Thursday 26 March 2009

TỆ NHẤT THẾ GIỚI - Lm. Vĩnh Sang

Sáng nay ( ngày thứ Tư 25/3/2009 ) cầm tờ Saigon Tiếp Thị đọc ngay trang nhất thông tin không lấy gì làm vui vẻ: Môi trường làm việc tệ nhất thế giới: TP.HCM thứ 9, Hà Nội 11. Vẫn biết vậy nhưng vẫn buồn, tâm lý con người là như vậy, vẫn biết mình như vậy, nhưng có ai nào đó nói về mình như vậy thì vẫn buồn. Tôi hay buồn nên viết mấy chữ thư pháp để trên bàn làm việc của mình “Vẫn biết vô thường, sao còn phiền não”, thế mà vẫn buồn.

Không buồn sao được khi thành phố thân yêu của mình đang sống bị xếp vào loại “môi trường làm việc tệ nhất thế giới”. Tôi mỉm cười ê chề khi nghĩ đến các bạn trẻ thường làm việc với tôi, những khi rảnh rỗi, tôi hay kể cho các bạn nghe về thành phố này, hơn 50 năm tôi sinh sống ở đây, trừ một vài năm đi xa, tôi chứng kiến từng đổi thay của thành phố, tôi kể cho các bạn nghe về một Saigon – hòn ngọc viễn đông, một Saigon mà tôi yêu cái nắng và cái gió, cái mưa rát mặt và cái dịu dàng của ban mai, chắc bây giờ các bạn ấy đang cười tôi, cười cái “ngày xưa” của “ông già hoài cổ”, hoài hoài cái “Saigon đẹp lắm Saigon ơi, Saigon ơi”.

Hơn 30 năm rồi, hàng ngày tôi vẫn cầm tờ báo Saigon Giải Phóng trên tay, có khi chẳng để đọc gì cả, chỉ lướt trên mặt tờ báo, tôi vẫn cầm cho dù chẳng có tin gì hấp dẫn, đôi khi cố tìm tin hấp dẫn trên trang mục Thể thao để đọc, chỉ vì tôi yêu hai chữ Saigon. Vừa rồi buồn biết mấy, lại chuyện buồn, khi đội banh tôi yêu TMN-Cảng Saigon đổi tên, thôi thì đành vậy, việc đổi thay là chuyện bình thường. Trong các huấn luyện viên bóng đá, tôi quí nhất ông Phạm Huỳnh Tam Lang, vì ông gắn bó với bóng đá Saigon, gắn bó với thành phố này.

Bài báo trong văn mạch theo tôi là đã cố gắng khách quan trong suy tư, nhưng không tránh khỏi chủ quan khi trích dẫn một vài câu của một vài nhân vật nước ngoài, thí dụ như “Tôi đã sống 25 năm ở nước ngoài, trong đó có 7 năm ở Việt Nam và không hề thấy hai thành phố này nằm trong số tệ nhất thế giới” ( ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham ). Vâng, tôi cố gắng an ủi mình rằng hai thành phố này không nằm trong số tệ nhất thế giới.

Nhưng biện hộ rằng không tồi tệ thì quả thật là … hoang tưởng! Các lãnh vực người ta đưa ra để xem xét gồm những gì ? Bài báo cho biết đó là: dịch bệnh, vệ sinh, cơ sở y tế chất lượng, hạ tầng, khí hậu ô nhiễm, tình trạng tội phạm, ngoài ra chính trị xã hội, văn hóa giải trí cũng được nêu ra.

Chúng ta thấy gì ở những lãnh vực này ? Người dân bình thường chỉ biết xem trên báo chí, xem trên truyền hình. Chưa bao giờ trên đất nước này, đặc biệt ở hai thành phố lớn mà không thông tin có dịch bệnh, chỉ riêng các bệnh và dịch mang tên sau đây chưa bao giờ vắng bóng trên báo chí : Nhiễm HIV, nhiễm H5N1, ngộ độc thực phẩm, rau củ quả dư lượng hóa chất, tiêu chảy cấp, …. Chưa bao giờ báo chí ngưng bàn về chất lượng y tế, bảo hiểm y tế là vấn đề nhức nhối của xã hội, người nghèo đành sống trong tình trạng y tế cực kỳ thấp kém và đành chết trong cơ cực, chúng ta cứ vào thăm bất cứ một bệnh viện nào ở thành phố này để thấy hai bệnh nhân nằm chung một giường, để thấy người bệnh nằm la liệt ngoài hành lang bệnh viện. Người dân có cảm tưởng Nhà Nước không bình ổn được giá thuốc, giá thuốc cứ như con ngựa bất kham, mà người dân nghèo thì bó tay đứng nhìn nó hung hãn tung hoành.

Có môt câu chuyện vui được kể. Khi chia tay với một đoàn du khách nước ngoài, người hướng dẫn viên du lịch đã dở khóc dở cười khi có một vị khách chất vấn “chúng tôi đã được thăm Hạ Long bay ( vịnh ) và Cam Ranh bay, rất đẹp, nhưng chúng tôi chưa được thăm cam đai bay ( cấm đái bậy ) mà chúng tôi thấy quảng cáo khắp nơi”, một chuyện nhỏ thôi để thấy cái tệ về phương diện vệ sinh. Bên ngoài hàng rào tu viện của chúng tôi, dọc đường Kỳ Đồng, người ta vui vẻ nhậu bên kia đường rồi sang phía chúng tôi giải quyết “tháo nước ra”, an toàn và kín đáo, bất chấp đó là tu viện. Còn bao nhiêu vấn đề khác nữa, rác thải, nước hầm cầu, họ đổ khắp nơi, họ thải ra khắp nơi, bất chấp qui định, bất chấp môi trường.

Cơ sở hạ tầng. Hơn một năm nay và sẽ còn bao nhiêu năm nữa, hiện tượng lô cốt đang là nỗi kinh hoàng của người dân thành phố, rồi công trình những con kênh nước đen, dai dẳng đeo đẳng thành phố này, làm mãi làm hoài không kết thúc được, bao nhiêu tiền đổ ra, bao nhiêu chịu đựng của người dân, con kênh mãi cứ với những giòng nước đen hôi thối. Chỉ một cây cầu, chỉ một con đường Nguyễn Hữu Cảnh, bao nhiêu năm rồi không giải quyết được, mỗi ngày một lún, các công trình chung quanh lún theo, người ta sẽ đánh gía như thế nào về trình độ kỹ thuật của thành phố ? Chỉ có hoang tưởng mới không nhận mình đang ở trong tình trạng tồi tệ.

Đành rằng như bài báo nhận định, khí hậu không thể là tiêu chuẩn để đánh giá, bài báo còn nói rằng, có nhiều người nước ngoài thích cái khí hậu nắng ấm của Việt Nam, đúng ! chính xác là như vậy, nhưng không ai thích cái cổ áo trắng đen xì vì bụi bẩn khi từ ngoài đường trở về nhà, không ai thích cái lớp bụi nhanh chóng xuất hiện trên các bề mặt bàn ghế khi vừa lau chùi xong, không ai thích gặp người quen ngoài đường như người xa lạ vì ai cũng mang khẩu trang, không ai thích cái mùi khói xe nồng nặc ở các ngã tư đường khi dừng lại vì đèn đỏ. Chỉ có hoang tưởng mới không nhận mình đang ở trong tình trạng tồi tệ.

“…và ông ( ông Alian Cany ) cho là hầu như không có tội phạm đối với người nước ngoài sống ở đây, ngoại trừ tình trạng móc túi ở chợ búa như Bến Thành”. Cám ơn ông đã có lời biện hộ cho thành phố này, nhưng báo Công an Thành phố ngày nào mà những tin tội phạm không dày đặc tất cả các trang báo ? Một là ông đúng, báo Công an Thành phố sai, hai là ông sai, báo Công an Thành phố đúng !

Thôi thế là đủ. Tôi nghĩ rằng mình nhận thật về mình để cùng nhau xây dựng, cùng nhau sửa chữa, những tồi tệ hôm nay trong đó có lỗi của tất cả chúng ta, đừng tô hồng giả tạo, đừng đóng kịch và đánh lừa nhau. Ông đạo diễn Trần Văn Thủy trong cuốn phim “Chuyện tử tế”, có một khúc ông phát biểu trong phim “Người Nhật dạy con em họ xây dựng đất nước từ những đổ nát sau chiến tranh, đứng lên trên những hoang tàn, họ đã thành công, một nước Nhật tiến bộ. Còn chúng ta, chúng ta dạy con em chúng ta, đất nước chúng ta rừng vàng biển bạc, kết qủa chúng ta thuộc về số các nước chậm phát triển” .

Nhìn nhận sự thật về mình, khiêm tốn hoán cải sửa chữa, chân thành đoàn kết xây dựng và phát triển là thái độ cần thiết của chúng ta hôm nay. Đừng hoang tưởng phỉnh gạt lẫn nhau, đừng tiếp tục vô trách nhiệm, đừng lún sâu đục khoét thành phố này.

Đó chẳng phải là cách ăn chay mà Chúa mong đợi nơi chúng ta sao ! ( Isaia 58, 1 – 9 )

Lm. Vĩnh Sang, dcct
Mùa Chay 2009

No comments: