Monday 19 January 2009

CUỘC HỘI NGỘ LÝ THÚ VỚI LM PHÊRÔ NGUYỄN QUANG DIỆP (HOÀNG DIỆP) - GS Nguyễn Lý-Tưởng

CUỘC HỘI NGỘ LÝ THÚ VỚI LM PHÊRÔ NGUYỄN QUANG DIỆP (HOÀNG DIỆP - DCCT)

(Viết để tưởng nhớ LM Phêrô Nguyễn Quang Diệp sinh ngày 30-11-1924 tại giáo xứ Vinh Hoà, huyện Phú Lộc (Vinh Lộc) Thừa Thiên...mới qua đời tại Huế, Việt Nam ngày 23-12-2008 thọ 84 tuổi. GS Nguyễn Lý-Tưởng)

Năm 1999, trong dịp đi thăm các Linh Mục, Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế VN tại Hải Ngoại cũng như thăm anh em thuộc gia đình An Phong (Cựu Đệ tử DCCT) và bà con họ hàng tại Hoa Kỳ...LM Phêrô Nguyễn Quang Diệp đã liên lạc với chúng tôi (Nguyễn Lý-Tưởng) tại Toà Soạn Nguyệt San Hiệp Nhất (Trung Tâm CGVN/GP Orange, Nam California) và sau đó, ngài được mời dâng Thánh Lễ do Hội Bảo Trợ GP Huế và Hội Cựu Chủng Sinh Huế tại Nam Cali, tổ chức tại Đền Thánh Tử Đạo VN, 1538 N.Century Blvd, Santa Ana, CA 92683...

Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp được nhiều ngừơi biết đến dứơi tên Hoàng Diệp, DCCT, tác giả nhiều bài Thánh ca danh tiếng.

Khi Đức Mẹ được Thiên Chúa rứơc về thiên đàng cả hồn và xác...các Thiên thần đã phải ngạc nhiên và thốt lên: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận. Bà là ai?”

Người dân cư ngụ chung quanh khu vực Dòng Chúa Cứu Thế Huế, mỗi ngày được nghe chuông đồng hồ nhà thờ báo giờ bằng khúc nhạc trên đây. Đó là bản Thánh ca “Kìa Bà Nào...” mà tác giả là LM Phêrô Nguyễn Quang Diệp DCCT. (Nhiều ngừơi cứ tưởng rằng Cha Diệp họ Hoàng!? Hoàng Diệp là tên và cũng là biệt hiệu. Nhưng ngài họ Nguyễn). Cha còn sáng tác nhiều bài Thánh ca danh tiếng khác như “Hội Nhạc Thiên Quốc”, “Tôi Kết Hợp Cùng Chúa...” và nhiều Thánh ca, Diễm ca, Đạo ca, Thơ, Kịch,v.v....

Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp sinh ngày 30/11/1924 tại giáo xứ Vinh Hoà, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên (trứơc 1945, Vinh Hoà thuộc huyện Phú Lộc, sau đó, Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập huyện mới là Vinh Lộc nên Vinh Hoà thuộc huyện Vinh Lộc, sau 30/4/1975, Vinh Hoà thuộc huyện Phú Lộc như cũ)...Cha mẹ ngài là ông Cố Nguyễn Quang Lưu và bà cố Nguyễn Thị Duyên, gia đình nông dân. Thời gian LM Phanxicô Xaviê Dương Văn Nguyên ở Hà Úc từ 1920-1930 (Cha Nguyên sinh 1890, chịu chức LM năm 1920, qua đời 1950), ngài đã đi truyền giáo đến Vinh Hoà, Nam Trường, Mỹ Am thuộc vùng cửa biển Tư Hiền, tỉnh Thừa Thiên thì cha mẹ của LM Phêrô Nguyễn Quang Diệp là một trong những ngừơi đầu tiên trở lại đạo được Cha Nguyên rửa tội và làm phép hôn phối. Cha Diệp được Cha Nguyên rửa tội tại nhà thờ Vinh Hoà từ khi mới sinh.

Vinh Hoà, quê hương Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp là nơi phong cảnh hữu tình, gần cửa biển Tư Hiền, nơi có Núi Rùa, phá Cầu Hai, với ngôi chùa Túy Vân rất danh tiếng từ thời các chúa Nguyễn, nằm trên núi Tuý Vân, bên bờ phá (phá hay đầm là cái hồ lớn ăn thông với biển). Cạnh chùa có giếng nứơc ngọt do vua Thiệu Trị xây gọi là “Cam Lộ Tỉnh”...Đặc sản của vùng nầy là tôm, cá, dừa, cam, bưởi, trái cây,v.v...cho nên dân Thừa Thiên thường nói “dừa Mỹ Á, cá Mỹ Am, cam Mỹ Lợi...” đó là những địa danh quen thuộc của vùng này. (Mỹ Lợi là quê hương của Đức Đoan Huy hoàng thái hậu tức bà Từ Cung mẹ của vua Bảo Đại).

Trong tập hồi ký viết bằng Thơ của Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp, ngài có nhắc đến ngôi nhà nghỉ mát tại cửa Tư Hiền vào khoảng 1935 có tên “Hiền Nguyên” mà các Cha DCCT thường đến sinh hoạt ở đây. Thời thơ ấu, Cha Diệp rất say mê các sinh hoạt mùa Hè của các Cha, các Thầy và các chú đệ tử DCCT tại đây. Và từ đó, ngài đã xin vào tu học DCCT Huế.

Hiền là cửa Tư Hiền, thời nhà Lê có tên là Tư Dung, đến đời nhà Mạc vì kỵ huý vua nhà Mạc là Mạc Đăng Dung nên đổi tên là Tư Hiền (?), cái tên đó được ghi vào sách “Ô Châu Cận Lục” của Tiến sĩ Dương Văn An (1553) và vẫn giữ cho đến ngày nay. Nguyên là tên của LM Phanxicô Xaviê Dương Văn Nguyên (1890-1950), Cha Sở giáo xứ Vinh Hoà và là ngừơi đã dựng nên ngôi nhà nầy. Cha Nguyên là một trong những người đầu tiên đến truyền giáo vùng Nam Trường, Vinh Hoà. Ngài đã sống một đời tông đồ, hy sinh cho lý tưởng và đã trải qua một cái chết trong tinh thần “tử đạo thời nay”, bị Việt Minh (Cộng Sản) bắt giam và chết tại vùng núi tỉnh Quảng Bình khoảng năm 1950-1951. Thời gian Cha Nguyên làm chánh xứ Vinh Hoà thì cháu của ngài là LM Stanislas Nguyễn Văn Ngọc (1910-1992) lúc đó đang là Thầy Đại chủng viện Huế cũng thường có mặt tại Vinh Hoà và từ 1961-1965, Cha Ngọc là chánh xứ Vinh Hoà. Cha Nguyên vừa là ân nhân vừa là bậc Thầy của Cha Diệp và Cha Ngọc là bậc đàn anh của Cha Diệp. Cha Nguyên là anh ruột của mẹ tôi và Cha Ngọc là anh con bác ruột của tôi...đã nhiều lần tôi đến thăm Vinh Hòa nên tôi biết rõ quê hương, dòng họ của Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp..

Năm 1938, lúc 14 tuổi, cậu Phêrô Nguyễn Quang Diệp nhập Đệ Tử Viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Năm 1948, ngài vào Nhà Tập DCCT Hà Nội. Ngày 2/8/1949, ngài khấn Dòng lần đầu tại Hà Nội và tiếp tục học ở đó, chịu các chức nhỏ cho đến chức Sáu (1953). Sau đó, ngài vào Nam tiếp tục tu học và chịu chức Linh Mục tại Đà Lạt ngày 19-09-1954, vào tuổi 30.

Từ 1955-1962, ngài làm Phó Giám Đốc Đệ Tử Viện Vũng Tàu. Sau đó, ngài được đi dưỡng bệnh và từ 1963-1974 ngài đi truyền giáo tại Châu Ổ và đảo Lý Sơn thuộc Quảng Ngãi. Sau cuộc đảo chánh, lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 01 tháng 11 năm 1963, Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp đã gặp nhiều khó khăn tại đảo Lý Sơn. Trung Úy Quận Trưởng đã đến đây tập họp dân chúng, bắt Cha và quý vị trong giáo xứ ra giữa sân để xét xử. Ông ta tuyên bố chính Cha Diệp và quý ông đã bắt ép dân theo đạo Thiên Chúa và đòi “bắn bỏ” những ngừơi nầy, đòi tịch thu “nhà thờ mới làm”...Mặc dù mới theo đạo, nhưng các vị trong hội đồng giáo xứ “đảo Lý Sơn” đã cương quyết không chối bỏ Chúa, không chối bỏ đức tin và sẵn sàng chịu chết để làm chứng sự thật...Nhờ bản tính hiền lành, khiêm nhượng, chịu khó hy sinh...Cha đã vựơt qua giai đoạn thử thách cam go nầy và đã củng cố lòng tin nơi anh chị em tân tòng. Cha nhờ ngừơi báo tin cho Cha Giám Tỉnh DCCT ở Sài Gòn và Dòng đã trình sự việc lên chính quyền Trung Ương nên Trung Ương đã ra lệnh cho vị Quận Trưởng không được có hành động sai trái đối với giáo dân.

Từ 1975 – 1989, ngài phụ trách giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bên cạnh Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Sau đó, ngài kiêm nhiệm chức Bề Trên DCCT Huế cho đến ngày về hưu. Ngài qua đời ngày 23/12/2008 vào những ngày chuẩn bị Lễ Giáng Sinh. Ngài có tài âm nhạc từ khi còn học sinh, năm 1948, khi mới vào Nhà Tập, ngài đã sáng tác bài Thánh ca “Tôi Kết Hợp Cùng Chúa”, rất phổ biến trong các nhà thờ từ Nam chí Bắc. Một số các bài Thánh ca danh tiếng như “Kìa Bà Nào...” “Hội Nhạc Thiên Quốc”...mà chúng tôi đã đề cập ở trên đã được khắp thế giới biết đến. Hàng ngàn ngừơi đã tiễn đưa ngài trong Thánh Lễ an táng do Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể, TGP Huế chủ tế và những bài Thánh ca do Cha Diệp sáng tác đã được hát lên để nhớ đến ngài. “Tôi kết hợp cùng Chúa và tế lễ toàn thiêu làm một với Ngừơi” là lời ca Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp cất lên trong ngày lễ khấn dòng lần đầu tiên 1948 tại Hà Nội cũng là lời kết thúc trong cuộc tiễn đưa ngài về nơi thiên quốc “kết hợp với Chúa”.
Ngày 12/01/2009

No comments: