Thursday 13 June 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : TÌNH YÊU: MỐI DÂY LIÊN KẾT CỦA THIÊN CHÚA



Trong lúc chuẩn bị viết những dòng suy niệm về tín điều Chúa Ba Ngôi, tâm trí  tôi nhớ lại một mẩu truyện ngắn đã được nghe trong các lớp giáo lý dành cho các em thiếu nhi dạo nào. Truyện đó như sau: 


Một ngày kia, trong lúc đi dạo bên bờ biển, Thánh Augustinô đang suy nghĩ về tín điều này. Cũng vào lúc đó, có một Thiên Thần hiện đến qua hình dạng của một em bé. Chú nhỏ này, như bao đứa trẻ khác, đang ngồi nghịch cát bên bờ biển. Em đào một lỗ trên bãi cát rồi lấy vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ cát đó. Đổ đến đâu nước ngấm vào bãi cát và tuôn trở lại lòng biển cả bấy nhiêu. Thấy thế, ngài mới lên tiếng ngăn cản và khuyên em đừng làm những công việc vô ích như thế. Nghe xong, em bé bèn trả lời cho Thánh Augustinô biết rằng việc làm của em còn dễ thực hiện hơn điều mà ngài đang suy nghĩ. Nghe em bé nói xong, Thánh nhân hiểu ngay sứ điệp mà Chúa muốn gửi đến ngài qua môi miệng và việc làm của em bé.


Vẫn biết câu chuyện nói trên chứa đựng nhiều chi tiết mang tính huyền thoại. Nhưng chúng ta cũng nhìn ra chủ đích của người kể; đó là cho dù con người có uyên bác hay thông minh đến đâu cũng không làm sao có thể hiểu hay giải thích cặn kẽ về Thiên Chúa. Vì vậy, trong khi cử hành mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận đừng bao giờ dựa vào sức riêng và sự khôn ngoan của loài người để diễn tả trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng như các mầu nhiệm khác trong đạo. 


Do đó, thay vì giải thích về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà có lẽ không có lời giải thích nào thực sự đầy đủ và trọn vẹn cả; thế thì tại sao chúng ta không nghiệm lại và tìm ra cho mình một cách thức để nhận ra sự mạc khải của Thiên Chúa một cách thực tế hơn. Đó là, hãy giúp nhau nhận ra rằng cách suy nghĩ của chúng ta về Thiên Chúa phải dựa vào đức tin; nhờ niềm tin này mà chúng ta sẽ nỗ lực tìm kiếm để nhận ra các hoạt động và sự tỏ bầy của Thiên Chúa qua cuộc sống của mình nói riêng và Giáo Hội nói chung. 


Và nếu tín điều Chúa Ba Ngôi quan trọng trong lòng Hội Thánh và trong đời sống của chúng ta thì không chỉ là việc cử hành như một nghi lễ phụng vụ hôm nay mà là suốt mọi ngày trong đời sống chúng ta phải cố gắng làm chứng cho thế giới về mầu nhiệm mà chúng ta tuyên xưng. Vì thế, với lòng khiêm tốn và tâm tình cầu nguyện chúng ta sẽ có thể tiếp thu một phần nào về những bí nhiệm của Thiên Chúa.


Dựa trên kinh nghiệm sống và một cuộc đời chìm đắm trong mối tương quan với Chúa Giêsu Kitô, Thầy mình, Thánh sử Gioan đã chia sẻ cho chúng ta một cảm nhận vô cùng sâu sắc về Thiên Chúa. Ngài chính là tình yêu. Khi nói như thế, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là ba: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con, chính là Chúa Thánh Thần.


Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi, nhưng lan toả trên khắp vũ trụ. Ba ngôi yêu thương nhau và đối tượng tình yêu của Ba Ngôi là toàn thể nhân loại. Từ đó, chúng ta xác tín rằng tất cả mọi người, dù hoàn cảnh và cuộc sống ra sao, mỗi người chúng ta đều có một vị trí thật quan trọng trong trái tim nhân hậu của Thiên Chúa. 


Như vậy, tình yêu là mối dây lên kết trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi; và đó cũng là nền tảng của sự hiệp nhất.


Khi nói đến điều này, tôi xin đưa ra một hình ảnh và cũng là lời nhắc nhở cho anh chị em là những người đang sống trong bậc gia đình nói riêng và gia đình nhân loại nói chung. Trong cuộc sống gia đình, anh chị em thật có phúc khi được nếm hưởng phần nào về mầu nhiệm Tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi.


Khi yêu nhau anh chị mong muốn cho gia đình được hiệp nhất. Ước vọng hiệp nhất và nên một của anh chị trước tiên phải được phát sinh từ lòng yêu thương, và ình yêu hiến dâng đó sẽ được thực hiện nơi người con mà Thiên Chúa ban cho anh chị. Nó là của chàng và cũng là của nàng. Nó không chỉ là của chúng ta mà là hiện thân của chúng ta; là tình yêu chung mà anh chị có thể thấy được. Tình yêu giữa hai người đã triển nở thành tình yêu chung trong một ngôi vị thứ ba: Tình yêu của họ được trao ban cho nhau và cho những người con. 


Hình ảnh gia đình ấy có thể giúp chúng ta tiếp cận phần nào với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi - gọi là phần nào - bởi vì mọi hình ảnh đều bất toàn và không thể diễn đạt trọn vẹn về sự vô biên của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu và yêu thương là bản tính chung của Ba Ngôi. Yêu thương cũng là nền tảng của gia đình. Vì vậy, cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi là sức đẩy cho chúng ta yêu thương nhau.


Trong Thiên Chúa, khởi điểm của tình yêu là mở ra, thông ban, chia sẻ. Thái độ mở ra, thông ban, chia sẻ nầy đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi bản thân và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi chúng ta từ bỏ não trạng ích kỷ để ra đi khỏi chính mình mà quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác.


Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mở ra để tạo nên một thứ “tôi và chúng ta” khép kín. Tinh thần bè phái và phe nhóm lại chẳng có mặt trong cuộc sống của chúng ta đó hay sao? Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi thì không như thế. Tinh yêu đã chẳng tự khép kín trong gia đình Ba Ngôi, nhưng lan tràn và chan hoà trong vũ trụ bao la, tuôn đổ trong lòng mọi người. 


Thật vậy, niềm tin và tình yêu của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngội thúc bách chúng ta đi tới, phá đổ mọi bức tường ngăn cách tạo thành sự hiệp nhất để tình yêu hiện diện và lan toả khắp nơi. Vì tình yêu là hơi thở của sự sống.


Tóm lại, Mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay mời gọi chúng ta sống; sống điều mà Thiên Chúa Ba ngôi đã sống là trao ban Tình Yêu cho nhau và cho nhân loại. Chúng ta cũng cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết chia sẻ tình yêu cho nhau và cho tha nhân.


Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
14/6/2019



No comments: