Tôi mạn phép
tác giả Nguyễn Vỹ Du để dùng lại một phần tựa bài “Đắng lòng người đóng thuế”
trên trang nhất báo Tuổi Trẻ số 122-2012 ra ngày thứ tư 9.6.2012 để làm tựa cho
những suy tư hôm nay.
Trong bài báo, tác giả Vỹ Du chuyển
tin về bài phát biểu của ông Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Tháp vào ngày 7.5.2012.
Theo tác giả Vũ Du, sinh viên trường đại học Đồng Tháp đã phải nhận “như một gáo nước lạnh”. Nội dung ông
cho biết: “Trong guồng máy điều hành Nhà
Nước ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay, chỉ 30% cán bộ công chức làm việc tốt, 30% làm
việc cầm chừng, và đặc biệt có đến 30% cán bộ công chức có mặt chỉ để lãnh
lương. Ông còn nói thêm về con số 1/3 công chức này như sau: không có họ cũng
chẳng có gi ảnh hưởng đến công việc của cơ quan…” Tiếp ngay sau phần thông
tin, tác giả Vỹ Du bình luận: “...đây là
căn bệnh chung từ lâu nay ở khá nhiều nơi trong cả nước, về đội ngũ cán bộ công
chức hưởng lương ngân sách nhưng không làm tròn chức trách...”
Cùng ngày ( thứ tư 9.5.2012 ), trên
trang nhất báo Thanh Niên, tác giả An Nguyên cũng có bài viết “Có mặt để lãnh
lương” với nội dung tương tự. Tác giả An Nguyên mở đầu bài viết với một đoạn
như sau: “…cách đơn giản nhất là bạn hãy
đến bất kỳ một cơ quan hành chính nào đó vào đầu giờ làm việc buổi sáng, đếm
xem có bao nhiêu người có mặt làm việc đúng vị trí. Buổi chiều đứng ở cổng cơ
quan xem họ ra về lúc mấy giờ. Bạn sẽ thấy phần đông là đi muộn về sớm...”
Tuy tác giả nói
chưa thử điều tra về nhận định này nhưng tác giả đã đưa ra nhận định của ông
chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp như đã nói trên và củng cố bằng thông tin: “Con số này cũng từng được một đại biểu Quốc
Hội đưa ra chất vấn Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ tại phiên điều trần tại Thường Vụ Quốc
Hội hồi tháng 3”. Tác giả Vỹ Du của báo Tuổi trẻ cho chúng ta một con số: “Vụ Ngân sách của Bộ Tài Chính công bố có 6
triệu người hưởng lương từ ngân sách Nhà Nước. Và số tiền để chi cho khoản tăng
lương tối thiểu từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng một tháng kể từ ngày 1 tháng
5 đến hết năm 2012 là 48.000 tỉ đồng.”
Chúng ta thử
nghĩ, nếu con số 30% cán bộ công chức có mặt chỉ để lãnh lương, số người tương
ứng với 30% là 1,8 triệu người, chỉ tính mức lương bèo nhất mỗi người 1 triệu
đồng một tháng, ngân sách đã bị thiệt hại 1.800 tỷ đồng, và một năm là mất
trắng 21.600 tỷ đồng ! Còn nếu kể thêm 30% làm việc cầm chừng, không xứng đáng
để hưởng lương thì con số sẽ là gấp đôi, 3.600 tỷ đồng một tháng và 43.200 tỷ
đồng một năm !
Đây là tiền thuế của cả nước, của
những người nông dân nghèo đói sống thoi thóp trên vài sào ruộng bán mặt cho
đất, bán lưng cho trời, mà bây giờ cũng không còn ruộng để bán mặt bán lưng
nữa.
Đây là tiền thuế thu từ những người
công nhân gầy gò ốm yếu, da xanh bủng vì thiếu ăn thiếu ngủ nhưng vẫn phải tăng
ca liên tục, mà bây giờ không chỉ còn là thiếu ăn, nhưng những cái có thể ăn
được đều mang trong nó thật nhiều nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn, thật nhiều hoá chất
độc hại.
Đây là số tiền thuế thu được từ
những người dân nghèo làm ăn chân chính, đổi mồ hôi nước mắt để nhận những lít
xăng dùng trong việc di chuyển mà không biết chiếc xe của mình sẽ bốc cháy khi
nào, bốc cháy thì ráng mà chịu, chẳng ai nhận trách nhiệm, mà có nhận cũng như
không…
Số tiền này nuôi béo những kẻ ăn
bám, nói năng ngang tàng, lạnh lùng, vô cảm, hành dân không chút thương tiếc ngay
chính lúc dân có việc phải tìm đến cửa quan ! Hàng chục ngàn tỷ đồng đổ sông đổ
bể đã đành, nhưng tai hại ở chỗ dùng để nuôi sống một bọn ăn bám xã hội, ăn bám
rồi còn phản lại chính những người mình đang ăn bám.
Con số tài
chính thiệt hại còn tính được, chứ những thiệt hại khác không thể tính ra, đắng
cay nhất là hình thành một lối sống hưởng thụ, chà đạp, bắt chẹt lẫn nhau bất
cứ ở đâu, bất luận khi nào có thể. Kiểu sống tồi tệ này trở nên bình thường
trong xã hội và người ta đua nhau sống cạnh tranh về đẳng cấp. Hãy nhìn những
kẻ thừa bứa của cải, đốt tiền như đốt giấy, đua nhau với những trò quái gở thác
loạn. Trong khi ấy, chỉ 200.000 đồng thôi, đủ để cho một người nghèo làm vốn
bán vé số, chỉ 200.000 đồng thôi đủ cho một người cùng khổ lập nghiệp với thúng
hột vịt lộn mưu sinh, chỉ chục triệu đồng thôi, một gia đình nghèo đã có thể có
được một mái ấm tạm nương thân khi mưa khi nắng ( đương nhiên không phải kiểu
nhà Tình Nghĩa, nhà Đại Đoàn Kết gì đấy của cán bộ xây cho dân nghèo ở nông
thôn )…
Quặn thắt trước hình ảnh những bệnh
nhân nằm 2 hoặc 3 người một giường, nằm tràn cả ra ngoài hành lang, chen chúc
trên sân bệnh viện. Quặn thắt trước con số trên 10 ngàn người chết vì tai nạn
giao thông hàng năm. Quặn thắt trước những cái chết tức tưởi vì “bệnh lạ” không
sao chữa trị, không tiền chữa trị, bất lực nhìn người thân yêu mòn mỏi ra đi.
Sao vẫn còn những kẻ vô trách nhiệm và trơ trẽn đến như vậy ?
Nhìn xã hội với những gam màu ảm
đạm, tôi nhìn lại Giáo Hội tôi, một Giáo Hội được cắt đặt làm chứng trong một
xã hội xám xịt như vậy, hoa trái của việc sai đi đâu cả rồi ? ( Ga 15, 16 ).
Con số thống kê chúng ta có hàng ngàn Linh Mục, ngày bế mạc Năm Thánh vừa qua
hơn 1.500 Linh Mục về La Vang dự lễ, chúng ta có hàng trăm Dòng Tu lớn nhỏ,
hàng chục ngàn Tu Sĩ nam nữ. Trong những năm gần đây đã xuất hiện khá nhiều Tu
Viện, Đan Viện, Tu Xá khá là nguy nga, hoặc rất ư là “hoành Tráng” theo cách
nói phô trương thô thiển thời bây giờ !
Thế nhưng lại cũng còn quá nhiều
những người nghèo bị bỏ quên, quá nhiều những địa chỉ thâm sơn cùng cốc thiếu
bóng dáng Nhà Thờ, thiếu câu kinh tiếng kệ, thiếu hạt giống vãi gieo. Còn bao
nhiêu người lặng lẽ âm thầm cô đơn trên con đường đi tìm Công Lý, tìm Sự Thật,
tìm sự Công Bằng. Còn bao nhiêu tiếng rên siết của sự oan ức, của sự bị chà
đạp. Còn bao nhiêu người chưa biết Chúa, chưa đón nhận Tin Mừng… Không lẽ cũng
có 30% cán bộ tôn giáo “lãnh lương” nhưng không làm việc, 30% khác nữa “lãnh
lương” nhưng làm việc cầm chừng ? Có thật vậy không ? Hãy nhớ có bao nhiêu
người đang oằn lưng đóng thuế cho Nhà Nước, cũng bấy nhiêu người đang mở lòng
“đóng thuế” cho Đức Tin. Chúng ta mắc nợ họ !
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật thứ sáu mùa Phục
Sinh, 13.5.2012
No comments:
Post a Comment