Monday 19 October 2009

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời

Nguyễn Ngọc Lan

Mừng lễ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời ngay ngày đầu năm cũng như ngày ngày vẫn xin “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con”, Hội Thánh mừng và tuyên xưng tước hiệu, danh nghĩa cao cả nhất của Đức Mẹ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cũng là quả quyết đầu tiên đã được Hội Thánh xác định cho Đức Tin của mình về Đức Mẹ, từ Công đồng Êphêsô năm 431.

Bởi đâu mà Maria được như vậy?

1. Thánh Maria là “Đức Mẹ Chúa Trời” là do hồng ân Thiên Chúa”.

Đức Mẹ Chúa Trời không phải là một thứ bà tiên mẫu, một ‘siêu Thiên Chúa’. Ngôi sao điện ảnh, bóng đá còn có ‘siêu sao’. Người mẫu còn có ‘siêu người mẫu’. Thậm chí chợ búa cũng còn có ‘siêu thị’. Người nói chung thì bảo là siêu nhân. Thiên Chúa dứt khoát thì không có siêu Thiên Chúa. “Chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao”, Hội Thánh tôn vinh Chúa Kitô và tôn vinh tuyệt đối như vậy, “cùng với Chúa Thánh Thần trong vinh quang Đức Chúa Cha”.

Nhưng chính vì có Mầu nhiệm Chúa Kitô mà có Mầu nhiệm Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời. Mầu nhiệm này gắn liền với Con Thiên Chúa làm người.
Trong lịch sử Hội Thánh, chỉ sau khi xác nhận chân tướng Đức Chúa Yêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật Hội Thánh mới xác định “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”. Nếu Chúa Yêsu Kitô chỉ là Thiên Chúa thôi hay Thiên Chúa… giả làm người (Nestorius?), thì không làm gì có “Mẹ Thiên Chúa” như một ‘siêu Thiên Chúa’. Hoặc nếu Yêsu Kitô chỉ là người thôi, cho dẫu là một ‘siêu nhân’ đi nữa (Arius) thì Thánh Maria càng không thể là ‘Đức Mẹ Chúa Trời’.

Ngày nay trong khi chúng ta tuyên xưng đức tin thì vẫn là thế. Mầu nhiệm Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời ở bên trong Mầu nhiệm Nhập thể: “Ngài là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha… vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Ngài đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Ngài đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người…” Tin nhận Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời chính là do bởi và bên trong lòng tin Đức Yêsu Kitô, Đấng Cứu Độ vừa thật là Thiên Chúa vừa thật là người. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời chẳng qua là ơn huệ gắn liền với ơn huệ lớn lao nhất cho cả loài người, “Thiên Chúa đã thương yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16), và cũng là ơn huệ lớn lao nhất cho chính người “đầy ơn phúc” và “có ơn phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1,28 và 42).

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời vì “là kẻ đã tin”.
Đức Maria làm “Mẹ Thiên Chúa” không phải như người ta trúng số độc đắc. Không phải chỉ do sự rủi may của liên hệ máu huyết. Ngày nào đó, khi Chúa Yêsu đang rao giảng, ‘thì giữa dân chúng một bà cất tiếng nói với Ngài “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang ông và vú đã cho ông bú”. Bà này đã chỉ mừng cho “bà cố” của Chúa như… gặp may , đã trúng số. Chúa Yêsu hoàn toàn gạt bỏ lối nhìn trần tục ấy: “Phải hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và noi giữ”(Lc 11,27-28). Như một người đàn bà khác là Êlisabet, từ lâu rồi, nhờ “được đầy Thánh Thần”, đã biết mừng cho Đức Mẹ một cách thật đúng đắn: “Phúc cho người là kẻ đã tin rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Chúa truyền phán dạy cho người!”(Lc 1,45).

Mối phúc thật kia tin và giữ Lời Thiên Chúa không phải chỉ vượt trổi “phúc” làm mẹ Thiên Chúa do máu huyết mà còn là điều chính yếu làm nên thực chất và phẩm chất của phúc làm mẹ này. Không thể hiểu Mc 3,31-35 một cách nào khác cho dẫu đây là một trong những chuyện khó nuốt nhất đối với não trạng người đời xưa nay. “Mẹ Ngài và các anh em Ngài đến. Và đứng ngoài, họ sai người vào gọi Ngài”. Họ… ngon thật vì họ cứ yên trí hơn là “cả họ được nhờ” huống hồ họ còn đang hộ tống bà mẫu hậu! Và thiên hạ cũng nghĩ như họ thôi: “Người ta nói với Ngài: “Này Mẹ Thầy và anh em Thầy đang tìm Thầy ở ngoài”. Có lẽ “đám đông ngồi xung quanh Ngài” đã sẵn sàng dạt cả ra để chừa lối đi… Nhưng Đức Yêsu trong chính giây phút ấy lại thản nhiên nói với họ: “Ai là mẹ Ta và là anh em Ta?” Rồi nhìn quanh mình các người ngồi vòng quanh Ngài, Ngài nói: “Này là mẹ Ta và anh em Ta. Ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy là anh em chị em và là mẹ Ta” (Mc 3,31-35 có thể đối chiếu thêm với Mt 3,9).

Chúa Yêsu tuyệt đối không theo chủ nghĩa lý lịch. Ngài không ưu đãi thân mẫu của Ngài theo lề thói người đời. Nhưng không phải là Ngài đã phủ nhận thân mẫu của Ngài. Ngài chỉ đặt những dấu chấm trên các chữ i. Ngài nhắc nhở cho biết phải tôn vinh Đức Mẹ cho đúng đắn là ở bình diện nào. Thiên chức Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời không phải là kết quả một cuộc xổ số. Thiên Chúa không bao giờ xổ số. Ngài giao tiếp, kết giao với con người. Ngài tự ý ban ơn nhưng là để con người tích cực ưng thuận và đón nhận.

Thánh Maria là Mẹ Thiên Chúa do bởi được thương chọn và cũng là với sự ưng thuận và đón nhận như thế.

Lời ca tụng Đức Mẹ đích đáng nhất, lời mừng Đức Mẹ đúng đắn hơn cả vẫn là từ Êlisabet:“Phúc cho bà là kẻ đã tin”. Thánh mẫu học chính thống trong Hội Thánh vẫn phải luôn có sợi chỉ đỏ xuyên suốt hai tiếng "xin vâng” (Fiat), như chính cuộc đời Đức Mẹ và như chính vị trí Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời trong công trình cứu độ của Thiên Chúa.

Cũng là Tin Mừng lớn lao cho tất cả những kẻ tin.
1. Nếu chính liên hệ máu huyết mới là đáng kể thì chúng ta chỉ như kẻ đúng ngoài nhìn vào “Thánh Gia”, nhìn lên “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” và nhiều lắm chỉ có thể trầm trồ khen ngợi theo kiểu bà nọ trong Lc: “Phúc cho lòng dạ…”. Nhưng “con quan thì lại làm quan, con nhà kẻ khó đốt than tối ngày”. Mẹ quan thì hơn cả con quan còn bà nọ và chúng ta thì dẫu là cùng một loài người với Đức Yêsu, bà con với Ngài, nhưng dây mơ rễ má xa lắc xa lỡ, vẫn cứ phải cam phận… đốt than thôi.

Còn nếu Thánh Maria là Đức Mẹ Chúa Trời chủ yếu vì là đã tin, nghe lời Thiên Chúa và noi giữ, làm theo ý Thiên Chúa thì Mầu Nhiệm Đức Mẹ Chúa Trời cũng là Tin Mừng cho chúng ta, cho mọi người, liên hệ trực tiếp đến chúng ta, đến mọi người. Thánh Gia không phải chỉ gồm có Chú Yêsu và Đức Mẹ, góp ghép thêm Thánh Yuse. Thánh Gia không phải chỉ có ba người. Thánh Gia, gia đình Chúa làm người là gia đình mở ngỏ. Nhìn quanh mình, nhìn vào nhân loại hôm nay, nhìn vào Hội Thánh trên thế giới ngày nay, Đức Kitô vẫn còn đó, vẫn là “Chúa ở cùng anh chị em”, để khẳng định: “Này là mẹ Ta và anh em Ta. Ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.

Tin và giữ lời Thiên Chúa thì “không còn là người xa lạ, là khách cư ngụ (Ep 2,19) “Vì hết thảy anh em là con cái Thiên Chúa nhờ bởi lòng tin trong Đức Kitô Yêsu” (GI 3,26). Thiên Chúa “bởi lòng yêu mến, đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Yêsu Kitô”(Ep 1,5). “Tiền định cho được nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh Con của Người nên trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc” (Rm 8,29). “Nhà Cha” không phải chỉ sau này (Ga 14,2) mà ngay bây giờ vẫn “có nhiều chỗ ở”.

2. Ai cũng được mời gọi nhập vào gia đình của Chúa trở nên anh em đích thực của Chúa Kitô, con cái Cha trên trời.

Chúng ta thường hay dừng lại ở điều gọi là “quyền nghĩa tử” (Gl 4,5; Ga 1,12) và hiểu “nghĩa tử” theo mẫu “con nuôi”, một cách thuần pháp lý. Đó là ngộ nhận thật đáng tiếc. Chúng ta là “nghĩa tử”, chỉ là không như Đức Yêsu Kitô, Con có một không hai của Thiên Chúa, là “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha”.

Nhưng đồng thời người tín hữu cũng phải hiểu và thâm tín rằng tuy là “nghĩa tử của Thiên Chúa” mình là con cái Thiên Chúa một cách còn thiết thân, sâu sắc, toàn diện hơn là con cái của cha mẹ sinh ra mình:

Về mặt tự nhiên, nguyên việc “được tạo thành” có nghĩa là tâm hồn con người do Thiên Chúa trực tiếp tác tạo và tất cả sự hiện hữu của con người cũng như mọi thụ tạo hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa tự hữu. Trên bình diện siêu nhiên, là “nghĩa tử” đâu chỉ là một thứ quyền tại ngoại như chỉ là một tư cách pháp lý. Đừng dừng lại ở chữ nghĩa ấy, chúng ta mới được loan báo Tin Mừng về thực tại, thực chất siêu nhiên như thế nào. Tin mừng theo Thánh Yoan: “Còn những ai đón nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa… Họ không do máu huyết mà sinh ra, cũng không phải do ý xác thịt, cũng không phải do ý của nam nhân, nhưng chính do bởi Thiên Chúa mà được sinh ra”(Ga 1,12-13).

Thư gửi tín hữu Galat:“… Ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử. Mà bởi vì anh em là con cái, thì Thiên Chúa đã sai Thần Khí Con của Người đến trong lòng anh em, (Thần Khí) kêu lên: Abba. Cha ơi!” (Gl 4,6).

Thư gửi tín hữu Rôma có gọi Thần Khí này là “Thần Khí của hàng nghĩa tử” thì vẫn là chính “Thần Khí Của Con Người”. Chính Thần Khí này “dẫn đưa chúng ta” từ nội tâm, làm cho chúng ta sống, chia sẻ, hiệp thông chính sự sống của Thiên Chúa. Chính nhờ đó chúng ta kêu lên, từ ruột gan của mình, như nhu cầu, như hơi thở của đời sống siêu nhiên, chứ không phải chỉ do “được phép”, có quyền “pháp lý”, kêu lên: "Abba, Cha ơi!"

“Các người đừng xưng hô ai dưới đât là “Cha” của các người, vì Cha của các ngươi chỉ có một, Cha ở trên trời”. Trong mạch lạc Mt 23,8-11. Chúa Yêsu chỉ đề cập đến mối tương quan với các bậc Thầy trong dân Do Thái.

Nhưng ở đây chúng ta có thể quả quyết theo tinh thần như Rm và thư Gl: Thần Khí đã đến trong lòng kẻ tin mà kêu lên: “Abba, Cha ơi!”, thì đương nhiên chỉ có kêu lên với Thiên Chúa, không thể với cha mẹ nào khác ở trần gian, vì cũng đúng là “Cha của các ngươi chỉ có một, Cha ở trên trời”.

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Nhưng cũng vui với chúng con là con cái Thiên Chúa một khi chúng con cũng là kẻ tin, nghe lời Thiên Chúa và noi giữ, làm theo ý Thiên Chúa. Như Đức Mẹ đã xin vâng. Là con cái Thiên Chúa như Thánh Maria là Mẹ Thiên Chúa. Cầu xin phúc cho Đức Mẹ cũng là phúc cho chúng con. Mừng vì phúc cho chúng con cũng không khác chi phúc cho Đức Mẹ. Bởi Lòng Mến của Thiên Chúa “khi này và trong giờ lâm tử”. Tạ ơn Chúa muôn đời.

Nguyễn Ngọc Lan

No comments: