Tuesday 26 May 2009

Khi diễn bày đức tin - GS. Nguyễn ngọc Lan-An Vân

Khi diễn bày đức tin,

hội nhập văn hóa sẽ đậm nét nhân văn hay đậm nét dân tộc ?

GS. Nguyễn ngọc Lan-An Vân

“Lời đã thành xác phàm và lưu trú giữa chúng ta” (Ga 1,14). Kitô-giáo là đạo Con Thiên Chúa làm người. Nhưng Thiên Chúa không chỉ làm người như chúng ta mà còn làm người với chúng ta và giữa chúng ta.

I. Ngôi Lời nhập thể hội nhập mà vượt qua:

Nhập thể cũng là hội nhập.

Người ta có thể hình dung một cách làm người khác có vẻ “xứng đáng” hơn: Con Thiên Chúa tự tạo cho mình xác phàm của mình, với tuổi tác, vóc dáng trưởng thành trên một đỉnh núi cao nào đó rồi xuống núi, đến với loài người. Như một “người hùng”. Hay còn hơn nữa, như một siêu nhân. Nhưng mầu nhiệm nhập thể đã không diễn ra như thế. Con Thiên Chúa làm người nhưng không muốn làm người hùng, cũng chẳng muốn làm siêu nhân. Nhập thể cũng là nhập cuộc “hết mình”. Nhập thể là “sinh bởi lòng trinh nữ Maria”. Cũng thành thai, cũng chín tháng thành hình dần dần trong dạ mẹ rồi sinh ra bé bỏng, chỉ sống được trong vòng tay mẹ và với sữa mẹ. không được cả như chú gà con, mổ vỏ trứng ra ngoài là có thể tung tăng, vẫn cứ kiếm sống được nếu không có gà mẹ. Ngài “trở thành giống hẳn người ta” (Pl 2: 7) kể cả “thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta” (Rm 8: 2) thậm chí chịu liên đới với loài người mà trở thành “sự tội” (2Cr 5: 21), tuy chính Ngài “vô tội, vô tỳ” (Dt 7:26; 4:15) và “không hề biết tội là gì” (2Cr 5: 21; Ga 8: 46; 1Ga 3: 5).

“Sinh bởi lòng trinh nữ Maria” cũng không chỉ là chấp nhận làm con cháu nguyên tổ Adam như mọi người, mà còn gia nhập một dân tộc, một dòng dõi như mọi người. Ngài “sinh tự dòng giống Đavit” (Rm 1: 3, 2Tm 2: 8), “là chồi lộc, là dòng giống Đavit” (Kh 22: 16), “con Đavit, con Abraham” (Mt 1: 1), “miêu duệ của Abraham” (Gl 3: 16) “thuộc về họ các tổ phụ” (Rm 9: 5). Nghĩa là cũng chấp nhận cả những khuôn mặt không tốt lành gì trong dòng dõi tổ tiên mình. Khỏi cần điểm mặt làm gì các ông có tên trong gia phả theo Luca và gia phả theo Mat-thêu. Riêng gia phả ở dầu Tin Mừng theo Mattheu nhắc tới vỏn vẹn 4 bà thì đến 3 bà chẳng quý hóa gì: “Giuđa sinh Pharê và Zara bởi Thamar”, một bà góa đã giả làm gái điếm trong một vụ loạn luân nhiều tình tiết ly kỳ mà Sách Sáng Thế 38: 6-30 kể lại khá rõ. “Salmôn sinh Booz bởi Rahab”, bà này là gái điếm chính hiệu ở Giêrikhô lại còn làm nội gián cho địch (Gs 2:1-21; 6:22-25). “Booz sinh Giôbed bởi bà Rut”. Bà này tạm kể được là “người đàn bà đức hạnh” (R 3:11) duy nhất trong bốn bà, chỉ có cái tội nghèo mạt rệp phải nhờ mẹ bày mưu tính kế cho mới kiếm được một tấm chồng. Còn “Đavit sinh Salomôn bởi vợ của Uria”, thì Bethsabê này lại chỉ quá nổi tiếng vì một vụ ngoại tình – sát nhân đã khiến cho Đavit về sau phải khóc nửa đời chưa hết nước mắt ăn năn (2Sm 11: 1-12, 25).

Hội nhập mà vượt qua.

Do đó, trong mọi sự, Ngài đã nên giống anh em Ngài” (Dt 2:17). Nhưng Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người không chỉ là Mầu nhiệm Nhập Thể mà còn là Mầu Nhiệp Vượt qua. Làm người là để rồi chết-sống lại và đưa con người vượt qua, chết đi trong thân phận tội lỗi, sống lại trong đời sống mới. Trước khi “Giờ ấy đến thì cuộc đời Chúa Giêsu cũng đã vừa là hội nhập, vừa là vượt qua”.

Sắp đến buổi lâm bồn” nhưng vì có lệnh kiểm tra của hoàng đế Augustinô, khi mọi người đều đi đăng tên sổ bộ, ai về thành nấy, “Maria đã phải theo” Giêsu thuộc xứ Galilê cũng từ Nazareth lên xứ Giuđê, tới thành của Đavit, gọi là Bêlem vì ông thuộc về nhà và dòng họ Đavit để đăng tên sổ bộ. “Có thể nói là từ trong dạ mẹ, Chúa Giêsu đã “hội nhập”. Nhưng “đang khi ông bà ở đó, thì đã mãn những ngày thai nghén, đến buổi lâm bồn, và bà đã sinh con đầu lòng, lấy tã vấn con, và đặt nằm trong máng cỏ, bởi vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ. “Không có chỗ trong quán trọ” phải chăng là dấu hiệu cho cả cuộc đời sau này của ”Con Người không chỗ ngả đầu, tuy chồn có hang, chim trời có tổ” (Mt 8:20). Hội nhập, nhưng không thể lập căn cứ địa hay đóng đô ở trần gian này.

30 năm ẩn dật ở Nazareth cũng là thời gian hội nhập hẳn hiên và lâu dài nhất đến nỗi sau đó người ta chỉ biết Ngài như là “con bác thợ mộc” (Mt 13: 55). Nhưng ngay giữa thời gian ấy, vẫn đã có “sự cố” năm lên 12 tuổi, theo cha mẹ đi Giêrusalem dự lễ Vượt qua, Ngài ở lại trong Đền thờ khiến cha mẹ phải hốt hoảng đi tìm. Cuối năm 1965, khi trên đường về Việt Nam tôi ghé Montréal mấy tuần thì đã được gia đình người bạn đưa tới dự một buổi lễ “thành nhân” trong một hội đường Do thái giáo. Một thiếu niên cỡ tuổi 12, 13 đứng trước hội đồng các giáo sĩ để chịu sát hạch giáo lý cả tiếng đồng hồ. Qua được cuộc sát hạch này, cậu thiếu niên mới được kể là trưởng thành. 12 tuổi, Chúa Giêsu ở lại Giêrusalem hẳn vì một buổi “khảo bổn” như thế. Cho nên khi tìm được Ngài, Maria và Giuse mới “đã gặp được Ngài trong Đền thờ, ngồi giữa các tiến sĩ mà nghe và hỏi họ. “ không phải tự dưng mà các ông tiến sĩ lại cho một cậu bé ngồi giữa họ như vậy được. Và chắc là cậu bé 12 tuổi đã không chỉ có những câu trả lời “thuộc lòng” và rập khuôn cho nên “mọi kẻ nghe Ngài đều sửng sốt về trí thông minh và các lời Ngài đối đáp”. Đến lượt cha mẹ Ngài cũng không hiểu nổi cách Ngài trả lời: “thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao” (Lc 2: 41-50). “Phải ở lại nơi nhà Cha” vừa vì có buổi khảo hạch theo tục lệ, vừa vì là Con Thiên Chúa, Ngài hội nhập nhưng không chỉ hội nhập.

Càng vượt qua trong 3 năm rao giảng Tin Mừng.

3 năm rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu vẫn hội nhập nhưng đồng thời lại phải vượt qua hơn bao giờ hết. Hội nhập, Ngài không tạo ra những điều kiện, phương tiện gì đặc biệt cho mình để rao giảng. Ngài làm phép lạ để cứu người nhưng không nói nhiều thứ tiếng, không “nói tiếng lạ”. Ngài không làm phép lạ cho riêng mình được nhờ. Trên đường lên Giêrusalem, thầy trò định ghé vào một làng người Samari nghỉ chân, không được họ đón tiếp nhưng Ngài không “khiến lửa trời giáng xuống mà tiêu diệt họ” như Giacôbê và Gioan yêu cầu (Lc 9: 51-56). Ngài không hóa phép để có máy khuếch âm hay để có gì tương tự. Như khi Ngài “tụ lại lên tiếng giảng dạy ở ven biển, dân chúng bên Ngài rất đông”. Đứng giữa đám đông như thế khó mà nói cho mọi người nghe được. Ngài chỉ làm như ai cũng có thể làm được là “xuống đò mà ngồi ngoài biển, còn dân chúng tất cả thì ở trên đất, ven bờ biển” (Mc 4:1; Mt 13:1). Có khoảng cách để dễ nghe được hơn và không chừng còn có thể nhờ được cả gió biển đưa tiếng nói vào bờ. Ngài không đi lại nhanh hơn người đồng thời, tuy phải rao giảng Tin Mừng hết chỗ nọ đến chỗ kia. Tại Galilê rồi tại Giêrusalem, chỉ toàn đi bộ, đi ngựa cũng không. Chỉ trừ hôm vào thành Giêrusalem trên lưng một con lừa (Mt 21: 7). Sau này với những cuộc hành trình bằng tàu, thuyền nhiều lần dọc theo bờ biển địa trung hải, hẳn thánh Phaolo đã đi nhiều dặm đường gấp mười lần Chúa Giêsu. Nói chi đến Đức Gioan Phaolo II với những chuyến bay đến khắp cùng thế giới kể được là bằng vài lần đi về mặt trăng. Nhưng thời gian tất cả các cuộc hành trình của Thánh Phaolo hay của các chuyến bay của Đức Gioan Phaolo II cộng lại chưa hẳn đã bằng thời gian rong ruổi đừng dài của Chúa Giêsu. Và rong ruổi đường dài với những lúc như khi “đến một thành Samari, gọi là Sikhar, cạnh bên thửa đất Giacob đã cho Giuse con ông, ở đó có giếng Giacob, mỏi mệt vì đường sá, nên Đức Giêsu ngồi phệt xuống bên giếng” (Ga 4: 5-6).

Hội nhập đến như thế nhưng Chúa Giêsu vẫn không ngại vượt qua tất cả vì Tin Mừng và để cho ai thấy Ngài là “đã thấy Cha” (Ga 14: 9). Ngài không thể hội nhập vào giới Biệt phái, “những kẻ tin rằng mình là công chính và khinh miệt người khác”. Trái lại, Ngài đề cao mẫu người thu thuế “đứng lẻn đàng xa, không dám ngước mắt lên trời, nhưng đấm ngực mà rằng: “lạy Thiên Chúa, xin khấng thương tôi là đứa tội lỗi!” (Lc 16: 9-13). Ngài không ngại cùng với các môn đồ bị họ chê trách là “ăn uống với quân thu thuế và tội lỗi”. Không oan vì trước đó Ngài đã để cho “một người thu thuế tên là Lêvi ( ) làm tiệc lớn đãi Ngài tại nhà ông; đồng bàn với Ngài có đám đông những người thu thuế và nhiều người khác” (Lc 5: 29-32). Sau đó Ngài lại đã từng gọi ông thuế vụ Zakkhê từ trên cây sung xuống để về nhà tiếp đón Ngài (Lc 19: 1-9). Cho nên giới Biệt phái coi Ngài là kẻ thù không đội trời chung và chỉ tìm cách triệt hạ Ngài.

Nộp thuế hay không nộp thuế.

Nhưng chuyện nộp thuế hay không nộp thuế cho Hoàng đế mà họ bày ra lại thành cơ hội để Ngài tỏ rõ hơn bao giờ hết thái độ hội nhập-mà-vượt qua của Ngài.

Nhóm Biệt phái bày “mưu để làm Ngài lỡ lời mắc bẫy họ sai đến với Ngài môn đồ của họ cùng với phe cánh Hêrôđê”, những kẻ phò tá quyền hành và vì vậy cũng ủng hộ người Rôma tuy chính họ thì vẫn coi ách thống trị Rôma như một hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên dân Do thái. Những kẻ đối nghịch với nhau về chính trị như thế lại sẵn sàng đứng chung một chiến tuyến để tìm cách triệt hạ Đức Giêsu.

Các người ấy nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay thật, và Thầy dạy đường lối Thiên Chúa một cách chân thành; Thầy không bận tâm vì người này người nọ, vì Thầy không có thói coi mặt đặt tên”. Coi Ngài như một chú nai con, tán tỉnh chán rồi họ mới giương bẫy, hỏi Ngài:“Vậy xin nói cho chúng tôi hay: Thầy nghĩ thế nào? Được phép nộp thuế cho Hoàng đế hay không?

Cái bẫy là ở chỗ họ tưởng trả lời thế nào cũng tai hại cho Ngài. Trả lời là hãy nộp thuế thì những người Biệt phái vẫn chống lại ách đô hộ sẽ sẵn sàng chụp mũ “tay sai đế quốc” để xô đổ uy tín của Ngài đối với dân chúng. Còn trả lời là đừng nộp thuế thì lại sẵn “phe cánh Hêrôđê” đại diện cho tầng lớp thống trị dựa hơi Đế quốc Rôma đứng đó để chụp cổ một kẻ xúi dân làm loạn “đem nộp cho nhà chức trách có thẩm quyền là tổng trấn” (Lc 20: 20)

Nhưng “thấu suốt lòng hiểm ác của họ, Đức Giêsu nói: “tại sao lại đánh bẫy ta? Đồ giả hình! Đưa Ta coi đồng tiền thuế!” Họ đem đến cho Ngài một đồng quan. Và Ngài nói với họ: “Của ai đây, hình này và chữ khắc đây?” Họ nói: “Của Hoàng đế”. Bấy giờ Ngài bảo họ: “Vậy thì hãy trả của hoàng đế cho hoàng đế; và của Thiên Chúa cho Thiên Chúa. “Nghe thế, họ kinh ngạc, rồi bỏ Ngài lại, họ đi ra” (Mt 22:15-22).

Các gút của chuyện thường được coi là ở nửa câu hỏi “phản công”: “của ai đây, hình này?” Đức Giêsu đã chỉ khéo lợi dụng cái thực tế là đồng quan mang sẵn hình hoàng đế, để bằng lối trả lời ấm ớ, tránh né được cạm bẫy và giải vây cho mình? Nhưng nếu chỉ có vậy thì phần câu “Hãy trả của Thiên Chúa cho Thiên Chúa” trở thành không cần thiết, thừa thãi, lạc đề. Hay ít ra phải nói đó là một lời giảng “ăn theo”, gỡ gạc. Và sẽ khó hiểu được phản ứng cuối cùng của bọn người đã hùa nhau đến gài bẫy Ngài. Nếu chỉ là một câu trả lời khôn khéo thì bọn họ chỉ phải ngẩn người ra, cụt hứng hay bực bội. Tại sao lại phải kinh ngạc, hay “rất đỗi kinh ngạc về Ngài”?

Tin Mừng theo Thánh Marcô không hề phải ghi nhận một sự kinh ngạc như thế trong những hoàn cảnh tương tự. Như khi Đức Giêsu đã phá một cái bẫy khác: “họ rình xem ngày Hưu lễ Ngài có chữa người (có tay bại) không” (Mc 3: 1-6). Hoặc trước chuyện nộp hay không nộp thuế này cho hoàng đế, khi họ chất vấn Ngài: “Quyền đâu mà ông làm các điều ấy?” (Mc 11: 27-33). Hoặc sau đó, khi những người thuộc bè Sađốc đến hỏi móc họng về vấn đề kẻ chết sống lại (Mc 12: 18-27).

Ở đây phải xem trên đồng quan, ngoài hình “của hoàng đế”, còn có chữ khắc và những biểu tượng gì nữa? Một mặt của đồng quan lúc bấy giờ đúc hình Tibêriô, với nhành nguyệt quế trên đầu, tượng trưng cho thần khí, Mặt sau là hình Livia, Hoàng thái hậu, ngồi trên ngai thần, tay cầm thần trượng. Còn chữ khắc, nếu tiền đưa ra chi Đức Giêsu xem ghi tiếng la-tinh thì như sau: “Tiberius Caesar, divi Augusti Filius Augustus Pontifex Maximus”, Xêda (=hoàng đế) Tibêriô, Con và Thượng thế Uy lih của Augustô Thần thánh (1). Còn nếu là tiền ghi tiếng Hy-lạp thì còn rõ hơn: Hoàng đế Tibêriô, con đáng tôn thờ của Thượng đế đáng tôn thờ.

Như vậy thực tế của đồng quan không phải chỉ là hình Hoàng đế mà còn là tất cả sự thật thánh hóa Xêda, đương kim Hoàng đế, Tiên đế, Hoàng thái hậu, mũ mão, gậy ngai, tất cả. Hoàng đế không chỉ là hoàng đế. Đồng tiền Rôma mang theo sự ngạo nghễ của Đế quốc thống trị đã đành, mà còn là một sự khiêu khích đối với tinh thần tôn giáo thâm sâu và chính đáng của dân Do thái.

Nhìn rõ cái thực tế của đồng quan Rôma như thế mới thấy Đức Giêsu không phải biểu diễn một ngón võ tránh đòn cho dẫu là tinh vi, ngoạn mục. Ngài không tránh đòn cho bằng lấy thế vững chắc và cương quyết hơn bao giờ hết trên chân đứng của Ngài để gạt bọ sự đồng hóa Hoàng đế với Thượng đế.

Vượt lên trên những mưu tính thiển cận của bọn người thù ghét Ngài và giữ đúng cương vị tôn giáo của Ngài, Đức Giêsu khơi dậy tinh thần tôn giáo cốt thiết mà dân chúng Do thái vẫn có và đáng lý ra bọn họ cũng phải có, nhất là những người biệt phái vẫn ỷ mình trung thành với Thiên Chúa hơn số đông. Ngài đặt lại vấn đề cho họ, vấn đề thái độ tôn giáo. Không phải việc của Ngài là lựa chọn một thái độ chính trị giùm cho họ, thay cho họ (theo hay chống Đế quốc Rôma). Chính họ vốn quen sử dụng đồng quan của Hoàng đế tức là đã mặc nhiên chấp nhận uy quyền của Rôma thì họ “hãy trả của Hoàng đến cho Hoàng đế” đừng bày trò ỡm ờ hỏi lui hỏi tới nữa. Nhưng vì đã nhân danh Thiên Chúa mà đến, Ngài lại tự cho mình đủ thẩm quyền để nhắc nhở và xác định với họ: “hãy trả của Thiên Chúa cho Thiên Chúa”.

Nhắc nhở và xác định như thế chẳng qua chỉ là đặt họ lại trước Giới luật thứ nhất trong thập điều. Đức Giêsu cho trả lại đồng quan của Đế quốc Rôma, không ngăn cản người ta nộp thuế vì không phải việc của Ngài là ngăn cản hay không ngăn cản. Và nộp thuế cũng là sự hội nhập cần thiết. Nhưng hội nhập không phải là tất cả. Nói cho ngay, Ngài đã chỉ cho phép nộp trả một nửa, một phần đồng quan kia thôi. Ngài khuyến cáo đồng bào của Ngài không được nộp thuế với trọn cả đồng quan. Ngài dứt khoát phủ nhận tất cả những biểu tượng, ký hiệu thần thánh trên đồng quan, đòi lại những gì thánh thiêng cho Thiên Chúa. Hoàng đế hãy cứ làm Hoàng đế nhưng phải thôi đòi làm Thượng đế.

Trong bối cảnh cụ thể như vậy phần câu “hãy trả của Thiên Chúa cho Thiên Chúa” lại là quả quyết chính yếu và đầy đủ thẩm quyền nhất của Đức Giêsu, chứ không phải là phần trước. Và như thế câu trả lời của Đức Giêsu hoàn toàn không phải là một thứ chân lý lẩn thẩn, và càng không phải là một lời giảng “ăn theo”, gỡ gạc. Đây là cả một thái độ phản kháng quyết liệt và bất ngờ trước mắt bọn người đã kéo nhau tới mưu hại Ngài. Quả có gì thật đáng khiến họ phải “rất đỗi kinh ngạc”. Vấn đề họ nêu lên cho Ngài trở thành thứ yếu. Họ giăng bẫy hại Ngài như Ngài không chỉ tìm cách thoát thân. Ngài giữ thế thượng phong và chủ động chỉ cho họ thấy chính họ đang sa lầy trong sự nhập nhằng giữa đòi hỏi tuyệt đối tôn thờ Thiên Chúa duy nhất và những chọn lựa, những nghĩa vụ chính trị dẫu sao vẫn chỉ là tương đối và Ngài không có sứ mệnh chỉ đạo. Hội nhập, Ngài dạy cứ nộp thuế cho Hoàng đế, “Hãy trả của Hoàng đế cho Hoàng đế”, nhưng vẫn phải vượt qua những sai trái thế gian: “Hãy trả của Thiên Chúa cho Thiên Chúa”,

Ngày nay vẫn chỉ có một người như thế.

Hội nhập vào dân tộc của Ngài, nhưng Chúa Giêsu lại dứt khoát và triệt để vượt qua cái phi nhân trong văn hóa của dân tộc, cho dẫu là văn hóa truyền thống. Chuyện thời sự gần đây khiến phải nhớ đến một cuộc đối đầu giữa Ngài với giới Biệt phái còn tiêu biểu hơn nữa.

Ngày 26.3.2002, các quan chức Nigiêria cho biết tòa án tối cao đã trả tự do cho bà Safiya Hussaini sau khi tuyên bố bà được trắng án vì cho rằng bà đã bị cưỡng hiếp chứ không phải ngoại tình. Đây là lần đầu tiên tại Nigiêria, án tử hình đối với tội ngoại tình do tòa sơ thẩm tuyên bị đảo ngược ở tòa án cấp cao hơn.

Thế nhưng cùng ngày 26.3.2002, một phụ nữ khác, bà Amina Lawal Kurami dù đang mang thai vẫn bị tòa án sơ thẩm kết án tử hình vì tội ngoại tình. Bà Kurami có 30 ngày để kháng án. Tuy nhiên, việc thi hành án sẽ được hoãn lại 8 tháng sau khi bà sinh con.

Cũng theo luật hồi giáo Sharia, người đàn bà ngoại tình bị xử tử bằng cách bị ném đá cho đến chết (SGGP 27.3.2002, tr.8).

Người ta tha mạng cho bà Hussaini chẳng qua chỉ vì áp lực của dư luận quốc tế. Hằng trăm ngàn hay hằng triệu người đã ký thư yêu cầu Chính phủ Nigieria khoan hồng. Nhưng người ta vẫn cứ làm nô lệ cho Luật lệ bất nhân, đặc biệt là đối với phụ nữ. Phụ nữ không phải là con người, chỉ là vật sở hữu của cha mẹ rồi của chồng. Đàn ông ngoại tình đâu có bị xử như thế. Để chiều theo dư luận quốc tế mà buông tha một phụ nữ ngoại tình, người ta phải bày ra chuyện “bị cưỡng hiếp chứ không phải ngoại tình” nhưng anh đàn ông cưỡng hiếp hay ngoại tình vẫn không bị luật lệ và tòa án đụng tới.

Vẫn cứ làm nô lệ cho luật lệ cho nên người ta vừa phải bày cớ để buông tha người phụ nữ này lại vừa kết án tử hình một người phụ nữ ngoại tình khác. Tháo còng sắt cho người phụ nữ kia mà không tháo được còng luật lệ bất nhân cho bà, cho chính họ hay cho ai cả. Một vòng luẩn quẩn mà người ta không thoát ra được, tuy nhân loại gọi là văn minh, tiến bộ đã bước qua thế kỷ 21.

Chuyện thời sự trên càng làm nổi bật ý nghĩa và tầm vóc phi thường của một chuyện đã xảy ra 2000 năm trước như được kể lại trong Tin Mừng theo Thánh Gioan 8,1-11.

“Ký lục và Biệt phái dẫn đến một phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang và bắt đứng giữa đám. Họ nói với Ngài: “Thưa Thầy, phụ nữ ngoại tình này bị bắt tại trận. Trong lề luật, Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà như thế. Vậy Thầy dạy sao?”

Cả đám ấy đã là cái vòng luẩn quẩn vừa vây quanh người đàn bà ngoại tình vừa muốn đem luật lệ bủa vây chính Đức Giêsu. Họ đinh ninh là Ngài không thể nào thoát được vòng vây ấy. Nói chi người phụ nữ. Họ chỉ không biết hay làm như không biết là chính họ mới bị vòng vây luật lệ vây kín hơn ai hết,.

“Còn Đức Giêsu thì Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Bởi họ cố riết hỏi ngài, thì Ngài ngẩng lên và bảo họ: “Trong các ông, ai vô tội thì hãy ném đá trước hết người này đi!” Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất. Họ nghe thế rồi, thì kẻ trước người sau họ rút lui hết, các kẻ cao niên dẫn đầu, mà để lại một mình Ngài, và phụ nữ kia đứng ở giữa. Ngẩng đầu lên Đức Giêsu nói với bà ấy: “Bà kia, họ đâu rồi? không ai xử tội ngươi sao?” Người ấy đáp: “Thưa Ngài, không ai cả!” Đức Giêsu lại nói: “Ta cũng không xử tội ngươi đâu! Đi đi! Và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

Không phải hằng trăm ngàn người mà cũng không có được một người nào đã lên tiếng can thiệp cho người đàn bà ngoại tình hoặc xin Đức Giêsu can thiệp. Kể cả trong đám đông dân chúng đang nghe Ngài giảng dạy. Ngài lại không cần gỡ tội cho người đàn bà bằng cách bảo là bà ta chỉ bị cưỡng hiếp chẳng hạn. Ngài trực diện với tội ngoại tình của bà ta, trực diện với lề luật, trực diện với đám Ký lục và Biệt phái đang đem lề luật tới bắt bí Ngài. Trực diện tuy “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Đố ai biết Ngài viết gì mặc dù đây là lần duy nhất bốn Tin Mừng nói với chuyện viết lách của Đức Giêsu. Hay đúng hơn viết mà không lách, không để lách. Bởi khi họ cố riết hỏi Ngài, thì Ngài ngẩng lên và bảo họ: “Trong các ông, ai vô tội thì hãy ném đá trước hết người này đi!” Cả trăm ngàn người trên thế giới đã bênh đỡ cho Hussaini nhưng không một ai đã dám đưa ra một câu thách thức như thế. Giả sử có người dám làm như thế thì ở nước Nigiêria kia vẫn không thiếu người cứ ngang nhiên ném đá bà ta. Ai chứng minh được là họ không vô tội? và cho dù có ai chứng minh được là họ có tội đi nữa, luật lệ vừa không đòi phải trừng phạt họ vừa không cấm cản họ trừng phạt người phụ nữ ngoại tình. Ngay ở đầu thế kỷ 21 này.

Uy lực nào nơi Đức Giêsu đã khiến đám ký lục và biệt phái kia “nghe thế rồi, thì kẻ trước người sau họ rút lui hết, các kẻ cao niêm dẫn đầu, mà để lại một mình Ngài, và phụ nữ kia đứng ở giữa?” Uy lực nào nơi Đức Giêsu đã không cho phép họ mặc dù không vô tội cứ được ném đá người đàn bà ngoại tình vì luật lệ vẫn cho phép? Trước và sau lời thách thức kia, Đức Giêsu vẫn “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Nhưng lời thách thức kia đã như một hòn đá vô hình được ném ra trúng thẳng cả vào tim đen bọn người chỉ chực ném đá lẫn vào luật lệ cho phép họ ném đá.

Rồi sẽ có một ngày khi “Đức Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha” (Ga 13:1), Ngài sẽ để cho họ tha hồ lớn tiếng đòi đóng đinh Ngài trên thập giá. “Chúng tôi có luật, và chiếu theo luật ấy thì nó phải chết, vì nó đã cho mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19: 7). Vẫn cứ là luật lệ khi Ngài tự nguyện làm nạn nhân hơn ai hết của lề luật. Nhưng từ hôm nay cho đến ngày ấy họ sẽ không còn dám đưa một người đàn bà ngoại tình nào khác tới mà đòi nhân danh luật lệ ném đá trước mặt Ngài. Không có một bà Kurami trước mặt Ngài.

Còn bà Hussaini 2000 năm trước thì Đức Giêsu lại nói với bà ấy: “Ta cũng không xử tội ngươi đâu!”. Không xử tội chứ không phải không thấy ra tội nữa. Vẫn trực diện với người-đàn-bà-ngoại-tình-là-người-đàn-bà-ngoại-tình mới có được lời mời gọi “Đi đi! Và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Sau khi cả đám ký lục và Biệt phái đã phải cúi gầm mặt xuống mà rút lui hết thì người phụ nữ ngoại tình là con người duy nhất hôm đó đã không phải lủi thủi ra về. Ra về, là một con người mới. Bà đã được Đức Giêsu cho sống lại. Còn hơn Lazarô.

Thường thì không ai xem là có phép lạ trong câu chuyện Ga 8: 1-11 như trên. Nhưng thật ra đây lại đáng kể là phép lạ lớn lao nhất. Các phép lạ khác thì những người như các Ký lục và Biệt phái vẫn cứ có thể không tin hoặc bán tín bán nghi mà giải thích này nọ. Ảo thuật hay thậm chí tà thuật: “Ông ấy có trừ quỷ được chẳng qua là nhờ Bêelzêbul đầu mục các quỷ!” (Mt 12: 24). Còn bây giờ? Khi chính họ phải khuất phục trước uy lực kia của Đức Giêsu. Khi họ cảm nhận rằng cái nhìn của ngài bao quát quá khứ của họ, thấu suốt tâm can họ. Khi Ngài trừ được cả quỷ là luật lệ bất nhân mà họ sùng bái. Khi Ngài đã làm được điều mà 20 thế kỷ sau cả một chính phủ Nigiêria không làm được.

Mãi đến đầu tháng 11.2002 người ta mới thấy “Ngoại trưởng Nigiêria Dubem Onyia tuyên bố chính phủ nước này sẽ ngăn cản tòa án Hồi giáo thực hiện luật ném đá đến chết những phụ nữ có quan hệ ngoài hôn nhân, theo luật Hồi giáo Sharia.Ông nói chính phủ sẽ không làm ngơ khi quyền công dân bị chà đạp và sẽ không còn một phụ nữ nào bị ném đá đến chết vì tội này nữa. Chỉ tiếc là chính phủ Nigiêria cuối cùng “không làm ngơ” được nữa không hẳn vì “quyền công dân bị chà đạp” mà chỉ vì quyền…tổ chức cuộc thi hoa hậu thế giới bị đe dọa! Sắp đến ngày tổ chức cuộc thi (6.12) “mà đã có đến hoa hậu 9 nước tẩy chay nếu như tòa án Hồi giáo nước này thực hiện bản án ném đá đến chết một phụ nữ 31 tuổi có con nhưng không công bố tên cha đứa bé. Người phụ nữ này đang lẩn trốn để chờ tòa phúc thẩm tuyên án theo lời thỉnh cầu của cô”. Còn đáng tiếc hơn nữa: Tổng thống Nigiêria được bầu từ 1999, ông Obasanjo “chưa bao giờ can thiện vào luật Hồi giáo đang được áp dụng tại 12 bang của quốc gia này, một phần vì ông là người theo đạo Thiên Chúa, một phần vì lo ngại mất phiếu từ các cử tri theo đạo hồi” (chiếm gần nửa dân số của một quốc gia 120 triệu dân này) (SGGP 11.11.2001, t.8). Vì “tế nhị” hay vì ngại mất phiếu thì vẫn là chỉ hội nhập văn hóa như một kẻ nô lệ chứ không phải như một con người tự do để còn biết và dám vượt qua.

Khi vượt qua mà phải chấp nhận cả sự chia rẽ

Cũng vì không chỉ hội nhập mà còn phải vượt qua, Chúa Giêsu đã không ngại có những lời dạy “chướng tai quá, ai mà nghe cho nổi” (Ga 6: 60). Như khi ngài quả quyết: “Anh em nghĩ: Ta xuất hiện để ban binh an trên mặt đất ư? Không đâu! Ta bảo anh em, không gì khác ngoài sự chia rẽ!

Nhưng quả là Đức Giêsu chỉ biết loan báo, rao giảng Tin Mừng.

Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng là đọc lên Tín thư của Cha ngay từ thế giới, xã hội, cuộc sống xung quanh mình.Hãy coi chim trời…Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem…Huống chi là anh em…Vậy anh em chớ lo…Cha anh em, Đấng ở trên trời, biết rõ anh em cần đến các điều ấy. Hãy tìm kiếm Nước Trời trước đã…” (Mt 6: 25-34). Nước mắt người phụ nữ tội lỗi trong châu thành là lòng cảm mến nhiều nhất đáp lại ơn tha thứ nhiều hơn cả (Lc 7: 36-50). Hai trinh của bà góa nghèo cũng lại là tiền cúng quý hơn cả (Lc 21: 1-4).

Chúa Giêsu đã mở mắt trước cuộc sống, ngài loan báo Tin Mừng với và qua những gì Ngài thấy hàng ngày. Ngài thường “lấy ví dụ mà dạy dỗ nhiều điều”, nhưng ví dụ không phải là chuyện trên mây, không dính dấp gì tới cuộc sống. Gieo giống, tìm con chiên lạc hay đồng tiền rơi mất, phân chia chiên khỏi dê, lựa cá, muối lạt đi, cỏ lùng lẫn với lúa tốt đều đã là chuyện đời thường.

Các ví dụ còn chứng tỏ Chúa Giêsu rất gần gũi, quen thuộc thực tại xung quanh Ngài, thời Ngài. Người nông dân Việt Nam có thể cho là việc gieo giống mà giống có thể rơi dọc đường, rơi vào đất đá, vào gai góc (Mc 4: 1-9) là chuyện tưởng tượng: gieo trên ruộng đã được cày sâu cuốc bẫm thì làm gì còn có những rủi ro như thế được. Nhưng người nông dân đồng bào của Chúa Giêsu, thời Ngài, lại quen gieo trước, cày sau! Tìm ra con chiên lạc tại sao phải “quàng nó trên vai” mà về (Lc 15: 4-6)? Đây lại là một nét đời thường trong vùng: con chiên lạc bầy đã chạy cùng khắp cho đến khi kiệt sức nằm dài, gặp lại chủ nó cũng không còn hơi sức để bò dậy và tự đi theo chủ được nữa. Nhất là con chiên lạc trong mạch văn Mát-thêu và Luca bé nhỏ, ốm yếu chứ không như trong Tin Mừng của Tôma được “thổi” lên thành con chiên to béo và quý nhất đàn! Đồng bạc đánh mất đáng phải tìm cho bằng được (Lc 15: 8-10) vì thuộc về của hồi môn người đàn bà Do Thái đem theo về nhà chồng và đeo cả chuỗi đồng bạc, đồng vàng (nếu là nhà giàu) như nữ trang trên…trán. Và phải chong đèn mà tìm vì nhà thường chỉ có một cửa nhỏ, thấp, ban ngày cũng chẳng có bao nhiêu ánh sáng lọt vào. “Như người chăn chiên tách chiên ra khỏi dê (Mt 25: 32)? Khi đưa bầy thú đi ăn thì người ta chăn chung chiên với dê, nhưng chiều đến, người ta lại phải tách chúng riêng ra vì chiên có thể ngủ ngoài trời lạnh được còn dê thì không. Tại sao nhặt cỏ lùng mà phải lo “lại nhổ lúa cả rễ luôn” (Mt 13: 29)? Thứ cỏ lùng độc này (Lolium temulentum) về mặt thực vật học rất gần loại lúa mì nhiều tóc và bắt đầu mọc lên trông rất giống cây lúa mì non. Kéo lưới cá lên bãi, tại sao còn có việc “ngồi đó, lựa thứ tốt thì bỏ giỏ, mà thứ dở thì quăng ra bên ngoài” (Mt 13: 48)? Dân chài nào lại thừa hơi dư của để làm như vậy? Nhưng người Do Thái cứ có thứ dở phải lựa ra mà bỏ đi vì ”phàm vật nào không vây, không vẩy, ở biển hay ở sông,..là vật kỵ” theo sách Lêvi (11: 9-12). Vật dưới nước mà không vẩy, trông giống như rắn chẳng hạn, thì khỏi được ăn: “Ai có con xin cá mà lại cho nó rắn ư?” (Mt 7: 10). Ngoài ra người Do Thái thời đó không biết ăn một số loài vật sống dưới nước như cua còng. Lựa thứ dở bỏ đi là công việc bình thường.

Nhiều ví dụ khác có tính cách truyện kể thì hẳn đã liên quan tới những biến cố thời sự: Người quản lý bất lương (Lc 16:1tt), gia chủ để nhà bị đào ngạch (Mt 24: 43), người phú hộ ngốc nghếch (Lc 12: 13-21), người Samari nhân hậu (Lc 10: 30-36), người cha nhân hậu và đứa con đi hoang (Lc 15:11tt), mười người trinh nữ vv…Không kể khi Chúa Giêsu trực tiếp đối diện với một biến cố thời sự mà kêu gọi người ta thay đổi cách nhìn và lối sống, hối cải. Như khi “có ít người đến báo tin cho Ngài về những người Galilê bị Philatô giết, máu đổ hòa với lễ tế của họ” (Lc 13: 1tt).

Nhập thể cũng là nhập thế. Chúa Giêsu không rao giảng Tin Mừng từ bên ngoài cuộc sống, bên lề lịch sử. Tin Mừng là Tin Mừng hội nhập. Tuy vậy Ngài lại vẫn “không thuộc về thế gian” (Ga 17: 14) và Lời Ngài lại không hề buông xuôi hay buông trôi theo dòng Lịch sử. “Anh em đã nghe bảo rằng…Còn Ta, Ta bảo anh em…” (Mt 5:21.27,31,33,38,43). Bản thân Ngài là Tin Mừng và Lời Ngài vẫn là Tin Mừng. Hội nhập nhưng tự bản chất Tin Mừng vẫn là Tin Mừng Vượt qua.

Loan báo Tin Mừng thì không phải là quảng cáo, chào hàng hay “tiếp thị”. Loan báo Tin Mừng không phải là thuyết khách hay tuyên truyền. Tin Mừng đích thực là Tin Mừng, cũng vì không phải để “nghe rồi bỏ”. Tin Mừng bật rễ con người, xáo trộn cuộc đời. Chí ít thì cũng như Tin Mừng mời đi dự tiệc, đòi hỏi phải dẹp qua một bên việc đi thăm ruộng mới tậu, đi thử năm cặp bò mới mua và cả việc yên ổn ở nhà với vợ mới cưới (Lc 14: 16-24).

Chúa Giêsu xuất hiện không phải để thêm một anh gác cổng bảo vệ sự yên ổn, ổn định giả tạo hay dối trá của con người. Ngài đến là không để ai yên. Thậm chí Ngài đem lại “sự chia rẽ”. Vì Tin Mừng là “hãy tìm kiếm Nước Trời trước đã và sự công chính của Thiên Chúa” (Mt 6: 33). Cho nên phải lựa cho họ. Lựa chọn dứt khoát và triệt để. Lựa chọn thì không thể chỉ có việc hội nhập, không thể tránh được sự từ bỏ, “sự chia rẽ”.

“Từ nay trong nhà có năm người, họ sẽ chia rẽ với nhau: cha với con, con với cha, mẹ với con gái, con gái với mẹ, mẹ chồng với con dâu, con dâu với mẹ chồng”. Chia rẽ vẫn là vì phải chọn lựa, có khi phải chọn lựa: “Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta. Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta, ắt không xứng với Ta” (Mt 10: 37). Trong Luca, theo ngôn ngữ Cựu ước, còn là: “kẻ nào đến với ta mà không ghét cha mẹ, vợ, con cái, anh em mình và cả mạng sống mình nữa, ắt không thể làm môn đồ của Ta” (Lc 14: 26).

Và cả mạng sống mình nữa. “Chia rẽ” theo Tin Mừng thật ra đâu phải bắt đầu với người thân mà với chính bản thân mình. Theo Chúa Giêsu là phải “chia rẽ” với Mammon vẫn sẵn chỗ thường trú trong lòng người: “Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6: 24). Cho nên, phàm ai trong anh em không từ bỏ của cải mình đi hết thảy thì không thể làm môn đồ của ta” (Lc: 15, 33). Zakkhê đã hiểu điều đó (Lc 19:1-10). Theo Chúa Giêsu là sẵn sàng “chia rẽ” với tai mắt, mũi họng, tay chân của mình: “Nếu tay anh làm anh vấp phạm thì hãy chặt nó đi, thà cụt tay mà vào sự sống, còn hơn…Nếu chân anh làm anh vấp phạm, thì hãy chặt nó đi, thà anh què chân mà vào sự sống…Nếu mắt anh làm anh vấp phạm, thì hãy móc nó đi, thà anh chột mắt mà vào Nước Thiên Chúa thì hơn…” (Mc 9: 43-47). Và không phải chỉ “chia rẽ” với tay chân, tai mắt mũi họng, mà còn cả với mạng sống mình nữa, “chối bỏ chính mình”. Vẫn cứ vì phải chọn lựa: “kẻ cố tìm sự sống mình thì sẽ mất, còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta thì sẽ gặp lại” (Mt 10: 39).

Chúa Giêsu đã chấp nhận những chọn lựa như thế, “sự chia rẽ” như thế cho chính Ngài. Lên đường rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu chấp nhận “sự chia rẽ” với bà con thân thích của Ngài. Lúc thì “những kẻ thân thuộc của Ngài ra đi để bắt Ngài vì họ bảo: Ông ấy đã mất trí!” (Mc 3: 21). Lúc thì họ hoang mang, ngờ vực “bị vấp phạm vì Ngài” (Mc 6: 3). Và Đức Giêsu phải bảo họ: “Tiên tri mà có bị khinh khi thì chỉ ở nơi quê quán, bà con, nơi nhà mình thôi!” (Mc 6: 4). Còn khi họ tháp tùng thân mẫu Ngài đến tìm Ngài thì Ngài lại xác quyết ưu tiên phải dành cho công việc Nước Trời và quan hệ trong Nước Trời mới đáng kể hơn quan hệ giữa trần thế: “Ai là mẹ Ta và ai là anh em Ta?”, “Rồi nhìn quanh mình các người ngồi vòng quanh Ngài…” (Mc 3: 31-35).

Để không lấp liếm Tin Mừng, Đức Giêsu đã chấp nhận cả sự chia rẽ giữa và với các môn đồ của Ngài. Ba lần báo trước Thương khó đều đã chỉ gây lộn xộn: Phêrô phản ứng bậy bạ (Mc 8: 31-33), các môn đồ lạc lõng “không hiểu” (Mc 9: 30-32), hay còn sinh chuyện tranh giành, gây gỗ nhau (Mc 10: 32-41). Rao giảng về “bánh bởi trời” thì “trong các môn đồ của Ngài có nhiều người nói: “Lời chi mà sống sượng thế! Ai nào có thể nghe nổi” và “từ đó nhiều môn đồ của Ngài đã rút lui, không còn đi theo Ngài nữa”.

“Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” (Mt 11: 5), “tiếp đón quân tội lỗi và cùng ăn với chúng” (Lc 15: 3), Ngài không hội nhập nổi với giới ăn trên ngồi chốc về mặt quyền lực như vua Hêrôđê, “con cáo đó” (Lc 13: 31-32) và “những kẻ có y phục sang quý, sống trong kiều dưỡng ở hoàng cung” (Lc 7:22), về mặt tôn giáo như “các thượng tế, kỳ mục và kinh sư” (Mc 14: 53) và về mặt đạo đức như các ông Biệt phái, “những kẻ tự tin rằng mình là người công chính mà khinh miệt kẻ khác” (Lc 18: 9). Đức Giêsu càng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11: 30) bao nhiêu đối với những kẻ bé mọn thì lại càng nghiêm khắc, “nảy lửa” bấy nhiêu khi Ngài hạch tội giới ăn trên ngồi chốc kia: “Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình…Khốn cho các người, bọn dẫn đàng mù quáng…Khốn cho các người, Ký lục và biệt phái giả hình…”(Mt 23: 13-32), Chúa chiên lành biết gọi tên từng con chiên của mình (Ga 10: 3) thì cũng biết vạch mặt chỉ tên những kẻ “là trộm là cướp”, là “sói” (Ga 10:3-12, xem tt. 217-224), rồi hết “con cáo đó” lại đến “đồ mãng xà, nòi rắn độc” (Mt 23:33).

Như thế, Chúa Giêsu đã không nói quá đáng chút nào: “Ta xuất hiện để ban bình an trên mặt đất ư? Không đâu…” Và cuối cùng là sự chọn lựa tột cùng: Ngài “đành mất sự sống mình”. Một chọn lựa không ngọt ngào gì mà là trong “kinh hoàng và âu sầu” (Mc 14: 33) nếu không phải là cả với “mồ hôi như máu nặng giọt rỏ xuống đất” (Lc 22,44). Một thanh dọc và một thanh Ngang. Thập giá cũng có thể được coi là biểu tượng của “sự chia rẽ” cần thiết.

Nhưng “đành mất sự sống mình để mà gặp lại”. “Chia rẽ” với sinh mệnh của mình đến đổ máu trên thập giá để “triệt hạ tường ngăn thành chắn (…) đem lại bình an và giảng hòa hai dân – trong một Thân mình – với Thiên Chúa, nhờ Thập giá, giết chết hận thù – nơi mình Ngài. Và Ngài đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em, những kẻ ở xa và ban bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2: 14-18). Từ lời chào, lời chúc của Đấng Sống lại: “Bình an cho anh em” (Ga 20: 19 và 21).

Giảng hòa giữa người với người bây giờ mới là giảng hòa đích thực vì và nhờ còn là giảng hòa giữa người người “với Thiên Chúa” (Ep 2: 16). “Trong một thân mình”, Thân mình của Đức Kitô. Thanh dọc và thanh ngang, Thập giá dấu hiệu chia rẽ triệt để với Kẻ Ác, với tội lỗi lại trở thành Giao điểm tuyệt đối và vĩnh hằng cho người người nên một với Đức Kitô.

Bình an cho anh em” cũng là “bình an nhờ Bửu huyết đổ ra nơi Thập giá của Ngài” (Cl 1: 20) và là “hoa quả của Thần Khí“(Gl 5: 22). Chúa Giêsu để lại, ban bình an của Ngài cho chúng ta, nhưng “không phải như thế gian ban cho thế nào thì Ngài cũng ban cho đâu” (Ga 14: 27). Bình an khác hẳn. Kẻ tin “được bình an trong Ngài” mặc dù vẫn “phải khốn quẫn trong thế gian” (Ga 16: 33). Sự bình an cũng như nỗi vui mừng “không ai giật mất được” (Ga 16: 22).

Như thế, Chúa Giêsu và tin mừng của Ngài đã hội nhập mà vượt qua, nhưng vượt qua, chấp nhận cả những chia rẽ xé lòng, hại đến cả sinh mệnh của mình, thì cuối cùng là để đưa tới Hội nhập trọn vẹn, toàn diện trong “ân sủng Chúa Kitô, tình thương của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”. Hội nhập mà Vượt qua để trở thành hiệp thông.

II. Hội Thánh hội nhập mà vượt qua.

Hội Thánh từ thuở sơ khai đã không có đường hướng nào khác, cũng hội nhập mà vượt qua.

Bao lâu Kitô hữu là người do thái trở lại thì chưa có vấn đề hội nhập. Loan báo Tin Mừng trong ngày Hiện Xuống cho “những người Do Thái đạo đức từ mọi dân thiên hạ về”, Phêrô công bố Tin Mừng là lời các ngôn sứ đã được ứng nghiệm trong Đức Kitô một cách vượt quá cả sự mong đợi của chính các ngôn sứ (Cv 2: 14-36). Ngay cả trong trường hợp riêng lẻ Philip gặp và rao giảng cho “một người nước Á, viên hoạn quan quyền thế của Kanđakê nữ hoàng dân Á” thì cũng đã “bắt đầu từ lời Kinh Thánh ấy (Ys 53: 7-8) mà giảng cho ông Tin Mừng về Đức Giêsu”. (Cv 8: 26-35).

Nhưng khi Phaolô, “hipri sinh bở hipri” và Do thái nhiệt thành còn hơn Do thái, trở lại thì đã mở đầu cho Hội Thánh một tình thế mới. Lệnh truyền của Thầy khi chia tay lần cuối với các môn đệ, “hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16: 15) đã phải đợi vị tông đồ giờ thứ 25 mới được thực hiện đến nơi đến chốn.

Trước đó, người ta đã từng thấy Phêrô lúng túng, ngại ngùng mãi khi Cornêliô, không phải là người Do thái xin trở lại chỉ vì ông “dư biết: cấm chỉ người Do thái không được làm thân hay đi gặp người biệt chủng”. Ông đã phải được thị kiến cho “biết không được gọi ai là tục hay nho” và còn được chứng kiến “Thánh Thần đã đổ xuống trên cả dân ngoại” mới cho “thanh tẩy họ nhân danh Đức Giêsu Kitô” (Cv 10). Rồi khi “các tông đồ và anh em ở xứ Giuđê nghe tin là cả dân ngoại cũng đã đón nhận lời Thiên Chúa” và Phêrô lên Giêrusalem, thì còn phải tự biện hộ, thanh minh vì bị “các người thuộc giới cắt bì hạch sách ông. Họ nói: “Ông đã đi lại với người không chịu cắt bì và đã cùng ăn với họ” (Cv 11: 1tt).

Phaolô được “mặc khải” để “giảng Tin Mừng về Ngài nơi các dân ngoại”.

Phaolô thì trái lại, được “mặc khải (về) Con của Người” chính là để “giảng Tin Mừng về Ngài nơi các dân ngoại” (Gal 1:16). Ngài đã theo Barnaba đến Antiôkia, nơi sẵn có một cộng đồng dân ngoại đầu tiên trở lại (Cv 11: 19-26). Rồi là 3 hành trình truyền giáo. Hành trình truyền giáo I (4 năm: 45-49): Antiokia xứ Syri – 280km – Salamin (Kyprô) – 180km – Paphô (Kiprô) – 270km – Attalia (Tiểu Á) – 18km – Perghê – 160km – Antiôkia xứ Pisiđia – 130km – Ikônion – 38km – Lystra – 37km – Đerbê. 1113km chưa kể vòng về. Hành trình truyền giáo II ( 3năm 49 – 52): Antiôkia xứ Syri – 210km – Tarsô – 280km – (băng qua dãy núi Taurus) Đerbê – 37km – Lyrtra – 38km – Ikônion – 130km – Antiôkia xứ Pisidia – 160km – xứ Galat – 500km Trôa – 231km – Nêapoli – 12km – Philip – 48km – Amphipôliô – 47km – apollonia – 57km – Thessalônikê – 75km – Bêrê – 370km – Athêna – 65km – Corinthô. 2260km. Hành trình truyền giáo III (5năm 53-58) không dài hơn nhưng lâu hơn với nhiều gian truân, trắc trở: Antiôki, Ephêsô, Galat, Corinthô, Trôa, Makêđonia, Illyria, Corinthô, Makêđônia (Philip), Trôa, Milêtô, Giêrusalem, bị bắt ở đây năm 58, bị giải xuống Caisaria 2 năm rồi bị giải đi Rôma.

Lúc đầu Phaolô giảng trong các hội đường Do thái. Nhưng vì sự khích bác của phần lớn người do Thái, ở Antiôkia xứ Pisiđia, Phaolô và Barnabê nói thẳng với họ: “Bắt buộc chúng tôi phải nói lời Thiên Chúa cho các người trước. Nhưng bởi các người khước từ lời ấy, và tự lên án là các người bất xứng với sự sống đời đời, thì này chúng tôi quay sang người ngoại. Vì Chúa đã truyền dạy chúng tôi như vậy: Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên nguồn cứu độ cho đến cùng mặt đất” (Cv 13: 44-47). Một khi đã có nhiều cộng đoàn dân ngoại ở khắp nơi trở lại và Tin Mừng đã đến với những nền văn hóa khác nhau, vấn đề hội nhập không sao tránh khỏi nhưng lại vấp phải não trạng độc tôn của cả những kitô hữu Do thái. “Một cuộc tranh luận kịch liệt diễn ra” vì “có những người biệt phái đã tin, đứng dậy tuyên bố phải bắt người ngoại chịu cắt bì và truyền cho họ giữ luật Môsê. Các tông đồ và hàng niên trưởng đã hội lại để cứu xét vấn đề”. Trong cuộc tranh luận ở Giêrusalem này, Phêrô và Giacôbê lần lượt lên tiếng bác bỏ yêu sách ấy. Vì theo Phêrô, “Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho họ cũng như chúng ta. Và Người đã không đặt một chút phân biệt nào giữa ta và họ”. Còn Giacôbê xét là “không được phiền nhiễn người ngoại quay đầu về với Thiên Chúa”. Với một chút nhân nhượng: “dạy họ kỵ hẳn đồ nhơ uế bởi tà thần, dâm bôn, thịt ngột và máu huyết” (Cv 15: 5-35). Các khoản này được áp dụng trong Hội Thánh chẳng qua là để giữ sự hòa hảo sống chung trong những cộng đoàn gồm có Do Thái và người ngoại đã trở lại (Nguyễn Thế Thuấn). Tin Mừng có thể hội nhập vào các văn hóa khác, không cứ gì chỉ hội nhập vào văn hóa Do thái mà thôi. “Công đồng Giêrusalem” này còn chính thức nhận Phaolô là tông đồ dân ngoại (Cv 15: 22.25), “việc rao giảng Tin Mừng cho giới không cắt bì đã được ký thác” cho ông (Gl 2: 7).

Trên đồi Arê: một kinh nghiệm để đời về hội nhập văn hóa.

Cuối cuộc hành trình truyền giáo II, khi đến Athêna, “Phaolô lòng trí những uất lên bởi thấy thành nhan nhản những tượng thần” (Cv 17:16). Nhưng cũng chính tại đây, Phaolô đã có một thử nghiệm hội nhập văn hóa tiêu biểu. Những triết gia phái Êpicurô và phái Khắc kỷ mời ông lên đồi Arê để trình bày đạo lý của ông cho họ xem ra sao. Phaolô lấy khởi điểm từ điều ông thấy ở họ: “Xét về mọi mặt, tôi nhận thấy các Ngài rất mực sùng tín. Vì ngang qua, tôi ngước mắt nhìn các đồ thờ của các Ngài, tôi đã gặp cả một tế đàn trên có khắc: KÍNH THẦN VÔ DANH. Vậy Đấng các Ngài không biết nhưng có thờ kính, thì này tôi xin loan báo về Người cho các Ngài”. Nhưng Phaolô nói về Thiên Chúa tạo thành thì họ còn chịu nghe, vậy mà nói tới điều chính yếu của Tin Mừng là Thiên Chúa “đã cho Đấng ấy sống lại từ cõi chết” thì họ cười nhạo, hết chịu nghe nữa, ngoại trừ một vài người hiếm hoi. Một kinh nghiệm để đời cho Phaolô và cho cả Hội Thánh về sau: Hội nhập văn hóa, nhưng Tin Mừng vẫn là Tin Mừng, nghĩa là như sau này Phaolô xác quyết với tín hữu Corinthô: “Trong khi người Do Thái đòi có dấu lạ, và Hi lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một vị Kitô đã bị đóng đinh thập giá, cớ vấp phạm cho Do thái, sự điên rồ đối với dân ngoại” (1Cr 1: 22-23). Như thế hội nhập văn hóa đôi khi là điều kiện cần nhưng không bao giờ là điều kiện đủ để Tin Mừng được đón nhận thì hội nhập văn hóa thường hơn lại là một hậu quả khi đã đón nhận Tin Mừng. Khi đã có nhiều cộng đoàn kitô giáo ở xứ nọ xứ kia như ở Côrinthô, Galat, Êphêsô, Philip, Côlôssê, Thessalônica, Hiêrapôli, Trôa, Smyrna vv…thì mỗi cộng đoàn ấy đương nhiên sống Tin Mừng trong và với văn hóa sẵn có của mình, chỉ phải gạt bỏ đi những yếu tố trái ngược với Tin Mừng thôi. Cũng như người Do thái khi trở lại. Chính vì vậy mà những Kitô hữu Do thái sẵn não trạng độc tôn mới đòi “bắt người ngoại chịu cắt bì và truyền cho họ giữ luật Môsê”.

Trong cuộc hành trình truyền giáo III, khi đến Êphêsô, chính vì Phaolô rao giảng Tin Mừng mà không thể hội nhập vào văn hóa đa thần ở đây nên mới “xảy đến cho Đạo một trận kinh động hẳn không phải là nhỏ”. Anh thợ kim hoàn chuyên tạc tượng bạc điện thờ Artêmi mới sách động dân chúng kéo nhau đi tìm Phaolô hỏi tội đã dám nói: “Thần đâu lại do tay người làm ra” (Cv 19,23-40).

Tuy nhiên, Phaolô không phải là người cố chấp. Không chấp nhận đòi hỏi người ngoại trở lại phai do thái hóa, nhưng bản thân ông vẫn chấp nhận “dõi theo các lệ truyền” khi có lý do chính đáng. Như khi đến Giêrusalem lần cuối cùng mà Giacôbê và hàng niên trưởng khuyên ông: “Này tôn huynh, tôn huynh thấy có từng mấy vạn người Do thái đã tin, và hết thảy họ lại nhiệt thành đối với lề luật. Họ đã nghe phong thanh về tôn huynh, là tôn huynh đã dạy mọi người Do thái sống giữa dân ngoại từ rẫy Môsê, bảo họ đừng cắt bì cho con cái, đừng dõi theo các lệ truyền, Thế nào họ cũng sẽ nghe biết là tôn huynh đã đến. Vậy tôn huynh hãy làm điều chúng tôi đề nghị với tôn huynh đây, Chúng tôi có bốn người đang mang lời khấn trên mình. Tôn huynh hãy đem họ theo mà thánh tẩy mình làm một với họ, và đài thọ cho họ có thể cạo đầu được…” Phaolô đã làm theo lời khuyên ấy. Nhưng mỉa mai thay là chính khi làm như thế gần xong thì lại bị người Do thái “túm lấy, lôi ông ra khỏi Đền thờ” để rồi binh lính Rôma phải bắt giữ ông để tránh bạo loạn (Cv 21, 17-35). Lại một kinh nghiệm chua xót nữa về hội nhập văn hóa! Tin Mừng vẫn cứ là “cớ vấp phạm cho Do thái” trong đền thờ Giêrusalem như đã là “sự điên rồ đối với dân ngoại” trên đồi Arê ở Athêna.

Không dựa vào sự khôn ngoan nhưng vẫn là tất cả cho mọi người.

Với kinh nghiệm và xác tín như thế, Phaolô dứt khoát không dựa vào sự khôn ngoan, khôn khéo, hội nhập văn hóa này nọ để rao giảng Tin Mừng: “Khi đến với anh em, tôi đã không đến với uy thế của ngôn ngữ, hay khoa khôn ngoan để rao truyền cho anh em mầu nhiệm của Thiên Chúa. (…) và lời tôi nói, việc tôi rao giảng đã không cốt ở nơi lời lẽ có sức thuyết phục của khoa khôn ngoan” (1Cr 2:1-4). “Không phải thần khí của thế gian mà ta đã chịu lấy, mà thần khí do tự Thiên Chúa, ngõ hầu ta nhận biết các điều Thiên Chúa đã thi ân xuống cho ta. Các điều ấy, chúng tôi nói lên không phải bằng những lời lẽ học đòi nơi sự khôn ngoan của loài người, nhưng là bằng những lời lẽ Thiên Chúa dạy cho…” (1Cr 2:12-13).

Ngài cũng xác tín rằng “phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, vì hết thảy anh em là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3: 27-28). Nhưng đồng thời tấm lòng tông đồ của Phaolô lại khiến Ngài sẵn sàng tự làm nô lệ mọi người, là Do thái với người Do thái, là Hy lạp với người Hy lạp, trở nên mọi sự cho mọi người, không từ nan bất kỳ một cố gắng hòa đồng, hội nhập văn hóa nào: “Vì tự do đối với mọi người, tôi đã tự làm nô lệ mọi người, để lợi được nhiều người hơn. Với Do thái, tôi đã nên như Do thái, để lợi được người Do thái. Với những ai ở ngoài lề luật, (tôi đã nên) như người ở ngoài lề luật – hẳn tôi không ở ngoài Luật Thiên Chúa, song là trong luật của Đức Kitô – để lợi được những người ở ngoài lề luật. Với những người yếu, tôi đã nên người yếu, để lợi được những người yếu. Với mọi người, tôi đã nên mọi sự, để dù sao cũng cứu được ít người. Mọi sự tôi làm đều là vì Tin Mừng, ngõ hầu được thông chia phần phúc Tin Mừng” (1Cr 9:19-23).

Phaolô bị giữ ở Caisaria 2 năm (58-60), bị dẫn độ về Rôma giam tù 2 năm (61-63), rồi không biết vụ án kết thúc ra sao mà lại đi đây đi đó: Krêta, Êphêsô, Colossê, Hiêrapoli, Laođikêa, Milêtô. Năm 67 Phaolô mới bị bắt giữ lại và bị trảm quyết.

Giáo hội tiếp nối đường hướng Thánh Phaolô.

Sau Thánh Phaolô, giáo hội vẫn tiếp tục đường hướng “làm nô lệ cho mọi người, để lợi được nhiều người hơn”.

Thời gian trước Công đồng Vatican II, Hồng y Celso Costantimi (1877-1958) đã là một trong những người để dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử hiện đại của Giáo Hội, nhất là về mặt truyền giáo. Là sứ thần Tòa Thánh tại Trung Hoa 11 năm (1922-1933) rồi đứng đầu Thánh bộ Truyền giáo suốt 12 năm sau đó, từ 1935 đến 1953, hồng y Celso Costantini đã hết sức quan tâm đến việc canh tân đường lối truyền giáo và nhất là đến vấn đề hội nhập văn hóa. Như Ngài từng quả quyết: “Ba sự kiên tiêu biểu cho một bật dậy mới và việc canh tân truyền giáo là: 1/ các xứ truyền giáo được giải tỏa khỏi vướng víu với sự bảo vệ hoặc bảo hộ thế quyền; 2/ công cuộc truyền giáo từ nước ngoài được ăn rễ vào các Giáo Hội địa phương được thành lập với các hàng giáo phẩm bản xứ; 3/ tinh thần và truyền thống của mỗi dân tộc được tôn trọng bằng việc đón nhận tất cả những gì tốt sẵn trong di sản văn hóa và đạo đức của nước này nước nọ, bằng việc kitô hóa tất cả những gì có thể được kitô hóa” (Va e annunzia il Regno di Dio. Vol 2, p. 25). Do đó, Hồng ý Costantini cố tìm và nhắc lại những tiền lệ về sự hội nhập văn hóa từ thuở sơ khai trong Giáo hội. Hồng y viết:

Thánh Phaolô, gương mẫu vô song cho tất cả các nhà truyền giáo, đã đến Athêna vào năm 51 hay 52. Ngài thấy một bàn thờ dâng kính “thần vô danh”. Lên tiếng giảng giữa đồi Arê, ngài đã lấy bàn thờ ấy làm trọng tâm cho người nghe chú ý. Vốn tinh tường văn chương Hy lạp, Ngài trưng dẫn một câu thơ của thi sĩ Hy lạp Aratos. Mọi người chăm chú nghe, vì Ngài nói cùng một ngôn ngữ với giới trí thức hay lui tới đồi Arê và Ngài có cùng một trình độ văn hóa với họ. Có những người chế nhạo Ngài nhưng có những người khác thì trở lại theo Ngài; và tất cả mọi người vẫn còn muốn tiếp tục được nghe Ngài nói.

“Còn hơn thế nữa. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, thánh sử Yoan đã viết Tin Mừng với mục đích đặc biệt là để chứng minh thiện tính Đức Kitô. “Hồi đó đã có những quan niệm triết học sai lầm ở Tiểu Á và Thánh Yoan, để chống lại những quan niệm ấy, đã thu nhận chữ Logos đang phổ biến trong thế giới Hy lạp, nhưng cho chữ này một ý nghĩa Kitô-giáo rõ rệt để loại trừ mọi quan niệm sai trái tương tự. Cho nên từ những câu đầu của đoạn mở đầu, người ta có thể luận ra Lời của thánh Yoan khác xa Lời của Platon chỉ là một ý niệm hoàn toàn trừu tượng khác xa Lời của Philon chỉ là một nguyên lý trung gian ở dưới Thiên Chúa và không hẳn là vì khác xa lời của thuyết ngộ đạo là tinh thần được tạo dựng và sinh ra trong thời gian”.

“Theo cha Batiffol, các nhà minh giáo như thánh Justinô đã nại tới triết học Hy lạp để niềm tin Kitô giáo sáng giá hơn trước dư luận ngoại đạo. Clêmentê ở Alexandria và Origênê đã chấp nhận và làm cho các giáo đoàn tuy không phải không có chống cưỡng, cũng chấp nhận rằng một nhập môn bằng triết học có thể đi trước và chuẩn bị đức tin, và đức tin mặc khải có thể triển nở thành một minh triết của Giáo Hội. Khoa minh giáo theo lý trí và khoa thần học suy luận đã nhập cuộc là như thế, cũng như sau này triết học Aristote vào thời Thánh Tô ma Aquinô” (P, Batiffol, Le Catholicisme des origines à saint Léon, Paris, Lecoffre, 1909. q. I, tr. 493).

“Harnack ghi nhận: “khi mà đất nước do thái từ chối không nhìn nhận Tin Mừng và Tin Mừng được giải thoái khỏi mọi quan hệ với đất nước ấy, thì cũng đã thấy được là Tin Mừng sẽ lấy ở đâu chất liệu cần thiết để gầy dựng một cơ sở mới mà trở thành một Giáo Hội và một thần học. Giáo Hội và thần học này không thể mang tính cách dân tộc và riêng biệt theo nghĩa thông thường; về phương diện này, nội dung của Tin Mừng quá phong phú; nhưng một khi đã tách biệt khỏi Do thái giáo và ngay cả khi chưa tách biệt được trọn vẹn, Kitô giáo đã tiếp cận với thế giới La-mã và với một nền văn hóa đã và đang bao trùm thế giới, tức là văn hóa Hy-lạp. Giáo Hội và giáo lý đạo Kitô phát triển trong thế giới La-mã và trong văn hóa Hy-lạp đối nghịch với Do-thái giáo” (A. Harnack, Storia del Dgma, Mandrisio, q. I, tr. 58).

“Ngay cả danh từ “giáo hội” (hội họp) là do tiếng Hy-lạp mà có. Theo Batiffol, danh từ ấy đã may mắn thuộc về ngôn ngữ hy-lạp cổ điển nhất, trong ngôn ngữ này nó chỉ cuộc họp bàn luận của toàn thể các công dân của một thành quốc” (sđd, tr. 87).

“Mùa xuân kỳ diệu của Kitô giáo đã ra hoa từ thế kỷ II đến thế kỷ IV nhờ công lao các nhà minh giáo và các giáo phụ là cả một phép lạ nhất là về mặt tư tưởng. Không do dự, các Giáo phụ đã đem sự hiểu biết văn hóa Hy La sâu rộng của họ ra phục vụ chân lý và Tin Mừng, dùng những chất liệu đạo tà thần vào việc xây dựng một tòa nhà mới. Bị bắt buộc phải diễn dịch tư tưởng của mình trong cuộc sống đời thường, họ đã Kitô hóa những danh xưng cũ và những tục lệ xưa vốn không có tính cách Kitô. Tôi chỉ xin nhắc lại ở đây vài sự kiện ý nghĩa nhất”.

“Thánh Grêgoriô hay làm phép lạ (khoảng 213-270) đã làm cho các đám đông trở lại bằng cách biến đổi những lễ lạc ngoại đạo thành những lễ lạc Kitô giáo. Thánh Basiliô (329-379) thì dạy giới trẻ thời Ngài như sau: “Các ông thợ nhuộm trước tiên chuẩn bị bằng cách này cách nọ thứ cần nhuộm, rồi họ mới nhuộm tía hay các màu khác. Như thế, chính chúng ta, để được đón nhận mãi mãi một vinh quang bất biến, chúng ta được làm quen với văn hóa ngoại đạo trước khi được đưa dần vào mầu nhiệm Kitô giáo. Mắt chúng ta làm quen với những phản ánh mặt trời trước khi ngắm nhìn chính ánh sáng Cây là để đến thời sinh trái; tuy nhiên những ngọn lá lung lay đầu cành vẫn thêm phần dễ chịu. Cũng vậy trí tuệ là để gặp chân lý, nhưng như lá cây nối kết với trái cây để cho bóng mát êm dịu thì chân lý cũng kết hợp hài hòa với minh triết ngoại đạo” (Ad adolescentes, 2).

“Ngôi đền thờ tráng lệ mà giám mục Théodore d’Aquilée đã cho xây dựng để mừng giáo hội được an bình năm 313 cũng mang trong nó cả một bài học. Ở trung tâm bức tranh ghép mảnh bao trùm mặt đất hiện lên Nữ thần Chiến thắng là Thánh lễ được diễn tả theo quân cách. Bên cạnh Nữ thần chiến thắng là một chum rượu và một rổ bánh. Xung quanh là hình ảnh những lễ vật để dâng tế. Như vậy vị giám mục đã không ngại dùng biểu tượng cổ xưa của Chiến thắng (tuy đã được tôn kính như một nữ thần) mà Kitô-hóa nó và dùng nó để biểu trưng một cách sống động cho lời thánh Yoan: “đây là chiến thắng đã thắng được thế gian: đức tin của ta ! (1Ga 5: 4).

“Kinh litania major” (kinh cầu trưởng, sau này gọi là kinh cầu mùa) được gọi như thế ngay từ thời thánh Grêgôriô Cả (để phân biệt với những kinh cầu khác không cổ kính hay không quan trọng bằng) có gốc gác đặc biệt La-mã và thuộc về những cuộc rước ngoại đạo, Ambarvalia, được diễn ra vào mùa xuân ở thôn quê để cầu khấn các thần linh cho đất được phì nhiêu. Ambarvalia quan trọng nhất là cuộc rước ngày 25 tháng Tư. Đám rước đi theo đường Flamminia và sau khi đã trải qua 5 dặm đường thì đến một khu rừng thiêng gần Cầu Milvius. Ở đây, người ta tế hiến thần Robigus bộ lòng một con chó và bộ lòng một con cừu. Giáo Hoàng Liber (352-366) – ít nữa là như Jean Beleth quả quyết – để dẹp bỏ nghi lễ ngoại đạo ấy đã bám rễ dai dẳng trong lòng dân chúng, thì đã nghĩ tới việc biến đổi nó thành một nghi lễ Kitô giáo. Ngài vẫn cho đám rước đi theo hành trình truyền thống, nhưng thay thế nghi thức tế hiến ngoại đạo bằng chặng kết thúc long trọng tại Đền thờ Thánh Phêrô (Mario Righetti, Storia Liturgica, Milano, Ancera, Q. II, tt. 227-8)

“Thánh Ambrôsiô thì dạy là có thể bắt đầu từ huyền thoại Iphigenia mà nói về Chúa Kitô đã hy sinh mạng sống mình (Exp. Ev. Secundum Lucam, 6).

“Trong lưu vực sông Menderès, ở Tiểu Á, Aphrodisias là thành quốc mang tên nữ thần sắc đẹp của Hy-lạp mà người La-mã đồng hóa với nữ thần Venus của họ. Khi dân thành quốc này trở lại theo đạo Kitô, họ biến đền nữ thần Venus ở đây thành thánh đường và đổi tên thành quốc là Stauropolis, thành quốc thập tự giá. Đó là một trong nhiều ví dụ về cách Kitô hóa những yếu tố ngoại đạo”.

“Thánh Hiêrônimô thì dùng một điển tích kinh thánh để chỉ ra căn bản cho việc hòa giải giữa hai trào lưu văn chương: trào lưu văn chương Kitô giáo tìm cách tận dụng trào lưu văn chương ngoại đạo thì giống như dân Israel đã rời Ai Cập mà còn đem theo các bình bằng vàng đã được dùng trong việc cúng tế tà thần rồi sau đó họ lại dùng vào việc tôn thờ Thiên Chúa Thật”.

“Thánh Augustinô không phải đã không có lý do khi quan tâm nhiều đến việc tiếp thu văn hóa La-mã: “Từng là một nhà hùng biện thành công vượt trội trong văn chương ngoại đạo, Ngài đã gặp được Kitô giáo ở cuối một cuộc khủng hoảng lâu dài và thâm sâu khi phải đấu tranh dữ dội với chính mình: Ngài đã cảm nhận một cách xót xa nhất sự tương phản giữa hai trào lưu và càng lo lắng tìm một con đường hòa giải. Trọng các chuyên luận triết học được viết trong thời gian lui về ở Cassiciacum, Ngài tuyên dương giá trị của văn hóa ngoại đạo; Ngài đi từ ý nghĩ là không một hiểu biết nào của con người đáng coi thường cả và Ngài nhận xét rằng lòng mến mộ chân lý mà được việc học hỏi thắp sáng lên là cả một buốc thắng lớn cho trí tuệ. Trên con đường ấy và với sự hướng dẫn ấy, trí tuệ có thể dễ dàng tới gần chân lý trọn vẹn hơn. Ngài có ý định kiên trì mến mộ minh triết của người xưa, vì xác tin là tìm được trong đó nhiều điểm chung với minh triết kitô giáo. Ngài như muốn tin rằng một đồ đệ của Plato không cách biệt lắm một môn đệ Đức Kitô và có thể, về mặt các châm ngôn đạo đức, trở thành Kitô hữu paucis mutatis verbis atque sententiis (chỉ thay đổi một ít câu, chữ)” (Sisto Colombo, Lapoesia cristiana antica, Roma, Ferrari, parte I, p. 48-49)”.

“Quả thế Augustinô kể lại trong Xưng thú (Ch. II, Q. VIII) là Vitorius, nhà hùng biện La-mã nổi tiếng, đã đến với đức tin sau khi nghiên cứu các triết gia trường phái Plato bởi vì “nơi họ ít nữa tất cả đều gợi ý về Thiên Chúa và Ngôi Lời”.

“Ai cũng biết ảnh hưởng rộng lớn mà bảng chữ cái Xy-rin đã có giữa các dân tộc Sla-vơ từ khi hai thánh Xy-rin và Mê-thô-đô đem tới cho họ vào thời Trung cổ. Nhưng người ta ít biết hơn là cũng nhờ hai vị thánh ấy mà nhiều tục lệ Sla-vơ, sau khi được thanh lọc, đã được đón nhận rộng rãi trong đời sống giáo đoàn ấy”.

“Tại Ar-mê-ni-a, lễ nữ thần A-na-bid được cử hành thật tưng bừng. Được xem như “Mẹ của khiết tịnh”, “Vinh quang và cứu tinh của đất nước Ar-mê-ni-a”, “Nguồn mọi khôn ngoan, mọi sức mạnh và mọi sự sống”, nữ thần được dâng cúng những vòng hoa hồng rực rỡ”.

“Khi Kitô giáo đến đó, rõ ràng là không thể nào dẹp bỏ triệt để một lễ hội đã ăn rễ sâu trong tâm tư tình cả dân chúng như thế. Nên người ta đã tìm cách cho nó một nội dung thiêng liêng khác, theo chỉ thị của một vị thánh. Do đó lễ nọ đã được nối kết với lễ Chúa Biến Hình thường được mừng trong nghi lễ Ar-mê-ni-a vào tuần sau lễ Hiện Xuống và được giải thích như thế này: Đức Kitô, khi tỏ mình trên núi Tabor, đã cho thấy tất cả vẻ đẹp huy hoàng của Ngài và cũng như một hoa hồng rực rỡ, những năm sống ẩn dật trước cuộc biến hình đã giữ thiên tính Đức Kitô như hoa còn trong nụ và giấu khỏi tầm mắt mọi người”.

“Và có gì rõ rệt là tà giáo hơn việc đốt hương trước các tượng thần? Tuy nhiên việc đốt hương đã sớm được đưa vào phụng vụ của Giáo Hội, chỉ như dấu chứng tỏ lòng tôn kính người còn sống và kẻ đã qua đời” (Cardinal Costantini, Réforme des Missions au Xxe siècle, ch. “De Confucius au Christ, - Stratégie culturelle de l’Eglise primitive”, Casterman 1960, pp. 225-230).

Không phải vô tình mà Hồng Y Costantini tìm về “chiến lược văn hóa của Giáo Hội sơ khai” trong chương có tựa là “Từ Đức Khổng Phu Tử tới Đức Kitô”. Sau nhiều năm sống ở Trung Quốc Ngài không khỏi chú ý đặc biệt đến Nho giáo và tự thâm tâm Ngài mơ ước có ai đó trong Giáo Hội ngày nay làm được với Khổng Tử như từ thánh Augustino tới Thánh Tôma Aquinô đã làm được với Platon và Aristote. Nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có ai làm được công việc đó và tôi không nghĩ là việc đó có thể làm được. Platon và Aristote chủ yếu là hữu thể học. Còn Khổng Tử chủ yếu là luân lý, đạo đức học, mà luân lý, đạo đức học này hẳn cũng như luân lý, đạo đức học Do thái, dễ gặp phải lời lẽ của Đức Giêsu “Anh em đã nghe bảo người xưa…, còn Ta, Ta bảo anh em…” (Mt 5: 20-48). Ngay cả thánh Augustinô không hẳn đã nhận định đúng đắn như Hồng Y Costantini nghĩ, khi cho rằng “một đồ đệ của Plato không cách biệt lắm một môn đệ Đức Kitô và có thể, về mặt các châm ngôn đạo đức, trở thành Kitô hữu” mà chỉ cần “thay đổi một ít câu, chữ”.

Hội nhập văn hóa Việt Nam

Hồng Y Costantini đã thấy các nỗ lực hội nhập văn hóa như thế suốt quá trình truyền giáo của Giáo Hội. Còn riêng trong quá trình truyền giáo ở Việt Nam thì sao?

Ở đây chỉ xin trích dẫn Giáo sư Trần Văn Toàn từ bài ông viết để giới thiệu cuốn Tam giáo chư vong, sách viết tay, khổ 10x15cm, dày 205 trang, được trữ trong văn khố Hội Thừa sai nước ngoài tại Paris (Archives MEP):

Tôi còn nhớ trước đây chừng nửa thế kỷ, đúng vào thời kỳ mà, sau Thế chiến thứ hai, phong trào tranh đấu chống đế quốc chủ nghĩ được lan tràn khắp nơi, có một người Ấn độ là ông K.M. Panikkar, trong cuốn sách nói về Á châu và nền thống trị của Tây Phương (Asia and Western Dominance, London 1969) đã tung ra một cái nhìn tổng quát độc đáo về cuộc gặp gỡ Đông Tây. Theo như ông quan niệm thì Á châu đã bị Âu châu tấn công và đàn áp cả về hai mặt: mặt vật chất thì do sức mạnh của vũ khí và kỹ thuật, về mặt tinh thần thì do đạo Thiên Chúa. Như thế có nghĩa là việc truyền bá tôn giáo, nếu kẻ này cho là chia sẻ niềm tin, thì người khác lại cho là hành động thù địch. Nói thế khác, với cái chủ trương “vơ đũa cả nắm”, ông cố ý gắn liền quân đội viễn chinh với các giáo sĩ đạo Thiên Chúa từ Âu châu sang, coi như là hai mặt trái phải của một cuộc tấn công duy nhất, nhằm tiêu diệt văn hóa người Á châu, làm cho họ thành ra vong bản, mất gốc. (…) quan niệm đó đã được thành hình trong lúc người Ấn độ, cũng như nhiều dân tộc khác, đang tranh đấu dành độc lập. Bản dịch Pháp văn đã được người Việt ở Pháp đọc. Cũng vào thời đó có một số trí thức Việt Nam đưa ra ý kiến tương tự, cho rằng các giáo sĩ Âu châu sang Việt nam đã dọn đường cho quân đội viễn chinh Pháp, và nếu họ đã dùng mẫu tự La tinh để viết tiếng Việt, thì là vì có thâm ý làm cho người Việt mất gốc chữ Hán, để dễ bề truyền giáo.

“Ngày nay, sau một nửa thế kỷ, những lập luận như thế đã được xét lại, căn cứ vào những sử liệu mà trước đây không mấy ai chịu khó tìm đọc. Cho nên không còn có thể quan niệm một cách quá đơn sơ như trước.

“Riêng về quan niệm của Panikkar, thiết tưởng có hai chỗ giải thích thiếu nguyên tắc:

“Thứ nhất là, vô tình hay hữu ý, ông đã lẫn lộn thái độ của người theo Hồi giáo trên đất Ấn độ của ông, với thái độ của người Tây phương đứng trước châu Á nói chung. Vì lẽ rằng: một đàng thì người Hồi giáo không phân biệt chính trị với tôn giáo, cho nên khi xâm chiếm được nước nào thì thường dùng các phương tiện thế tục để làm cho dân nước đó phải theo tôn giáo và văn minh Hồi giáo. Chính vì thế mà sau nhiều thế kỷ đô hộ đã có tới mấy trăm triệu người Ấn độ bỏ Ấn giáo và truyền thống văn hóa Ấn độ, mà theo Hồi giáo và văn hóa Hồi giáo. (Đó cũng là điều nhận xét của nhà văn V. S. Naipaul, sinh năm 1932, gốc Ấn độ) mới được giải thưởng Nobel. Sau khi đi thăm viếng các nước Hồi giáo, từ Iran đến Nam Dương quần đảo, ông nhận xét rằng những dân tộc theo Hồi giáo ở các miền đó đều đoạn tuyệt với văn hóa của tổ tiên, và lấy A-rập làm quê hương đem lại cho họ tôn giáo và văn hóa (xem trong hai cuốn sách mới viết gần đây: Hoàng hôn rơi xuống Hồi giáo, Crépuscule Sur l’Islam và Tin cho đến cùng, Jusqu’au bout de la foi). Cũng vì thế mà khi Ấn độ dành được độc lập, thì đã có nội chiến vì lý do tôn giáo, hàng chục triệu người bị cưỡng bách di cư hay là bị sát hại, để rồi thành lập ra hai quốc gia thù địch nhau từ hơn nửa thế kỷ, là Ấn độ và Pakistan (và Bangladesh). Đó là vết thương sâu đậm trong lòng dân tộc, mà những người ái quốc như ông Panikkar không sao quên được. Từ đó ông quan niệm rằng người Tây phương cũng như thế cả. Nhưng thế là lầm. Vì đằng khác thì đạo Thiên Chúa ở Âu châu đã đặt ra nguyên tắc biệt lập tôn giáo với chính trị. Cho nên nếu vua chúa lấy tiền nhà nước, đem quân đội đi xâm chiếm các thuộc địa, thì các thương gia đi buôn bán bằng vốn riêng của mình, và các giáo sĩ đi truyền đạo thì lấy tiền đóng góp của giáo dân mà tiêu dùng (về điểm này thì các tập san của các hội truyền giáo thế kỷ XIX đều kê số tiền đóng góp rất cẩn thận). Dĩ nhiên là trong thực tế thì các giáo sĩ phải đi nhờ các thương thuyền hay thỉnh thoảng nhờ tàu của quân đội cho đi, cho nên có thể có đôi chút liên quan với nhau, nhưng ba hạng người đó có mục đích khác nhau và hoạt động theo nguyên tắc riêng của mình.

“Thứ hai là ông không phân biệt cho rõ thái độ của các giáo sĩ Tây phương trong những thế kỷ trước và sau khi các cường quốc Âu châu sang Á châu mở thuộc địa. Vì lẽ rằng người đi mở thuộc địa thường có thái độ trịch thượng đối với dân bản xứ, còn người đi giảng đạo để chia sẽ niềm tin thì thường có thiện cảm với họ. Hơn nữa, cho dù thái độ trước sau đôi khi có khác nhau, nhưng không thể gán cho họ cái ác ý là tiêu diệt văn hóa người bản xứ. Sự thực có lẽ tế nhị hơn. Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây về Chiến lược truyền giáo của giáo sĩ người Pháp dòng Tên ở Pháp Mới và ở Trung Quốc vào thế kỷ XVIII (Shenwen Li, Stratégies missionnaires des jésuites Franc,ais en Nouvelle France et en Chine au XVIIe siècle, Ed. L’Harmattan, Les Presses de l’Université Laval (Québec, Canada), 2001, 379 pp), nhà nghiên cứu Lý Thạch Vân đã nêu ra hai thái độ của nhà truyền giáo đối với văn hóa người bản xứ. Đối với những dân tộc bán khai không có chữ viết, như ở Bắc Mỹ thì trong khi giảng đạo, họ giúp vào việc khai hóa, dạy cho biết cách viết chữ và một ít kỹ thuật. Còn đối với những dân tộc đã có nền văn minh khá cao, thì họ ra công học cho biết ngôn tự, biết văn hóa, để trình bày niềm tin của họ cho dễ hiểu. Chúng ta biết vào thế kỷ XVIII, các giáo sĩ đã cho người Tây phương biết khá nhiều về văn hóa Trung Quốc, cho đến nỗi có những nhà văn, như Voltaire, tuy chưa bao giờ sang Á châu, cũng hào hứng đem người Tàu ra làm mẫu mực về tư tưởng duy lý. Ở Việt Nam cũng thế.

“Vào thế kỷ XVII, các giáo sĩ Tây phương đến Đàng Trong và Đàng Ngoài giảng đạo, đã nhận thấy rằng Việt Nam là một dân tộc có văn hiến, có pháp luật, có tổ chức hành chính. Cho nên họ học tiếng Việt và tìm hiểu phong tục người nước ta. Ngay từ thời đó họ đã biết rằng người Việt, tuy còn dùng chữ Hán rất nhiều, nhưng đã lập ra chữ viết riêng, tức là chữ Nôm. Vào đầu thế kỷ, giáo sĩ người Ý, Girolamo Majorica, đã soạn bằng chữ Nôm chừng bốn mươi cuốn sách Đạo (nay chỉ còn độ một phần tư). Trong khi đó thì sách vở của tam giáo: Nho, Lão, Thích, đều là chữ Hán cả, chứ không dịch ra tiếng ta. Vào khoảng giữa thế kỷ thì sách Phép giảng tám ngày bằng tiếng La-tinh có chữ quốc ngữ đối chiếu (1651). Có mấy vị khác, như Borri, marini, Tissanier, đã viết sách lịch sử và phong tục Việt Nam cho người Âu châu đọc. Những công trình như thế còn tiếp tục cho đến thế kỷ XX với những học giả như giáo sĩ Léopold Cadière.

“Có một điều chứng tỏ rằng các giáo sĩ ngoại quốc đã để ý đến vốn liếng văn hóa nước ta đó là việc soạn tự vị. Thực tế, trong khi người Tàu đã ra công soạn ra tự vị Khang Hy, thì ở Việt Nam, từ nhà vua cho đến các bậc sĩ phu, chưa thấy ai làm tự vị Việt Nam cả. Ấy thế mà cuối thế kỷ XVII, giám mục Pierre Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) đã cùng với một số tu sĩ người Việt biên soạn ra tự vị Việt Nam (cả chữ nôm lẫn chữ quốc ngữ) và La-tinh. Coi tiếng Việt, chữ Việt là quan trọng, là quốc hồn, quốc túy, như thế cũng là khá táo bạo, nhất là trong khi sĩ phu nước ta coi thường nó (nôm na là cha mách qué), không dùng nó để viết những điều quan trọng.

“Còn các sách đạo, như sách giáo lý, sách kinh, vv…thì các giáo sĩ, tuy đã có đem vào Việt Nam mấy cuốn sách bằng chữ Hán, nhưng vẫn soạn và in bằng chữ quốc ngữ, và bằng chữ Nôm cho đến đầu thế kỷ XX. Vì thế cho nên người theo đạo Thiên Chúa không đến nỗi mất gốc, như đã có người hiểu ngầm hay hiểu lầm như thế. Còn về phong tục thì chỉ bỏ đi một số ít, vì cho rằng đó là mê tín. Như thế cũng là chuyện thường, vì có nhiều phong tục trong dân gian cũng bị nhà Nho và triều đình coi là mê tín. Cho nên người theo đạo Thiên Chúa đại khái vẫn giữ thuần phong mỹ tục như người đồng bào bên lương”.

Trong một bài khác, “Tự vị Taberd và di sản văn hóa Việt Nam”, Gs Trần Văn Toàn còn lưu ý về việc các tự vị Việt Nam đầu tiên đều đã được viết bằng tiếng La-tinh: “Cũng nên biết rằng vào mươi thế kỷ trước đây, tiếng La-tinh dùng trong giáo hội công giáo, đồng thời cũng là ngôn ngữ của giới học giả Âu châu. ( ) các giáo sĩ, cũng như các học giả thời đó, ngoài tiếng nói nước mình còn biết tiếng La-tinh nữa. Cho nên khi viết sách và tự vị bằng tiếng La-tinh, không phải là chỉ để cho người Công giáo mà còn là để cho giới học giả Âu châu học biết ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam nữa. Có một điều mà có lẽ chưa ai để ý. Là những người như A. de Rhodes, P. Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) hay Taberd, là những người nói tiếng Pháp, đều đã soạn tự vị Việt-La tinh, chứ không soạn tự vị Việt – Pháp. Lý do thật là đơn giản: họ là người đi giảng đạo Thiên Chúa, đi chia sẻ niềm tin Công giáo, chứ không phải là người đi truyền bá văn hóa, chính trị và học thuật nước Pháp. Về sau này, khi người pháp can thiệp vào Việt Nam và đặt nền thống trị của họ trên đất nước ta, thì lúc đó mới thấy xuất hiện nhiều tự vị Việt – Pháp và Pháp – Việt”.

Nói về sự hội nhập văn hóa của các giáo sĩ đến từ nước ngoài, Gs Trần Văn Toàn chỉ mới kể đến Đức cha Bá Đa Lộc, cha Cadière. Chưa phải là chỗ để ông nói đến những Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký mà ngày nay trừ vài tiếng nói cố chấp và lạc điệu, ai cũng phải nhìn nhận công lao đóng góp cho văn hóa Việt Nam. Như trong buổi tọa đàm về Trương Vĩnh Ký đã được tổ chức tại tp. HCM. 18 bài tham luận về Trương Vĩnh Ký đã được trình bày trong buổi tọa đàm rồi được xuất bản trong cuốn từ thế kỷ 21 nhìn về Trương Vĩnh Ký thì đều đánh giá Trương Vĩnh Ký một cách rất tích cực, chỉ trừ có mỗi một bài (của Nguyễn Đắc Xuân) hằn học bôi bác Trương Vĩnh Ký. Như thế, lịch sử vẫn còn đó và đã trả lại lẽ công bình cho Trương Vĩnh Ký.

Hằn học xét cho cùng vẫn là hằn học đối với người Công giáo VN. Cái não trạng cố chấp như của các ông văn thân đã khiến cụ Phan Bội Châu phải than về “thời đại chưa khai hóa”. Bây giờ thì đến cả báo Sài Gòn Giải Phóng cũng phải cho là lạc điệu và phải làm chuyện lạ là đăng bài “Hai cuốn sách lạ” của Dạ Sinh (SGGP 7.8.2002). Hai cuốn sách đều ghi tên nhà sách Giao Điểm, in đẹp, giấy tốt, “vi phạm luật xuất bản” (không có giấy phép vv…) mà cứ được bày bán khơi khơi trên các quầy sách trong thành phố: Nguyễn Trường Tộ - một sự lừa dối hào nhoáng của Bùi Kha, Trần Chung Ngọc và Petrus Trương Vĩnh Ký – nhìn từ những khía cạnh và nhận thức khác nhau gồm những bài viết của Bùi Kha, Nguyên Sinh Duy, Hồ Hữu Tường vv…về nội dung, Dạ Sinh nhấn mạnh: “điều dễ thấy là tinh thần chủ yếu của hai cuốn sách không phù hợp với những nhận định, cách nhìn mới về các nhân vật lịch sử Nguyễn Trường Tộ và Trương Vĩnh Ký”. Và ông “tưởng cũng cần nói thêm, tháng 8.2001, tại tp.HCM có tổ chức buổi tọa đàm “Trương Vĩnh Ký với vấn đề văn hóa”. ( ) và trước đó nxb Văn hóa và Thông tin có xuất bản cuốn truyện danh nhân: Trương Vĩnh Ký – bi kịch muốn đời của tác giả Hoàng Lại Giang”.

Việc các nhà truyền giáo ngay từ đầu đã giảng dạy bằng tiếng Việt, cho giáo dân đọc kinh tiếng Việt, ghi lại tất cả bằng chữ nôm rồi bằng chữ quốc ngữ còn làm chứng là Giáo hội đã thành hình ở Việt Nam một cách hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng vốn phải được ưu tiên rao giảng cho người nghèo khó. Như Jean Raoul Clémentin trong bài “Le Comportement des institutions catholiques au Vietnam đăng trên Les Temps modernes năm 1953, đã từng nhận xét: “các thừa sai lại đi với một thứ quần chúng nhất định mà ngày nay chúng ta sẽ kể là “từng lớp vô sản mạt hạng”. Giới sĩ phu cũng như đa số lớn lao người dân nội tịch tức là thành phần có của ở các làng xã, đều không theo đạo Công giáo, nhưng những người bỏ làng bỏ xứ, những người làm thuê trong nông nghiệp vẫn sinh sống trong một tình trạng gần như nô lệ, những người ấy ham đến nghe các nhà truyền giáo. Bởi vì ngoài chuyện ông này thường sẵn quà phân phát cho họ, ông truyền giảng cho những kẻ trắng tay ấy một chủ nghĩa bình đẳng mang chất cách mạng đối với Đông Á Châu thế kỷ XVII và XVIII như đã có thể mang chất cách mạng dưới thời Diocletianus. Người ta hiểu được những phản ứng của triều đình, của giới sĩ phu, từng lớp cốt cán đó của quốc gia và phản ứng của các giai cấp có của. “Khinh miệt và diệt trừ”.

Các nhà truyền giáo đã hội nhập vào từng lớp vô sản mạt hạng ấy mà không ngại “nôm na mách qué” như họ. Cũng nhờ vậy mà từ trước tới nay, hình như người Công giáo ở Việt nam kinh đọc thì nhiều nhưng duy nhất chỉ có một kinh bằng tiếng Hán gọi là “kinh cầu chữ”. Kinh Cầu Chữ chẳng ai hiểu mà cũng chẳng mấy khi được đọc trong nhà thờ và từ lâu đã biến hẳn khỏi các sách kinh.

Gs Nguyễn Ngọc Lan – An Vân

No comments: