Saturday 20 June 2020

Suy Tư Tin Mừng tuần thứ 13 thường niên năm A 28/6/20




Mt 10: 37-42

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giêsu nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy. Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giêsu bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy."

            “Tôi ngao ngán thờ ơ, khinh bỉ hết”
Ôm khối hận gia đình, trĩu nặng
Tôi căm hờn, thù ghét hôn nhân
Lang thang sống, giữa vùng im lặng
Chuỗi ngày tan tác, mảnh phù vân.
(Dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)

Ghét hôn nhân – Hận gia đình. Lang thang. Căm hờn. Thù ghét. Có là, tình tự khiến nhà thơ thấy lòng trĩu nặng, tan tác mảnh phù vân? Im lặng – tan tác, có là tình cảnh xảy đến nếu không bắt chước Phêrô tuyên xưng Đức Chúa, trong trình thuật?

Trình thuật hôm nay, kể về việc Chúa mặc khải rằng sở dĩ thánh Phêrô nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa Hằng Sống, là nhờ Chúa Cha. Chúa mặc khải, đúng vào lúc Giáo hội vẫn ngờ ngợ về vai trò của đấng chủ quản Hội thánh, lúc ấy.

Là chủ quản, thánh Phêrô còn là ảnh hình của sự ổn định trong Giáo Hội. Hơn nữa, thánh nhân cũng duy trì được truyền thống của cộng đoàn dân Chúa, ngay từ đầu. Truyền thống hiệp nhất. Truyền thống không lung lạc. Hiệp nhất không lung lạc, nay lan rộng tới dân gian, ở nhiều nước. Cả các nước có bản sắc văn hoá đa dạng. Rất đặc thù. Riêng lẻ. Ở nhiều nơi. Và hôm nay, Đức Giáo Hoàng hiện thân như thánh Phêrô, là đấng bậc quản cai duy trì sự hiệp nhất dài lâu ấy, trong Giáo hội.

Hôm nay, các giáo hội cùng tin vào Chúa, dù không mang sắc mầu hiệp nhất như giáo hội Công giáo La Mã, cũng đã và đang hiệp thông với ta, để rồi sẽ trở thành Hội thánh duy nhất. Một cộng đoàn đa năng, quyết thực hiện hiệp nhất đại kết Chúa đã khuyên vào bữa tiệc Tạ Từ, chiều hôm ấy.

Từ buổi ấy, Hội thánh đã và đang hoạt động đến cùng mút sức lực của mình, hầu đẩy lùi làn ranh biên thuỳ đến mọi nơi. Ranh biên, không theo địa dư nhiều hạn chế, nhưng theo ưu tư kiếm tìm vùng bị bỏ rơi trong quên lãng. Hội thánh nay đạt đến phương trời dồi dào ân đức bằng phương tiện truyền thông, rất mới. Chính vì thế, Hội thánh nay cũng canh tân chuyển biến. Rất liên hồi. Rất đổi mới.

Canh tân, tiếp cận thế giới đang đổi thay đến chóng mặt. Đổi thay tận gốc rễ. Đổi thay, không chỉ mặt kỹ thuật tân kỳ, mà cả về nhận thức lẫn tâm tưởng để sẽ trỗi dậy, trong tinh mơ. Rộng khắp. Cùng với thế giới đã đổi và có thay, Giáo hội nay mời gọi dân con nhà Đạo cũng hãy thay đổi theo phương hướng thích hợp. Tân kỳ

Một thần học gia Châu Á nọ có nói: “Thế giới hôm nay đang lập nghị trình mới để Giáo hội thực thi, mà thay đổi”. Nói thế, ông không có ý bảo: Giáo hội phải đi theo hướng của thế giới đã đổi mới, mà thích nghi. Nhưng, nên hiểu là: việc rao truyền Lời Chúa hôm nay cần làm sao cho tương xứng với đường hướng sống động của thế giới, đã biến đổi. Rủi thay, nhiều vị trong Hội thánh vẫn mang lối sống chẳng buồn đổi thay. Chẳng tha thiết nhận ra bản chất của thế giới mình đang sống. Để từ đó, cần có những bước cải tiến, trong:

*cách chuyển tải thông điệp;
*tái cấu trúc cơ chế;
*có phong thái biết tiếp cận thông điệp một cách chính xác; và,
*thực hiện đối thoại một cách thực tiễn với thế giới đương đại.

Rất có thể, thế giới hôm nay không còn muốn nghe những gì Hội thánh nói, nhưng vẫn hiểu Hội thánh đang nói gì. Từ đó, mới nắm bắt điều Hội thánh đề nghị; ngõ hầu sống hứng khởi. Hạnh phúc.

Thế giới đã biến đổi, nay kéo theo sau nhiều thách thức mới. Thách thức, trong nhận định về những gì sai – đúng. Thách thức, về quyết tâm cần đổi thay. Bởi, có thay đổi mới nắm bắt được các vấn đề mới. Các yếu tố mới, nơi xã hội đang trở mình. Yếu tố mới ấy, sẽ đậm nét hơn khi ta nhìn vào cảnh nghèo khó, trong xã hội. Về những bất công, kỳ thị. Về hành vi bóc lột. Thiếu tự do. Về cách sống Đạo và cả những lo toan cho một nền hoà bình thế giới, rất chung. Có như thế, Hội thánh mới tạo phong cách đã biến đổi trong rao truyền Lời Chúa. Hầu, làm chứng cho yêu thương, công bằng. Tự do. Và an bình.

Muốn được thế, Hội thánh cần mặc lấy cho mình vai trò của ngôn sứ. Biết lo toan dựng xây trên nền tảng truyền thống, nhất quán. Biết loại bỏ phong thái tiêu cực như vùi đầu trong cát, né tránh sự thật. Cùng là phong thái lơ là chểnh mảng trong duy trì truyền thống. Hoặc, chỉ khoác lên mình những biến thái tưởng như mới mẻ, nhưng chẳng dựa trên nền tảng nào hết. Gia dĩ, có vị còn bày tỏ nhiều phản chống, không quan tâm. Hoặc, vẫn trùm mền, lặng thinh. Hành xử này, chẳng giải quyết được gì. Dù nó có xuất phát từ chính Hội thánh. Hay, chỉ là vấn đề của thời đại. Mà thôi.

Trình thuật hôm nay, nhấn mạnh nhiều đến sự hiện diện của Đức Chúa nơi Giáo hội. Bằng vào hiện diện này, Hội thánh tin và nhận rằng Đức Kitô là nền tảng vẫn giúp đỡ Hội thánh sống vững mạnh. Sống, duy trì truyền thống thương yêu, không ngơi nghỉ. Đức Kitô vẫn đỡ nâng Hội thánh, trong mọi tình huống. Trong nâng đỡ, Ngài tặng trao “chìa khoá Nước Trời”, uy lực quyền bính Ngài nhận từ Cha.

Trải qua nhiều thế kỷ, Hội thánh vẫn ngủ vùi trong lãng quên. Cũng may, Hội thánh vẫn có được ân sủng lãnh nhận từ Chúa, từng hứa ban. Hội thánh vẫn tăng trưởng và lớn rộng về con số. Vẫn trung thành với nguyên tắc nhận từ Thầy Chí Ái. Và, có được bản chất Thiên Chúa, xứng hợp với niềm khao khát sâu xa nơi bản chất người. Thế nên, Hội thánh không bao giờ ngã quỵ. Sự Thật và Tình Thương vẫn không hề mai một.

Ở bài đọc 1, sự thật và tình thương được thể hiện qua việc thánh Phêrô bị nằm tù vì đã giảng rao thông điệp của Chúa và Nước trời. Cả Phaolô nữa, thánh nhân cũng cùng chung số phận tù đày, không thua kém. Phận tù đày, là để Lời Chúa được vinh quang, trải rộng. Khi thoát cảnh tù đày, thánh Phêrô đã trở về lại với cuộc sống giảng rao. Về người Thầy. Việc này mang ý nghĩa: Chúa vẫn duy trì bảo vệ Hội thánh như Ngài hứa. Nơi Phúc Âm.

Bài đọc 2, thánh Phaolô một lần nữa nói về cuộc sống rất phục tùng: 

“Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; 
đã chạy hết chặng đường; đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4: 7).

Và, thánh nhân còn nói về việc Chúa đã bảo vệ ngài ngang qua thử thách, tố khổ, và bách hại: 

         “Chúa đã phù hộ tôi và ban sức mạnh cho tôi, 
        dùng tôi hoàn thành công việc rao giảng, 
        và cho mọi dân tộc được nghe biết.” (2Tm 4: 17). 

Thánh Phaolô cũng nói: "Chúa tiếp tục bảo vệ thánh nhân, rất nhiều năm."

Hân hoan mừng lễ các vị tông đồ rường cột của Hội thánh, có lẽ không gì bằng ta tập trung nguyện cầu để mọi thành viên biết thuỷ chung với truyền thống Giáo hội. Một Giáo hội, đã trải qua ngàn năm khốn khó. Đồng thời, sẵn sàng chấp nhận canh tân biến đổi. Để rồi, cuộc sống mỗi người sẽ thích hợp với thông điệp Chúa gửi đến. Nguyện cầu, cho ta còn biết khao khát tình thương và sự thật. Cầu cho những người chưa đổi thay, nhiều thế kỷ.

Vào Tiệc thánh có nguyện cầu, ta cùng với Giáo hội cử hành phụng vụ trong hân hoan chứng tỏ quyết tâm ra đi thi hành sứ vụ giảng rao. Rao giảng rằng, Chúa uỷ thác cho ta qua Đức Kitô, một cộng đoàn hiệp nhất. Tề tựu nơi đây. Quanh bàn thánh này. Để, ta sẽ làm chứng cho Chúa. Để, cộng đồng ta đang sống viết lên nghị trình hoạt động hăng say, đầy truyền thống cho giáo hội địa phương. Giáo hội sở tại.

Điều cần là, ta cử hành phụng vụ ngày của Chúa, có lòng thành và phẩm chất cao. Có niềm vui hiệp nhất. Mang ý nghĩa thực sự phản ánh cuộc đời hứng khởi ta đang sống. Sống trung thực. Sống yêu thương, như Chúa kêu mời ta uỷ thác. Rất canh tân. Thật đổi mới.


Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn – Mai Tá lược dịch.  

Thursday 18 June 2020

Suy Tư Tin Mừng tuần thứ 12 thường niên năm A 210620



           Hôm ấy,  Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 
"Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

"Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

"Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời." (Mt 10: 26-33)

“Nhưng Chúa hiểu tại sao con yêu người lắm”
“Con nguyện cầu tình con luôn đằm thắm
Chia nụ cười , an ủi lúc khổ đau
Giúp chúng con luôn nâng đỡ lẫn nhau
Và xin Cháu bảo tồn tình con nhé.” (dẫn từ thơ SC)

Trong nguyện cầu, nhà thơ mong tình yêu luôn đằm thắm. Thắm tình người, thắm cả vào lúc khổ đau. Tình người hôm nay, Chúa có nói: “đừng sợ! Chớ lo! Kẻo mất tình thân thương, cộng đoàn. Không sợ và chẳng lo nhưng vẫn giữ tình dân con, là tâm tình Chúa nhắn nhủ, ở Phúc âm.

Phúc âm hôm nay, ghi rõ lời Ngài: “ Anh em đừng sợ!” Sợ ở đây, là: sợ cho sự an toàn của cải. Sợ, cả khi mọi chuyện đang yên ổn. Với cộng đoàn tình thương, an toàn của cải không là vấn đề chính, để ta lo. Mà, chỉ nên lo lắng cho nhau; san sẻ những gì mình có, chuyển cho người thiếu thốn, đang cần. 

Bài đọc hôm nay, đặt trọng tâm vào việc thiết yếu: những chuyện có thể xảy đến với ta trong khi ta sống và thực hiện Lời Chúa, một  cách nghiêm chỉnh.  Như đã biết, bước theo chân Chúa nên hiểu cho đúng, (chứ không chỉ là chuyện lo đi nhà thờ/đọc kinh), mà là gieo rắc và truyền giao thông điệp thương yêu, công bình và an lạc bằng lời nói và hành động. Thông điệp này, đã và đang bị nhiều người coi như một mối đe doạ, cần phản bác. 

Điều ảo tưởng lâu nay ta vẫn có, là: người theo Chúa cách trọn vẹn, chắc chắn là những người luôn được mọi kẻ yêu thương – thán phục. Nhưng, không phải thế. Người theo Chúa, thường hay bị ghen ghét, vì Danh Ngài. Thật ra, là Kitô hữu đích thực, không hẳn là kẻ được mọi người yêu thương tìm đến, thán phục. Nhưng, chính là người, bằng vào lời nói và gương sáng, biết rao truyền thị kiến sống trọn vẹn, điều Chúa khuyên. 

Dù luôn được Chúa nhủ khuyên, nhưng Kitô hữu chúng ta lại hay mâu thuẫn khi so sánh cuộc đời mình với cuộc sống nhởn nhơ ngoài đời. Sống điều Chúa khuyên, dù rằng hiền lành, tử tế, yên hàn,bất bạo động, chẳng đụng chạm đến ai. Thế mà, vẫn bị người đời coi khinh, ghét bỏ,  thậm chí, có vị còn bị đe doạ/ trù dập nguy đến tính mạng, nữa. Trường hợp điển hình như thế, vẫn dẫy đầy nơi lịch sử nhà Đạo.

Dễ thấy nhất, là trường hợp Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero bị giết đang khi dâng lễ, ở El Salvador. Sau cái chết của ngài, sáu linh mục đồng hành cũng bị vạ lây và bị giết, lúc nửa đêm. Công việc các ngài làm, chỉ là kêu gọi phải công bình trong đối xử với giới nghèo hèn/bất lực trong xã hội. Điều tệ hại, là: sự dữ cứ xảy ra không chỉ tai Nam Mỹ, mà còn ở nơi khác nữa. Ở nhiều nơi, dân con Đạo Chúa chỉ muốn sống đời Phúc Âm thôi, cũng bị bách hại.

Phúc Âm hôm nay, gợi nhớ Lời Ngài dạy: 

Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ,
thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy,
Đấng ngự trên trời.”   
(Mt 10:32)

Sống Lời Chúa, ta sẽ được Ngài bảo vệ và giúp đỡ. Được Chúa giúp, ta không còn nguy cơ để luột mất sự sống của chính mình. Bởi, trên thực tế, nhiều người vẫn cứ nhượng bộ chấp nhận sự xấu để được sống thoải mái dễ chịu. Chính vì thế, Ngài đã bảo:

Anh em đừng sợ những kẻ giết được xác,
nhưng không giết được hồn;
hãy sợ Đấng có thể diệt cả hồn lẫn xác,
trong hoả ngục”. 
(Mt 10:28).

Quả thật, lo sợ lớn đối với mọi người không là sự chết, nhưng sợ bị lôi cuốn mà phản lại các đặc trưng lâu nay ta vẫn có, trong cộng đoàn. Sống có đặc trưng/đặc điểm nơi cộng đoàn, là sống biết truyền rao thông điệp của Chúa. Đó là cuộc sống của tiên tri/ngôn sứ. Sống tiên tri, không có nghĩa sống theo kiểu cách của nhà phù thuỷ, biết trước sự việc xảy đến. Sống tiên tri, là đọc được “dấu chỉ thời đại”. Là, biết hướng đi xấu của xã hội đang trên đà đi xuống. Sống tiên tri, là như Winston Churchill thập niên ‘30’, đã dám tự mình chống lại chính sách nhượng bộ, muốn quay sang với Hitler

Sống tiên tri, là sống vai trò đã diễn tả ở bài đọc một, trong đó ông Giêrêmia lúc ban đầu chẳng muốn làm ngôn sứ. Ông nghĩ, mình không đủ tài năng và tư cách làm theo lời Chúa, cho đến khi Chúa quyết định chọn ông. Và khi ấy, ông chợt nhận ra: vai trò truyền rao thông điệp của Chúa, đã làm, đã làm mất đi nhiều bè bạn, nên ông nói:

“Hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!
Tất cả bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.” ( Ge 20:10).
           
“Tố cáo và rình xem con vấp ngã”, là cách thức con người ngày nay đã đối xử với Gandhi, Martin Luther King, và nhiều ngôn sứ khác. Tố cáo và rình rập, vẫn dễ làm hơn là chịu nghe theo lời khuyên. Và ngôn sứ đã đã chịu nghe vì biết có Thiên Chúa, có Đấng –Là- Sự- Thật luôn chống đỡ:

“Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con,
như dũng tướng vạn năng;
bởi thế, những kẻ bách hại con
trượt nhào không sao thắng nổi.” (Ge 20:11)

Hội thánh hôm nay, cũng có hai nhóm ngôn sứ. Nhóm đầu, coi như theo đúng ’hiến  pháp’ gồm giám mục, linh mục, các nhà thần học và thủ lĩnh tôn giáo, nam lẫn nữ. Vai trò của các vị này là giúp ta sống niềm tin theo đúng tinh thần Phúc Âm, ở đời thuờng. Nhóm thứ hai, là các tiên tri có “đặc sủng “ theo đúng nghĩa của thế giới gian trần. Là những Martin Luther King,những Giám mục Romero thời đại, ta vẫn thấy. Nói chung, ngôn sứ là những vị biết trao tặng đời mình cho những gì mình tin tưởng. 

Cùng một chiều hướng, có thể nói không sai rằng: Mẹ Têresa Calcutta đã là ngôn sứ. Mẹ là ngôn sứ không theo nghĩa những gì mẹ nói. Nhưng là theo những gì mẹ làm. Nhất thứ, điều mẹ làm đã nhắc ta nhớ đến kẻ nghèo nhất trong số người nghèo hèn. Và, nhận ra diện mạo Đức Chúa nơi người hèn yếu. Cũng nên biết rằng, tên và tuổi chúng ta đã và đang được sắp vào danh sách các ngôn sứ Đạo Chúa ngay ngày hôm nay. Trong cộng đoàn thân thương của chính mình.

Với Tân Ước, ngôn sứ là quà tặng của Chúa Thánh Linh. Và theo ý nghĩa đích thực của danh xưng, đây chính là “ ơn gọi” rất đặc thù. Tuy nhiên, một số loại hình của vai trò ngôn sứ đã có sẵn nơi mỗi một người chúng ta. Bởi, khi thanh tẩy, ta đã đã được  mời gọi làm nhân chứng cho giá trị của Lời Chúa. Nhân chứng, bằng lời nói và bằng gương sáng trước các nghịch cảnh xảy ra ở gia đình, nơi sở làm, ngoài phố chợ và đường đời. 

Giả như, ta thấy sống đời con Chúa không khác gì như đời sống của người dưng ở đời thường. Hoặc giả như cộng đoàn ta sinh hoạt chẳng để lại dấu ấn nào với xã hội quanh ta thì lúc ấy ta cũng nên tự kiểm, coi xem lối sống của ta có phản ánh điều Phúc Âm vẫn đòi hỏi không. Bởi, chúng ta tề tựu quanh nhau mỗi tuần để dâng tiến nguyện cầu thôi, chưa đủ. Cuộc sống của ta phải làm chứng cho sự công bình, phẩm cách, chính trực, tinh thần phục vụ, san sẻ nguồn lợi tức, bảo vệ kẻ hèn yếu, bị bỏ rơi, mới đúng nghĩa. 

Sống làm chứng, có thể gây nhiều phản đối/chống trả từ phía bạn bè/người quen. Sống, với chủ trương ‘lương thiện’ hơn bon chen, ‘phục vụ’ hơn thao túng, ‘công minh’ hơn ngạo mạn. ‘Bảo bọc, giùm giúp’ khách lạ người dưng hơn cứng ngắc với luật lệ, vẫn là, những việc khó làm trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, sống chính trực với Đức Kitô, vẫn hơn là o bế mị dân để lôi kéo kẻ yếu về phe ta. Và, trong mọi trường hợp, vẫn cần tin tưởng nơi Chúa và nơi chính mình. Và trên hết, cần thâm tín rằng: phương cách duy nhất làm lợi cho mọi người là Đường Chúa dẫn đi. 

Trong tin tưởng vào Đường Chúa dẫn đi, ta chung vui góp giọng cùng lời ca hôm trước:

            “ Cho tôi được một lần
            Nhìn quê hương đợi sáng
            Một lần nhân nghĩa sống lên ngôi
            Người người cùng chung vui một lối
            Đời thôi không lừa dối
            Vì đã yêu thương rồi”
(Bảo Thu- Cho Tôi Được Một Lần)

Đúng thế. Khi, người người cùng chung một lối- lối sống, lối nhìn sự việc – thì đời người sẽ “thôi không lừa dối”, mà là yêu thương. Yêu, như Chúa vẫn dạy. Yêu, khi “chia nhau nụ cười”, và “ an ủi lúc khổ đau”. Yêu, bằng tình đằm thắm. Rất thân thương. 

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn – Mai Tá lược dịch.

Tuesday 16 June 2020

Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi Năm A 070620


Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai.
Buồm trắng phất-phơ như cuống lá,
Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ga 3: 16-18

Lòng nhà thơ, mới chỉ ngát rộng bằng những hai thôi, mà đã có gió lùa ánh sáng, vô trong bãi. Có trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai. Có buồm trắng phất phơ như cuống lá. Tình nhà Đạo, cũng rộng ngát cả triệu lần, là vì Thần Khí sáng soi để dân con cảm nghiệm được nhiệm tích Ba Ngôi rất thánh của Đức Chúa. 

Hội lễ hôm nay, dân con nhà Đạo hân hoan mừng Chúa Ba Ngôi, rất long trọng. Toàn thế giới, hiện có tới ba tôn giáo cùng thờ một Đức Chúa, là: đạo Do thái, Đạo Chúa Kitô và đạo Hồi. Cả ba đạo này đều thờ chỉ một Chúa. Nhưng, chỉ Đạo Chúa Kitô tin xác tín rằng Ngài có Ba Ngôi. Bằng vào xác tín này, mọi nghi thức phụng vụ của Hội thánh đều có lời tuyên xưng nguyện cầu lên Ba Ngôi: Đức Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Đấng đều cùng một Chúa, và thực tế: phụng vụ Hội thánh được thiết lập là dựa lên niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, như: lễ Giáng Sinh, phụng vụ nhấn mạnh đến công cuộc tạo dựng. Lễ Phục Sinh, lại đề cập về ơn cứu độ. Và, lễ Ngũ Tuần, phụng vụ tập trung vào chủ đề thánh hoá con dân. 

Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, phụng vụ tóm kết ý nghĩa thần học trọn cả năm.
Nhưng, vấn đề là: Hội thánh tóm kết như thế để làm gì? Phải chăng chỉ mỗi Chúa Cha, mới đích thực là Thiên Chúa? Còn, Đức Giêsu, Đấng xuống thế cứu chuộc loài người, có là Thiên Chúa, không? Ý niệm về Chúa Thánh Thần đã diễn tả đủ đặc trưng của Thiên Chúa, chưa? Và, có phải cả Ba Đấng tuy là ba “Ngôi Vị” nhưng chỉ một Thiên Chúa thôi, không? Tại sao các đấng bậc lại cứ hay sử dụng các hình ảnh phàm trần đầy tưởng tượng như ảnh tượng: Cụ Già tóc bạc phải là Chúa Cha, Đấng thanh niên trẻ khoẻ bị chết treo trên thập giá, là Chúa Con? Và, hình tượng chim câu bay lượn trên không là Chúa Thánh Thần. Diễn tả như thế, có xứng hợp với niềm tin ta vẫn có, chăng?

Năm 325, bằng vào Công Đồng Nicea – Iznik họp ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hội thánh đã chính thức tuyên xưng để con dân mình tin Đức Giêsu Kitô đích thực là Thiên Chúa. Và năm 381, Công Đồng nhóm họp tại Constantinople –tức Istanbul bây giờ- đã chính thức tuyên xưng niềm tin vào tính Thiên Chúa của Thánh Thần Ngài. Đó cũng là lúc mà tín điều Chúa Ba Ngôi đã thật sự thành hiện thực. Nói cách khác, ở các thế kỷ đầu đời của Giáo hội, tín điều Chúa Ba Ngôi mới được công bố cách rõ ràng và minh nhiên. Tức, để làm việc này, Hội thánh vẫn cần thời gian để ta suy tư về thiên tính của Đức Giêsu và xác chứng việc Ngài đã làm, đến bây giờ.

Phải đến thế kỷ thứ 9, Hội thánh mới có quyết định yêu cầu dân con Đạo mình mừng kính Chúa Ba Ngôi. Và mãi đến thế kỷ thứ 14, thì việc mừng kính lễ này mới công khai trải rộng khắp hoàn cầu. Muốn hiểu tại sao lại thế, có lẽ cũng nên phân định xem khái niệm về “Ngôi thứ” có nghĩa gì? “Ngôi thứ” ở đây, không là bản thể tách rời, biệt lập chỉ chuyên thực thi mỗi vai trò của mình, thôi. Nếu chỉ có khái niệm về ngôi thứ mà thôi, ta chẳng thể nào nói rõ hơn về Ba Ngôi của Thiên Chúa, mà chỉ nói về 3 vị thần, tuyệt nhiên không Thiên Chúa, rất Ba Ngôi. “Ngôi thứ” mà Hội thánh muốn minh xác, chính là bản thể có quan hệ hiệp thông với các Ngôi kia. Và, đây đích thực là khái niệm lớp lang/qui củ về “ngôi thứ”, cho nên ta phải khởi sự kiến tạo ý nghĩa cho khái niệm ấy.

Xem như thế, Ba Ngôi gồm các ngôi thứ có quan hệ mật thiết với nhau bằng hiệp thông chính đáng. Vì có Ngôi thứ có quan hệ với nhau, nên Ba Ngôi cùng hiện hữu. Không tách rời nhau bao giờ. Tức, Ba Ngôi luôn hiện diện trong tương quan không thể xa cách. Và, sự hiện hữu của Ba Ngôi là hiện hữu của “vũ điệu” tươi vui cùng với các Ngôi kia, luôn luôn hiện diện trong nhau mà không tách rời, biệt lập. Và như thế, nơi Thiên Chúa luôn có sự hiệp thông miên trường giữa các Ngôi. Hiệp thông, là có quan hệ toàn hảo. Trọn vẹn. 

Là con người, nhiều lúc ta vẫn muốn sử dụng hình tượng để dễ hiểu. Một trong các hình tượng có lẽ tượng hình hơn cả, là so sánh với hôn nhân, hoặc gia đình. Thế nhưng, so sánh và diễn tả như thế vẫn có khó khăn và nguy hiểm là người người hay liên tưởng đến hệ thống chính trị, xã hội, nên đương nhiên là các hệ thống như thế không tránh khỏi một số tình huống có những chuyện gia đình, nội bộ mà ta sống không thể nào xứng hợp với sự thể về Chúa Ba Ngôi luôn hiệp thông mật thiết. Tốt đẹp. Vĩnh cửu. 

Đôi lúc các giải thích và so sánh có khi còn phản tác dụng nữa, là khác. Phản tác dụng, tức nghịch chống lại ý nghĩa mà chính người giải thích muốn nói về nhiệm tích Ba Ngôi Chúa là chỉ một Chúa những Ba Ngôi, nhưng không nói được bằng lời và lẽ được. Đằng khác, diễn tả bằng hình tượng không cho thấy mối quan hệ rất hỗ tương. Miên trường. Cũng chẳng tỏ cho thấy sự hiệp thông đích đáng giữa các Ngôi của Thiên Chúa. Có khi còn dẫn đến động thái độc thoại và/hoặc không chế, cãi tranh, tủi hổ.

Niềm tin vào Chúa Ba Ngôi là như ánh sáng chói chang soi rọi bóng tối đang bao trùm thế giới. Và chính đầu óc của thế giới còn tối tăm nên không thể giúp người người lặn ngụp trong đó có thể hiểu được bản chất rất Ba Ngôi được. Chính vì lý do này, ta chỉ có thể nhìn vào bên trong nội tâm của bản thể mình mới hy vọng có được một vài tia soi sáng về bản tính rất Ba Ngôi. Bởi, khi ta suy nghĩ và thương yêu, thì những gì đang xảy ra bên trong con người của ta mới phản ánh và phản ảnh điều xảy đến với Ba Ngôi Đức Chúa.

Ngôi Hai là Chúa Con được gọi là Ngôi Lời của Chúa, tức Tư Tưởng Chúa. Còn, Ngôi Ba ở Ba Ngôi là Thánh Thần được gọi là Tình Yêu Chúa hoặc chính Hơi Thở của Ngài. Bên trong mỗi người chúng ta, tư tưởng sâu lắng hoặc xác tín đậm sâu nhất là điều rất gần cận để bảo cho biết ta là ai, và chính điều ấy làm ta trở nên chính ta. Tức, cho biết ta là ai. Ta không thể là chính mình nếu không có nó. Lời đậm sâu bên trong Đức Chúa vẫn có với Chúa, trong Chúa. Và, là chính Chúa. 

Thiên Chúa sẽ không là Chúa, nếu không có Lời.
Bên trong của ta, tình thương yêu đậm sâu nhất giải nghĩa chính tư cách của ta. Cho ta bản chất của chính mình. Và như thế, đó là đặc thù “bản vị” của ta. Ta không thể là mình được, nếu không mang đặc thù ấy. Cũng như vậy, Tình yêu đâm sâu bên trong của Đức Chúa đích thực là Thánh Thần là Chúa trở thành bản chất của Đức Chúa rất thương yêu. Thiên Chúa sẽ chẳng là Chúa nếu không có Thánh Thần Tình Yêu ấy.

Ở nơi Thiên Chúa, có bao nhiêu Ngôi thứ? Thường thì, ta bảo là có tất cả là “3”. Nhưng, theo thiển nghĩ, con số ấy sẽ nhiều hơn “3”. Thiên Chúa đã gửi Lời Ngài và Thánh Thần Tình Yêu của Ngài đến với ta. Sống trong ta. Để ta sống và hiện hữu, ở nơi Chúa. Và, cả ta nữa, vẫn cùng sống với Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần Chúa, là Ba Ngôi thứ. Ba Ngôi không chỉ là các Ngôi rất thánh, ở trong Chúa. Mà, Ba Ngôi ở trong ta và ta ở trong cả Ba Ngôi nữa. Ta lại đã trở thành các “Ngôi thứ” bằng vào việc sống ở trong Ngài. Ta sống với các Ngôi thứ thánh thiêng, trong Chúa.

Đặc biệt trong hiệp thông rất thánh thiêng, nguyện cầu tư riêng của chính mình, mà ta được mời gọi để trải nghiệm nhiệm tích này. Bởi thế nên, Lễ rất thánh hôm nay cũng là hội lễ của hiệp thông rất thánh, nơi ta. Và cũng là tất cả thời khắc ta nguyện cầu, rất tư riêng. Sự hiện diện thường xuyên còn gọi là “cắm lều” của Chúa Ba Ngôi ở trong ta, còn có ý nghĩa là ta hạnh phúc. Phúc đây, là phúc và hạnh mà Ba Ngôi rất thánh thiêng đang vui hưởng.
Tác giả Meister Eckhart từng viết lên cảm nhận đặc biệt, nói rằng: “Khi Thiên Chúa cười vào linh hồn và linh hồn cười lại vào với Thiên Chúa, các Ngôi ở nơi Chúa đã được hạ sinh. Nói theo cách cường điệu, thì khi Chúa Cha cười với Chúa Con và Chúa Con cười lại với Chúa Cha, thì nụ cười đã tạo vui thích. Vui thích tạo hỷ hoan. Hoan hỷ tạo Thương Yêu. Yêu Thương tạo Ngôi thứ Ba Ngôi Chúa, có Thánh Thần Chúa vẫn là Một.”
Qua thông hiểu những điều vừa suy tưởng, cũng nên ngâm thêm lời thơ còn dang dở, rằng:

“Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng,
Một vũng cô liêu cũ vạn đời!
Chao ôi ghê quá! Chao ôi ghê quá!
Cảm thấy hồn tôi, ớn lạnh rồi!”
(Hàn Mặc Tử - Cô Liêu)

Nhà thơ đời, kêu như thế. Vẫn kêu thế. Kêu “gớm ghê” vì đời mình cô liêu. Trăm chiều. Rất “ghê quá”. Thi sĩ Đạo, suy tưởng nhiều nên đâu thấy gì là “ghê quá”. Chỉ biết hiệp thông rồi sẽ thương yêu. Yêu chiều. Rất trăm bề. Như Tình Chúa Ba Ngôi rất yêu dân con Chúa như tình yêu của Chúa Ba Ngôi ta vẫn tin và vẫn yêu, nhiều thời buổi. Của đời người. Cũng rất người.

Lm Kevin O'Shea DCCT biên soạn
Mai Tá lược dịch