùa Chay đi mỗi xứ một tuần, bắt được mấy xộp 34, 30, 16 ... năm. Tuần Thánh : Thứ bảy Lễ Lá ở Bình Hải, sáng chủ nhật ở Hảo nho. Chiều Lễ Lá Chủ nhật VIII đến 15 Phục Sinh, làm ở Bạch Liên tất cả ... Rất sốt sắng, an ninh, trật tự. Lễ Lá, Cha Tường xứ Yên Vân cảm ốm ... Tôi xếp chương trình sang Lễ 10 giờ Phục Sinh, nếu không Cha nào về đó ... Cha Quỳnh đã về đó Lễ Truyền phép thứ năm, Cha Tấn Lễ tối Vọng, và 6 giờ Phục Sinh Cha Hải làm Lễ; Vì thế, Lễ 10 giờ tôi chuyển sang "về Yên Thổ" rồi đi Quảng Phúc cơm trưa, Lễ chiều ...

Ngờ đâu, Yên Vân quá tham, 10 giờ cứ mong tôi ... 12 giờ cho 4 xe máy tới Quảng Phúc nài nẵng ... Nể lòng quá, tôi phải nhận sang đó kiệu và Lễ 17-19 giờ (sau khi Lễ 15-16 giờ ở Quảng Phúc).

Sau tuần đó, bị đau cột sống 5 ngày. Thứ Bảy (21/4/1990) phải nằm trốc một tấm gỗ cho Quảng Nạp cáng về Chủ nhật và thứ ba, 24/4/1990 bầu BCH xứ như đã báo cáo và mời Chính quyền ... Ngày 26/4/1990, kỷ niệm 31 năm Giám mục của Đức Cha Tạo. Tôi ở Quảng Nạp, đã hẹn về nhưng không về được (hẹn 12/4/1990 Lễ chào đầu !! Hôm đó dù mưa, 3 giờ 30 xe máy lai về (từ Bình Hải), Lễ xong mưa tiếp. Hai Đức Cha cho xe ô tô chở về tới nhà xứ Bạch Liên, mở Tuần Thánh).

Huyện Tam Điệp có hai chúng tôi, nhưng Lễ Lá, Cha Tường cảm ốm, nên Lễ Phục Sinh tôi làm Lễ 10 giờ ở Yên Thổ, 15 giờ ở Quảng Phúc và 17 giờ kiệu và Lễ tại Yên Vân, ở lại đó 9 giờ sáng thứ hai về Quảng Phúc ... Vì quá mệt, đi xe máy xóc ghê ... nên bị đau cột sống một tuần, phải có người nâng mới nằm xuống ngóc lên được ... Tuần tiếp đó, phải nằm trên miếng ván cho thanh niên Quảng Nạp cáng về xứ ...

Lo tu sửa các nhà xứ, Nhà Thờ xứ

Đi tới đâu, đều thấy tan nát ... Vì chiến tranh thì ít, song vì thời cuộc là chính : BCH xin tu sửa thì Chính quyền Xã Huyện đều không cho, hoặc cho rất hẹp hòi ... nhưng xin rỡ bỏ thì, lạ ! Chính quyền cho phép dễ dãi. Gõ mãi, cũng mở ! 1990 sau Tuần Thánh khởi công đại tu Nhà Thờ xứ Bạch Liên. Dài 42m, rộng 11m5, cao 8m; độc đáo : chỉ có hai hàng cột lim, không xà vì, vành mai gỗ thay các vì kèo, xà vượt gỗ tạp, ngói dồn, dột ... vanh mai oải mộng, đẩy tường hai bên ngả ra 18-20cm ... toàn bộ xiêu về phía đốc, tường đến nứt ...!

Xây lại toàn bộ tường hai bên, thay cửa, thêm mỗi bên một cửa cái (đủ bốn) cho cân các gian. Bắn lại các cột cái, gò các đầu cột bằng giằng thép 10 ly, ghì các vành mai vào mộng cũ, thêm xà đùi từ cột tới vách, lợp lại, làm trần Cung Thánh ... 12/5/1990 Đức Cha Tạo lên ngủ một đêm, sáng 13/5/1990 làm phép Nhà Thờ ... có 9 Linh mục.

Chiều đó, Đức Cha và các Cha (xe con cóc chở Đức Cha và tôi đi tắt, xe xanh chở các Cha ra lối cầu Tư) lên thăm xứ Quảng Nạp, 4 giờ chiều về qua Quảng Phúc. Chiều 12/5/1990 Đức Cha ghé thăm Nhà Thờ Hảo Nho, chưa có nhà phòng, Nhà Thờ lún, quanh Nhà Thơ, nhà xứ bẩn thỉu, lem nhem ! Đoạn Đức Cha ghé thăm xứ Bình Hải tương đối gọn ghẽ, sạch sẽ.

Đang khi đại tu Nhà Thờ Bát, thì cũng đổ bê tông hè nhà gác, tu sửa nhà phòng sạch sẽ, chắc chắn ( tháng 12/1992 mới xây thêm ba gian bếp và một ang nước ở phía đông nhà gác. Tháng 2/1993 xây luỹ nhà xứ).

Xứ Quảng nạp cũng tu sửa tháng 8-10/1990; Đảo ngói Nhà Thờ, bó con chạch, thêm cửa ra vào, làm trần ba gian trên. Nhà phòng bị xé hiên tới 15-17cm, bắn lại, cho xà đùi ở hiên ... sửa lại ang nước to 10m³.

Thăm Quảng Nạp độ một tiếng đồng hồ, Đức Cha về qua Yên Thổ ... không còn nhà phòng ... Đầu năm 1991 khi Đức Cha đi Rôma thì ở nhà được phép xây nhà phòng, Chính quyền bó buộc xây trên nền cũ ... Ý tôi chỉ muốn làm ba gian hướng Nam là hướng nhà bếp cũ !!! Tháng 6/1991 xong.

Chiều 13/5/1990 Đức Cha vào Quảng Phúc, thương cảnh chật hẹp không Nhà Thờ ... Tại phòng khách (nhà 8 gian hướng Tây) Đức Cha hỏi truyện : "Nhà Chung cho ít mà Cha chính lấy đâu tu sửa các xứ Bình Hải, Bạch Bát, Quảng Nạp, kể là tốn nhiều ?". Tôi trình : "Con ăn xin, và dành dụm tiền Lễ, tiền thuốc ba năm nay, không mua thuốc !". Đức Cha nói : "Vậy Cha chính nên ốm một keo nữa thì Quảng Phúc có Nhà Thờ !" Câu nói tiên tri ??

Đầu tháng 7/1990 vâng lệnh Đức Cha, tôi lên Đồng Bài Chầu lượt ... Trời nắng ghê. Ô tô con cóc ra khỏi An Ngãi định đi thăm Sào Lâm, thì xe chết, phải mượn bò kéo ô tô con cóc tới 1km mới có hiệu chữa xe ! Ngày 4/7/1990 bị não nặng, bất tỉnh tại Nhà Thờ bạch Liên ... khiêng về phòng ... còn một tai (sau đi tù 1954 về) điếc nốt ... Ốm kịch giữa lúc đã chuẩn bị đào móng Nhà Thờ Quảng Phúc.

16/7/1990 Đức Cha Tạo, Cha Huynh, Quỳnh vào Bát thăm, 16 giờ ra về mưa to. Cha Năng đã bố trí mời Đức Cha vào Quảng Phúc làm phép đá góc, bỏ móng Nhà Thờ...! Đầu tháng 8/1990, tôi đi bệnh viện Chàng ... Lễ 15/8 ở bệnh viện ... Từ 22/8 đến 5/10/1990 đi bệnh viện Bạch Mai ... vào dịp các Cha và dân Phát Diệm (di cư 1954) rục rịch trở về Phát Diệm dự năm Toàn Xá. Vào thăm tôi ở bệnh viện có : ba lần Đức Cha Hiển Sơn Tây, đợt đó cũng ở bệnh viện Bạch Mai; Đức Cha Tụng hai lần; Đức Tổng Phanxico Xaviê Thuận hai lần. Cha Chính Tông, Cha già Quế Hà Nội; Phái đoàn Cha Quy, Cha Nhuận và một số giáo dân; Phái đoàn bà Anh Thanh và chị em Mến Thánh Giá Gò Vấp ... về Phát Diệm dịp 7/10/1990.

Đặc biệt nhớ ơn các Ông bà anh chị em xứ Hàm Long thăm luôn ! Gia đình Bà cố Thực và Ông bà Đang 247 Phố Huế cơm cháo hàng ngày! Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội (Bà Têrêsa Hoạt, Chị Têrêsa Nhung, em Thuỷ) săn sóc luôn, lại còn tặng Anba thêu rồng đẹp ! Xin Chúa trả công !!! Đức Cha Tạo và Đức Cha phó Yến đi công tác Hà Nội, cũng vào thăm một lần, cho tiền mua máy trợ thính. Chính dịp ốm nặng 1987 mơ ước xây ở Quảng Phúc một Nhà Thờ, rồi dịp ốm 1990 này, viết giấy đi các nơi xin giúp ... Mổ hai lần harnie tháng 9/1990, mua máy nghe, bệnh não thì bác sĩ lai hàng ! Ngày 5/10/1990 tôi xin xuất viện (sau mổ 10 ngày).

Sáng sớm, Cha Joseph Nhang, Quản lý Sơn Tây đem xe xuống Bạch Mai đưa tôi về Phát Diệm ... Chưa ra khỏi thành phố, thì xe Nhà Chung Phát Diệm lên đón ... xe ra buột Nội Bài đón một Phái đoàn miền Nam (Cha ...?). Tri ân Đức Cha Hiển và Cha Nhang mãi !

Tháng 3/1991 Đức Cha Tạo ở Rôma về, tôi đón từ Hà Nội ... 19/3/1992 bắt đầu xây (phạt gạch) và 24/11/1992 khánh thành. Cả hai Đức Cha tới. Đức Cha chính mệt, dự lễ; Đức Cha phó chủ tế, 23 Cha đồng tế, trong số có 2 Cha già ở Thanh Hoá (Bá, Thức) và hai Cha Bùi Chu (Dung, Nhuận).

Từ tháng 10/1992, dự bị sửa lại mái Nhà Thờ Yên Thổ vì 1988 sửa vội, phép cho có 10 ngay, lại phạt 2 ngày còn 8... Nay luồng hỏng, mái dột ... Cho tới tháng 3/1993 đã mua đủ gỗ để thay tất cả mái Nhà Thờ. Đang khi đó thì đại tu Nhà Thờ xứ Bình sa, lún, xiêu, hỏng ... Nhà Thờ cổ kính, chạm trổ tinh xảo, làm xong đầu 1894 (Chạp Quý Tỵ), bằng giá nào cũng tu sửa lại như xưa ! 10/12/1992 khởi công và 1/4/1993 đã hoàn thành phần mộc ... hết kinh phí nên tháp và tam quan chưa đại tu !!!

Mùa Chay 1992 (còn thuộc Tỉnh Hà Nam Ninh) Cha Pet. Vũ đi về lễ lạy ở Hảo Nho. Thứ 5, 6 Tuần Thánh, người mở Lễ tự do ở đó. Cha Joseph Năng cũng đi các xứ giúp tôi nên tôi ít phải di chuyển. Tháng 4/1992 lập lại Tỉnh Ninh Bình ...các Cha không được tới yên Mô Tam Điệp nữa. Cha Điện tới giúp Cha già Tường, bị phạt một trăm ngàn ! Cha Tân tới giúp Cha già Tường, bị phạt hai trăm ngàn ! Cha Năng vì giúp tôi (lễ 4, 5 xứ), vì cứ đi Quảng Phúc, cứ lễ lạy như mấy năm trước, CA Huyện và Bốn CA Tỉnh kiểm điểm Cha nhiều lần, cấm làm Lễ ở Quảng Phúc; Cha ký nhận phạt hai trăm ngàn, thì CA Huyện tạm giữ xe đạp peugeot từ 10/2/1993 đến nay (4/4/1993) vẫn chưa trả xe ! Vì thế, mùa chay 1993 tôi đi mỗi xứ một tuần (trừ Quảng Phúc). Các chủ nhật thì thường chạy được có ba xứ ... Bệnh tăng, phương tiện đi lại thường là cáng võng ... Ngại và khiếp xe máy, vì 1992 ngã ba lần, một lần ở mố cầu Lạc Hiện, xe, tôi và tài xế Tráng nằm cả xuống đường, không tai nạn ...một lần tối trước ngày khánh thành Nhà Thờ Quảng Phúc 23/11/1992. Cả ngày đó tôi mượn ô tô Nhà Chung đi mời ba Cha già Trình, Vọng, Sự; 17 giờ xuống mời hai Đức Cha, Đức Cha già kiếu ... Đã 8 giờ 30 tối rồi, tôi mượn hai thanh niên Phát Diệm (xe nhà anh chị Mỹ, Bờ Hồ) đưa tôi về Quảng Phúc, tới đường Phương Nại đã 21 giờ ... ba cha con đều xuống trệ bờ sông (may mà chưa xuống sông), về tới Quảng Phúc 22 giờ ! Lần thứ ba ngã nữa là 28/12/1992, tôi về mừng Nhà Thờ Quý Hương, Hàm Ân, 10 giờ tranh thủ lúc Cha xứ (Lạc Sĩ) chưa tới, tôi lên viếng mộ hai cố ... Đường cao hơn làn (bờ sông) tới 1m ! Chỉ còn 10m nữa tới nghĩa địa, thì xe máy trượt, vật tôi xuống bờ sông rất mạnh ... hôm đó không đau; nhưng 31/12/1992 đang ở Hảo Nho lo đại tu ... thì phải cấp tốc mượn ô tô Nhà Chung đi bệnh viện Chàng chiếu điện. Bác sĩ Giám đốc (Khánh) nhiệt tình ... chiếu, khám, cho thuốc về nhà điều trị, hẹn đầu 93 lên bệnh viện hai tháng điều trị ...!

1993

Ơn Chúa, về Quảng Phúc nằm 10 hôm, thấy đỡ đau, thở được ... chỉ thấy phế quản khò khè như suyễn ... tôi cứ đi phục vụ các xứ như trước, năng về Hảo Nho hơn ! 28/3/1993 đã hồi công (15 mâm), các cán bộ Xã (6), Huyện (1) ... 31/3/1993 lại liên hoan cho toàn xứ (400 người), ăn tại nhà xứ chỉ có trị sở (25 mâm), cả Cha xứ Pet. Vũ cũng về dự (giải tội giúp tôi, điếc, trong mùa Chay).

Từ Lễ Lá 4/4/1993 về làm phúc Bạch Liên, chuẩn bị Tuần Thánh ở đây ... dù mưa trơn nhớp nhúa, dù tai điếc, đầu váng, đi lại lảo đảo, hai mông lở ngứa đã 8 tháng, song với ơn Chúa, và cố gắng mọi việc đều đều ... Thứ Tư Tuần Thánh, Cha Năng tới giải tội (trẻ xưng lần đầu 32 em), giúp chuẩn bị Tuần Thánh. 16 giờ thứ tư Thánh, hai xe máy Quảng nạp (xe Chiến, Thuật) đưa về Nhà Chung. 5 giờ 30 thứ Năm Thánh, hai Đức Cha và 15 Cha (vắng : Cha Trình, Vọng, Sự, Tường, Sĩ), Cha Phúc xe máy hỏng, về đã lễ xong. 10 giờ tôi về Quảng Phúc, 13 giờ Quảng Nạp. 16 giờ thanh niên Bạch liên 5 anh cáng tôi về xứ mở Tuần Thánh. 17 giờ Lễ Trọng. Đêm Thứ Năm Thánh : Quảng nạp, Bát chầu rất đông đến 24 giờ, về ngủ. Phục Sinh : Sáng Lễ, kiệu ở Bạch Liên. Chiều Lễ kiệu ở Quảng nạp. Thứ sáu tuần Phục Sinh, ô tô Nhà Chung mời về, Đức Cha chính gặp về việc Cha Paul H.... Đêm đó mất ngủ vì Cha Huynh ...

Tạ ơn Chúa, dịp này khoẻ khá, xe máy Chiến, Thuật (Quảng Nạp), xe Tính (Quảng Nạp), xe Nhật (Hảo Nho) giúp cho đi lại các xứ như con thoi ... Thi Kinh, Bổn, Lễ, Kiệu, Dâng hoa ở các xứ rất tự do.

Từ 21-30/6/1993 ốm, nằm ở Bát ... 28/6 Lễ đưa chân Cha Tăng ! 30/6 đưa chân Cha Luca Huy, đều ở Bạch Liên.

Từ 1990, cán bộ Xã Yên Phong và huyện Tam Điệp luôn vào xứ đuổi Cha Năng về nhà ... Song, dù tôi ở Bạch liên, vẫn theo dõi việc ở Quảng Phúc, một mực bảo Cha Năng cứ ở xứ coi nhà, bảo BCH giữ Cha ở xứ, vì Cha chôn rau ở khu này, từ khi tôi về Quảng Phúc, Cha Năng vẫn ở xứ với tôi ... Nay thấy ổn ! Cha Năng yên vị và cuối 1993 sẽ đi Đại Chủng Viện mấy tháng, để hợp thức hoá, Nhà Nước công nhận ! Từ 1/1/1994 sẽ có Bài sai (giấy bổ nhiệm) của Toà Giám Mục đi xứ.

Đức Cha Paul Bùi Chu Tạo nghỉ hè. ngày 6/7/1993 nắng gay, Cha Huynh đi ô tô vào Bạch Liên mời tôi về Quảng Phúc ngay, vì Đức Cha Chính lên đó nghỉ hè 1 tuần ! Hoan hô ! Lạ chưa ?

Tôi không kịp xử, viết thơ : "Chào mừng Đức Cha, xin Đức Cha xử dụng Quảng Phúc như nhà mình ! Sáng 7/7/1993 con sẽ ra Quảng Phúc yết kiến. Cha Năng sẽ thay con ..."

Đức Cha nghỉ hè tới 8 giờ ngày 14/7/1993 (Quốc khánh Pháp) Đức Cha bỏ Quảng Phúc. Ô tô có Cha Điện, Cha Năng đi Yên Thổ 8 giờ và 9 giờ thì xe đi Phúc Nhạc. Chiều Đức Cha về Toà Giám Mục.

17/7/1993 tôi đi bệnh viện Bạch Liên.

Ngày 4 và 5/8/1993 Đức Hồng y Úc về thăm Phát Diệm (Cha Tuyển Bùi Chu phiên dịch). 10 giờ sáng ngày 5/8 Đức Hồng y, hai Đức Cha Tạo, Yến và một số Linh mục đồng tế ở Nhà Thờ Lớn (vắng 4 Cha : Năng Châu Sơn, Tường, Quỳnh và tôi ở Bạch Liên)

22/8/1993 lót gạch hoa lòng Nhà Thờ Bạch Liên.

1-6/9/1993 Đức Cha Chính ốm, không cấm phòng tháng, không đi Phúc Nhạc chầu.

5/9/1993 làm trần nhà gác Bạch Liên.

1-7/10/1993 Các Cha tĩnh tâm, Cha Hân quê Tôn Đạo giảng. 18 giờ hai Đức Cha, các Cha mừng Đức Ông Mouret... (1 hộp đựng thắt lưng, mũ lễ tím, mũ sọ, ...). 5 giờ 15 Hai Đức Cha, Đức Ông và 15 Cha Lễ đồng tế. Công bố ở Chính Toà : "Phát Diệm có Đức Ông Thiều !".

25/10/1993 Đại tu Nhà Thờ Yên Thổ. 11/11 kéo Thánh giá lên tháp.

27/10 Đức Ông dẫn Phái đoàn đi Ba Làng kỷ niệm 300 năm ...

24/11/1993 Lễ các Thánh Tử Đạo ở Quảng Phúc đặc biệt, Đức Cha phó Yến chủ sự giảng, Cha Thức (Thanh Hoá) và 10 Linh mục Phát Diệm (Sĩ, Hải, Điện, Lãm, Tấn, Huynh, Dũng, Năng, Thiện) 9 giờ 15 mở Lễ Trọng.

4-8/12/1993, Sơ Juliana Hương, cháu về thăm cậu ở Bát.

6/12/1993 Đi Bắc Ninh.

8/12/1993 Lễ 9-11 giờ, 8 Giám mục, 103 linh mục ... Ông bà Kim (em Đức Cha Chi) đưa xe đi về Yên Thổ, Quảng Phúc.

Chuẩn bị Noel, các cơ quan Tỉnh Huyện tới chúc mừng.

23/12/1993 Ông Kế, Tánh (Công an Tỉnh), Ông Hải (Huyện).

24/12/1993 sáng thì UBND và Mặt Trận Tỉnh, Ông Trạc (Huyện). Chiều CA Tỉnh (Ông Bốn, Hiền).

1994

5/1/1994 Chủ tịch Nước Lê đức Anh về thăm Phát Diệm.

25/1/1994 Tôi đi Lễ Quan thày Họ Hà Thanh, từ biệt Bạch Liên mà không ai ngờ.

26/1/1994 Đức Cha phát giấy bổ nhiệm cho Cha Vũ xứ Bạch Bát coi 5 xứ Yên Mô. Song Tỉnh không đồng ý. Tỉnh giữ 3 xứ Yên Thổ, Quảng Phúc, Bình Hải cho tôi. Đức Cha Chính viết cho tôi : "Cha Vũ đã nhận Bài sai 5 xứ Yên Mô. Đức Ông ở đó là như quản chế !".

Cha Dũng xứ An Ngãi kiêm Phúc Lai.

Cha Khoa xứ Sào Lâm kiêm Mỹ Châu.

Cha Thiện xứ Võ Hốt kiêm Sơn Luỹ.

Cha Hoàng Bùi xứ Lãng Vân kiêm Mưỡu Giáp.

Cha Năng phó Cha già Tường (coi 4 xứ Yên Vân, Yên Liên, Phúc Thuận và Hải Phúc).

27/1/1994 Bạch Liên, Quảng Nạp, Hảo Nho đi rước Cha Vũ. 6 giờ 30 tôi ở Yên Thổ (ô tô cháu Kim) đi làm phép Nhà Thờ. Đường qua Tôn đạo. Về Yên Thổ xây bó ao xứ.

30/1/1994 đi Chầu ở Yên Vân, ngủ lại để 8 giờ 30 thứ hai, 31/1/1994 Lễ ở Phú Mỹ, làm phép tượng Chúa Kitô Vua.

31/1/1994 về Nhà Chung 15-16 giờ. Đón Cha Duyệt, Rôma về thăm quê Ứng Luật với Cha Phú con Cố Hàm.

1 và 2/2/1994, tôi làm Lễ ở Chính Toà, và 2/2/1994 xe ô tô đưa Đức Cha phó, 6 Cha, 4 Sơ đi Xích Thổ. 10 giờ Đức Cha phó ban Thêm Sức và làm phép Nhà Thờ; Khánh thành Nhà Thờ Xích Thổ (chưa có tháp).

8/2/1994 tôi đại diện Giáo Phận đi Vĩnh Trị tết Cố Ninh.

9/2/1994 Tôi, Cha Vũ, Cha Năng đi từ UB Huyện Tam Điệp. Chiều đó Lễ an táng Bà cố Chuộng, vì thế ở Quảng Phúc không có Lễ giao thừa 20/2/1994.

Quý Dậu - Giáp Tuất

Từ 1987 được đi về Nhà Chung tự do, tôi vẫn ở phòng số 10 chung với bõ Túc, sát Nhà Nguyện. Ý Đức Cha Chính mời tôi ở phòng khác, kẻo tôi điếc, tiếp khách nói to, nhỡ Giờ Kinh, Lễ ... nên từ Lễ Tro 1994 (16/2) chuyển sang phòng số 3.

2/3/1994 Đức Cha Nhật về thăm quê Phát Diệm. Sáng 3/3 tôi đồng tế với đức Cha Nhật ở Nhà Dòng Mến Thánh Giá.

Tuần Thánh Cha Vũ làm ở Bạch Liên, Quảng Nạp, Hảo Nho. Tôi làm ở Quảng Phúc. Chiều Phục Sinh sang Lễ Yên Liên, làm phép hai chuông.

8-11/3 Tôi về Tôn Đạo tuần Chầu lượt, gặp Bà Luật sư Tư và con trai là Bác sĩ, từ Pháp về.

12/3 Khánh thành Nhà Thờ Quy hậu. 9giờ Đức Cha phó và 9 Linh mục đồng tế.

15-17/3 Đi Bình Sa giúp Chầu. CA Huyện (Lương, Luật) vào lập biên bản, đuổi về Yên Mô.

Thứ bảy, 23/4Cố Inê Thu, mẹ Cha Đông qua đời !

Chủ nhật, 24/4 xứ Văn Hải Chầu, tôi Lễ ở Quảng Phúc. 7 giờ xe Ông Tứ đưa về Lễ tang Bà Cố Inê ở Như Tân. 10 giờ về Văn Hải, kiệu Santi, Lễ đồng tế. 17 giờ 30 về Nhà chung.

Thứ hai, 25/4 Lễ tại Nhà Nguyện nhà Chung. 8 giờ đi Như Tân viếng mộ Bà Cố Inê, gặp Cha Đông. 16 giờ, Cha Đông và 6 Linh mục đồng tế ở Nhà Thờ Như Tân, Lễ cho Cố Inê. 18 giờ 30 Cha Dũng chở Đức Ông về Nhà Chung.

Đi Nam chữa bệnh (Đi Nam lần II)

22/6/1994, 8giờ 30 tới Nội Bài. 10 giờ 30 bay, tới tân Sơn Nhất 12 giờ 30. 14 giờ 30 tới xứ Đồng Tiến (Cha Nicôla Điện vui ...).

24/6 Đi chào Đức Tổng Bình. Đức Tổng gởi về trả lại cho Phát Diệm cái "giây vàng" của Đức Cha Lê tặng ngài !

26/6 Đức Cha Nhật cho cháu (Sơ) Juliana mượn ô tô đi Đồng Tiến đón Đức Ông về Xuân Lộc.

30/6 Đi với Đức cha Nhật thăm Nhà Hưu Bắc Ninh. Về nhà Nazarett Lễ Khấn, Đức Cha Nhật, Đức Ông Hiến Minh, Quang Thiều và 30 Cha đồng tế ! Pháo nổ !

01/7/1994 Vẫn ở lại Hố Nai, Nhà Nazarett (có Bà Thu Vân, quê Quảng Nạp). Cha Anrê Điện tới gặp (sau 1952 đến nay).

2/7 Cha Quy cử Cha Chu đem xe lên đón về Gò Vấp. 11 giờ Cha Mỹ tiệc mừng ! Ở Nhà Hưu Phát diệm.

4/7 Lễ 5 giờ ở Nhà Dòng Mến Thánh Giá Gò vấp..

15 giờ Cha Nicôla cho xe đón về Đồng Tiến.

7/7 Xe cháu Yến (con chú Đức) đón đi cỗ với hai Cha Lương, Phi và gia đình Thơm, Lập.

8,9/7 Đi thăm Cha Thân xứ Nam Đông, 106 bậc tới tượng Đức Mẹ ở Bãi Dâu. Cha xứ Vũng Tàu (Cha Huyên) ô tô scout đi Tao Phùng; ô tô trèo được 160 bậc ! leo độ 150 bậc tới tượng vĩ đại : Chúa Giêsu kitô Vua, cao 33m.

1 việc kỳ lạ : Đức Cha Lâm Giám mục Đà lạt được ra làm Giám mục Thanh Hoá ! 24/6/1994 về nhận Giáo Phận mới.

15/7 Đi Dòng Gioan Thiên Chúa, Thày Sử châm cứu !

21/7 Cha Mỹ đưa ô tô đón về Gò Vấp.

27/7 Cha Viễn, Cha Tích, Cha Mỹ và Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp ... Cha Quy (5 xe) tiễn ra ga Sài Gòn, 19 giờ 40 bỏ Sài gòn.

28/7 tới ga Ninh Bình 9 giờ 45. Xe Nhà Chung (Cha Huynh, Bõ Túc) đón về Quảng Phúc 10 giờ 30.

29/7 về Nhà Chung 17 giờ 30 ... gặp Cha Nhân, Cha Trường.

31/7 Tiễn Cha Trường, Đức Ông bị ngã cạnh hè, đau lưng, nằm 1 tháng phòng 3. Bỏ Lễ từ 31/7 đến 7/8/1994 ngồi đồng tế. 13/8 mới làm Lễ được ! Ngày ăn 5 bữa từ hôm ngã đau.

17/8/1994 Đức Cha Lộ Kontum và Cha Oanh tới Phát Diệm.

22/8 Đức Ông Khả (Rôma) về Phát Diệm. Đức Cha chính Tạo ốm một tuần. Đức Ông chủ tế ở Nhà Nguyện.

24/8 Đức Cha Tổng Tụng về 11 giờ 30 đến 14 giờ đi ngay. Chỉ vào phòng 7 gặp Đức Cha, phòng 3 gặp Đức Ông.

5-12/9/1994 Họp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Hà Nội. Đức Cha phó Yến đi họp, Đức Cha chính Tạo kiếu.

Mưa lụt. 14/9 Lễ Quan Thày Nhà Dòng. Đức Ông chủ sự giảng, đồng tế ba Cha : Phúc, Khuê, Tự.

22/9 Đức Cha phó đưa 6 Cha đi chào Tỉnh. Đức Cha Dũng về An Ngãi, Cha Năng về Yên Vân. Cha Tấn về Hiếu Thuận.

23/9 Sét đánh Tháp Bình Hải ... hai gian Tháp bị hư.

26/9 Đức Cha phó đưa Cha Điện đi Tân Khẩu. Xe ô tô của Tôn Đạo đón Cha Huynh, Đức Ông và Cha Khuê, Tự đi Lễ 11 giờ ở Tôn Đạo.

Từ 3-8/10/1994 Các Cha Tĩnh tâm năm. Cha Trường giảng.

21/10 Đức Cha phó Yến và một số Giám mục trẻ đi Rôma.

26/10 Đại tu Nhà Thờ xứ Quảng Nạp.

2/11/1994 Ông Vĩnh và Sơn, CA Tỉnh gặp Đức Cha chính Tạo, báo : "Cụ xin cho Cụ Thiều về Nhà Chung, Tỉnh không chấp nhận !". Đợt này tôi đi các xứ bằng cáng vì đau lưng !

5/11 Đức Cha Dụ tới Bạch Liên, 9 giờ 30 cơm. 13 giờ tôi đưa ngài đi Yên Thổ, Quảng Nạp. 14 giờ 30 từ giã Đức Cha Dụ về Lạng Sơn.

26/11 Đức Tổng Giám mục Tụng nhận mũ Hồng y (Đức Cha Trọng tháp tùng).

28/11 Cố Hàm qua đời !

30/11 Lễ tại Chính Toà, rước xác từ phố Kiến Hải. Cha Phúc Chủ sự, 10 Cha đồng tế, tôi phục tang không đồng tế.

20/12/1994 Tôi, Cha Phúc, Cha Năng từ 8-23 giờ đi Nội Bài đón Đức Hồng y Tụng từ Rôma trở về. 23 giờ 30 tôi về Quảng Phúc.

Noel 1994 Tôi làm ở Quảng Phúc Lễ Vọng, Lễ Đêm, Lễ Sáng. 9giờ 30 xe máy Anh Tính đưa đi Lễ Yên Thổ (chiều không Lễ). Về thăm Bà Hân và họ hàng (4 mẹ con Bà Sở, em Ông Hùng, con Ông Hân).

1995

Từ nay, lịch Giáo Phận sẽ dành Chủ nhật III mỗi tháng cầu cho việc học và dạy Giáo lý.

1/1/1995 Mưa to, Đức Ông ở Quảng Phúc, không đi Chầu Nhà Dòng.

10/1 Ô tô Cha Tự đón đi làm phép Nhà Thờ Phú Thuận, chiều về Nhà Chung.

12-14/1 Thứ năm đến thứ bảy giảng Chầu xứ Hoà Lạc ... Công an Huyện (Luật, Lý) đuổi tôi đi. 18 giờ 15 ô tô về Nhà Chung.

Chủ nhật 15/1 Đức Ông Lễ 5 giờ ở Chính Toà. 8 giờ Đức Ông, bốn Thày và hai Sơ Hằng, Hường đi Hà Nội, từ 15-18 giờ 30 ra Nội Bài đón Đức Cha Yến từ Rôma về.

16/1 Đức Ông, 3 Thày và các Sơ (có hai Sơ Xuân Lộc : Hằng, Diễm) về Phát diệm. Đức Cha Yến và 1 Thày ở lại.

17/1 Ô tô đưa Đức Ông đi Quảng Phúc - và 18/1 Cha Tự lên báo : "Mai Đức Cha Yến về Phát Diệm".

19/1 Lễ 5 giờ ở Quảng Phúc, xe Tính đưa Đức Ông đi nhà Chung ăn sáng. 12 giờ 30 Đức Cha Yến (thuê xe con) về Phát Diệm.

24/1 Tĩnh tâm tháng, thay cho 2/2/1995 gặp mồng 3 Tết.

25/1 Lễ Thánh Phaolô Quan thày Đức Cha Chính, đã mừng hôm 24/1, có Đức Cha Nhật (Bùi Chu có Cha Tuyến, Oanh, Trung). Đức Cha phó và 4 Cha đi Hà Nội sớm, mừng Đức Hồng y Tụng.

29/1 Ô tô lên Quảng Phúc đưa tôi đi Yên Vân Chầu, dâng Lễ 10 giờ và 16 giờ, rồi về Nhà Chung ngay (29 Tết).

30 Tết (30/1/1995) CA Kim Sơn gặp Cha Khuê, bảo Cha mời Cụ Thiều về Yên Mô ăn Tết. 2 CA Huyện vào tết Đức Cha chính cũng đề nghị như thế.

Tết Ất hợi, 23-24 giờ, Giao thừa, Chầu Mình Thánh ở Nhà Nguyện với hai Đức Cha, người nhà. Tôi đọc ba bài Than Thở ngày Tết. Xong, tôi ra Nhà Thờ Lớn Chầu tới 1 giờ, về ngủ.

Mồng 1 Tết, 4 giờ dậy, 4 giờ 30 tôi ra Chính Toà, hát một mình "Lạy nữ Vương Mân Côi, Mẹ Phát Diệm". 5 giờ 30 Đồng tế với hai Đức Cha. Gió rét ! 15 giờ ra Chính Toà Chầu, 16 giờ Chủ sự Lễ một mình. 17 giờ 30 đi viếng xác Ông Joseph Quế. Thăm Cô Mận ốm.

Mồng 2 Tết, 5 giờ tôi dâng Lễ ở Nhà dòng. 6 giờ mừng tuồi Cố Thuần, thân sinh Cha Phúc. 8 giờ 30 ô tô đi Lễ ở Vinh Hạ, an táng Ông Quế. 10 giờ ô tô đi Quảng Phúc (không đi Bình Hải với Ông Đông, vì rét).

5/2/1995 Bình Hải Chầu lượt. 10 giờ Đức Cha phó Yến, Cha Vui, Cha Năng dặn giờ tôi dâng Lễ ở Quảng Phúc. 13 giờ đi Bình Hải, Lễ 16 giờ. 18 giờ xe máy Ông Đông đưa tôi về Nhà Chung.

6/2 Lễ 5 giờ ở Nhà nguyện một mình. 6 giờ 30 ô tô đi Hà Nội, Bái niên Đức Hồng y. 13 giờ 30 đi Lạng Sơn với 3 Sơ Thịnh, Hoạt, Nhung.

7/2 Đồng tế với Đức Cha Dụ ở Nhà Nguyện Lạng Sơn 5 giờ. 10 giờ đi Bắc Ninh Bái niên Đức Cha Tuyến. 19 giờ 30 về tới Phát Diệm.

8/2 Sáng Lễ một mình ở Nhà Nguyện, Đức Cha Chính ốm. 14 giờ ô tô đi Vinh Hạ Lễ an táng Cô Mận (Đức Cha phó đi bộ tắt sang, dự Lễ). 15 giờ xe đưa tôi đi Quảng Phúc.

Từ 9-16/4/1995 Tuần Thánh, làm ở Quảng Phúc, tôi kiếu Lễ Chầu Dầu. (Thứ năm vắng sáu lão : Trình, Sự, Thiều, Tường, Sĩ, Vọng). Có Phó Tế Tư và Cha Vũ giúp Đức Ông ở mấy xứ.

11/7 Đức Hồng y Tụng vinh quy, Cha Long đi theo. 10 giờ vào thăm Phúc Nhạc. 11 giờ 40 về Toà Giám mục phát Diệm ... cơm. 14 giờ 15 thăm Dòng Mến Thánh Giá, 15 giờ vào Tôn Đạo. 15 giờ 45 vào Quảng Phúc. 16 giờ 15 tới Quảng Nạp, Lễ ở Cẩm Mỹ ( Đồng tế : Đức Ông, Sĩ, Vũ, Long, Khuê, Huynh, Năng). 18 giờ viếng mộ tổ, thăm quê. 18 giờ 30 về Hà Nội. 4 Sơ Hiền, Sáng, HH, Thảo đi theo Đức Hồng y, ngày 21 về lại Phát Diệm.

23/8/1995 Cha Dòng Joseph Bích mù tới Bình Hải lúc 9 giờ ... cơm ở Quảng Phúc, 14 giờ về Nhà Chung ! Mù !

10-28/10/1995 Lát gạch sân Nhà Thờ Quảng Phúc.

31/10 Lễ kỷ niệm Linh mục (1947-1995), 5 giờ Lễ ở Quảng Phúc. Đồng tế có các Cha Tân, Năng, Đồng, Hoà và Phó tế Tư. Từ 9-16 giờ, Cha Huynh, Vũ, 3 Sơ Mai, Hoàn, Hồng; Thày Ánh, Giao, Ngọc và Hường Ông hạnh. Kỹ sư Kiên đưa tôi đi Bình Hải Lễ 17 giờ.

1/11/1995, Lễ các Thánh. 5-16 giờ làm ở Quảng Phúc. Dịp này Đức Cha chính Tạo ốm lâu, đi lại không vững.

3/11 Tĩnh tâm tháng, tôi kiếu vì đau chân.

12/11 Từ 9-13 giờ đi Thiện Dưỡng (xe Kiên). 10 giờ Đức Cha phó chủ sự, Đồng tế có Đức Ông, Phúc, Hải, Tấn, Năng, Hoà và Phó tế Hoàng.

24/11 Lễ các Thánh Tử Đạo, Quan thày Nhà Thờ Quảng Phúc. (Sơ HH và Hồng lên hôm trước). 6 giờ Lễ, Đức Ông chủ sự, Đồng tế có Cha Hải, Vũ, Khuê (giảng). 14-17 giờ 30 xe Kiên đi Phúc Nhạc. 15 giờ Đức Cha phó chủ sự, 18 Cha Đồng tế. Đức Cha dạy Đức Ông giảng.

28/11/1995 đến 5/1/1996, Bảy, Đề, vợ chồng Nhung về Sài Gòn với chị Lễ (Vợ chồng Ông Song Vườn Xoài, con cháu Ông Hạnh, Quy Hậu).

5/12/1995 Cha Khúc, Cha Được đi Sài Gòn.(9/12 Cha bay Paris).

6/12 Làm phép Nhà Thờ Tân Khẩu. Lễ 10 giờ, Đức Cha phó chủ sự, 18 Cha Đồng tế và ba Phó tế. Cha Chức giảng.

8/12 Đức Cha chính Tạo khoẻ, 8 giờ đi Phúc Nhạc, Tam Châu Lễ Quan thày, đi Gia Lạc, Bình Hoà.

12/12 Làm phép Nhà Thờ Uy Đức, Đức Cha phó chủ sự, Đức Ông giảng, 12 Cha đồng tế.

15/12 Giỗ Đức Cha Joseph Khuyến. 17 giờ Lễ, Đức Cha phó dự, Đức Cha Chính đau bụng, Đức Ông chủ tế không giảng gì, 9 Cha Đồng tế.

16/12, 5 giờ tại Chính Toà Đức Cha phó chủ sự, Đức Ông chia sẻ, 7 Cha Đồng tế. (Tối trước, Đức Cha phó định không ra Nhà thờ Lớn nên Cha Phúc, Hải, Lãm về !).

24/12 Xứ An Ngãi Chầu. 10 giờ Đức Cha phó, Cha Nhân Lễ An Ngãi.

25 Noel. 10 giờ Đức Cha Tạo chủ sự, Đồng tế là Đức Ông, Cha Nhân, Hoà, Đồng.

26/12 Xe ô tô vợ chồng Xuyến đưa Đức Ông đi Hà Nội. 12 giờ gặp Đức Hồng y, Đức Cha Lâm. Mừng Thánh Gioan, Quan thày Cha Tông. Chiều Đức Ông đi Hàm Long, thăm Ông bà Đang.

27/12, 5 giờ 15 Đức Ông chủ sự ở Nhà Nguyện Toà Giám mục Hà Nội. Đồng tế có Cha Sinh, Khải, Đạt, Kiệm ... 14 giờ về Quảng Phúc.

1996

14 giờ ngày 6/1/1996 Xã Yên Phong mời Cụ 6 Tư. CA Huyện : Hải, Bảy, Tòng lập biên bản trục xuất Cụ 6 Tư khỏi Xã Yên Phong. 19 giờ 15 Cụ 6 đi Bát ! Bà Chanh Quảng Phúc bị bắt giam ở Bình Sơn, vì bà còn 2148 bánh pháo ! Nhà Thờ Nộn Khê rỡ tan hoang ! Nhỡ to ! (từ 3-22/1/1996).

14/1/1996 Họ Tri Điền Chầu. 5 giờ Lễ Quảng Phúc. 8 giờ xe Kiên chở đi Tri Điền, 10 giờ Lễ. 11 giờ 30 về Bình Hải ... ăn, nghỉ. Chiều 5 giờ Lễ Bình Hải.

22/1, 7 giờ Phái đoàn đi Hà Nội mừng Quan thày Đức Hồng y Tụng. (Đức Ông, Cha Đồng, anh Nhung, Sơ Nụ, Hiền, Hường và 4 em. 12 giờ cơm Hà Nội, có Đức Hồng y, Đức Cha Sang, Đức Cha Trọng, Cha Chính Cẩm, Cha Tông, Oánh, Sinh.

25/1 Lễ Thánh Phaolô, Quan thày Đức Cha chính Tạo. 5 giờ 30 Đức Ông Lễ ở Quảng Phúc. 8 giờ xe Kiên đi Nhà Chung. 10 giờ Lễ ở Chính Toà, hai Đức Cha, Đức Ông, 14 linh mục (Đức Ông giảng).

26/1 Toà Thánh tặng Tước : "Giám Chức Danh Dự" (Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II).

28/1 Yên Vân Chầu, Đức Cha phó và 7 Cha đồng tế. Xe máy Kiên sang muộn, Đức Ông không Lễ. 14 giờ 30 Kiệu Mình Thánh vòng ba mẫu ! ba tạm. Đức Ông Chầu bế mạc với Phó tế Hoàng. 16 giờ 30 Đức Ông chủ Lễ. 18 giờ về Quảng Phúc.

Tết Bính Tí

18/2/1996, Chủ nhật. Đêm Giao thừa và sáng 6 giờ 30 Lễ Quảng Phúc.

19/2 Mồng 1 Tết. 8 giờ xe ô tô đón về Nhà Chung. Rét khan. 16 giờ Đức Ông dâng Lễ một mình ở Chính Toà.

Sau Tết, Đức Ông đi mừng tuổi một lượt từ Xích Thổ, Võ Hốt, Trung Dũng, Đồng Chưa, Uy Tế ...

25/3/1996 Đức Hồng y Tụng về thăm chính thức Phát diệm. 10 giờ Thánh Lễ, Mừng Đức Hồng y ở cuối Phương Đình. 15 giờ Đức Hồng y đi Yên Vân thăm Cha Tường.

31/3 Lễ Lá - Tuần Thánh ở Quảng Phúc thôi.

7/4/1996 Lễ Phục Sinh, Đức Ông Lễ 6 giờ ở Quảng phúc, 9 giờ ở Yên Thổ, 16 giờ ở Bình Hải.

Sau Tuần Thánh, Đức Cha Chính ốm nặng từ 4/4/1996.

15/4 Đức Ông phải kiệu Mình Thánh cho người.

18/4 Ông Xuyên Phó Chủ tịch Tỉnh, Bà Quế Ban Tôn giáo tới thăm, Đức Cha nằm giường tiếp Tỉnh.

26/4 Kỷ niệm 37 năm Giám mục của Đức Cha chính Tạo tại Nhà Nguyện. Đức Cha phó, Đức Ông và 5 Cha Đồng tế. Trước ăn sáng, Đức Cha phó dẫn các Cha vào phòng 7 mừng, Đức Cha Chính nằm bặt trong giường.

27/4 Ông Trùm Xuyển xây đường dốc 10m xe lăn vào Nhà Thờ.

6/5/1996 Anh Hoàn xây bệ hè nhà phòng, xây ang bếp.

11/5 Đức Ông đi Hà Nội đón Cha Kiệm Giáo sư và 5 Phó tế về.

13/5 Phong chức Linh mục 5 Cha mới :Hoàng, Tư, Kế, Phương, Hanh. 13/5/1917 Đức Mẹ Fatima. (1984 Cha Chính Thiều bị phong). Từ 1996 ngày Truyền Thống của 10 Linh mục trẻ Phát Diệm.

26/5 Lễ Hiện Xuống ! Khách Lạ : Chị Mai Thục, chủ nhiệm báo Phụ Nữ Hà Nội và Anh Ngô Tất Hữu, Tổng biên tập báo Pháp Luật và Đời Sống 8 giờ 30 về Quảng Phúc thăm Đức ông, cùng Đức Ông đi thăm Toà Giám mục, cơm. 14 giờ đi Hảo Nho dự Chầu nửa giờ. 15 giờ đi Bình Hải, Đức Ông dâng Lễ 16 giờ. 17 giờ 30 vào thăm Nộn Khê. 18 giờ 15 cơm ở Quảng Phúc ! Về Hà Nội.

31/5 UBMT Tỉnh (Chủ tịch Xướng, Hiệu) tới Quảng Phúc thăm, mời Đức Ông lên trấn an Áng Sơn, vì 30/5 Cha Phúc bỏ đây gây hoang mang. 10 giờ 30 xe MT Tỉnh đưa Đức Ông vào Áng Sơn. 12 giờ Cha Phúc cũng về Áng sơn, cơm trưa rồi đi Hoàng Mai. 18 giờ Áng Sơn dâng hoa, chiều bế mạc tháng Mẹ. UB Xã không đồng ý cho Đức Ông dâng Lễ ở đây. 19 giờ Cha Phúc, Cố Thuần trở lại, chiếu băng Lễ Khánh thành Nhà Thờ Áng sơn (chiếu ở sân tháp). 20 giờ 30 cơm. Cha Phúc rút.

1/6/1996 Đức Ông dâng Lễ 5 giờ ở Áng sơn. 8-9 giờ xe máy Anh Minh Luân đưa Đức Ông về Quảng Phúc. 18 giờ 30 ngắm Bảy Sự. Lễ ở Quảng Phúc, viếng Lộ Đức.

2/6 Năm Cha mới đi xứ : Cha Phương đi Áng sơn, La Vân Cha Hanh, phó Cha Trình. Cha Tư Bình Sa, Hảo Nho, Hoài Lai. Cha Hoàng xứ Đồng Chưa, Uy Đức, Uy Tế. Cha Kế xứ Hoà Lạc.

9/6 Lễ Mình Thánh. 5 giờ Lễ Quảng Phúc. 8 giờ 30 đi Hoàng Mai Chầu lượt. 10-16 giờ Đức Ông Lễ ở Hoàng Mai. 18 giờ xe Tráng về Quảng Phúc.

10/6, 8 giờ 45 ô tô đưa Đức Cha Phó và Đức Ông đi An Ngãi, 10 giờ dự Lễ Cha Kế vinh quy.

14/6 Khánh thành Nhà Thờ Xích Thổ. Đức Cha Phó, Đức Ông (giảng) và 20 Linh mục. 13 giờ, ô tô đưa Đức Cha, Đức Ông, mấy Cha đi Sào Lâm, về Yên Vân.

18/6 Khánh thành Nhà Thờ Nộn Khê. 8 giờ Đức Cha phó (ô tô) vào Quảng Phúc cùng Đức Ông và các Cha đi Lễ. 10 giờ 30 chở các đấng về cơm trưa Quảng Phúc.

26/6 Kỷ niệm 19 năm Linh mục của Đức Cha phó. 5 giờ 15 Đức Cha phó và 12 Cha ở Chính Toà (có Cha Thành ở Thuỵ Sĩ về). Đức Ông chia sẻ, Đức Cha Chính dự Lễ.

29/6 Lễ Quan thày Giáo phận. Đức Ông dâng Lễ một mình ở Nhà Nguyện Toà Giám mục. 5 giờ Lễ Chính Toà, có hai Đức Cha, 20 Linh mục (có Cha Thành). Cha Phúc giảng ( Cha Thành nói : "Không hiểu gì !").

6/7/1996 Giỗ Cụ Sáu. 4 giờ xe Tráng về thẳng Nhà Thờ lớn chủ sự Lễ 4 giờ 45-6 giờ, Đức Ông chia sẻ. 6 giờ viếng mộ, xong trở lên Quảng Phúc ngay. 18 giờ Lễ Quảng Phúc.

12-14/7 Đi giúp Tuần Chầu họ Duy Hoà, ăn ngủ ở xứ Khiết Kỷ. Chủ nhật 5 giờ và 9 giờ 30 Lễ Duy Hoà. 10 giờ 45 xe Huy chở về Quảng Phúc. 18 giờ Lễ Quảng Phúc.

17/7 Đức Ông, Cha Huy ra gặp Đức Hồng y để vận động Đức Cha Tạo đi bệnh viện Hà Nội chữa mắt, thì 18/7 Đức Cha đi.

18-21/7 Đức Ông đi La Vân giúp tuần Chầu lượt. Chủ nhật Lễ 5 và 10 giờ ở La Vân. 13 giờ ô tô đưa về Quảng Phúc với Cha Tư, Cha Kế.

23/7 Tối, 20 giờ bão to, cả đêm, bốc ngói, gẫy cây.

24/7 Sáng 6 giờ bão ngớt ... Phòng ngủ bốc ngói.

30/7 Đức Cha phó dẫn một phái đoàn đi Hà Nội thăm Đức Cha chính Tạo (chữa mắt từ 18/7).

1/8/1996 Các Cha về Tĩnh tâm, cử lại 1 phái đoàn...

2/8 Đức Ông, Cha Trình, Tự, Hảo, Phúc, Văn, Vũ đi hà Nội thăm Đức Cha Chính Tạo. 17 giờ vào Thiện Mỹ Lễ đưa chân Ông Joseph Lới (bố Thục, Kiên).

5/8 Ô tô Ông Thành rủ Đức Ông đi Hà Nội 6 giờ. 9 giờ 30 gặp Đức Hồng y và Đức Cha Tạo. 10 giờ 30 về ngay Quảng Phúc.

11/8 Lễ 5 giờ ở Quảng Phúc. 9 giờ xe Huy đưa Đức Ông đi Áng Sơn. Áng Sơn Chầu lượt. 10 giờ Đức Ông chủ sự, 8 Cha, Cha Dũng giảng. Chiều 15 giờ Cha Phương Lễ, Đức Ông giảng ở Áng Sơn. 17 giờ Kiệu Mình Thánh. Đức Ông Chầu bế mạc, về Quảng Phúc ngay, 20 giờ, cơm.

12/8 Đức Cha Tạo 8 giờ 30 lên bàn mổ bệnh viện Việt Đức.

14 và 15/8 Bão nhỏ. 15/8 Lễ Quảng Phúc 7 giờ 30 và 17 giờ.

18/8 Chủ nhật, xứ Đồng Chưa Chầu. 8 giờ 30 Huy Trang đưa đi Đồng Chưa. Lễ 10 giờ Đức Cha phó và 8 Cha.

22/8 Kỷ niệm 100 năm Nhà Thờ Nam Định, Huy Tráng đi dự. Đêm bão, tốc ngói, đổ tường góc Bà Trực, Quảng Phúc.

26/8 8 giờ ô tô Nhà Chung đưa Đức ông đi bệnh viện Chàng bệnh thoát vị.

27/8 Đức Ông lên bàn mổ.

28, 29 và 30/8 Mặt Trận Huyện Yên Mô, Tỉnh Ninh Bình và Sở CA Ninh Bình thăm.

2/9/1996 Quốc Khánh. Đức Ông làm Lễ ở bệnh viện Chàng. 8 giờ 30 Đức Cha phó tới thăm.

5/9 Xuất viện. Ô tô bệnh viện và Bác sĩ Khang đưa về Quảng Phúc.

9/9 Cha già Tường ngồi xe lăn tới Quảng Phúc, sau 28 năm không tới. Định ở lại, song tin bão V, nên cơm trưa xong, Cha già rút ngay.

13/9 Xe ô tô Nhà Chung lên lúc 9 giờ, đưa Đức Ông về Nhà Chung.

14/9 Mưa cả đêm. 5 giờ Đức Ông dâng Lễ một mình ở Nhà Nguyện TGM. 6 giờ 30 đến 7 giờ 30 ô tô đưa Đức Cha, Đức Ông sang Nhà Dòng Lễ, ăn sáng. 8 giờ ô tô đưa Đức Ông về Quảng Phúc (Sơ Nụ, Hường tiễn).

30/9 và 5/10/1996 Tĩnh tâm năm, Đức Ông kiếu. Đặc biệt, sau hơn 30 năm Cha già Tường về từ 27/9/1996. Sau khi xuất viện Việt Đức, Đức Cha Chính về, ở nhà gác ba tầng trốc Đức Cha phó được mấy ngày, chuyển sang Nhà xứ (hai tầng) phía Đông, và từ 7/10/1996 Đức Cha Sang ở ba phòng mà Đức Cha Tòng đã ở : phòng 18-20 Nhà Chung.

16/10/1996 Ô tô Nhà Chung lên mời Đức Ông về lúc 17 giờ, đi lối Lai Thành. 20 giờ 15 tới Nhà Chung. Lên chào Đức Cha phó khoá cửa. Sang Nhà xứ gặp Đức Cha già. 21 giờ về phòng 7, phòng Đức Cha Tạo ở từ 1957. Khó ngủ ! Từ 7/10 phòng 19 là phòng nguyện riêng Đức Cha già. Phòng 18 là phòng khách. Đức Ông Đồng tế với Đức Cha già ngồi.

5 giờ 30 ngày thứ bảy, 12/10/1996 Đức Ông chủ sự, Đức Cha già, Cha Phúc đồng tế ở phòng 19. Các con cái Cha Phúc dự Lễ chật phòng. 8 giờ 45 xe ô tô Ông bà Tài, Anh Việt và cháu Kim Anh tới thăm Đức Cha, đưa Đức Ông đi Quảng Phúc, 9 giờ 45 cơm trưa. 15 giờ gia đình Ông Tài về Nam Định. Lễ các Thánh làm ở Quảng Phúc sáng, chiều.

2/11/1996 Điện báo Đức Ông về ngay ! Ô tô Hiệu lái lên đón.

4 và 5/11 Đồng tế với Đức Cha ở phòng 19. Đức Cha mệt !

5/11, 7 giờ ô tô đưa Đức Cha đi hà Nội với Cha Dũng, Phương. Mưa lụt ... Đức Ông vào họ Nộn Khê được 1 thanh niên lương cõng qua các rãnh !

24/11 Xứ Quảng Phúc Chầu. Ô tô đưa người Áng Sơn, La Vân xuống thông công.

1/12/1996 Hải Nạp Chầu lượt. 8 giờ 30 ô tô Cha Tự tới Quảng Phúc thăm Đức Ông. 9 giờ 15 Cha Tự đưa Đức Ông đi Hải Nạp, Cha chào từ biệt Đức Ông để đi Hà Nội và Rôma với Đức Cha.

3/12 Đức Cha già và Cha Tự tới Rôma.

8/12 Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Xứ Quảng Phúc hành hương Tôn Đạo. 5 giờ Đức Ông dâng Lễ ở xứ quê Khiết Kỷ. 8 giờ 30 xe con Nhà Chung đón từ Khiết Kỷ đi Tôn Đạo. 9 giờ 30 Lễ Đồng tế ở Tôn Đạo (Cha Vũ, Năng). 11 giờ đi ngay Quảng Phúc, 13 giờ 30 mới có cơm. 14 giờ xe Toyota đưa Đức Ông và Phái đoàn đi Hưng Hoá dự Lễ bế mạc Năm Thánh Hưng Hoá. 21 giờ tới TGM, gặp Đức Giám quản Cung.

9/12 Từ TGM đi Sơn Lộc, nơi Giám Quản Cung ở. Đức Cha Trọng tới. 9giờ 30 rước, Lễ. Đức Cha Trọng và độ 30 Linh mục.

15-16/12 Xây tường phía Đông xứ Bình Hải, xây phòng vệ sinh xứ Bình Hải.

16/12 Kỷ niệm Đức Cha phó 8 năm Giám mục. 5 giờ ở Chính Toà Đức Cha phó chủ tế, Đức Ông giảng, 20 Linh mục đồng tế. 8 giờ 30 xe con đưa Cha Trình về xứ. 17 giờ Đức Ông về Quảng Phúc.

Noel 1996, 23 giờ Lễ đêm, Lễ 6 giờ và 15 giờ 30 ở Quảng Phúc.

26/12 Ô tô Nhà Chung (Hiệu, Thi) đi gặp Đức Hồng y, cơm trưa với Đức Hồng y, Đức Cha Trọng, 1 cố Hồng kông. 17 giờ đi Nam Định, ăn tối ở Đức Cha Việt. 21 giờ về tới Quảng Phúc.

1997

Từ 2-4/1/1997 Thứ năm, thứ bảy về giúp Nhà Dòng.

4/1 Thứ Bảy, lên Lễ 16 giờ ở Bình Hải, đi Quảng Phúc.

5/1 Chủ nhật, 5 giờ 45 Lễ ở Quảng Phúc, 16 giờ Lễ Nhà Dòng.

6/1 Xe con đi Lễ 5 giờ Nhà Dòng. Ăn sáng ờ Nhà Dòng. 8 giờ đi bạch Liên thăm Cha Vũ ốm. Về Quảng Phúc. Lát gạch hoa phòng khách Quảng Phúc. Mua 6000 gạch Ông Lý.

9/1 Xe con 8 giờ 30 chở Cha Phương, Hanh, Hoàng tới Quảng Phúc đi Phúc Giang làm phép Nhà Thờ. 10 giờ Đức Ông chủ tế và 8 Cha (Hải, Nang, Huynh, Tư ...).

18/1 Đức Cha Tạo, Cha Tự, Rôma về tới Gò Vấp, ở lại. Đức Cha Tạo mừng Lễ Quan Thày và Ngọc Khánh ở đó.

27/1 Đức Cha Chính và Cha Tự về tới Nội Bài. Đức Cha phó và 16 Cha ra đón. Đức Ông ở nhà. Cơm trưa với Đức Hồng y, các Cha về hết, trừ hai Đức Cha và Cha Tự.

28/1, 8 giờ 30 Hai Đức Cha, Cha Tự vào 4 Sở ở Ninh Bình. 11 giờ 30 về tới Nhà Chung Phát Diệm. Phân công các xứ (theo Huyện) sẽ về Tết, chèo và mừng Ngọc khánh Đức Cha Chính từ 21-25 tháng chạp Bính Tí.

Tết Đinh Sửu

7/2/1997 Mồng 1 Tết, Đức Ông Lễ ở Quảng Phúc. 10 giờ xe Kiên đưa Đức Ông về bái niên hai Đức Cha. 16 giờ Lễ một mình ở Chính Toà.

8/2 Mồng 2 Tết. 5 giờ Lễ ở Nhà Dòng, Cha Tự đồng tế. 8 giờ ô tô Hiệu đưa Đức Ông đi mừng tuổi Cha Tường, về Yên Thổ ăn trưa. 16 giờ Lễ ở Yên Thổ.

9/2 Chủ nhật mồng 3 Tết. 5 giờ 30 Lễ Quảng Phúc, 15 giờ Lễ Bình Hải.

10/2 (Cháu) Sơ Juliana Hương bay từ Canada tới thăm Bảy, Đề tới 1/8/1997.

12/2 Mồng 6 Tết, vào mùa Chay.

13/3/1997 Mừng Ngọc Khánh Linh mục của Đức Cha chính Tạo. 9 giờ 45 rước, Đức Cha Tạo ngồi xe lăn ½ đường ! Đức Hồng y Tụng dự Lễ và giảng. Đức Cha Tạo chủ tế và 7 Giám mục (Lâm, Nhất, Sang, Hợp, Thuyên, Tuyển, Yến) và độ 70 Linh mục.

13/3 Xe Toyota lúc 14 giờ 30 đưa Đức Cha phó, Đức Ông và 1 số đi Xích Thổ. 10 giờ Lễ, Cha Pet. Trình chủ sự, Đức Cha phó dự Lễ, Đức Ông giảng và 20 Linh mục đồng tế.

17/3 Từ 9-15 giờ, Đức Cha Tạo thăm Tam Châu, Gia Lạc, Phúc Nhạc, hành hương Nhà Thờ Tôn Đạo.

19/3 Lễ Thánh Giuse. 5 giờ 30 Đức Cha phó chủ sự Lễ Chánh Toà. Cha Trình giảng, 24 Linh mục đồng tế. Đức Cha Chính Tạo dự thôi. 9 giờ 30 Đức Cha Chính Tạo Lễ ở Nhà Dòng, Lễ Quan Thày. 11 giờ 30 Đức Cha dự kiệu Thánh Giuse ở Nhà Thờ Lưu Phương, xong, 12 giờ 30 Đức Cha về Nhà Dòng ăn trưa.

Tuần Thánh 1997, sáng thứ bảy, 22/3/1997 mừng Cha Phúc 17 tuổi Linh mục, Đức Ông dâng Lễ. Chiều 16 giờ làm phép lá, kiệu lá ở Nhà Thờ Yên Phúc (Chầu lượt thay cho Ninh Bình). 17 giờ 30 xe con Ông Thịnh, Nhu đưa Đức Ông về Quảng Phúc.

Lễ Lá 23/3, 5 giờ 30 mưa nhỏ, Lễ Quảng Phúc. Làm phép lá ở hiên phía Tây, kiệu vào Nhà Thờ, Lễ. 15 giờ 30 Lễ ở Bình Hải, mưa nhỏ ... ở lại đó.

27/3 Lễ làm phép Dầu, 5 giờ 30 Đức Cha phó chủ Lễ và 23 Linh mục. Đức Cha già nhận lời Linh mục đoàn thề hứa. 8 giờ 30 xe con đưa Đức Ông về Quảng Phúc mở Tuần Thánh.

17/6 Tấn phong Đức Cha Joseph Tích Đức, Giám mục phó Buôn Mê Thuột.

18/6 Tấn phong Đức Cha Nho, Giám mục phó Nha Trang.

Đức Cha Yến không đi dự đám nào ! Ở nhà ?

19-20/6/1997 Ông Mongibeaux và Gérard Noe, Nhà báo, Hãng AGPI thăm Phát Diệm, gặp Đức Cha Tạo và Đức Ông ở Nhà Xứ chiều 19. Ngày 20/6 Đức Ông đưa đi thăm Tôn Đạo, Phúc Nhạc, Yên Thổ và Quảng Phúc.

22/6 Ông Trang (Uy Tế) đưa xuống biếu Quảng Phúc một quạt cây của bố con Ông Thuyết, Tán.

25/6 Đức Cha Yến, Đức Ông vào Điền Hộ, Lễ Cung hiến Nhà Thờ. Đức Cha Lâm chủ sự, Đức Cha Yến và độ 60 Linh mục đồng tế. Mưa !

29/6 Lễ Quan thày Giáo phận Phát Diệm. 5 giờ Đức Cha Tạo chủ sự, Đức Cha Yến, Đức Ông và 21 Cha đồng tế (mưa nhỏ). 6 giờ viếng tượng hai Thánh ( đứng trong Phương đình cả vì mưa). 8 giờ 30 xe con đưa Đức Ông đi Khiết Kỷ Lễ 10 giờ Quan thày Hàm Ân. 13 giờ tới Quảng Phúc. Lễ 16 giờ 30 ở Quảng Phúc.

7/7/1997 Xe Kiên đưa Đức Ông đi Thuần Hậu. 10 giờ Đức Cha phó và 13 Cha làm phép móng Nhà Thờ, 12 giờ về. Đức Ông ở lại Lễ chiều 18 giờ ở nhà lán (rạp).

27/7 Ô tô Ông Ngọc đưa Đức Ông đi La Vân chữa bệnh ở Ông lang Canh. CA Huyện và Xã Ninh Giang vào vận động : "Đức Ông đi" !

5/8/1997 Ô tô Nhà Chung mời Đức Ông về họp.

7/8 Đi Hà Nội từ 4 giờ 30, vào La Vân ăn sáng. 9 giờ Lễ mừng Cha Bích. Đức Hồng y, Cha Tông, Cha Khuất và 25 Linh mục. 14 giờ ô tô về La Vân.

10/8 xứ Áng Sơn Chầu. 10 giờ Đức Cha phó, Đức Ông, Cha Trình, 12 Cha Lễ. Mưa ! Kiệu Mình Thánh quanh hiên Nhà Thờ. 16 giờ Lễ một mình Đức Ông.

11/8 CA Tỉnh (Bốn), Huyện (Hùng), Xã Ninh Giang (Quý) vào La Vân 16 giờ lập biên bản. Ông Trương Thụ ký.

15/8 Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Lễ 5 giờ và 16 giờ ở La Vân. Mưa to từ 13-16 giờ, Quảng Phúc lên một xe ca (hơn 80 người, lên Lễ, chiều về).

25/8 CA Tỉnh tới dò la " Tại sao Đức Ông chưa đi Hà Nội ?".

27/8 Xe Lam chở BCH Quảng Phúc, đưa Đức Ông về Quảng Phúc.

3/9/1997 Ô tô Nhà Chung đưa Đức Ông đi Hà Nội. 6 giờ 30 ăn ở xứ La Vân ... đi bệnh viện Việt Đức. 10-11 giờ Bác sĩ Lập và Đệ khám. 11 giờ 30 vào Nhà Chung Hà Nội trọ.

5/9 Thuê taxi đi bệnh viện gặp Bác sĩ Đằng, Dương. Nhập bệnh viện Bộ Giao thông, vì có phòng riêng lịch sự. Từ 8-9/9/1997 Lễ 5 giờ 30 ở phòng 11A2 Bộ Giao thông. 9 giờ Bác sĩ Lập, Dương mổ (phát thứ sáu !). Nằm ở phòng hậu phẫu 2 ngày, trở về 11A2. Nằm giường liền 4 ngày không lễ lạy được (Thày Giao giúp). Được tin cháu Matta Vi qua đời 70 tuổi, 50 tuổi Dòng.

15/9 Xe bệnh viện đưa về Nhà Chung Hà Nội.

16/9 Được tin Cha Joseph Sự, Châu Sơn, qua đời.

17/9 Đức Cha phó Yến ra thăm Đức Ông ở Nhà Chung Hà Nội.

18/9 Thày Ánh đem xe con nhà ra rước về. 11 giờ vào La Vân ăn trưa, 19 giờ tới Nhà Chung Phát Diệm. Ăn riêng ở phòng 7. Chiều 5 giờ 30 Lễ một mình ở Nhà Nguyện.

4/10/1997 Đoàn Y, Bác sĩ, Hộ Lý Bệnh viện Việt Đức về thăm Đức Cha Tạo và Đức Ông.

6/10 HĐGMVN họp, Đức Cha phó Yến đi họp. Mưa to ! Sét !

9/10 Bà Thục, Sơ Nhung, Hoạt, đại diện Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội về mừng Kim khánh Đức Ông một áo Lễ.

Từ 13-18/10 Các Cha Tĩnh tâm năm. Cha Giáo Kiệm giảng.

18/10 Đức Ông và Cha Khánh Lễ ở Nhà Nguyện TGM, ở Chính Toà hai Đức Cha và Linh Mục Đoàn Phát Diệm. 6 giờ 30 các Cha Giáo phận mừng Kim khánh Đức Ông tại phòng 7. Đức Cha phó chụp 20 pô ảnh. Lỡi : Tivi, đầu máy.

19/10 Cha giáo Tiệm tuyển Chủng sinh Đại Chủng viện Hà Nội.

20/10 Nhà máy Bia Hà Tây chở biếu 10 hộp bia !!

26/10 Từ 14 giờ 30 đến 16 giờ Huyện Kim Sơn mời Đức Ông ra Trụ sở UB Huyện (Ông Châm) báo : "Về Quảng Phúc mà mừng !!".

26-28/10 Đại biểu các xứ tới mừng.

28/10 Lúc 12 giờ 30 Phái đoàn Nam : 4 Sơ (Hương, Lộc, Vân Hường), họ hàng Cha Lương già, Cha già Chủ 84 tuổi, Cha Khiết, Cha Lương, Cha Phi, Lập, Thơm, Quạt, Cháu Mai.

29/10 MTTQ Tỉnh (Ông Xưởng), Ban Tôn Giáo (Bà Quế, Ông Tấn).

31/10 Mừng Kim khánh Linh mục. 5 giờ 30 rước ra Nhà Thờ Lớn (Mặc áo ở nhà Hội quán, rước ra quá mộ Cụ Sáu, vào Chính Toà). Đức Cha Tạo, Đức Cha Nhất (Bùi Chu), Đức Cha Yến và độ 60 Linh mục.

Cảm phục, cảm mến:

1. Đức Cha Nhất già 75,76 tuổi, Cha Chính Đạo và 15 Cha Bùi Chu, khởi hành ở Bùi Chu từ 3 giờ 15 sang tới Phát Diệm 5 giờ 15 !

2. Phái đoàn Hưng Hoá, do Đức Giám Quản Cung dẫn 7 Cha xuống tối 30/10, còn hai xe ca giáo dân bị nhỡ, xuống tới Phát Diệm lúc 7 giờ, kịp ăn cỗ !

3. Phái đoàn Y, Bác sĩ bệnh viện Yên Mô và Việt Đức Hà Nội.

4. Phái đoàn Phật giáo Huyện Yên Mô, Xã Vân Phong, xóm Vân Mộng (Hai phái đoàn kịp dự Lễ và tiệc mừng lúc 7 giờ).

Thánh Lễ : Đức Ông chủ sự, Ba Đức Giám mục dự Lễ, Cha Fx. Lương giảng, độ 60 Cha đồng tế. Có 6 Hội Dòng nữ (Mến Thánh giá Phát Diệm, Gò Vấp, Hà Nội, Dòng Linh mục Nữ tỳ, Dòng Đaminh, Dòng Trinh Vương, Dòng Thăm Viếng Bùi Chu ...)

1/11/1997 Lễ Các Thánh 10 giờ ở Chính Toà. Đức Cha Tạo chủ sự, Đức Ông và Cha Đồng đồng tế. 15 giờ xe lăn Đức Ông sang Nhà Dòng Lưu Phương. 16 giờ Lễ một mình Đức Ông. 18 giờ 30 cơm, 19 giờ 30 ô tô đón về TGM.

2/11 Chủ nhật Đức Ông lễ ở Nhà Nguyện TGM, sáng hai Lễ, chiều một Lễ. Bão số 5, cấp 11. Trung Bộ hại to !

7/11 6 giờ xe Anh Trọng đưa đi Bùi Chu đáp lễ, xe vào qua Tôn Đạo, Yên vân, anh chị Việt Nam Định, Ông bà Tài Báo Đáp. (cùng đi với Đức Ông có Sơ Hương, cháu trong Nam, cô Phương Quảng Phúc).

10/11/1917 - 10/11/1997 Mừng Đức Ông thọ chẵn 80. Hôm nay, mẹ Sơ Hường (Cố Têrêsa Căn) qua đời !

19-20/11 Quảng Phúc bó ao hồ, rải đưởng kiệu quanh hồ (Tài chính do Anh chị Túc, Trang New - Orleon USA).

Đầu tháng 12/1997, Đức Cha phó sốt, nhọc mấy buổi.

4/12/1997 Các Cha về Tĩnh tâm tháng, hai Đức Cha đều nhọc, tĩnh tâm riêng.

11/12 CA Huyện Kim Sơn gặp Đức Ông từ 15-15 giờ 30 thông báo khẩu lệnh là "UB Tỉnh không đồng ý cho cụ ở Phát Diệm" (Ông Lương, Sơn CA Huyện).

18/12 Ông Vũ Gia Tham, Phó trưởng ban Tôn giáo Trung ương, Bà Quế, Ông Tấn Ban tôn giáo Tỉnh Ninh Bình gặp Đức Cha phó 9 giờ 30, lên Đức Cha Chính phòng 18 lúc 10 giờ 45. Xuống phòng 7 gặp Đức Ông xem tranh ảnh, xem vi bằng. 11 giờ 10 ra xe, Ông Tấn lộn lại tặng quà Noel cho Đức Ông (1kg quýt, 2 hộp sữa, 1kg đường).

23/12 rét khan. 8-9 giờ 30 tới Quảng Phúc xe ô tô con, các Ngành và các bà Xã Yên Phong (lương) vào mừng Đức Ông.

24/12 Ông Phong, Hải CA Huyện, MT Huyện, UB Xã và 6 cố ông bà vào mừng Noel (14 giờ).

NOEL 1997

Tối 24/12/1997, 20 giờ xem tivi ca mừng Giáng Sinh. 21 giờ rước Chúa Hài Đồng vòng ao hồ. Đức Ông mở đầu, có ý Khánh thành bờ ao hồ. 22-23 giờ 30 mưa bụi. Lễ chật ních Nhà Thờ (lương rất đông).

25/11 Lễ 6 giờ, là thứ năm, mưa bụi, không kiệu. 15 giờ làm Giờ Thánh Trọng, 16 giờ Lễ. 16 giờ 15 kiệu Đức Mẹ quanh ao hồ, 17 giờ mưa bụi.

28/12 Xe Điện (Bình Hải) lai Đức Ông về Nhà Chung để tổ chức phái đoàn đi Lavang Khai mạc Năm Thánh. (Năm Thánh mở từ 1/1/1998 tới 15/8/1999). Phái đoàn đi Lavang gồm : Đức Ông Tổng đại diện Giáo Phận: Trưởng đoàn, 4 Cha : Khoa, Kế, Hoà và Fx. Hoàng, BCH xứ Phát Diệm đại diện giáo dân : Ông Trương Hạnh, Ông Thơ Đạt, 3 Sơ đại diện nữ tu : Tin, Nu, Hường.

Toà Giám mục Bùi Chu cũng mở 1 năm Năm Thánh : Đức Cha phó Yến đi.

30/12 Khởi hành Phát Diệm 7 giờ 30, Huế 22 giờ 30. Ngủ trọ TGM Huế, Cha Thế quản lý (Linh mục 2/2/1996).

31/12 Lễ 5 giờ ở Nhà nguyện. Ăn sáng, chào Đức Tổng Thể. 8-11 giờ đi vào cung điện vua, Điện Thái Hoà. Chiều đi Nhà Thờ Phủ Cam Chính Toà. Dòng Mến Thánh giá : Sơ Niềm.

1998

1/1/1998 Ăn sáng 5 giờ tại Nhà Chung Huế. 6 giờ khởi hành đi Lavang. 8 giờ 30 rước kiệu, 10 giờ Lễ, 13 giờ cơm. 14-22 giờ về TGM Vinh. Đức Cha Chính Hạp chủ Lễ, 5 Phát Diệm đồng tế, đông Nữ tu đọc Phụng vụ và dự Lễ. 6 giờ 30 chào hai Đức Cha (tối qua, Đức Cha phó Thuyên đi Bùi Chu về muộn lắm). 7 giờ 30 viếng thăm Nhà Thờ Vinh. 8 giờ khởi hành về ... 11 giờ 30 ăn ở quán Tam Đông. 13 giờ tới Quảng Phúc. Tạ ơn Chúa !

Giáo Phận Huế, Đức Tổng Giám mục Thể tặng 25 Giáo Phận Việt nam, mỗi Giáo phận một tượng Đức Mẹ Lavang, để Đức Mẹ đồng hành, du hành khắp nước.

2/1 Phái đoàn đem tượng về TGM Phát Diệm. Hai Đức Cha và Hội Đồng đã quyết định kiệu Đức Mẹ Lavang ở các xứ trong Giáo phận. 15/8/1998 bắt đầu Phát Diệm kiệu ... Nhiều Giáo phận chỉ được rước Đức Mẹ Lavang mấy địa điểm.. Phát Diệm mới đi được miền Phát Diệm, Văn Hải, tới Cồn Thoi, đọng ! vì 28/8/1998 UBND Tỉnh Ninh Bình công văn cấm ! Đình ...

5/1 Toyota chở Đức Cha Yến, Đức Ông, Cha Phúc, Cha Cương (Xuân Lộc) Lễ an táng cố Fx. Mùi (bố Cha Hải) ở Nhà Thờ Thủ Trung. 24 Linh mục đồng tế.

2/2/1998 Mồng sáu Tết Mậu Dần, Đức Ông đi bái niên TGM Bùi Chu. 18 giờ Đức Ông dâng Lễ Nhà Thờ Chính Toà Bùi Chu.

3/2 Đức Ông dâng Lễ ở Nhà Dòng Đaminh Bùi Chu, ăn sáng với Bà Luduina Đinh Thị Sáng, Tổng quyền Tu hội Đaminh, cố vấn Victoria Đỗ Thị Hồng, Bà Nhài, Tổng cựu.

18/2 Làm phép Nhà Thờ Sơn Luỹ. Đức Cha phó đau răng không đi. Đức Ông chủ tế, 14 Cha đồng tế.

Đầu tháng Thánh Giuse, 1/3/1998 tin sét đánh : Cha Fx. Lương qua đời ! Và Ông cố Cha Khoa ở Hoà Lạc cũng qua đời.

2/3/1998 Đức Ông đi Lễ an táng cố.

3/3 Đức Ông Lễ tại Ứng Luật, quê Cha Fx. Lương.

7/3 Cha Tường đi bệnh viện Yên Khánh đến 11/3 xuất viện, về thẳng Yên Vân.

13/3 Cưới Vàng Linh mục Cha già Tường (lặng lẽ). 8 giờ 30 Toyota chở Đức Ông, Cha Trình và 8 Cha tới mừng.

15/3 Ông Thơ Thuyết Khiết Kỷ lên Quảng Phúc chở Đức Ông về Nhà Chung và 18 giờ chở về xứ quê Khiết Kỷ.

19/3 CA Xã Ân Hoà báo cho Ông Trương Lại : "Cho cụ tạm trú hai ngày thôi", và cho hết tháng, CA Huyện (Đỉnh), công an Thái, Tiệm tiếp tục lập biên bản cư trú trái phép !

1/4/1998 Cưới Vàng Đức Cha phụ tá Trọng ở Nam Định. Đức Hồng y Tụng và 7 Giám mục ( Nhất, Sang, Lâm, Yến, Tuyển, Nho, Trọng), độ 100 Linh mục đồng tế.

Tuần Thánh từ 5-12 tháng 4 Đức Ông làm ở xứ quê Khiết Kỷ, Cha Huynh Chính xứ làm ở Tôn Đạo.

Thứ bảy Tuần Thánh 11/4, lúc 8 giờ 30 Ông Thạch, Thái đeo phù hiệu Công an Xã vào gặp Đức Ông. Truyện vui vẻ. Đức Ông cho xem thư gửi Tỉnh và Trung Ương. Đức Ông chờ công văn Tỉnh trả lời thư đã.

Lễ Phục Sinh 12/4 : Nắng. 6 giờ Lễ, kiệu ở xứ quê. 10 giờ Lễ ở Tôn Đạo. Về Khiết kỷ cơm với Ông Dương bạn tù ! 14 giờ ô tô Nhà Chung (Bõ Túc) chở Đức Ông và Ông Vinh đi Quảng Phúc. 16 giờ Lễ ở Quảng Phúc. Ngủ lại. (ô tô về Nhà Chung).

18/4 Cha Năng vào Lễ tang Ông Joseph Kỷ (bố Túc - Trang) tại TP. HCM. an táng 22/4/1998.

23/4 Lát gạch Nhà mặc áo. Xây bậc lên xuống ở Khiết Kỷ.

13/5/1998 Nhà Thờ Kỷ bắc Mừng 100 năm. Cha Ý giảng. Cha Bình quê khiết kỷ và 10 Cha đồng tế, Đức Ông chủ sự. Ngày kỷ niệm một số Cha thăng Linh mục. Lễ xong, các Cha về tiệc ở Nhà xứ Khiết Kỷ.

14/5 CA Tỉnh (Bốn), CA Huyện (Thăng, Luật) gặp Đức Ông 9 giờ 30 đến 10 giờ 30 báo : "Ty CA không cho cụ ở Khiết Kỷ"

15/5 Tại Cách Tâm, Cha Lãm mừng 17 tuổi Linh mục. Đức Cha phó và Cha Thịnh, Bình dự.

2/6/1998 CA Xã Ân Hoà vào Khiết Kỷ đọc C/v 60 của UB Tỉnh : "Cứ ở Quảng Phúc chờ quyết định".

14/6 Chủ nhật, 5 giờ Lễ ở xứ quê (từ biệt mà không ai biết). 8 giờ 30 xe con đi Chầu Hoàng Mai. 10 giờ 15 tới thì Lễ đã bắt đầu, Cha Dũng chủ sự, 7 Cha đồng tế. 16 giờ Đức Ông chủ Lễ một mình, rồi ô tô về Quảng Phúc. Tiếp tục thư, đơn với UBND Tỉnh xin về Nhà Chung.

30/6 Xe tiễn Cha Quy đi Nội Bài, xe vào Quảng Phúc. 17 giờ xe đưa Đức Ông vào Nhà Chung.

17/7/1998 Đức Cha già Tạo nộp đơn "Xin Hưu" !

19/7 La Vân Chầu. 13 giờ 45 Ông Trương và Anh Nhuận đưa ô tô đón Đức Ông lên Chầu. Lễ 16 giờ La Vân. Về Quảng Phúc ngay tối đó.

Tĩnh tâm năm, được tối 30/9 đến 7/10/1998. Cha giáo Ân giảng, vắng có Cha già Tường.

16/10/1998 CA Huyện Yên Mô tìm BCH Quảng Phúc (Ông Trương Huyên) tại trụ sở Xã Yên Phong : Hạch tội lát gạch bờ ao xứ Quảng Phúc. Lệnh về gỡ, nếu không sẽ cho an ninh về gỡ.

31/10 Kỷ niệm 51 năm Linh mục ở Quảng Phúc. 5 giờ Lễ đồng tế, Đức Ông, Cha Phúc , Năng và 9 Sơ, 5 Chủng sinh dự. 15 giờ Chầu Tedeum, 16 giờ Lễ các Thánh. 17 giờ kiệu quanh ao hồ. Kết thúc ở hang Lộ Đức.

1/11/1998 Lễ Các Thánh. giờ 30 Lễ Trọng ở Quảng Phúc. 8 giờ xe Hiệu Nhà Chung đón về TGM, 9 giờ Đức Cha Yến đưa giấy "Lưu dụng" Tổng Đại Diện. 10 giờ Lễ Trọng, Thông báo : "Đức Cha già hưu". Đức Cha Giuse Yến Giám mục Giáo Phận. Đức Cha Yến chủ tế, đồng tế Đức Cha Tạo, Đức Ông, Cha Tự, Kế, Đồng. 16 giờ Đức Ông chủ Lễ ở Chính Toà một mình. Đức Cha Giuse dự và Đức Cha chủ sự Kiệu. Hôm nay u ám, đe dọa mưa nên các họ giáo không kiệu Thánh đến !

2/11 Gió rét ! 4 giờ 45 Đức Ông Lễ ở Nhà Nguyện hai Lễ liền. 16 giờ Đức Ông và Cha Tự dâng Lễ ở Nghĩa địa Phát Diệm.

3/11 Nắng, hai Đức Cha, Cha Tự lên chào UBND Tỉnh.

10-14/11 Đức Cha Yến đi Kontum mừng Giáo phận 200 tuổi.

24/11 Lễ Các Thánh Tử Đạo VN. Đức Ông dâng Lễ một mình ở Chính Toà. 10 giờ Lễ trọng ở Phúc Nhạc. Đức Cha Yến Chủ sự. 15-18 giờ, Đức Cha và Cha Tự đi Vĩnh trị.

2/12/1998 Khánh thành Nhà Thờ họ Hải Nạp. Đức Cha chủ sự 10 giờ, 14 giờ 30 xe con đón về Nhà Chung.

3/12 Tĩnh tâm tháng 5 tại Nhà Nguyện. Đức Cha Yến đồng tế Đức Ông, Cha Trình, Vọng (giảng). 7 giờ 30 đến 9 giờ xe đưa Cha Trình, Vọng đi mừng Fx. Cha Tường.

5/12 Tại Nhà Nguyện, 5 giờ Đức Ông đồng tế. Đức Cha chủ sự đọc hết phần đồng tế (Đức Ông đứng im !!).

6/12 Chủ nhật, 8 giờ xe Toyota đưa Đức Cha và 7 Cha đi Xích Thổ. Đức Ông nhờ xe tới Phúc Hậu, Lễ 10 giờ với Cha xứ (Cha Huynh và Cha Hoà). Hai xứ Chầu lượt !

12/12 CA Phố Phát Diệm (Anh Hoành) gặp Đức Ông, yêu cầu không được ở Nhà Chung. Ông đã mượn hai thư gửi UBND Tỉnh của Đức Ông.

16/12 Kỷ niệm 10 năm Giám mục của Đức Cha Yến. 5 giờ 30 Lễ Chính Toà (Không một trẻ em nào đi dự Lễ !). Đức Cha chủ sự, ba cha Nam (Mỹ, Tiến, Triển) và 22 Cha Phát Diệm (Vắng : Trình, Tường, Vọng, Sĩ, Điệu).

Noel, chiều 24/12 xe ô tô anh chị Nhất (Hào Phú) đón Đức Ông 16 giờ. 16 giờ 45 tới Hào Phú. Chính quyền Xã vào Đức Ông vui vẻ. 18 giờ Lễ Vọng ... Giải tội ... 23 giờ Lễ Đêm ở Hào Phú.

25/12 Lễ đêm xong, ô tô Anh Nhất đưa Đức Ông về Quảng Phúc ngủ. 6 giờ 30 Lễ ở Quảng Phúc. Ở lại đến Chủ nhật 27/12 về Nhà Chung.

31/12 Hồi 15 giờ, Đức Cha Yến đưa Phái đoàn đi Bùi Chu bế mạc Năm Thánh, mừng 150 năm lập Giáo phận.

Tạ ơn Chúa !

Từ ngày tôi được đi lại tự do (1987) tôi lo xây Nhà Thờ Quảng Phúc và đại tu 5 xứ : Yên Thổ, Bạch Liên, Quảng Nạp, Bình Hải, Hảo Nho và cố gắng đi giúp Chầu lượt ở các xứ ... Nghĩa là tôi chủ trương đi và làm lại 30 năm không được đi, không được làm.

Song đi đến xứ nào cũng được cán bộ công an và chính quyền "mời về". Việc xây sửa Nhà Thờ, nhàxứ cũng bị hạch sách nhiều, song ... nhờ ơn Chúa, ơn Mẹ, các Thánh, nhất là các Thánh Tử Đạo VN ... xong xuôi cả. Tôi cứ làm, cứ đi, đúng như tôi đã định ... Không được Persecutio, lại được Sempersenitis.

1999

7/1/1999 Thứ năm, Tĩnh tâm tháng, vắng Cha Trình, Vọng. Phát Bài sai cho 8 Cha. 15 giờ xe con đưa Cha Đồng đi Tôn Đạo, xe Toyota Đức Ông đưa Cha Điệu về Bình sa, Cha Phúc về bạch Liên. 16 giờ Đức Cha Yến đưa (bộ) Cha Dũng về Phát Diệm.

8/1 xe con đưa Cha Tư về Tân Khẩu, xe Toyota Đức Ông đưa Cha Vũ về Hoàng Mai, Cha Huynh về An Ngãi.

9/1 Thứ bảy, 16 giờ xe Toyota Đức Ông đưa Cha Tự về Phương Thượng. 16 giờ 30 Cha Tự Lễ ở Phương Thượng, 19 giờ về Nhà Chung.

21/1 Chiều, 2 giờ 30 Đức Cha già xuống dâng Lễ ở Nhà Nguyện, các chị Dòng Mến Thánh Giá hát Lễ ! Sau Lễ, Đức Cha già sang thăm Đức Cha Yến và vào phòng 7 Đức Ông.

24/1 Bắt đầu đại tu Phương Đình, rỡ mái. 9 giờ Đức Cha già ngồi xe lăn ra thăm cảnh Nhà Thờ Chính Toà và xem rỡ mái Phương Đình.

25/1 Lễ Thánh Phaolô, Quan thày Đức Cha già (tối qua, 7 giờ 45, Đức Cha Yến và Cha Dũng mời nữa). Lễ 10 giờ : 3 Đức Giám mục và 15 Cha Lễ ở Chính Toà. 9 giờ đến 13 giờ Đức Cha Nhất (Chính Đạo), Cha Quản lý, Cha Thơ ký, 5 Sơ Đaminh, 5 Sơ Mân côi (Bùi Chu) sang mừng Đức Cha già. Cơm, về ngay !

9/2/1999 là 24 tháng Chạp Mậu Dần, Đức Cha, Cha Dũng, Tấn, Phúc, Vũ, Hoàng (Bùi) và Cha Trình đi Tết các cơ quan Tỉnh. Ông Kế CA nói Đức Cha và các Cha : "Cụ Thiều in sách ở Mỹ nói xấu chế độ Việt Nam" ! (Tại Nội bài, tháng 10 năm 1998 tịch thu 300 quyển Tu Tù ? Ai in ? Ai gửi ? Lạ !!!)

14/2 nhằm 29 Tết, xe ô tô (tài Phán) Đưa Đức Ông đi Tết Đức Cha Nhất (Bùi Chu), tháp tùng Đức Ông là Bõ Túc, Anh Ninh. Tối về.

Mùa Chay từ 17/2 nhằm mồng 2 Tết, vì thế Lễ Tro chuyển xuống thứ Sáu 19/2/1999.

24/2 Từ 4-18 giờ Đức Cha và Cha Kế đi bệnh viện Hải Phòng thăm Đức Cha cố Cương, thở oxy, nguy kịch.

27/2 Hai Sơ (Huế ?) về tập dâng hoa Tháng mẹ.

28/2 Đức Cha già xuống phòng Đức Ông chờ, 11 giờ 30 Đức Hồng y và Cha Sinh tới, vào nhà khách số 9. Cơm trưa xong đi Hà Nội ngay.

4/3/1999 Đức Cha đặt thêm 5 Cha :

5 vị Hội Đồng Tư Vấn : Đức Ông, Cha Dũng, Tự, Khoa và Joseph Hoàng.

5 vị nữa Hội Đồng Linh mục, mỗi Huyện 1 Cha là ; Phúc, Hải, Lãm, Hoàng (Bùi) và Cha Vũ.

10/3 Đức Cha cố Cương, Hải Phòng qua đời !

13/3 Đức Cha Trực, Đức Cha Đức (Ban Mê Thuột) tới Phát Diệm lúc 10 giờ. 12 giờ cơm sớm, xong, Đức Cha Yến cùng hai Đức Cha Ban Mê Thuột đi Hải Phòng Lễ tang.

14/3 Lúc 8 giờ Cha Dũng, 10 Sơ và các Đại biểu đi Hải Phòng. 18 giờ phái đoàn 12 Linh mục Phát Diệm đi Lễ tang Hải Phòng. (Không đi : Đức Ông, Trình, Tường, Sĩ, Tự, Tư, Đồng, Phúc)

Tuần Thánh, Lễ Lá 28/3 đến 3/4/1999 Phục sinh. Chiều Lễ Lá, Đức Ông làm tại Dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương.

0 giờ ngày 1/4/1999 Tổng Điều tra Dân số Việt Nam : 76.324.753, có thể tới 77 triệu.

Thứ bảy Tuần Thánh (3/4/1999) 19 giờ xe con đưa Đức Ông sang Nhà Dòng. 19 giờ 30 Nghi Lễ. 21 giờ 50 về Nhà Chung ăn cơm, ngủ.

Phục Sinh 4/4/1999 Toyota đưa Đức Cha Tạo, Bà Tường, Sơ Nghĩa, Đức Ông, Sơ Hiền, Hồng, Bõ Túc, anh Dũng. Lễ 10 giờ ở Tam Châu. Lễ đồng tế. Chầu lượt ở Tam Châu, Đức Cha già Tạo, Đức Ông, Cha Hải, Lãm, Hoà !

Từ 5-7/4 Đức Cha Yến cho các Cha đi Tam Đảo (thư giãn).

8/4 Khai mạc Toàn xá ỡ Dưỡng Điềm.

11/4 Tôn Đạo và họ Hải Nạp Chầu lượt. Ở Hải Nạp 10 giờ Lễ : Đức Ông, Cha Vũ, Phúc, Năng. 14 giờ xe con ( tài Phán) đưa Đức Ông đi Tôn Đạo. 16 giờ Lễ tại Tôn Đạo : Đức Ông, Cha Tự, Cha Đồng.

15/4 Đức Cha già, Đức Ông và Cha Nhân đi yên Vân thăm Cha già Tường. Lúc về, Đức Cha hôn tay Cha già Tường !!

18/4 Bình Sa Chầu lượt, Đức Cha đi xe con vào Bình Sa, đường đang sửa, phải trở về ! 14 giờ đến 17 giờ xe máy Ông Cơ đưa đức Ông vào Lễ Bình sa.

20/4 Bộ Trưởng CA Lê Minh Hương vào thăm TGM Phát Diệm.

1/6/1999 Đức Ông ốm, Cha trình dẫn phái đoàn đi Hà Nội mừng Đức Hồng y 80 tuổi và Kim khánh Linh mục.

8/6 Công văn UB Tỉnh số 99, Ông Xuyến Phó Chủ tịch ký "Đồng ý cho về xứ quê hưu đúng như nguyện vọng". Tôi đã kháng nghị Ông Xuyên : "Đó là nguyện vọng tháng 3/1998 thôi, còn trước và sau đó, tôi có nguyện vọng về Nhà Chung. Công văn 60 của UBND Tỉnh đã huỷ bỏ nguyện vọng hưu ở Xã quê. Ngày 15/6/1998 tôi đã bỏ xứ quê, trở lại Quảng Phúc và đã đệ thư đơn tiếp tục đề nghị Về Hưu ở Nhà Chung".

12/6 Từ 16 giờ 30 tới 17 giờ, Chị Hoà PC13 CA Tỉnh, 4 CA Huyện (Luật, Bộ, Hợi, Tuấn) vào gặp Đức Ông yêu cầu "Thi hành Công văn 99". Tôi đề nghị tạm trú.

8/7 Ông Luật, Thiếu tá CA Huyện Kim Sơn và các Ông Hộ, Hợi vào gặp Đức Ông yêu cầu chấp hành C/V99. Tôi đáp : "Thật là phiền cho các Ông, vì tôi mà vất vả mãi ! Tôi đã đáp là không thể chấp hành C/V99 được. Tôi kháng khiếu Tỉnh, Trung Ương cho tới khi được cư trú vĩnh viễn tại Nhà Chung, theo hai thư đơn TGM và theo nguyện vọng tự do công dân".

23/7 Hai Ông Tánh và Tiễn từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30 gặp Đức ông. Hai Ông trách Đức Ông chưa chấp hành C/V 99 Tỉnh. Chuyện vui. Đức Ông đáp : "Đã thi hành CV/60 của Tỉnh, nay còn mặt mũi nào mà lộn về xứ Khiết Kỷ nữa. TGM đã cho hưu (coi xứ) không thể về xứ nào được". Hai Ông ngỏ ý : "Đức Ông nghỉ Tổng Đại Diện (TĐD), đi các xứ đã ở, Cụ muốn xứ nào thì cho UB và CA Tỉnh biết. Tôi đã đáp :

1/ Việc thôi TĐD :

a. Tôi đã có đơn xin thôi từ tháng 12/1998.

b. Chính quyền nói với Giám mục đi ! Đề nghị Giám mục.

c. TĐD chỉ làm việc nội bộ Giáo phận thôi.

d. Từ 1984 Nhà Nước có công nhận tôi là TĐD đâu, sao nay nói đến ?

2/ Việc đi các xứ : Chẳng những các xứ tôi đã coi mà 65 xứ trong Giáo Phận, nếu Đức Giám mục sai đi thì đều đón nhận, mặc dù tôi già yếu, điếc, què.

12/8/1999 Ông Luật CA Huyện, Ông Thuần CA Thị trấn gặp Đức Ông, giục sau Lễ 15/8 mời Cụ thi hành CV/99. Và sau Lễ 15/8/1999 Đức Ông vẫn ở Nhà Chung, Chủ tịch Mặt Trận Tỉnh, Ông Tánh CA Tỉnh đã tới gặp Giám mục, song không gặp Đức Ông và cũng không nhắc tới việc cư trú của Đức Ông nữa.

Hết

No comments: