Tuesday, 1 May 2012

Lm Lế Quang Uy: Những Mục Tử...


“NHỮNG MỤC TỬ NHƯ LÒNG CHÚA MONG ƯỚC”

Lễ Chúa Chiên Lành bao giờ cũng là Ngày Cầu Nguyện cho Ơn Gọi, nhiều nơi tổ chức rất “hoành tráng”, đặc biệt không thể thiếu một cuộc trình diễn áo Dòng, cứ lần lượt một bé nam rồi lại một bé nữ, xúng xính trong chiếc áo nâu, đen, trắng, xám, xanh, có lúp, có choàng, có đai, có chuỗi... Cả Nhà Thờ xôn xao nhộn nhịp hẳn lên vì cha mẹ ai cũng muốn trông thấy con thấy cháu của mình được “hóa thân” thành một Nữ Tu Dòng Đa Minh xinh xắn, thành một thầy Phanxicô mảnh mai hoặc một Giáo Sĩ Triều điển trai... Từng bước từng bước đi, tay chắp nết na, mắt nhìn vời vợi như hướng lên tận cõi trời cao. Máy ảnh kỹ thuật số lóe lên liên tiếp không sợ hao phim. Tiếng nhạc nền, tiếng người hướng dẫn chương trình vang vang về từng vị Thánh Tổ lập Dòng, về tôn chỉ linh đạo, về đường hướng phục vụ...
Lại cũng có nơi thích canh tân, không muốn năm nào cũng bổn cũ soạn lại, hỏi ý kiến tư vấn, chúng tôi liền mách nước: Ơ hay, Ơn Gọi hàm nghĩa sâu và rộng lắm, đâu chỉ có Ơn Gọi đi tu làm cha, làm thầy, làm dì phước ? Vậy tại sao sau một loạt “người mẫu” áo Dòng lại không có thêm những cô bé chú bé mặc áo blouse trắng của ngành Y; mặc áo dài cầm tập giáo án của các thầy cô giáo; mặc áo xanh đội nón bảo hộ của một đốc công trong xưởng máy; mặc sơmi trắng thắt khăn quàng huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể...
Và cuối cùng, kết thúc cuộc diễn hành thì đừng quên có một đôi là vợ chồng thật sự hẳn hoi, dắt thêm mấy cháu bé lon ton là con cái của họ, bước ra ngỏ đôi lời với cộng đoàn, rằng thì là: “Vâng, Ơn Gọi xuất phát từ Thiên Chúa. Ngài gọi và con người chúng ta đáp trả. Chúng tôi đã đáp trả để nên nghĩa vợ chồng và Thiên Chúa đã trao cho chúng tôi bổn phận tuyệt vời là làm những người... chăn trâu để chăm sóc một đàn nghé tý hon như thế này đây. Vất vả lắm, mệt mỏi lắm, nhưng chúng tôi luôn ngợi khen và tạ ơn Chúa...”
Sáng Chúa Nhật hôm nay, bản thân tôi cũng đã gợi lên trong bài giảng Thánh Lễ về hình tượng các thầy cô giáo được Chúa trao cho từ đầu mỗi năm học cả một đàn nghé bốn, năm chục con lau nhau lóc nhóc, nghịch ngợm hiếu động để chăn dắt sao cho chúng ngoan hơn, giỏi hơn và nhất là tốt bụng, lớn lên sống tử tế hơn; rồi hình tượng các y bác sĩ được Chúa trao cho cùng lúc hoặc liên tiếp nhiều bệnh nhân trong nhà thương để phải thăm khám, hội chẩn, giải phẫu, điều trị cho đến khi hồi phục và lành bệnh...
Thế rồi Thánh Lễ sau đó, tôi đang đi trên hành lang Tu Viện Sàigòn thì chợt nghe bên phía Nhà Thờ có một giọng giảng quen quen, trẻ nhưng chững chạc, khá hùng hồn. Thì ra đó là một thầy gốc Hà Nội, mới chịu chức Phó Tế gần đây. Tôi lại càng tò mò muốn xem các em trong Dòng của mình “hậu sinh khả úy” ra sao ? Tôi dừng lại chú ý nghe, không ngờ bắt ngay lấy được một ý tưởng hay quá. Thầy cũng nói đến các Mục Tử trong nghề giáo và nghề y, nhưng thêm: “Các ông bà chủ, giám đốc các nhà máy xí nghiệp, Thiên Chúa cũng đang trao vào tay quý vị quản lý hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn những công nhân nam nữ, những bạn trẻ di dân xa quê nghèo tiền nhưng giàu nghị lực, đang cần một công việc thích hợp, đang cần những món tiền lương đủ sống. Xin hãy chăn dắt họ bằng sự lương thiện và công bình, bằng sự tôn trọng và nhân ái...”
Vậy là đã có một sự chuyển đổi trong quan niệm về Ơn Gọi. Lâu nay chúng ta quá chú ý đến cái là chủ thể ( subject ) và cái là khách thể ( object ) của việc chăn dắt, để rồi chúng ta dễ dàng và nhanh chóng bị cuốn theo khuynh hướng xếp các đấng các bậc Giáo Sĩ đáng kính vào vai trò Mục Tử chăn dắt cả một đàn chiên khổng lồ là anh chị em Giáo Dân. Không sai, nhưng chắc là chưa đủ ! Chỉ cần chúng ta chú ý xoáy sâu vào nội dung của hành động ( verb ) chăn dắt để khám phá ra đó chính là yêu thương, quan tâm, chăm sóc, hướng dẫn. Chăn dắt đàn chiên đúng nghĩa như thế thì hao tổn tâm sức ghê lắm, mướt mồ hôi, sôi nước mắt và thậm chí có thể đổ cả máu, sẵn sàng mất mạng cho đàn chiên của mình được quây quần bình an, được sống và là sống dồi dào !
Chăn dắt đâu phải chỉ là nhốt đàn chiên vào trong chuồng, rào giậu lại canh gác ngày đêm cho an toàn, nội bất xuất ngoại bất nhập. Công việc chăn dắt buộc người chăn dắt phải đưa chiên hằng ngày ra đi mà chăn mà dắt, rong ruổi lữ hành, sao cho tìm gặp được những đồng cỏ xanh tươi, những nguồn nước trong lành cho đàn chiên được no thỏa cơn đói và cơn khát gay gắt của cuộc đời.
Hướng nhìn của vấn đề như thế là đã nghiêng hẳn về phía “quyền lợi” sâu xa của đàn chiên hơn là phía... “quyền lực” của chủ chiên. Khổ nỗi, lâu nay chúng ta chỉ quen nghĩ đến sự cai quản lãnh đạo của hàng chủ chiên Giáo Sĩ đối với đàn chiên Giáo Dân. Tất cả đều từ bên trên bổ xuống, được đến đâu quý đến đấy, may nhờ rủi chịu, gặp đấng chăn chiên hiền lành và khôn ngoan sáng suốt thì may quá, phúc đức quá, Xứ Đạo cứ thế mà đi lên; ngược lại, lỡ mà gặp phải đấng chăn chiên dữ dằn, quan liêu, lại thêm lem nhem đủ chuyện nữa thì khốn khổ, dân đen chỉ biết cắn răng mà chịu, hó hé là coi chừng vạ tuyệt thông ! Vẫn biết Chức Thánh của hàng Giáo Sĩ không thể đem so sánh với bất cứ điều gì, nhưng phải luôn nhớ Chức ấy Thánh ở chỗ được sung công, được trưng dụng để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, làm gì mà dám vênh vang như những thứ chức tước khanh tướng thế gian !?!
Thật ra, một khi đã toàn tâm toàn ý chăm sóc cho đàn chiên, thì chủ chiên cũng sẽ không thể nào lại là hạng người hẹp hòi được, cũng chẳng còn thời giờ và hơi sức để mà hư thân trong những thứ đam mê nguy hại. Linh Mục trong Họ Đạo hay người cha trong gia đình đã quá tận tụy lo toan cho con cái mình thì bảo đảm không thể dính vào bài bạc rượu chè hoặc tơ tưởng lăng nhăng. Bác sĩ có tâm đức và chuyên môn giỏi, đã hết mình chữa trị cho bệnh nhân ở nhà thương rồi thì còn biết móc nối lôi kéo ai về phòng mạch riêng để kiếm thêm ? Thầy cô giáo đã giảng dạy quá chu đáo ở trường rồi thì chẳng cần phải ép học sinh phải về nhà riêng để học thêm ?
Ấy đấy, xã hội chung quanh chúng ta hôm nay đang giàu lên, đẹp lên, ngon lên, sang trọng hẳn ra, nhất là ở nơi thành thị đô hội. Nông thôn cũng chẳng chịu kém cạnh đâu, rồi nay mai cũng sẽ ngoi lên cùng với đà tiến công nghiệp hóa, cơ khí hóa. Thế nhưng, đáng lẽ “phú quý sinh lễ nghĩa” thì chẳng ngờ, chất lượng cuộc sống của chúng ta lại đang dần dần nghèo đi, xấu xí, ích kỷ, bần tiện, nhỏ nhen, gian dối, thủ đoạn, độc ác. Nó cho thấy lương tri con người đang bị xói mòn, teo lại, méo mó èo uột. Và nguyên nhân sâu xa trên tất cả mọi nguyên nhân, đó là một nếp sống vật chất thiếu vắng tâm linh, thản nhiên quên Chúa, gạt Chúa ra bên lề...
Làm sao bây giờ ? Chúng ta có còn nghe được tiếng Chúa gọi chúng ta không ? Cái mà ta vẫn nói là Ơn Gọi ( Vocation ) ấy, vẫn đang được gửi đến chúng ta như những mẩu nhắn tin trong điện thoại. Ăn thua chúng ta có chịu để ý tín hiệu và mở tin nhắn ra đọc. Lại ăn thua ở chỗ đọc được tin nhắn rồi, chúng ta có vui vẻ nhận lời hợp tác với Chúa, để cho chính Chúa sẽ chăn dắt huấn luyện cho chúng ta trở thành những mục tử chăn dắt lẫn nhau hay không ? Được như thế, Giáo Hội, xã hội, quê hương chúng ta sẽ bắt đầu hồi sinh, chuyển mình thăng hoa nhờ những mục tử nhân lành dễ thương đúng như lòng Chúa Giêsu mong ước. Họ là Giáo Sĩ, Giáo Dân, đàn ông, đàn bà, già trẻ lớn bé, ở mọi nơi, mọi cảnh sống, mọi ngành nghề, mọi cương vị, mọi hoàn cảnh môi trường. Họ đấy, chúng ta đấy, sẽ là những con người cứu vớt dân tộc này, nhân loại này khỏi cái đói cái khát Tình Yêu Giêsu !
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT
Bài cũ đã đăng trên Ephata Chúa Nhật 7.5.2006

No comments: