Monday 4 November 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : TẤT CẢ VẪN ĐANG SỐNG.



Truyện kể rằng có linh mục kia đang trông coi một giáo xứ miền quê. Vào một buổi chiều nọ, ông trùm quản xứ vào gặp ngài. Hai cha con ngồi nói chuyện dưới mái hiên của nhà xứ. Bỗng nhiên, với vẻ trang trọng ông thưa với cha rằng: “Thưa cha, trong suốt 30 năm qua, không ngày nào mà vợ chồng con không cãi cọ nhau.” Nghe đến đó, cha lùi lại phía sau, nhìn thẳng vào mắt ông trùm và với vẻ ngạc nhiên cha hỏi: “Mỗi ngày sao?” “Thưa cha, mỗi ngày” ông đáp. Vậy hôm nay thì sao? Ông trùm trả lời: “Dạ thưa cha, sáng nay cũng thế, cô ta quàng tay sang phía con, tung mền và lôi con bò dậy rồi lớn tiếng quát “ông không dậy ra khỏi giường mà lo việc, cứ nằm đó mà nướng.” Thế là lời qua tiếng lại, cuối cùng con vẫn là người chịu thua và im đi cho yên chuyện.

Trong cuộc sống gia đình anh chị em thường xuyên gặp phải hoàn cảnh thực tế nói trên. Không tranh luận, không cãi vã, không có lời qua tiếng lại thì không phải là sinh hoạt vợ chồng, thế mà anh chị vẫn cứ trung thành sống bên nhau. Cuối cùng cả vợ lẫn chồng đều nhận ra một thực tế mà cha ông chúng ta đã trải nghiệm, đó là: “Càng yêu nhau lắm, càng cắn nhau đau.” 

Những cuộc cãi vã thường xuyên xẩy ra trong đời sống vợ chồng thế nào thì mấy ông lãnh đạo thời Đức Giê-su cũng thế. Mỗi khi các ông Pharisêu và các vị thuộc nhóm Xađốc gặp nhau là cơ hội họ tranh luận về đề tài kẻ chết sống lại này. Hầu như không có lối thoát. Phe nào cũng muốn phần thắng lợi thuộc về họ. Không ai chịu thua ai.

Ngoài việc căn cứ vào Lời Chúa phán trong các sách ngũ thư và truyền thống ngôn sứ, mấy ông Pha-ri-sêu còn dựa vào hoàn cảnh thực tế mà dân đang phải gánh chịu, như cảnh những người công chính, ăn ngay ở lành thì bị bách hại, trong khi đó những tay gian ác, ăng ten và làm tay sai cho chính quyền lại phát tài và ăn nên làm ra. Từ đó họ mới suy luận và cho rằng Thiên Chúa công minh sẽ can thiệp vào thời sau hết và không để cho xã hội mãi như thế. Họ không chết trong các nỗi bất hạnh. Chắc chắn có sự sống đời sau. Lúc đó, Thiên Chúa sẽ làm cho kẻ chết sống lại, ban thưởng cho bậc chính nhân và phạt kẻ ác. Với suy tư thần học này, rất đông dân chúng đang sống trong cảnh bị bách hại, theo phe họ.

Trong khi đó, hầu hết các vị Thượng Tế là những người thuộc nhóm Xa- đốc chủ trương không có chuyện kẻ chết sống lại. Bởi vì họ đang thụ hưởng một cuộc sống quá sung túc. Thế giới mà họ đang sống đã là Thiên Đàng rồi, đâu cần một thế giới khác nữa. Giữa họ và người Pha-ri-sêu luôn luôn bất đồng với nhau về việc này.

Vẫn biết rằng, Đức Giê-su đã trở thành mối đe dọa cho vị trí và quyền lợi của những người Pha-ri-sêu và nhóm Xa đốc, cho nên họ luôn tìm cách để nộp Người. Họ luân phiên nhau chất vấn Đức Giê-su và hôm nay đến phiên nhóm Xa-đốc. Câu hỏi về số phận con người sau khi chết chỉ là một cái bẫy mà nhóm Xa-đốc dùng để gài Chúa. Họ không trực tiếp hỏi về cuộc sống sau khi chết, cho bằng dựng nên một câu chuyện, tuy hơi hoang đường với chúng ta, nhưng phản ảnh nền văn hóa và hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ. Họ dựa vào khoản luật trong sách Đệ Nhị Luật, chương 25:5-6 để chất vấn Chúa. Điều luật đó như sau, nếu người anh chết mà không có con nối dõi tông đường thì người em phải lấy chị dâu, nay đã góa chồng, làm vợ và đứa con đầu lòng cô ta sinh ra sẽ mang tên của ông anh đã chết. Khoản luật này xem ra không hợp với văn hóa của chúng ta ngày nay, nhưng lại là điều tốt vì có như thế thì người phụ nữ bị góa chồng đó mới được bảo vệ, ít nhất cô ta còn có con cái phụng dưỡng khi về già.

Những người thuộc nhóm Xa-đốc đưa ra câu chuyện của một người đàn bà đã trải qua bẩy đời chồng mà họ là anh em với nhau trong một gia đình. Theo luật Mô-sê thì bà đã làm đúng. Cho dù, những người thuộc nhóm Xa-đốc không tin vào sự sống đời sau; nhưng ở đây họ giả định là nếu có sự sống đời sau thì bà này sẽ là vợ ai? Vì bà đã là vợ của cả bẩy anh em! Điểm then chốt mà họ đưa ra ở đây không phải để tìm hiểu giáo lý, nhưng để bắt bí Đức Giê-su. Nếu Người cũng chủ trương có sự sống đời sau thì Người phải đối diện với một tình huống thật khó xử chưa kể là phi lý nữa. Đức Giê-su lại một lần nữa bị đặt vào hoàn cảnh dường như không lối thoát. Người sẽ hành xử ra sao trong lúc đối tượng chỉ là những người chống đối và gây khó khăn cho Người?

Dù biết được thâm ý của họ như thế nhưng Đức Giêsu vẫn kiên nhẫn trong cách hành xử để đáp trả vấn nạn mà họ nêu ra. Người không chỉ nói lên quan niệm của Người về sự sống lại mà còn giải thích cho họ biết về quan niệm của Người. Chúng ta có thể tóm tắt lời Người giảng dậy như sau:

·         Điểm quan trọng trước hết là có sự khác biệt giữa sự sống đời này và sự sống đời sau. Cuộc sống với Thiên Chúa trong thời sau khi chết thì khác hẳn với sự sống hiện tại. Khác như thế nào không được nói rõ, nhưng hẳn nhiên không phải là một sự tiếp nối của cuộc sống hiện tại.

·         Điều thứ hai là không có việc lấy vợ gả chồng trong thời đại đó.
·         Điểm thứ ba là họ không thể chết nữa vì họ đang sống đời đời.
·         Sau cùng, những ai đã được cứu độ thì sẽ có lối sống giống như các thiên thần, chầu chực và ca tụng Thiên Chúa.

Sau đó, Đức Giê-su còn trích dẫn lời tuyên xưng của Mô-sê, khi ông gọi Đức Chúa hiện vẫn là Thiên Chúa của các tổ phụ: Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Người còn khẳng định rằng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là người sống, vì đối với Thiên Chúa, tất cả vẫn đang sống.

Cho dù bản văn phụng vụ hôm nay không đề cập đến phản ứng và lời đáp trả của một số kinh sư, đa số thuộc về nhóm Pharisêu. Nhưng nếu chúng ta đọc tiếp thì sẽ thấy mấy ông kinh sư, ít khi đồng ý và tán thưởng hành động của Đức Giê-su, thế mà hôm nay lại đứng về phía Người qua lời ca tụng sau đây: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” Và không có người nào dám chất vấn Người nữa.

Chúng ta cũng thế, câu hỏi về sự sống đời sau không phải để thảo luận, bàn cãi hay tranh luận. Đó là vấn đề của đức tin và cũng là một điều bí ẩn. Nó hàm chứa một niềm hy vọng, một thách đố, một kiếm tìm và một lòng tin tưởng đầy hứa hẹn ở tương lai. Khi sinh ra, chúng ta đã bước vào cuộc hành trình của sự sống vĩnh cửu. Lời hứa của cuộc sống đời sau đó giúp chúng ta đối diện với các khó khăn cũng như nghịch cảnh của cuộc sống này như những con người không để cho sự chết đánh gục. Tuy nhiên, trước các nghịch cảnh trong cuộc sống, chúng ta sẽ buồn phiền, thậm chí thất vọng, nhưng không tuyệt vọng bởi vì chúng ta tin rằng cuộc sống mới sẽ đến. Chúng ta tin rằng có một thực tại tuyệt vời hơn đang chờ đợi chúng ta ở tương lai. 

Chúng ta yên tâm về Thiên Đàng, chính nhờ niềm tin này mà chúng ta sẽ sống khác với những ai chỉ thấy thiên đàng tại thế. Chúng ta sẽ sống vì Chúa. Chúng ta sẽ đáp lại tình thương của Người bằng toàn bộ cuộc sống này. Nói khác đi, cuộc sống vĩnh cửu không phải là quà tặng ban cho tôi khi tôi đã về già; nhưng nó đã được khởi động trong ngày tôi lĩnh nhận bí tích Thánh Tẩy để làm Con Chúa của tôi.

Thật đúng như lời Đức Giê-su đã khẳng định Người là Thiên Chúa của kẻ sống. Đối với Người thì tất cả đều đang sống. Hy vọng Lời Chúa nói hôm nay đem đến cho chúng ta sự bình an, niềm vui và hy vọng ngay bây giờ và mãi mãi sau này nữa.

Trong niềm tin và hy vọng vào cuộc sống đời sau đã được hứa ban, nhất là trong tháng các linh hồn năm nay, chúng ta xác tín về số phận của những người thân. Họ đã bước qua ngưỡng cửa, mà chúng ta gọi là sự chết để bước vào nước hằng sống. Quí ngài đang sống gần Chúa hơn chúng ta, các ngài đang nghỉ yên để thụ hưởng tình yêu và sự hiệp thông - cho dù chưa trọn vẹn – với Chúa. 

Niềm xác tín như thế được đặt trên căn bản của niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giầu lòng xót thương, chậm bất bình và không kể tội của con mình. Hãy xem cách mà Thiên Chúa đã hành xử với Da-kêu và người con thứ. Cả hai người khi trở về nhà có người nào bị hạch tội hay phải nhắc lại quá khứ của mình hay chăng, ngược lại họ còn được trọng thưởng và mở tiệc mừng ăn khao. 

Quả thật, nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã săn sóc chúng ta khi còn sống, thì chắc chắn Ngài còn săn sóc và thương yêu chúng ta nhiều hơn nữa khi chúng ta bước về nhà Cha. Trong nhà Cha, con người chuyển sang vũ trụ khác, một trạng thái sống không còn đau khổ, không còn hận thù; nhưng chỉ có bình an, hoan lạc và niềm vui. Tất cả đều ở trong tình trạng vĩnh cửu. Con người được thu hút vào vũ trụ tràn đầy tình thương của Thiên Chúa và biết rõ rằng Thiên Chúa biết và yêu thương họ.

Như vậy việc cầu nguyện cho nhau có cần thiết hay không?
Dạ thưa, cần và rất khẩn thiết. Tuy nhiên chúng ta không đến ngôi mộ để tìm và cầu cho người chết. Họ đang sống. Vì thế, việc cầu nguyện của chúng ta không nhằm mục tiêu đánh thức Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn thương yêu và lo lắng cho mọi người, Người không muốn cho bất cứ ai bị hư đi. Như vậy, việc cầu nguyện và tưởng nhớ đến những người thân hay mọi người đã lìa cõi thế của chúng ta nói lên sự yêu thương, nhớ nhung của chúng ta với các ngài. 

Qua việc cầu nguyện, chúng ta minh chứng rằng thân nhân của chúng ta không chết. Sự chết không làm đứt đoạn hay tiêu hủy mọi mối dây tương quan mà chúng ta đã thiết lập và xây dựng. Bởi vì, các mối tương quan đó được đặt trên nền tảng của sự yêu thương trong Chúa. Chính vì sức mạnh của tình yêu giúp chúng ta xác tín rằng cho dù thân nhân của chúng ta đã lìa cõi thế về mặt thể lý, nhưng sự hiện diện của họ tồn tại vĩnh viễn trong lòng yêu thương và sự tưởng nhớ của chúng ta. 

Vì, Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Đối với Người thì tất cả đều đang sống, không còn ai chết nữa. Đây là niềm hy vọng mà chúng ta dùng để an ủi, nâng đỡ và cầu nguyện cho nhau. 

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT

No comments: