Monday 30 April 2018

Lm Vĩnh Sang DCCT : “TA ĐÃ THẤY GÌ TRONG ĐÊM NAY?...”



Tôi ngần ngại mãi tìm đề tài để viết cho số báo Ephata số ra Chúa Nhật 29.4.2018, đắn đo mãi vì số báo ra cận ngày lịch sử của đất nước, ngày 30 tháng 4, ngày mà trái tim của tôi lại chợt đau nhói mỗi khi nhắc đến nó.
 Vào những ngày cận kề này, bao nhiêu cảm xúc về nỗi đau, về những luyến tiếc lại kéo về. Chiều nay vào trang FB của nhóm bạn trường cũ, có một ai đó nhắc đến người giáo sư Anh văn duyên dáng của trường năm nào, cô đẹp và nổi bật trong tà áo dài đến lớp, mái tóc đen óng ả của cô, và cái răng khểnh là những đặc điểm chắc chẳng ai quên khi nhắc đến cô. Bạn ấy viết về cô với niềm luyến nhớ, vì sau năm 75 cô đã ở lại biển vĩnh viễn không đến được bờ tự do như cô mong muốn. Những dòng chữ cô viết đề tặng tôi trong một cuốn truyện Anh ngữ Loranard Doon lại hiện về.
Không chỉ mình cô, người bạn thân nhất trong ba đứa chơi với nhau từ thời trẻ thơ của chúng tôi cũng chẳng trở về sau chuyến đi biển năm ấy, đi tìm tự do, bạn bỏ lại ba đứa con gái lớn lên không biết gì nhiều về cha mình, cháu lớn nhất bây giờ là giảng viên một trường đại học, những lần đi chơi với nhau cháu nói “xin nói về ba của con cho con nghe”. Tôi cố nén cảm xúc khi những đứa cháu con của chúng nhảy vào lòng tôi gọi “ông ngoại”!
Từ ngày ấy bỗng dưng tôi như trẻ con hờn giận biển, cơn dỗi nỗi hờn 43 năm rồi, không ai dỗ dành, bây giờ tóc bạc sương, những lần ra biển chỉ biết ngồi nhìn biển ngậm ngùi lặng lẽ. Biển nhận chìm, biển chia cắt bao nhiêu tình cảm đời tôi! Những người thân quen cũ giờ trở nên xa lạ bên kia bờ đại dương, “chẳng nợ gì nhau”!
Ngần ngại rồi cũng phải viết vì thời gian không cho suy nghĩ nữa, phải viết về những nỗi đau của mình, của nhiều người, và bây giờ là nỗi đau của cả một dân tộc khi những hình ảnh bước qua ranh biên giới giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên lồ lộ trên các màn hình mạng xã hội. Không biết nền hòa bình mà họ đang xây dựng có hiện thực và bền vững không, nhưng chúng ta bất hạnh, vì chưa bao giờ và chẳng bao giờ chúng ta có được những hình ảnh hạnh phúc đó. Bao nhiêu xương máu đồng bào ta đã đổ xuống, bao nhiêu nỗi oan khiên theo nhau trong những ngày ngục tù, những tiếng khóc xé lòng khi tiễn đưa những người bạn nằm trong cỗ áo quan phủ lá quốc kỳ, những ngôi nhà buồn tênh trống trải khi những đứa con trai bỏ làng xóm “sinh Bắc tử Nam” chẳng biết vùi xác nơi nào.
43 năm sau, ta nhìn một đất nước tan hoang, biển mất, rừng chẳng còn, anh em cha con xếp hàng tranh nhau đi làm nô lệ xứ người! Người ở lại gánh một núi nợ công trên trời rơi xuống! Người nghèo nối đuôi nhau đòi công lý khắp nơi, những phòng, những khoa, những bệnh viện ung bướu đầy ắp hơi người không còn chỗ chen chân.
Cuối cùng rồi cũng phải viết về những nỗi đau ấy, vì mấy bữa nay có thông tin, ngôi nhà cổ có tuổi trên 150 năm nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn chuẩn bị được đưa lên “thớt” để chặt, để đập phá. (Ảnh Nhà Nguyện cổ trong Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn sắp bị phá bỏ).  
Năm 1987 tôi chứng kiến ngôi nhà song sinh với ngôi nhà này, có tên là “Lăng Cha Cả” bị đập phá tan hoang! Nỗi buồn về một di tích, một công trình mang đầy tính văn hóa Việt bị phế bỏ, nỗi buồn với tôi còn thấm hơn khi đây là một ngôi nhà gắn liền với cả tuổi lớn lên và thời học trò của tôi. Sáu năm thời trung học, mỗi ngày tôi đi qua ngôi nhà này nhiều lần, bao nhiêu những suy nghĩ, tưởng tượng phong phú của tôi năm xưa về ngôi nhà và những gi bên trong ngôi nhà đó, đối với tôi và có lẽ nhiều bạn học trò khác, Lăng Cha Cả là cột mốc tạm chấm dứt mộng mơ của bài “Ngày Xưa Hoàng Thị” vì đã hết con đường “theo nhau đường dài, trưa trưa chiều chiều” để bước vào đường Trương Minh Ký tấp nập xe cộ qua lại.
Hẳn không phải mình tôi nhưng ít là những ai qua lại, những cư dân của nhiều năm, nhiều thế hệ sống quanh đó, cư dân của Sàigòn và cả những người ngoại quốc đến sống và làm việc ở các đơn vị vùng Phi trường Tân Sơn Nhất, cổng Phi Long. Cái đó người ta gọi là “hồn” của công trình. (Ảnh Lăng Cha Cả ngày xưa trước khi bị phá hủy sau năm 1975).
Đối với những người có trách nhiệm với đất nước, hình như họ chẳng bận tâm đến cái “hồn”, cái họ bận tâm là cái khác. Một xưởng Ba Soong của thời oanh liệt Nguyễn Ánh đóng tàu dong duổi đại dương đối với họ là cỏ rác; những ngôi biệt thự ghi rõ mồn một số nhà của thời mở mang bờ cõi đối với họ là “chuyện nhỏ”; cả quần thể Tu Viện hiện diện trước cả khi cha mẹ họ sinh ra họ cũng sẵn sàng tước đoạt; những đầu tàu xe lửa cả thế giới thèm khát họ bán với giá sắt vụn, ngoại quốc mua về làm du lịch giá đẩy lên hàng triệu đô; cả một hệ thống đường sắt răng cưa ở Đà Lạt không nơi nào trên thế giới còn sót lại, vậy mà đã được họ cho nấu chảy!
Trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Hội Thánh dạy chúng ta rằng (số 13): … Ký ức là một chiều kích của Đức Tin mà chúng ta có thể gọi là “đệ nhị luật”, tương tự như ký ức của dân Israel về chính mình. Chúa Giêsu để lại cho chúng ta Thánh Thể như là sự tưởng nhớ hằng ngày của Hội Thánh về biến cố Vượt Qua của Ngài, và như là sự chia sẻ sâu xa hơn biến cố này (Lc 22, 19)…”
Xúc phạm ký ức, hủy bỏ tính kế thừa, dân tộc, đất nước chúng ta đi về đâu, hỏi sao không buồn, chẳng phải để nhắc lại những kỷ niệm buồn của một thời đã qua, chẳng phải là những lời phàn nàn lẩm cẩm của những người gần miệng lỗ, với hành trình của Hội Thánh, đó là những tiếng kêu nhằm thức tỉnh lương tâm của những ai đang can tâm đập phá hủy bỏ qua khứ, muốn xây dựng những cái tháp Babel mới cho họ, ghi danh họ trên bảng vàng! Cái họ tìm không phải là các linh hồn nhưng là công danh sự nghiệp của họ, ghi danh họ!
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 29.4.2018

Monday 23 April 2018

Lm Vinh Sơn Phạm Trung Thành DCCT : "TRONG ĐÔI MẮT EM, ANH LÀ TẤT CẢ"



Những ngày tháng gần đây tình hình trong nước sôi động về những vụ khởi tố và bắt giam, không phải khởi tố và bắt giam các anh chị em có tiếng nói phản biện, nhưng là khởi tố và bắt giam một số các quan chức cao cấp và tướng lãnh của nhà cầm quyền hiện tại. Đã có vị là ủy viên Bộ Chính Trị, một thời “hét ra lửa, xì ra khói”, một dạo thẳng tay đàn áp các nhóm biểu tình chống Trung Quốc, chống Formosa... Đã có những vị hàm trung tướng, nắm giữ những Tổng Cục quan trọng cấp quốc gia trong lực lượng CA, tình báo. Đã có những vị “tuổi trẻ tài cao”, được xếp loại "Thái Tử Đảng", từng đi đầu trong các phong trào giới trẻ, quyết liệt với chủ nghĩa CS, đấu tranh không khoan nhượng với các tiếng nói khác biệt. Đã có những vị “chủ trì các chuyên án”, từng đích thân còng tay dẫn bị cáo ra tòa nay lại bị giam cùng trại giam với người ngày trước mình truy bắt.
Dư luận cũng có những ý kiến khác nhau, người lạc quan vui vẻ cho rằng đã đến lúc thanh lọc hàng ngũ lãnh đạo để xây dựng đất nước, nhưng cũng có người vẫn mang nỗi buồn và thất vọng về một thể chế đã quá mất lòng dân, những bắt bớ chỉ là đấu đá nội bộ, tranh giành ngôi vị trong hệ thống lãnh đạo mà thôi… Nhưng thế nào đi nữa thì cũng lộ ra một sự thật, đó là người dân chúng ta đã bị lừa quá nhiều.
Bao nhiêu công sức của một đất nước, của cả dân tộc, giờ đây hậu quả là một món nợ kếch sù để lại cho con cháu, những nỗ lực hy sinh xương máu quá nhiều giờ đây biển đảo tan hoang, rừng xanh bị tận diệt, những tự hào ngày nào về một đất nước anh hùng nay chỉ còn là nỗi tủi nhục trước bạn bè quốc tế, vai trò đàn anh năm xưa trong vùng Đông Nam Á nay chỉ còn là đội sổ về mọi mặt. Điều tệ hại nhất là đạo đức thụt lùi và tan rã một cách tồi tệ, nhân cách bị phá hủy, gian dối và độc ác lên ngôi.
Những người đã bị tra tay vào còng, những người đã có án do tòa tuyên, nhưng nhất là những gương mặt mà tòa án lương tâm của nhân dân và lịch sử đã kết luận, những con người ấy có tội với dân tộc, có tội với lịch sử, họ là những người từ ngay trong cuộc sống của họ đã không có chỗ cho tổ quốc, dân tộc và đất nước. Hàng ngày họ bận tâm với những mối lợi riêng tư của họ, bắt tay quàng cổ nhau vì lợi ích phe nhóm họ, họ đã mải mê chăm chút cho họ, nên họ không còn chỗ cho người khác, cho đất nước và nhất là cho tiếng nói của Thiên Chúa vang lên trong họ.
Nhìn những biến cố chung quanh lại nghĩ đến mình. Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Hội Thánh cảnh giác chúng ta:
 “2. Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lì. Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của Tình Yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ. Đây chính là một mối nguy cho cả người tín hữu…”
Có những cộng đoàn, những cá nhân chúng ta đang trói chặt mình trong những lo toan, bận tâm với những lợi ích của mình, của cộng đoàn mình, từ những lo toan như vậy, tiếng nói của Thiên Chúa không được lắng nghe, tiếng kêu của người nghèo, người bị chà đạp, bị loại trừ không vang đến tai chúng ta, và lương tâm trở nên chai lì, vô cảm với nỗi đau của người khác. Cũng vậy, chúng ta đã tự lừa dối chính mình và người khác về một lòng nhiệt thành với việc của Hội Thánh, của Chúa, khi bản thân lao mình vào những hoạt động chăm chút cho bộ lông của riêng mình.
Xin đơn cử một thí dụ: Hiện nay có một số Giáo Xứ đang tính toán việc xây dựng các bãi giữ xe trong sân Nhà Thờ, những Giáo Xứ trong thành phố không có nhiều đất nên tính cả phương án đào hầm giữ xe, nếu sân rộng làm bãi thì không mấy tốn kém, nhưng xây hầm thì kinh phí có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhưng vấn đề có cần như vậy không? Quan sát môt số Giáo Xứ đang “có nhu cầu” nhận thấy, bán kính Giáo Xứ không hơn 500 mét, nhưng khi đi tham dự Thánh Lễ người ta cứ dùng xe hai bánh đến Nhà Thờ, nhu cầu hầm giữ xe là giả tạo, mỗi giờ đầu và cuối lễ, nạn kẹt xe các nẻo đường chung quanh Nhà Thờ là bất hợp lý.
Trở lại việc đi bộ đến Nhà Thờ là một lời khuyên không mấy được đón nhận, ngược lại, người ta vận động và thổi phồng việc làm hầm giữ xe hơi dịch vụ là việc của… Giáo Hội, và làm sáng danh Chúa nữa cơ đấy! Thật đáng tiếc! Mải lo cho những nhu cầu giả tạo, chăm chút cho óng ả bộ lông của mình, người ta không còn nghe được tiếng kêu của người nghèo, không còn nghe được tiếng của Chúa. Bao nhiêu nơi, bao nhiêu vùng, đang rất cần sự trợ giúp để Tin Mừng được hô vang lên, bao nhiêu người cần sự nâng đỡ để được phát triển toàn diện như Công Đồng đã khuyên bảo.
Bao lâu trong đôi mắt em mà tràn ngập những lo toan về sự bóng bảy của em thì trong đôi mắt ấy làm sao có được hình bóng của anh! "Trong đôi mắt em, anh là tất cả" khi ấy chỉ là sáo ngữ, chỉ cốt đánh lừa nhau mà thôi!
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 4.2018
Tiêu đề lấy theo tên một bài tình ca của nhạc sĩ Đức Huy

Friday 20 April 2018

Gs Marcus J. Borg: (Bài 28) Đức Giêsu và các truyện kể lớn ở thánh kinh


Chương 6
Ảnh-hình Đức Giêsu
và hình-ảnh cuộc sống của người đi Đạo
(Bài 28)


Đức Giêsu
và các truyện kể lớn
ở thánh kinh

Ba truyện kể vừa rồi, cũng vẽ ra bức thông-điệp về Đức Giêsu và nền thần-học Kitô giáo ở Tân Ước. Thông-điệp về Đức Giêsu, vẫn nói đến cuộc đời làm thân nô-lệ và hành-trình lưu-lạc của dân Do-thái do “Khôn-ngoan qui-ước/phàm trần” tác tạo nên. Và, cũng bàn về ý-nghĩa của sai-quấy, lỗi/tội cùng tính-chất bất tinh-tuyền do hệ-thống tinh-anh tạo-thành. Các tác-giả Tân-Ước cũng đều nói đến ý-nghĩa cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu cùng các ảnh-hình rút từ ba truyện kể, ở đây.      

Các truyện kể cho thấy thần-học về bản-chất Đức Giêsu được bàn suốt trải qua nhiều thế-kỷ trong quá-khứ. Qua nghiên-cứu về sự đền bù suốt 60 năm ròng, thần-học-gia Thụy-Điển có tên là Gustaf Aulen đã định ra ba lý-chứng trọng-yếu về cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu trong thần-học Đạo Chúa (*17).

Tác-giả Aulen lại cũng biện-luận, rằng: nhờ vào hiểu biết khi xưa về điều mà ông đặt tên là “Christus Victor (tức “Đức Kitô toàn-thắng”), thì đây là ảnh-hình giúp ta hiểu được trọng-tâm công-tác của Đức Kitô đã chiến thắng các “quyền-lực” chuyên giam-hãm nhân-loại ở mãi trong tình-trạng nô-lệ, như: tội lỗi, nỗi chết và ác thần/sự dữ. Tương-tự ảnh-hình diễn ra ở truyện kể dài về cuộc Xuất-hành, ảnh-hình đây cho thấy tình-trạng nô-lệ của người dân đây và việc Đức Kitô giải-thoát con người khỏi cảnh-huống ấy. Quyền-lực thế-giới chuyên giam-hãm con người trong nô-lệ, lại đã mang ảnh-hình của một Pharaô tàn ác và một quốc-gia Ai-Cập to lớn cỡ vũ-trụ.

Tác-giả Aulen lại cũng gọi hiểu biết lớn-lao về sự chết và sống lại của Đức Giêsu, là ảnh-hình của Khôn-ngoan “thay thế” hoặc “đối tượng”. Ảnh-hình đây, định-vị nỗi chết của Đức Giêsu như một hy-sinh cao cả cho các lỗi/tội của người phàm, khiến Thiên-Chúa ra tay tha thứ cách thực-thụ.

Tác-giả Aulen còn cho biết: ngôn-ngữ diễn-tả nỗi chết của Đức Giêsu ở Tân Ước, chỉ có tầm quan-trọng với Giáo-hội thời Trung Cổ, thôi (*18). Rõ ràng là, ảnh-hình về nỗi chết của Đức Giêsu được diễn-tả bằng truyện kể về hàng tư-tế, mỗi thế thôi.             

Hiểu thêm về nỗi chết và sự sống lại của Đức Kitô, cũng nên kèm theo một vài đổi thay cho phù-hợp với truyện kể về “thời lưu lạc”, ở Cựu-Ước (*19). Có hiểu/biết thêm như thế, ta mới tạo được chân-dung một Đức Giêsu không như Đấng “toàn-thắng” mọi quyền-lực thế-gian, và cũng chẳng là sự “hy sinh cao cả” cho lỗi/tội của người phàm, cho bằng đó chỉ để “tỏ bày” hoặc “bộc lộ” cho con người biết những gì còn che đậy, mà thôi.

Hiểu/biết cách trọn vẹn, không đặt nặng trên sự thể bảo rằng: Đức Giêsu đã hoàn-tất điều gì đó vốn dĩ đổi thay cách khách-quan lên mối tương-quan mật-thiết giữa Thiên-Chúa và loài người, cho bằng chỉ nhấn mạnh vào việc Đức Giêsu muốn chứng-tỏ điều gì đó là có thật.

Điều Ngài “bộc lộ” cho ta biết, cũng rất nhiều. Đôi khi, Giáo hội còn đặt trọng-tâm vào sự việc Đức Giêsu “tỏ bày” cho mọi người biết: Thiên-Chúa là Đấng trông giống thứ gì đó, như: Tình-yêu hoặc lòng Xót thương vô bến bờ.

Nhiều lúc, đấng bậc vị vọng của Giáo-hội lại quá chú-trọng vào việc Đức Giêsu là “Ánh sáng” soi dọi mọi con đường, cốt để mọi người ra đi mà “trở về nhà”, và rời xa bóng tối mịt mù vào những tháng/ngày lưu-lạc nơi đất khách quê người.

Có khi, các vị lại quá chú-trọng vào sự chết và sống lại của Đức Giêsu như để tháp-đặt đường-lối “trở về nhà” bằng việc diễn-tả tiến-trình tâm-linh, hầu giúp mọi người cất bước ra đi tham-gia trải-nghiệm mối tương-quan đằm thắm với Thần Khí Chúa. Nhìn Đức Giêsu theo phương-án này, Giáo-hội lại cứ muốn diễn-tả cách đậm sâu hơn là tháp-đặt “đường đi lối về” từ cuộc lưu-đày, ở trần-thế.

Thêm điều nữa, ba truyện kể ở trên dù có tầm quan-yếu đối với Đức Giêsu thế nào đi nữa, thì phong-trào tín-hữu thời tiên-khởi và nền thần-học theo sau đó của Đạo Chúa cũng như truyện kể của hàng tư tế, lại chiếm-hữu toàn-bộ mọi hiểu/biết dân-dã về Đức Giêsu và cuộc sống người đi Đạo, mãi hôm nay.

Quả là, ảnh-hình mọi người lâu nay được dạy về Đức Giêsu, cho thấy yếu-tố nòng-cốt nơi sự việc Đấng Cứu-Chuộc phải chết đi là để hy-sinh cho các lỗi/tội của người phàm, từ đó ta thể-hiện được việc Thiên-Chúa thứ-tha hết mọi người và coi đó là sự thật. Bằng vào sự việc kể rằng “Đức Giêsu chết đi cho các lỗi/tội của ta”, tức: cố ý diễn-giải ý-nghĩa tương-tự theo cung-cách truyện kể về hàng tư-tế.

Trọng-tâm truyện kể đây, so với việc đi Đạo và giữ Đạo của tín-hữu Đức Kitô được minh-họa không chỉ bằng vào ảnh-hình diễn-tả một Đức Giêsu giống hệt mọi người, như ta được dạy hoặc bấy lâu nay từng biết đến. Nhưng, ta còn được bảo cho biết: Giáo-hội vẫn buộc mọi tín-hữu đi Đạo phải thường xuyên xưng tội như một điều-kiện bắt buộc trong qui-chế hành Đạo và giữ Đạo.

Nói rõ hơn, bằng vào kinh-nghiệm riêng-tư, tôi lớn lên như mọi tín-hữu thuộc giáo-phái Lutêrô, nghĩa là: cũng xưng tội và coi việc này như bổn-phận của mọi tín-hữu trong sinh-hoạt phụng-thờ ngày Chúa nhật, và/hoặc khi đọc kinh thú tội ở đầu lễ như được dạy:

“Con thú tội cùng Chúa bằng vào bản-chất đầy tội lỗi, bất tinh-tuyền, và con trót phạm tội nghịch lòng Chúa qua tư-tưởng, lời nói, việc làm. Bởi thế hôm nay, con chạy đến khẩn-nài lòng Chúa xót thương, ban cho con mọi ân-huệ, con cầu cùng Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô con Chúa, Chúa chúng con.”     

Lời kinh trên, có lẽ đã đổi thay tùy người và tùy thời, nhưng xưng thú lỗi/tội như thế vẫn là thành-phần Giờ kinh Phụng vụ ngày Chúa Nhật, mà hầu hết các nhánh/phái Thệ Phản vẫn thực-thi. Việc chú-trọng vào chuyện xưng thú tội/lỗi còn lớn lao hơn, đối với đạo Công giáo, bởi lẽ Công-giáo là đạo-giáo vẫn đưa việc đó vào thể-chế phụng thờ mãi lâu nay. Và, xưng thú mọi lỗi/tội đã trở-thành chuyện bắt buộc ở Đạo này, cũng từ lâu.

Thành thử, truyện kể hàng tư-tế về các lỗi/tội cùng những sai quấy và chuyện hy-sinh/tha-thứ đương nhiên trở thành truyện hàng đầu, đã tạo mẫu để mọi người biết mình là ai? Phải chăng ảnh-hình mình hiện có, đều diễn-tả diện-mạo Đức Giêsu và những gì Chúa đòi hỏi, cũng như đời sống tín-hữu trong Đạo mình?

Tôi vẫn quan-trọng-hóa truyện kể hàng tư-tế, coi đó là việc thiết-yếu/trọng-đại, thế nên tôi còn thừa-nhận uy-lực và ý-nghĩa tích-cực, ở trong đó. Ảnh-hình Đức Giêsu được coi là Đấng hy-sinh vì tội lỗi con người, là dấu-hiệu nói lên lòng Chúa xót thương con người lớn lao biết chừng nào, hệt như câu kinh ta đọc từ hồi nhỏ, tóm-tắt bằng những câu đại-để bảo rằng: “Chúa thương yêu thế-gian đến độ Ngài hy-sinh Con Một Ngài cho thế-gian.” (*20)

Ý-nghĩa của truyện kể hàng tư-tế quả thật giản-dị. Nó trực tiếp nhắm thẳng vào cội rễ mọi sự, để chứng-minh rằng: mọi người chúng ta được công-nhận bằng vào tư-cách của mỗi người và mọi người. Lời lẽ trong ca vịnh xưa ở Tin Mừng từng hát rằng: “Ngài chấp-nhận con, dù con có ra như thế nào đi nữa” cũng đã mang mục-đích rất tương-tự.

Thiên Chúa vẫn thương-yêu ta, dù ta có ra thế nào đi nữa. Với Ngài, mọi người chúng ta đều là những con người phàm-tục đáng quí-trọng. Truyện kể hàng tư tế, còn nói lên một điều nữa, là: suy-tư của ta về các lỗi/tội hoặc sai sót/bất-toàn, không có chỗ đứng trong mối quan-hệ mật-thiết giữa ta và Thiên-Chúa. Điều này, còn có nghĩa: đã có khởi đầu mới, nên ta không cần ở mãi trong thân-phận tôi đòi, hoặc làm thân nô-lệ do gánh nặng của quá-khứ tạo cho ta.

Một số người có vấn-đề về tội lỗi hoặc mang tâm-trạng tiêu-cực, lại cứ nghĩ: mình không xứng-đáng được Chúa cứu-vớt, nên càng phải xem xét cho thật kỹ thông-điệp này, hơn.

Tuy nhiên, khi truyện kể hàng tư-tế trở-thành chuyện chính thu-hút mọi người hoặc trở nên câu truyện duy-nhất để ta tưởng-tượng hoặc có được ảnh-hình về Đức Giêsu và cuộc sống người tín-hữu, lại có giới-hạn cũng nghiêm trọng.

Quả thật, dùng tự-vựng “giới hạn” đây, xem ra cũng hơi yếu ớt, không đủ diễn-tả sự thật đề-cập ở đây. Khi việc chiếm toàn-bộ nỗi-niềm suy-tư của người đi Đạo, thì nó lại tạo ra nhiều “méo mó/trẹo trọ” khác, trong hiểu/biết cuộc sống của tín-hữu Đạo Chúa (*21). Tôi sẽ tuần tự liệt kê đầy đủ 6 loại méo mó này, ở các trang viết về sau.

Truyện kể hàng tư-tế, đã khiến ta hiểu một cách thiếu xót về cuộc sống người Kitô-hữu vẫn cứ được lập đi lập lại mãi, và cả đến vòng quay tội/lỗi cũng như mọi sai quấy và sự thứ tha. Các Chúa Nhật trong tuần, bao giờ cũng thế, ta đều được giải-hòa khỏi mọi lỗi/tội thêm lần nữa, trong suốt tuần và chu-kỳ này vẫn còn tiếp-diễn mãi về sau.

Bởi thế nên, truyện kể hàng tư-tế thường không tạo điều gì thêm, cả khi bà con ta được chấp-nhận rồi, thì còn gì để nói thêm nữa bây giờ!

Hệt như thế, việc này tạo một hiểu/biết thụ-động về cuộc sống của người tín-hữu Đức Kitô, ít nhất theo hai nghĩa. Một, là nó dẫn ta vào tính thụ-động về chính cuộc sống đạo-đức, thay vì hiểu rõ cuộc đời người như tiến-trình đổi thay tinh-thần, nó lại nhấn mạnh vào việc tin-tưởng rằng Chúa đã thực-hiện những gì Ngài cần hiện thực cho ta. Hai nữa, nó lại dẫn đưa ta vào tính thụ-động của mọi nền văn hóa.

Mọi người đều thấy được chuyện này, bằng cách tưởng-tượng xem tầm-nhìn của ta về cuộc sống người tín-hữu có khác biệt gì chăng nếu các công-tác mà Giáo hội thực-hiện đều-đặn, lại vẫn bao gồm việc mô-tả điều-kiện sống của con người vẫn tuôn chảy từ hai truyện kể còn lại; hoặc thay vào đó, thay thế nó bằng việc xưng thú các lỗi/tội, nên mới ra thế.

Lại sẽ ra sao, nếu ta buộc phải nói: “Chúng tôi vốn dĩ là đám nô-lệ cho Pharaô ở Ai Cập, nay xin Ngài giải-thoát cho!” hoặc cứ bảo: “Chúng tôi đang sống ở Babylon, nên xin Ngài giải-thoát chúng tôi ra khỏi nơi đó?”

Ta hẳn biết rõ lý do tại sao Giáo hội mình, suốt nhiều thế-kỷ, vẫn là Giáo-hội chính-tông của nền văn-hóa phương Tây chuyên nhấn mạnh chuyện xưng thú mọi lỗi/tội hơn bảo rằng: nền văn-hóa mà chúng tôi đang sống ở trong đó, là thứ văn-hóa Ai Cập hoặc của Babylon, mà thôi. Truyện kể hàng tư-tế, là câu truyện thuần-thục theo cung-cách chính-trị. Các truyện kể về cuộc sống làm thân nô lệ Ai Cập và thời lưu lạc kéo dài ở Babylon, là truyện kể về “Khôn-ngoan lật đổ” theo văn-hóa.

Truyện kể hàng tư-tế, lại có khuynh-hướng dẫn ta đi đến cảm-thông hầu hiểu rằng: Đạo Chúa trước nhất là đạo-giáo đề-cập đến đời sau. Vấn-đề cốt-yếu ở đây, trở-thành việc sống sao cho phải lẽ đối với Chúa trước khi lìa đời, tức: hãy tin-tưởng ngay từ bây giờ để được hưởng phần rỗi Chúa ban, vào đời sau.   

Truyện kể hàng tư tế, lại cũng tạo ảnh-hình Thiên Chúa trước nhất như Đấng làm luật và vị Thẩm-phán quyết-định hết mọi sự. Việc Chúa đòi hỏi, ta phải thực hiện cho bằng được thể theo ý-định của Ngài và bởi ta không thể làm như thế, nên Chúa mới khoan-dung thực-hiện việc hy-sinh/cứu-độ để rồi mọi đòi buộc như thể sẽ trở-thành hiện-thực, thôi.

Lại nữa, hy-sinh như thế lại cũng tạo nhiều đòi-buộc thêm nữa, tức: Thiên Chúa chỉ tha-thứ những ai tin-tưởng rằng Đức Giêsu khi xưa đã hy-sinh hết mọi sự và Ngài sẽ không tha-thứ cho những ai không tin-tưởng việc đó. Việc Chúa thứ-tha, lại đã trở-thành phụ-thuộc hoặc có điều kiện. Điều này không chỉ ban cho các kẻ tin mà thôi, nhưng chỉ tồn tại đến khi nào hối-nhân phạm tội lần nữa, và khi ấy mọi lỗi/tội của con người mới được gỡ bỏ, khi kẻ phạm lỗi biết đường mà sám hối.

Thành thử, dù truyện kể hàng tư tế có bảo rằng: Thiên Chúa là Đấng khoan-dung vô bến bờ đi nữa, nhưng nó lại cứ đặt lòng khoan-dung của Ngài vào tận bên trong hệ-thống gồm nhiều đòi-buộc hoặc luật-lệ do người phàm đặt ra. Ảnh-hình bao-quát về mối tương-quan giữa Chúa và ta, đã thành thứ ẩn-dụ vốn mô-tả Chúa là Đấng Ban Ơn nhưng lại ép buộc nhiều đòi-buộc còn gắt gao hơn. Truyện kể hàng tư tế, thường đặt “Khôn-ngoan lật đổ” của Đức Giêsu vào với “Khôn-ngoan qui-ước” của tín hữu Đạo Chúa có từ lâu.

Hơn nữa, truyện này thật rất khó, để ta tin. Ý-niệm bảo rằng: Người Con độc-nhất của Chúa đến với thế-gian là để trao tặng sự sống của Ngài như một hy-sinh cao cả cho lỗi/tội của nhân loại; và rằng: Thiên-Chúa không thể tha-thứ cho ta, mà lại không có sự kiện như thế diễn ra. Và thêm nữa: ta chỉ được cứu nếu biết tin-tưởng vào chuyện này, mà thôi. Nói tóm lại, tất cả đều là chuyện khó tin do con người bày đặt.

Hiểu theo cách ẩn-dụ, thì truyện kể hàng tư-tế đây rất có uy-lực. Thế nhưng, nếu xét cho kỹ, thì đây là cản-trở đậm/sâu trong việc chấp-nhận thông-điệp của Chúa. Với nhiều người, điều này đơn-giản chỉ có nghĩa, là: chẳng gì có ý-nghĩa; bởi thế nên, tôi đây thiết nghĩ: ta cũng nên tỏ ra thẳng thắn và minh-bạch, về chuyện này.                         

Cuối cùng, lại có thêm vấn-đề về “truyện kể hàng tư tế” nữa, đó là: nhiều người không cảm thấy sai trái gì hết. Thật cũng khó cho họ, để biết phải làm gì trong trường hợp này. Có thể, nhiều người khác cũng đã cảm thấy mình có tội, dù không mang mặc-cảm nào hết. Có vị, lại thấy lỗi/tội không là vấn-đề trọng-tâm cuộc sống của họ, dù họ cảm thấy có vấn-đề gì đó về chuyện làm thân nô-lệ cho ai hoặc cho lập-trường tư-tưởng nào đó, hoặc có cảm-giác khá mạnh về việc tha-hóa và sự chia-cách giữa những người cùng một niềm tin. Với những người như thế, thì truyện kể hàng tư tế chẳng có gì để họ bận tâm hết.

Nếu quan-niệm rằng: ta phải nói cho họ biết những chuyện như thế, há nào bảo cho họ biết rằng: khi xưa ông Môsê hẳn đã phải kinh qua Ai Cập và nói với đám nô lê người Do-thái, rằng: “Này hỡi các con, tội của các con đã được hóa-giải rồi!” thì khi ấy, có lẽ những người Do-thái ấy hẳn sẽ trả lời rằng:

“Cái gì? Những thứ này có gì liên-quan đến bọn tôi đâu chứ? Chuyện của chúng tôi đâu phải bảo rằng: chúng tôi là kẻ có tội, các ông có khùng không đó? Vấn đề của chúng tôi lâu nay, là: chúng tôi đều làm thân nô-lệ về nhiều thứ, thảy đều bị Pharaô chèn ép, có thế thôi!”    

Thành ra, chuyện ấy áp-dụng cho cả ta nữa, vào thời hôm nay. Bởi, với một số người thì: vấn-đề trọng-tâm cuộc sống không phải là chuyện đã phạm tội hoặc vướng nhiều sai trái cho bằng làm thân nô-lệ cho ai? Về việc gì? hoặc, làm nạn-nhân của một Pharaô này nọ hoặc sao đó. Với họ, thông-điệp về tội/lỗi và sự tha thứ có ý-nghĩa gì không?

Rủi thay, mọi sự vẫn thường có nghĩa bảo rằng: “Anh/chị phải tha thứ cho người nào đó từng khiến anh/chị trở-thành nạn-nhân của thứ gì đó…” trong khi điều mà nạn-nhân cần đến lẽ đáng phải là câu nói bảo rằng: “Ý-định của Chúa đâu có ý khẳng-định là anh/chị vẫn phải chịu tự giam/hãm mình trong trạng-huống làm thân nô-lệ cho một (hoặc bất cứ) thứ Pharaô nào như thế.” Hoặc, giả như vấn-đề trọng-tâm là việc tha-hóa và vô nghĩa-lý, cũng như thông-điệp mà mọi người cần nghe/biết, đó chính là câu nói bảo rằng: “Đâu phải ý-định của Chúa bắt anh/chị phải kẹt mãi ở Babylon, cũng chẳng phải là ý-định của Chúa cứ bắt anh/chị một thân một mình vãn-than mãi trong tình-trạng lưu-đày, ở đó đâu!”

Nay thì, truyện kể hàng tư-tế đây phải được hiểu như một trong ba phương-cách để nhìn cuộc sống người tín-hữu Đức Kitô, đúng hơn là cách đầu tiên, hoặc các khó khăn có từ đó đã biến mất từ lâu rồi. Ta thấy được chuyện này bằng việc định-vị bốn yếu-tố mà các truyện kể lớn lao được Kinh thánh sẻ san cho mọi người biết.

Trước nhất, tất cả những thứ đó đều là truyện kể về sự khổ đau và trạng-huống mà con người trải-nghiệm khi xa-cách Chúa mãi. Theo truyện kể về cuộc xuất-hành rời Ai Cập, ta sống cuộc sống lao-động cật-lực ở Ai Cập, làm thân nô-lệ cho vua quan/lãnh chúa đã tha-hóa. Thể theo truyện kể về cuộc lưu-đày này, thì ta cũng đang sống tại Babylon, xa cách cả trọng-tâm cuộc sống và sự thương-mến ở trong ta. Theo truyện kể hàng tư-tế, cuộc sống của ta bị đánh-dấu bằng các sai-sót, hổ-nhục, ý-nghĩ tiêu-cực về chính mình và trải-nghiệm sự xa-cách Chúa do các mặc-cảm ấy tạo nên.

Thứ hai nữa, tất cả mọi thứ như thế tạo khẳng-định không chỉ về điều-kiện sống của con người mà thôi, nhưng cả về Thiên-Chúa nữa. Đó là truyện kể về Thiên-Chúa, chứ không chỉ về mỗi ta và các truyện này tại chân-dung Thiên-Chúa là Đấng can-dự vào cuộc sống của con người.  Vẫn có quyền-uy tạo giải-thoát đến cho ta, một lằn sáng soi dọi mọi tăm tối vẫn mời gọi ta trở về nhà từ cuộc lưu-đày này nọ, một hiện-diện đầy tình thương vẫn chấp-nhận ta dù ta có ra thế nào đi nữa, dù có thể là ta chưa biết đến mời gọi ấy.

Thứ ba, tất cả các thứ ấy cuối cùng đều là truyện kể về một hy-vọng. Thông-điệp mang tính kiên-định này cốt ý bảo rằng: Thiên-Chúa không định trước điều-kiện sống rất hiện tại của ta chút nào hết, nhưng Ngài chỉ mỗi định-liệu đôi điều cho chúng ta, theo cách khác.

Tất cả mọi sự việc như thế đều nói về một khởi đầu mới do Ngài định-liệu. Truyện kể về cuộc xuất-hành rời Ai-Cập là để nói lên sự việc giải-tỏa con người khỏi cảnh-huống làm nạn-nhân và làm thân nô-lệ của bất cứ thứ gì. Truyện lưu-đày rày đây mai đó, lại cũng khẳng-định tin vui an-bình về việc “trở về nhà” và truyện kể hàng tư-tế lại cũng khẳng-định rằng quá-khứ của ta không phải là lời cuối nói về ta, chút nào hết.

Điểm thứ tư và cũng là điểm cuối, chứng-tỏ điều này, là: mọi truyện đều kể về một hành-trình. Việc này, tự thân, minh-chứng sự việc xuất hành và câu truyện kể về cuộc sống lưu-đày rày đây mai đó của mọi dân nước. Mỗi điều, mỗi chuyện đều tạo ảnh-hình về cuộc sống đạo-đức không như vòng xoay cứng ngắc của lỗi/tội, sai sót và sự tha thứ, nhưng như một hành-trình.

Đó là hành-trình dẫn đưa mọi người ra khỏi thứ Ai-cập và Babylon đi vào chốn miền hoang-dã. Đó cũng là hành-trình về một giải-thoát và quay trở về. Là, hành-trình hướng về Chúa và đến với Chúa. Thành thử, cũng hệt thế, truyện kể hàng tư-tế  hiểu cho đúng, sẽ phải là truyện kể về một hành-trình, như đã định.

Chính trong kinh thánh, mọi qui-định tạo-hình cho đời tư-tế và sự hy-sinh (từ đó, lại cũng biến truyện kể hàng tư-tế thành một thể-chế rất công-khai) được dàn dựng trong bối-cảnh truyện kể về một hành-trình ở bất cứ nơi nào ta biến nó thành hành-trình. Hơn nữa, việc tiếp-nhận lai-lịch mới do truyện kể hàng tư-tế đề ra, tức bảo rằng: tôi đây được Chúa yêu thương và chấp-nhận, tức: một tiến-trình kéo dài nhiều năm. Bởi, chính tiến-trình ấy, lại cũng là hành trình nữa.

Thành thử, ngay cả truyện kể hàng tư-tế lại cũng là câu truyện kể về một hành-trình. Khi câu truyện ấy được tách rời khỏi các truyện kể về hành-trình này khác ở thánh kinh vốn đưa dẫn tới việc bóp méo và làm kiệt quệ đời sống người tín-hữu mà tôi có bàn ở các trang trước.

Thành thử, ta có tất cả là ba câu truyện kể lớn để định-dạng cuộc sống đạo đức của mỗi người và mọi người. Ta lại có thể suy-tư từ các truyện như thế để rồi tạo ra một hành-trang dụng-cụ cho công việc mục-vụ, qua đó mỗi người nói lên một chiều-kích khác nhau về điều-kiện sống của con người.                                       

Một số người có nhu-cầu được giải-thoát. Người khác lại có nhu-cầu trở về nhà, bởi nhiều người vẫn cần có nhu-cầu chấp-nhận. Nhưng, bên dưới các khác biệt ở truyện kể nói trên, tất cả vẫn định-dạng cuộc sống đi Đạo như một hành-trình có tính chất đào sâu và thay đổi mối tương-quan với Thiên-Chúa, mà thôi.    

                                                                                                            (còn tiếp)

Gs Marcus J. Borg biên-soạn
Mai Tá lược dịch.