Thursday 6 December 2018

DỌN ĐƯỜNG.
Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT

Có một câu chuyện đuợc kể lại như sau: Vào một buổi học Giáo Lý trong Mùa Vọng, trong khi ông thầy đang giải thích ý nghĩa Mầu Nhiệm Nhập thể, thì có một anh Giáo lý viên đã hỏi: “Thưa Thầy, giả như Đức Giêsu không nhập thể, không chết và không sống lại thì Thiên Chúa có đường lối nào khác để bộc lộ và ban ơn cứu độ cho con người hay không? Vẫn biết câu hỏi chỉ là một sự giả định, nhưng nội dung của câu hỏi cũng khiến cho chúng ta cần suy nghĩ. Với quyền năng vô biên của Thiên Chúa thì Ngài làm gì chẳng được, nhất là làm sao Ngài có thể từ chối việc ban ân huệ và chuộc tội cho chúng ta! Nhưng thực hiện kỳ công như thế mà không cho chúng ta thấy hay cảm nhận được thì nào có ích gì! Do đó, việc mang lấy thân phận con người là một việc cần thiết. Đã là người thì cần có cha có mẹ, anh em họ hàng, bà con láng giềng… Tất cả các điều đó nói lên lịch sử tính của người đó. 

Việc Thiên Chúa can thiệp được thể hiện trong lòng người và giữa dòng đời. Đức Giê-su là một nhận vật lịch sử. Ngay cả sử gia người Do Thái Josephus đã phải ghi nhận về sự xuất hiện của Người. Nhưng còn hơn thế nữa, công trình cứu độ và giải thoát ấy được Thiên Chúa ra tay hiện thực và trao ban cho dân Người, với sự cộng tác của mọi loài, mọi vật, y như trong biến cố xuất hành đưa dân Chúa giải thoát khỏi Ai Cập.Ngài đã ra tay gạt bỏ mọi chướng ngại, khó khăn để hoàn thành ý định Ngài.

Trong cùng một ý tưởng đó, bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu và trình bầy cho chúng ta biết về sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả. Ông đã được sinh ra trong gia đình của ông bà Da-ca-ria a và Ê-li-sa-bét. Lời của Thiên Chúa đã đến với ông vào “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế,“ 

Các chi tiết này làm nổi bật lịch sử tính của Gio-an Tẩy Giả. Ông đã xuất hiện trong lịch sử. Ông được kêu gọi và thực hiện sứ mạng ngay trong môi trường sinh sống của ông. Ơn gọi và sự trưởng thành trong sứ mạng của ông đưọc xuất phát nơi ông sinh ra và lớn lên. Ngày hôm nay, những người theo truyền thống Kitô giáo xưng tụng ông là Thánh nhân. Từ nguyên thuỷ, ông là người Do Thái, là ngôn sứ, thuộc dòng giống Hebrew chính hiệu. Sứ mạng của ông là tiền thân của Đấng Cứu Thế. Lời của ngôn sứ I-sa-i-a đã ứng nghiệm trên sứ mạng của ông là “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. 

Và bối cảnh mà Gio-an nhận sứ mạng là hoang địa. Hoang địa hay sa mạc là nơi mà dân Do Thái đã trải qua các cuộc thử thách. Chính tại nơi đó họ cảm nhận đuợc tình thương của Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Áp dụng vào hoàn cảnh và cuộc sống của chúng ta, tôi nhận ra một điều là chỉ ở trong hoang địa chúng ta mới được hạnh phúc nhìn thấy Thiên Chúa. Tức là ở những nơi chúng ta trút bỏ hoàn toàn các mặt nạ của mình, trút bỏ kiêu ngạo, lo lắng, phân tán để lắng nghe Lời Chúa. Nếu chúng ta còn đeo những mặt nạ nói trên thì không thể có cơ hội nhìn thấy Người. Và đây là bài học thứ nhất: Hãy trút bỏ mặt nạ, sống thật với chính mình, không giả hình, không gian dối để được nên một với Chúa và dễ dàng tiếp cận nhau hơn.

Nhìn lại việc Thiên Chúa gọi Gioan Tẩy Giả khiến chúng ta nhớ lại ơn gọi của mình. Sáng kiến bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài đi bước trước, đến trong hoàn cảnh của mỗi người chúng ta. Ngài không xuất hiện từ xa nhưng hiện diện ngay trong môi trường chúng ta sống, đến trong hoàn cảnh của từng người, không phân biệt lương hay giáo. Như Gio-an, chúng ta hãy mở lòng ra để đón nhận. Bằng một công thức rất trang trọng, Thánh Luca đã giới thiệu sứ mạng của Gio-an được xuất phát và thúc đẩy bằng Lời Thiên Chúa. Và chúng ta đã đuợc gọi bởi Lời Chúa, thì để hoàn thành sứ mạng chúng ta cũng cần đuợc nuôi duỡng bằng Lời để phục vụ Lời, như Đức Giê-su đến để loan báo Lời Thiên Chúa và phục vụ Thiên Chúa vậy!

Lời Thiên Chúa đã đến với Gio-an trong hoang địa. Ông đã tuân phục Lời Thiên Chúa, ra đi công bố và kêu gọi dân chúng “hãy dọn sẵn con đường của Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Người đi…. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Sứ điệp của Gio-an Tẩy Giả là “mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Ngài đã thẳng thắn và nhìn nhận rằng bản thân của Ngài không phải là Đấng Cứu Thế, người mà Thiên Chúa đã hứa. Lời chứng của Ngài còn vang vọng như sau “Đấng đến sau tôi, quyền thế hơn tôi. Tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người.” Nhiệm vụ của Ngài là tiếng hô dọn đuờng theo cách thức mà Thiên Chúa muốn Ngài thực hiện. Gio-an Tẩy Giả mời gọi mọi ngươì ăn năn và sự tha thứ của Thiên Chúa sẽ đuợc ban phát cho họ. Ngài đến để làm chứng cho sự thật và vì sự thật mà Ngài đã phải trả giá theo đúng số phận dành cho các bậc ngôn sứ. 

Sứ điệp và sứ mạng của Thánh Gio-an Tẩy Giả được trình bầy vào Chúa nhật thứ hai và thứ ba trong các Mùa Vọng như một lời nhắc nhở chúng ta về sứ mạng của mình. Noi gương Ngài chúng ta được mời gọi ra đi để công bố cho những người chung quanh là hãy ăn năn, hãy dọn đuờng để chào đón Chúa Cứu Thế và tin vào Người. 

Như Gioan Tẩy Giả, chúng ta đuợc gửi đến những nơi khác nhau, tìm gặp những ai chưa tin, mời gọi họ nhận ra ân huệ của Thiên Chúa đang hoạt động nơi họ, và sau cùng là chào đón Đấng Cứu Thế. Muốn hoàn thành sứ mạng này, chúng ta phải ra đi làm chứng bằng chính cuộc sống của mình. Con người của xã hôi hôm nay yêu chuộng nhân chứng hơn là lời nói xuông. Chúng ta loan báo điều chúng ta tin và niềm tin của chúng ta được phát sinh từ các trải nghiệm trong cuộc sống. Làm chứng bằng chính cuộc sống mình bao giờ cũng đem đến hậu quả bền vững hơn. 

Giống như Gio-an Tẩy Giả, chúng ta không kêu gọi sự chú ý đến chính mình. Chúng ta đến để giới thiệu và chỉ cho người ta thấy con đường của Chúa. Từ bỏ vinh dự cao quí và lui về phía sau để Thiên Chúa thực hiện dự án của Ngài qua sứ mệnh mà chúng ta đã lĩnh nhận là điều tuy cần thiết nhưng rất khó thực hiện. Qua hành động như thế, chúng ta không hoạt động cho vinh quang của mình mà làm cho Danh Chúa được cả sáng hơn.

Như vậy, con đuờng mà chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến là con đuờng đức tin, con đuờng của niềm vui; một niềm vui phát xuất từ bên trong phần sâu thẩm của tâm hồn và chỉ dành cho những ai đã đuợc Chúa chiếm đoạt. Trong sự tự do chúng ta đành mất tất cả để dành phần ích lợi cho anh em.

Tóm lại, trong tinh thần của Mùa Vọng năm nay, với gương sáng và việc chu toàn sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả giúp cho chúng ta nhớ lại ơn gọi của chính mình. Chúng ta không chỉ đuợc kêu gọi ăn năn và sám hối để chuẩn bị tâm hồn Mừng lễ Giáng Sinh mà thôi đâu. Hơn thế nữa, đây là cơ hội để chúng ta đào sâu và làm sáng tỏ ơn gọi đuợc xuất phát từ Lời Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi ta đến để phục vụ Lời. Người đã đến trong hoàn cảnh của từng người, với tất cả giới hạn của thân phận gắn liền với đổ vỡ và tội lỗi của mình. Tại vùng đất khô cằn như hoang địa như thế, Thiên Chúa đã cất nhắc chúng ta lên, cho phép chúng ta tham dự vào sứ vụ của Người. Vì thế, chúng ta phải ra đi, không chỉ là tiền thân của Đấng Cứu Thế mà còn là hiện thân của Người, Đấng đã từ bỏ và chấp nhận mất tất cả để đem lại ơn cứu độ cho mọi người, không loại trừ một ai.

Nhiệm vụ tuy cao cả và nặng nề. Tuy nhiên, Đấng Cứu Thế đã đi trước để dọn đuờng. Người đã hoàn thành sứ mạng này. Vì thế, trong Mùa Vọng này, chúng ta không chỉ dọn đường cho Người đến mà hãy buớc vào con đuờng của Người. Con đuờng yêu thương và đón nhận. Con đường tự hiến và hy sinh. Con đuờng tha thứ và chấp nhận. Con đuờng của sự thật để nhận ra tất cả là của Người. Và, khi cùng dắt nhau đi trên con đuờng của Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở để đón nhận nhau, nhận ra sự hiện diện của Chúa Cứu Thế nơi tha nhân. Người đã đến giữa chúng ta, trong lòng người và giữa lòng đời. Và nếu chúng ta không nhận ra Người trong cuộc sống của nhau thì việc dọn đuờng để chuẩn bị cho việc mừng Lễ Giáng Sinh cũng là việc làm chiếu lệ, theo thói quen. 

Xin hãy mở mắt chúng con nhận ra Người nơi anh em không chỉ trong Mùa Vọng này, nhưng là trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời và nhất là trong các bữa tiệc Lòng Mến mà chúng con đến để trao gửi Chúa cho nhau.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT
Kogarah 12/2018


No comments: