Friday, 18 May 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Ví dụ “Thợ Làm Vườn Nho”




Ví dụ đã được áp dụng theo nhiều kiểu trong Hội thánh. Nhưng áp dụng phải làm sao chớ đừng sai hướng của ví dụ.

1/ Áp dụng trong Hội thánh: phụng vụ (Chúa nhật 70). Thánh Grêgôriô (590-604) đã giải thích ví dụ nhân Chúa nhật 70. Giải thích của ngài được đọc trong Nhật khóa Hội thánh, và toát yếu lại các giải thích thời Giáo phụ. Ngài có 2 giải thích này:

a/ Tỉ dụ về Thánh sử: 5 lần gọi thợ tức là 5 giai đoạn Thánh sử (Ađam, Noê, Abraham, Môsê, Chúa Yêsu). Trả công tức là cuộc phán xét thời tận thế, Giải thích này đã thấy trong các trước tác của Irênê, Origênê.
b/ Tỉ dụ về những chặng đời người: người ta được kêu gọi vào thời cũng được suốt một đời người: người thì còn bé, người thì vào lúc lớn khôn, trưởng thành, có khi lúc già lão, hay cả lúc gần chết nữa.

Theo lịch sử phụng vụ thì bài Tin Mừng này không được chọn vì là Chúa nhật 70, khai mạc một vận kỳ mới của phụng vụ, vận kỳ Phục sinh. Vì xưa kia chưa có Chúa nhật 70, người ta cũng đã đọc bài Tin mừng này vào Chúa nhật thứ 7 sau Hiển Linh.

Các giải thích trên này nhấn vào việc kêu gọi vào vườn nho. Nhưng theo kiểu trình bày của ví dụ, thì ý nghĩa không hướng về việc trả công cuối ngày. Còn chính việc kêu gọi lại không có vai trò quan trọng.

2/ Gọi nhiều chọn ít.

Trong văn bản La tinh có kèm thêm câu: Kẻ được gọi thì nhiều, người được chọn thì ít. Nhưng câu này không có trong các thủ bản quan trọng đáng tin cậy. Nên phải nói câu này không phải là thành phần của ví dụ, nhưng là một Lời của Chúa Yêsu (như Mt 22: 14) đã được kéo vào ví dụ làm như một cách giải thích. Giải thích đó ngấm ngầm nhắc rằng: nhóm được thuê trước tiên là một gương phải trách. Họ kêu ca, tự mãn, kể công, chống lại quyết định của Thiên Chúa, hay đã khước từ ơn huệ của Thiên Chúa. Nên “hãy đi”: tiếng này được hiểu như việc Thiên Chúa lên án họ. Ví dụ nên một cảnh phán xét, và đã nên như một lời cảnh cáo.

Giải thích gượng ép, vì trong ví dụ cả họ nữa cũng lĩnh công, chứ không phải là họ bị xua đuổi và hỏng mất công.

3/ Cuối sẽ dẫn đầu

Câu 16: Thế đó, có những kẻ cuối hết sẽ nên đầu hết. Câu này chắc chắn là thành phần ví dụ hiện tại trong Mt, và được coi như kết luận cho ví dụ “thế đó”. Nhưng 19: 30, cũng đã có lời này rồi, vậy ví dụ được đặt giữa hai lời giống nhau này để làm thành như minh hoạ cho châm ngôn có vẻ nghịch lý đó. Nhưng so với 19: 30 thì câu 20: 16 này trở nên như một luật chung. Sau ví dụ, ta được rõ những kẻ đầu hết nên cuối hết là ai, và những kẻ cuối hết nên đầu hết là ai: cuối hết tức là những thợ vào làm cuối ngày, nhưng họ lại được lĩnh công trước tiên. Còn 19: 30 thì muốn nói ngày phán xét tận thế sẽ đem lại những đảo ngược lạ lùng, một cách bất ngờ, về các giá trị trần gian. Còn 20: 16 thì ví dụ cho thấy lòng nhân lành của chủ đối với thợ đã đổi ngược thứ tự.

Ý tưởng của 20: 16 lấy từ 20: 8b.
Còn ví dụ, tuy có nói đến 5 hạng người thợ, chỉ còn giữ lại hai hạng mà thôi trong khi trả công và đảo ngược lại thứ tự mướn thợ.

Chiếu theo 20: 16 này, thì ví dụ minh hoạ một giai đoạn thánh sử: Tin Mừng đem đến cho dân Do thái, nhưng dân ngoại lĩnh lấy. Kẻ được lời hứa đã không lĩnh lấy trước tiên điều đã hứa. Như thế là một giải thích – dựa trên đạo lý như Rm 11: 22tt.

Bình luận:  giải thích không hoàn toàn đi với hướng chung của ví dụ: người ta không kêu ca vì bị đặt sau cùng lúc trả công. Và lại có trễ hơn cũng chỉ đôi ba phút, không đáng kể. Câu 8b (cốt yếu cho giải thích này) không nêu lên sự bất công …nhưng là dàn cảnh sao cho hạng người thứ nhất chứng kiến việc trả công cho những người cuối hết, để làm nảy lên lời kêu ca và nhờ đó dẫn đến bài học. Theo tiếng Aram thì “bắt đầu tự hạng cuối hết…” có lẽ chỉ có nghĩa là “kể cả hạng cuối hết nữa” cũng hãy cho một công trọn cả ngày. Câu 22: 16  cũng đồng với Lc 13: 30; Mc 10: 31. Bởi đó, kết luận được rằng: 20: 16 là một lời của Chúa Yêsu, tự lập đối với ví dụ. Mt đem vào ví dụ như giải thích: lời đã ứng nghiệm trong đời Chúa Yêsu, như tình trạng Hội thánh đã cho thấy; đàng khác, tín hữu hãy coi chừng: điều xảy ra cho Biệt phái vẫn còn có thể xảy ra nữa.

4/ Ý nghĩa của ví dụ.

Ví dụ gợi lên thái độ kỳ dị của chủ. Công bằng của xã hội không nhận thái độ của ông chủ: thái độ có tính cách khiêu khích. Và tự nhiên là người ta kêu lên “bất công”, như hạng thợ thứ nhất đã nói trắng ra. Mà những lời kêu đó cũng đồng một giọng với lời người con cả trong Lc 15: 29t. Và như vậy hoàn cảnh trong đó ví dụ đã được nói ra cũng tương tợ như Lc 15: 1tt).

Và điều Chúa Yêsu muốn dạy càng nổi bật hơn, nếu ta đem so với một ví dụ của người Do thái cũng nói đến thợ làm vườn nho và trả việc công. Rabbi bun bar Hiyya chết lúc còn gọi được là trai tráng, Các bạn đồng liêu đi điếu, trong số có Rabbi Zeera. Rabbi Zeera làm bài điếu bằng một ví dụ: Một ông vua kia thuê nhiều thợ. Hai giờ sau nhà vua đi thăm thợ, thấy một người làm việc cần mẫn và giỏi giang. Nhà vua dắt tay cùng kéo đi dạo suốt cả ngày, thế mà chiều cũng được công như các người khác. Họ kêu ca, vua mới nói: nó làm hai giờ, còn hơn chúng bay làm cả ngày. Rõ ràng là ví dụ của Rabbi Zeera dựa trên quan niệm công bằng: công xứng với việc làm (chứ không kể thì giờ dài vắn).

Chúa Yêu phản kháng lại quan niệm công bằng đó của Biệt phái. Trong nước Thiên Chúa không thể lấy quan niệm công bằng đó mà hiểu được. Đây không phải là việc buôn bán; đây cốt thiết là lòng nhân lành của Thiên Chúa yêu mến người ta và cứu vớt người ta đang sa đoạ trong sự dữ; Người mời vào tiệc lớn lao, và biến người ta nên cộng sự của Thiên Chúa. Người ta không thể lấy công nghiệp mà tậu Người. Và ở đâu lòng nhân lành thi thố ra, thì người ta chớ có lấy con mắt ghen tưông mà lườm nguýt. Như thế Chúa Yêsu dùng ví dụ này để dạy Biệt phái vượt quá quan niệm công chính của họ, điều ngăn trở họ đi đến cùng Chúa Yêsu.      
 (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

No comments: